Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 8, 2017

Chuyện chú tôi – “Morin” Nguyễn Văn Yến

Hồi ức Nguyễn Tuyết Lộc


Sau một năm đi “lính kiểng”, anh Nguyễn Văn Thạch tôi nghe lời anh Hai về tiếp tục việc học. Chuyện anh đi lính kiểng thật buồn cười. Khi đi thi thành chung, anh mới mười sáu tuổi, sau đó để đạt được giấc mơ nhập ngũ của tuổi teen, anh khai thành mười tám tuổi. Bấy giờ cậu Nguyễn Ngọc Lễ – em nuôi của Ba Mẹ, sau này là trung tướng Nguyễn Ngọc Lễ (quân đội Việt Nam Cộng Hòa) – đỡ đầu và khuyên anh vào ngành truyền tin, tránh ra chiến trường đánh đấm với một địch thủ mà chắc anh chẳng hiểu rõ mô tê và chẳng thù oán chi...

Ngày nào cũng như ngày đó, anh Thạch ngồi trước máy tập đánh chữ morse tích tích tích tè tè tè… Anh bắt đầu phàn nàn tưởng đi lính được làm hảo hán trên sa trường, ai ngờ…, nên khi anh Hai bảo về học tiếp, anh bèn từ giã máy truyền tin ngay không tiếc nuối. Giấc mộng chiến đấu hào hùng phảng phất hơi hướm của nhân vật Dũng trong tiểu thuyết Đoạn tuyệt Đôi bạn của Nhất Linh của thế hệ anh chấm dứt từ đó. Vì trễ một năm nên anh Hai – đang dạy ở Lycée Khải Định – cấp tốc dạy “dồn lớp” cho anh Thạch.

Anh Thạch học chương trình đệ tam, đệ nhị trong một năm và thi đậu tú tài bán phần; học xong lớp đệ nhất, đỗ ngay tú tài toàn phần; anh thi tiếp bourse Bảo Đại và du học Pháp. Như vậy chỉ trong hai năm, anh Thạch học chương trình mà một học sinh bình thường phải học mất ba năm. Anh Hai thương em, cái gì cũng muốn dồn hết vào đầu em. Anh Thạch học môn toán đã căng thẳng mà anh Hai tính vốn rất nóng, nên không khí học và dạy của hai anh em lại càng căng hơn nữa. Anh Thạch rất có ý chí học tập. Một bài toán anh giải đi giải lại cho đến khi nào đạt thời gian nhanh nhất và tìm ra nhiều cách giải khác nhau. Anh Hai bảo đọc đề toán xong là phải giải liền không được nghĩ ngợi nhiều tốn thời gian. Sau này anh Thạch đỗ tiến sĩ Vật Lý ở Đại học Grenoble – Pháp, ngoài công sức của bản thân thì kết quả học tập của anh Thạch là nhờ ở công phu dạy dỗ và tình thương, lòng tận tuỵ của anh Hai với em.

Vào thời gian này, 1955, đại gia đình tôi từ 23 đường Âm Hồn – Thành Nội – chuyển sang thuê nhà gần Kho Rèn còn gọi là khu Nhà Đèn ở đường Lý Thường Kiệt, cách nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế vài trăm mét. Nhà rộng mênh mông, cây cối um tùm, nhiều phòng lớn nhỏ lại có thêm một dãy nhà ngang dành riêng cho gia nhân. Đây là biệt thự của một người Pháp để lại. Hai vợ chồng bác Tủn giúp việc cho đại gia đình tôi, vợ thì bếp núc, chồng làm vườn và những việc linh tinh khác. Họ ở chung với mẹ già và hai đứa con nhỏ. Mẹ tôi thấy họ chân chất, thật thà nên đồng ý để họ ở lại trong nhà luôn. Họ là người công giáo di cư từ Bắc vào năm 1954. Tôi là con em Gia đình Phật tử, nhưng tối nào cũng xuống xem họ đọc kinh trước giờ ngủ cùng với một số người hàng xóm. Tôi cũng bắt chước đọc kinh theo nên thuộc khá nhiều kinh nhà thờ. Đại khái như “Kính mừng Maria Đức Mẹ Chúa Trời cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen!. Những lời kinh “ngoại giáo” cũng ăn sâu vào tiềm thức tuổi thơ của tôi, trong khi tôi vẫn theo mẹ hứng khởi tụng “Đệ tử chúng con từ vô thủy, gây bao tội ác bởi lầm mê, đắm trong sinh tử đã bao lần, nay đến trước Đài Vô Thượng Giác…”.

Không bao lâu anh Hai được cử làm Hiệu trưởng trường Quốc Học nên chuyển vào ở trong khuôn viên trường. Đó cũng là lúc chú Nguyễn Văn Yến muốn báo đáp ân nghĩa sâu nặng của ông bà nội và ba mẹ tôi nên “vừa bán vừa cho” Ba Mẹ và gia đình anh Hai ngôi biệt thự xinh xắn với giàn “ti gôn hoa dáng như tim vỡ” bao quanh tường nhà ở địa chỉ 6 và 8 Lê Đình Dương, ngay đầu ngã tư Lê Lợi và Lê Đình Dương, chỉ cách cầu Tràng Tiền và Morin hai, ba trăm mét. Sát tường nhà gia đình tôi là Culturelle Françaises (nay là 15A Lê Lợi) rồi đến Cercle.

Ngay những ngày đầu tháng 4 năm 1975, Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Huế và đại tá Giàu từ Bắc vào đã “tiếp thu” ngôi nhà này vì anh Hai tôi di tản qua Mỹ và Ba Mẹ tôi vào Sài Gòn. Nhiều năm sau, tôi nghe nói khu nhà gia đình tôi cùng với những dãy nhà kế tiếp đã bị chính quyền thành phố Huế cho san bằng – từ ngã tư Lê Lợi, Lê Đình Dương (nay là Phạm Hồng Thái) cho đến sát bờ sông Hương và hiện Tổng Công ty Phương Nam thuê lại đất, mở nhà sách Phương Nam và làm nơi trình bày những sản phẩm của các làng nghề Huế.

Nằm ngay trên ba con đường chính phía hữu ngạn sông Hương: Hùng Vương (từ cầu Tràng Tiền xuống An Cựu), Lê Lợi (từ Cầu Ga đến cầu Đập Đá) và Hoàng Hoa Thám (thẳng góc Lê Lợi đến Dòng Chúa Cứu Thế) là một thương xá phức hợp lớn nhất Huế: Morin - Nguyễn Văn Yến. Cái tên của chú tôi gắn liền với ông Morin như một định mệnh, từ đó mà chú tôi có tất cả và cũng từ đó mất tất cả.

Theo lời Ba Mẹ tôi thì cha của chú Yến là người Hoa họ Vương, mẹ chú – mụ Vàng, người Việt. Hai vợ chồng mụ đông con, là người giúp việc thân cận, lâu năm cho ông bà nội tôi. Vì ông bà nội chỉ có Ba tôi là con trai duy nhất nên xin chú Yến làm con nuôi để Ba có em, có bạn và cải họ Vương của chú thành họ Nguyễn – Nguyễn Văn Yến. Ông nội giàu có, trước khi mất để tiền bạc của cải cho con cái, trong đó có phần cho chú Yến, thậm chí ông nội nói sau này thế nào chú Yến cũng sẽ làm nên sự nghiệp, thành đạt về kinh tế.

Mọi việc quả như ông nội dự đoán, ban đầu chú thu thuế ở chợ An Cựu, sau đến chợ Đông Ba, cuối cùng chú may mắn lọt vào mắt xanh của ông Morin và được ông thâu nhận làm thư ký riêng. Ông Morin từng tham gia quân đội Pháp, sau khi giải ngũ, ông ta chọn ở lại Việt Nam lập nghiệp và trở thành chủ khách sạn Morin. Chú Yến làm việc cần mẫn, ngày càng được chủ tin cậy.

Jean Despierres miêu tả khách sạn Morin như sau: “... Phía bên kia sông Hương, có cầu Clémenceau bắc qua, là khu phố người Âu, với các khu nhà hành chính (dinh Khâm sứ, cơ quan công chính, Tòa thị chính), các trường tiểu học, trung học, bệnh viện, nhà thờ, đài tưởng niệm, đặc biệt là khách sạn Morin, trung tâm của cuộc sống quan chức thuộc địa, nơi tổ chức các cuộc gặp gỡ với nhiều nhân vật quan trọng và nổi tiếng. Trong sổ vàng khách sạn vẫn còn giữ bút tích và chữ ký của những nhân vật nổi tiếng như nguyên soái Joffre và Foche, André Malraux, Sylvain Lévy, Léopold Cadière, Pierre Pasquier, Catroux, Paul Reynaud, Charlie Chaplin…” (Đông Dương Xưa (L'Indochine d'Antan), Hà Nội: Giáo dục, 2010, tr. 68-69).

imageKhách sạn Morin Frères

image

Phòng chiếu phim trong khu khách sạn Morin Frères


Chính anh em nhà Morin là những người đầu tiên phát hiện Huế là vùng đất du lịch và để lại ở xứ Thần kinh một công trình xinh đẹp, hiện đại nằm trong lòng một Huế cổ kính.

Năm 1954, sau hiệp định Genève chia đôi đất nước, ông Morin giao chú Yến quản lý khách sạn. Khi ông bà Morin qua đời tại Huế, chú là người kế thừa và từ đó khách sạn có tên Morin- Nguyễn Văn Yến.

Khu thương xá Morin bao gồm rạp chiếu phim, dancing, khách sạn, riêng khu vực trưng bày thời trang chiếm một dãy dài ngay mặt tiền đường Lê Lợi, rực rỡ, sang trọng, đối diện bên kia đường là Đài Phát thanh Huế. Đây là nơi dành riêng cho thím Yến trông nom. Thật ra thím Yến có mặt để khách vào nhìn ngắm thím hơn là mua sắm. Áo quần, kim cương làm cho thím từ một phụ nữ chân chất, ít học, trở nên xinh đẹp, sang trọng hẳn. Tóc thím luôn búi cao, cài trâm gắn hột xoàn, đôi mắt sâu, to như mắt các cô gái Trung Đông. Thím luôn mặc áo dài gấm, cổ cao, khi thì đeo kiềng, khi thì dây chuyền tượng Phật, hột xoàn lấp lánh. Thím ít nói, miệng nhai trầu, nhưng không nhuộm răng đen. Thím ngồi trên sập gụ chạm trổ hoa lá. Khách vào mua sắm hầu hết là người nước ngoài hoặc phu nhân các vị tướng lãnh, quan chức đầu não của thành phố. Có lẽ không bao giờ thím Yến và những người từng trầm trồ, ái mộ, ghen tị với thím lường được số phận bi kịch của gia đình chú thím chủ yếu lại đến từ chính điều kiện may mắn và xa hoa hơn người này.

Chung quanh khu Morin, các cửa hàng kinh doanh, uốn tóc, lớp dạy thêu máy Đại Lượng, tiệm chụp ảnh Đông Anh, trường tư thục đệ nhất cấp Bồ Đề, nhà sách Uyên Bác. Trước đây, thầy Lê Quang Vịnh giảng dạy ở trường Bán Công, là trường anh Hai tôi thành lập, rồi vào Sài Gòn dạy và mỗi lần về Huế, ông thường ghé tiệm sách Uyên Bác. Nhiều học sinh cũ nghe đồn thầy “ngưỡng mộ” chị Lục Hà, là ca sĩ Hà Thanh của Đài Phát thanh Huế – con gái của ông chủ tiệm sách – nên rủ rê nhau lén theo “rình thầy”. Còn “love story” giữa hai con người có tên tuổi này thực hư ra sao thì có lẽ chỉ thầy Lê Quang Vịnh mới xác nhận được.

Chú Yến đẹp mã theo kiểu các doanh nhân một thời. Người lúc nào trông cũng thơm tho, bảnh bao, không cao lắm, không tròn quay bụng phệ như những người Hoa khác mà tôi thấy. Chú để đầu trọc như Yul Brynner, ngôi sao màn bạc Mỹ trong phim Le Roi et Moi. Những chiếc răng mạ vàng làm cho nụ cười của chú thêm phần rạng rỡ, đúng model “cười lên đi cho răng vàng lấp lánh”. Da chú trắng hồng, đôi mắt đeo kiếng trắng, gọng vàng, khuôn mặt sáng, thông minh. Chú lịch thiệp, thường trực tiếp lo việc tiếp tân các vị khách sang trọng Tây và Ta. Chú không theo học một trường lớp quản lý kinh tế nào, nhưng trong chú có sẵn dòng máu Hoa giỏi về thương trường, kinh doanh mua bán. Mọi việc đều do chú quản lý, từ điều động nhân sự đến việc thu chi ông Morin đều nhờ một tay chú, xem chú là cánh tay mặt không thể thiếu. Trước khi mất, ông Morin đã giao cho chú làm chủ tài sản to lớn đó và chú vẫn bao thầu thuế chợ Đông Ba.

Có vài lần tôi lẽo đẽo theo chú Hiền, người được phân công thu thuế ở chợ Đông Ba, chơi. Mỗi sáng chú cầm một xấp giấy nhỏ được đóng mộc xanh, chú xé từng tờ quẹt lớp hồ mỏng rồi ịn mạnh vào những chiếc nón rách tươm của người bán hàng đang ngồi bệt dưới đất, trước mặt họ là mủng rau cà hay tôm cá. Họ ngước đầu lên:

-Mới sáng sớm chưa bán được chi hết chú ơi, có tiền mô mà dán.

Chú Hiền nạt:

-Dán trước, chút trở lại lấy tiền. Mệt ghê, ngày mô cũng than. Mạt thiệt!

Tiếng hay ca cẩm của bà con buôn thúng bán bưng không lạ gì, nhưng nhìn cảnh cơ cực của họ, trái tim con trẻ không thể không nhói đau. Từ đó tôi không theo chú ra chợ nữa.

Chú Hiền tiếp tục dán hết nón những người bán hàng ngồi ngoài trời rồi vào trong lồng chợ dán một loại thuế khác. Tất cả thuế này đều đưa về cho chú Yến hằng ngày, phần nhiều là tiền cắc, tiền rách, chú sẽ cho người vào kho bạc đổi thành tiền chẵn.

Nhà chú Yến và nhà Ba Mẹ tôi cùng con đường Lê Lợi, chỉ cách một công viên xinh xắn, rồi tới khu Công chánh. Hằng năm khi trời vào thu, công viên phủ đầy lá vàng. Sau giờ tan lớp, từ trường trung học đệ nhất cấp Bồ Đề, tôi thường ôm cặp vào công viên này, giẫm trên tấm thảm lá ẩm ướt, thơ thẩn vài vòng, cho con đường về nhà quá ngắn đó trở nên dài hơn chút nữa, để mùi thơm ngất ngây của cây lá, của hương thu ướp vào tóc, vào áo quần, vào da thịt, hít thật sâu vào hai buồng phổi nhỏ bé cái hơi lạnh của gió sang mùa, cho đến khi cảm thấy hả hê rồi mới chậm rãi về nhà.

Chú thím có hai con gái là Tuyết Hồng (sau đổi tên Thanh Ngọc) và Tuyết Thu. Chú còn nhận thêm hai con nuôi, một gái, một trai là Tuyết Ngọc và Thanh Hoàng. Các con của chú sống sung sướng như công nương công tử. Mỗi lần lên Morin, tôi giống con chuột nhỏ tí, chạy khắp nơi, hết vào rạp chiếu phim lại chạy lên lầu thượng, nơi chú nuôi những loại chim quý trong lồng và trồng những kỳ hoa dị thảo, đi xem phim luôn được ngồi ghế thượng hạng chẳng mất tiền mua vé. Anh Thạch tôi còn dẫn bạn vào xem nữa. Không như những rạp khác ở Huế như Châu Tinh, Lido, hay Tân Tân, Hưng Đạo chiếu theo xuất, mỗi xuất 2 giờ, rạp Morin chiếu permanent trên màn ảnh rộng lớn gọi là đại vĩ tuyến (cinemascope) nên tha hồ xem khi nào chán thì về, thuộc lòng chuyện phim và đời tư tài tử xi nê còn hơn thuộc bài. Tôi sưu tầm những tờ program đóng thành từng tập, theo thể loại phim; không đi xem cũng lấy tờ rơi về cất giữ.

Chủ nhật hay ngày lễ tôi thường lên chơi với Tuyết Hồng và Tuyết Thu. Chúng tôi chỉ hơn nhau vài ba tuổi nên dễ thân thiện. Cầu thang được trải bằng thảm màu bordeaux rượu chát, trên lầu trải thảm hoa, phòng nào cũng rộng lớn. Hồng và Thu có vô số đồ chơi của Pháp rất đẹp. Thu cùng tuổi với tôi nhưng tính cách còn ham vui, học hành không xuất sắc lắm. Hồng lớn hơn tôi mấy tuổi, thích vẽ. Hồng thường lấy ảnh ngôi sao màn bạc nước ngoài gạch ca rô, rồi vẽ phóng to lên ở giấy croquis bằng bút chì. Sau này tôi bắt chước Hồng vẽ treo trong phòng ngủ, nào là Liz Taylor, Pierre Angélie, James Dean… Hồng được nhiều thanh niên ngưỡng mộ, khi nào cũng có bóng dáng vài chàng đứng dưới đường ngước cổ nhìn lên cửa sổ lầu trên, nơi nàng hay xuất hiện. Tóc Hồng để dài ngang vai, thường gọi là tóc thề, xinh đẹp, con nhà giàu, lãng mạn. Không lãng mạn sao được khi Hồng học đệ nhất trường Quốc Học, cô nàng đã cố ý không thi vào đại học, chờ người yêu là Mai Duy Trung đang học lớp đệ tam lên đệ nhất để cùng thi với nhau, nhưng rồi lấy xong bằng tú tài toàn phần Hồng nghỉ ở nhà còn Trung tiếp tục vào Đại học Sư phạm Pháp văn, ra trường Trung dạy ở trường Kiểu Mẫu. Đây là một cặp tình nhân đẹp đôi, đáng yêu, chuyện tình của họ một thời nổi tiếng ở Huế.

Tai họa bỗng ập lên gia đình chú Yến vào gần cuối năm 1957. Chú bị Ngô Đình Cẩn ra lệnh bắt với tội danh “liên lạc, làm tay sai cho Pháp”. Với Ngô Đình Cẩn, khi muốn bắt ai thì việc gán ép tội danh là chuyện không lạ gì. Biết bao nhiêu người làm ăn tử tế sa vào cạm bẫy ác ôn của một thứ sứ quân đang phất lên như diều gặp gió ở miền Trung. Ông Phan Văn Thí, chủ tiệm buôn Đức Sinh ở 77 đường Trần Hưng Đạo, bị bắt và bị tra tấn tàn nhẫn. Ông Nguyễn Đắc Phương là thầu khoán, bị vu cáo chứa thuốc phiện lậu và làm gián điệp cho Pháp, nghe đồn bị xô từ lầu cao xuống. Ông Trần Bá Nam cũng thầu khoán bị chặn bắt trên đường đi Savanakhet về Huế và bị gán tội làm gián điệp cho Pháp, bị tra khảo, đánh đập đến chết. Ông Bửu Bang, chủ tiệm Rồng Vàng ở 105 Trần Hưng Đạo bị bắt giam ở Chín Hầm. Ngay cả ông chủ tiệm sách Nam Hưng là ông Lê Văn Châu ở 125 Trần Hưng Đạo cũng bị bắt…

Trò vu cáo, đàn áp vì mục đích chính trị và lấy bộ mặt chính trị để cướp của, cướp mối hàng hoặc cơ sở làm ăn của nhau xưa nay không có chi lạ, gia đình họ Ngô không phải là một ngoại lệ. Có khi người sau học kinh nghiệm bất nhân của người trước còn ghê gớm hiểm độc hơn nữa. Điều mỉa mai nhất là cái tội “làm tay sai cho người Pháp” mà anh em Ngô Đình Diệm gán ghép, chụp mũ cho nạn nhân của mình lại chính là những hoạt động, hành trạng mà dòng họ Ngô từng công khai xem là vinh dự của chính dòng họ mình để phục vụ quan thầy là thực dân Pháp.

Nếu giở lại các trang lịch sử thời Pháp thuộc rồi lật qua trang sử cộng sản ngày nay, và đọ chiếu với chính sách ức chế chuyện làm ăn, kinh doanh của giới tư sản Việt thời anh em nhà họ Ngô, chúng ta mới ngộ ra rằng dù mục đích có khác nhau, chủ trương, giáo điều nghịch nhau, hoá ra quyền lực Tây Ta đều là những “đao phủ thủ” của tầng lớp tư sản Việt Nam mới chật vật nổi lên, đặc biệt là những người dám cả gan ganh đua, thách đố với họ. Xét về bản chất và hậu quả, những vụ giành ăn, cướp của riêng của Ngô Đình Cẩn ở Huế và miền Trung cũng gợi tới màn trình diễn “cải tạo công thương nghiệp”của chính quyền cộng sản sau 1975 làm bao người làm ăn chân chính trên một vùng đất nghèo khổ, sống dở chết dở.

Quay trở lại những trang bất nhân của Ngô Đình Cẩn đối với các nạn nhân, mà qua thông tin của người lớn, phụ huynh và do quan hệ thân nhân, tôi biết khá cụ thể. Thay cho những cảm xúc có khi chủ quan, xin được dẫn chứng cung cách truy tội, chụp mũ – đạt mức “vô hậu kế đợi” theo cách nói của người Huế – của đám đệ tử chế độ Ngô Đình qua lời khai của ông Phan Quang Đông (ông này bị bắt năm 1963 và bị chính quyền Sài Gòn tử hình năm 1964).

Sau khi lãnh chỉ thị ông Cẩn, tôi sang lầu Hòa Bình gặp ông Tống Văn Đen, ông ấy bị câu lưu và khai thác từ 9-10 ngày rồi nhưng chưa khai báo gì. Thuyết phục không được, tôi nghĩ tới việc bố trí một cuộc thủ tiêu giả tạo để áp đảo tinh thần ông Tống Văn Đen. Vì quá sợ, ông Tống Văn Đen khai có nhận làm gián điệp cho Pháp, có nhận thư của hai tên Pháp ở Nhà Đèn Huế, giao lại cho hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến. Tôi cho ông Đen làm tờ khai xong, vào gặpông Cẩn để trình bày về kết quả khai thác. Ông Cẩn lộ vẻ vui mừng, chỉ thị bắt hai ông Phan Văn Thí và Nguyễn Văn Yến vào, bảo tôi “hai người đó làm kinh tài, khai thác cho được”.

Do đó, Ty Cảnh Sát Huế phụ trách việc bắt và khám nhà hai ông Thí và Yến, nhưng không bắt gặp được một tài liệu gì về hoạt động gián điệp của họ cả. (Tôi nhấn mạnh – NTL).

Bằng vào lời khai của ông Đen, tôi hỏi ông Thí có nhận thơ hai người Pháp ở Nhà Đèn do ông Đen đưa lại không, ông Thí phủ nhận. Tôi dùng biện pháp mạnh như tra điện, cho uống nước dơ do Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế đảm nhận liên tiếp trong một tuần, cuối cùng ông Thí nhìn nhận có nhận thơ của hai người Pháp ở Nhà Đèn Huế, và làm kinh tài cho tổ chức gián điệp Pháp, và còn khai thác mấy ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm ở Đà Nẵng. Có lẽ vì bị đau quá nên ông ấy khai tên những người quen biết. Tôi cho làm bản khai xong trình lên cho ông Cẩn.

Riêng ông Yến cũng bị bắt một lần với ông Thí do Nha An Ninh Quân Đội nhận hàng đầu khoảng một, hai tháng gì đó, kết quả khai thác như thế nào không rõ, thì ông Yến đưa sang cho tôi làm tại lầu Hòa Bình. Tôi căn cứ vào lời khai ông Thí để thẩm vấn, ông Yến không chịu nhìn nhận gì hết, tôi phải dùng đến những biện pháp mạnh, như ngó đèn 500Watt, tra điện trong mấy ngày, ông Yến mới chịu nhận có làm gián điệp cho Pháp. Tôi giao cho Nguyễn Văn Trị và Bùi Kế hướng dẫn cho ông Yến làm bản khai, căn cứ theo lời khai của ông Thí, cũng như ông Thí trong thời gian lấy lời khai ông Yến cũng phải chịu những cực hình

Ngay sau khi ông Thí khai ba người là các ông Võ Văn Quế, Châu Đình Chương và Nguyễn Văn Nhiệm, đối với ông Chương và ông Nhiệm tôi đặt giả thuyết làm kinh tài, còn riêng ông Võ Văn Quế là một cựu nhân viên Công an Pháp chuyên môn về tình báo, tôi nghĩ rằng trong tổ chức kinh tài có cả tình báo nữa; nên tôi bảo nhân viên, không những khai thác về kinh tài mà còn chú trọng khai thác về tình báo nữa. Bằng vào lời khai của các nạn nhân trên kết hợp với sự suy nghĩ của tôi, tôi hệ thống hóa thành tổ chức kinh tài và gián điệp Pháp, xin chỉ thị của ông Cẩn để lần lượt bắt một số người gồm đủ các giới, quân nhân, công chức thương gia. Những người này bị bắt, vì tra đánh quá sức không chịu đựng được, nên mới khai những người mình quen biết, do đó con số người dính líu vào vụ gọi là gián điệp Pháp, càng ngày càng tăng bao trùm hết các tỉnh ở Trung phần và Sài Gòn”. (Khẩu cung Phan Quang Đông, Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I, thành phố Hồ Chí Minh).

Tôi đề nghị những ai còn chưa nhận ra bộ mặt tàn tệ, ác độc và lòng tham không đáy của Ngô Đình Cẩn, thử giải thích có cái gì liên hệ giữa những hành động trời không dung, đất không tha do chính tay chân của ông ta khai báo như trên, với cái “chính nghĩa quốc gia” mà anh em Ngô Đình vẫn cố vơ vào cho dòng họ mình!

Chú Yến bị tù, tài sản và cơ sở Morin bị Ngô Đình Cẩn tịch thu rồi cho chính quyền Sài Gòn thuê làm trường Đại học Huế. Theo lời người ta nói, sau khi thừa hưởng gia sản lớn của ông Morin, chú Yến quên ngoài mình ra còn có vị lãnh chúa miền Trung Ngô Đình Cẩn. Cẩn là một tài phiệt độc quyền buôn quế, mua bán thuốc phiện trên toàn Châu Á, qua đường Lào. Họ truyền miệng nhau: khi bầu cử tổng thống miền Nam, ai không bỏ phiếu cho ông Ngô Đình Diệm, anh của Ngô Đình Cẩn, thì Cẩn ra lệnh đánh đập, tra khảo, đổ xốt nước tiêu xay vào miệng vào mũi, hòng trấn áp những người khác chính kiến.

Với một kẻ thâm độc như Ngô Đình Cẩn, không thể có một vương quốc khác trong vương quốc Ngô Đình Cẩn. Trong khi chú Yến ở tù, Ngô Đình Cẩn cho người ép thím lên nhà Cẩn để “thẩm vấn”, cũng có tin đồn vì quá thương chồng nên thím Yến đã tự nguyện lên tận nhà ông Cậu để xin tha cho chồng. Người ta còn đồn rằng Ngô Đình Cẩn rất thích những phụ nữ đã có chồng con, đã từng đày nhiều ông chồng đi nơi khác hoặc cho thủ tiêu để quan hệ với những bà vợ mà Ngô Đình Cẩn để mắt tới. Tôi không nhớ rõ sau mấy năm thì chú được thả ra, nhưng sau khi tịch thu cơ sở Morin, gia đình chú được phân một căn hộ ở đường Trần Hưng Đạo gần rạp chiếu bóng Tân Tân.

Lúc được thả về, chú kể trong thời gian chú ở tù, Ngô Đình Cẩn cho người tra tấn đổ xà phòng vào miệng bắt uống, rồi đánh vào bụng để ói ra, rồi đổ vào nữa…, cứ thế cho đến khi ngất xỉu. Vì quá lo lắng cho chú nên thể chất tinh thần thím nhanh chóng suy sụp. Khi chú đã về nhà, sức khỏe thím vẫn chưa hồi phục.

Thím bị băng huyết được gia đình đưa lên bệnh viện Trung Ương Huế, bác sĩ chẩn đoán là thím bị trụy thai, cụ thể là thím “mang thai ngoài tử cung”. Họa vô đơn chí, sau đó không lâu thím qua đời. Đám tang của thím rất lớn, bạn hàng buôn bán chợ Đông Ba thương thím đã nghỉ một ngày để tiễn đưa. Đoàn người theo linh cữu thím đi từ phố Trần Hưng Đạo lên đến Nam Giao. Sau cái chết oan ức của vợ, chú Yến thành người nghiện rượu, tinh thần và sức khỏe ngày càng xuống dốc cho đến khi mất. Tội nghiệp Trung và Hồng phải tổ chức đám cưới chạy tang rất vội vàng.

Sau bao nhiêu thương hải tang điền, khu Morin vẫn còn dáng dấp xưa, với lối kiến trúc Pháp cổ điển giữ được không khí hoài cảm cho bao người, có lẽ cả du khách từ Paris, Marseille, biết đâu họ là con cháu của những quý ông, quý bà thực dân hay phiêu lưu một thời vang bóng. Riêng tôi, mỗi lúc hiếm hoi trở lại Huế, khi bước qua “đường xưa lối cũ” không ngăn được nỗi niềm nhớ tới những bước chân thơ ngây, tiếng cười dòn dã cùng chia sẻ với những cô em họ khả ái ngày nào, nhớ những ngày an lành, thành đạt của vợ chồng người chú quý mến, quảng đại và số phận đắng cay mà chú thím tôi phải chịu đựng trong bàn tay gian ác của cậu em út dòng Ngô Đình.

Chú Yến kính mến,

Đã sáu lăm năm qua từ khi chú nhắm mắt, chết trong tức tưởi, cháu lại có dịp thắp một nén hương cho chú. Có muộn màng lắm không, thưa chú?

Sinh thời chú không muốn làm lịch sử, không mong dính líu chi tới chuyện vua quan, lãnh chúa, chính trị chính em, nhưng số phận vốn không thiếu vinh quang – cái vinh quang của một người lao động nhờ cần mẫn, quyết chí mà lập thân thành đạt, thành công lừng lẫy một thời – đã được dành một đoạn kết không thể bi đát hơn.

Gia đình tan nát, sinh ly tử biệt, kêu trời không thấu do một tay đồng hương, đồng bào gian ác gây ra, nhưng hình ảnh chú thím vẫn được nhớ bởi bao đồng hương đồng bào trung thực, tử tế khác- quê hương mình mô phải chỉ có thiểu số ác ôn,vô hậu ni! – như một doanh nhân lương thiện, nhà tư sản dân tộc thành công và cũng là một ví dụ đau thương trong số hàng chục ngàn nạn nhân sống chết tức tưởi vì một Ngô Đình Cẩn – con hùm xám miền Trung.

Thương thay, chú đã vĩnh biệt cõi trần ai trong đắng cay, tủi hờn, không kịp chứng kiến quả báo nhãn tiền trời cao dành cho Ngô Đình Cẩn. Đánh mất cơ hội tạo dựng một quốc gia có thể có đường lối vừa chống thực dân vừa phi cộng sản, không ai khác chính Ngô Đình Diệm và chế độ của mình; họ đào mồ tiếp chôn cả sự nghiệp dòng họ chắt chiu mấy đời chỉ trong vòng không tới một năm.

Trời có mắt, quả nhiên có quả báo nhãn tiền! Xin chú đời đời an nghỉ nơi một thế giới tử tế, an lành hơn cái thế giới bất an, tàn nhẫn và vẫn tàn nhẫn, bất an cho đến bây giờ!

(Sóng Ngầm)