Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 3, 2017

Đêm chạy trốn (kỳ 3)

Tiểu thuyết của Thái Sinh

4.

Mày đã một lần đùa giỡn với tình yêu.

Ngày ấy thôn Hạ mới vào hợp tác xã, con mương tiêu nước liên thôn Hạ-Khê qua rộc Rậm, Man Khoang khởi công từ tháng tám đến nay đã được 5 tháng rồi, dự kiến hoàn thành vào ngày hai mươi lăm, thời gian không còn bao lâu nữa, Đảng bộ hạ quyết tâm hoàn thành vào ngày mùng mười trước thời hạn ít nhất là mười lăm ngày. Các Chi đoàn hai thôn giao ước thi đua với nhau, từ sáng tinh mơ đến tối mịt trên suốt con mương dài gần mấy cây số cờ đỏ cắm rợp đất, trống thúc liên hồi, loa truyền thanh tới tấp phát đi tiến độ hoàn thành của các đội, rồi những bài thơ, ca dao, hò vè… được sáng tác và phát ngay tại công trường.

Chi đoàn 4 do Bân phụ trách nhận đoạn mương giáp gianh giữa hai khu đồng Man Khoang và Rộc Rậm đăng ký hoàn thành vào ngày mùng năm. Tin đó loan ra khiến cho nhiều người sửng sốt, không ít người hoài nghi. Họ bảo với nhau: “Thằng cha ấy không điên thì cũng là kẻ tâm thần, bệnh hoạn, hắn định bắt người ta làm suốt đêm hay sao?”

Bộ phận tuyên truyền được dịp, suốt ngày họ phát đi những bài viết về họ, nghe vừa buồn cười vừa ngượng, nhưng lại rất vui. Họ làm hùng hục không cả nghỉ giải lao, một sức mạnh được nhân lên gấp bội, từng tảng đất năm sáu mươi cân chất lên những tấm lưng trần đen nhẫy chạy băng băng như không hề biết giá rét. Sao đứng ở đầu dây, mười ngón chân ngón tay suốt ngày ngâm dưới bùn tê buốt, lúc lên bờ cô tưởng như chân tay không phải của mình. Cô bước liêu xiêu, cái lạnh thấm sâu vào tận gan ruột, các khớp xương lỏng lẻo, rão rời. Ngày hôm ấy họ đào đắp được một con số kỷ lục: Sáu mươi hai mét khối, đã làm nhiều người kinh ngạc. Sớm hôm sau nhiều người không đi làm được vì cảm lạnh, chiều thêm hai người nữa phải bỏ về. Từ sáu mươi hai mét khối hạ xuống hai mươi ba mét khối rồi chỉ còn mười hai mét khối mỗi ngày. Mặt Bân bệch bạc sau buổi giao ban trở về, mọi người ái ngại nhìn Bân, trông mặt Bân sút đi nhanh quá, đôi mắt trũng xuống thâm quầng, má tóp lại, hàm răng vẩu được thể nhô ra trông vừa tội nghiệp vừa gớm ghiếc.

Chi đoàn không biết lý do gì Bân đăng ký thi đua hoàn thành công việc trước 5 ngày, có phải vì tính bốc đồng thích nống mình lên hay đằng sau đó là động cơ nào khác? Sau mấy ngày làm việc quá sức cơ thể người nào cũng rã rời, họ gắng gượng để hằng ngày có mặt trên hiện trường, chứ thực họ không thể tin Chi đoàn họ vượt được trước thời hạn như đã giao ước. Sớm nay lại thêm một người nữa ốm, Bân không còn đủ bình tĩnh, nhưng anh cố mỉm cười như thể khẳng định quyết tâm của mình không hề lung lay. Anh bước xuống đứng ra đất cho Sao chuyển cho mọi người. Con mương sùng sũng nước, ngập ngang hông, mỗi sớm trước khi vào công việc họ phải cử một người tát bớt nước để xắn đất cho dễ, hôm nay Bân cho làm ngay, anh bảo:

- Đến ngày nghiệm thu ta vét luôn bùn dưới lòng mương một thể, giờ đất đang nhão chúng lại xô xuống, vét vừa mất công vừa chậm. Sao này – Anh quay về phía Sao – Thằng Đông cò hương sẽ về đây nghiệm thu đoạn mương của Chi đoàn mình đấy.

- Anh ta ra trường rồi rồi à? Sao hỏi lại ngạc nhiên.

- Chưa, hắn về thực tập. Hôm này cô thay mặt Chi đoàn làm nghiệm thu nhé.

- Làm sao em có đủ tư cách để làm nghiệm thu?

- Chẳng giăng sao gì cả, đó là nhiệm vụ chi đoàn giao cho cô…Vả lại chuyện ấy có gì mà ngại? Thằng cha Đông hấp lìm, hẳn nó chẳng khó dễ với cô đâu.

Bân nháy mắt nhìn xuống lòng mương khiến cô hiểu vì sao hôm nay Bân không cho tát nước. Cô nhớ cách đây hai năm, hôm ấy cũng ở đây mé đằng kia là ruộng nhà cô. Rộc Khoang là khu đồng trũng, cứ sau mỗi trận mưa nước từ khắp nơi dồn về đồng đất ngập trắng băng. Mùa thu hoạch mỗi khi trời sắp mưa, mọi người trong làng đều đổ ra đồng cố cắt cho xong, nếu chậm, mưa xuống coi như mất trắng. Mẹ Sao có chứng thấp khớp, mỗi lần trở trời các khớp chân, khớp tay đau nhức, mùa đông càng khốn khổ hơn, hai đầu gối sưng to, nghe trong sương như có kiến bò. Vừa rồi bà lấy thuốc của ông lang Ngổ, bệnh có chuyển nhưng phải uống thêm vài thang nữa, bố cô đang đi cắt tiếp chừng cuối tháng mới về. Sao là con cả, nên mọi công việc từ lớn tới bé cô đều phải mó tay vào. Buổi sáng cô dậy từ lúc bốn, năm giờ sáng chuẩn bị cơm nước, sắp cám lợn cám gà, giặt giũ rồi hò hét lũ trẻ dậy học bài, buổi chiều dọn dẹp quét tước, chuẩn bị bèo rau. Sau khi cơm nước xong vừa hết chương trình truyền thanh của xã. Cô quáng quàng cắp sách ra đình học, phải cố gắng lắm cô mới theo hết chương trình bổ túc văn hoá cấp II. Sau khi hoàn thành con mương này khu ruộng Rộc Khoang sẽ bàn giao cho hợp tác xã, có lẽ đây là vụ gặt cuối cùng Sao gặt trên thửa ruộng nhà mình, chiều xuống rất nhanh, mặt trời đỏ rực đang khuất dần sau rặng tre phía tây, mây đen cũng đang từ phía ấy đùn lên, gió cúi rạp mình trên các đám ruộng chưa kịp gặt. Cánh đồng hỗng hễnh những gốc rạ, Sao mải mốt cắt nốt vài ba lượm nữa, tiếng người gọi nhau ơi ới. Có ai đó gọi Sao nhưng cô không kịp ngẩng lên, mưa sắp tới rồi. Cô vừa xếp xong lúa vào đôi quang gánh thì mưa ập xuống, mỗi lượm lúa nặng thêm gấp đôi. Sao bươn bả đi tắt cánh đồng nhằm hướng cổng làng băng tới. Gió mưa liên tục xô cô ngã dúi dụi, quần áo bó chặt lấy cái thân thể đang độ nở nang càng khiến cho cô bước đi khó nhọc hơn. Cô đi như chẳng cần biết trời đất ra sao nữa, tự nhiên đôi chân cô hẫng đi, cả gánh lúa đổ rụp lên người, chiếc nón che lấp hết mặt dìm cô sùng sục trong nước. Cô chưa biết mình rơi vào đâu chợt có bàn tay nào đó nắm lấy cánh tay cô kéo vượt lên.

- Đi với đứng, đâm xuống cả mương! nào nhanh lên vào trong điếm kia trú đã, trời đang mưa to thế này.

Sao ngớ ra chưa kịp hiểu, thì người đó đã vội cúi xuống xốc gánh lúa lên vai đi vùn vụt vào ngôi điếm bên cạnh gốc cây si già giữa đồng. Người ta vẫn thường kể với nhau về con ma không đầu thường xuất hiện trong đêm cuối tháng hay giữa trưa nắng trêu ghẹo người qua lại, lúc này Sao không kịp nhớ ra câu chuyện ấy nữa, cô chạy theo cái bóng kia mà không hề định trước. Lâu ngày mái điếm bị trụt gần hết, dột tứ tung, cô đứng nép vào góc nhà hai tay vặn mái tóc ướt sũng sĩnh cho đỡ nặng. Mưa mỗi lúc mỗi to, trời đen kịt chốc chốc lại bị xé rách bởi những tia chớp nhằng nhằng.

- Đứng vào chỗ này cho đỡ dột hơn. Liềm đâu, đừng giắt vào người mà sét đánh.

- Tôi gài trong gánh lúa – Sao ngẩng lên chợt nhận ra người ấy nhờ ánh chớp vừa loé lên – Anh Đông đó hả? Vậy mà tôi không nhận ra.

- Tham việc thế, mưa bão đến nơi mà vẫn còn cố cắt. Lúc nãy đằng ấy có nghe thấy tiếng tôi gọi không?

- Có! Mải quá không kịp thưa. Đi đâu mà đứng ở đây?

Đông bật cười.

- Đi đón đằng ấy…

- Bịa…Sao cảm thấy mặt mình nóng ran khi bàn tay của Đông khẽ chạm vào người cô. Cô vội đứng lui ra, Đông là người xóm bên học trước cô hai lớp, nhà anh có điều kiện nên sau khi học xong cấp II, Đông tiếp tục học lên cấp III trên huyện. Lũ bạn trong làng gọi anh là Đông cò hương, Đông hấp lìm. Tết vừa qua anh có qua nhà cô, nom anh chẳng lòng khòng như như cái thuở học ở làng, trông ra dáng người lớn hơn. Anh nói chuyện với bố cô gần hết một buổi sáng, đủ thứ chuyện trên đời. Sao bận mải quét dọn và hí húi với việc đun nấu, khi lên nhà đúng lúc anh đứng dậy xin phép ra về. Bố cô vỗ vai anh.

- Cái làng này hoá ra chẳng có mấy ai học đến nơi đến chốn. Anh phải học, phải học nghe chưa…

- Dạ, vâng! Cảm ơn bác. Anh quay sang Sao, lúng túng- Kìa, Sao.

Cô tiễn anh ra cổng, Đông bối rối như định nói với cô một câu gì đó, nhưng Sao vội quay lại…

Mưa mỗi lúc mỗi to, cây si già vật vã trong gió mưa, cành nó sã xuống quét lên mái điếm sàn sạt. Sao chợt nhớ tới câu chuyện về con ma không đầu, cô rùng mình có lẽ lúc này chỉ còn hai người ở giữa đồng, cô lo lắng nhìn con đường nhấp nhoá hiện lên trong ánh chớp nhằng nhịt.

- Sao có lạnh không? Đông hỏi và anh bước tới xoải tấm áo mưa quàng qua vai cô – Mưa nhanh quá, tôi phải chạy tắt qua đồng mà vẫn không kịp.

- Có lẽ phải về thôi, cứ đứng đây đợi đến bao giờ mưa mới tạnh?

Sao khẽ gạt bàn tay Đông vừa đặt hờ lên vai, cô xăm xăm bước tới bên gánh lúa xốc vội lên vai. Đông lóc cóc chạy theo, anh giăng tấm áo mưa qua vai Sao, gió giật xuống, Đông loàng quàng nhặt lên.

- Đợi tý, đợi mình tý Sao ơi…

Về tới nhà Sao thấy mặt mày xây xẩm, người gai gai như lên cơn sốt, cô vội vàng thay quần áo rồi lên giường. Mẹ cô cuống quýt giục lũ trẻ lấy trầu không đánh gió.

- Con bé bị cảm lạnh rồi, khổ chưa! Cố cắt vài lượm lúa làm gì, bỏ đấy, cả làng cả xã đều bỏ chứ phải riêng nhà mình đâu?

Sao sốt li bì suốt đêm, người cô nóng hầm hập, mặt đỏ căng, môi khô rộp lên như người háo nước. Hiện lên trong giấc mơ của cô là con ma không đầu, hắn lừng lững bước ra từ trong ngôi miếu hoang đặt bàn tay to bè bè đầy lông lá lên vai cô, Sao giật mình quay lại, chợt chiếc đầu lâu hắn đeo lủng lẳng bên hông dính chặt vào cánh tay cô. Hoảng hốt và khiếp sợ cô vùng chạy, nhưng đôi chân cứ ríu vào nhau khiến cô ngã dúi dụi.

-Mẹ ơi, ma! Ma!

Đông khẽ lay vai cô.

- Sao ơi, mình đây. Đông đây mà…

Cố gắng lắm cô mới mở được đôi mắt, trời đất quanh cô vẫn mờ mịt, cô không hiểu được lúc này là đêm hay là ngày, nỗi khiếp sợ cứ bám riết lấy cô. Vội nhắm nghiền mắt lại Sao thét lên.

- Đồ ma quỷ! Hãy cút đi, cút đi!

Trưa hôm sau Sao tỉnh dậy, cô ngơ ngác nhìn ra xung quanh, chẳng có ai khác ngoài đứa em gái và bốn bức tường quét vôi trắng tinh. Vậy là gia đình cô đã đưa cô lên trạm y tế xã, con bé trợn tròn mắt lắc đầu:

- Khiếp! Chị mê khiếp quá. Đêm qua anh Đông đến thăm, chị chửi rồi đuổi anh ấy đi. Sớm nay anh ấy đến mang cam cho chị đây…

-Vậy hả?

- Chị ăn cam em bóc nhé?

Sao thở dài, cô thấy miệng đắng chát, cô nhớ lại tất cả những gì đã đến với cô trong cái ngày hôm ấy…

Anh ấy? Sao lắc đầu như xua đi cái ý nghĩ mơ hồ nào đó vừa thoáng hiện lên trong tâm trí cô. Không! Không thể như thế được!…Đám thanh niên trong làng xếp cô vào hàng xinh gái nhất làng, Sao chẳng biết mình có xinh không, nhưng cô nhận thấy trong đám họ nhiều người chú ý tới cô.

Hôm ở trạm y tế về Sao có qua nhà Đông, nói đôi lời cảm ơn, anh tiễn cô ra tận cổng. Vậy là đã hơn hai năm rồi, Đông sắp tốt nghiệp ra trường, anh được điều về xã thực tập. Hôm nghiệm thu Sao thay mặt Chi đoàn bàn giao đoạn mương, con mương hoàn thành đúng như người ta đã định Chi đoàn 4 được tặng cờ, bí thư Bân được tặng một cuốn sổ và cây bút máy Trường Sơn, còn mỗi đoàn viên được tặng đôi khăn mùi xoa. Sao tặng Đông một chiếc, anh ngẩn ra đôi tay run lên khi nhận chiếc khăn từ tay Sao.

- Sao ơi…

- Đó là phần thưởng mà anh đã giúp chúng tôi lập nên cái thành tích kỳ diệu này.

Sao bước tới, cô ôm lấy vai Đông trong tiếng reo hò ầm ĩ, cô nói nghe như gió thoảng.

- Ôi chàng trai hấp lìm của tôi, anh có yêu Sao không? Chỉ vài tháng nữa khi vét bùn ở đoạn mương này người ta sẽ nguyền rủa anh và tôi là những kẻ lừa dối. Chẳng thà bây giờ cứ quẳng anh xuống đây cho bõ ghét, anh yêu…

Sao khẽ ẩy một cái, Đông chới với không chỗ tựa ngã tùm xuống giữa lòng mương. Trong cái đêm kết đèn hoa đăng mừng con mương hoàn thành mọi người được một mẻ cười tưởng như vỡ bụng. Đông cầm chiếc khăn mùi xoa giơ lên trời lội lóp ngóp suốt dọc con mương rét buốt, mặt lấm lem bùn đất nhưng anh vẫn nở một nụ cười sung sướng.

Con tàu vẫn chạy trong đêm yên tĩnh.

Cô gái ngồi đối diện với Sao mắt đăm đăm nhìn lên vòm trời chi chít những vì sao giống những hạt mạ gieo trên mặt ruộng vừa láng bùn. Vẫn cái bầu trời cũ mèm, chỉ những người không ngủ bởi lo toan và buồn bã, những kẻ tin vào thần linh mới khắc khoải ngóng lên rồi tưởng tượng ra những điều kỳ diệu. Đã bao nhiêu đêm Sao ngồi trên cái mặt đất cay đắng này, chị lần lượt gọi tên các vị thần với nỗi đau đớn xót xa: “Trời cao đất dày ơi…” Trời cao quá, tiếng của chị không thể vọng tới, đất thì dày chẳng thấu được nỗi đau đớn của lòng chị.

Cô gái chợt kéo tay người con trai đang ngủ gà ngủ gật chỉ lên cái vệt sáng xanh vừa loé trên vòm trời giống như chiếc lồng bàn khổng lồ úp lên mặt đất.

- Ô kìa anh, một ngôi sao đổi ngôi.

- Chỉ có thế mà em phải ầm ĩ lên, mảnh thiên thạch vừa lìa khỏi một hành tinh nào đó…

Người con trai lầu bầu rồi lại tiếp tục ngủ. Trong lòng cô gái dường như chưa nguôi hết được niềm hứng khởi, cô quay sang phía Sao:

- Cô ơi, mẹ cháu bảo hễ mỗi khi trên trời có một vì sao đổi ngôi là ứng với mặt đất có thêm một người vừa mất. Như vậy có đúng không hả cô?

- Chúng ta mừng cho họ cháu ạ. Người ta sinh ra từ đất rồi cuối cùng lại trở về với đất, cõi của Tiên, Phật…
- Ôi, nhưng mà cháu sợ chết lắm cô ạ…

- Thế có nghĩa là cháu rất yêu cuộc sống này - Sao thở dài - Cuộc đời cháu đang đẹp thế kia. Cô ước ao được ngắm các con của cô yêu thương, quấn quýt nhau như các cháu đây.

- Cô ơi!…

- Phải, nó mất rồi. Thằng Núi con cô ấy, người ta vừa phong tặng danh hiệu anh hùng cho nó...

Người con trai thức dậy, dường như anh ta đã nghe được câu chuyện của hai người, anh vừa nói vừa ngáp.

- Vậy mỗi tháng cô được lĩnh bao nhiêu tiền gia đình liệt sĩ?

- Anh! Cô gái khẽ nắm tay người con trai- Đây là chồng chưa cưới của cháu. Anh ấy vừa mới về nước nên chẳng am hiểu tình hình nước nhà đâu cô ạ. Chúng cháu đi thăm một số bạn bè ở trên này, cô xuống ga nào hả cô?

- Ga cuối cùng, có thể là thế cháu ạ…

Người con trai ghé vào tai cô gái nói một câu gì đó, cô khẽ gật đâu rồi lấy chiếc áo choàng bằng dạ choàng qua vai hai người, cô ngả đầu vào ngực người con tra một cách tự tin.

T.S.