Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Tản mạn tháng Tư buồn

Đào Tiến Thi

Đây không phải là tháng Tư buồn nhớ cố hương của Vũ Bằng (Thương nhớ mười hai). Cũng không phải nỗi bức bối thời tiết “Tháng Tư đầu mùa hạ/ Tiết trời thật oi ả/ Tiếng dế kêu thiết tha/ Đàn muỗi bay tơi tả…” của của Tam Nguyên Yên Đổ. Đây là nỗi buồn thời thế, nỗi buồn đất nước của tôi.

Trước kia, 30-4 là ngày vui của “Bên thắng cuộc” và ngày buồn, thậm chí ngày “Quốc hận” của “Bên thua cuộc”. Như thế cũng đã đáng buồn rồi. Nay thì còn không được như thế. Nhiều người “Bên thắng cuộc” – như tôi chẳng hạn – cũng không thấy vui nữa. Vì đất nước sau “Đại thắng mùa xuân” chẳng phát triển tươi sáng như mình tưởng, trái lại lâm vào đủ thứ khủng hoảng và đến nay vẫn không có lối ra. Và một điều buồn hơn nữa là sau 40 năm thống nhất về giang sơn nhưng lòng người thì không, trái lại, càng thêm ly tán, thù hận.

Những người từ thất vọng trước chế độ CS, dần dần trở nên ghét chế độ CS, và từ ghét chế độ CS, họ ghét tất cả những gì liên quan đến CS. Tôi xót xa cho các bác, các anh chị thuộc thế hệ lão thành cách mạng miền Nam mà hiện nay đang đứng ở tuyến đầu cuộc tranh đấu bảo vệ Tổ quốc và dân chủ hóa đất nước. Trước 1975, họ đã từng trốn vào bưng biền đi kháng chiến hoặc hoạt động công khai trong phong trào thanh niên đô thị, bị bắt, bị tù đày dưới chế độ Sài Gòn thì nay lại nhiều khi là mục tiêu chỉ trích của những người chán ghét chế độ CS, coi họ là thủ phạm đã dựng lên chế độ này.

Từ ghét chế độ CS, nhiều người ghét hoặc dị ứng với tất cả những gì liên quan đến miền Bắc. Họ gán cho người miền Bắc đủ thứ xấu, nào tàn bạo, thô lỗ, nào tham lam, keo kiệt, bủn xỉn, … Hôm nọ trên mạng có anh bảo “Mọi cuộc chiến tranh đều từ miền Bắc; mọi cuộc hòa giải đều từ miền Nam”. Chắc anh ta là một người “thù Cộng” đến mù quáng. Nhưng một người khác mà tôi biết – được học hành tử tế hẳn hoi – lại ủng hộ ngay, bảo “Đúng, đúng” thì lạ quá. Ôi, thời xưa quả là có nhiều cuộc “Nam chinh” từ miền Bắc nhưng đó là những cuộc chinh chiến mở mang bờ cõi, mở đường sống cho dân tộc Việt, nhờ đó người Việt ta mới có mặt khắp trên đất miền Nam hiện nay. Lại cũng không thiếu những cuộc “Bắc tiến”. Ví như năm 1655, chúa Nguyễn tấn công ra Đàng Ngoài, chiếm giữ bảy huyện của Nghệ An trong năm năm và lúc rút bắt đi hàng ngàn thường dân đưa vào Nam khai hoang lập làng. Năm 1786, quân Tây Sơn từ Nam tiến ra Bắc để “phù Lê diệt Trịnh”, và về sau diệt cả nhà Lê (nên sử nhà Nguyễn gọi là “ngụy Tây Sơn”). Trong khoảng 1793 - 1801, từ Gia Định, Nguyễn Ánh liên tục mở các cuộc “Bắc tiến” ra vùng duyên hải miền Trung và cuối cùng ra thẳng Thăng Long (1802) chiếm toàn bộ Bắc Hà.

Từ ghét Bắc Việt về chính trị, nhiều người thành kiến sang tất cả các lĩnh vực văn hóa, phong tục, con người. Các bạn miền Nam của tôi, trong đó có những người đồng chí hiện đang cùng một lòng thương nước lo đời, ấy thế mà trong câu chuyện, nhiều khi rất hồn nhiên, họ cứ nói “Dân trong này hiền lắm”. Than ôi, cái mệnh đề “Dân trong này hiền lắm” là tự nó đã chứa cái tiền giả định “Dân ngoài ấy dữ dằn” hay một sự so sánh “ngầm”: “chứ không như dân ngoài ấy đâu”.

Không hiểu vì sao mà càng ngày người ta càng đổ mọi cái xấu xa và tội lỗi cho miền Bắc!

Đành rằng miền Bắc sau 20 năm (1955 -1975) xây dựng cái gọi là CNXH cũng tạo cho con người một số thói xấu nhất định. Ví dụ, lười biếng, dựa dẫm (do làm ăn kiểu hợp tác xã hay nông, lâm trường quốc doanh). Ví dụ, hay lý thuyết suông (do hoang tưởng về CNXH). Ví dụ, hay ăn cắp vặt (là vì một thời gian dài thuần kinh tế XHCN dẫn đến đói quá, thiếu quá, và nhất là do tài sản là “của chung” mà thực chất là vô chủ), …

Thế nhưng những cái xấu trên của người miền Bắc đâu phải là thâm căn cố đế? Từ khi du nhập kinh tế thị trường của thế giới tư bản “giãy chết” thì người miền Bắc đã thay đổi rất nhiều. Kinh tế thị trường tự nó làm thay đổi mối quan hệ giữa người với người chứ chẳng cần phải phải ai giáo dục. Cái cô mậu dịch viên của cửa hàng quốc doanh hôm nào còn đanh đá, chua ngoa, vừa bán hàng phân phối vừa mắng chửi cán bộ, viên chức thi khi ra “đứng đường” cũng biết ngon ngọt chiều khách, chứ giữ lối cửa quyền hách dịch thì ai còn mua cho? Và cho đến nay thì tôi thấy miền Nam, miền Bắc gần không có cách biệt nữa. Thậm chí nhiều dịch vụ ở Hà Nội tốt hơn Sài Gòn. Ví dụ đi taxi. Ở Hà Nội đi taxi dài ngắn đều được, thậm chí chưa đầy cây số, tài xế vẫn vui vẻ. Nhưng ở Sài Gòn mà lên xe nói điểm đến vài cây số là mặt tài xế hầm hầm ngay. Chả biết hiện tượng này có phải là phổ biến không?

Ngược dòng lịch sử, có thể nói, từ 1975 trở về trước, hầu như không có sự kỳ thị nào đáng kể. Thời Pháp thuộc, thực dân Pháp chia ba miền với ba chế độ chính trị khác nhau nhưng người dân ba miền vẫn đi lại hết sức thân thiết, gần như chẳng có một rào cản nào. Năm 1922, nhà báo Phạm Quỳnh (chủ báo Nam phong) còn là một thanh niên chưa đầy 30 tuổi, khi vào Nam Kỳ, các cụ phụ lão trong ấy đón tiếp hết sức trọng thị, thân tình. Nhân sỹ, trí thức ba miền Bắc – Trung – Nam thời Pháp đi lại giao du hết sức thân mật. Ngay trong thời kỳ đất nước chia cắt với hai chế độ đối lập, văn học, sách giáo khoa của cả hai bên đều nói nỗi đau chia cắt và khát vọng thống nhất hòa bình (xin xem phụ lục 1: Con đường Bắc – Trung – Nam. Còn về sự khác biệt, mặt tốt mặt xấu miền nào chả có (xin xem phụ phục: Ca dao ba miền)

Phụ lục 1: CON ĐƯỜNG BẮC – TRUNG – NAM

Từ cửa Ải Nam Quan

Tới biên thùy Miên – Việt

Khi leo núi, lúc xuyên ngàn

Chạy ven biển cả, vắt ngang sông dài

Khi băng qua đồng lúa xanh tươi

Lúc tiếng thẳng vào lòng đô thị

Con đường thiên lý

Từ bao đời nối chặt Bắc – Trung – Nam

Con đường, mạch máu chính của giang san

Chuyển sinh khí từ trong lòng đất mẹ

Nuôi đàn con từ núi rừng ra bể

Từ Lạng Thành cho đến mũi Cà Mau

Con đường truyền tình cảm mến thương nhau

Con đường ấy, ngày nay ôi! đứt đoạn!

Mạch sống cắt đôi, nửa trời u ám!

Ai là người gieo mối hận ly tan?

Chiêu Đăng

(Quốc Văn Toàn Thư Lớp Nhất, sách giáo khoa của VNCH trước 1975)

Phụ lục 2: CA DAO BA MIỀN

MIỀN BẮC

Miền Bắc có lắm thằng điên

Trong túi có tiền nó bảo rằng không

Ăn rồi cắp cặp chạy rông.

Nói thì như thánh làm không ra gì

Nhưng mà có chuyện rất kỳ 

Nghị quyết khó mấy nó thì thông.

MIỀN TRUNG

Miền Trung có lắm thằng khôn

Nó đi cửa trước nó luồn cửa sau

Suốt ngày tính chuyện làm giàu

Nó đưa đúng chỗ nó câu đúng người

Nghị quyết nó thuộc mười mươi

Nó chỉ vận dụng những nơi nó cần.

MIỀN NAM

Miền Nam có lắm thằng tham

Nó tiêu như phá nó làm như điên

Trong túi nó có nhiều tiền

Vợ cả mới cưới tính liền vợ hai

Suốt ngày nó nhậu lai rai

Một câu nghị quyết học hoài không vô.