Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

James Joyce, Ulysses và thách đố mới

Trần Hữu Thục

Bloomsday

Bloomsday – ngày của Bloom, là gì vậy?

Là 16/6/1904, một ngày hư cấu trong đời của Leopold Bloom, tên nhân vật chính trong truyện dài nổi tiếng Ulysses của James Joyce. Người ta chọn ngày này để vinh danh Bloom mà thực ra, là để vinh danh tác giả, người được xem là nhà văn đã khai sinh ra chủ nghĩa hiện đại (modernism) trong nền văn chương thế giới thế kỷ 20. Bloomsday được những người hâm mộ Joyce tạo ra vào năm 1954 xuyên qua một lễ hội rầm rộ tổ chức tại thành phố Dublin với nhiều sinh hoạt văn hóa khác nhau. Kể từ đó, Bloomsday trở thành một sinh hoạt truyền thống diễn ra hàng năm tại Dublin, thủ đô của nước cộng hòa Ái Nhĩ Lan (Ireland). Cư dân Dublin, dù thích hay không thích Joyce, vẫn xem đó là một cơ hội để vui chơi và kiếm tiền. Cho nên không lạ gì, những sinh hoạt xoay quanh tên tuổi và các tác phẩm của Joyce và Ulysses, đã trở thành một ngành kỹ nghệ gọi là “kỹ nghệ Joyce” (Joyce industry).

Tháng 6/2004 là kỷ niệm 100 năm Bloomsday. Vào thời gian đó, hàng ngàn người từ trên khắp thế giới đã quy tụ về Dublin để tham dự “ReJoyce Dublin 2004” [1] bao gồm đến 75 sinh hoạt khác nhau: hội thảo văn học, hòa nhạc, diễn hành, chiếu phim, ăn uống, thăm viếng, vui chơi và triển lãm. Những buổi đọc sách diễn ra trên đường phố Dublin với nhiều diễn viên ăn mặc như các nhân vật trong truyện do Gay Byrne, diễn viên truyền hình, nhà soạn kịch Gerry Stembridge và nhạc sĩ Ronnie Drew trình diễn. Các tiệm sách chất đầy những ấn bản khác nhau của Ulysses và những tác phẩm khác của Joyce cùng với các bài báo, tiểu luận, tiểu sử, sách tranh ảnh về Joyce, những bộ CD đọc truyện Ulysses kéo dài 27 tiếng đồng hồ cùng với những vật kỷ niệm như áo sơ mi, tranh treo, ly cà phê, lịch và các thứ lặt vặt khác. Những người ái mộ đi thăm tháp Martello ở Sandy Cove, nơi nhân vật Dedalus sống với mấy người bạn, thăm quán Davy Byrne, nơi họ đổ rượu ra đường. Rất nhiều người hâm mộ khác đã đến viếng ngôi nhà của Joyce như là một cuộc hành hương về đất thánh. Đỉnh cao là một “Bữa điểm tâm Bloom” (Bloom’s Breakfast) với sự tham dự của khoảng 10 ngàn người tụ lại trên đường O’Connell, con phố chính của thành phố Dublin. Mọi người được tha hồ ăn lòng chiên, thận trừu và uống bia Guinness hoàn toàn miễn phí. Buổi điểm tâm vĩ đại này được Dennys – cơ sở sản xuất xúc xích, loại xúc xích trở nên nổi tiếng nhờ Joyce đưa vào trong truyện – bảo trợ.

Để vinh danh Joyce, thư viện quốc gia Ái Nhĩ Lan mở thêm một khu mới để trưng bày tất cả những gì liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Joyce bao gồm chứng liệu, bản thảo, thư từ trao đổi giữa Joyce và người thân, bạn bè, nhà xuất bản, độc giả, vợ – kể cả những lá thư hoàn toàn riêng tư đầy những từ tục tĩu viết cho vợ – và đặc biệt lần đầu tiên, trưng bày bản thảo gốc của Ulysses. Cuộc triển lãm này mở ra một cánh cửa cho người ta có thể nhìn vào tiến trình sáng tác phức tạp của tác giả. Về mặt thuần túy văn học, người ta tổ chức một sinh hoạt chuyên đề về Joyce lần thứ 19, kéo dài từ 12 đến 19/6, tại Đại học Quốc gia Ái Nhĩ Lan, nằm trong khu phía bắc Dublin, nơi Joyce sinh trưởng và là khung cảnh mà ông dùng để viết tác phẩm. Buổi sinh hoạt có sự tham dự của hơn 800 người từ 36 quốc gia gồm những nhà “Joyce học” hàng đầu trên thế giới cùng các nhà văn nhà thơ, những người hâm mộ, kể cả một nhóm giáo sư Đại học Cambridge, những học giả nghiên cứu về văn chương viết bằng Anh văn từ Đài Loan, các thành viên của một câu lạc bộ sách từ Na Uy. Mỗi một tham dự viên đóng 400 đô la, sẽ cùng nhau đào sâu vào từng ngõ ngách của văn bản Ulysses về cả lãnh vực siêu hình lẫn hiện thực.

Theo một số trí thức hàng đầu của Ái Nhĩ Lan thì những người ái mộ Joyce đã hình thành nên một thứ “sùng bái Joyce” (Joyce cult). Một trong số những trí thức đó, nhà thơ đoạt giải Nobel văn chương Seamus Heaney, trong cuộc phỏng vấn tại phòng triển lãm về Joyce, cho Ulysses là một “Good Book” của chủ nghĩa hiện đại. Ông khẳng định là với ngày lễ hội “Bloomsday” được tổ chức như thế này ở Dublin cũng như tại nhiều nơi khác trên thế giới, Ái Nhĩ Lan sẽ chứng kiến “sự sụp đổ của uy quyền giáo hội Công giáo La Mã” (collapse of the church as the magisterium) đồng thời với sự trổi dậy của “một quyền năng nhân bản thế tục mới” (a new secular, humanist authority), trong đó, Ulysses sẽ được tôn kính như một thứ “thông điệp thế tục” (secular encyclical), nghĩa là một Thánh kinh thế tục (secular Bible).

Những người ái mộ Joyce còn hình thành những nhóm gọi là “nhóm đọc Joyce” (Joyce reading groups). Nhân lễ hội này, số nhóm phát triển càng mạnh. Số người ghi danh vượt quá quy định, mặc dầu phải mất trung bình đến …bảy năm rưỡi mới đọc xong một cuốn như Finnegans Wake. Nhóm viên những nhóm đọc này phần đông là người hưu trí vì chỉ có những người không đi làm mới có thời gian để đọc. Nhiều người trong số này cho biết họ nuôi mộng đọc Joyce từ lâu mà đành phải đợi cho đến khi về hưu mới bắt đầu ghi danh [2].

James Joyce

James Joyce, tên thật là James Augustine Aloysius Joyce, sinh vào ngày 2 tháng 2 năm 1882 tại Dublin, thủ đô của Ái Nhĩ Lan (Ireland), con trai đầu trong một gia đình 10 đứa con và thường xuyên túng thiếu. Ông theo học các trường dòng Công giáo và sau này lên Đại học Dublin học về ngôn ngữ. Được nuôi dưỡng và giáo dục trong niềm tin công giáo La Mã, nhưng ông bỏ đạo vào năm cuối đại học, gọi là để hiến mình cho văn chương. Tốt nghiệp cử nhân về ngôn ngữ hiện đại năm 1902, ông rời Dublin đi Paris với ý định học y khoa, nhưng rồi cuối cùng gia đình không chu cấp nổi vì ông tiêu xài hoang phí. Ông sống lang thang, kiếm tiền bằng cách điểm sách cho các tạp chí, dạy học và hát, nhưng cuối cùng phải về lại Dublin khi mẹ bệnh nặng. Thương mẹ, nhưng ông từ chối cầu nguyện cho mẹ khi bà hấp hối vì ông đã bỏ đạo. Điều này khiến ông ân hận mãi và chi tiết này vẫn thường loáng thoáng xuất hiện trong Ulysses. Ngày 16/6/1904 – ngày được đưa vào Ulysses để trở thành Bloomsday – ông quen một cô gái tên là Nora Barnacle, và bất chấp những khác biệt – ông yêu cô gái. Sau đó, cùng năm, hai người bỏ Ái Nhĩ Lan sang định cư ở Trieste (Ý). Hai đứa con ra đời và gia đình sống rất chật vật. Joyce kiếm tiền bằng cách dạy Anh Văn và một vài nghề lặt vặt khác. Khi Ý lâm chiến năm 1915, gia đình dời sang Zurich. Tại đây, đời sống cũng chẳng khá gì hơn. Đã thế, Joyce lại bị bệnh mắt, phải chữa chạy rất tốn tiền. Ông trải qua đến 10 lần giải phẫu, nhưng bệnh vẫn không lành. Nhiều năm sau, ông gần như bị mù hoàn toàn. Từ đó, để sáng tác, ông phải dùng một cây bút chì đỏ viết trên một những tờ giấy trắng khổ lớn. Nhiều tác phẩm, kể cả Ulysses, ra đời trong điều kiện tồi tệ đó. Nhưng được cái, lúc này, ông đã có tiếng tăm và do đó được nhiều người yêu văn chương tìm cách giúp đỡ. Năm 1920, Joyce chuyển qua sống ở Paris và lưu lại ở đây đến 20 năm. Có một thời gian ông sống một cuộc sống tương đối phóng túng do sự tài trợ của một số người yêu mến tài năng ông, trong đó có một phụ nữ, bà Harriet Weaver, chủ bút của tờ “The Egoist”. Suốt thời gian này, ông chuyên viết lách và xuất bản. Vào đầu đệ nhị thế chiến, sau khi Pháp bị quân Đức xâm lăng, Joyce và gia đình chuyển về Zurich (Thụy Điển) và chết ở đó một cách bất ngờ vào ngày 13 tháng 1 năm 1941 vì bị loét tá tràng.

Tài năng của Joyce phát triển rất sớm. Ông làm thơ và viết văn khi mới chỉ lên chín tuổi. Lên đại học, ông tập tễnh viết tiểu luận văn chương. Một trong những tiểu luận nổi tiếng nhất lúc đó là bài điểm tác phẩm When We Dead Awaken của nhà văn Thụy Điển Ibsen và được tác giả viết thư trao đổi ý kiến. Tác phẩm đầu tay, Chamber Music, xuất bản năm 1907, là một thi tập, gồm có 36 bài thơ tình, chịu ảnh hưởng của dòng thơ lãng mạn của những nhà thơ trữ tình Anh thập niên 1890. Tác phẩm thứ hai, Dubliners (1914), một tuyển tập truyện ngắn, trong đó, các đề tài xoay quanh đời sống thời niên thiếu tại Dublin. Tác phẩm gây ra dị ứng với nhiều người dân Dublin, nên có lần đã bị đem ra đốt công khai tại Dublin. Truyện dài đầu tay, A Portrait of the Artist as a Young Man (1916), là một tự truyện mà qua đó, lần đầu tiên Joyce sử dụng loại văn “dòng ý thức” (stream-of-consciousness), tức là độc thoại nội tâm (interior-monologue), một kỹ thuật văn chương mới nhằm diễn đạt những tình cảm, cảm giác, tư tưởng và xúc động của nhân vật xuất phát từ hiện thực tâm lý. Tác phẩm kế tiếp là Exiles, một vở kịch.

Danh tiếng của Joyce trở thành quốc tế khi truyện dài Ulysses được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, mặc dù bị cấm lưu hành ở Hoa Kỳ và Anh. Tác phẩm cuối cùng là Finnegans Wake, xuất bản vào năm 1939. Tác phẩm này còn phức tạp hơn Ulysses trong một ý đồ thể hiện lý thuyết có tính chu kỳ của lịch sử (cyclical theory of history) được viết dưới hình thức của một chuỗi bất liên tục những giấc mơ kéo dài trong một đêm của một nhân vật tên là Humphrey Chimpden Earwicker. Earwicker, gia đình và những người quen biết của anh ta pha trộn lẫn nhau và pha trộn với những khuôn mặt lịch sử và thần thoại y như những nhân vật trong giấc mơ. Ngoài ra, Finnegans Wake còn đi xa hơn Ulysses trong việc thể nghiệm ngôn ngữ bằng cách viết Anh văn như một thứ ngôn ngữ kết hợp dựa trên sự tổng hợp những phần của các từ lấy từ nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Giữa hai tác phẩm trên là hai tập thơ, một là Poems Penyeach (1927) và một, Collected Poems (1936). Ngoài ra, một tác phẩm khác được xuất bản vào năm 1944, Stephen Hero, lại là một phiên bản khác của A Portrait of the Artist as a Young Man được viết ra từ thời gian đầu. Joyce đã dùng các biểu tượng để tạo ra cái mà ông gọi là “epiphany” (hiển linh), xem như là mặc khải cho những phẩm tính nội tâm. Bằng cách sử dụng kỹ thuật thực nghiệm để truyền đạt bản chất tinh yếu của hiện thực, các sáng tác của Joyce là sự giao thoa của các truyền thống văn chương hiện thực (realism), tự nhiên (naturalism) và tượng trưng (symbolism), theo các học giả chuyên nghiên cứu về Joyce.

Ulysses

Tác phẩm được thai nghén vào khoảng năm 1906 khi ông chấm dứt truyện Dubliners và có ý định viết một truyện ngắn phụ thêm có tựa đề là Ulysses. Nhưng sau đó, ông đổi ý và viết A Portrait of the Artist as a Young Man. Mãi đến sau này, khi ở Trieste, ông mới bắt đầu viết Ulysses. Ở đây, trong lúc đang viết, ông làm quen với nhà thơ Hoa Kỳ Erza Pound, đang là biên tập viên ngoại quốc cho tờ tạp chí văn học Mỹ “The Little Review”. Lúc đó, Pound đang tìm tài liệu để viết một truyện dài đăng từng kỳ cho tờ báo. Sẵn dịp, Joyce đưa bản thảo Ulysses cho Pound để đăng. Và rồi sau đó, ông bán luôn bản quyền cho người bảo trợ tài chánh của tạp chí, luật sư John Quinn ở New York, với giá… 1.200 đô la. Ngay từ lần đăng đầu tiên vào tháng 3 năm 1918, Ulysses đã bị các viên chức trong ngành kiểm duyệt Mỹ chú ý theo dõi vì nội dung bất thường của nó, nhưng mãi đến tháng 8 năm 1920, tờ báo mới có lệnh đình chỉ đăng tải các phần kế tiếp. Các ấn bản của “The Little Review” bị tịch thu. Hai biên tập viên Margaret Anderson và Jane Heap bị tòa án ở New York kết án vì tội đã đăng chuyện tục tĩu. Sau khi Ulysses được xuất bản ở Paris, tác phẩm tiếp tục bị cấm lưu hành ở Hoa Kỳ. Mãi cho đến năm 1933, khi quan tòa John Woosley tuyên bố rằng Ulysses không có gì là tục tĩu, tác phẩm mới được chính thức đến với công chúng Hoa Kỳ.

Ulysses có một lịch sử xuất bản lâu dài và khá lạ lùng. Ấn bản đầu tiên xuất bản vào năm 1922 tại Paris tất nhiên là có quá nhiều sai sót, không cần phải bàn cãi. Trước đó, khi còn đăng tải từng kỳ trên “The Little Review”, nhiều phiên bản của tác phẩm đã được trao qua nhiều tay và tùy vào sở thích và ý đồ riêng của từng người, tác phẩm bị cắt xén tùy tiện, hoặc bị giản lược, thay đổi. Trong thời gian này, Joyce tiếp tục sửa chữa, thêm thắt các chi tiết khác vào trong tác phẩm. Do đó mà sự khác biệt giữa các văn bản lại càng thêm sâu rộng làm cho việc xuất bản tác phẩm càng về sau càng làm tối tăm thêm ý định ban đầu của tác giả. Chính Joyce, lúc còn sống, cũng không dám quả quyết phiên bản nào là đúng. Kết cuộc là, không có một văn bản nào thực sự được xem là hoàn hảo, khiến cho đến bây giờ tác phẩm vẫn còn là đề tài tranh cãi giữa các học giả. Có lần, Joyce lên tiếng đùa rằng Ulysses sẽ tạo công ăn việc làm cho các học giả đại học đến thế kỷ sau. “Tôi đã đưa vào trong Ulysses quá nhiều ẩn ngữ (enigmas) và câu đố (puzzles) đến nỗi nó sẽ khiến cho các giáo sư phải bận bịu hàng thế kỷ để tranh cãi xem tôi muốn nói gì, và đó là cách duy nhất để bảo đảm tính bất tử của tác phẩm”. [3]

Mãi đến năm 1961, 20 năm sau khi ông mất, một ấn bản mới gọi là ấn bản “sửa chữa và điều chỉnh” (corrected and reset) mới xuất bản. Ấn bản này được giới học giả tạm chấp nhận trong vòng 10 năm, cho đến khi một nhóm nhà nghiên cứu do học giả người Đức Hans Walter Gabler dẫn đầu, quyết định bỏ công thực hiện một ấn bản đầy đủ hơn và chính xác hơn. Lục lọi trong hàng đống giấy tờ, bản thảo, bản in, bản viết tay… và những ấn bản có sẵn, cả nhóm làm việc liên tục trong vòng 10 năm (1974-1984), để hoàn tất một ấn bản gọi là “Critical and Synoptic Edition”, phát hành năm 1984. Hai năm sau, một ấn bản chính thức ra đời gọi là “The Corrected Text” được phát hành một cách ồn ào với ý đồ xác định đó là ấn bản hoàn hảo nhất, có thể thay thế hẳn tất cả các ấn bản trước. Nhưng không được lâu, ấn bản này bị tấn công nặng nề bởi một nhóm chuyên nghiên cứu về Joyce khác do học giả Mỹ John Kidd cầm đầu. Nhóm này cho rằng cái gọi là “ấn bản sửa chữa” này còn tệ hơn xa chừng so với ấn bản đầu tiên. Lời kết án đó lập tức gây ra một cuộc tranh cãi dữ dội giữa hai nhóm mà người ta gọi là những “cuộc chiến tranh về Joyce” (Joyce wars) tạo thành một “scandal” lớn trong giới hàn lâm diễn ra trước sự thờ ơ của công chúng (vì chuyên môn quá nên chẳng ai hiểu họ nói gì). Rốt cuộc, nhóm Kidd giành được thế thượng phong, kết quả là nhà xuất bản Random House quyết định giữ nguyên hai ấn bản 1961 và 1984. Riêng ấn bản “The Corrected Text” thì bị “hạ xuống” thành “Gabler Edition”.

Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, trong đó có tiếng Pháp, Đức, Đan Mạch, Ý… Riêng về Pháp ngữ, kỷ niệm 100 năm “Bloomsday”, một bản Pháp dịch mới của Ulysses đã ra đời do một trong những nhà xuất bản lớn nhất và uy tín nhất Pháp là Gallimard, phát hành vào đầu tháng 6/2004. Đây là bản Pháp dịch lần thứ hai, dày 982 trang. Bản dịch đầu tiên xuất hiện cách đây 75 năm, vào năm 1929, do Auguste Morel dịch với sự nhuận sắc của Valery Larbard và của chính tác giả James Joyce. Để khắc phục những khuyết điểm của bản dịch trước, bản Pháp dịch mới, thay vì chỉ do một cá nhân, là một công trình tập thể với sự đóng góp của tám người gồm ba thành phần khác nhau: một nhà dịch thuật văn học là Bernard Hoepffner, ba nhà văn là Tiphaine Samoyault, Patrick Drevet và Sylvie Doizelet, bốn giáo sư đại học chuyên nghiên cứu về Joyce là Marie-Daniel Vors, Pascal Bataillard, Michel Cusin và Jacques Aubert. Nhóm làm việc dưới sự hướng dẫn của nhà Joyce-học (joycien) uy tín, giáo sư Jacques Aubert.

Giải thích lý do tại sao lại phải có một bản Pháp dịch mới của Ulysses, Jacques Aubert cho biết Joyce “đã viết tác phẩm của ông gồm 18 chương với không biết bao nhiêu văn phong khác nhau. Thực hiện một bản dịch tập thể, có cái lợi là tránh được là chỉ dựa vào một người duy nhất, mà dù dịch hay đến đâu, cũng không cho ta nhiều biến thái và cũng tránh được văn bản chỉ có một giọng văn duy nhất.” Patrick Drevet, người phụ trách dịch hai chương 6 (Hades) và chương 13 (Nausicaa), cho rằng dịch Joyce là “một cuộc phiêu lưu đam mê và hứng thú. Ulysses là một văn bản phủ đầy những đoạn văn với một sức khêu gợi sắc sảo. Đối với tôi, thật là thú vị khi bước vào trong tâm thế nhà văn của Joyce và thử dịch ra bằng Pháp ngữ thế giới nội tâm mà ông đã tự mình diễn đạt bằng Anh văn.” Theo Drevet, Ulysses với vô số biến cách như sự lặp lại các âm đầu, những chữ tượng thanh, các phân đoạn khác nhau, giọng văn, các trọng âm, những trò chơi chữ, các cảm giác, những hình ảnh, tốc độ của tư tưởng đã được Joyce cố tình tạo ra để mang chúng đến gần với hiện thực sống động được ghi nhận như là tổng số đa dạng của những gì được tri giác, suy gẫm, ham muốn… Tất cả những cái đó giúp ông “khám phá ra trong ngôn ngữ của tôi (tức tiếng Pháp) những nguồn suối diễn đạt mà tôi đã không hề đi tìm cho chính tôi trước đó.” [4]

Hélène Cixous – một tác giả mê Joyce – trong một bài in trên “Le Monde” [5], cho rằng bản dịch năm 1929 đã quá xưa, cần phải bỏ đi. Bà quả quyết: “Những dịch giả trong bản Pháp dịch mới đã “dám Joyce-hóa văn bản” (oser joycer le texte), nghĩa là dám đưa vào bản dịch tất cả những sắc thái mà trong nguyên bản Joyce cố tình tạo nên. Theo bà, đó không chỉ là một dịch phẩm mà là một “siêu dịch” (ultraduction).

Tác phẩm hết sức khó đọc, đã từng bị tố cáo là dâm đãng và tục tĩu, nhưng đồng thời lại được giới hàn lâm đánh giá rất cao và họ không ngần ngại cho rằng đó là tác phẩm vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Ngày 21/7/1998, một hội đồng tuyển chọn 10 người – đa phần là người Hoa Kỳ – của “New York Modern Library”, một chi nhánh của nhà xuất bản Random House, chọn ra một danh sách gồm 100 tác phẩm viết bằng tiếng Anh có giá trị nhất của thế kỷ 20. Joyce có hai tác phẩm được chọn, trong đó, Ulysses đứng đầu bảng và A Portrait of the Artist as a Young Man xếp hạng ba. The Great Gatsby của Scott Fitzgerald hạng nhì, Lolita của Vladimir Nabokov thứ tư và Brave New World của Aldous Huxley thứ năm.

Đó là một tác phẩm đầy tham vọng với những nét châm biếm trào lộng độc đáo và đầy những thử nghiệm rắc rối về kỹ thuật viết lách. Dẫu vậy, Ulysses lại rất hiện thực. Những gì được diễn tả trong đó đều được Joyce khảo sát rất kỹ dựa trên các tham khảo lịch sử, phóng sự báo chí, các tài liệu về môi trường, nơi chốn và sự vật. Joyce đã từng xác định là ông muốn vẽ ra “một hình ảnh về thành phố Dublin hoàn toàn đến nỗi nếu một ngày nào đó thành phố biến mất khỏi trái đất, người ta vẫn có thể tái tạo lại bằng tác phẩm của tôi”.

Nhưng gì thì gì, Ulysses được hầu hết mọi người xem là một trong những tác phẩm khó tiêu nhất của văn chương Anh và văn chương thế giới. Lúc mới ra đời, nó “không giống ai”. Đến bây giờ, gần cả thế kỷ trôi qua, nó cũng chẳng giống ai. Và cũng chẳng ai giống nó. Tác phẩm chật ních nhưng câu văn lòng vòng, không có dấu ngắt câu cọng thêm với những tham khảo cổ điển, những trích đoạn bài hát và thậm chí có cả những biểu đồ. Cốt truyện thì giảm thiểu đến tối đa. Không gian: thành phố Dublin. Thời gian: một ngày, hay nói cho chính xác là 18 tiếng đồng hồ. Nhân vật: nhiều thì nhiều nhưng quy lại chỉ có ba. Cốt truyện có thể tóm tắt bằng một câu đơn giản: cả ba nhân vật thức dậy, làm một số việc, gặp nhau và rồi cuối ngày đi ngủ. Hết! Một là Stephen Delalus, từ Paris lưu vong trở về Ái Nhĩ Lan. Hai là Leopold Bloom, một người Ái Nhĩ Lan gốc Do Thái, trung niên. Cuối cùng là Molly, bà vợ dung tục của Bloom. Mặc dầu mọi chuyện diễn ra chỉ trong một ngày, nhưng như Bloom nhận xét đó là “một ngày mệt nhọc bất thường, đầy cả những chuyện tình cờ” bao gồm một đám tang, một ca sinh nở, một vụ ngoại tình, một cuộc nhậu sa đà và sau đó, kéo nhau vào khu mãi dâm.

Bắt đầu với Stephen. Anh là một học giả và là một thầy giáo, bỏ Ái Nhĩ Lan đi Paris (như Joyce) nhưng rồi bị buộc phải trở về sau khi nghe tin bà mẹ bị bệnh nặng. Anh bị ám ảnh vì đã từ chối cầu nguyện bên cạnh bà mẹ đang hấp hối. Anh cũng là người có hoài bão về văn chương. Anh sống chung với một vài người bạn ở một phòng trọ gần bờ biển. Sau khi thức dậy, anh khám phá ra rằng anh chẳng thích gì những người ở chung phòng và dần dà, anh cũng chẳng thích gì chính mình, và rồi cả nghề dạy học của mình cũng như bạn bè, xứ sở, tôn giáo. Anh chẳng thích gì, thích ai cả. Suốt ngày anh ta đi hết từ tranh cãi này đến tranh cãi khác trong chính ý thức anh ta về nghệ thuật, văn chương, tôn giáo, triết lý, vân vân.

Bloom là một người đi thu quảng cáo, cái nghề buộc ông ta phải đi khắp thành phố hàng ngày. Ông là một người theo Do Thái giáo trong một vùng toàn dân Công giáo, thích ăn nhậu và làm tình, có xu hướng ưa nhìn trộm cảnh dâm đãng (voyeurism). Nhưng trong gia đình, lại là một người sợ vợ, thường lo ăn sáng và chạy việc cho vợ trong khi bà ta nằm ngủ ráng trên giường. Tuy thức dậy trong một buổi sáng vui vẻ, nhưng ông cảm thấy bất an vì biết tin chiều hôm đó, lúc 4 giờ rưỡi chiều, vợ ông sẽ dẫn tình nhân về ngủ tại ngay trên giường ngủ của hai người, mà không biết phải làm sao.

Khác với Stephen, Bloom bắt đầu một ngày mới bằng một món thận xào ngon, làm một số việc vặt như thường lệ và ra đứng nghỉ ngơi ở phía trước. Sau đó, ông rời nhà xuống đường Eccles, đi dạo cửa hàng trước khi viếng thăm một chỗ tắm công cộng và rồi dự một đám tang. Xong, ông tiếp tục đi loanh quanh, khi chỗ này khi chỗ khác với nhiều thú vị khác nhau, có lúc tránh gặp người tình của vợ, có lúc bị một tay cuồng tín tôn giáo tống cổ khỏi một quán nhậu, rình xem trộm chỗ kín đàn bà và thủ dâm, vân vân.

Stephen và Bloom tiêu biểu cho hai hình tượng mâu thuẫn nhau. Stephen thì trẻ người non dạ, ích kỷ, nóng nảy, Bloom thì lớn tuổi, chín chắn, khoan dung. Stephen thì trí thức, ưa kiến giải phân tích chuyện này chuyện nọ, Bloom là loại người cảm tính. Stephen thì tự tín đến kiêu ngạo, Bloom thì thụ động, thiếu quyết tâm.

Stephen và Bloom gặp nhau lúc 10 giờ, nơi Stephen đến thăm một người đàn bà tên là Mina Purefoy. Trong lúc chị ta chuyển bụng cả ba ngày mà chưa sinh được ở trên lầu thì Stephen và đám bạn anh phụ trách đở đẻ lại rủ nhau nhận nhẹt lu bù. Bloom tự dưng mến Stephen, xem Stephen như con mình, lo lắng cho sự an toàn của anh ta, nên đi theo anh ta đến khu mãi dâm “Nighttown” hầu giúp anh ta khi cần. Nhưng chính Bloom cũng chẳng hơn gì. Ông trải qua những cơn hoang tưởng vô thức, khao khát tình dục, giằng xé nội tâm vì tôn giáo, nỗi hỗ thẹn vì bị vợ cắm sừng, mặc cảm về sự mất dần tuổi thanh xuân và khả năng tình dục.

Sau đó, Bloom mang Stephen về nhà và trò chuyện tới khuya. Bloom nài nỉ Stephen ở lại, nhưng anh ta không chịu. Khi lên giường ngủ với vợ – bà vợ vừa trải qua một vụ gian dâm ban ngày – Bloom quay ra ngủ. Câu chuyện chuyển qua Molly, nhân vật lần đầu xuất hiện bằng một màn đoạn độc thoại nội tâm dài xoay quanh bản chất nhục cảm của nàng và những người đàn ông đi qua đời nàng, kể cả ông chồng Bloom mà qua đó ta sẽ hiểu là thực sự Molly vẫn yêu chồng.

Cốt truyện vừa đủ cho một truyện ngắn! Ấy thế mà nó kéo dài đến gần …800 trang! Không biến cố. Không có chi tiết nào thực sự nổi bật và bất ngờ. Vậy thì tác phẩm viết về cái gì? Đủ thứ hổ lốn trên đời. Đúng thế! Các nhân vật đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, nói, nhìn, đi tiểu, đi tắm …và suy tưởng, rồi tưởng tượng, có lúc rơi vào ảo giác. Bất cứ cái gì cũng gợi nên suy tưởng: triết lý, tôn giáo, tình dục, tình yêu, lịch sử, âm nhạc, nghệ thuật, tâm linh, sáng tạo, niềm đau, nỗi khổ, sự bất lực, chuyện nọ xọ chuyện kia. Ta hãy thử đọc vài dòng tóm tắt sau đây ở hai chương 4 và chương 15:

– Chương 4 (Calypso): Bloom, chồng của Molly, cha của Milly. Thức dậy, ông bận rộn sửa soạn bữa sáng cho vợ. Milly không có ở đó. Ông gửi cô đi Mullingar, nơi có một sinh viên tên là Bannon chiều nào cũng đến, vì biết vợ ông sẽ ngủ với tình nhân bà ta, Boylan, hôm nay ngay trong nhà. Boylan thường hay đội mũ rơm, đi giày mày nâu vàng, quần xắn lên. Molly thích đọc sách khiêu dâm, gặp chữ “metempsychosis”, bèn hỏi Bloom nghĩa là gì, ông cố sức giải thích cho bà hiểu. Ông thích ăn lòng, thích súp lòng gà, những lát tim hay gan chiên hay thận trừu nướng… Cuối chương, Bloom đi ra phòng ngoài, đứng tiểu.

– Chương 15 (Circe): diễn ra ở khu mãi dâm Nighttown, nơi Stephen và bạn bè kéo nhau tới. Bloom đi theo. Trong khi cố tìm bọn họ thì ông rơi vào cơn hoang tưởng, cảm thấy mình bị đem ra xử trước tòa vì những tội lỗi trong quá khứ, nỗi ám ảnh trừng phạt của Molly, và tưởng tượng mình trở thành vua Ái Nhĩ Lan. Khi tìm ra Stephen trong nhà thổ, Bloom lại thấy mình trở thành đàn bà và bị hành hạ bởi một bà mà bà này hóa ra lại là đàn ông. Còn Stephen thì tưởng tượng bóng ma của bà mẹ hiện về cầu xin anh trở lại đạo. Anh đập vỡ cái đèn treo, chạy ra đường và bị hai người lính xỉ vả. Cuối chương, anh bị đánh ngã xuống đường bất tỉnh. Bloom tới chăm sóc và mang anh ta về nhà.

Đó là vài nét tóm tắt. Nhưng văn bản không đơn giản như thế. Tất cả mọi thứ nằm trong một cấu trúc phức tạp đầy những nghĩa bóng, ẩn dụ và trăm thứ khó hiểu khác. Chính vì thế mà theo những nhà nghiên cứu văn học thì hiểu các nhân vật và tình tiết cốt truyện cũng như các đề mục của nó chỉ mới là phân nửa của việc đọc Ulysses. Tác phẩm là một cái gì lớn hơn việc đọc xem thử chuyện gì đã diễn ra và ý nghĩa của nó như thế nào. Trả lời cho một độc giả là nhạc sĩ Arthur Laubenstein thú nhận rằng ông không thể nào hiểu nổi Ulysses, Joyce trả lời “Giá trị của tác phẩm là ở văn phong mới mẻ của nó.” Ảnh hưởng của Ulysses trên tiểu thuyết hiện đại ít dựa trên ý nghĩa thực sự của tác phẩm mà là dựa trên phương cách mà nó tạo ra ý nghĩa. Rất nhiều ý định đậm nét được Joyce đưa vào Ulysses như là một trong những lý do khiến cho tác phẩm trở thành điểm đối chiếu cho chủ nghĩa hiện đại trong văn chương thế giới. Khác với ý niệm cổ điển, một trong những điểm nền tảng của chủ nghĩa hiện đại là niềm tin rằng không có sự phân biệt giữa hình thức và nội dung. Mặt khác, nghệ thuật không phải là phản ảnh hiện thực mà chỉ là nỗ lực nắm bắt một trạng huống nào đó của hiện thực. Chủ nghĩa hiện đại nhấn mạnh đến cái mà José Ortega gọi là “dehumanization of art” (phi-nhân-hóa nghệ thuật). Nghĩa là tác phẩm nghệ thuật không phải là cái gì trực tiếp phản ảnh đời sống bên ngoài mà chỉ là một điều gì được hình thành bởi tinh thần và kinh nghiệm của người nghệ sĩ và bởi những quy ước hay những hành ngôn của cái xã hội đã sản sinh ra người nghệ sĩ đó [6].

Joyce muốn Ulysses là một “thiên sử thi” và là một cuộc “phiêu lưu” đồng thời cũng được sử dụng như một loại “bách khoa tự điển”, một loại bách khoa tự điển của những văn phong và phối cảnh (styles and perspectives). Để thực hiện điều đó, ông kết văn bản của tác phẩm vào trong mạng lưới rộng lớn có tổ chức gồm vô số thông tin giấu ẩn, cấu thành những tương kết nội tại (internal interconnections) và các ám dụ ngoại tại (external allusions). Tất cả tạo thành một thứ văn xuôi mới lạ, đầy tính cách mạng. Đó là một tổng hợp giữa kỹ thuật dòng ý thức (stream-of-consciousness) và tính linh hoạt thay đổi bất chừng của nó cùng với thể loại độc thoại nội tâm (internal monologue) trình bày những tư tưởng đang diễn tiến với những dao động, những biến chuyển bất ngờ của tâm trạng nhân vật. Thực ra, viết theo lối “dòng ý thức” không phải là điều mới mẻ. Ta tìm thấy kỹ thuật này trong các tác phẩm của Dickens, Dostoyevsky hay Virginia Woolf, vân vân… Nhưng trong Ulysses, kỹ thuật đó chiếm ưu thế. Người kể chuyện không chỉ kể chuyện, mà nó hành động y như là một phối trí viên vừa ở trong vừa ở ngoài văn bản có nhiệm vụ phối trí mọi chuyển đổi bất thường như một ống kính vạn hoa của nhưng thể loại văn, nhằm soi sáng các ý nghĩa, vọng âm, tính trêu cợt hoặc các đối ảnh trong văn bản. Cũng giống như Picasso diễn tả một cảnh trí bằng cách nhìn từ mọi phía, Joyce cố làm biến dạng sự vật, vặn vẹo chúng một cách bông đùa với dụng ý nắm bắt chúng trong cái toàn thể. Văn phong chuyển đổi bất ngờ tuy theo khung cảnh, trạng huống, tâm cảnh và các ảo tượng tâm linh khác. T. S. Eliot gọi văn phong của Joyce trong Ulysses là một thứ “phản văn phong” (anti-style) [7].

Sau đây là ghi nhận sự chuyển đổi văn phong ở một vài chương:

– Chương 1(Telemachus): Stephen trầm tư trên bãi biển, loại văn dòng ý thức trở nên khó hiểu, rối rắm, chớp nhoáng (fleeting) y như những ý nghĩ rối rắm, đột xuất bất thường của anh ta.

– Chương 7 (Aeolus): Sử dụng một kỹ thuật hoàn toàn mới: những dòng tin nổi bật (headline news) khi mô tả diễn tiến trong một nhà in. Mọi chuyện diễn ra dưới “sức nặng” của những headlines, chữ to đậm nét, y như chúng cứ nhảy phóc vào câu chuyện, lên tiếng nói tiếng của nó. Chúng “hành động” y như những nhân vật, can thiệp vào những gì “chúng” chứng kiến.

– Chương 10 (Wandering Rocks): gồm 18 tiểu đoạn liên quan nhau kể một câu chuyện gì đó với sự hiện diện của một số nhân vật, nhưng chẳng có một liên hệ luận lý hay thời gian nào giữa các sự kiện y như thể một người mất trí nhớ kể chuyện đầu Ngô mình Sở, không đầu không đuôi, lẫn lộn lung tung.

– Chương 11(Sirens): Chương mở đầu bởi chừng 60 câu ngắn, gọn y như những đoạn “dạo khúc” (fugue) trước khi chuyển qua chủ đề chính. Kỹ thuật ở chương này là âm nhạc, nên chứa đựng các đề mục về âm nhạc, thơ ca trữ tình và tiếng động. Ngôn ngữ là một chuỗi liên tưởng đóng vai trò như những nốt nhạc với vần, điệu, lặp đi lặp lại, có khi rất là vô nghĩa như khi từ ngữ chuyển hẳn thành âm thanh (như impertinent insolence thành imperthnthn thnthnthn).

– Chương 13 (Nausicaa): là chương tục nhất. Cái tục nằm rải rác ở nhiều chương, nhưng chương này được xem là cao điểm với các cảnh nhìn trộm phụ nữ, thủ dâm, những suy tưởng về tình dục… Chính vì chương này mà sở kiểm duyệt ra lệnh đình chỉ đăng tải Ulysses trên tạp chí “The Little Review” tháng 8/1920.

– Chương 14 (Oxen of the Sun): là chương cô đọng nhất, khó nhất và đầy kỹ thuật. Nó tái hiện lại toàn bộ lịch sử của ngôn ngữ Anh văn qua chín chặng phát triển (đồng thời là ẩn dụ của chín tháng thai nghén trong bụng người đàn bà) tiến đến một mớ hổ lốn các tiếng lóng Dublin, những nhận xét dí dỏm, một đoạn trong sách Phúc âm và nhiều thứ vô nghĩa khác. Chẳng hạn như những dòng đầu chương, từ “Deshill Holles… hoopsa”, trang 383 (tám dòng): một loại thần chú cổ sơ; từ “Universally that …enjoined? trang 383-384 (31 dòng): văn xuôi la tinh của sử gia La Mã Sallust và Tacitus; hay giữa chương từ “Before born babe bliss had… sorrowing one with other trang 386 (57 dòng): văn xuôi lặp lại âm đầu Anglo-Saxon; từ “However, as a matter of fact… ages yet to come trang 416-418 (58 dòng): văn của sử gia Anh Thomas; từ “Meanwhile the skill… faithful servant trang 420-421 (41 dòng): văn của Charles Dickens; từ “All off for abuster…” đến cuối chương, trang 424-428 (khoảng hơn bốn trang): đầy cả tiếng lóng, thổ ngữ và thơ văn kiểu thơ con cóc.

– Chương 18 (Penelope): chương này bắt đầu bằng chữ YES và chấm dứt cũng bằng chữ YES, có tám “câu”, riêng “câu” đầu tiên có 2500 chữ, không có một dấu ngắt câu nào y như một quả bóng lớn lăn tròn, lăn tròn với bốn hướng chính liên hệ đến các cơ phận nhạy cảm của phụ nữ là ngực (breast), mông (arse), tử cung (womb) và âm đạo (cunt) được diễn tả bởi bốn từ because, bottom, womanyes. Đây cũng là một chương tục nhưng lại có vẻ đúng đắn, chừng mực và lãng mạn nhất, diễn tả tâm trạng của bà vợ Molly qua những cảm xúc rất riêng của bà với những người đàn ông đi qua đời mình, kể cả ông chồng Bloom.

Sự thay đổi giọng điệu (voices), văn phong cộng thêm vào đó là sự nhại văn và ngay cả cách bố trí các trang giấy không phải là trò lập dị mà là một ý định nghiêm túc của Joyce nhằm khêu gợi sự chú ý của độc giả đến tác phẩm như là một tác vật văn chương (literary artifact) [8]: vừa là sản phẩm của óc tưởng tượng cá nhân mà vừa như là một tổng hợp các thành tố tu từ, ngôn ngữ, phản ảnh cách suy nghĩ của con người trong một nền văn hóa riêng biệt nào đó. Rốt cuộc, Ulysses được xem như là sự nhại văn (parody) và là một loại sử thi châm biếm (mock-epic) đầy những nhân vật phản-diện và những kẻ thất bại. Có thể xem Ulysses là một dự tính tái tạo các nhịp điệu cuộc sống bằng cách xây dựng một truyện mà tất cả các phần tác động theo những cách khác nhau làm sao để hoàn thành cùng một mục tiêu: phơi bày ý nghĩa của cuộc sống hiện đại. Một trong những mô-típ trung tâm của tác phẩm, theo Patrick McCarthy, là sự đụng độ (encounter). Những đụng độ diễn ra dưới nhiều hình thức: nhân vật đụng độ nhân vật (Stephen vs Bloom/ Stephen vs Mulligan/Bloom vs Boylan…), nhân vật đụng độ thực cảnh: báo chí, sách truyện, các tình huống, sự kiện…, nhưng đụng độ điển hình nhất là đụng độ giữa nhân vật và chính mình (self-encounters). Nói như nhân vật Bloom trong Ulysses “Anh nghĩ rằng anh sẽ thoát nhưng hóa ra là đâm sầm vào chính mình” (Think you’re escaping and run into yourself) hay như nhân vật Stephen cho rằng cuộc sống bao gồm những “gặp gỡ chính chúng ta” (meeting ourself). Độc giả, khi đọc Ulysses, cũng là một cuộc đụng độ: đụng độ với văn bản trong vô số sự kiện, giá trị, những minh giải, phán đoán chứa đựng trong đó [9].

Điều quan trọng cần lưu ý: Ulysses được sáng tác trong một đối chiếu song song với tác phẩm của Homer (Homeric parallels), The Odyssey – tức là câu chuyện về Odyssey, mà người La Mã gọi là Ulysses, và cuộc hành trình của ông sau cuộc chiến tranh Troy. Đó là một cuộc du hành kéo dài 10 năm cuối cùng được trở về nhà gặp lại người vợ chung thủy chờ đợi và đứa con đã lớn của mình sau khi trải qua hết cuộc phiêu lưu này đến phiêu lưu khác với đám thủy thủ của ông. Joyce dùng The Odyssey như là một hệ thống cơ cấu lỏng lẻo (loose structural framework) cho tác phẩm, sắp xếp các nhân vật và biến cố chung quanh mẫu người hùng của Homer, trong đó Bloom được xem như Ulysses, Stephen như “con trai” của ông là Telemachus và Molly như là bà vợ chung thủy Penelope. Tác phẩm có 18 chương mang tên liên hệ đến những cuộc phiêu lưu của Odyssey khi công bố từng kỳ trên “The Little Review”, nhưng bị bỏ đi khi xuất bản thành sách, theo ý của Joyce. Dẫu vậy, Joyce vẫn tiếp tục dùng và kèm theo chúng trong các “giản đồ” (schemata) dành cho bạn bè và các nhà nghiên cứu. Bởi vậy, trong các tác phẩm nghiên cứu về Ulysses, ta thấy các chương đều có tên. Chương đầu mang tên Telemachus, kế đó là Nestor, Proteus, Calypso, Lotus Eaters, Hades, Eolus… và chương cuối cùng là Penelope. Chương 1 “Telemachus” kể chuyện Stephen thức dậy và muốn đi tìm một người cha tâm linh (spiritual father) tương tự như Telemachus muốn đi tìm cha mình là Odyssey; chương 4 “Calypso” tả Bloom phục dịch bà vợ y như trong Odyssey, Odyssey bị chúa đảo Calypso cầm tù; chương 12 “Cyclops”, Bloom tiết lộ nguồn gốc Do Thái của mình với một nhân vật tên là Citizen tương tự như Odyssey tiết lộ tên thật của mình cho thần khổng lồ Cyclops; chương cuối là độc thoại của bà vợ Molly diễn tả tâm trạng phức tạp của bà về tình cảm, tình dục… nhưng cuối cùng vẫn yêu chồng y như Penelope trong Odyssey chờ đợi chồng trở về, vân vân.

Dù tác phẩm song hành với The Odyssey, mỗi một chương được tổ chức theo giờ giấc, màu sắc, cảm giác, biểu tượng, kỹ thuật văn chương, nghệ thuật và khoa học khác nhau. Chính điều này khiến tác phẩm càng thêm phức tạp. Sự quan trọng trong việc đối chiếu Ulysses với Odyssey, chủ yếu có tính cơ cấu: cung cấp cho Joyce một cái khung thích hợp đồng thời cũng cung cấp cho độc giả và những nhà phê bình một danh pháp (nomenclature) thích hợp: các tựa đề. Nhưng tại sao lại phải đối chiếu với The Odyssey? Chỉ một thời gian ngắn sau khi Ulysses xuất bản (1922), T.S. Eliot – một trong những người nhiệt tình ủng hộ Joyce – cho rằng “Trong khi dùng huyền thoại, trong khi sử dụng sự đối chiếu liên tục giữa tính đương đại và tính cổ truyền, Joyce đang theo đuổi một phương pháp mà những nhà văn khác phải tiếp tục đi theo […]. Đó giản dị là một cách kiểm soát, một cách sắp xếp, một cách tạo hình dáng và ý nghĩa cho cái toàn cảnh mênh mông của tính vô nghĩa và vô chính phủ hiện là lịch sử đương đại” [10]. Nhiều nhà phê bình không đồng ý với cách giải thích đó. Riêng Joyce, ông có cách giải thích khác. Joyce gọi Odyssey là “đề mục đẹp nhất và bao trùm nhất” trong tất cả nền văn chương thế giới. Đi vào chi tiết, ông cho rằng Ulysses hiện thân cho sự tích chứa sống động nhất của tất cả mọi hoạt động nhân loại, do đó, đối với ông, Homer trở thành một siêu tượng (archetype) cho nhân loại [11]. Thực ra, trong tác phẩm, ta thấy Joyce không chỉ sử dụng Homer mà là rất nhiều nhân vật huyền thoại hậu-Homer khác như Icarus, Hamlet, Shakespeare, Lucifer… Được hỏi tại sao ông đặt tựa đề là Ulysses, Joyce trả lời: “Đó là hệ thống làm việc của tôi.” Cách sử dụng các yếu tố và hình tượng huyền thoại đối chiếu với hiện thực được Joyce thể hiện trong nhiều tác phẩm khác nhau. Đó cũng là một trong những đặc điểm của chủ nghĩa hiện đại: sự tương thuộc của một tác phẩm với những tác phẩm khác cùng tác giả cũng như tương thuộc với nhiều tác phẩm có trước của những tác giả khác.

Đọc Ulysses

Được xem là tuyệt tác, nhưng đọc nó không dễ dàng gì, ngay cả đối với những người mà tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Đọc Ulysses là cả một công trình y như leo lên một hòn núi có tên là Ulysses (climbing Mount Ulysses). Đọc ở đây không còn là giải trí nữa. Theo Allen B. Ruch, tác giả The Modern Word thì để đọc Ulysses, phải theo một số bước căn bản [12]. Trước hết, phải lập một lịch trình đọc, ít nhất là phải dành riêng nguyên một hay hai tháng hoàn toàn tự do, chấp nhận điều đó y như chấp nhận dành thời gian để thực hiện một dự án nào đó. Để có hứng thú, nên tìm một nhóm đọc (reading group) để giúp đỡ lẫn nhau. Người ta cũng có thể tìm trên Internet, nơi có rất nhiều nhóm thân hữu sẵn sàng tổ chức những nhóm đọc Ulysses. Và đừng lo lắng là sẽ không đọc được. Nhiều người vẫn xem chuyện đọc Ulysses y như đọc một chuyện tếu. Bất cứ khi nào mà ta cảm thấy không hiểu gì hết về một từ, một nhóm từ hay văn phong hay gì gì đó, thì bỏ ngay chúng đi sang phần khác, vì không có ai dám tự hào là hiểu ngay Ulysses chỉ trong lần đọc đầu tiên.

Phải sửa soạn trước một không khí văn chương. Hay nhất là nên đọc A Portrait of the Artist as a Young Man, cũng của Joyce, để làm quen. Tác phẩm này sẽ cho ta cái thú vị về văn phong đặc biệt của Joyce và thêm vào đó, nó giới thiệu với ta về nhân vật Stephen Dedalus và gia đình của anh ta. Sau đó là Dubliners. Tác phẩm này cho ta một ít kiến thức về các nhân vật phụ trong Ulysses. Ngoài ra, theo Ruch, ta cũng nên đọc hai đại tác phẩm khác là The Odyssey của Homer và Hamlet của Shakespeare, vốn được nhiều nhân vật trong Ulysses thảo luận đến, đặc biệt là trong chương “Scylla and Charybdis”. Thêm vào đó, ta nên đọc bài thơ ngắn “Who goes with Fergos” của Yeats. Bài thơ này thỉnh thoảng xuất hiện trong trí tưởng của Stephen và một số các thi ảnh của nó phảng phất trong Ulysses. Tất cả những điều này sẽ rất hữu ích trong việc giúp ta nắm vững các diễn biến trong truyện. Nhất là The Odyssey và tất cả các chương trong Ulysses đều có thể có đối chiếu với các cuộc phiêu lưu của Ulysses. Đó là một thế giới của liên tưởng, ẩn dụ, các trò trêu cợt. Đã thế, hầu hết những thông tin để tra cứu, đối chiếu lại chẳng rõ ràng lắm ngay với những độc giả chú tâm nhất cho nên cách hay nhất là phải đọc lại, thậm chí nghiên cứu lại bằng cách tra cứu cái gọi là “Ulysses schemata” (giản đồ thông tin Ulysses) do Joyce “hé lộ” vào năm 1920. Những thông tin này thường nằm ẩn dấu dưới bản văn, khiến cho nó chứa đựng một sức năng động nội tại. Dù vậy, theo lời khuyên của các học giả chuyên nghiên cứu Ulysses thì độc giả lần đầu tiên đọc Ulysses không cần phải có giản đồ các thông tin cũng như người ta thưởng thức âm nhạc cổ điển mà không cần phải có kiến thức về lý thuyết hòa âm. Ulysses, cũng giống như trò chơi ô chữ, luôn luôn đợi chờ những kẻ thích tò mò.

Cuối cùng, nên tìm một tập sách hướng dẫn (guides) y như một cẩm nang khi đi du lịch. Cuốn cẩm nang sẽ cung cấp cho ta một số thông tin về các biến cố bên ngoài về chính trị, âm nhạc, lịch sử rất cần để hiểu Ulysses. Hiện nay, những tác phẩm nghiên cứu về Joyce khá nhiều như The New Bloomsday Book của Harry Blamires, Ulysses Annotated của Don Gifford & Robert J. Seidman, James Joyce’s Ulysses của Stuart Gilbert, Ulysses của Hugh Kenner, Ulysses Modern Critical Interpretations của Harold Bloom & William Goldman… Hai cuốn nên tìm, đó là New Bloomsday Book (giải thích chi tiết truyện) của Harry Blamires và Ulysses Annotated (được xem như một loại “kinh thánh Ulysses” = Ulysses Bible) của Don Gifford.

Hiện nay, trên thị trường có bốn ấn bản:

– Ấn bản đầu tiên năm 1922. Ấn bản này, như đã nói, có rất nhiều sai sót.

– Ấn bản Ulysses “corrected and reset” năm 1961.

– Ấn bản gây tranh cãi “Gabler Edition”.

– Ấn bản “Reader’s Edition” là ấn bản mới nhất do Danis Rose biên soạn. Cái đặc biệt của ấn bản này là viết lại văn bản của Joyce bằng cách tách các câu dài thành ra những câu ngắn, dùng dấu gạch nối giữa các từ kép và thêm các dấu ngắt câu trong “Penelope”, chương cuối và là phần khó nhất của tác phẩm, có sự độc thoại của Molly. Tất nhiên, ấn bản này tạo sự dễ hiểu cho những ai không thể đọc nổi Ulysses nguyên bản. Nhưng người ta cảnh cáo rằng, nếu thấy bạn cầm ấn bản này trong khuôn viên đại học, những kẻ hâm mộ Joyce sẽ ném đá vào mặt bạn ngay bởi vì họ cho rằng ấn bản này là một sự “báng bổ” Joyce không thể chấp nhận được.

Thách đố mới và dư luận

Trong lúc chính phủ Ái Nhĩ Lan và ban tổ chức “ReJoyce Dublin 2004” đang hào hứng sửa soạn cho 100 năm ngày Bloomsday thì đầu năm 2004 xuất hiện một phong trào bài xích Ulysses và James Joyce. Một số nhà văn và nhà báo cho biết họ chán đến chết đi được khi phải đọc một tác phẩm quá sức khó hiểu (impenetrable book) và sự tôn thờ nó quá đáng như thế. Họ nói thẳng thừng ra rằng, bằng cách nâng ông ta lên vị thế của một ông thần trong văn chương (literary God), những kẻ hâm mộ Joyce đã làm hại đến các nhà văn Ái Nhĩ Lan khác và biến tên tuổi Joyce thành một thứ kỹ nghệ – Joyce industry – mà mục đích là làm kinh doanh du lịch hơn là vì giá trị văn chương đích thực của nó. Khai hỏa cho cuộc tấn công Joyce lần này là Roddy Doyle. Ông chọn đúng vào ngày sinh nhật Joyce được tổ chức tại New York vào đầu tháng 2/2004 để lên tiếng đả kích.

Ulysses lẽ ra có thể được thực hiện với một tay biên tập tốt. Quý vị biết rằng người ta luôn luôn xếp Ulysses trong 10 tác phẩm hàng đầu từ trước đến nay nhưng tôi ngờ rằng chẳng có mấy ai trong số những người đó thực sự cảm xúc với nó. Tôi có đọc có ba trang của Finnegans Wake và thật là phí thời giờ dễ sợ. Dubliners là tác phẩm khá nhất của Joyce, còn Ulysses thì thật chẳng xứng đáng được kính trọng tí nào.” Ulysses, theo Doyle, là một tác phẩm “quá đáng (overrated), quá dài (overlong) và chẳng gây nên cảm xúc nào (unmoving).”

Phát biểu bất ngờ của Doyle làm tất cả những người hâm mộ Joyce tại buổi lễ chưng hửng. Vì người phát biểu không phải là một tay mơ nào đó muốn nổi tiếng bằng cách tấn công thần tượng, mà là một khuôn mặt khá nặng ký trong văn giới: Roddy Doyle là nhà văn hiện đại nổi tiếng nhất Ái Nhĩ Lan hiện nay, giải Booker 1993 với Paddy Clarke, Ha Ha Ha và có một vở kịch được quay thành phim: The Commitments.

Không dừng ngang đó, Doyle tiếp tục tố cáo Joyce qua một cuộc phỏng vấn trên tờ Sunday Tribune [13] với giọng điệu còn gay gắt hơn. Ông cho rằng Joyce đã ném một cái bóng dài và độc hại trên sinh hoạt văn học Ái Nhĩ Lan. “Nếu bạn là một nhà văn ở Dublin và bạn viết một trích đoạn đối thoại, mọi người sẽ cho rằng bạn cuỗm nó từ Joyce. Cái ý tưởng cho rằng ông ta nắm bắt được ngôn ngữ nói thường ngày của Dublin là một điều vô nghĩa. Thực ra thì ông ta biết quái gì thổ âm Dublin. Cái đó y như thể bạn đang xâm phạm vào lãnh vực của ông ta hoặc ông ta đang ngồi trên vai bạn. Tôi thật bực mình.”

Theo Doyle, James Joyce chẳng phải là nhà văn Ái Nhĩ Lan hay nhất. Vinh dự đó đáng lẽ phải về tay của Jennifer Johnston, một người tương đối ít nổi tiếng, tác giả của The Captains and The Kings. Nhân đó, Doyle đả kích luôn David Norris, thượng nghị sĩ cũng là một học giả và là người cổ võ cho phong trào phục hồi Joyce. Theo ông, cái lễ hội Bloomsday nên bỏ đi chừng năm năm để cho người ta khỏi phiền lòng khi phải lên án hay đuổi ông ta hay cái gì na ná thế.

Quan điểm của Doyle được nhiều người tán thành. Nhà báo Kevin Myers viết trên tờ Times [14], diễn tả Ulysses như là “một trong những ngõ cụt vô vọng nhất trong lịch sử văn chương. Đó là một tác phẩm dài 400.000 chữ, trong đó có lẽ có đến 250.000 chữ là thừa”.

Nhà báo Sean Moncrieff, trên tờ “Irish Examiner”, cho rằng Ulysses sẽ không bao giờ được xuất bản nếu nó được viết ngày hôm nay. “Chuyện gì xảy ra trong Ulysses? Chẳng có quái gì cả. Bloom ăn sáng. Đi dự một tang lễ. Đi lòng vòng quanh Dublin. Stephen Dedalus cũng thế. Nhậu nhẹt say sưa và làm cái này cái nọ trông như một thằng khờ. Rồi cả hai về nhà. Cứ thử gửi phần tóm lược nội dung đến cho bất cứ một nhà xuất bản hiện đại nào rồi ta sẽ thấy chẳng có gì ráo.”

Flann O’Brien, nhà văn tên tuổi và nhà trào phúng, than thở “Tôi thề có Trời, nếu tôi mà nghe cái tên Joyce đó thêm một lần nữa, chắc tôi phải sùi bọt mép mà chết thôi.”

Những người nằm trong ban tổ chức “Bloomsday” lập tức phản bác. “Thật không công minh chút nào khi cho rằng chẳng có ai xúc động khi đọc Ulysses. Nhiều người đọc Ulysses và cảm động,” Helen Monaghan, giám đốc “James Joyce Center”, một viện bảo tàng ở Dublin được lập ra để vinh danh tác giả và tác phẩm cho biết. “Ulysses là một mục tiêu rất dễ tấn công. Nó nổi tiếng quá đến nỗi người ta muốn làm cho nó tan biến đi” […] “Mục đích của chúng tôi là tạo ra một sự hiểu biết về tác phẩm của Joyce.” Theo bà, “bất cứ ai, không chỉ những người trí thức, đều có thể tìm thấy sự thú vị khi đọc loại văn xuôi kỳ lạ của Joyce.”

David Norris, người đã bị Doyle tấn công, cho rằng Doyle là một kẻ điên rồ, một “tài năng xoàng”. Ông khẳng định: “Nhiều người cố tìm danh tiếng bằng cách tấn công Joyce mà Doyle là một trong số đó” […] “Chẳng có gì để tôi phải xin lỗi xin phải về sự phô trương quá mức cần thiết này (khi ca ngợi Joyce). Tại sao những kẻ phỉ báng Joyce lại có vẻ quá rởm như thế. Người ta thưởng thức cái mà người ta thích thì có gì là sai đâu? Joyce đã trở thành một hình tượng khổng lồ. Chúng ta là một dân tộc ưa phá hoại, cứ thích đào tượng lên và chỉ ra rằng chúng có những bàn chân bằng đất sét.” [15]

Phản ứng của văn giới

Trong một bài báo có tựa đề “Genius or fallen idol?” in trên nhật báo The Guardian [16], Sam Jones ghi lại ý kiến của một số nhà văn, nhà phê bình văn học, nhà thơ về tác phẩm Ulysses sau những “thách đố mới” nói trên qua một những cuộc phỏng vấn ngắn:

Terry Eagleton (giáo sư về lý thuyết văn hóa tại Đại học Manchester): Tôi đã đọc Ulysses nhiều lần. Thật là kỳ lạ khi tác phẩm trở thành một văn bản quá được sùng kính như thế trong khi Joyce lại là một tay có khuynh hướng bài xích tôn giáo (iconoclast). Có lần Joyce phát biểu rằng ông có đầu óc của một người bán hàng tạp hóa, nhưng trong khi nó quá tầm thường, quá bình dân và đầy cả thổ ngữ, thì đồng thời nó cũng rất bí ẩn. Thế thì có quá đáng lắm không đối với một bản kinh văn? Này nhé, Stephen nói trong tác phẩm: “Lịch sử là một cơn ác mộng mà tôi đang cố gắng trốn ra.” Còn một số người ở Ái Nhĩ Lan thì nói rằng Ulysses là một “cơn ác mộng mà họ đang cố gắng trốn ra.”

Christopher Cook (giám đốc nghệ thuật của Liên Hoan Văn Chương Cheltenham): Tôi sợ khi phải nói rằng tôi chỉ có đọc nó có một lần ruỡi. Tôi hiểu nó ít khó khăn hơn tôi đã từng nghĩ và không quá gay go như tôi sợ. Đó là một trong những tác phẩm bạn mua khi còn là sinh viên chưa tốt nghiệp đại học và dường như nằm trên giá sách bạn nhiều năm không ai rờ tới. Cái phiền khi đọc Joyce, cũng như đọc nhiều nhà văn lớn khác, là khó có thể phân cách tác giả ra khỏi danh tiếng mà ông ta có.

Anne Enright (nhà văn): Tôi cho rằng có một số đoạn trong truyện là rất hay và cảm động, nhưng nhiều người sẽ rất hạnh phúc nếu có những dấu chỉ trong sách cho biết nơi nào thì phần độc thoại của Molly bắt đầu. Tôi đã không được phép đọc nó khi tôi còn nhỏ. Tôi có hỏi mẹ tôi tại sao, thì mẹ tôi nói rằng nó quá tục tĩu. Tôi bắt đầu lén lút đọc nó khi còn rất nhỏ và vẫn còn thích. Điều phiền hà duy nhất với tác phẩm là cái truyền thống Bloomsday. Là một nhà văn mà lại sống ở Dublin khi ngày Bloomsday đến khiến ta cảm thấy mình giống như một con chuột thật trong khu Disneyland.

Justin Cartwright (nhà văn): Tôi cho rằng đó là một tác phẩm thiên tài. Tôi đã đọc một lần nhưng rồi đọc lại mỗi khi có một bài phê bình nào vừa xuất hiện. Tôi cũng đã đọc Finnegans WakeDubliners, nhưng Ulysses quả thực là tác phẩm lớn nhất bằng tiếng Anh. Nó cho thấy một sự hiểu biết và sử dụng ngôn ngữ đáng kinh ngạc, nhưng còn nhiều điều hơn thế. Viết tức là xây dựng cốt truyện và văn phong mà Ulysses thì có cả hai. Nó gây ấn tượng về ngôn ngữ và rất cảm động. Sự thể là hiện nay nó vẫn còn bị chê bai cho thấy nó vẫn còn ảnh hưởng biết bao khi xuất hiện.

Fintan O’Toole (nhà phê bình): Thật là khoan khoái khi thấy rồi rốt cuộc một ai đó cũng thử tìm đọc Ulysses. Lẽ ra Joyce không nên được đối xử như một tượng thánh và một tác phẩm không nên bị giữ quá lâu trong sự sợ hãi như thế đến nỗi người ta sợ khi phải đọc nó. Ý tôi muốn nói rằng tôi đã đọc nó hai lần và tôi thấy thật cảm động. Quan hệ giữa Bloom và Molly Bloom thật sự là một trong những chuyện tình vĩ đại. Lại hài hước nữa. Có lẽ điều đáng nói nhất về tác phẩm là nó xử lý một trong những vấn nạn lớn của thế kỷ 20: chủ nghĩa chống Do Thái.

Roy Foster (giáo sư lịch sử Ái Nhĩ Lan, Đại học Oxford): Tôi rất ngưỡng mộ những tác phẩm của Roddy Doyle, nhưng Ulysses là một tác phẩm tiên phong. Nó đã không thể gây nên bất cứ một ảnh hưởng nào như đã có nếu như nó không được viết theo cách và với độ dài như thế. Điểm hệ trọng của một tác phẩm lớn là nó không thỏa hiệp, nhưng Ulysses dường như vẫn còn cái hấp dẫn của một tác phẩm văn chương thiên tài. Nó vẫn là sách gối đầu giường của tôi.

Craig Raine (nhà thơ và phụ giáo Anh văn tại Đại học New Oxford): Tôi đã từng mang theo một cuốn Ulysses bất cứ khi tôi đi đâu ngay cả khi tôi bị xe đụng. Hình như điều đó quan trọng hơn cả mang được đồ lót sạch sẽ. Tôi cho rằng đó là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất đã được viết ra.

Thực ra, những tranh cãi về Joyce như thế không phải mới mẻ gì. Khi tác phẩm được đăng từng kỳ trên “The Little Review”, dư luận đã ồn ào, người bênh kẻ chống. Sau khi tác phẩm ra đời, càng ồn ào hơn nữa. Rất nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu tên tuổi đã viết bài ca ngợi hoặc tấn công tác phẩm. Người đầu tiên tấn công tác phẩm là Richard Aldington. Aldington cho rằng Joyce chẳng qua là một nhà văn thuộc trường phái đa-đa pha trộn với chủ nghĩa tự nhiên (naturalism). Nhưng người tấn công mạnh mẽ nhất là gây thiệt hại nhiều nhất cho Joyce vào giai đoạn đầu là một người bạn và cũng là người thuộc xu hướng hiện đại chủ nghĩa: Wyndham Lewis. Lewis đồng ý rằng Ulysses là “hiện đại”, “tiến bộ” nhưng chỉ trong cái khéo tay của một người thợ lành nghề, còn nội dung của nó chỉ là cặn bã của chủ nghĩa tự nhiên trong văn chương thế kỷ thứ 19 được lọc qua các triết lý bị ám ảnh vì thời gian của Freud, Bergson và Einstein. Và người mạnh mẽ bênh vực cho Joyce là nhà thơ T.S. Eliot. Theo Eliot, phương pháp của Joyce là “một bước tiến đến chỗ làm cho thế giới hiện đại có thể trở nên thế giới của nghệ thuật.” [17]

Những tranh cãi như thế tiếp tục mãi đến hiện nay. Có một điểm mà hầu như mọi người đều đồng ý: Ulysses chiếm một vị trí trung tâm của lịch sử tiểu thuyết hiện đại, tương tự như vị trí của tập thơ “The Waste Land” của T.S. Eliot (1888-1965) trong thi ca. Joyce và Ulysses vẫn là đề tài được nghiên cứu nhiều nhất trong giới học giả và phê bình văn chương hàn lâm và gây ảnh hưởng lên nhiều nhà văn hiện đại (và có thể cả “hậu hiện đại”) như Virginia Woolf, William Faulkner, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Thomas Pynchon, John Barth, Jorge Luis Borges; các nhà văn tân tiểu thuyết như Michel Butor, Claude Mauriac, Raymond Queneau; các nhà văn Đức như Alfred Doblin, Hermann Broch. Và như nhà văn Norman Mailer nhận xét trong bài diễn văn đọc trong cuộc hội thảo về Joyce năm 1980 tại Provincetowm, bang Massachusetts, ngay cả những nhà văn, dù không chấp nhận cách viết của Joyce, nhưng cũng chịu ảnh hưởng bởi các kiến thức của họ về các khả thể văn chương mà Joyce đã mở ra qua các tác phẩm của ông [18].

Điều chắc chắn là Joyce hay Ulysses chẳng hề ảnh hưởng gì đến văn chương Việt Nam. Chỉ trong thời gian gần đây, ta mới tìm thấy đôi chút hơi hướm của Joyce trong một vài tác phẩm của Phạm Thị Hoài (Man Nương, Thực đơn ngày Chủ nhật), Lê Thị Thấm Vân (Âm vọng), Thuận (Made in Viet Nam) và rải rác trong một số truyện ngắn của các nhà văn trẻ. Thực tế thì Joyce không hợp với cái “tạng” của người Việt Nam chúng ta. Đó là một lẽ. Lý do sâu xa hơn có lẽ là do nền văn chương của Việt Nam, do hoàn cảnh lịch sử, không được tiếp cận nhanh chóng và tích cực với các trào lưu văn chương quốc tế. Trong lúc ở các nước Tây Phương, các trào lưu văn học hiện đại cũng như các tác giả được giới thiệu rộng rãi trong công chúng, được đưa vào chương trình học ngay cả ở cấp trung học, thì ở Việt Nam, học sinh và sinh viên vẫn cứ phải cặm cụi học và thưởng thức những tác phẩm cổ điển. Cơ hồ như nguyên cả thế kỷ 20, khí hậu văn chương Việt Nam dường như vẫn như thế: tà tà, chầm chậm, buồn buồn. Thỉnh thoảng chợt xuất hiện một vài hiện tượng bất thường (một tác giả hay một tác phẩm nào đó) như sao băng xẹt ngang bầu trời, lóe sáng lên và …tắt ngủm!

Chẳng lạ gì mà những khuôn mặt như Joyce hay những tác phẩm như Ulysses đều chẳng mấy ai biết và nếu có biết chăng cũng chỉ là biết cái tên. Cả tác giả lẫn độc giả đều dị ứng với tất cả những gì mới và lạ. Mới quá và lạ quá lại càng gây nên tâm trạng sợ hãi. Mọi người quên rằng những gì mà ta xem là bình thường ngày hôm nay đã là rất mới và rất lạ và hoàn toàn mới và hoàn toàn lạ đối với người Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Được sống trong một không khí như thế, nên người viết bài này dù có hai cuốn của Joyce: một là Ulysses và một là A Portrait of the Artist as a Young Man (mua từ một tiệm sách cũ) cũng chỉ để chưng. Thỉnh thoảng, có lật Ulysses ra xem. Ráng đọc thử đôi đoạn rồi lặng lẽ trả về chỗ cũ.

Chẳng biết đến khi nào thì mới có bản Việt dịch? Tôi độ chừng là chẳng bao giờ. Người Anh, người Mỹ còn kêu là khó, huống gì người Việt. Vả lại, văn hóa khác nhau. Cái mà người Tây Phương thích lại không phải là cái chúng ta thích. Văn chương là để giải trí, để tiêu khiển, để hiểu. Đọc một tác phẩm để …chẳng hiểu gì cả thì quả là uổng công. Mà muốn hiểu đôi chút lại phải chạy vòng quanh, nghĩa là nhờ qua sách này sách nọ giải thích, theo lời dặn dò của những người mê Joyce. Và khi đọc sách giải thích rồi thì đọc tác phẩm làm gì nữa? Thật là một công việc vô ích. Nhưng nghĩ cho cùng, việc đi tìm chân lý cuộc đời tốn hao bao giấy mực của nhân loại cũng vô ích có kém chi!

Vào thư viện, nhìn những cuốn sách đồ sộ nghiên cứu về Joyce nằm trên giá sách, cuốn nào cuốn nấy đều tơi tả qua thời gian vì nhiều người sử dụng, lòng bâng khuâng tự hỏi: người ta tìm gì ở trong đó? Bèn tò mò muốn biết.

Bài viết này xuất phát từ chỗ tò mò đó.

Để kết thúc, xin dẫn lại một câu của Charles M. Sennott, biên tập viên văn học của nhật báo Boston Globe, viết nhân 100 năm Bloomsday: “Giống như thánh kinh, Ulysses được bàn đến nhiều hơn là được đọc.” [19][A1]

Xin được góp một chút “bàn” đó với độc giả Việt Nam.

(trong Tác Giả, Tác Phẩm và Sự Kiện, biên khảo văn học, nxb Văn Mới, California, Hoa Kỳ 2005)


[1] Xem website “ReJoyce Dublin 2004”.

[2] Những thông tin về Bloomsday lấy từ các bản tin của BBC News, The Independent, Boston Globe các ngày 16 & 17/6/2004.

[3] Richard Ellman, dẫn lại theo Patrick McCarthy, Ulysses, Portals of Discovery, nxb Twayne Publishers, Boston, 1990, tr. 9.

[4] Patrick Kéchichian, Joyce signale que l’écriture peut témoigner d’un corps vivant, Le Monde 11/6/2004.

[5] Hélène Cixous, Les traducteurs “ont osé joycer le texte”, Le Monde 11/6/2004.

[6] Theo Patrick McCarthy, sđd, tr. 9-13.

[7] Dẫn theo Richard Ellmann, The Backgrounds of Ulysses, trong James Joyce’s Ulysses, nhiều bài viết, nxb Chelsea House Publishers (New York, New Haven, Philadelphia), 1987, tr. 8.

[8] Patrick McCarthy, sđd tr. 12.

[9] Xem Patrick McCarthy, sđd, phần “Preface”. McCarthy là giáo sư tại Đại học Miami, một học giả chuyên nghiên cứu về Joyce. Tác phẩm Ulysses, Portals of Discovery là một cuốn sách khá mỏng, nhưng đưa ra một cái nhìn mới mẻ về Ulysses.

[10] T.S. Eliot, Ulysses, Order and Myth, dẫn theo Wolfgang Iser, trong “James Joyce’s Ulysses”, nxb Chelsea House Publishers, New York – New Haven – Philadelphia, 1987 – tr. 25.

[11] Wolfgang Iser, sđd, tr. 26

[12] Xem Website http://www.themodernword.com/joyce/joyce_works_ulysses.html.

[13] Sunday Times 8/2/2004.

[14] Times 11/2/04.

[15] Những thông tin trên dựa vào các bản tin trên tờ The Guardian & BBC News ngày 10/2/2004.

[16] The Guardian 10/2/2004.

[17] Xem Patrick McCarthy, sđd, phần “Critical Reception”.

[18] Dẫn theo Patrick McCarthy, sđd, tr. 12, 13.

[19] And like the Bible, Ulysses is more talked about than actually read (Boston Globe, 16/6/2004).