Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Cảm nhận tháng Tư (phần 1)

Lại sắp tới một 30/4 sau 42 năm vẫn làm chảy máu nhiều con tim và nhức nhói nhiều bộ óc, không chỉ người Việt. Mỹ Lai là một vết thương như thế. „Cảm nhận tháng Tư“ của tác giả Xuân Thọ không phải là lời giãi bày thuần túy tâm tình, đó là những tư liệu sống về biến cố Mỹ Lai còn chưa được biết đến rộng rãi vì bị truyền thông chính thống trong nước giam trong bóng đêm dối trá. Tuy nhiên, đây không phải là tư liệu mới về tội ác khó quên của một số lính Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, mà lại là thái độ đối xử của „bên thắng cuộc“ với ngay những người cùng chiến tuyến xưa kia. Họ sẵn sàng bóp méo lịch sử, sẵn sàng ngoảnh mặt, thậm chí sẵn sàng vu cho „đồng chí“ mình là „phản động“, „chống phá“ một khi quyền lực miếng ăn bẩn thỉu của họ bị thách thức do những sự thật bị đánh tráo mà „đồng chí“ đòi lại.

Văn Việt trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của tác giả Xuân Thọ qua 3 kỳ.

Văn Việt

Hóa ra kẻ thù cũng là người.

Daß Feinde Menschen sind, ist eine Offenbarung (Manfred Hinrich)

Xuân Thọ

Đầu tháng tư, tôi có dịp đến thăm gia đình Trần Văn Đức, một nhân chứng sống của vụ thảm sát Mỹ Lai. Chúng tôi quen nhau qua các bài viết trên Facebook và may mắn Đức chỉ ở cách nhà tôi vài chục cây số.

Vợ chồng Đức là những người lao động chất phác, nhờ chăm chỉ làm ăn mà có một cuộc sống hạnh phúc ở một trung tâm công nghiệp cơ khí tây Đức. Cả hai đều xuất thân từ gia đình cách mạng, còn được gọi là „Việt cộng nòi“. Cũng chính vì lý lịch này mà cả hai được tuyển chọn đi học nghề ở CHDC Đức trong những năm 80 thế kỷ trước, để rồi họ may mắn gặp nhau.

Mặc dù đã được đọc vài lần về Đức trên báo chí, nhưng tôi vẫn xúc động khi Đức đưa cho xem những bức ảnh do chính phóng viên chiến trường Ronald Haeberle tặng. Tôi có cảm giác khó tả khi nhìn thấy chiếc máy ảnh Nikon-F, kỷ vật của Ronald, nằm bên cạnh những bức ảnh trên bàn của Đức

Mỹ Lai là một vết thương sâu thẳm trong lòng hai dân tộc Việt, Mỹ, đồng thời là vết nhơ lớn nhất trong lịch sử chiến tranh nước Mỹ, sự thật đó không còn phải tranh cãi. Nhưng việc cho đến hôm nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi xung quanh Khu chứng tích Sơn Mỹ (KCTSM) thật sự là một bằng chứng nhục nhã về việc bóp méo lịch sử ở Việt Nam.

Hôm 16.3.1968 định mệnh đó, cậu bé 7 tuổi Trần Văn Đức đã chịu đựng sự tàn bạo của bộ máy chiến tranh đóng mác „made in USA“. Đức đã chứng kiến cái chết của má, của chị Hai và em gái Huệ. Ông Trần Quy, ba Đức, một cán bộ kháng chiến cũng hy sinh trong trận phục kích hơn một năm sau (12.1969). Đã tưởng rằng thời gian sẽ hàn gắn những vết thương của chàng công nhân cơ khí gốc Quảng này. Nhưng không ngờ, gần 50 năm sau, Đức vẫn tiếp tục là nạn nhân của chính đồng bào mình, của những đồng chí đã được cha mẹ anh che chở khi xưa. Mọi cố gắng bảo vệ sự thật của Đức về vụ Mỹ Lai đều đang bị những kẻ nhân danh „xây dựng lịch sử“ coi là „chống phá“. Họ tiếp tục bóp méo sự thật, tiếp tục biến KCTSM thành một công cụ tuyên truyền cho mục đích của họ, tiếp tục làm tiền trên lưng của những nạn nhân thực thụ.

Không phải là phóng viên điều tra nên tôi không hy vọng sẽ có thể phơi bày hết nhưng điều tồi tệ đang xảy ra xung quanh KCTSM. Nhưng câu chuyện của gia đình Đức đã nói lên sự bất hạnh của dân tộc này, khi sự hy sinh của hàng triệu người Việt đã bị phản bội, bị lấy cắp. Cuộc đấu tranh đòi lại sự thật của Đức đã cho thấy cái thiện, cái ác trong con người ta bị tác động bởi cách mà dân tộc đó, hay cộng đồng đó nhìn về quá khứ.

1 -Tình bạn của những kẻ thù xưa

Ngay khi mới quen nhau, Đức đã chinh phục tôi bởi cái nhìn độ lượng và trung thực đối với những gì đã xảy ra tại quê anh từ ngày đó đến nay.

Giờ đây, Đức kết bạn với một số binh sỹ, nhà báo Mỹ có dính líu đến vụ thảm sát ở quê anh. Có người trong số họ, lại coi Đức như ân nhân.

Ronald Haeberle, phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, bị dằn vặt bởi những gì đã chứng kiến ở Mỹ Lai nên sau khi về nước, ông trở nên một con người bất bình thường, sống hàng chục năm trời như một cái bóng của chính mình. Cuộc hôn nhân của ông cũng vì vậy mà tan vỡ. Năm 2011 Ronald (Đức gọi thân mật là Ron) trở lại thăm Mỹ Lai cùng Đức để kể lại những sự thật đã hành hạ cuộc sống của ông mấy chục năm qua. Ron tặng Đức những bức ảnh gốc, những cuộn phim âm bản và chiếc máy ảnh lịch sử Nikon-F ông đã dùng ngày đó.

Gặp Đức, ông nhận ra chính cậu bé 7 tuổi năm xưa đã lấy thân che cô em gái 14 tháng Trần Thị Hà trong một bức ảnh của ông. Lòng vị tha và tình cảm của Đức dành cho Ron đã hồi sinh tâm hồn của ông. Bà Eva, vợ cũ của Ron thổ lộ với Đức: „Giá như chú gặp Ron sớm hơn vài năm, chắc chúng tôi đã không bất hạnh như hiện nay“. Ông bà tuy không sống với nhau nữa nhưng mỗi lần „chú Đức“ sang thăm, lại là dịp họ sum họp với nhau.

Đức cùng Ron đến thăm bà Eva và con cháu Larry Colburn đến thăm Đức tại Remscheid

Ngược lại Đức lại coi ba binh sỹ: chuẩn úy phi công Hugh Thompson, Glenn Andreotta, hạ sỹ thợ máy và Larry Colburn, hạ sỹ súng máy trên chiếc trực thăng Hiller OH-23 Raven đã đáp xuống ngăn chặn vụ thảm sát, cứu thoát 42 người dân và đưa 12 người bị thương vào bệnh viện là những ân nhân của bà con Sơn Mỹ.

Hugh Thompson đáp máy bay xuống sát bờ muơng và cứu sống 11 người trong căn hầm bên cạnh. Hugh cho Larry và Glenn chĩa súng máy vào đám lính, lấy tư cách sỹ quan, bắt chúng phải ngừng bắn. Sau khi chặn được toán lính đang say máu, Hugh điện cho phi công Dan Millians. Dan Millians và Brian Livingston lái trực thăng đến và chở 11 người ra khỏi vùng thảm sát. Máy bay của Hugh đã cất cánh rời con mương, bổng nhiên phải hạ cánh trở lại vì Glenn chợt nhìn thấy vật gì động đậy trong đống xác người. Chính Glenn đi xuống mương và ẳm cậu bé ra khỏi xác mẹ và chở thẳng đến Nhà thương Quảng Ngãi.

Bên phía thôn Bình Tây, lính Mỹ vừa hạ sát tập thể 15 người dân. Bên cạnh đống xác này gần chục mét, chúng tập trung 30 người dân còn lại để định hành quyết. Số người này bỗng nhiên được thả trước những nòng súng còn bốc khói. Trong cuộc điều tra sau này, lính Mỹ kể lại là đã nhận được lệnh ngừng bắn đúng lúc do sự can thiệp mãnh liệt từ đội bay Hugh, Larry và Glenn.

Glenn qua đời tại chiến truờng Việt Nam 1969, Hugh cũng mất năm 2006 tại Mỹ.

Đức gắn bó với cả hai vợ chồng Lysa và Larry Colburn. Những lần anh sang thăm họ hay họ sang Đức thăm anh luôn là những cuộc hội ngộ đầy nuớc mắt. Tháng 12.2016 vừa qua, Larry đã qua đời, nhưng trang sử của ba người lính Mỹ có lương tri đó đã không khép lại.

Một ông bạn khác của Đức là nhà báo Seymour Hersh, người đã đánh thức lương tâm nước Mỹ qua loạt phóng sự điều tra vụ Sơn Mỹ sau một thời gian không lâu. Ông đã tìm gặp rất nhiều lính Mỹ tham gia vụ thảm sát để lấy thông tin từ chính họ. Ngày 5.12. 1969 qua tạp chí LIFE ông đã đưa sự việc ra ánh sáng và cuối cùng, chính quyền Mỹ đã phải lập một phiên tòa đưa các sỹ quan và binh sỹ có liên quan ra xét xử.

Trong dòng khách hàng năm về Sơn Mỹ để tưởng niệm vết thương khi xưa, có rất nhiều cựu binh Mỹ. Họ lặng lẽ đến và đi như những người lính vô danh.

Đức không thể biết, trong số đó, ai là binh sỹ trong đại đội Charly, ai là binh sỹ của sư đoàn bộ binh 23 đóng ở căn cứ Chu-Lai, nơi xuất phát của lệnh tấn công thôn Mỹ Lai 4. Cũng có thể họ chỉ là một trong số nửa triệu thanh niên Mỹ đã sang Việt Nam hồi đó. Họ mang về đây sự ân hận, sự đau xót về những gì họ đã gây ra trên mảnh đất này, dù họ biết, số vật chất, tiền bạc mà họ quyên góp không thể thay thế cho lời sám hối.

Tượng đài nhà Khu chứng tích Sơn Mỹ, với hình ảnh người anh che chở người em phía bên phải

Chiến tranh luôn luôn là mảnh đất gieo mầm cho sự tàn bạo và tội ác, dù của bên này hay bên kia. Quân đội Mỹ coi Mỹ Lai là câu trả lời cho Mậu Thân 68. Là người Việt, ai không đau lòng?

Cái chính là cách con người nhìn lại những gì đã xảy ra để đánh giá những việc mình đã gây ra như thế nào. Người Mỹ đã rút ra được những bài học quý báu từ cuộc nội chiến Nam-Bắc (1861-1866) nên cách họ hành xử với nhau sau các cuộc chiến khác khiến chúng ta phải học tập khá nhiều. Trở lại với hòa bình, họ không cố tìm cách bôi nhọ kẻ thù cũ, không ngăn cản những người lính từ hai chiến tuyến đến với nhau. Những nghiên cứu, hội thảo về chiến tranh Việt Nam do Mỹ tổ chức, thường mang tính học thuật và lịch sử.

Trường hợp các cuốn nhật ký của bác sỹ Đặng Thùy Trâm, của các liệt sỹ Nguyễn Văn Nam, Vũ Đình Đoàn hay tập nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Quốc Tuấn[1], được các binh sỹ Mỹ trân trọng lưu giữ và tìm mọi cách đưa chúng trở về với cội nguồn, cũng như trường hợp của các nhân chứng Mỹ về thăm lại Sơn Mỹ, quan tâm đến số phận của những nạn nhân xưa là những biểu hiện cao đẹp của tình người, của một lối tư duy lành mạnh.

Tôi thật sự cảm động được biết năm 2015 mẹ con chị Kim Trâm, em gái liệt sỹ Đặng Thùy Trâm đã sang Mỹ thăm bà Katerine, mẹ của Fred Whitehurst, đang ốm nặng. Cả nhà Kim Trâm vẫn gọi bà bằng cái tên thân mật Mom Kay. Ở vào lúc gần đất xa trời, Mom Kay đã nói với mẹ con Kim Trâm: „Ta vẫn luôn nghĩ đến mẹ các con!“

Lòng nhân ái đã biến các vết thương thành tình bạn vĩnh cửu.

Không rõ người lính già Nguyễn Phú Đạt có may mắn kết nối được với bà Lois, mẹ của binh nhì Steve Flatherty hay không? Chàng trai Mỹ 22 tuổi ngã xuống trong trận đánh ở thung lũng A Sầu năm 1969. Ông Đạt đã gìn giữ bốn bức thư mà Steve chưa kịp gửi cho mẹ và bạn gái suốt 40 năm. Lúc cuối đời ông vẫn luôn hy vọng sẽ giao được chúng cho nguời nhận. Tháng 6.2012, ông Panetta, bộ truởng quốc phòng Mỹ đã mang 4 bức thư về cho gia đình Flatherty sau chuyến đi thăm Việt Nam. Dù sao bà mẹ Mỹ ở bên kia trái đất cũng nhận được cử chỉ nhân từ của một nguời Việt, mỗi khi nhớ đến con trai.[2]

Cologne, ngày lễ phục sinh 2017

Còn tiếp

Phần 2: Những huyền thoại giả tạo

Phần 3: Kẻ thù từ trong ta


[1] http://www.btlsqsvn.org.vn/Print/2521/Ky-uc-chien-tranh-%E2%80%93-Nhung-nam-thang-khong-the-nao-quen.aspx

[2] https://www.pri.org/stories/2012-07-16/43-years-later-young-soldiers-letters-arrive-home-vietnam