Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

Đi vào thế giới ca từ Trịnh Công Sơn

Trần Hữu Thục

Hôn phối

Văn Cao: “Tôi gọi TCS là người ca thơ (Chantre) bởi ở Sơn, nhạc và thơ quyện vào nhau đến độ khó phân định cái nào là chính, cái nào là phụ.[1]

Nguyễn Xuân Hoàng nhận xét: “TCS là một thi sĩ. Vâng, anh đích thị là một nhà thơ viết nhạc.[2]

Vũ Thư Hiên: “Xét cho cùng, TCS là một nhà thơ. Một nhà thơ lớn. Nhạc là cái xe tải anh lắp lấy để chở thơ anh đến với chúng ta.[3]

Bùi Bảo Trúc: “Có những bản nhạc của ông, phần lời ca đúng là những bài thơ. Ông dùng nhạc để nâng đỡ những đoạn thơ đó. Và ông cũng dùng thơ để dẫn những đoạn nhạc đi.[4]

Một người bạn là giáo sư âm nhạc, khi chỉ tôi về cách sáng tác ca khúc, nhắc nhở: “Ông viết sao đó thì viết, nhưng nhớ là đừng có bị “lai” Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.” Tôi hứa cố gắng. Bắt chước nhạc Phạm Duy thì không được rồi. Dòng nhạc của ông phong phú, đa dạng quá, vừa sáng tạo lại vừa chuyên môn và thay đổi theo từng loại ca khúc, theo nội dung và đề tài, chẳng cái nào giống cái nào. “Thiền Ca” không giống “Tâm Ca”, khác xa “Tục Ca”, lại chẳng quan hệ chút nào đến “Tình Ca” và những ca khúc yêu nước. Riêng TCS thì thật là khó thoát. Tôi đã thử loay hoay “sáng tác” nhiều đoạn, nhiều bài, nhưng xong rồi nghe lại (và nhờ bạn bè nghe lại) thì chúng cứ “lai lai” TCS thế nào ấy. Nhẹ nhẹ. Buồn buồn. Đều đều. Nghe cứ phảng phất, nếu không “Diễm Xưa”, “Tuổi Đá Buồn” thì cũng “Ru Em Bốn Mùa”, “Hạ Trắng”... Sửa đi, sửa lại, cố thay đổi. Vẫn cứ thế. Vẫn nặng “mùi” TCS. Tức quá, tôi tìm cách viết theo một thể điệu khác hẳn, thay vì “gam” Mi thứ, La thứ, tôi chọn Đô trưởng chẳng hạn. Nghe có hơi khác TCS. Mừng, tưởng thoát. Nhưng đến khi đặt lời thì nào là rong rêu, cát bụi, phố xưa, ngậm ngùi, nào là muộn phiền, hư vô, ngày tháng, trăm năm, hư hao, nỗi nhớ... chúng nó cứ ào vào. Rốt cuộc, thoát được nhạc thì “bị” lời. Đặt lời khác thì lại không được, vì cái “tạng” mình nó vậy, làm sao bây giờ. Thế thì thôi, hát TCS đi cho nó khỏe. Đành bỏ mộng sáng tác.

Tại sao vậy nhỉ? Thì ra, lý do khá đơn giản: nhạc của TCS rất giản dị, không có gì chuyên môn và cầu kỳ. Cũng như TCS, tôi thích mấy “gam” bình thường như La thứ, Mi thứ. Thích nhịp điệu buồn buồn, trầm trầm và nhiều chất diễn tả như Blue (2/4), Boston (3/4) và cách chuyển “gam” rất bài bản và dễ. Xem lại, tôi nhận thấy hầu hết những bản nhạc nổi tiếng của ông – mà nhiều người ưa thích – đều “rơi” vào hai “gam” La thứ (nếu không thì La trưởng, hoặc La thứ + trưởng) và Mi thứ (hoặc Mi trưởng). Này nhé:

* La thứ: Biển Nhớ, Gọi Tên Bốn Mùa, Cát Bụi, Chiếc Lá Thu Phai, Cúi Xuống Thật Gần, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, Hạ Trắng, Lời Buồn Thánh, Một Ngày Như Mọi Ngày, Phôi Pha, Ru Ta Ngậm Ngùi, Tình Xa, Ướt Mi, Em Đi Bỏ Lại Con Đường, Những Giọt Máu Trổ Bông, Nối Vòng Tay Lớn, Dân Ta Vẫn Sống...

* La trưởng: Nắng Thủy Tinh, Nhìn Những Mùa Thu Đi, Quỳnh Hương, Tuổi Đá Buồn

* Mi thứ: Còn Tuổi Nào Cho Em, Diễm Xưa, Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, Hoa Vàng Mấy Độ, Một Cõi Đi Về, Như Cách Vạc Bay, Ru Em, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Tình Nhớ, Tình Sầu, Thương Một Người, Ta Đã Thấy Gì Trong Đêm Nay.

* Mi trưởng: Nguyệt Ca

La và Mi là hai “gam” dễ hát, dễ đàn, rất thích hợp với nhạc TCS. Chỉ cần một chút kiến thức âm nhạc và một chút thói quen là có thể “chơi” nhạc ông dễ dàng. Đây là một kinh nghiệm thuần cá nhân và thuần cảm tính. Tôi có thể nói, dường như hai âm giai đó tự nó đã mang cái chất TCS (hoặc là vì ông đã mang cái chất của ông vào hai “gam” đó).

Phạm Duy nhận xét: “...toàn thể ca khúc TCS không cầu kỳ, rắc rối vì nằm trong một số nhạc điệu đơn giản, rất phù hợp với tiếng thở dài của thời đại.[5]

Văn Cao nhận xét: “Trong âm nhạc của Sơn, ta không thấy dấu vết của âm nhạc cổ điển theo cấu trúc bác học phương Tây. Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra.[6]

Một người viết khác, Phạm Văn Tuấn nhận xét: “Đứng trên khía cạnh lý thuyết nhạc, nhạc của Trịnh Công Sơn không cầu kỳ, phần lớn những bài hát đều được viết theo thể điệu chậm (slow), Boston hay nhanh lắm là điệu Fox. Suốt hơn 40 năm sáng tác, Trịnh Công Sơn không khai phá gì thêm ngoài những giai điệu đơn giản đó.[7]

Những nhận xét trên cùng với kinh nghiệm nhỏ nhoi của riêng mình cho tôi thấy, chỉ với nhạc không, ta sẽ chỉ có một TCS nhạc sĩ bình thường, không mang cái hơi hướm đặc biệt TCS như ta biết hiện nay, không trở thành một hiện tượng độc nhất vô nhị trong lịch sử ca nhạc và cả trong lãnh vực văn học như hiện nay. Vậy thì sao lại là nhạc TCS?

Một nghịch lý: Nhạc TCS hay là nhờ ở ngôn ngữ TCS. Nếu không thích hát, ta có thể giở bất cứ một bài hát nào của TCS và đọc, y như đọc thơ. Ta sẽ thưởng thức các ca từ đó như bài thơ. Và thế cũng đủ. Người viết bài này, rất thích hát nhạc TCS, nhưng trong nhiều trích đoạn dưới đây, không hề biết “nhạc” của chúng. Mỗi một bản nhạc, tôi đọc như một bài thơ. Nhưng một câu hỏi khác đặt ra: ở Việt Nam, trước 1975 cũng như sau này, đâu có thiếu những bài thơ hay (bằng hoặc hay hơn TCS) của những nhà thơ tài hoa khác, Tô Thùy Yên chẳng hạn. Tại sao chúng không nổi tiếng bằng TCS?

Điều đó dẫn đến một nghịch lý thứ hai: thơ TCS hay là vì chúng được biến thành nhạc và phổ biến rộng khắp. Như ta biết, nhiều bài thơ đã trở thành hay, và được công chúng đón nhận là nhờ được phổ nhạc, nghĩa là biến thành âm thanh. Phạm Thiên Thư, Nguyễn Tất Nhiên, Du Tử Lê chẳng hạn. Ngôn ngữ TCS là những bài thơ. Y như bất cứ một bài thơ nào khác. Có điều chúng tự biến thành âm thanh cùng lúc sáng tác. Đó là những “bài thơ âm” (Văn Cao gọi TCS là người ca thơ). Chúng có cùng với nhạc. Chúng được sáng tác cho nhạc. Nhưng vẫn không phải là những bài thơ phổ nhạc.

Mặt khác, qua một số lượng khá lớn bài hát, ngoài việc tạo các cấu trúc câu khá cân đối, ta nhận thấy TCS chú ý nhiều đến cách hợp vần. Như ta đã biết, khi sáng tác nhạc, nhạc sĩ nào cũng tìm lời có vần, rất cần thiết để tạo âm thanh thích hợp trong dòng nhạc. TCS, cũng như Phạm Duy, dụng công rất nhiều trong việc tạo vần, nhất là cho những từ ở cuối mỗi câu nhạc. Và cũng như Phạm Duy, lối hợp vần của TCS khá đa dạng, do đó, tạo nên những nét nhạc lạ, nhiều khi rất bất ngờ:

- Để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi mệt nhoài

- Đi lên non cao đi về biển rộng,

đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng

- Tình ta như núi rừng cúi đầu, nghe tiếng buồn rơi đều

- Ru em hài nhung gấm, ru em gót sen hồng

Ru bay tà áo rộng, vừa tình tôi chắp cánh

Bốn câu cuối, khi hát lên, mấy chữ gấm, hồng, rộng, cánh đều có vẻ “vần” với nhau. Như thế, khác với thơ để đọc, thơ để ca có thể “vần” thanh trắc và thanh bằng vào với nhau một cách thoải mái. Nhờ khai thác được quan hệ giữa lời và âm, nên ông dễ tìm ra vần. Cách khai thác vần này khiến các bài ca đâm ra dễ nghe, suông sẻ, phong phú. Đồng thời, do đi với nhạc, nên những vần “lai lai”, khi hát lên nghe vẫn thuận y như là vần thật. Thậm chí vần “lai lai” nghe còn thú hơn là vần quá thuận. Trong ca từ TCS, ta thấy ông “vần” những chữ như nhỏ –nọ – lạ – cỏ – do - giờ – đổ - chợ – thơ – lửa... hoặc thơm – tình – xanh – nhiên – yên – mình – tên – quên – mòn - điên – câm – đông – màng…. Nhiều bản nhạc của ông chỉ có vài vần. Có bản, do chọn chữ và cấu tạo âm, ta nghe dường như chỉ có một vần độc nhất từ đầu đến cuối. Một số ca khúc nổi tiếng của ông có thể gọi là “ca khúc vần”, vần gần vần xa, vần trắc vần với vần bằng và ngược lại. Có lẽ nhờ thế mà nhiều ca khúc lời rất vô nghĩa, người ta không hiểu, nhưng vẫn thích hát. Có những bài, người ta “hát vần” chứ không “hát ý”. Hồi trước, tôi đã nhiều lần cười thầm một mình khi đi ngang qua một xóm nghèo, chợt nghe một cô gái ăn mặc lam lũ vừa bồng em vừa cất tiếng hát, Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo bay lẫn với Đường vào tình yêu có trăm lần vui có vạn lần buồn...

Trịnh Công Sơn tự nhận xét: “Ca khúc đối với tôi là một mô hình gần gũi, thiết thân và hoàn chỉnh. Nó là một cuộc hôn phối kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc.[8]

Vâng, hôn phối giữa thơ và nhạc. Đó là một lẽ. Theo tôi, nó còn là một cuộc hôn phối khác, hôn phối giữa Trịnh Công Sơn và thời đại của ông (cũng là của chúng tôi). Không một chút chủ quan, tôi có thể nói thời đại chúng tôi là một thời đại đặc biệt chưa hề có trong lịch sử đất nước. Nó không dài, nhưng cũng vừa đủ để tạo nên sắc thái hết sức riêng của nó. Đó là một giai đoạn bùng vỡ mọi mặt. Nguyễn Mộng Giác gọi giai đoạn đó là “mùa biển động”, cũng là dùng đặt tên cho bộ trường thiên tiểu thuyết của ông. Vâng, mùa biển động! Liên tục động.

Suốt 12 năm trời, từ cuối năm 1963 cho đến tháng 4/1975, miền Nam không khi nào yên tĩnh. Biểu tình, đảo chánh, pháo kích, giới nghiêm, bãi khóa, hội thảo. Các phong trào, đảng phái mọc lên như nấm. Các xu hướng chính trị, triết học phát triển rầm rầm rộ rộ, có khi đi đến chỗ loạn xà ngầu: hiện sinh, cộng sản, tả khuynh, hữu khuynh, phân tâm, thiền, cách mạng tính dục. Cả một xã hội dường như trần truồng, lộ liễu, phơi bày toang hoác. Các tệ nạn xã hội được dịp phát triển kinh khiếp: tham nhũng, đĩ điếm, cướp bóc, giết người... Thời đại tướng lãnh sợ sinh viên, bộ trưởng sợ cha, sợ thầy chùa. Một giai đoạn lịch sử tự do, bung phá. Mọi tháp ngà bị đập vỡ. Mọi đường ranh bị băng qua. Tất cả các tiêu chuẩn chân lý bị xét lại. Xã hội đầy kịch tính. Tuổi trẻ đứng cheo leo trên đường biên. Thích thì làm, thích thì nói mà vẫn cảm thấy chênh vênh. Đó là thời kỳ của khai mở và bi kịch. Không chỉ là bi kịch của chiến tranh, của sự đổ vỡ mọi giá trị, mà còn là bi kịch của những yếu tố mâu thuẫn nội tại.

TCS hít thở cái không khí tự do, đa dạng đó đồng thời cũng hít thở luôn cái không khí ngột ngạt, bế tắc của nó. Ông đớn đau nhận lãnh và sung sướng thừa hưởng để biến thành nghệ thuật. Có những bi thảm của chiến tranh thì cũng có những ước mơ rực rỡ về hòa bình. Có cái đẹp của tình yêu thì cũng có cái bế tắc, tuyệt vọng của cuộc nhân sinh. Có cái nhẹ nhàng, giải thoát của thiền thì cũng có cái khắc khoải đớn đau của cảnh bể dâu. Có những bài ca kêu gọi chiến đấu thì cũng có những bài ca chán nản, tuyệt vọng đến cùng cực. Trong nhạc của TCS, có đầy dẫy những nghịch lý của thời đại được diễn tả qua các khái niệm siêu hình: đỉnh cao/vực sâu, vô hạn/hữu hạn, có/không, còn/mất... Nói theo kiểu Tô Thùy Yên thì những ca khúc của TCS “như những tra vấn quyết liệt về đời người nhìn thấy qua một chuyến phiêu lưu của hữu hạn trong nghìn trùng vô hạn.[9] Đặng Tiến khen TCS “có tài đặt nhạc, soạn lời, lại biết bắt mạch thời đại, sống đúng thế hệ của mình, trong lòng đất nước, trong nhạc cảnh thế giới. Ngần ấy cái tài dồn lại, gọi là thiên tài cũng không quá đáng.[10]

Có thể nói khác đi một chút: ca từ của TCS là một hôn phối giữa nhiều “nỗi”, nhiều “niềm”, nhiều “sự” khác nhau: nỗi tuyệt vọng nhân sinh, sự phẫn nộ về chiến tranh, nỗi khao khát hòa bình, nỗi băn khoăn siêu hình, niềm vui tình yêu, đoàn tụ, nỗi buồn thăm thẳm của thân phận con người. Có lẽ vì thế mà dù thỉnh thoảng TCS có “đao to búa lớn” la to những là hãy thế này, thế kia, cũng chỉ là “bốc đồng”. Ông rên rỉ, than thở và chỉ muốn ru: ru tình, ru đời, ru đêm, ru tình, ru em...

Rốt cuộc, ông chẳng bao giờ có thể là chiến sĩ, mà chỉ là một nghệ sĩ.

Ngôn ngữ

Trong sự nghiệp sáng tác của TCS, ta thấy có hai dòng nhạc tách nhau rất rõ: dòng nhạc nói về chiến tranh và hòa bình và dòng nói về tình yêu, thân phận. Chúng khác nhau về nội dung đã đành, mà kỹ thuật diễn đạt, cách kết cấu ca từ cũng như nhịp điệu và âm thanh hoàn toàn khác. Như đã đề cập, ông viết về chiến tranh và hòa bình bằng một lối viết rất hiện thực, kể cả khi mô tả những giấc mơ, những ước vọng. Hiện thực chiến tranh kinh khiếp đó được mô tả bằng chữ nghĩa sống động và đầy hình ảnh: trái tim rơi theo đại bác, thịt người cho thú nhai ngon, thịt xương đã phơi đồng xanh, đại bác ru đêm dội về thành phố.... TCS sử dụng những chi tiết cụ thể, có thể nghe, nhìn, đồng thời nâng chúng cao hơn, phóng lớn, mở rộng nghĩa. Hiện thực ông bắt gặp và ví von bất ngờ quá khiến đôi khi làm ta thảng thốt: mộ bia đều như nấm, chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò nằm chết như mơ. Ca từ lại rất “văn phạm”, nghĩa là có ý nghĩa cụ thể vì cấu trúc câu giản dị, dễ hiểu. Ông muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến người hát và người nghe.

Mọi sự hoàn toàn khác hẳn khi ta bước vào tình ca và thân phận ca mà tôi gọi chung là nhân sinh ca. Tất cả bắt đầu chông chênh ở biên giới của chữ nghĩa và ý tưởng bởi vì có một sự pha trộn đặc biệt giữa nhiều hình ảnh và ý tưởng khác nhau. Bửu Ý nhận xét: “...ta còn chứng kiến một công cuộc thể nghiệm của tiếng Việt trên những chặng đường mới của ngôn ngữ với những kết hợp từ ngữ tài hoa, những góc độ thu hình lạ lẫm, những tri giác dày dặn nhiều tầng, đồng thời làm sáng giá những sự vật thông thường và tầm thường, khả năng tưởng tượng bay bổng.[11]

Trước hết, ngôn ngữ ở đây là một thứ ngôn ngữ buồn và ray rứt. TCS tận dụng, và trong một số trường hợp có vẻ như lạm dụng, thứ ngôn ngữ đó. Đúng ra thì chúng được lặp đi lặp lại nhiều lần trong nhiều bài hát khác nhau. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong nhiều bài hát, ông sống cùng một thức cảm thức: cô đơn. Ta nhiều lần bắt gặp những từ và nhóm từ như: quạnh hiu, lênh đênh, trăm năm, dòng sông, gian nan, ăn năn, ngậm ngùi, hoang mang, hoang phế, mỏi mòn, hư hao, mệt nhoài, buồn tênh, rong rêu, đời, chơi, vui, cuộc tình, vai gầy, gầy guộc, buồn phiền, ưu phiền, cội nguồn, con đường... Nhiều nhóm từ có chữ đá: đá buồn, sỏi đá, đá cuội, bia đá, cồn đá. Một số từ trong triết học Phật giáo: vô thường, tiền kiếp, từ bi, cõi tạm, hư không. Tất nhiên, những từ trên không có gì là lạ trong ngôn ngữ Việt. Nhưng ở đây, cái lạ là cách kết hợp thành những nhóm từ và cách sử dụng chúng trong các đơn vị câu để tạo nên những hình ảnh, biểu tượng với ý nghĩa từ mới đến hoàn toàn mới và rất nhiều khi tạo nên những hiệu ứng đặc biệt về mặt âm thanh: tuổi/ đá/buồn, cồn/ đá, môi/hờn, bàn tay xanh xao/đón/ ưu phiền, nắng/khuya, mặt trời/ngủ yên, hạt/từ tâm.

So với những ca từ viết về chiến tranh, sự khác biệt rất rõ nét. Xác người nằm trôi sông thì ta hiểu ngay nhưng tuổi đá buồn nghe kỳ quặc, lạ hoắc và vô nghĩa. Mặt trời sáng trên quê hương thì có nghĩa nhưng nắng khuya hoàn toàn vô nghĩa. Còn dài tay em mấy là cái gì vậy? Có phải là “có mấy thuở tay em dài và mắt em xanh xao” không? Vẫn vô nghĩa. Ấy thế mà ta cứ hát và cái lạ là hình như nó vẫn có nghĩa. Tiếp tục hát. Và dần dà chúng có nghĩa thật! Có nghĩa mà không giải thích được. Thực ra thì ông dùng cách kết hợp các từ ngữ xuất phát từ những ý tưởng khác xa nhau. Cụm từ tuổi đá buồn chẳng hạn. Thay vì phải giải thích dài dòng, anh cột chúng lại, buộc chúng phải ở với nhau: tuổi (tuổi đời, tuổi em, tuổi xuân, tuổi ngọc, lứa tuổi...) + đá (đá cuội, đá sỏi, bia đá, cứng như đá, vô tình như đá, lạnh như đá...) + buồn. Tóm lại chỉ để diễn tả nỗi buồn sâu lắng của một thời tuổi trẻ.

“Diễm Xưa” là gì? Hãy nghe TCS giải thích: “Nhưng thật sự, thật và mơ là gì? Thật ra, nói cho cùng, cái này chỉ là ảo ảnh của điều kia” ... “Thời gian trôi đi ở đây lặng lẽ quá. Lặng lẽ đến độ người không còn cảm giác về thời gian”... “Trong không gian tĩnh mịch và mơ màng đó, thêm chìm đắm vào một khí hậu loáng thoáng liêu trai, người con gái ấy vẫn đi qua đều đặn mỗi ngày dưới hai hàng cây long não để đến trường .Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định.[12]

Phải mẫn cảm lắm mới nhận ra điều gọi là “đi đến trường” mà như “đến một nơi vô định” như thế. Đúng ra, tôi nghĩ, cô gái biết rõ mình đi đến đâu, chỉ có kẻ ngồi ngóng “những chuyến mưa qua” mới là vô định. Và suốt đời, đây đó, anh ta luôn luôn vô định. Để diễn tả cái hình ảnh và cái cảm giác vô định đó, TCS tạo ra một thứ ngôn ngữ mới lạ, không hệ lụy vào ý nghĩa có sẵn vẫn thường quy cho chúng. Ngôn ngữ ở đây có tính tạo hình, tạo âm và trong chừng mực nào đó, là một thứ ngôn ngữ “vô ngôn”. Ca từ chỉ còn là sự ghép những hình ảnh hay ý hay chữ chợt bắt gặp hay chợt rơi vào trí tưởng. Nói một cách khác, không nhất thiết phải dán cho chúng những ý nghĩa cụ thể nhất định nào. Cứ để chúng tan vào âm thanh, trôi tuột giữa chữ và chữ với nhau. Chữ cuốn theo chữ. Âm cuốn theo âm. Hình cuốn theo hình. Khi nghe câu hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ dài tay em mấy thuở mắt xanh xao,” tôi nghĩ đến một bức tranh siêu thực: hình ảnh của một cô gái nằm vắt ngang giữa rừng cây mưa, giữa đền đài lăng miếu cũ buồn tênh, tay dài ngoẵng và mắt thì sâu thẳm. Buồn! Bất tuyệt buồn! Có phải TCS đã vẽ trong khi làm thơ và sáng tác ca khúc? Hát “Tuổi Đá Buồn” hay “Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng” cũng thế, tôi thường hình dung những chi tiết nào đó của một bức tranh: một đôi mắt, một vệt màu, vài nét chấm phá vu vơ, một lối đi hoang vắng hun hút dài, những sợi mưa nhỏ, mái tóc dài tung bay lòa xòa dưới bầu trời xám đục...Tưởng tượng đến một bức tranh khiến tôi thâm cảm được thêm chất liệu ẩn dấu đàng sau ngôn ngữ của ông, từ gót chân trần em quên em quên cho đến tóc em như trời xưa đã qua đi ngàn năm.

Cái chất “vô ngôn” (tiến đến phá ngôn) của TCS đạt đến đỉnh cao trong “Dấu Chân Địa Đàng”, và “Vết Lăn Trầm”. Những là loài sâu ngủ quên trong tóc chiều, bài ca dạ lan như ngại ngùng, loài sâu hát lên, từ vào trong đá xưa, tóc xanh vầng trán thơ, loài rong rêu ngủ yên. Trừu tượng hơn: hằn trên phiến đá nâu thêm ưu phiền, bồn gió hoang, chờ ta da du một chuyến, bài ca dao trên cồn đá. Toàn là những nhóm từ kết hợp vô định, tình cờ, hình ảnh loải choải, nhảy vọt bất ngờ, thậm chí có vẻ ngây ngô, vô nghĩa y như một kẻ ưa làm dáng chữ nghĩa. Đã thế, không giống như những bài khác về sau, nhạc ở đây ngúc ngắt, thiếu hẳn cái nét trơn tru mềm mại của dòng nhạc “chính thống” TCS. Lối viết nhạc và lời kiểu này khá hiếm trong toàn bộ nhạc TCS. Chúng được sáng tác trong thời kỳ đầu và không hề thấy xuất hiện về sau này. Có lẽ vì ông hết cảm hứng hay vì nó khó đến với công chúng, nói chung?

Ngôn ngữ ở những bản nhạc này không đóng chức năng bình thường của chúng là tạo nghĩa và tạo ý. Y như trong hội họa hiện đại, chúng chẳng khác gì một loại tranh “cắt dán” (collage). Trong thực tế, theo như cảm nhận riêng của tôi, hai bài ca trên là nỗi khắc khoải có tính chất siêu hình của TCS. Đó là một khắc khoải không chỉ về thân phận, mà về cái tuyệt đối, về một thời hồng hoang đã mất, về một chới với trong cõi vô biên, từa tựa như Trần Tử Ngang:

Tiền bất kiến cổ nhân, hậu bất tri lai giả

Niệm thiên địa chi du du, độc sảng nhiên nhi lệ hạ

Khắc khoải của Trần Tử Ngang có tính trực giác, còn khắc khoải của TCS lại nhuốm mùi duy lý. Có thể nói đó là một khát khao bất tuyệt về một thiên đàng, không phải đã mất, mà không hề có. Nhiều lần, hát “Vết Lăn Trầm”, đến chỗ “bài ca dao trên cồn đá”, âm thanh vút cao lên, khiến lòng chợt chới với, hụt hẫng, nghe đau đáu một nỗi đau mênh mang khó tả!

Phải nhận rằng, cách cấu tạo ngôn ngữ TCS tài hoa, táo bạo và lạ. Trong quá trình tạo vần cho phù hợp với âm và với nét nhạc, anh “bật” ra những tứ, những ý, những hình ảnh và ngôn ngữ hết sức bất ngờ, mới lạ đôi khi khiến ta sửng sốt y như chúng từ trên trời rớt xuống. Đọc hoặc hát và nghe hát đi hát lại hàng bao nhiêu lần mà cảm giác sửng sốt và mới lạ vẫn còn tươi rói y như mới nghe lần đầu. Chẳng hạn như những từ tôi nhấn mạnh dưới đây:

- Lùa nắng cho buồn vào tóc em

- Nhật nguyệt trên cao ta ngồi dưới thấp

một đường cong queo, nắng vàng đột ngột

- Lòng tôi có đôi khi

tựa bông hoa vừa mọc

hân hoan giây xuống thế

- Chợt nắng long lanh chợt nắng thưa

- Tặng hết cho tôi một phố chờ

Ngoài nhiều từ lập đi lập lại, hầu như bài nào cũng có những ý, những chữ hoặc những tứ thật bất ngờ, và lạ như thế. Thực ra về mặt ý tưởng, chúng cũ, rất cũ nữa là khác hoặc là cùng một ý được lập đi lập lại qua nhiều bài hát khác nhau. Cũng là nỗi cô đơn, mất mát, tâm trạng xao xuyến trước cuộc lữ, sự bất lực của con người trước thời gian, ám ảnh triền miên về cái chết. Nhưng cách dùng chữ mang lại những hình ảnh mới. Có khi mới toanh. Chữ nghĩa có vẻ dễ dàng đối với ông y như chúng nằm sẵn đâu đó chỉ đợi có cơ hội là tuôn ra. Lạ tai mà thú vị. Này nhé, hãy nghe, Xin đứng yên trong chiều - Treo tình trên chiếc đinh không. Chữ nghĩa dùng thì có khác nhưng rõ ràng là ý tứ chưa có gì mới lạ, hình ảnh cũng bình thường. Bỗng nhiên tiếp theo đó:

gập ghềnh nhiều kiếp lưu vong, ta lăn đời đã quá

Đôi tay vẫn còn ôm mịt mùng

Nghe đã thật! Còn nữa. Này nhé, ta đang nghe, Ru trên đường em đến - Xôn xao từng tiếng chim - Ru em là cánh nhạn. Bỗng, anh hạ bút:

Miệng ngọt hạt từ tâm

Hoặc là:

Vườn khuya đóa hoa nào mới nở

Đời ta có ai vừa qua.

Bỗng:

Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ

Tôi nghĩ quanh đây hồ như

Ô hay! Sao hai chữ “hồ như” lại rơi vào đây? Chữ trông như chẳng có nghĩa gì ráo, mà làm sao nó khiến cho lòng mình bề bộn thế này! Bốn câu vừa trích là từ bản nhạc “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ”, một trong những bài hát rất hay của TCS. Bản nhạc điệu “Blues” nhẹ, gam La thứ là gam ruột của nhạc TCS. Nếu tách hẳn ra thì là một bài thơ hoàn chỉnh mà ông Hoàng Ngọc Hiến bảo là bài thơ hay nhất thế kỷ![13] Hay thì có hay thật, nhưng “hay nhất thế kỷ” thì nhất định là không.

Ngoài ra, như trên đã đề cập, một đặc điểm khác rất dễ nhận thấy và đóng một vài trò chủ yếu trong ca từ TCS: vần. Nhờ vần, ca từ trơn tru, êm đềm từ đầu đến cuối bản nhạc, nghe như một tiếng thở dài với nhiều hình ảnh đan xen lẫn nhau. Có cái dính kết, có cái đứt đoạn. Tôi chợt khám phá ra một điều: các từ ngữ và hình ảnh mới thường nằm ở cuối đoạn nhạc hoặc ở cuối câu. Và cuối câu thì phải “vần”, hoặc với từ cuối câu kế hoặc với từ cuối câu trước đó. Chính đòi hỏi đó làm “bật” ra những từ ngữ và hình ảnh mới. Như thế, nhờ âm mà tạo ra lời. Âm thanh là “tiềm năng” của lời.

Phải chăng đó là một trong những bí quyết của Trịnh Công Sơn trong việc sáng tạo ra ca từ độc đáo của ông?

Những bài ca chiến tranh và hòa bình

Không biết tự lúc nào, nhạc TCS được gán cho nhãn hiệu “phản chiến”. Còn nhớ, vào đầu năm 1969, tôi có ghé thăm TCS, lúc đó đang ở trọ tại một căn gác lửng trên đường Võ Tánh gần nhà thờ Huyện Sĩ. Ông khoe một mẩu tin đăng trên tờ “Le Monde” (Pháp) viết về ông. Tờ báo gọi TCS là một nhạc sĩ “anti-guerre” (phản chiến). Trông bộ ông có vẻ thích thú. Thích mẩu tin và có lẽ thích cả hai từ phản chiến gán cho mình. Dẫu vậy, có người không đồng ý.

Trịnh Cung cho rằng “Tôi đồng ý với anh Phạm Duy, chữ “phản chiến” không đầy đủ ý nghĩa của nó, bởi vì chữ phản chiến nghe ra có vẻ kết án.[14]

Tô Thùy Yên: “...có vài người tâm hồn giản dị đã vội kết luận rằng những ca khúc này của anh là những tác phẩm phản chiến để buộc tội anh về những tác dụng nguy hại của chúng đối với đám đông trong giai đoạn nghiêm trọng này của đất nước”... “Nghệ thuật khi đã hình thành, là một nhận thức bao quát về đời sống, là cánh hồng bay bổng tuyệt vời, chớ đâu phải là con gà què ăn quẩn cối xay.[15]

Từ phản chiến, theo tôi, tùy cách nhìn, mà ý nghĩa nó khác. Và cũng tùy cách giải thích.

Tôi đồng ý với cách giải thích sau đây của nhà thơ Sương Biên Thùy, một sĩ quan tác chiến thời VNCH. Tuy cực lực lên án thái độ đầu hàng nhà nước Cộng Sản của TCS sau tháng 4/1975, nhưng anh thừa nhận: “Phản chiến là chống chiến tranh tức là chống những người gây ra chiến tranh. Tôi không thấy TCS có lỗi gì hết với những sáng tác của anh được mệnh danh là phản chiến. Thêm vào đó, tôi không thấy có gì tác hại tiêu cực lên tinh thần người lính từ những bản nhạc phản chiến của anh, trong đó có tôi” ... “Sau một cuối tuần nghỉ phép, ngồi trước cốc cà phê, miệng ngậm điếu thuốc lá quân tiếp vụ, nghe giọng hát Khánh Ly và nhạc Trịnh Công Sơn, hôm sau trở lại đơn vị, tiền đồn, tinh thần sảng khoái, trí óc minh mẫn...[16]

Hồi đó, dưới phù phép của bộ máy tuyên truyền, cả miền Bắc hừng hực trong cơn sốt chiến tranh với những lời hô hào “chiến đấu”, “nhắm thẳng quân thù mà bắn”, “giết”, “tiến công”, “tiêu diệt”... nghĩa là không dung dưỡng bất cứ một thái độ tiêu cực nào, thì miền Nam sống trong không khí khốc liệt của chiến tranh và khát vọng hòa bình. Khát vọng này không riêng cho bất cứ ai, từ người lính ngoài chiến trường cho đến những bà mẹ ở thành phố, vì hầu như không có ai thoát khỏi những di lụy của cuộc chiến. Nếu gọi là phản chiến, ta có thể nói hầu như cả miền Nam đều phản chiến, dưới nhiều hình thức khác nhau: hiện tượng lính đào ngũ, lính kiểng, lính ma, tình trạng chạy chọt để được hoãn dịch học vấn, hoãn dịch gia cảnh, hoãn dịch vì công vụ hay chạy chọt để được vào quân cảnh, cảnh sát, chạy chọt đi nước ngoài vân vân là những chuyện bình thường, mà mục đích là khỏi ra chiến trường. Thêm vào đó là những cuộc xuống đường đòi hòa bình của những nhóm tín đồ Công giáo hay Phật giáo hay sinh viên học sinh. Còn báo chí thì tràn ngập những cột báo phân ưu lính chết trên chiến trường hằng ngày. Nội đọc những dòng phân ưu đó cũng đã làm người thành thị kinh khiếp chiến tranh.

Đó là chưa kể đến các tác phẩm văn chương. Chỉ trừ những tài liệu tuyên truyền, hầu hết các tác phẩm thơ văn đều không ít thì nhiều, cách này hoặc cách khác, lên án chiến tranh và mô tả những bi kịch thảm khốc của chiến tranh không che dấu. Nhiều nhà văn, nhà thơ là lính hoặc làm trong các cơ quan nhà nước VNCH, khi viết những bài tuyên truyền thì viết như là một cán bộ, công chức mẫn cán, nhưng khi viết như một nhà văn, tác phẩm của họ cũng mô tả hiện thực chiến tranh và cách này hay cách khác, lên án chiến tranh. Và tất nhiên, vẫn hát nhạc TCS. Đúng ra, không ai cảm thấy hát nhạc TCS là một cái tội. Vì quả thật, những gì TCS nói lên qua ca khúc của anh đều là nỗi lòng và mơ ước chung của mọi người.

Vả lại, đâu chỉ nhạc TCS mới làm nản lòng người lính. Một số nhạc của Phạm Duy và một số tác giả chuyên viết nhạc lính khác cũng có tác dụng tiêu cực chẳng thua gì nhạc TCS. Nói cho cùng, tâm tình phản chiến và biểu lộ tâm tình đó qua con đường nghệ thuật là nét đặc thù của những xã hội mở rộng và tự do như xã hội miền Nam thời trước 1975. Tưởng tượng nếu miền Nam sống dưới chế độ chuyên chính như miền Bắc thì làm gì tồn tại được một nền văn học nghệ thuật phong phú như đã có và được nối dài ra Hải Ngoại cho tới bây giờ. Và tưởng tượng nếu TCS bất hạnh mà lớn lên ở miền Bắc thì chắc chắn ta sẽ không có một TCS như ngày nay.

Rõ ràng TCS là sản phẩm đặc thù của một miền Nam đặc thù trên chiều dài lịch sử.

Thực cảnh chiến tranh

Với tài hoa riêng, TCS đã mô tả chiến tranh bằng một bút pháp hiện thực, với những chi tiết hiện thực rất đậm đà, rất sống, rất sắc. Khác với những ca khúc về tình yêu và thân phận, những bài ca chiến tranh sử dụng một thứ ngôn ngữ đời thường, nhiều khi chẳng khác gì những bài tường trình về chiến trận. Ca từ khá gần gũi với truyện, ký. Theo TCS, trong quá trình lịch sử, Việt Nam luôn luôn sống trong lệ thuộc và chiến tranh: đánh Tàu, đánh Tây và nội chiến. Đất nước lúc nào cũng có thể trở thành bãi chiến trường:

Dân ta đã bao nhiêu năm, đầu đội bom bước đi mong manh

Tầm đạn bay nhức đau trong xương

nhìn trái tim treo trên đầu súng

Một đời nước mắt chan cơm...

Chiến tranh là bức hoành tráng toàn một màu đỏ ghê khiếp: máu

Bao năm, máu như sông trôi thành nguồn

Máu đã khô trên ruộng đồng, máu âm u trong rừng rậm

Tràn đầy xác người:

Xác người năm trôi sông, trôi trên ruộng đồng

Trên nóc nhà thành phố, trên những đồi hoang vu

Nhân đây, ta thử đọc lại vài dòng thơ viết về chiến tranh của một nhà thơ khác cùng thời với ông, Tô Thùy Yên chẳng hạn:

Tiếp tế khó – đôi lần phải lục

Trên người bạn gục đạn mươi viên

Di tản khó – sâu dòi lúc nhúc

Trong vết thương người bạn nín rên

Người chết mấy ngày chưa lấy xác,

Thây sình, mặt nát, lạch nương tanh

(Qua Sông)

một đoạn khác:

Ta chắt cho nhau giọt rượu sót

Tưởng đời sót chút thiếu niên đây

Giờ cất quân, đưa tay ra bắt

Ước cõi âm còn gặp để say

(Anh Hùng Tận)

Hay Trần Hoài Thư:

Chiến trường thì cũng thây người chết

Cũng là biển lệ cũng hờn căm

Trường Sơn chưa dứt cơn kinh động

Đồng Tháp dòng kênh máu đỏ ròng

(Quán Gió Đồng Bằng)

Cũng là nói về thảm kịch chiến tranh, nhưng các đoạn thơ trên là của những người lính trực tiếp tham dự cuộc chiến. Rõ ràng là không ai muốn chiến tranh cả. Nhưng mỗi người nhìn bi kịch từ một chỗ khác. TCS ở thành phố, không tham dự cuộc chiến. Ông từ chối nó, trốn tránh nó. Hay nói cho đúng hơn, ông may mắn không rơi vào cái bẫy chiến tranh. Là một kẻ đứng ngoài, TCS không cảm nhận được cái bi tráng đặc thù của người lính miền Nam trước giờ cất quân ra chiến trận, hết rượu, còn hẹn nhau về âm phủ nhậu tiếp như trong “Anh Hùng Tận” của Tô Thuỳ Yên!

Do thế, TCS tìm cách nói những điều mà người lính không nói, hoặc nói một cách khác. TCS đi sâu hơn vào thực cảnh và tâm tình của người thành phố, những kẻ ở hậu phương, tuy không trực tiếp chịu đựng cảnh máu chảy đầu rơi, nhưng tác động của nó cũng ghê gớm bội phần. Đó là cảnh một cô gái trở nên điên kêu gào vô vọng trên đường phố vì có người yêu là lính chết mất xác ở một trong những trận đánh nào đó hay là cảnh đại bác đêm đêm dội về thành phố mà anh gọi bóng bẩy là “đại bác ru đêm”. Có những cảnh lặng lẽ hơn nhưng không kém phần xót xa, nhức nhối:

Em đi qua cầu, có gió bay theo

thổi bùng khăn tang, trắng giữa mây chiều

Em đi qua cầu chở chiều trên vai ngậm buồn trên môi...

Một cảnh khác:

Ghế đá công viên dời ra đường phố

Người già co ro chiều thiu thiu ngủ

Người già co ro buồn nghe tiếng nổ

Em bé lõa lồ khóc tuổi thơ đi

Một khung cảnh phố chợ đìu hiu, nghèo nàn, tan nát trong những năm biến loạn miền Trung 1965-1966 khi máu lửa chết chóc bao trùm toàn bộ đất nước. Thật sống động và bi thiết!

Kêu gào tranh đấu

Trong nỗi bi phẫn vì chiến tranh, ông lên tiếng kêu gào tranh đấu đồng thời nói lên những khát khao về hòa bình. Khác với “Ca Khúc Da Vàng”, hai tập “Kinh Việt Nam” và “Ta Phải Thấy Mặt Trời” gồm toàn những ca khúc mang tính đấu tranh và đầy niềm tin về tương lai. Ca từ và nhạc hùng hồn, thúc dục. Một số đoạn nhạc có những luyến láy đặc biệt, rõ ràng là chịu ảnh hưởng của lối viết nhạc chiến đấu miền Bắc.

- Em đã thấy các anh lên đường

Những tay trần làm cơn bão lớn

Cùng đứng bên nhau, triệu bước nôn nao

Biểu ngữ giăng cao...

- Xin anh chị hãy vùng lên, đời sống này đầy bóng tối

Triệu anh em chia sớt nguy nan,

xây cách mạng dựng đời người mới

- Anh bước đi, tôi bước đi, em với chị bước theo

Tìm Việt Nam xưa yêu dấu

Ta đi trong cách mạng tự hào

Trong một vài bài, TCS còn hô hào “đứng lên”:

Chính chúng ta phải nói hòa bình ...Anh em quyết lòng, đứng lên!

Hơi hướm của những bài nhạc như thế rõ ràng chẳng khác gì mấy so với bài “Dậy Mà Đi”, thơ phổ nhạc của Tố Hữu. Lại còn có vẻ “mạnh” và có tính “chiến đấu” cao hơn nhiều so với những bài do các tác giả thuộc phe Cộng Sản sáng tác nằm trong sách lược “sinh viên học sinh vận” như bài “Tự Nguyện” chẳng hạn:

Nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng

Nếu là hoa, tôi sẽ làm một đóa hướng dương

Những bài ca của TCS trong hai tập này chẳng khác gì những bài ca xung trận. Ông hô hào, kêu réo, thúc dục. Điệu nhạc 2/4 khi thì hùng hồn, khi thì tha thiết. Ca từ khi thì mạnh mẽ như phá ngục tù, đứng dậy, cách mạng, bước đi, vùng lên, tự hào...khi thì rộn ràng phấn khởi như: mặt đất rung rinh, ba miền thống nhất, triệu người, trăm con phố, trăm câu nói, triệu lá cờ, triệu người qua, anh bước đi, em bước đi, anh với chị bước theo. Nghe toàn ngôn từ Cộng Sản!

Khát vọng hòa bình

Cần ghi nhận, hầu hết những hô hào đó không phải là hô hào chém giết, mà là hô hào chiến đấu cho hòa bình. TCS vẽ vời ra hình ảnh một đất nước sau chiến tranh rất huy hoàng, như một bức hoành tráng với cảnh triệu người đổ ra phố phường, say sưa ca hát, tay bắt mặt mừng, lòng căm thù “chìm sâu”, biến mất, không còn nhà tù, nhân dân thoát cùm gông. Hãy nghe ông tưởng tượng một đất nước Việt Nam không còn hận thù:

Đạn bom ơi, lòng tham ơi, khí giới nào diệt nổi dân ta

Việt Nam ơi bừng cơn mơ, cho mắt nhìn sạch tan căm thù

Trong một đất nước như thế, mặt đất sẽ “rung rinh bước triệu người, phá ngục tù đi dựng ngày mới”, với cảnh:

Ta sẽ chiếm trăm công trường, ta xây nên nghìn phố hòa bình

và:

Thuyền ngược xuôi trăm ghe chèo con nước lớn

Con người thực hiện được giấc mơ phục sinh:

Tìm lại thanh xuân cho chị hồng đôi má

Tìm lại đôi vai em về gánh xuân nồng

Tìm lại thơ ngây cho một bầy em bé

Tìm lại đôi chân cho người lính trở về

Một trong những hình ảnh (và có thể là nỗi ám ảnh) của TCS là mặt trời. Tương lai tươi sáng đồng nghĩa với mặt trời:

- Bao nhiêu năm nhục nhằn đã qua

Hôm nay thấy mặt trời rực sáng

- Trên cánh đồng hòa bình này

Mặt trời yên vui lên đỏ chói

TCS cụ thể hóa khung cảnh hòa bình bằng nhiều chi tiết rất cụ thể:

Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng cao

Vác những cây rừng to về nơi đây ta xây dựng nhà

Một đất nước phát triển:

Trường học dựng mọi nơi...

Bệnh viện đầy niềm tin

Chợ người về càng đông

Nông nghiệp phát triển:

Đời dân ta cần lao, mồ hôi đã thắm trong ruộng sâu

Ngày mai đây rừng hoang thành bãi lúa quyết nuôi dân nghèo

Và giấc mơ này thì thật “vô tiền khoáng hậu”:

Đường đi đến những nơi lao tù

Ngày mai sẽ xây trường hay họp chợ

Dân ta về cày bừa đủ áo cơm no

Một đất nước phát triển, không có lao tù, nhân dân no ấm, trời ơi, có giấc mơ nào đẹp hơn thế!

Và thực tế lịch sử mấy chục năm không chiến tranh vừa qua dưới chế độ Cộng Sản cho thấy, chẳng có giấc mơ nào viễn vông hơn thế! Chiếm xong miền Nam, điều đầu tiên người Cộng Sản làm là lập hàng ngàn trại tù. Trường không thấy xây thêm. Chợ thì dẹp. Và suốt bao nhiêu năm, dân ta vẫn cày bừa vô cùng gian khổ trong thời bình, mà chẳng đủ ăn. Đến nỗi phải liều chết trốn ra nước ngoài. Cả mấy triệu người!

Ước mơ và hiện thực quả là muôn trùng xa cách.

“Ta Phải Thấy Mặt Trời” và “Xin Mặt Trời Ngủ Yên”

Trong những bài ca trích dẫn trên, nhiều đoạn chẳng khác gì một một hồi trống thúc quân. TCS kêu gọi mọi người xuống đường, đứng dậy, tiến lên. Y như một chiến sĩ xung kích, sẵn sàng lao đầu vào kẻ thù. Vâng, những nhạc khúc trên “rất” TCS mà lại cũng có cái vẻ rất “không” TCS. Chúng không trở thành phổ thông như những bài tình ca và thân phận ca. Và đặc biệt nhất là, chúng không che dấu được con người thật của TCS, chất nhạc thật của ông. Đó là dòng nước mắt, là nỗi ưu tư nhân thế, là tâm trạng đớn đau cùng cực của thân phận nhỏ bé, yếu hèn. Là hạt bụi, là nỗi khắc khoải siêu hình miên viễn trước cuộc nhân sinh. Tất cả tâm trạng đó gói trọn trong tập “Thần Thoại Quê Hương Tình Yêu Và Thân Phận” sáng tác cùng lúc với “Kinh Việt Nam” và “Ta Phải Thấy Mặt Trời”. Ở đây, TCS cũng kêu, la, gào thật nhưng kêu, la, gào để “xin”, để “ru”, để than thở. Trong lúc ông hô “ta phải thấy mặt trời” thì đồng thời lại van vỉ:

Mặt trời đã ngủ yên

Xin mặt trời hãy ngủ yên

Mặt trời không còn sáng chói nữa:

Cúi xuống cho bóng đổ dài cho xót xa mặt trời

TCS xin đủ thứ: xin tình yêu, xin lại cuộc đời, xin chuyện tình, xin nguyên vẹn hình hài, xin yên phận này thôi. Trong lúc bên kia ông giục giã, thúc bách hãy vung cao biểu ngữ, thì ở đây:

Giọt nước mắt quê hương ôi còn chảy miên man

ôi dòng nước mắt chảy hoài dòng nước mắt đời đời...

Thân phận con người quá nhỏ nhoi, bất lực. Ở đây, ta chẳng thấy cảnh người đi như nước qua đê, mà là:

Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù

Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần

...Người đứng đó như trăm năm vết thương chưa mờ

Ở đây, người mẹ không còn cười sau lũy tre nắng qua đầy sân, mà là hình tượng của một nỗi buồn bất tuyệt:

Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương

Một khung cảnh hoang liêu như thuở tạo thiên lập địa:

Sau chinh chiến ôi quê hương thần thoại

thuở hồng hoang đã thấy đã xanh ngời liêu trai

Còn có ai trên cuộc đời

Ôi nhân loại còn người và tôi thôi

rồi lang thang như mây trời...

TCS giải thích máu đổ một cách khác. Chẳng phải “máu như sông trôi thành nguồn”, hoặc “từng giọt máu che mặt trời soi quanh đời u tối”, mà:

Người còn đó nhưng trong tim máu tuôn ra ngoài

Nhuộm đất này nhuộm cho hồng hạt mầm trót vay

Hạt mầm trót vay! Máu đổ chỉ là một hình thức trả nợ. Cũng như tin buồn không phải chỉ từ quê hương chiến tranh, loạn lạc, ly tán, mà là từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.

Rốt cuộc, TCS đã phải trở về với chính căn phần, với thực chất của mình, một kẻ suy gẫm về nỗi cô đơn, một tên hát rong suốt đời lang thang, buồn bã. Những hô hào và reo hò của ông chỉ là “vui gượng kẻo mà”. Chiến tranh, rốt cuộc, là bi kịch nhân sinh, như mọi bi kịch khác. Bởi thế mà, mặc cho có những lúc ông tở mở reo hò, thì dù có hòa bình hay không, thân phận con người vẫn thế. Vẫn là một thân tượng buồn!

Sự nghiệp của TCS, dù muốn dù không, không thể thoát ra khỏi cái thân tượng buồn trăm năm đó.

Nhân sinh ca – mấy hình tượng chính

Như đã trình bày ở phần trên, tôi gọi chung những bài tình ca và thân phận ca TCS là nhân sinh ca. Ta có thể tổng quát hóa các hình tượng chính trong nhân sinh ca của TCS như sau:

Em là ngôi vị để chỉ người tình. Có thể là một người tình cụ thể (như Diễm, Lộc...) mà cũng có thể là người tình tưởng tượng. Và cũng có thể chỉ là một khái niệm, một bóng dáng, một hình ảnh, một sản phẩm thuần túy tưởng tượng. Nhưng đàng nào thì cũng là một người nữ.

Tôi là chủ thể, là tự ngã. Có khi Tôi trở thành Ta. Trong hầu hết ca khúc, cái Tôi đây không chỉ riêng một TCS cụ thể với những hoàn cảnh cụ thể riêng biệt, mà là một thân thế, một hiện sinh, một số kiếp. Cõi thế (hay “cõi đời” hay “một cõi đi về”) có thể là người đời hay đời người hay những đối vật gần gũi tham dự trong kiếp hiện sinh, tồn tại bên cạnh mỗi người, bên cạnh cái Em, bên cạnh cái Tôi, trong cái Em, trong cái Tôi hoặc tạo thành cái Em, cái Tôi: dòng sông, ánh nắng, con trăng, bông hoa, con đường, góc phố với những liên hệ xa gần với Em, với Tôi, với người đời và đời người. Cõi thế, như thế, là nơi chứa chấp Em và Tôi và người đời như những thân phận. Thành thử, ta không ngạc nhiên khi thì TCS ru Tôi, rồi ru Ta, rồi ru đời, rồi ru người.

Tương quan giữa Em và Tôi tạo thành cái được gọi là tình yêu, nỗi nhớ, sự tiếc nuối, nỗi buồn, sự mất mát, lòng mong ước và là nguồn cảm hứng bất tuyệt cho những bản tình ca Trịnh Công Sơn.

Tương quan giữa Tôi và Cõi thế tạo nên cái mà Trịnh Công Sơn gọi là “một cõi đi về”, là nguồn gốc của mọi bi kịch, của thân phận, là nỗi tuyệt vọng không cùng, đeo đẳng gần suốt sự nghiệp và cuộc đời của ông. Có những giai đoạn, tương quan đó trở nên “bất bình thường”, TCS bị “vong thân”, nghĩa là bị ném ra khỏi cái Tôi cố hữu. Tôi biến thành cái Ta, thành cái Chúng Ta. Đó là cái Tôi trong một số bài của “Ca Khúc Da Vàng”, của hai tập “Kinh Việt Nam” và “Ta Phải Thấy Mặt Trời”, tóm lại là cái Tôi đặc biệt trong những bài ca nói về chiến tranh, về cuộc tranh đấu cho hòa bình, về mơ ước xây dựng lại đất nước, vân vân. Đó cũng là cái Tôi của giai đoạn sau này khi sống dưới chế độ Cộng Sản. Giai đoạn trước, những lời tâm sự biến thành những lời than van, gào thét, lên án và những mơ ước rực rỡ nhưng viễn vông. Giai đoạn sau thì cái Tôi trở thành cái Ta hoặc biến mất trong cái Ta chỉ để... “sống còn”.

Để sống còn, TCS phải làm nhạc tuyên truyền, một loại nhạc phi-TCS. Cái trước nghe còn có chút gì là của TCS, cái sau hoàn toàn vong thân, biến tính. Để hiểu cái tính cách “sống còn” này của TCS, có lẽ không có gì cụ thể thể hơn là đọc trích đoạn sau đây của Nguyễn Duy, một nhà thơ trong nước, khen TCS vào năm 1987: “Một số ca khúc mới của TCS, sáng tác từ cảm hứng trước hiện thực mới, đã được công chúng lan truyền rộng rãi, trong đó, bài “Em Ở nông trường, em ra biên giới” (1978) được đáng kể là cái mốc đánh dấu chặng đường mới của anh. Anh đã thật sự “bắt” vào mạch đời sống hiện thực mà vẫn giữ được cái giọng riêng, cái bản sắc tươi sáng. Một vài năm trước 1975, anh hơi sa đà vào mạch thiền, bắt đầu có dấu hiệu lẩn quẩn [...]. Chính hiện thực đời sống đã giúp anh “trẻ lại”, anh đi nhiều, sáng tác và hát, ở nhà trường, công trường, nông trường, ở các tụ điểm sinh hoạt xã hội của thanh niên, sinh viên và trí thức thành phố, lên biên giới, ra biển khơi, vào tận bưng biền Đồng Tháp Mười. [...]. Với anh, có thể kể ra hàng loạt những bài hát được nhiều người ưa thích “Em còn nhớ hay em đã quên”, “Chiều trên quê hương tôi”, “Huyền thoại mẹ”, các bài hát trong phim “Pho tượng”, phim “Y võ dưỡng sinh”, v.v. đều là những bài nhạc và lời tương sinh như xác với hồn, những chi tiết hiện thực đời sống được nâng lên trong xu hướng vươn tới cái đẹp lâu bền.[17]

Giọng điệu Nguyễn Duy nghe ra đậm mùi nghị quyết, khen một kẻ tân tòng, chắc cũng giúp được TCS trong giai đoạn xoay sở để “sống còn” này.[18] Bao nhiêu nhân tài miền Bắc đã bị vùi dập vì phải sống bằng nghị quyết, bây giờ lại đến TCS, than ôi!

Mà thôi, nói lắm thêm rầu! *

Dẫu sao, sau này, có lẽ chính vì nhận ra cái tính chất giai đoạn, tính chất “bất bình thường” của chúng mà trong tuyển tập “Những Bài Ca Không Năm Tháng” của ông không có những bài ca tuyệt hay về chiến tranh và mơ ước về hòa bình, lại càng không có một số bài ca được sáng tác với mục đích “sống còn” này. Có lẽ chỉ trừ bài “Em Ra Đi Nơi Này Vẫn Thế”, tuy phảng phất hơi hướm tuyên truyền, nhưng vẫn là một bài đầy chất tâm sự. Phải chăng TCS đã xem chúng như là những bài ca “có năm tháng”, không thể hiện đúng ý hướng của ông là “Mỗi bài hát của tôi là một lời tỏ tình với cuộc sống, một lời nhắn nhủ thầm kín về những nỗi niềm tuyệt vọng và cũng là một nỗi lòng tiếc nuối khôn nguôi đối với buổi chia lìa (một ngày nào đó) cùng mặt đất mà tôi đã một thời chia xẻ những buồn vui cùng mọi người.[19] Cũng không có cả “Nối Vòng Tay Lớn”, bài hát đã để lại một kỷ niệm cay đắng cho những người miền Nam yêu mến ông.

Bùi Bảo Trúc, trong một bài viết khá công phu về Trịnh Công Sơn, đã nhận định: “...nhìn lại những nhạc phẩm mà người ta được nghe của ông, thì tình yêu là ám ảnh lớn hơn tất cả các đề tài khác của Trịnh Công Sơn”. Bởi thế, theo ông, “Trịnh Công Sơn, thủy chung vẫn chỉ ở với nhạc tình. Bài ca đầu tiên và cuối cùng của ông đều là những tình ca. Trong một chiều dài một nửa thế kỷ sáng tác, từ những năm 1950 đến cuối thập niên 90, Trịnh Công Sơn viết nhiều nhất vẫn là nhạc tình.[20]

Nhạc tình. Có thể là như thế. Nhưng tôi không cho rằng ám ảnh lớn nhất đối với TCS là tình yêu, mà là thân phận con người, là cuộc hiện sinh. Dấu vết của ám ảnh đó hầu như xuyên suốt trong gần như tất cả nhạc phẩm của ông. Vâng, ông nói rất nhiều về tình yêu, nhắc nhở rất nhiều vềụ Em, về một (những) người nữ nào đó đi qua trong đời, về hẹn hò, về chia xa, nhưng lúc nào cũng bàng bạc trong đó những khắc khoải không nguôi về phận người. Tình yêu là mặt khác của bi kịch thân phận. Ta thấy rất rõ, qua tình ca TCS, sự tuyệt vọng và mất mát không chỉ nằm trong chia lìa, ngăn cách hay bội phản, mà nằm ngay trong bản chất của tình yêu.

Sự thất bại trong tình yêu không phải tại Em (em bỏ đi, em chết, em phụ bạc, em vô tình...) mà trong nhiều trường hợp là tại Tôi. Nỗi bi đát không cùng của Cõi thế cũng xuất phát từ Tôi. Mà nói cho cùng cũng chẳng phải tại Tôi. Trong TCS, ta thấy cái chia lìa nằm ngay trong gặp gỡ, cái đớn đau nằm ngay trong hạnh phúc, cái khởi đầu nằm ngay lúc chung cuộc. Nghĩa là nằm trong tính “nhị nguyên” của sự vật, trong tương quan Tôi – Em – Cõi thế. Trong những tình khúc nổi tiếng nhất của ông, tính bi kịch đó xuất hiện khi tỏ khi mờ. Những hình ảnh như ngàn năm, ngàn năm ru em muộn phiền, tình như núi rừng cúi đầu, tiếng buồn rơi đều hay khái niệm đỉnh cao/vực sâu hay hình tượng những đóa mong manh đưa ta vượt khỏi biên giới của thứ tình yêu thuần túy thông thường, đến bến bờ của những suy gẫm nhân sinh, những khắc khoải nhân thế. Các bài tình ca và thân phận ca nghe ra đều là nhân sinh ca.

Em:

Cái Em xuất hiện khá nhiều trong ca từ, có lẽ tương đương, hoặc không thua mấy cái Tôi, của TCS. Em dường như không có nhân dáng cụ thể gì đặc biệt. Qua một vài ca khúc, thì Em có vẻ gầy (vai em gầy guộc nhỏ, trên vai gầy), bàn tay Em thì có năm ngón (đương nhiên), xanh xao (bàn tay xanh xao đón ưu phiền) và ngón tay Em cũng gầy (ngón tay em gầy nên mãi...) và cánh tay thì dài bất thường (dài tay em mấy...), tóc Em cũng dài bất thường (tóc em trôi dài trôi mãi...), đôi mắt thì buồn (nắng có buồn bằng đôi mắt em). Em đẹp (mi cong cỏ mượt, tay xanh ngà ngọc). Tóm lại, Em nhỏ nhoi, mỏng mảnh, tiểu thư. Thực ra, Em chỉ là một hình ảnh, và trong rất nhiều trường hợp, chỉ là một ý niệm mà TCS vay mượn để nói lên cảm thức về Cõi thế và làm nổi bật cái Tôi.

Trước hết, Em là người mà một ngày tình cờ biết em, là ngày lạ lùng nhất trần gian. Em là hoa lá giữa thiên nhiên hiền hòa. Em là người mà Tôi muốn yêu em thật thà. Tôi xin năm ngón tay em thiên thầnRu em ngồi yên nhé để Tôi tìm cuộc tình cho. Chính vì thế mà Tôi đã yêu em bao ngày nắng bao ngày mưa. Nhưng bất hạnh thay, trong tình yêu đã có nghìn trùng trên môi người tình, đã dấu nụ tàn bên trong nụ hồn, có chớm lạnh lùng trên môi nồng nàn. Vì sao? Vì Em là người luôn luôn xa cách:

- Em đi biền biệt muôn trùng quá

- Em đi bỏ lại dặm trường

Em lúc nào cũng vội vàng:

Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội

Em chỉ là chiếc bóng chập chờn, thấp thoáng, mong manh:

Một lần thấy bóng em qua nơi này một lần với bóng tôi

Một ngày đã có em xa nơi này một ngày với vắng tôi

Em gây ra nỗi nhớ:

- Từng nỗi nhớ, trùng trùng nỗi nhớ

- Mong em qua bao nhiêu chiều, vòng tay đã xanh xao nhiều

Em làm cho cuộc tình bay đi, tan vỡ:

- Rồi tình cũng xa khơi, phiến sầu là tháng ngày

- Cuối đời còn gì nữa đâu, đã tàn mộng mị khát khao

Đôi khi con tim hò hẹn ngậm ngùi vì một ngày mưa bắt đầu

Thế là:

Quanh em trăm năm khép lại

có còn ai mang hoa tươi về yêu dấu ngồi

Em đã vĩnh viễn ra đi, em:

Bỏ trăm năm sau ngàn năm trước/Bỏ mặc tôi là tôi là ai

Bỏ xa xôi yêu và gần gũi/Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui

Vậy thì:

Em là ai ? em là ai? Tôi tìm hạt bụi bay trong cuộc đời

Có lúc, TCS tự trả lời:

Em là tôi và tôi cũng là em

Tôi:

Tôi là gì? Tôi là ai? Đó là ám ảnh lớn nhất và sâu thẳm nhất của TCS. Hầu như suốt đời, ông chỉ loay hoay đi tìm bản lai diện mục của cái Tôi đơn giản mà huyền hoặc đó. Tôi của TCS chẳng phải chỉ là cái chủ thể yêu đương, ngay cả trong những bản tình ca có vẻ “tình ca” nhất. Cái Tôi đó rất lạ lùng: chưa vui đã thấy buồn, chưa gần đã thấy xa, chưa đi đã thấy về, chưa sống đã thấy chết, chưa yêu đã thấy mất. Tôi loanh quanh, thắc thỏm, nghi hoặc. Tôi nhạy cảm với mọi vật, mọi sự: một chút gió, một chút nắng, một chiếc lá rơi, một cái nhìn. Cái Tôi lo lắng chuyện một ngày cho đến chuyện trăm năm, ngàn năm. Cái Tôi đó còn có một sở thích khá lạ lùng: Ru. Ru tình, ru đời, ru Ta, ru người, ru thế giới và ru...Em. Cái Tôi than thở, la hét, kêu gào, hân hoan, xao xuyến. Lại có lúc cái Tôi im lặng, thu vào bên trong, biến mình nhỏ lại và tan giữa thinh không hoặc tan trong cội nguồn. Cái Tôi đó có lúc thật cuồng ngạo: Ta phải thấy mặt trời (ghê chưa!). Cũng có lúc chỉ biết van xin: Xin mặt trời ngủ yên! (tội chưa!)

Vậy thì, Tôi không chỉ là một cá thể, lại càng không phải chỉ là cái Tôi-suy-tư. Tôi rõ ràng là một thân phận, một số kiếp, một dấu hỏi bất tận, một tìm kiếm không nguôi. “Hình dạng” cái Tôi như thế nào? Trước hết đó là một hạt bụi hóa kiếp thân tôi để sau cùng tôi về làm cát bụi. Từ hạt bụi này đến hạt bụi kia, Tôi là thực thể mỏi ngóng tin vui trong một tình hình hết sức tạm bợ:

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

Chỗ trọ, buồn thay, cũng là chốn lưu đày:

Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây

...Còn bao lâu tôi xa anh xa em xa tôi

Giữa chốn đó:

Tôi như là người lạc trong đô thị một hôm đi về biển khơi

Tôi như là người một hôm quay lại vì sao vẫn cứ lạc loài

Tôi sống giữa cuộc đời, giữa mọi người nhưng tuyệt đối cô đơn:

- Trời cao đất rộng một mình tôi đi, một mình tôi đi

Trời cao đất rộng, một mình tôi về, một mình tôi về, với tôi

- Không còn ai, không còn ai,

Ta trôi trong cuộc đời, không chờ không chờ ai...

Chính từ cảm thức cô đơn ghê gớm đó mà Tôi khi thì như chim xa lạ, đứng nhìn những ngày qua khi thì là chút vết mực nhòe, khi thì như đá nặng nề và nhiều lúc mơ hồ tưởng mình là cơn gió. Bởi thế mà Tôi luôn luôn bất an:

Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ

Tôi nghĩ quanh đây hồ như

Mọi ước mơ hoàn toàn vô vọng:

Tôi như mọi người mong ngày sẽ tới

Nhưng khi về lại thu mình góc tối

Trong tôi rụng đầy bao nhiêu nụ cười

Có nói được gì những tiếng bi ai

Để rồi:

Hôm nay thức dậy, không còn thấy mặt trời

...Hôm nay thức dậy/Tôi ngẩn ngơ tôi

Hôm nay thức dậy/Mê mỏi thân tôi

Tôi là một hiện hữu hoàn toàn bế tắc. Bởi thế mà Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt dọi xuống trăm năm một cõi đi về. Rốt cuộc, Tôi là một nghịch lý:

Còn hai con mắt khóc người một con

Còn hai con mắt một con khóc người

Con mắt còn lại nhìn một thành hai

Nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ

Đấy! Lỗi tại cái Tôi mọi đàng. Em yêu thương cũng là từ Tôi. Mà Em thú dữ cũng là từ Tôi! Còn ai vào đó, hỡi ôi! Nhưng vĩnh viễn, Tôi vẫn là một dấu hỏi đầy nghiệt ngã:

Tôi là ai mà còn khi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai, là ai, là ai... mà yêu quá đời này.

Tôi là ai? Vâng, đó là một câu hỏi mà cho đến tận cuối đời, TCS vẫn không thể tìm ra giải đáp.

Cõi thế:

Cõi thế trong nhạc Trịnh Công Sơn được diễn tả ở nhiều cấp độ, nhiều hình tượng và nhiều ý niệm khác nhau.

Trước hết, đó là những vật và sự vật gần gũi liên hệ trong đời sống hàng ngày, từ đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ cho đến biển nhớ tên em gọi về; từ nắng thủy tinh cho đến nắng khuya; từ mặt trời vẫn ngủ yên cho đến mưa dưới chân ngàmột loài hoa chợt tím; từ con trăng là tên lãng du cho đến mặt đất ưu tư bỗng nở nụ cười; từ những đường phố mệt nhoài, hắt hiu cho đến đường phố đầy tiếng chim; từ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng về Huế đường phượng bay mù không lối vào cho đến Hà Nội xôn xao con đường, xôn xao lá; từ những hàng cây xanh đón em áo lộng cho đến những mặt đường nằm câm; từ ngọn gió hoang vu thổi suốt xuân thì cho đến có nắng vàng nghèo trên lối đi xa. Cái thế giới gần gũi ấy phần đông đều có dáng dấp phố như Bửu Ý nhận xét: “Hình ảnh phố phô mình phân rải trong ca khúc anh: phố xưa, phố hẹn, phố xôn xao, phố rộng, phố thênh thang, phố cao nguyên, phố nọ, phố xa lạ... Phố như là nơi triển lãm của sự sống, một đại hội đời, một nơi tập cư đủ mẫu người, một bãi thí nghiệm bao thế thái nhân tình làm thỏa lòng con người nào muốn sưu tập con người.[21]

Đó là một cõi thế cụ thể. Cõi thế của TCS còn mở rộng ra trong không gian và thời gian, một cõi thế trừu tượng, siêu thực và rộng, dài đến vô cùng. Đó là cõi thế của nhật nguyệt trên cao, ta ngồi dưới thấp, của một ngàn năm trước mây qua mây qua...một ngàn năm nữa mây qua mây qua. Đó là cõi của bốn mùa thay lá, rồi mùa xuân không về mùa thu cũng ra đi, cõi của đêm ngày u tịch, của trong xuân thì đã thấy bóng trăm năm. Một cõi thế luôn luôn bất ổn, có đó mất đó vừa tàn mùa xuân rồi tàn mùa hạ, của ngày nào vừa đến đã xa muôn trùng. Đó là cõi trời cao đất rộng, một mình tôi đi...Đời từ vô tận một mình tôi về. Đó cũng là cõi của một người về đỉnh cao một người về vực sâu, con diều rơi cho vực thẳm buồn theo. Đó là cõi của đá lăn, vết lăn trầm, của một vườn địa đàng mù tăm mất dấu, một “paradise perdue” qua khoang trời vắng chân mây địa đàng hay đêm hồng địa đàng còn in dấu chân bước quen, chỉ còn bài ca dao trên cồn đá...

Tóm lại, dưới con mắt TCS, cõi đời là một cõi bao la ta về ngậm ngùi, trong đó:

Trăm năm vô biên chưa từng hội ngộ

Chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà

buồn bã hiu hắt:

Có những bạn bè xanh như người bệnh

Có tiếng cười và tiếng khóc mênh mông

Có những mặt người giữa phố hoang mang

vô vọng:

Dưới ngọn đèn một bóng chim qua

Giữa đường đi một người đứng gọi

Có biết gì về ngày chưa tới

không còn đấng cứu chuộc:

Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người

Ba hình tượng Em, Tôi và Cõi thế trong ca từ TCS đều là hư huyễn vì bản chất của chúng là nghịch lý. Tính cách nghịch lý này được TCS diễn tả hầu như xuyên suốt sự nghiệp sáng tác của ông. Cao Huy Thuần đã phân tích rất chi ly và đặc sắc tính cách này trong ca từ (mà ông gọi là nét nhạc):

Đối nghịch là nét nhạc riêng của Trịnh Công Sơn. Anh nói một điều rồi anh nói điều trái lại. Như nét hỏng nằm giữa toàn bích. Bài hát này của anh đối nghịch với bài hát kia, lời một đối nghịch với lời hai, câu sau nghịch với câu trước, thậm chí hai hình ảnh nghịch nhau trong cùng một câu, trong vòng đôi ba chữ

Có một chút của cái này và một chút của cái kia. Có một chút của cái này trong một chút của cái kia. Có một chút xuôi trong ngược. Trăm năm trong xuân thì. Chân như trong hạt lệ”... “Trong nhớ đã có quên, trong quên vẫn cứ nhớ, tưởng vơi mà đầy, trong con nước rút có hồng thủy dâng lên.[22]

Theo tôi, đó là nét nhất quán trong cái nhìn của TCS về cuộc tồn sinh. Chính bản thân ông đã diễn tả cái nhìn “nghịch lý” đó như sau:

Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin sau cùng. Tin vào niềm tuyệt vọng...Và như thế, tôi đang yêu thương cuộc đời bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng.[23]

Ở một bài khác, TCS cho biết:

Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ.[24]

Vậy thì đã rõ, TCS, trước sau vẫn là một người “duy lý”. Ông nói về tuyệt vọng, về hư vô, về sự cô đơn, về Em, về Tôi, về Cõi thế trong tâm thức một người tỉnh táo, chứ không phải trong tâm thức của một người điên mê tuyệt vọng như cô gái điên thời chiến tranh. Hơn thế nữa, đôi khi như một người ngoài cuộc, ông tỉnh táo ngắm nhìn và lý giải. Ở điểm này, tôi (tác giả bài viết này, không phái cái Tôi của TCS) đồng ý với Võ Phiến khi ông cho rằng TCS mới lớn lên đã thốt lời siêu thoát như một đạo sĩ đầu râu tóc bạc chống gậy trúc dưới một chân núi nào. Một tác giả khác, Huỳnh Hữu Uỷ, nhận xét Trịnh Công Sơn đã từng “lý giải tài tình những u uất của kiếp người, nỗi hoang vu và mộng ảo nhân sinh trước thực tại mênh mông, cùng lúc đặt con người đối đầu cả trước vận mệnh của lịch sử, anh cư ngụ trong cuộc đời không phải chỉ như một thi sĩ ca hát cái đẹp mà còn là một nhà hành giả sống cái ẩn dật bên trong.[25]

Nghệ thuật cũng là một cách lý giải đời sống. Thay vì dùng một chuỗi luận lý để tìm cách chứng minh, thuyết phục, ở đây, TCS dùng từ ngữ và hình ảnh, biểu tượng để ...hát. Ông lập đi lập lại mãi cùng một số ý. Một thứ triết học nhẹ nhàng như ca dao hay lời ru con, như anh phát biểu. Rõ ràng là tư tưởng Phật giáo và Lão giáo, cả dưới dạng bình dân lẫn bác học, có một dấu ấn sâu đậm và tự nhiên trong tâm thức ông. Mặt khác, cũng phải ghi nhận ảnh hưởng của những trào lưu triết học thời thượng khá phổ biến hồi đó ở miền Nam - đặc biệt là hiện sinh - lên ca từ của TCS. Các khái niệm về phi lý, hư vô, mỏi mệt...được ông đưa vào ca từ một cách thoải mái.

Ngoài ra, ông khai thác lối hợp âm, hợp vận đa dạng cọng với âm thanh phổ thông phụ họa để đưa vào quần chúng. Ông sáng tạo nhiều ý tưởng và hình ảnh khá ngộ nghĩnh, đôi khi vô nghĩa, nhưng lại tiềm ẩn nhiều ý nghĩa: tôi thu bóng tôi, tôi thu tôi nhỏ lại. Nhiều khi tôi có cảm giác như TCS đùa cợt với chữ nghĩa, vì ông biết rõ bản chất giới hạn của chúng. Ông mặc tình thao túng, vọc giỡn chúng. Khi thì ông khai thác những hình ảnh đầy chất thơ, khi thì rặt cả chữ nghĩa bề bộn, làm dáng (hư vô, ưu phiền...) khi thì nặng nề âm khí, khi thì nhẹ nhàng siêu thoát, khi thì tinh nghịch, thơ ngây, đôi khi có vẻ như ông muốn trêu chọc, đánh lừa cảm quan của chúng ta: Đừng tuyệt vọng tôi ơi đừng tuyệt vọng.... Gì vậy? Thực ra, ông muốn đẩy nỗi tuyệt vọng đến tận cùng của nó. “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”, bài ca trông như rất lạc quan, nhưng để ý mà xem, chúng chỉ là một niềm vui “phải đạo”, vui cho có. Niềm vui làm sao mà ta có thể chọn mỗi ngày, y như ta chọn áo chọn quần được.

Thử đọc (và nghe) một vài bản nhạc ưa thích

Biết Đâu Nguồn Cội (Nhịp 2/4, âm giai Đô trưởng, vừa, vui)

1. Em đi qua chuyến đò thấy con trăng đang nằm ngủ

Con sông là quán trọ và trăng tên lãng du

Em đi qua chuyến đò ối a con trăng còn trẻ

Con sông đâu có ngờ ngày kia trăng sẽ già

2. Em đi qua chuyến đò ối a trăng nay đã già

Trăng muôn đời thiếu nợ mà sông không nhớ ra

Em đi qua chuyến đò, lắng nghe con sông nằm kể

Trăng ơi trăng rất tệ, mày đi nhớ chóng về

3. Em đi qua chuyến đò ối a vui như ngày hội

Tôi xin làm quán đợi buồn chân em ghé chơi

Em đi qua chốn này ối a sao em đành vội

Tôi xin làm đá cuội và lăn theo gót hài

4. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội

Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tối

Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đầu nguồn cội

Tôi thu tôi bé lại, làm mưa tan giữa trời

Bản nhạc vui tươi nhí nhảnh nghe như một bản đồng dao. Hát tập thể, có thể vừa hát vừa vỗ tay. Bài ca có bốn phiên khúc, hai phiên khúc đầu đề cập đến Trăng và Sông. Hai phiên khúc sau đề cập đến Tôi và Em. Ba thực thể chính vẫn là Tôi – Em - Cõi thế. Bài hát nêu lên hình tượng đối nghịch giữa Tôi/Em, chủ thể/đối tượng, động/tĩnh, biến dịch/bất biến.

Nguyệt Ca (nhịp 2/4, âm giai Mi trưởng, nhẹ nhàng, trữ tình)

1. Từ khi trăng là nguyệt đèn thắp sáng trong tôi

Từ khi trăng là nguyệt em mang tim bối rối

Từ khi trăng là nguyệt tôi như từng cánh diều vui

Từ khi em là nguyệt trong tôi có những mặt trời

Từ đêm khuya khi nắng sớm hay trong những cơn mưa

từ bao la em đã đến xua tan những nghi ngờ

Từ trăng xưa là nguyệt lòng tôi có đôi khi

tựa bông hoa vừa mọc hân hoan giây xuống thế

Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời gõ nhịp ca

Từ khi em là nguyệt cho tôi bóng mát thật là.

2. Từ khi trăng là nguyệt, vườn xưa lá xanh tươi

Đàn chim non lần hạt cho câu kinh bước tới

Từ khi trăng là nguyệt tôi nghe đời vỗ về tôi

Từ khi em là nguyệt câu kinh đã bước vào đời

Từ bao la em đã đến hay em sẽ ra đi

Vườn năm xưa còn tiếng nói tôi nghe những đêm về

Từ trăng thôi là nguyệt một hôm bỗng nghe ra

Buồn vui kia là một như quên trong nỗi nhớ

Từ trăng thôi là nguyệt tôi như giọt nắng ngoài kia

Từ em thôi là nguyệt coi như phút đó tình cờ.

3. Từ trăng thôi là nguyệt là trăng với bao la

Từ trăng kia vừa mọc trong tôi không trí nhớ

Từ trăng thôi là nguyệt hôm nao chợt có lời thưa

Rằng em thôi là nguyệt tôi như đứa bé dại khờ

Vườn năm xưa em đã đến nay trăng quá vô vi

Giọt sương khuya rụng xuống lá như chân ai lần về

Từ trăng thôi là nguyệt mỏi mê đá thôi lăn

Vườn năm xưa vừa mệt cây đam mê hết nhánh

Từ trăng thôi là nguyệt tôi như đường phố nhiều tên

Từ em thôi là nguyệt tôi xin đứng đó một mình.

Bản nhạc trữ tình, không nhí nhảnh như bản trên. Hát một mình. Vỗ tay theo không hay nhưng thích thì vỗ tay... cũng được. Bài ca có ba đoạn, chứa hai ý chính: Khi trăng là nguyệt (hay em là nguyệt), nghĩa là Em và Tôi gặp nhau, yêu nhau thì...thế và khi trăng không còn là nguyệt (hay em không còn là nguyệt), nghĩa là Em và Tôi xa nhau, thì ...thế. Bài ca nêu lên cái ý: cõi thế biến dịch theo tương quan giữa Em và Tôi và tâm thức vui buồn của Tôi. Từ Tôi mà ra Cõi thế. Tướng tự tâm sinh.

Ta để ý, trong một số bản nhạc, TCS hay đề cập đến trăng, đến mặt trời. Nhật-nguyệt được xem như biểu tượng của vũ trụ, cõi thế:

- Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

- Nhật nguyệt trên cao ta ngồi dưới thấp

Đâu cũng là trăng. Nhưng trăng trong “Biết Đâu Nguồn Cội” (BĐNC) có tính khách quan. Nó nằm ngoài Tôi. Nó chỉ là một “tên lãng du”. Nhưng trăng trong “Nguyệt Ca” (NC) gắn liền với Tôi. Nó tạo thành Cõi thế của Tôi. Nó tạo thành Tôi. Trong BĐNC, trăng chỉ là một đối sánh với Em. Trong NC, trăng là nguyệt, là em, và qua đó, trăng dính liền với Tôi, là điều kiện tồn tại của hiện sinh Tôi, trở thành bản thân Tôi. Sự chuyển biến trăng - nguyệt - em thay đổi thân thế và cảm quan của Tôi. Bởi thế mà trong BĐNC, Tôi rong chơi giữa đời. Còn trong NC, từ chỗ nghe đời vỗ về tôi đến chỗ Tôi không trí nhớ để cuối cùng trở thành đứa bé dại khờ. Trong BĐNC, Tôi sẵn sàng lăn theo gót hài để rồi làm mưa tan giữa trời. Còn trong NC, Tôi lại bị phân thân trở thành đường phố nhiều tên để rốt cuộc đứng đó một mình.

Thú vị là ở chỗ, trong BĐNC, cái Tôi trông có vẻ siêu thoát, đầy cảm thức đạo sĩ, trong lúc ở NC, cái Tôi có vẻ phiền trược, dính líu, vướng víu với đời. NC là một thế giới đầy cảm tính, trong đó, Tôi và Em cọ xát nhau. Đó là thế giới của là và thôi là, hiện hữu và phi hiện hữu. Tôi khoái lối sử dụng chữ nghĩa ở đây: trăng – nguyệt – em. Một đánh tráo giữa danh và thực, giữa cái biểu tượng và cái cụ thể. Trăng là nguyệt hay trăng là em? Em là nguyệt hay em là trăng? Nguyệt là em hay nguyệt là trăng? Cái nào thiệt cái nào không thiệt? ...Thực ra thì, ta cảm ngay trăng – nguyệt – em tuy ba mà là một. Ngôn, mà phá ngôn. Lời, mà phá lời.

Cả hai bài tuy khác nhau, nhưng hát lên, ta cảm nhận ngay chất “thiền ca” trong khí hậu của bài hát. Nó nằm giữa những dòng chữ, ý nghĩa, hình ảnh và âm thanh. Và đồng thời, nó nằm ngay ngoài chúng. Nhiều ý và hình ảnh xuất hiện thật bất ngờ, bất ngờ đến nỗi, dù nghe đi nghe lại nhiều lần, chúng vẫn có vẻ như vừa mới bật ra đâu đây, chừng một “sát na” trước. Và điều lạ hơn nữa, nó có vẻ như “bật” từ trong ta mà ra, chứ không phải là từ TCS.

Và thêm một bài nữa

Định chấm dứt bài viết ở phần trên, nhưng chợt vừa nghe thêm một bản nhạc trong một cuốn băng do chính giọng TCS: bài “Ra Đồng Giữa Ngọ”. Bài hát này cũng nhịp 2/4, dòng nhạc vui tươi, nhí nhảnh, âm giai Fa trưởng. Bài này cũng có tính cách đồng dao, đặc biệt không có Tôi mà cũng chẳng có Em. Chỉ có ba hình tượng: thằng bé, con diều giấy và yêu tinh. Bài hát giản dị, lập đi lập lại một câu chuyện vui. Giữa trưa đứng bóng, một thằng nhỏ (là Tôi, là anh, là em, là con người) mang diều ra thả giữa đồng. Trong khi bay cao, con diều bỗng gặp một khuôn mặt yêu tinh. Thay vì tranh chấp đấu đá, chúng cùng bay lên bay cao giữa thinh không với nhau. Câu chuyện kết thúc đơn giản, rất đơn giản:

Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ

Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không.

...Tan trong cội nguồn.

Vâng, tan giữa hư không. Cả thằng bé. Cả con diều. Cả khuôn mặt yêu tinh. Cả Em. Cả Tôi. Cả Cõi thế. Tất nhiên, tất cả: tan trong cội nguồn.

07/2001

Trần Hữu Thục

(Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện, nxb Văn Mới, California USA 2005)


[1] Văn Cao, Lời Bạt, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, tái bản lần 4, Nhà Xuất Bản Âm Nhạc Việt Nam 1998, tr. 278.

[2] Nguyễn Xuân Hoàng, “Sổ tay”, Văn (Cali) 53 &54, số đặc biệt về Trịnh Công Sơn, 5 & 6/2001, tr. 7.

[3] Vũ Thư Hiên, “Thương nhớ Trịnh Công Sơn”, Thế Kỷ 21 (Cali) số 145, 6/2001, tr. 62.

[4] Bùi Bảo Trúc, “Về Trịnh Công Sơn”, Văn, sđd, tr. 44.

[5] Phạm Duy, “Hồi ký Phạm Duy III”, dẫn theo Văn, sđd, tr. 35.

[6] Văn Cao, Tuyển tập... đã dẫn, tr. 278.

[7] Phạm Văn Tuấn, “Vĩnh biệt thi sĩ du ca Trịnh Công Sơn”, Văn, sđd, tr. 26.

[8] Trịnh Công Sơn, “Ca khúc mang đến sự cảm thông giữa mọi người”, Văn, sđd, tr. 150.

[9] Tô Thùy Yên, “Mỗi ca khúc như một lời trăn trối”, Văn, sđd, tr. 37.

[10] Đặng Tiến, “TCS, đời và nhạc”, Văn, sđd, tr. 15.

[11] Bửu Ý, “Thay lời tựa”, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, tr. 9.

[12] Trịnh Công Sơn, “Diễm của những ngày xưa”, Văn, sđd, tr. 140.

[13] Xem “Một bài thơ hay của TCS”, Hoàng Ngọc Hiến, dẫn theo Tạp chí Thơ (Cali) số mùa Xuân 2001, tr. 19-21.

[14] Trịnh Cung, “Bi kịch Trịnh Công Sơn”, Văn, sđd, tr. 79.

[15] Tô Thuỳ Yên, “Mỗi ca khúc như một lời trăn trối”, Văn, sđd, tr. 38.

[16] Sương Biên Thùy, “Thảm kịch của một thiên tài”, bài gửi riêng.

[17] Nguyễn Duy, “Tôi thích làm vua” (1987), dẫn theo Hợp Lưu 59, tháng 6 & 7/2001, tr. 63-64.

[18] Để hiểu cái tinh thần “sống còn” này, xin trích một vài đoạn trong hai bài hát tiêu biểu thời kỳ này là “Huyền Thoại Mẹ” và “Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới” (Cả hai bài đều không có mặt trong Tuyển tập “Những Bài Ca Không Năm Tháng”).

- “Huyền Thoại Mẹ”: Mẹ lội qua con suối/Dưới mưa bom không ngại/Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/Tiễn con qua núi đồi...Mẹ về đứng dưới mưa/Che từng căn hầm nhỏ/Xoá sạch vết con về/Mẹ ngồi với cơn mưa... “Huyền Thoại Mẹ” này viết theo kiểu văn công tuyên truyền, thiếu hẳn cái tha thiết và cảm xúc chân thật của “Hát Cho Một Người Nằm Xuống”: Vùng trời nào đó anh đã bay qua/Chỉ còn lại đây những sáng bao la/người tình rồi quên, bạn bè rồi xa/Ôi tháng năm, những dấu chân là vết bụi mờ...

- “Em Ở Nông Trường, Em Ra Biên Giới”: ...Xa nông trường ra biên giới, có đôi khi đi không trở lại/ Nhưng trong lòng nghe tiếng nói, những gian nan sẽ đo lòng người/ Từ biên giới xa, chốn em sương mù, rừng sâu tìm những lối mòn qua/Từng khi nắng mưa, lẫn đêm nằm nhớ màu đất trời quen quá chốn quê nhà/Khi qua rừng, khi qua suối, thấy vui theo bước chân đồng đội/Trong những ngày gian nguy ấy biết bao nhiêu những câu chuyện đời. Cũng như trên, bài hát thuộc loại văn công tuyên truyền có mục đích cổ động phong trào, đại loại như “Tiếng Chày Trên Sóc Bom Bo” hay “Bài Ca Năm Tấn”.

[19] Trịnh Công Sơn, Lời mở, Tuyển tập những bài ca không năm tháng, tr. 4.

[20] Bùi Bảo Trúc, “Về Trịnh Công Sơn”, Văn, sđd, tr. 46.

[21] Bửu Ý, “Thay lời tựa”, Tuyển tập đd, tr. 6.

[22] Cao Huy Thuần, “Buồn bã với những môi hôn”, Thế Kỷ 21 số 146, 6/2000, tr. 60 & 61.

[23] Trịnh Công Sơn, “Nỗi lòng của tên tuyệt vọng”, Văn, sđd, tr. 137.

[24] Trịnh Công Sơn, “Để bắt đầu một hồi ức”, Văn, sđd, tr. 139.

[25] Huỳnh Hữu Ủy, Brochure triển lãm tranh Trịnh Cung, Đỗ Quang Em, Trịnh Công Sơn năm 1990 ở Sài Gòn, dẫn theo Hợp Lưu, sđd, tr. 71.