Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2017

Lời giới thiệu sách “Vua Gia Long & người Pháp”

Nguyên Ngọc

Biên khảo “Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long” của nhà nghiên cứu Thụy Khuê (Pháp) lần đầu tiên ra mắt bạn đọc dưới hình thức đăng tải nhiều kỳ trên diễn đàn mạng Văn Việt trong hai năm 2014-2015 và đã đoạt Giải Đặc biệt Văn Việt lần Thứ Nhất ngày 3/3/2016. Công trình này vừa được xuất bản tại Việt Nam dưới một tên mới “Vua Gia Long & người Pháp”. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Lời giới thiệu của nhà văn Nguyên Ngọc mà tác giả cuốn sách mong muốn in ở đầu sách, nhưng đã không được in ra không hiểu vì lý do gì.

Văn Việt

 

image (2)

 

Cuốn sách này [*] là nỗ lực của nhà nghiên cứu Thụy Khuê nhằm làm một công việc quan trọng, đòi hỏi công phu lớn và một sự phân tích chặt chẽ, sáng suốt, cả mới mẻ và dũng cảm nữa: điều tra (lại) một cách thẳng thắn, như chính lời chị nói, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam trong thời cận đại, khi nước Pháp đang sốt ruột đi tìm một chỗ đứng xứng đáng cho đại đế chế của nó ở phương Đông, còn Việt Nam thì phải đối phó với nguy cơ chưa từng có đến từ một đối thủ mới hoàn toàn xa lạ, lại trong điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế và cả văn hóa cũng phức tạp như chưa từng có. Mối quan hệ đó liên quan đến vô số người không chỉ có thân thế, tính cách, địa vị và hành tung khác nhau mà còn xuất phát và chịu sự chi phối của vô số động cơ hết sức khác nhau. Trong đó nổi bật lên nhân vật có lẽ cũng vào loại kỳ lạ nhất trong lịch sử Việt Nam xét về cuộc đời chìm nổi hiếm có, tài năng, số phận ly kỳ và sự nghiệp của ông: Nguyễn Ánh - Gia Long. Và nhân vật thứ hai: những người Pháp gọi là đến “giúp ông” trong sự nghiệp ấy. Xoay chung quanh họ là hàng trăm, hàng nghìn khuôn mặt cũng vô cùng đa dạng và phức tạp, tác động đến họ và đến nhau, ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy quanh co của sự việc.

Thụy Khuê nói “điều tra” (và chúng tôi xin phép thêm trong ngoặc đơn “lại”; chị còn nói rõ “một cách thẳng thắn”, bởi vì khi bắt tay vào công việc này, thì chị đứng trước một khối mênh mông mà chị gọi rất hay là “huyễn sử”. Xin chú ý “huyễn” chứ không phải “huyền”. Bởi có cái gọi là huyền sử, lịch sử được thể hiện một cách mờ ảo, như huyền thoại, lịch sử được che giấu dưới hình thức mờ ảo của huyền thoại. Và ta biết, từ huyền thoại trong một chừng mực nào đó và với sự thận trọng cần thiết, có thể lần ra ít nhất một số nét bóng dáng của lịch sử. Ở đây là chuyện khác, là huyễn sử, tức nói thẳng ra: lịch sử bịa đặt. Và là bịa đặt mênh mông, lớp lang và thâm hiểm. Vì sao và để làm gì? Như ai cũng biết, lịch sử bao giờ cũng được viết bởi kẻ chiến thắng. Bởi vì người ta vất vả chiến thắng rồi không phải chỉ để mà “chơi”, mà là để sử dụng nó cho công cuộc thống trị tiếp theo của họ. Và còn để thanh minh về mọi thứ họ đã làm bất chấp tất cả để đạt được chiến thắng ấy.

Có điều lạ, là ba trăm năm sau, khi kẻ chiến thắng và huyễn hoặc xưa đã bị đánh bật ra ngoài cuộc rồi, huyễn sử do họ tạo nên lại vẫn đang được sử dụng. Vì cái điều được gọi là lợi ích của ý thức hệ. Thật lạ và thật nghịch lý, khi lợi ích đó, nhằm cho phù hợp cho nó, lại khiến người ta không thoát được đầu óc nô lệ, một mực chỉ tin và dùng huyễn sử được bịa theo quan điểm thực dân, không ai thậm chí nghĩ đến việc đối chiếu chúng ít ra với bộ chính sự biên niên của triều Nguyễn về bốn triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, để thử nghe tiếng nói của chính người trong cuộc mà soi lại, cố gắng tìm ra khuôn mặt thật của tiền nhân trong một giai đoạn có ý nghĩa bước ngoặt của số phận dân tộc.

Thụy Khuê nói: “Việc làm của chúng tôi với Gia Long chỉ là bước đầu dò dẫm, khám phá và cố gắng tìm kiếm một số sự kiện chúng ta tưởng như thế mà sự thật không phải như thế. Những gì còn lại là cả một không gian và thời gian lịch sử mênh mông trước mắt chúng ta, chưa hề được khám phá và tháo gỡ để hiểu đâu là sự thực…”

Nỗ lực tìm cho ra đúng sự thật.

Bởi vì chỉ học đúng từ sự thật của lịch sử được “giải huyễn” khỏi mọi xuyên tạc và bịa đặt, của bên kia hay bên này, ngày trước và bây giờ, mới giúp được ta ứng phó với thách thức mới hôm nay.

Chúng ta trân trọng cám ơn nhà nghiên cứu Thụy Khuê vì bước mở đầu, cũng là mở đường, quan trọng này của chị.

25-11-2016

N. N.


[*] Saigon Books và NXB Hồng Đức 2017.