Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Nguyễn Xuân Khánh: Chỉ là chuyện ngõ nghèo thôi ư?

Trịnh Y Thư

imageChuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (Công ti Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn liên kết xuất bản, 2016) không phải chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết miêu tả cảnh nghèo khó, cùng bĩ của một gia đình trí thức Hà Nội vào đầu thập niên 80. Kì thực, tầm vóc của cuốn tiểu thuyết lớn hơn thế nhiều, bởi nó đã vượt qua đường biên của những tranh chấp chính trị thấp kém, những ý thức hệ ngông cuồng, những cuộc chém giết bạo tàn, những hận thù chồng chất, và nhất là nó dám trực diện với cái bản ngã vẫn nằm ẩn nấp trong mỗi chúng ta mà bằng cách này hay cách khác chúng ta chối bỏ, không chịu nhìn nhận nó là một phần con người.

Tác giả gọi cái bản ngã ấy là Trư cuồng. Và nếu định nghĩa tiểu thuyết là cuộc truy tìm bản ngã thì cái tố chất lợn cuồng điên ấy đã được Nguyễn Xuân Khánh lật phải lật trái lật ngang lật dọc, đã được đặt dưới ống kính hiển vi cho chúng ta ngắm nhìn, quan sát kĩ càng, tường tận. Không nhìn ra nó, phần lỗi ấy chẳng những bởi thị lực và tâm trí chúng ta yếu kém mà còn vì chúng ta đã tự đóng chốt xây dựng một hàng rào thành kiến che kín lương tri.

Cấu trúc hình thức của cuốn tiểu thuyết là những trang nhật kí mà tác giả gọi là Nhật kí lợn. Phần giữa mang hình thức những truyện ngắn – tác giả gọi là Hành trình vào Hỗn mang – đúng ra, là những giấc mơ trong cơn mê sảng vật vã suốt thời gian đau ốm của nhân vật ghi chép cuốn nhật kí. Đoạn kết Nhật kí lợn là phần ba cuốn sách.

Ở trang sách đầu tiên tác giả giới thiệu nhân vật chính diện của ông như sau:

Nhật kí này là của ông Nguyễn Hoàng; ông Hoàng làm nghề viết báo, kiêm nghề nuôi lợn. Có lẽ, khi làm nghề cầm bút, ông đã phạm một cái ‘húy’ gì đó nên bị thất sủng, phải về nghỉ hưu, tuy chưa đến tuổi ...”

Qua những trang sách sau đó chúng ta biết ông Hoàng sống với mẹ già, vợ và bốn con trong một căn nhà tồi tàn ở ven đô Hà Nội. Nhà ông Hoàng nghèo, nghèo lắm. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, vật giá leo thang vùn vụt, với số lương hưu èo uột, vợ làm công nhân viên, gia cảnh ông lâm vào tình trạng thiếu hụt cùng quẫn, và như rất nhiều người dân Hà Nội thời bấy giờ, ông xoay ra nghề nuôi lợn. Để tìm kế mưu sinh ông không còn cách nào khác hơn. Sau ba mươi năm đi bộ đội và làm cán bộ nhà nước, tay chân ông chẳng còn sự khéo léo để học một cái nghề nào ra hồn, viết văn thì không được phép xuất bản, dịch cũng chẳng ai thuê (không ai dám dính líu đến người có “vấn đề”), đi buôn hay chạy áp phe cũng không xong vì ông không có cái điêu ngoa, thớ lợ của cuộc sống giành giật từng đồng. Phương án duy nhất còn lại là nuôi lợn. Hơn nữa, ai cũng nuôi lợn kể cả các ông bà quan chức thì có gì xấu hổ đâu. Cũng may nhà ông thuộc vùng nửa quê nửa tỉnh, đằng sau có cái ao bèo nên ông quây được cái chuồng lợn riêng, vợ chồng con cái không phải sống chung với lũ lợn như nhiều gia đình khác trong nội ô, người ngủ bên trên đàn lợn hôi thối suốt ngày đêm ủn ỉn vục vặc đòi ăn.

Sống với lũ lợn còn thấy vui hơn.” Ông Hoàng có hai người bạn thân, Lân và Tám. Lân, một thương binh, nuôi lợn gần như chuyên nghiệp, chính ông là người chua chát buông câu nói ấy. Ông đi nhặt nhạnh tất cả mọi đồ phế thải ngoài đường sá đem về chế biến cho công việc nuôi lợn của ông. Mỗi ngày ông ra bờ sông Kim Ngưu – một con sông tù đọng nước đen xì hôi thối không thể tưởng vì chứa toàn những đồ cặn bã bẩn thỉu nhất kể cả cứt đái của dân cư lao động xung quanh thải xuống – để vớt những miếng lòng lợn thải ra từ lò mổ lợn gần đó. Ông đem những miếng lòng thối rữa về đun lên trộn với cám cho bầy lợn ông ăn. Làm gì có củi đun, ông dùng toàn vỏ xe đạp cũ, và mỗi lần thấy luồng khói đen uốn éo như con rắn từ mái lều gianh ven sông bốc lên, ông Hoàng biết ngay bạn mình đang luyện đan bồi dưỡng bầy lợn. Còn Tám là một giáo viên dạy Sinh vật cấp ba, nhưng tính tình ông gàn bướng, thậm chí hơi bất thường. Có người bảo trí óc ông lệch lạc từ khi suýt chết vì bom Mĩ, nhưng cũng có thể ông bất mãn (cuộc sống ấy kẻ lương thiện không bất mãn mới là chuyện lạ). Đang dạy học, ông xin nghỉ ngang nằm nhà viết sách về lợn mà ông gọi là Bách khoa lợn. Ông Hoàng thi thoảng nhận được một trích đoạn Bách khoa lợn mà càng đọc ông càng khiếp hãi.

Sách vở sử học sau này chắc chẳng có dòng chữ nào viết về chuyện nuôi lợn cực kì bi hài của thị dân Hà Nội thuở đó. Mà chẳng riêng gì Hà Nội, hình như khắp mọi nơi trên đất nước, đó là hình thức thoát đói duy nhất cho người dân lương thiện mà sau này nhớ lại ai nấy vẫn thấy rùng mình khiếp hãi.

Lịch sử thế giới là lịch sử của vài kẻ được ưu đãi.” Nhà văn Mĩ Henry Miller viết như thế trong cuốn Chủ nhật sau chiến tranh xuất bản năm 1944. Câu văn của Miller lí giải tại sao chúng ta chẳng bao giờ tìm thấy giá trị lịch sử nhân chủng trong hàng nghìn hàng vạn trang sử do xã hội viết ra từ trước đến nay mà chỉ thấy trong các tác phẩm văn học, điển hình là tiểu thuyết. Tiểu thuyết không chú tâm đến phần mô tả và phê phán chính lịch sử. Sự biến lịch sử được tiểu thuyết gia ghi giữ và kết cấu thành tình huống hiện hữu cho các nhân vật của mình. Chúng là những sự biến do vô tình hay cố ý bị các sử gia và các nhà chính trị bỏ quên. Chúng không làm lịch sử dân tộc trở nên hiển hách, chói lọi hơn (ngược lại đa phần chỉ khiến lịch sử thêm u buồn, tăm tối), kinh nghiệm nhân chủng cơ bản của chúng được tiểu thuyết gia sử dụng như một căn nguyên lịch sử để từ đó có thể phóng chiếu lên tầng suy nghiệm nhân bản cao hơn cho những thử thách tương lai, mà thông thường là sự tái diễn. Lev Tolstoy viết trong phần ba của bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình là lịch sử sẽ được hiểu một cách đầy đủ và đúng đắn hơn từ góc độ tiểu thuyết. Như chúng ta thấy, Tolstoy không hề mô phỏng lịch sử trong tác phẩm của mình. Bởi tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu hạ sử gia như ông nhà văn Milan Kundera nói luôn mồm. Nói như thế, lịch sử trong tiểu thuyết có đời sống riêng của nó, nó không minh họa lịch sử và chính nó đã thổi hồn phách vào lịch sử, cho lịch sử một khuôn mặt người.

Chuyện nuôi lợn của cư dân Hà Nội (một hồi đoạn hoàn toàn bị các sử gia lãng quên, nhưng cực kì trọng đại ở bình diện nhân chủng) là cái căn nguyên lịch sử được nhà viết tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh xây dựng thành một kinh nghiệm nhân chủng, mà chính ông là một chứng nhân, trong tác phẩm Chuyện ngõ nghèo.

Tuy thế, tác giả đã không cho phép chúng ta lười lĩnh tự ru ngủ với một câu chuyện tuy thương cảm, bi thiết nhưng nói cho cùng chẳng qua chỉ là chuyện thời cuộc thế gian xoàng xĩnh. (Ối dào! Chuyện đời ấy mà, có gì lạ đâu, nghèo khổ thì nơi đâu, thời nào mà chẳng có!) Tác giả không dừng ở đấy, ông bắt chúng ta phải trực diện một vấn nạn gai góc, khó nhằn hơn nhiều: cái bản ngã lợn hay Trư cuồng, nói theo ngôn từ của ông.

Câu chuyện nuôi lợn của ông Hoàng bắt đầu đi vào giai đoạn có nhiều biến cố từ khi ông mua thêm một con lợn con có đôi mắt như mắt bò và lớp lông màu hung vàng như “cỏ tranh vàng khô vào mùa lá rạc ở Tây Bắc” mà ông đặt tên là Lợn Bò. Ông đã có sẵn trong chuồng ba con lợn ỉn. Lúc mới về Lợn Bò chịu lép vế ba con lợn ỉn, không dám tranh ăn, khi nằm ngủ phải tìm góc chuồng dơ bẩn đầy cứt đái, thậm chí còn bị ba con kia cắn tai, húc mõm vào bụng. Nhưng con Lợn Bò ăn hăng lắm, nó tận tình vét máng mỗi lần ăn và nhờ thế tăng trọng nhanh chóng hơn ba con kia. Một hôm khi đã to khỏe đủ, nó đánh lại ba con lợn ỉn và cuộc chiến tranh trong chuồng lợn bùng nổ.

Cái chuồng lợn nhà ông Hoàng không khác cuộc đời ngoài kia bao nhiêu, nó là sân khấu chính trị, với tất cả những đấu tranh hận thù tàn bạo mà kẻ mạnh có toàn quyền “cắt tiết” những kẻ yếu hơn mà không chịu suy tôn thần phục chịu làm nô lệ cho mình. Ông Hoàng suy ngẫm. Thoạt tiên là ý nghĩ về từ “đồ tể.” Qua những trang viết rời từ cuốn Bách khoa lợn không bao giờ xuất bản của ông Tám, ông Hoàng nghiệm ra ý nghĩa khiếp hãi của vai trò người nắm quyền lực trong tay:

Tìm từ nguyên của từ ‘đồ tể’ thấy gồm hai thành tố: tiền tố ‘đồ’ và hậu tố ‘tể’.

Riêng hậu tố ‘tể’ chỉ thấy hiện diện trong hai từ khác: chúa tể và tể tướng. Hóa ra anh làm nghề giết lợn lại có họ hàng gần với những bậc chí cao: ông vua và quan đại thần tột bậc. Họ gần gũi nhau ở điểm gì? Xét cả ba nghề làm vua, làm quan, giết lợn, thì thấy cả ba giống nhau ở chỗ đều có quyền giết chóc kẻ khác. Vua và tể tướng có quyền giết dân, đồ tể có quyền giết lợn. Giết người là một quyền uy to lớn nhất, tối cao nhất trong mọi quyền. Suy cho cùng, có thể nói nghề vua quan cũng là một thứ nghề đồ tể; chỉ có khác, đối tượng giết ở đây là con người.”

Tôi không rõ ông Trần Bình thời nhà Hán bên Trung Quốc khi ra làm tể tướng có lây nhiễm tính “cắt tiết” của một anh “đồ tể” dưới làng quê thời hàn vi hay không (ông ta có lẽ là nhân vật lịch sử duy nhất mang cả hai danh hiệu có chữ “tể”), nhưng các cuộc cách mạng trên thế giới (không phải của đồ tể chuyên nghiệp) cuối cùng đều đi đến chỗ phản bội, và cách mạng sẵn sàng “cắt tiết” bất cứ kẻ nào cản bước tiến của mình. Có bao nhiêu chiếc đầu lâu bị máy chém cắt lìa trong cuộc cách mạng Pháp 1789? “Cách mạng đã cắt tiết chế độ cũ. Máu tiết ở tim, gan, phổi, óc của chế độ cũ phải kiệt đi, phải chảy đến giọt cuối cùng để cách mạng có thể thay thế vào đó một dòng máu mới.” Đau đớn thay, đó chính là cái gì xảy ra suốt thời trung đại lịch sử Việt Nam và lan sang cả thời hiện đại cho đến tận bây giờ. Cái bản ngã lợn không đâu rõ hơn lịch sử nội chiến Việt Nam với không biết bao nhiêu con người bị “cắt tiết” trong đớn đau, tủi hận. Cắt tiết là rút con dao lá lúa đâm một nhát vào cổ, xọc vào tim, cho dòng máu đỏ vỡ ùa ra ồng ộc nhưng cũng có thể là cho chết lần mòn bằng những hình thức tù đày, khủng bố dã man.

Nhưng quan hệ hơn, qua con Lợn Bò, ông Hoàng bắt đầu nhìn thấy hình ảnh của Trư cuồng. Hình như bất cứ ai cũng có thể là một anh đồ tể, trong tim ai cũng lấp ló một anh đồ tể sẵn sàng chém giết không gớm tay. Cái xấu, cái ác tràn ngập thế gian. Tuy vẫn còn u minh mờ mịt, ông mơ hồ cảm nhận được trong con người ông “thiếu vắng một cái gì rất cơ bản mà ông không sao xác định nổi.” Ông run rẩy vì “chợt có lúc thoáng thấy nỗi sợ hãi của phi nhân…” Ông vẫn yêu thương cuộc đời, vẫn yêu hình ảnh con sông Đuống mộng mơ của bạn ông, hay những dãy phố cổ nghiêng nghiêng trong tranh người bạn khác, nhưng ông muốn “vươn khỏi cái hạn hẹp để hành trình đến cái đích thực nhân đạo.” Mơ hồ nhưng day dứt, ông bị điều ấy hành hạ ngày đêm.

Việc nuôi lợn của ông Hoàng không làm gia đình ông hạnh phúc, sung túc hơn. Ngược lại là đằng khác. Tiền nuôi lợn thâm lạm tiền chi tiêu ăn uống khiến nhà ông phải húp cám lợn thay cháo. Vợ chồng ông hục hặc nhau, nay chiến tranh nóng, mai chiến tranh lạnh. Ông ví vợ ông là cây lộc vừng ông đem từ thôn quê ra, dĩ nhiên chị không hiểu ông và thường xuyên trách móc ông không thực tế, toàn ôm chuyện viển vông, viết lách vớ vẩn để mang họa vào thân. Lẽ đương nhiên, có ai hiểu được ông đâu, ngay cả thằng con trai lớn tên Linh học đại học ban Triết suốt ngày ôm cuốn Nam Hoa Kinh của Trang Tử cũng bỉ báng, chế nhạo ông đủ điều. Ông tìm quên ở Hồ Ly, một con cáo chín đuôi tu luyện hơn nghìn năm ở Hồ Tây biến thành cô gái đẹp bầu bạn với ông, nắm tay ông đi dạo quanh hồ vào những đêm lấm tấm trăng sao. Ông sống giao thoa giữa thực và mộng, không phân biệt được đâu là cuộc sống thật đau xót và đâu là giấc mộng ảo mơ hoa.

Chưa hết, đang vật vã với cuộc sống cùng cực cộng thêm những ý nghĩ đớn đau như thế, ông Hoàng còn bị gọi lên “làm việc” với an ninh. Người ta vẫn không để yên cho ông. Chỉ vì một câu nói “Que faire?” cách đấy mươi năm người ta quy kết lên đầu ông tội “chống tổ chức”, một cái tội mơ hồ không bằng cớ, không nhân chứng, không luật sư biện hộ, không thẩm phán, không bồi thẩm đoàn. Một tòa án cũng không mà chỉ là gian phòng thẩm vấn hỏi cung lạnh lẽo trơ trịa một chiếc bàn xấu xí. Nhưng lần này ông Hoàng bị mời đến làm việc trong một ngôi chùa. Hình ảnh ông Hoàng đi tìm ngôi chùa để “được” thẩm vấn khiến tôi nhớ lại K. hôm anh đi tìm cái tòa án cực kì lạ lùng trong cuốn Vụ xử án của Franz Kafka. Cuốn tiểu thuyết của Kafka cho chúng ta thấy bi kịch của con người hiện đại: con người va chạm không phải với con người khác mà với thế giới biến dạng thành guồng máy thư lại kềm kẹp khổng lồ. Con người như con vật nằm trong rọ. Ông Hoàng và K. có chung một số phận, số phận của những kẻ “đầu thai lầm thế kỉ”, những kẻ lầm lẫn bước vào cõi đời này.

Người thẩm vấn ông Hoàng lần này là một cán bộ đứng tuổi, giọng nói ấm áp, gương mặt đôn hậu có thiện cảm chứ không khó ưa như cái gã hỏi cung những kì trước. Ông ta bảo đây là một cuộc trao đổi chứ không phải thẩm vấn. Dù gì ông Hoàng cũng đã rắp tâm từ đêm trước nói hết điều mình muốn nói. Ông bảo người cán bộ già ngồi đối diện:

“… Đất nước chúng ta đang rơi vào một chủ nghĩa hư vô. Người ta đã dè bỉu, rồi xóa bỏ tất cả những cái nhân đạo xưa, để thay thế vào đó bằng một thứ chủ nghĩa nhân đạo mới, ở đó bóng dáng con người mờ nhạt. Người ta vẫn rao giảng một cái gì đó quá ư khoa trương, đẹp như một ống kính vạn hoa, để rồi con người soi mình vào đó và không thấy khuôn mặt mình ở đâu cả. Cái áo quá đẹp ấy không hợp với kích cỡ con người. Chúng tôi chán ngấy sự ồn ào mĩ miều và chỉ thèm khát một tấm áo giản dị nhưng vừa vặn. Chúng tôi chỉ thèm một thứ nhân đạo đích thực, ở đó người nào nhìn vào cũng thấy khuôn mặt của mình.”

Thấy người cán bộ già chưa có phản ứng rõ rệt, ông Hoàng nói thêm, lần này ông quyết liệt không vòng vo mà đi thẳng vào vấn đề cốt lõi:

Sự tham vọng quá lớn, định làm những điều quá to tát, không hợp kích cỡ ở thế gian này, đã đẩy chúng ta vào ngõ cụt. Đất nước đang gặp thất bại và sẽ còn khó khăn. Nhưng cho dù, về mặt vật chất, dù có thành công chăng nữa thì tôi cũng xin nói rằng: Cách mạng sẽ chỉ đẹp đẽ và hấp dẫn khi nó nhân đạo hơn, dân chủ hơn, vừa tầm vóc con người hơn mọi lí tưởng khác.”

Đến đây tôi chợt nhớ một đoạn văn của nhà văn Czech Milan Kundera viết trong phần 5 của danh tác Đời nhẹ khôn kham như sau:

Người nhận định các chế độ Cộng sản ở Trung Âu đơn thuần chỉ là những tổ chức ăn cướp, người ấy không nhìn ra sự thật hết sức cơ bản: bọn cầm đầu các chế độ ăn cướp đó không phải là bọn cướp, chúng là những kẻ cuồng nhiệt bám chắc vào niềm tin chúng tìm ra con đường duy nhất đưa con người đến Thiên đàng. Chúng kiên quyết bảo vệ con đường đó, đến nỗi không ngần ngại giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Dần dà về sau, khi Thiên đàng chỉ là ảo vọng, bọn người cuồng nhiệt kia trở thành lũ sát nhân.”

Ông viết thế bởi ông là người trong cuộc đi ra và hiểu rõ bản chất thật của Thiên đàng. Qua cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo, tôi tin nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng có một tư duy tương tự Kundera khi ông bảo, “... Bây giờ thì chúng tôi chán ngấy sự trở thành khổng lồ rồi, chán ngấy sự cuồng tín bi thảm ấy rồi, chán ngấy những cái gì siêu kích cỡ. Chúng tôi đã đẩy chúng tôi vào ngõ cụt.”

Thiên đàng của Kundera chính là “cái gì siêu kích cỡ” của Nguyễn Xuân Khánh. Cả hai nhà văn đều thất vọng cực kì về cõi hoang tưởng, cả hai đều có cái nhìn hết sức bi quan về bản ngã và bản thể cuộc sống con người.

Dĩ nhiên, cuộc “trao đổi” giữa ông Hoàng và người cán bộ già chẳng đi đến đâu. Tôi có cảm tưởng hai người tuy nói cùng ngôn ngữ nhưng không ai hiểu ai, mỗi người như có một hệ cơ số riêng, và không hề có sự đả thông tư tưởng. Lỗi ở ông Hoàng ngây thơ, hay ông còn chút hi vọng vào lẽ phải và sự hợp lí? Cũng như K. đứng giữa cái tòa án dị kì trên tầng sát mái khu chung cư tồi tàn mà hùng hồn nói về hoàn cảnh của mình (anh không tự biện hộ vì anh đâu biết mình bị kết tội gì). Lời lẽ của anh trước tòa án chẳng có chút trọng lượng nào, nó nhẹ hơn không khí, và chẳng có tí phản ứng gì từ phía ông quan tòa. Tất cả cái cảnh huống quái đản, thậm chí ma mị ấy, là sự phi lí khủng khiếp. Cả ông Hoàng lẫn K. đều tin vào sự hợp lí, tin hợp lí sẽ chiến thắng phi lí, nhưng vô cùng khốn nạn cho hai người, ở đây cái phi lí mới được tôn sùng, nó là chân lí tuyệt đối, là lẽ sống, là lí tưởng cho mọi người noi theo. Trong cuốn tiểu thuyết 1984 của nhà văn Anh George Orwell viết năm 1948, ba khẩu hiệu của Đảng được phổ biến khắp nơi, bắt cư dân ghi nhớ: Chiến tranh là hòa bình, Tự do là nô lệ, Ngu dốt là sức mạnh. Nghe phi lí quá, phải không, thưa bạn? Khẩu hiệu gì mà nghe trái với đạo lí, luân lí thông thường thế! Điều nguy hiểm chết người nằm ở đấy. Một hôm cái phi lí biến thành hợp lí, cái phi lí nghe thuận tai, cái phi lí trở nên chân lí. Sự thật được hiểu bằng doublethink (từ do Orwell sáng chế ra), tư duy hai chiều, chiều nào cũng đúng, bởi Sự thật không nằm trong tủ chè hay kệ sách nhà bạn mà nằm dưới tầng ý thức, dưới cả tầng tiềm thức, thậm chí có thể là tầng vô thức trong não bộ của bạn. Lúc điều phi lí nghe thuận tai là lúc Đảng chiến thắng toàn diện, Đảng trên hết, Đảng là chúa “tể”, và con người vĩnh viễn nằm trong quỹ đạo của Đảng. Đó là số phận của K., của anh chàng Winston Smith và của ông Hoàng.

Ông Hoàng sa sút thê thảm, tinh thần ông cũng kiệt quệ đến mức cùng cực. Hồ Ly bỏ ông ra đi. Ông không biết tại sao Hồ Ly bỏ đi, nhưng ông vẫn phải sống và đành đem những cuốn sách quý của mình đi bán rẻ kiếm tiền nuôi lũ lợn. Ôi chao! Nào là Sêkhốp (Chekhov) nào là Sếchxpia (Shakespeare), nào là Đốt (Dostoyevsky), nào là Camuy (Camus), tất cả theo nhau chui vào cái bụng ỏng của con Lợn Bò.

Con Lợn Bò đặc biệt thích ăn bằng tiền bán bộ truyện kiệt tác Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky. Đây là một ẩn dụ tuy buồn cười nhưng hết sức chua xót. Tác phẩm của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chứa đựng nhiều ẩn dụ và biểu tượng, và đây chính là ẩn dụ chìa khóa để hiểu tác phẩm của ông.

Dostoyevsky – người nói câu “Cái đẹp cứu rỗi thế giới” – có lẽ là nhà văn được ông Hoàng kính trọng nhất. Đối với ông, Dostoyevsky là biểu tượng của Chủ nghĩa nhân đạo đích thực và ông tận mắt nhìn thấy cái chủ nghĩa ấy đang bị con Lợn Bò nuốt chửng. Ông không đau đớn đến bủn rủn sao được? Dostoyevsky nói câu nói ấy thường dễ trên trăm năm rồi, nhưng thế giới đã được cái đẹp cứu rỗi chưa, con người đã được giải phóng chưa hay vẫn đắm chìm trong cái xấu xa, con Lợn Bò vẫn ngự trị, sự bẩn thỉu tràn lan, để đi đến hậu quả con người dần dà đánh mất hết phẩm giá và đức hạnh. Cuối cùng Dostoyevsky hiện về bảo ông Hoàng cứ để con Lợn Bò ăn hết sách của ông, ông chẳng còn gì để nuối tiếc. Aha, cái lão Chekhov ẩm ương ấy còn tí ti lí tưởng muốn giữ lại trái tim chứ “… Còn tôi, dù con quỷ của anh có ăn hết toàn bộ hình hài, tôi cũng chẳng lo...” Dostoyevsky bảo ông Hoàng như thế. Hình như cả Dostoyevsky lẫn ông Hoàng đều đi đến chỗ tuyệt vọng, cả hai đều không còn chút niềm tin nào vào cuộc đời. “Chúa đã chết! Thời vô trị đã đến!”

Sách càng chui nhiều vào họng con Lợn Bò, ông Hoàng càng đau đớn. Ăn cho béo chưa đủ, nó còn mỉa mai, châm chọc ông, “... Chao ôi! Tư tưởng! Ta đến ngột ngạt vì sách, vì tư tưởng của các người. Nhưng thử hỏi, sách mọc lên như nấm thế, mà sao con người hiện nay có tốt đẹp gì thêm đâu? Vả lại, sách còn đem vạ cho người. Ở thời buổi này, sách có thể dẫn ta vào cuộc đời tan nát.”

Con Lợn Bò có lí của nó. Vợ ông Hoàng cũng không nghĩ khác, chị còn dọa mai này ông chết, chị sẽ chôn theo ông tất cả đống sách vở của ông.

Con Lợn Bò bây giờ phè phỡn không thể tưởng. Với sức mạnh và mưu chước quỷ thần, nó nắm trọn giang san chuồng lợn, ba con lợn ỉn hoàn toàn thần phục nó. Bây giờ nó là chúa tể chuồng lợn, nắm mọi quyền hành sinh sát trong tay, muốn làm gì thì làm, ăn những máng cám ngon nhất có trộn tóp mỡ do cậu Linh đem về, được ngủ chỗ ấm nhất trong chuồng. Lúc ăn no, nó còn nằm ễnh người ra cho con lợn ỉn út liếm dương vật. Gớm ghiếc đến thế là cùng! Mỗi lần trông thấy cái cảnh tởm lợm muốn mửa đó, ông Hoàng điên tiết cầm chổi tre quất túi bụi lũ lợn. Với cái chổi, ông tạm thời giải quyết chuồng lợn trong nhà ông, nhưng còn cái chuồng lợn kinh khiếp gấp trăm gấp nghìn lần ngoài kia thì sao? Ông lao đao, lên cơn mê sảng. Ông ốm nặng và ông thấy mình đứng mấp mé ở bến bờ tử sinh. Và trong lúc như thế ông thấy ông đi vào cuộc Hành trình vào Hỗn mang.

Đấy là phần hai của cuốn tiểu thuyết.

Hành trình vào Hỗn mang là những giấc mơ của ông Hoàng trong cơn ốm đau mê sảng, nhưng đan xen vào những giấc mơ lại là những hồi đoạn rất thật. Có thể xem đấy là những truyện ngắn đứng riêng lẻ, nhưng lồng vào tổng thể cuốn tiểu thuyết, chúng tạo thành thế hỗ tương chặt chẽ bởi chủ đề của những truyện ngắn tưởng như độc lập ấy không đi trệch ra khỏi chính truyện bao nhiêu: Cái tính thèm nhìn máu đổ, dù là máu lợn, của người dân làng trong Hội làng; cái chất “đồ tể” nguyên thủy nơi con người ông Tí Giò trong Bãi chết; phẩm chất cách mạng chân chính của người bạn tên Vinh trong Người khổng lồ vác nặng, người trước khi nhắm mắt lìa đời, dù bị cách mạng phản bội đến tả tơi mà vẫn chờ đợi, vẫn buông được câu nói “... Cái gì rất đẹp ấy ... rồi nó sẽ đến.” Giữa ông Tí Giò và ông Vinh là một đại dương khác biệt, hai con người tượng trưng cho hai thái cực nhân cách, như trắng và đen, như ngày và đêm. Nhưng thực tại cuộc sống cho thấy đa phần con người chúng ta không trắng đen rành rọt mà xám, và phải chăng chính cái màu xám bi đát đó đã khiến chúng ta vĩnh viễn thất lạc trong cõi Hỗn mang? Bởi trắng đen thì dễ nhìn chứ xam xám thì chỉ có cái kính “Chiếu Trư” của Chekhov mới nhìn ra. Ông Tám quả tinh mắt. Ông gọi bạn mình là “đồ ngốc” cũng đáng. Ông nhìn ra cái giống lợn-người mà ít ai trong chúng ta có khả năng nhận thấy. Vâng, ông Tí Giò có đứng xa cả trăm thước thì đứa trẻ con lên ba cũng biết và khóc ré lên vì khiếp sợ (thật ra ông Tí Giò là kẻ đáng thương hơn đáng ghét), còn những con lợn-người thì mặc những bộ áo xống đẹp đẽ lịch sự nhất, khoác những cái mặt nạ hiền hòa nhân hậu nhất, nói to vào máy vi âm những lời lẽ nhân đạo nhất cho mọi người cùng nghe, và chúng ta đứng dưới vỗ tay thật to tán thưởng. Cái thâm độc nhất của lợn-người là biết khai thác một cách đầy hiệu quả chất lợn của lợn thật (ông Tí Giò chẳng hạn), và bởi Lịch sử được viết theo góc nhìn của lợn-người nên sự quang vinh của lợn-người sẽ được muôn đời ca tụng. Sự thật không hề hiện hữu trong thế giới lợn-người.

Nhân thuật chuyện ông Tí Giò, tác giả có tạt qua việc Cải cách ruộng đất hồi đầu thập niên 50 ở miền Bắc. Sách vở về chuyện này đã có nhiều, hư cấu cũng như phi hư cấu, nhưng không mấy ai nêu lên luận điểm chìa khóa mà Nguyễn Xuân Khánh nói đến ở phần này của cuốn tiểu thuyết, dù chỉ thoáng qua. Qua suy nghĩ của Thái lúc trước khi bị đem ra xử bắn “Anh cảm thấy thương hại sự vô ơn của những con người ấy. Chính vì những con người ấy mà bao năm nay anh lăn lộn xả thân ...” hiển lộ một trong những thuộc tính cơ bản nhưng thường được khéo léo che giấu của con người. Những người nông dân ngày thường thật thà chất phác ấy, ai ngờ lúc lâm sự có thể đẩy kẻ vô tội vào chỗ chết, và họ khoái trá, thậm chí cuồng điên sôi máu khi chứng kiến kẻ xấu số lãnh nhận cái chết đau đớn oan khiên. Họ chen nhau vào pháp trường, kể cả những đứa trẻ, để mục kích cảnh tượng khiếp hãi ấy. Trong cuốn tiểu thuyết Chuyện đùa, Kundera cũng có một nhận định tương tự: “Ludvik nhìn thấy tất cả bạn bè, đồng nghiệp anh thật dễ dàng đồng loạt giơ tay biểu quyết đuổi anh khỏi trường đại học và cuộc đời anh từ đó đảo lộn. Anh đoan chắc nếu cần họ cũng sẽ biểu quyết một cách dễ dàng như thế ra lệnh treo cổ anh. Từ đó định nghĩa của anh về con người: một hiện thể có khả năng xô đẩy người láng giềng đến cái chết trong bất cứ cảnh huống nào.”

Cái chất lợn-người có lẽ nằm trong DNA của chúng ta.

Cuộc Hành trình vào Hỗn mang đưa ông Hoàng vào một xứ lạ có tên gọi là Cực Thiên Thai. Đọc đoạn văn này của Nguyễn Xuân Khánh, tôi có cảm tưởng nó là tổng hợp của ba cuốn tiểu thuyết kinh điển của phương Tây về thể loại này: cuốn Chúng ta của nhà văn Nga Yevgeny Zamyatin, cuốn Thế giới mới dũng cảm của Aldous Huxley, và cuốn 1984 của George Orwell. Cả ba đều được viết từ nửa đầu thế kỉ XX, cuốn Chúng ta ra đời sau Cách mạng Tháng Mười bên Nga vài năm, bị Hội Nhà Văn Nga gán cho cái nhãn “cực kì phản động” và tác giả bị trục xuất khỏi quê hương khi cuốn sách được tung ra ở nước ngoài. Cả ba tác phẩm tiểu thuyết đều gay gắt phê phán một thế giới thuần nhất, trong đó con người là những cỗ máy, tên tuổi chỉ là những mã số được chỉ định từ lúc lọt lòng mẹ, không có tình yêu hay gia đình mà chỉ biết ăn, thở và lao động. Nguyễn Xuân Khánh cũng không chấp nhận một thế giới như vậy, một thế giới con người đóng vai Thượng đế, cho dù chỉ có tiếng cười và niềm vui. Một thế giới không nước mắt là một thế giới phi nhân, nơi đó con người là phi-chân-diện-mục. Một thế giới trong đó xã hội là một hệ thống quan liêu với mục tiêu tối thượng là bắt con người trở nên vô cảm, không có tâm hồn, mất hết mọi ý niệm cá nhân chủ nghĩa. Một thế giới trong đó giới lãnh đạo là những kẻ chỉ biết quyền lực, đối với họ quyền lực không phải phương tiện mà là cứu cánh, hoặc giả, theo định nghĩa của Simone Weil, “quyền lực là khả năng biến một con người sống thành cái xác chết, có nghĩa là, từ vật sống thành món đồ.”

Khác với anh chàng Winston Smith của Orwell chết dở sống dở từ phòng 101 bước ra về, chấp nhận cuộc sống nô lệ như cũ, ông Hoàng của Nguyễn Xuân Khánh trở về cõi dương gian sau khi nhờ chiếc kính chiếu trư của ông Tám trông thấy lãnh tụ tối cao A1 của xứ Cực Thiên Thai chính là con Lợn Bò. Trở về nhưng không vui vì ông biết cái độc chất Trư cuồng ấy vẫn tràn lan trong cõi nhân gian. Làm sao tẩy xóa nó được?

Trư cuồng – Poóxinômani – Bái trư giáo – Trư luận – Trư học – những từ ngộ nghĩnh không tìm thấy trong bất cứ cuốn từ điển nào. (Nếu tỉ mẩn, bạn có thể truy nguồn từ nguyên của từ ‘Poóxinômani’ từ hai từ tiếng Anh porcinemania, hay tiếng Pháp porcinmanie. Song, theo tôi, từ ‘Trư cuồng’ trong tiếng Việt vẫn là ấn tượng và độc đáo nhất.)

Đoạn kết cuốn sách, cũng là phần kết Nhật kí lợn, chúng ta thấy chuyện nuôi lợn của gia đình ông Hoàng phải chấm dứt, một kinh nghiệm kinh doanh thảm hại, và cậu Linh quyết định giết con Lợn Bò bán thịt để lấy tiền thuốc thang cho bố. Tôi rất thèm được nghĩ chuyện cậu Linh giết con Lợn Bò là một ẩn dụ Nguyễn Xuân Khánh muốn gửi gắm vào thế hệ tương lai, cái độc tố Trư cuồng ấy phải chấm dứt, chỉ có cách giết chết nó mới làm đẹp xã hội loài người được, và chỉ có thế hệ tương lai mới làm được chuyện đó.

Cũng như các tác phẩm văn học quan trọng khác, cuốn tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh mang nhiều chiều kích. Ngoài chiều kích lịch sử, xã hội, chính trị, nó còn hàm ẩn chiều kích tiên tri. Từ 35 năm trước lúc nhà văn Nguyễn Xuân Khánh hoàn tất cuốn sách hay bây giờ cũng thế, Trư cuồng là một lời cảnh báo của tác giả đến chúng ta, một lời cảnh báo cực kì cấp bách. Nếu lịch sử không thay đổi đường đi của nó thì chẳng bao lâu chúng ta sẽ mất hết những phẩm chất con người, biến thành những cỗ máy vô hồn mà chính chúng ta hoàn toàn không nhận biết. Trong trường hợp ấy, nếu cái ẩn dụ bên trên đúng như tôi suy diễn thì nó chỉ là một wishful thinking.

Nguyễn Xuân Khánh đã can đảm lột trần cái xấu xa nhất của con người: cái bản ngã lợn. Trong mắt nhìn của ông thì đấy là căn nguyên của những vấn nạn gai góc chúng ta đang trực diện trong cuộc sống con người. Phải chăng ông là người theo lí tưởng chủ nghĩa bởi, với tất cả những bằng chứng lịch sử từ thuở hồng hoang cho đến ngày nay, con người vốn ác. (Tuân Tử có lẽ đúng chứ không phải Mạnh Tử khi phán “Nhân chi sơ tính bản ác.” Plato bên trời Tây trong trứ tác Cộng hòa cũng có nhận định tương tự và thánh Moses trước đó cả nghìn năm đã biết rõ bản chất ác của con người khi Ngài đặt ra Mười Điều Răn cho dân Do Thái.) Nhưng lí tưởng của Nguyễn Xuân Khánh còn là một lí tưởng nhân đạo đích thực và chính cái lí tưởng ấy đã giúp ông tiếp tục chiến đấu trong những điều kiện khó khăn, ngặt nghèo nhất. Vì lí tưởng có lúc ông như lên đồng không phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vì lí tưởng ông đã bị quẳng vào đáy sâu của ngục tù. Song, thể xác ông có thể bầm giập vì bạo lực, cường quyền, nhưng lí tưởng đã giúp ông bền bỉ vác thập tự giá bước đều trên con đường thánh ông tự định hướng cho mình. Ông không thể bỏ cuộc khi chính cái lí tưởng của ông bị đe dọa và vi phạm. Có thể con đường thánh đó không bao giờ đưa ông đến điểm cuối, điểm hẹn của những linh hồn thánh hóa, nhưng điều đó không quan hệ, nó chẳng khiến ông chùn bước. Ở chân trời vẫn có người bay, thưa bạn. Và chúng ta chịu ơn những người như thế nhiều biết dường nào.

Một chi tiết nhỏ, rất nhỏ, tôi ghi ra đây như phần cước chú vui vui cho bài viết. Tôi không đồng ý với ông Tám Bách khoa lợn khi ông lí giải tiền tố “đồ” trong từ “đồ tể”. Theo ông thì chữ “đồ” ở đây hàm ẩn một ý nghĩa khinh miệt như trong những cụm từ “đồ ăn cướp” hay “đồ lưu manh”. Tôi không nghĩ thế. Tiền tố “đồ” trong từ “đồ tể” 屠宰 cũng có nghĩa là giết súc vật như hậu tố “tể” mà thôi. Và trong mắt nhà văn Kim Dung nó còn mang một ý nghĩa cao cả là giết rồng (hay giết vua). Đồ long đao của Kim Dung là thanh đao dùng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đưa người anh hùng áo vải lên làm vua nhưng nếu người anh hùng một hôm trở thành một hôn quân tàn ngược thì chính thanh đao đó sẽ quay lại biến thành vật “đồ long.” Tuy thế, cho đến ngày nay Đồ long đao vẫn là một huyền thoại.