Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

Ca tụng sự nghi ngờ và vô ích

Nguyễn Thanh Việt, The L os Angeles Times, 14/4/2017

Hồng Anh dịch

 

Nhà văn và nhà phê bình tự do Nguyễn Thanh Việt. (Ảnh Patrick T. Fallon / Dành cho The LA Times)

Gần 20 năm trước, tôi đến Los Angeles vào tháng Sáu. Tôi nhận bằng tiến sĩ ở đại học California-Berkeley vào tháng Năm và đã tròn 26 tuổi vào tháng Hai. Mùa hè năm đó, tôi tìm thấy một căn hộ nhỏ ở Silver Lake và bắt đầu chuẩn bị sự nghiệp mới là giáo sư tại Đại học Nam California (USC). Tôi nhìn lại chính mình bằng sự sửng sốt và cảm thông vì có nhiều điều tôi đã không biết khi 26 tuổi. Sự ngây thơ đã bảo vệ tôi khi tôi ngồi viết nơi bàn bếp nhỏ và trong mùa hè nóng nực, ngột ngạt đầu tiên ở Los Angeles đó, một tập truyện ngắn đã khởi sự. Nếu tôi biết phải mất đến 17 năm để hoàn thành nó, ba năm nữa để xuất bản, thì có lẽ tôi đã không bao giờ bắt đầu.

Nhưng đôi khi, không phải luôn luôn như vậy mà chỉ đôi khi thôi, sự bất khả tri cũng có ích như tri thức. Bất khả tri là có ích khi chúng ta nhận thức được nó. Trong trường hợp của tôi, khi miêu tả một cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chẳng hạn, tôi biết là tôi không biết điều gì, và tôi biết là tôi muốn biết điều đó, nhưng tôi không biết làm sao để biết. Tôi biết rằng tôi muốn viết tác phẩm hư cấu, và tôi biết rằng tôi muốn đem lại sự sáng tạo uyên bác, nhưng tôi không biết làm thế nào thực hiện cả hai. Tôi cũng biết rằng các trường đại học không tán thưởng sự bất khả tri, hay thú nhận mình thiếu hiểu biết, vì vậy tôi giữ lại điều không biết đó cho mình và vờ rằng tôi biết tôi đang làm gì.

Nhờ thành công của cuốn tiểu thuyết mà sáu năm sau, tôi được bổ nhiệm chức danh giáo sư đại học vĩnh viễn (tenure). Để nhận chức danh này, tôi đã làm những gì tôi biết phải làm thế nào. Tôi trở thành một chuyên gia học thuật và viết một quyển sách học thuật, là điều mà tôi được thuê để làm với tư cách là học giả. Trong sự ngây thơ của mình, tôi đã tự nhủ rằng một khi tôi đã viết cuốn sách đó và đạt được quyền tự do học thuật [*], tôi sẽ viết truyện. Sẽ chỉ mất vài năm để kết thúc tập truyện ngắn này, và rồi nó sẽ được bán và xuất bản và thắng giải và tôi sẽ nổi tiếng. Tôi mơ hồ biết rằng, chứ không thật sự hiểu, tôi cần viết bao nhiêu, cần bao nhiêu để tôi trở nên chuyên nghiệp, bao nhiêu cho nỗi đau buồn của chính tôi nhưng sau hết, cho tôi trở thành một nhà văn và một học giả tốt hơn.

Trong chín năm tiếp theo, tôi nhận thức được nỗi buồn đau khi viết tập truyện ngắn đáng tội đó. Tôi không biết mình đang làm gì và trong khi đối mặt với màn hình máy tính và bức tường trắng đang dần nhợt màu, tôi cũng không biết rằng mình đang trở thành một nhà văn. Trở thành nhà văn khi gặt hái được kĩ thuật viết là một phần của vấn đề, phần quan trọng là tinh thần và thói quen tư duy. Đó là khi ta sẵn sàng ngồi trên ghế trong hàng ngàn tiếng đồng hồ, chỉ nhận được sự công nhận một cách thưa thớt và yếu ớt, chịu đựng nỗi đau của nghiệp viết bằng niềm tin rằng bằng cách nào đó, mặc cho sự bất khả tri của tôi, một điều biến đổi nào đó đang diễn ra.

Đó là một đức tin, và đức tin sẽ không là đức tin nếu nó không khó khăn, nếu nó không phải là một bài kiểm tra, nếu nó không phải là một hành động bất khả tri có chủ ý, tin vào điều gì đó không thể tiên đoán và cũng không thể chứng minh bằng bất kì chỉ số khoa học nào.

Đồng thời, tôi đã kiểm nghiệm bản thân mình với tư cách một học giả. Tôi bắt đầu viết một quyển sách học thuật khác. Quá trình viết sách chạy song song với công việc sáng tác của tôi, và nếu biết rằng cuốn sách học thuật về ký ức chiến tranh Việt Nam này mất đến 14 năm để xuất bản, thì có lẽ tôi đã chọn một chủ đề khác. Một nguyên nhân khiến nó kéo dài như vậy là vì những khảo sát về văn học, phim ảnh, bảo tàng, đài tưởng niệm, chính trị, triết học và lịch sử. Nhưng thử thách nhiều hơn dành cho tôi là tôi muốn cuốn sách trở thành một tác phẩm phê bình mang tính sáng tạo, cũng như tôi muốn tiểu thuyết của tôi trở thành một tác phẩm sáng tạo có tính phê bình vậy. Nhưng tôi không biết làm điều đó như thế nào, và không ai chỉ bảo tôi, và phải giữ kỉ luật khi ngồi vào ghế vô số giờ trên 20 năm trước khi tôi chạm được vào cả tính phê bình và tính sáng tạo.

Chuyện tôi kể đây là về sự bất khả tri và sự ngây thơ của tôi, về cuộc đấu tranh và nghi ngờ của tôi, vì hầu hết độc giả chỉ nhận biết sản phẩm cuối cùng sau nỗ lực của nhà văn hay học giả. Sản phẩm cuối đó, quyển sách, xuất hiện tràn đầy niềm tin và tri thức. Niềm tin và tri thức, và các “thước đo” định giá, thước đo tiến bộ vốn thấm nhuần trong cuộc sống của chúng ta trong nhà trường, công ty, tổ chức quan liêu, đã che mờ đi những con đường huyền nhiệm, trực giác và chậm rãi – đôi khi rất chậm – mà nghệ thuật và sự uyên bác thường đưa đến. Vào lúc mà yêu cầu về năng suất và tiêu chuẩn đánh giá đầu ra gia tăng ở trường đại học – thực ra là, ở mọi nơi – điều quan trọng là phải thừa nhận vấn đề trọng yếu trong công việc của chúng ta là gì, có thể không phải là số lượng hay tốc độ, dù lĩnh vực của chúng ta là gì đi nữa.

Trong trường hợp của tôi, ai đó nhìn vào tôi và thấy rằng tôi đã xuất bản ba quyển sách trong ba năm qua và nghĩ tôi là nhà văn viết nhiều và viết nhanh, mà không nhận ra rằng tôi đã mất 20 năm để suy nghĩ chậm – rất chậm – và lao động gian khổ để tạo ra những quyển sách này. Điều giá trị mà thế giới nghệ thuật và nhân văn của tôi tạo ra là không gian cho loại tư duy chậm này. Và bằng cách đó, tôi muốn nói rằng chúng ta đánh giá các ngành nghệ thuật và nhân văn không đơn giản vì những khả thể vật chất và phần thưởng chúng mang lại, như giải Pulitzer. Thay vào đó, ta nên đánh giá nghệ thuật và nhân văn vì đặc quyền mang tính huyền ảo và trực giác của chúng để tạo nên những khoảnh khắc mặc khải và khả năng đổi mới.

Tôi nghĩ về tiểu thuyết gia Haruki Murakami, khi ông so sánh việc viết tiểu thuyết với chuyện đào một cái lỗ xuyên qua tầng đá sâu để chạm đến nguồn nước. Để tiếp cận sự huyền bí và trực giác, đòi hỏi làm việc nặng nhọc và đó là một canh bạc, vì không có gì đảm bảo rằng ta sẽ tìm thấy nguồn nước. Chúng ta cần các trường đại học và chính phủ đầu tư vào các ngành nghệ thuật và nhân văn để ta có thể dạy sinh viên về tầm quan trọng của tính huyền bí và trực giác, và cần liều lĩnh, đánh bạc với niềm tin và giá trị của con người. Và chúng ta cần các trường đại học và chính phủ bảo vệ và nuôi dưỡng nhà nghệ sĩ và học giả – ngay cả khi tác phẩm của họ mất nhiều thập niên để tạo tác, ngay cả khi người nghệ sĩ và học giả bị che phủ trong sự vô danh trong quá trình lao động, ngay cả khi canh bạc không phải lúc nào cũng được trả hết.

Tất nhiên, tiểu thuyết Cảm tình viên (The Sympathizer) của tôi không chìm vào bóng tối lúc này nhờ giải thưởng Pulitzer. Nhưng tiểu thuyết cũng có thể đã không được đón nhận, cũng có thể đã bị rơi vào lãng quên khi nó thiếu một giải thưởng, ngay cả khi nó không có gì khác biệt với lúc nhận được giải thưởng. Số phận may mắn của cuốn tiểu thuyết chỉ thay đổi cách mà người ta nhìn về nó, chứ không phải chính bản thân nó. Tôi suy nghĩ về những cuốn tiểu thuyết khác có khả năng thắng giải, và tất cả cuốn tiểu thuyết đã không thắng giải trong những năm trước đã có thể hoặc lẽ ra nên đạt giải. Một số tác phẩm không được công nhận, sẽ đạt được vinh quang trong lịch sử văn học, như thời gian sẽ chứng minh. Vấn đề là, giải thường này và toàn bộ các giải thưởng khác, vốn tượng trưng cho khẩu vị của chúng ta, xét đoán của chúng ta, hư danh và định kiến của chúng ta, đều là tạm thời. Những gì ta không nhận biết trong hiện tại có thể đạt giá trị ở tương lai.

Hiểu biết về sự bất khả tri này đưa đến sự khiêm tốn, và cũng để nhận thức rằng, những gì dường như vô ích, vì không được trao thưởng và ghi nhận, có thể một ngày nào đó mang lại lợi ích lớn lao. Dù những công trình có vẻ vô ích bị xét đoán nhiều trong các ngành khoa học tự nhiên, gánh nặng về tính vô ích giảm đáng kể trong các ngành nghệ thuật và nhân văn, trong một thế giới ngày càng coi trọng tính hữu ích. Khi tôi học chuyên ngành kép về tiếng Anh và dân tộc học ở đại học 27 năm trước, tôi đã liều lĩnh nghiên cứu những điều mà nhiều người nghĩ là vô ích. Có lẽ chính cha mẹ tôi, những người chủ cửa hàng tị nạn sang đây chưa từng học đại học và làm việc 12 đến 14 tiếng gần như mỗi ngày trong năm, đã nghĩ rằng nghiên cứu của tôi là vô dụng. Nhưng họ đã đè nén mọi nghi ngờ và hỗ trợ những nghiên cứu có thể là vô dụng của tôi, bằng lòng tín nhiệm. Họ bất khả tri cũng như tôi bất khả tri về tương lai của mình, nhưng họ có niềm tin vào tôi.

Đây là điều mà tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong chúng ta làm việc trong ngành nghệ thuật và nhân văn hi vọng nhận được từ trường đại học của chúng ta, chính phủ của chúng ta, từ những sinh viên đôi khi hoài nghi và cha mẹ của họ: kiên nhẫn và tin tưởng vào chúng ta khi chúng ta kiểm nghiệm những giới hạn của sự bất khả tri trong ta, khi ta theo đuổi những gì có thể rất vô ích, khi ta đi tìm điều bí ẩn và trực giác vốn tồn tại trong tất cả chúng ta.

Nguyễn Thanh Việt là một trong những nhà phê bình tự do của The Times. Ba tác phẩm ông đã xuất bản trong ba năm qua là tập truyện ngắn “The Refugees” (2017), tác phẩm lịch sử văn hóa “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War” (2016) và tiểu thuyết “The Sympathizer” (2015), thắng giải Pulitzer.


[*] Quy chế tenure cho phép giáo sư đại học có quyền tự do học thuật, tức được quyền theo đuổi, nghiên cứu, phát biểu… những vấn đề mình yêu thích mà không bị bất cứ sự ràng buộc nào, bất chấp ý tưởng đề tài đó có trái với quan điểm của lãnh đạo nhà trường, chính phủ và xã hội hay không (chú thích của người dịch).