Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

Thriller Bờ Bên Kia (kỳ 13)

Lưu Thuỷ Hương

Chương 13: Dặm đường truy sát

Phi trường Bergen - Na Uy, bảy giờ sáng, trời vẫn còn tối mù, xám xịt. Từ phi trường về Laksevåg khoảng mười ba cây số, kể đoạn đường hầm Knappe dài sáu cây số. Tôi kéo vali áo quần nhảy lên taxi.

Đến Laksevåg, tôi mướn chiếc xe Fiat chín mươi PS của ông Amberg. Ông già đã lo sẵn cho tôi những vật dụng cần thiết cho hai tuần cắm trại. Đồ ăn, nước uống, đèn pin, đèn bão, một can xăng dự trữ, cần câu và mồi cá… Ông già Amberg vừa phụ tôi chất đồ lên xe vừa ca cẩm, cứ như là ông ấy không muốn giao chìa khoá nhà nghỉ cho tôi.

"Con gái ơi! Trung tâm khí tượng vừa thông báo, cuối tuần này có thể bị bão tuyết."

Tôi vừa cười, vừa đẩy bộ cần câu lên xe.

"Cụ Amberg ơi! Con cũng đang muốn lên núi đón bão đây. Nếu không bị kẹt phà ở Oppedal thì con sẽ tới khu nhà nghỉ trước khi trời tối."

Tôi đoán, vào tháng này khoảng bốn giờ chiều trời đã bắt đầu tối. Đoạn đường xuyên núi mùa này vẫn còn tốt, hy vọng tôi sẽ đến đó được như dự tính. Tôi không cần mang vác thêm một nỗi lo sợ nào khác.

"Nhớ lời tôi dặn chưa? Đi đến ngã ba sông, quẹo trái khoảng hơn hai cây số là trại chăn nuôi Madej. Chỗ này tôi đã đánh dấu trên bảng đồ. Có việc gì cứ chạy tới đó. Nếu tuyết rơi, một số đường núi sẽ bị chặn lại."

Tôi hối hả ngắt lời:

"Con biết rồi. Xe có máy định vị mà."

"Dẹp cái máy định vị đó đi. Đường du lịch liên tỉnh chỉ mở đến khoảng cuối tháng mười, hay sang tháng mười một, tùy theo thời tiết. Nếu nó bị chặn lại, cô phải qua trại Madej hỏi đường, từ ngã ba sông…"

"Con biết trại Madej rồi, chỗ đó con có tới học cỡi ngựa mấy lần."

Ông Amberg nhăn nhó cười.

"Ờ, ông Madej có kể. Liều lĩnh ẩu tả như cô tại sao té ngựa chỉ gãy chân mà không gãy cổ. Tôi cứ tưởng, một phụ nữ Á Châu …"

"Chỉ biết ở trong bếp cuốn chả giò!" Tôi phá lên cười, nói giùm ông đoạn cuối. Không khí lạnh buổi sáng làm tôi thấy thư giãn dù cả đêm qua gần như thức trắng.

Tôi mở máy xe, rú ga ầm ầm, cắt ngang lời dặn dò lê thê của ông Amberg. Theo máy định vị chỉ đường, tôi phóng xe ra xa lộ E39. Mười hai giờ trưa, tôi đến được bến phà Oppedal - Lavik. Bỏ xe ở tầng dưới, tôi lên tầng hai hóng gió và tranh thủ gặm bánh mì. Dòng sông rộng soi bóng những rặng núi xanh hùng vĩ. Sống lưng tôi bỗng rờn rợn. Dường như ánh mắt của kẻ nào bám mãi theo sau. Miếng bánh mì trong miệng tôi cứng đơ ra. Tôi quay phắt lại, hai ông bà già ngồi trên ghế ngắm cảnh sông nước, một cặp nam nữ da rám nắng đang hôn nhau… Toàn là người châu Âu. Tôi lắc đầu, tự cười mình, tự chế giễu mình. Cảm giác bị săn đuổi kích động trí tưởng tượng. Tôi mệt mỏi vì công việc và bị ám ảnh quá mức. Cần có một khoảng thời gian thực sự yên tĩnh để tôi biết mình phải làm gì.

Khi phà ra giữa dòng sông, tôi tắt điện thoại di động. Max sẽ không thể nào tìm ra tôi, dù đám máy móc ở KT có chạy hết công suất.

Phà cập bến, tôi lái xe nối đuôi dòng hành khách lên bờ, nhắm hướng Vadheim. Theo bảng chỉ đường, tôi rời xa lộ E39, nối sang con đường du lịch liên tỉnh Rv55. Con đường này vượt núi đồi, băng qua Veitastrond, rồi chạy dài lên miền bắc. Bên ngoài trời mưa phùn phất phơ. Trên con đường chạy trốn, cái kiểu mưa rơi lê thê này ám ảnh lạ lùng. Mưa làm thần kinh tôi thêm căng thẳng. Tay gạt nước quay chầm chậm bên ngoài không xua được nỗi bất an dày đặt bên trong. Tôi liếc mắt liên tục vào kính chiếu hậu, hai ba chiếc xe nối đuôi phía sau. Đoạn đường núi mùa này còn chưa vắng lắm, vẫn có những chuyến xe ngược chiều, đa số là xe tải nhỏ của nông trại chạy về thành phố. Tôi nhấn ga, phóng trên con đường Sognefjellsveien thoai thoải, vòng qua những vực thẳm, hồ nước xanh thênh thang, hướng lên những triền núi xa tuyết phủ trắng. Tôi cố nghĩ đến căn nhà nhỏ yên bình cô độc, nằm tựa lưng vào vách đá. Nơi đó, tôi sẽ sống qua những ngày cô đơn bất tuyệt.

Xe rời Sognefjellsveien, theo đường làng Fv337 vào Veitastrond. Dọc bên đường là những khu nông trại nhà cửa khang trang, khu nhà câu cá nên thơ, hồ Hafslovatnet xanh ngát lác đác bóng thuyền. Ở đoạn ngã tư được ông Amberg cẩn thận đánh dấu trên bản đồ, tôi cho xe chạy vào chạy vào khu nhà nghỉ trên núi. Những căn nhà hytter vách gỗ trắng, mái đỏ vào mùa này đã đóng cửa. Khác với những khu câu cá bên dưới, mùa du lịch trên núi đã qua từ cuối tháng chín. Những bụi tầm xuân bắt đầu rụng lá, đơm trái hoe hoe đỏ. Tôi nhìn đồng hồ xe, bốn giờ hai mươi. Trời đã mờ tối, sương xám đến nhanh như ma đuổi. Tôi nhấn lút ga, bỏ lại sau lưng những ngôi nhà hoang thiếu vắng bóng người. Con đường lổm nhổm đá chạy theo bờ hồ mịt mùng lau sậy còn lặng lẽ thê lương hơn nữa. Tôi đánh vòng tay lái qua gềnh, qua những rặng thông già cỗi. Tiếng bánh xe giận dữ nghiến rào rạo leo lên dốc. Qua một khúc quanh, ngôi nhà nhỏ quen thuộc hiện ra chơ vơ bên thềm núi.

Tôi dừng xe bên hiên nhà, vặn chìa khóa công tắc.

Bóng hoàng hôn đang tắt dần trên mặt hồ thăm thẳm. Hơi lạnh như tràn qua cửa kính xe. Tôi ngồi thu mình sau tay lái, trong bóng tối của chiếc xe nhỏ, muốn kéo dài thêm một chút khoảng thời gian tự vấn. Không, tôi không sợ. Tôi biết mình phải làm gì.

*

Tôi liệng túm nùi giẻ vô góc nhà, nằm vật ra giường . Một ngày nhọc nhằn vừa qua đi. Ánh lửa trong lò sưởi soi bóng đỏ lung linh lên những bức tường gỗ bạch dương. Bên ngoài gió núi hú từng hồi thảm khốc. Tiếng thác nước đổ vọng vang rền trên mặt hồ. Thân thể tôi đau nhừ sau một ngày lái xe, khuân vác và chùi dọn. Tôi muốn đi rửa chân tay, nhưng ý nghĩ về thùng nước lạnh ngắt gần đóng thành băng làm tôi ngao ngán. Mình sẽ sống qua hai tuần mà không cần tắm rửa. Tôi khoái chí kêu thầm rồi chìm vào giấc ngủ.

Hình như có tiếng ai rên rỉ ngoài cửa sổ. Tôi giật mình tỉnh giấc. Trong bóng đêm chập chùng lạnh lẽo, tôi lồm cồm bò dậy, hoang mang không nhớ nổi, mình đang ở đâu.

*

Bảy giờ sáng. Bên ngoài trời tối đen. Căn phòng tắt lò sưởi lạnh như cắt. Tôi tự cưỡng bức mình bò ra khỏi giường. Núi trời đã ngưng gió. Những bóng cây đen thôi nghiêng ngã uốn éo. Mặt hồ lặng im trong bóng tối nhạt nhòa, huyền ảo lạ lùng.

Tôi thay bộ đồ jogging bằng nỉ, rón rén mở cửa đón khí lạnh buổi sáng. Bên ngoài không lạnh ghê gớm như tôi tưởng. Một bầu không khí trinh nguyên trong vắt như pha lê, tưởng như thân xác mình có thể hòa tan vào đó rồi biến mất. Tôi bắt đầu bằng những bước chạy ngắn, theo con đường dốc dẫn xuống khu nhà nghỉ. Những căn hytter nằm lẫn trong sương sớm, hoang lặng không một bóng người. Những khung cửa kính tối đen như trong một cuốn phim kinh dị chiếu trên tivi. Tôi không rõ là bộ phim đó tên gì, chỉ nhớ đoạn kết có cảnh xác chết múa kiếm rất hài hước.

Một căn nhà mái ngói đỏ, tường sơn tím, những cánh cửa sổ màu xanh lục, duyên dáng như truyện cổ tích. Lá vàng ngập trên khoảng sân nhỏ đầy cỏ dại, lất phất tuyết trắng. Trong ánh sáng hồng nhạt, chiếc đu quay màu xanh đong đưa chậm rãi. Tôi nghĩ đến hình ảnh những đứa trẻ đang ngồi trên đó và cười nắc nẻ. Có một mùa hè vui nhộn đã đi qua mảnh sân này. Tôi đẩy cánh cửa gỗ bước vào sân, cánh cửa kêu kọt kẹt lười nhác. Trong góc hiên nhà, trái banh nhựa màu đỏ bị gió thổi tấp vào cùng cỏ rác. Tôi lượm trái banh lên, phủi đi lớp bụi trắng, lòng bỗng vui vui nghĩ tới đứa con trai nhỏ nào đó, nó đã từng ở đây vào những ngày nắng ấm. Có thể trên đường về nó sẽ khóc thút thít vì nhớ trái banh. Không. Chắc chắn là không. Nó sẽ đòi mẹ mua trái banh mới và quên đi trái banh cũ. Hay nó chẳng quan tâm gì cả, và cũng không hề biết mình đã để lại vùng núi non giá lạnh một trái banh màu đỏ. Cuộc sống ở đây là vậy, chẳng có gì để ràng buộc và lưu luyến lâu dài. Tôi ngồi xuống bậc thềm đầy cát bụi, bỗng cảm thấy kỳ dị. Căn phòng có mùi hoa đoạn thơm ngai ngái. Hoa đoạn nào nở giữa mùa đông?

Tiếng động bất chợt từ bờ cỏ làm tôi giật thót. Tôi lùi vào bóng tối của hàng hiên. Ánh ban mai yếu ớt lan tỏa trong sương trắng. Hai cái đầu đen ló ra từ bụi cây dại, chúng lom lom nhìn về phía tôi.

Đó là cặp tuần lộc cao lớn, có đôi sừng mạnh mẽ và cặp tai dong dỏng hiếu kỳ. Tôi bước về phía chúng, hàng rào gỗ ngăn tôi lại. Hai con tuần lộc lùi lại thật nhanh, từ sau bụi tầm xuân chỉ có đôi sừng lú lên như nhành cây khô. Tôi bật cười thật to, kêu lên những tiếng "hê hê".

"Hê hê. Chào bạn hàng xóm."

Những nhánh cây khô lắc lư ngộ ngĩnh rồi biến mất.

Tôi đi vòng ra phía sau vườn, khoảng sân lót gỗ bên hiên nhà sau khá rộng rãi và sạch sẽ. Đây có lẽ là chỗ gia đình đặt bàn ăn buổi chiều và nướng thịt. Vài vệt dầu mỡ và tro than vẫn còn đóng bên thềm. Tôi cởi bỏ áo khoác và bắt đầu đi những đòn karate sát thủ. Khí lạnh tràn vào buồng phổi thật là sảng khoái.

*

Buổi trưa tôi đi câu cá. Ngồi thả cần mà cầu mong đừng có con vật ngu ngốc nào cắn trúng. Tôi sẽ không biết phải làm gì với con cá đáng thương muốn tìm đến cái chết đó. Chắc tôi sẽ thả nó xuống hồ với vết thương trong miệng. Và trong nỗi đau ghê rợn đó, nó sẽ phải đối diện với cái chết đang đến rất chậm, nó sẽ hối hận tự trách mình. Bởi vậy mà lưỡi câu của tôi không có mồi, tôi không muốn lừa bịp ai. Cứ để sự thật trần trụi như vậy cho những đứa nào dứt khoát tìm tới cái chết. Tôi ngồi kiên nhẫn đợi hết hai tiếng đồng hồ, sung sướng nhận ra rằng, đàn cá ở đây rất ham sống.

*

Ngày thứ hai, núi đồi bỗng nổi gió. Trời chỉ sáng mập mờ vài ba tiếng, bóng tối xám xịt lại kéo về vây phủ. Tôi đóng chặt mấy cánh cửa, nghe gió cuồng nộ giật qua mái nhà. Căn hytte nhỏ bé rung lên từng hồi khi gió tràn lên sườn núi. Từng đám bụi tuyết kéo qua cửa sổ trắng mịt mùng. Dông bão đang muốn cách ly tôi với thế giới bên ngoài, nhưng tôi sẽ không để cho chuyện đó xảy ra. Kiểu sống thiếu vận động mà dư ăn dư ngủ không phải là mục đích của chuyến đi nghỉ đông này. Căn phòng này quá chật hẹp, không đủ chỗ cho tôi luyện võ. Sách vở trong nhà nghỉ cũng không có nhiều, vài cuốn tiểu thuyết yêu đương nhăng nhít, kỹ thuật nấu các món cá, du lịch trên núi... Ánh lửa heo hắt trong lò sưởi lại không đủ soi lên trang sách, làm hai con mắt tôi mỏi nhừ. Bão lạnh và gió dữ bên ngoài quyến rũ hơn. Nhất định tôi phải ra bên ngoài để xem sức mạnh dông bão ra sao.

Tuyết trắng đã phủ kín cả đất trời, khoe khoang quyền lực tối thượng. Những bông tuyết đang to dần, bay cuồn cuộn trong gió, đập hung dữ vào cửa kính. Sức mạnh của thiên nhiên thật là đáng phục. Tạm thời tôi ngồi bó gối bên cửa sổ, chờ cơn thịnh nộ của đất trời qua đi. Tự dưng rồi tôi nhớ tới hai con tuần lộc, không biết tụi nó trốn tuyết ở đâu. Tôi dõi mắt nhìn về phía khu nhà nghỉ. Trong màn tuyết mù mịt thoảng ánh đèn sáng nhấp nháy. Tôi rợn người, không dám tin vào mắt mình. Ánh đèn tắt đi, rồi lại sáng nhấp nháy. Tôi đoán đó là ánh đèn pha xe hơi. Hình như nó đang di chuyển về phía tôi. Nhưng rồi nó biến mất, đột ngột như khi đến. Tôi tự trấn an, không, chắc chắn đó là ảo ảnh của bão tuyết. Nhưng cảm giác lo sợ lại đập liên hồi lên lồng ngực, báo hiệu một điều không lành. Giữa chốn hoang vu cô đơn này, tôi không chờ đợi sự hiện diện của con người. Tôi bò dậy thổi tắt ngọn đèn dầu, dập tắt lò sưởi, xem lại các chốt cửa. Ánh đèn bên ngoài đã tắt hẳn. Nỗi sợ hãi không vì vậy mà biến mất, nó lớn thêm, báo động dồn dập. Rõ ràng những kẻ bên ngoài cũng hành động như tôi. Họ lẩn vào bóng đêm.

Họ di chuyển linh động bên ngoài. Còn tôi bị giam giữ trong căn phòng chật hẹp.

Trong bóng tối lạnh lẽo, tôi nằm co ro dưới lớp mền len dày nửa mét. Vẫn thấy lạnh, cái lạnh phát sinh từ trong tim gan, trong tủy sống làm tôi tê dại. Gió gào thét ở bên ngoài. Đá rơi ầm ầm trên núi. Căn nhà rung chuyển, những chốt cửa kêu lên kọt kẹt. Tôi nhanh chóng rơi vào trạng thái mất tự chủ, không biết mình phải làm gì, chỉ thấy bất lực và đần độn. Cả một ngày hôm qua tươi mát, tâm trạng phấn khích tràn đầy thách đố đột ngột mất đi chỉ vì cái ánh đèn bất chợt xuất hiện dưới chân đồi. Ánh đèn? Thì đã sao? Chắc có ai trái tính trái nết đó cũng đi đón bão như tôi.

Trời đất vẫn không ngưng cơn giận giận dữ, xóa hết dấu vết ngày đêm. Tôi nhìn lần cuối chiếc đồng hồ đeo tay, rồi chìm dần vào giấc ngủ.

*

Trong bóng tối mịt mùng, tôi giật mình tỉnh giấc, không làm sao đoán được thời gian. Đồng hồ đeo tay báo 4 giờ 20 sáng. Bên ngoài gió đã ngưng, nhưng tuyết vẫn đổ liên hồi. Bụng tôi đói cồn cào. Tôi lọ mọ cầm đèn pin đi vào bếp.

Ánh đèn vàng vọt lướt đi trên vách gỗ đen đúa, chậm rãi soi lên mặt bàn.

Tôi hét lên, suýt nữa làm rớt cây đèn pin. Ai đó đã vẽ lên mặt bàn trái tim đỏ bằng tương cà chua.

Đôi chân tôi sắp khuỵ xuống, hai tay tôi vội vã bám vô thành cửa. Chai tương cà chua vẫn còn mở nắp nằm trên bàn. Tôi bước tới, nhìn sững vào hình vẽ trái tim, chậm chạp hiểu ra rằng, họ đã đến đây và đã ra đi. Bằng cách nào, tôi không hình dung được. Tôi run lập cập, cầm đèn pin đi soi từng chốt cửa, chúng vẫn nguyên vẹn, không một dấu vết cạy phá nào. Tôi ngồi bệt xuống sàn nhà, trố mắt nhìn đôi bàn tay đang run bần bật. Bằng cách nào họ nhanh chóng lần ra dấu vết của tôi. Trái tim tôi thắt lại trong lồng ngực lạnh ngắt như ướp bằng đá. Cổ tôi cũng lạnh. Một cơn ho khô khốc làm người tôi co quắp lại. Tôi lần mò về giường tìm tấm khăn quàng cổ. Tối hôm qua tôi gỡ nó ra, để cạnh bên gối. Chỗ đó bây giờ trống không. Kẻ nào đã lấy nó đi. Lạy Chúa. Kẻ nào đã đến tận giường ngủ của tôi.

*

Tôi quyết định không ngủ ban đêm nữa, chỉ ngủ cầm chừng ban ngày. Ở đây ngày và đêm trôi qua như nhau. Mấy ngón chân tôi bị nhiễm cước, bắt đầu sưng đỏ, đau nhức và ngứa ngáy.

*

Giữa trưa ngày thứ năm, trời bắt đầu hửng sáng. Tuyết đã ngừng rơi. Tôi mở cửa bước ra ngoài, cánh cửa bị đóng băng cứng ngắt. Tôi vừa đạp, vừa kéo muốn gãy bả vai. Đám tuyết dày trên cửa vỡ ra. Cánh cửa vừa hé mở, bụi đá trắng hỗn độn ào vào nhà.

Bên ngoài, tuyết đã khoả lấp mọi dấu vết của những đêm qua, chẳng có gì để tìm kiếm. Gió lạnh như cắt, tràn đi trên sa mạc trắng xoá mênh mông. Chiếc xe Fiat biến thành một đống tuyết trắng nhô cao. Tôi vác xẻng đào mãi mới moi được cái bao rác cũ. Những thứ bên trong đã đông thành đá. Tôi nhặt tìm mấy lon súp cũ, mấy lon thịt hộp.

Trong nhà bếp, tôi tìm được bộ đồ nghề của ông Amberg. Một cái búa, một cái kềm, mấy cây đinh… Tôi đóng đinh dọc theo tường, độ cao khoảng ngang thắt lưng. Mấy sợi dây câu nối dài, bắt ngang qua những cây đinh, như một hệ thống màng nhện. Ở góc nhà, tôi mắc từng chùm lon lên hệ thống dây báo động. Không cặp mắt nào có thể nhìn thấy sợi dây câu mảnh dẻ trong bóng đêm. Chỉ cần ai đó bước ngang qua, vướng vào một mối dây, những chùm lon sẽ rớt xuống đất, gây nên tiếng động khiếp hãi. Tôi thử đi thử lại, cứ giật thót người vì tiếng lon đột ngột rớt xủng xoảng. Mọi sự xâm nhập từ bên ngoài, sự chuyển động trong căn phòng đều khó lòng thoát khỏi hệ thống báo động kỳ ảo này. Lạy trời. Tôi chỉ mong thằng sát nhân đó nghe tiếng động bất ngờ mà hoảng hốt bỏ chạy. Còn như... nếu nó cứ nhất quyết xông vào, thì ít ra, tôi cũng sẽ đàng hoàng đối diện với cái chết. Tôi lôi bộ dao mổ trong vali ra, giấu một con dao xuống gối, một con dao ở góc giường bên phải, một con dao ở gầm bàn. Tôi biết rõ mình sẽ làm gì với mấy con dao đó. Một bác sĩ pháp y không thể là một sát thủ chuyên nghiệp. Nhưng một bác sĩ pháp y biết rất rõ cách thức hạ thủ của những tên sát thủ chuyên nghiệp. Nhất định tôi không chịu chết như một con cừu ngu xuẩn.

Buổi tối hôm đó, tôi ngủ say như chết. Hệ thống báo động và những con dao mổ tỏ ra hữu hiệu, ít nhất là ở mặt tâm lý.

*

Ngày thứ sáu, gần sáng, tôi tỉnh dậy lại nghe bụng đói cồn cào. Tiết trời lạnh giá và cuộc sống thiếu vận động làm tôi thấy đói thường xuyên. Bàn tay tôi quờ quạng trên mặt giường, đụng nhằm tấm khăn len mềm mại, suýt nữa thì tôi hét lên. Kẻ nào đã đặt tấm khăn về lại chỗ cũ, hay là tôi đang mơ giấc mơ điên loạn. Tôi lật gối lên tìm con dao mổ, nhưng con dao đã không còn nằm dưới gối. Tôi ngồi trên giường ôm đầu, có một suy nghĩ kỳ lạ loé lên trong đầu mà tôi không sao nắm bắt được.

Một điều rất kỳ lạ.

Tôi tìm thấy con dao nhọn nằm trên mặt bàn bếp, cắm giữa trái tim tương cà chua. Những chùm lon báo động vẫn treo trên tường. Kẻ nào đó đã vào đây và lách qua được những sợi dây vô hình trong đêm. Hắn lấy đi con dao dưới gối tôi và mang xuống bếp. Kẻ nào đó đã đến gần tôi trong giấc ngủ, đã quan sát việc làm của tôi suốt những ngày qua.

Suy nghĩ kỳ lạ lại tràn ngập trong đầu, tôi ngẩn người ra, bỗng rồi hiểu được một điều tăm tối. Rất tăm tối.

*

Kẻ săn đuổi tôi không hề có ý định giết chết tôi.

Kẻ săn đuổi tôi không hề có ý định giết chết tôi.

Kẻ săn đuổi tôi không hề có ý định giết chết tôi.

*

Nếu hắn muốn, hắn đã có thể thực hiện điều đó quá dễ dàng, từ khi còn ở Berlin. Hóa ra cuộc chạy trốn này là vô nghĩa?

Tôi thay đổi toàn bộ kế hoạch. Buổi tối hôm đó, tôi đốt lò sưởi thật to, đốt đèn thật sáng, khiêu khích đối phương và nhắn gửi thông điệp: chấp nhận mọi cuộc đàm phán. Những kẻ săn đuổi và đe dọa tôi nhất định phải có một mục đích nào đó. Ánh sáng rọi xuống mặt bàn gỗ bào láng. Có rất nhiều tên người được khắc lên đây, những người khách đã từng gian nhà nhỏ này vào mùa hè hay mùa thu câu cá. Martin, Ameli, Robert, Daniel...

Tôi ngồi chờ suốt cả đêm, dõi mắt nhìn xuống con đường phủ tuyết. Không một tín hiệu. Không có kẻ nào tìm đến. Hoá ra bọn này sợ ánh sáng. Lửa trong lò sưởi cháy bùng bùng. Cả căn phòng nóng ấm. Tôi chống nạnh nhìn ra bên ngoài cửa sổ và bắt đầu cười chế nhạo. Cười thật to.

Sáng ngày thứ bảy tôi quyết định lái xe sang trang trại ông Madej, chỉ mang theo ít áo quần và những vật dụng cá nhân cần thiết.

Tuyết phủ kín xe, phải mất nhiều thời gian tôi mới cạo hết tuyết trên kính và cào trống bốn bánh. Cũng may là xe vẫn nổ máy. Qua mấy dốc tuyết trơn trượt, ngập lút, chiếc xe gào rú điên cuồng rồi kẹt cứng. Mấy cái bánh quay mòng mòng trên khoảng băng trơn trượt, chẳng mong bám được vào đâu. Nhiều lần tôi phải leo xuống, đập lớp băng bưới bánh, moi tuyết dưới gầm. Ở những đoạn băng tuyết quá dày tôi phải đặt tấm trải bằng cao su dưới hai bánh sau để xe có chỗ bám mà bươn tới. Cũng may đó là loại Fiat nhỏ nhẹ, đáy cao. Tôi bỗng nghĩ tới một chiếc Jeep Gladiator với bốn cái bánh to lừng lững của ông hàng xóm.

Giờ đây tay chân tôi thấm ướt lạnh cóng, nhiều lần phải bò ra khỏi chiếc Fiat ọp ẹp, nhiều lần tôi buột miệng chửi thề mà cũng không rõ mình chửi gì. Chỉ cần chửi vài câu vớ vẩn là có thêm dũng khí. Ý nghĩ về một chiếc Jeep lại bám theo dai dẳng, vô nghĩa không thể tưởng. Nếu tôi thoát chết lần này, tôi sẽ mua một chiếc Gladiator, phóng chạy ào ào trên đường cao tốc. Nếu chiếc Fiat tiếp tục kẹt trong tuyết thì tôi bỏ nó lại đây, cuốc bộ tới trang trại Madej, qua ngã ba sông, khoảng hai cây số là tới. Nhưng tuyết đã xoá mọi lối đi. Tôi phóng xe đâm đại về hướng gềnh thác. Tiếng thác vọng ầm ầm qua thung lũng, mà chẳng thấy thác đâu. Có lẽ là tôi chạy lạc, dòng sông, đường mòn, cây cối, tất cả đều phủ trắng chẳng còn dấu vết để nhận diện. Điều này thật nguy hiểm. Trời chưa đủ lạnh để sông hồ đóng băng, nhưng tuyết đã phủ kín bờ bãi. Nếu tôi chạy xe lấn lên đó thì chiếc xe sẽ trôi tuột xuống nước. Một tuần sau, một tháng sau, hay đến mùa xuân sang năm cũng sẽ không có ai tìm thấy xác tôi. Thật là lãng nhách, tại sao tôi phải chạy trốn cái chết không hề có? Ý nghĩ bi hài đó làm tôi cười như mếu.

Phải mất hơn hai tiếng, cuối cùng tôi cũng tìm ra trang trại của ông Madej. Tấm biển có hình đầu ngựa to tướng hiện ra trên đầu dốc, thần kinh tôi giãn ra và tôi bỗng lại muốn toét miệng cười. Tôi nghĩ tới ông Madej hiền lành tốt bụng, bà Madej với căn nhà bếp thơm mùi thịt nướng, và những gã con trai tóc vàng hoe bắp thịt cuồn cuộn nhưng hiền như cừu. Họ luôn chìu chuộng săn đón tôi. Họ sẽ cho tôi tá túc vài ngày trước khi tôi về lại Bergen.

Từ những dãy chuồng gia súc phủ tuyết trắng khói toả lên bảng lảng. Tôi thong thả lái xe qua cánh cổng lớn bằng gỗ, vui vẻ bấm còi inh ỏi. Vẻ im ắng lạ lùng bên ngoài, hoàn toàn không nằm trong sự chờ đợi của tôi. Trang trại đông vui mùa hè bây giờ phủ tuyết trắng buồn ảm đạm. Những cánh cửa nhà bằng gỗ đóng im ỉm. Những khu chuồng gia súc trống hoang. Tôi đứng ngơ ngẩn giữa sân, lấy sức cất tiếng gọi. Ông Madej. Ông Madej, ông có nhà không?

Có tiếng ngựa hí kỳ dị phía sau, không biết vì đói hay vì đau đớn. Tim tôi bỗng thắt lại, thất vọng hãi hùng. Tôi nén tiếng kêu, lùi dần lại cánh cửa xe. Linh tính báo một điều gì bất thường.

Tiếng động ở chuồng ngựa bên góc sân làm tôi giật mình. Một thằng người râu tóc bờm xờm bẩn thỉu chui ra từ đám rơm khô.

Tôi nhận ra thằng Câm, một trong những đứa con của ông Madej. Thằng người cô độc kỳ dị, hay lằng nhằng bám theo tôi. Thường thì nó lặng câm ngoan ngoãn như cái bóng, chỉ có những đôi lúc bất chợt, ánh mắt cháy đỏ loé lên từ hai hố sâu tăm tối làm tôi khó chịu. Nhưng tôi không quan tâm nhiều tới nó hơn là quan tâm tới một con ngựa. Thằng Câm to lớn vạm vỡ hơn bất cứ người nào trong trang trại và là một kỵ sĩ tuyệt vời . Ông Madej thường sai nó đi theo chăm sóc tôi. Những buổi chiều trong gian nhà bếp rộng lớn, tôi vui đùa thoả thích với những người con trai khác của ông Madej. Họ nói tiếng Đức bập bẹ và dạy tôi tiếng Na Uy, nhưng cách phát âm của tôi luôn làm mọi người phì cười. Thằng Câm cắm cúi ăn, nó ăn nhiều kinh khủng, ăn như không bao giờ thấy no. Ăn xong nó lùi vào góc nhà, ôm con gấu bông rách nát gật gù ngủ. Nhưng tôi vẫn nghĩ là nó không ngủ bởi vì cái miệng nó nhếch lên cười rất kỳ dị. Có lần tôi ném trái táo về phía nó, để đánh thức nó dậy. Trái táo vừa bay đến gần con gấu bông, bàn tay to lớn bỗng đột ngột vung lên chụp lấy quả táo, gọn gàng chính xác, như là nó nhìn rõ mọi thứ. Đôi mắt nhắm kín từ từ mở ra tràn đầy sự đói khát, miệng nó há to ngoạm nửa trái táo. Nước dãi ứa đầm đìa. Tôi giật mình trong khi những người khác cười rất to.

Tôi và thằng Câm cách nhau một khoảng sân rộng phủ tuyết. Nó ngồi thu lu trong đám rơm, đôi mắt đỏ ngầu như con thú, không rõ nó có nhận ra người quen hay không. Tôi tiến tới vài bước cố cười thân thiện. “Hallo, Jörg!”

Thằng Câm nhe răng gầm gừ như con chó dữ. Nó vung tay lên, rơm rạ bay tung tóe. Tôi sợ hãi gào lên “Ông Madej!”. Chỉ có sự im ắng bất thường đáp lại tiếng kêu của tôi. Chẳng có ai trong trang trại ngoài tôi với thằng Câm. Ông bà Madej và những người con trai ở đâu? Đàn gia súc ở đâu? Hình như có tiếng kêu của đám bò sữa phía sau chuồng. Tại sao họ bỏ trang trại, ra đi giữa mùa đông? Tôi nhìn những khung cửa gỗ đóng kín, chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra ở đây. Ý nghĩ hãi hùng kéo tới làm tôi bủn rủn. Nếu tôi mở cánh cửa gỗ kia, bước vào căn nhà quen thuộc đó, tôi sẽ nhìn thấy những cái xác chết của những người quen. Ở đâu? Trong phòng ngủ? Trong phòng khách, bên lò sưởi? Hay trong gian nhà bếp, vừa sau bữa ăn tối? Nước mắt tôi chực trào ra, bầu không khí thê lương hoang vắng phủ lên niềm hy vọng cuối cùng. Một lần nữa, tôi lại đánh giá sai kẻ săn đuổi mình.

Thằng Câm lần mò bước ra sát mép chuồng, hàm răng vẫn nhe ra hung tợn. Trong ánh sáng ban ngày, nó hiện ra vạm vỡ to lớn như con gấu, và cũng hoang dã như con gấu. Tôi đã ở đây mấy mùa hè, cỡi ngựa cùng nó, ăn súp cùng nó, nhưng vẻ hung ác căm phẫn chưa bao giờ lộ ra rõ nét như vậy. Không hiểu điều gì đã xảy ra ở đây. Tôi nuốt nước miếng khô khốc. Bàn tay tướp mồ hôi cố nắm chặt chiếc chìa khoá xe. Tôi gượng gạo mỉm cười thật dễ thương. Miệng tôi khó nhọc toét ra.

“Anh Jörg, tụi mình là bạn. Tôi cần mượn cây súng săn.”

Thằng Câm gầm gừ trong cổ họng. Tôi tuyệt vọng hỏi nó nhiều lần, bằng tiếng Đức, bằng tiếng Anh, bằng tiếng Na Uy, bằng tay… Tôi đưa tay lên bắn đoàng đoàng. Nhưng nó chẳng hiểu gì cả, dường như tiếng súng bắn ra từ miệng tôi còn làm nó trở nên khích động hơn. Nó gầm lên, sợ hãi hay giận dữ, tôi không rõ, nhưng vẻ mặt hung ác của nó làm tôi hoảng hốt. Súng săn là thứ không ai cho mượn, nhưng nếu những người trong nhà đã chết, tôi có thể lấy súng mang đi. Tôi không muốn ở lại đây thêm một phút nào, thằng Câm này chẳng giúp gì được, và ý nghĩ phải ở cùng nó qua đêm trong một căn nhà còn làm tôi kinh khiếp hơn.

Tôi đổi giọng thì thầm ngọt ngào:

“Anh Jörg, xin anh ngồi yên đó chờ tôi. Đừng đi đâu.”

Tôi nhịp tay chỉ lên mặt đất. Câu này tôi vẫn thường nói với nó khi hai đứa cỡi ngựa vào đồng cỏ. Hình như là nó gật đầu, và trở nên hiền lành hơn. Nó lom khom đi về phía đụm rơm khô trong góc chuồng, ngồi bệt xuống ôm con gấu bông rách rưới vào lòng. Ánh mắt nó bắt đầu dại đi, rồi miệng nó há ra ngáp. Tôi không còn nhiều thời gian để quan sát nó, thằng này ngủ cũng như không ngủ. Tôi đi thụt lùi về phía nhà kho, nhưng mắt vẫn dõi theo những cử động của thằng Câm. Nó vẫn ngồi thu lu trên đụm rơm, hai mắt nhắm lại.

Cánh cửa nhà kho kiên cố bằng gỗ dày đeo ổ khoá to tướng. Tôi biết, chìa khoá thường treo ngay cạnh bếp lò ám khói của bà Madej. Tôi đi qua nhà lớn, cánh cửa dẫn vào phòng khách hé mở, tôi đặt bàn tay lên đó rồi bất giác sợ hãi. Nỗi sợ hãi bi thương tràn ngập trong lòng làm tôi thấy mình yếu đuối lạ lùng. Nước mắt tôi muốn trào ra, tôi nghĩ đến những con người dễ mến đã từng chia sẻ với tôi những mùa hè êm đẹp. Sự thật im lìm bên trong làm tôi đau đớn, bất giác tôi lùi lại, chỉ muốn chạy trốn khỏi nơi này.

Thằng Câm đã đứng lên bước qua đống cỏ khô, nó lần mò tiến về phía thành chuồng. Không kịp suy nghĩ, tôi phóng chạy. Ngang qua đống củi, tôi chụp được cây rựa bửa củi. Tôi vác cây rựa chạy ra xe. Tuyết dày lút ống chân, chậm chạp kinh hoàng. Phía sau, thằng Câm cũng đã phóng ra khỏi chuồng, tôi nghe tiếng gỗ thành chuồng gãy răng rắc. Tôi gần như bơi đi trong tuyết, khoảng cách tiến đến chiếc xe rút ngắn dần. Khoàng cách từ thằng Câm tới tôi, cũng đang thu ngắn quyết liệt. Nó xoải đôi chân dài to khoẻ trên tuyết, dậm thành những tiếng thình thịch ghê rợn. Tay nó cầm khúc gỗ lớn. Tôi dừng lại, lấy hết sức ném cây rựa về phía xa. Thằng Câm cũng chững lại, trố mắt nhìn. Như con chó chơi trò ném banh, nó bỏ cây gỗ, lót thót chạy về phía cây rựa.

Bàn tay tôi lạnh cóng loay hoay mãi mới mở được cửa xe chui vào.

Trong kính chiếu hậu, thằng Câm đang vác rựa phóng những bước rút cuối cùng về phía tôi. Nó giơ cao tay rựa chuẩn bị bổ xuống. Tôi vẫn còn loay hoay chưa nhét được chìa khóa xe vào ổ. Thằng Câm nhoài người về phía trước, bỗng nhiên rồi lảo đảo như trượt chân. Nhát rựa nó bổ xuống cốp xe vang lên to kỳ dị. "Xoảng". Tôi thét lên. Tiếng thét bất ngờ của tôi theo sau tiếng "xoảng" làm nó giật mình lùi lại, nhưng rồi nó cũng thét lên. Tiếng thét của nó còn rùng rợn hơn, vang dội hơn, hung tợn như tiếng gấu đói. Khi ấy tôi mới nhận ra, một bên vạt áo nó dính máu đỏ sẫm. Không biết nó bị thương từ khi nào. Tôi hớt hải vặn chìa khoá. Chiếc xe vừa nổ máy, thằng Câm đã đứng dậy. Vạt áo khoác của tôi bị kẹt ngoài cửa, không sao đóng kín cửa được. Xe kêu tít tít báo hiệu. Tôi mặc kệ, đạp mạnh ga phóng đi. Thằng Câm đã phóng lên phía trước định chụp cánh cửa, bàn tay nó trợt xuống, tóm được vạt áo tôi. Bả vai tôi bị giật mạnh về phía sau, cả người tôi lệch đi, suýt nữa bị kéo văng ra ngoài. Tay lái xe xoay vòng, chiếc xe lao vô đống tuyết bên phải.

Tôi choáng váng ngỡ như trời đất tối sầm, bàn chân tôi đạp mạnh lên bàn đạp ga. Chiếc xe kẹt trong đống tuyết, xoay vòng đột ngột, hất văng thằng Câm qua bên. Nhưng thằng quỷ sứ lại chồm dậy, từ phía sau ào tới như con gấu dữ. Vòng tay to lớn của nó định chụp trọn cả chiếc xe. Tôi nhìn hình ảnh rùng rợn của thằng Câm trong kính chiếu hậu. Tay tôi cài số de, chân tôi đạp ga. Chiếc xe giật ngược về phía sau, cứ tưởng là tông chết thằng Câm. Nhưng chiếc bóng của nó đột ngột biến mất, không để lại sự va chạm nào. Chẳng biết nó tránh đi đâu.

Tôi còn chưa kịp định thần, khuôn mặt gớm ghiếc của thằng Câm đã hiện lên bên cạnh chỗ tôi ngồi. Bàn tay to tướng của nó giơ lên định đập vỡ cửa kính. Tôi thét lên, cứ để nguyên số de lùi ào ào về phía sau. Bánh xe trượt điên loạn trên lớp tuyết dày. Khi tôi đổi số định phóng về phía trước, thằng Câm đã bương ra giữa đường, nó đứng sừng sững chờ tôi đâm xe tới. Nhìn cái bóng đen thui của nó in trên tuyết trắng, bỗng nhiên rồi tôi lại la hoảng. Tránh ra, thằng ngu. Ý nghĩ phải tông chết nó cũng kinh khiếp như ý nghĩ bị nó giết chết.

Trong cố gắng tuyệt vọng cuối cùng, tôi đập tay lên còi xe, nhấn ga lao tới rồi đạp gấp thắng. Chiếc xe mất đà trượt ngang trên tuyết, lao thẳng vào cây cột cổng bên phải. Tôi nghe tiếng va chạm khô khốc, cả thân hình chấn động. Thằng Câm đứng giữa sân gào lên giận dữ. Tôi xoay tay lái, nhấn ga chạy ra cánh đồng phủ tuyết. Trong kính chiếu hậu, bóng thằng Câm đuổi theo, mờ dần rồi mất hẳn. Cả người tôi nóng hừng hực như lên cơn sốt. Xe vẫn kêu tít tít báo hiệu cửa bên hông chưa đóng kỹ, nhưng tôi mặc kệ. Ai mà đủ can đảm dừng xe lại trong lúc này.

Tôi lại chạy lạc loanh quanh mất hai tiếng, mấy tấm bảng chỉ đường qua cơn bão tuyết gãy đổ, xiêu vẹo. Trời xẩm tối, tôi hoảng loạn mò về được khu nhà nghỉ. Cầu mong đừng sai đường. Trong tuyết trắng, khu nhà nghỉ nào cũng giống nhau, cánh rừng nào cũng giống nhau. Tôi tìm lại được vết xe cũ của mình. Hai vệt lõm dài in trên tuyết xốp, dẫn về căn nhà cũ. Lẽ ra mừng rỡ, tôi lại thấy rợn cả người. Dấu xe in trên tuyết như một lời tố cáo. Tôi bước ra khỏi xe, bàng hoàng nhìn lại con đường mình vừa chạy qua. Bốn vệt đen như đàn rắn chạy dài mãi tới tận triền xa. Tôi chặn tay lên cổ để đừng gào lên. Chưa bao giờ tôi sợ hãi và cô độc như lúc này. Tôi mong trời đổ tuyết để xoá dùm tôi dấu vết. Những kẻ săn đuổi tôi giờ đây còn có cả thằng Câm.

Tôi quyết định sáng sớm mai về lại Berlin.