Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 1, 2017

Thương nhớ Sông Hàn

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)

Cứ nhớ về Đà Nẵng là tôi lại nhớ sông Hàn, có lẽ bởi trên con đường ven sông đó, tôi đã đi lại không biết bao nhiêu lần, và hình ảnh con sông đã làm tổ trong trái tim tôi, sinh sôi nảy nở rồi cất tiếng, y hệt tiếng cu cườm những buổi trưa hè, vừa thân thiết êm đềm vừa vọng vang một nỗi thổn thức rất dịu dàng.

Ngày nhỏ xíu, mỗi lần theo chân người lớn đi dạo bờ sông, nhìn bảng tên đường bờ sông ghi hai chữ Bạch Đằng, tôi cứ đinh ninh con sông quê mình chính là sông Bạch Đằng. Không hiểu sao tôi cứ giữ kín điều ấy trong đầu, cho đến khi được học Việt Sử và địa lý, để biết sông Hàn mới là tên con sông quê mình.

Với đứa bé gái ít được ra khỏi nhà là tôi ngày ấy, sông Hàn quả là một ranh giới khó thể vượt qua. Nó cắt chia thành phố làm hai phần, và từ bờ bên này nhìn sang bờ bên kia, tôi thấy mọi thứ sao mà xa xôi diệu vợi, tôi không hình dung được ở phía bờ vô cùng cách trở ấy có những gì.
Sau này lớn lên, biết câu ca dao “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân ngó về bên ni Hàn phố xá nghinh ngang…”, tôi hiểu được rằng, người xưa đã từng ngóng vọng, cảm nhận về nhau rất nhiều khác biệt, chỉ bởi chiều rộng của dòng sông.

Quận Ba Đà Nẵng – vùng đất bên kia sông, dân phần lớn sống về nghề đánh cá, tiếng nói lờ lợ, chịu nhiều thiệt thòi vì luôn là người đầu tiên hứng chịu những cơn bão nhiệt đới, và đời sống của họ cũng không hơn dân ở vùng nông thôn là mấy. Cách trở đò giang là một trong những nguyên do.

Lớn thêm chút nữa, tôi khám phá thêm một bất ngờ đáng sợ: sự hung hãn của con sông và sức mạnh chết chóc của dòng nước. 

Đó là khi tôi theo chân các chị, xắn cao quần, mặc áo mưa đi lội nước lụt. Sau khi đi hết con đường Hùng Vương xuyên qua chiều dài thành phố, xuống tới bờ sông, tôi kinh ngạc nhận ra một sông Hàn sôi sục khác hẳn ngày thường.

Sông tràn bờ, sóng cuồn cuộn đập vào nhà dân, còn giữa dòng là một thác lũ cuồng bạo đang gầm thét. Trên dòng nước hỗn mang điên cuồng ấy, những trâu bò bị cuốn theo đang khốn khổ cố ngóc đầu lên bên cạnh những cây cối bị bật gốc, và đáng sợ nhất là những mái nhà đã bị bứt khỏi mặt đất, xơ xác, nát bươm… Và tất cả mọi thứ đang vun vút lao về phía cửa biển. 

Kinh hoàng nhất, trên những mái nhà tơi tả ấy vẫn còn sót lại vài người dân tận những thôn làng tít tắp phía thượng nguồn đang hãi hùng bám víu, cố quờ tay há miệng để cầu xin được cứu. Người trên bờ cuống cuồng cầm dây thừng hoặc những cây tre dài chạy tới chạy lui một cách tuyệt vọng, không biết làm cách nào để níu, vớt những đồng bào đang bị cuốn đi. Chỉ cần vài giây sau, khi trôi đến chỗ nước xoáy, những mái nhà ấy bị nhấn lộn nhào xuống dưới mặt nước đục ngầu bùn rác để rồi khi nổi lên ở đàng xa thì chẳng còn thấy người đâu nữa.

Đó là ký ức khủng khiếp trong tôi về trận lụt năm Thìn 1964, thiên tai trăm năm mới có một lần đã tàn phá tan hoang vùng đất Quảng Nam, chôn vùi dưới nước hơn 6.000 dân, xóa sổ rất nhiều làng mạc hai bên bờ các con sông Thu Bồn, Vu Gia.

Khi đã không còn bất cứ thứ gì trong tay để có thể phục hồi cuộc sống, hàng ngàn dân Quảng Nam đã phải nát lòng bỏ xứ ra đi, vào Sài Gòn lập “làng mới” ở nhiều khu vực, mà nổi tiếng nhất là làng dệt ngả tư Bảy Hiền.

Đến thời nữ sinh trung học xúng xính áo dài, ghế đá sông Hàn lại là chỗ “đóng đô” cho đám học trò tinh nghịch chúng tôi. Sau khi cúp cua những giờ học buồn ngủ, lẻn ra khỏi lớp khỏi trường là chúng tôi tếch luôn xuống bờ sông, chiếm dụng những chiếc ghế đá mát rượi có giàn hoa giấy tím buông rũ, ngồi dầm dề ở đó mút cà rem, tán phét, ngắm nước sông lững lờ trôi bên dưới và ngắm đỉnh Sơn Chà với dải mây trắng chơi vơi trên đỉnh cao…

Ngồi chán, khi nước triều lên làm sóng đập vào bờ văng nước lên người, chúng tôi đi dọc theo bờ sông không mục đích, không vướng bận, thả cái nhìn hớn hở vào những người bán hàng rong bận rộn trên mặt đường, vào những cặp trai gái chở nhau trên xe gắn máy hay đi bộ dọc bờ sông, thích thú nhận ra vẻ thẹn thùng của cô gái và sự e dè của chàng trai vẫn không át nổi niềm hạnh phúc tràn dâng trong mắt họ, trong cả con người họ. Bởi vì việc trai gái công khai xuất hiện sóng đôi giữa thanh thiên bạch nhật là một sự táo bạo đáng nể ở cái thị xã nhỏ, nơi mà mọi người hầu như đều quen biết hoặc nghe biết về nhau.

Có lần, khi đang cùng đám bạn lang thang bờ sông như vậy, bỗng một hình ảnh nổi bật đập vào mắt tôi. Một đôi mắt đen trên gương mặt trái soan và chiếc khăn voan đỏ thắt điệu đàng trên mái tóc dài. Hai tà áo dài voan nhung ép mỏng mảnh cũng màu đỏ rập rờn bay trong gió như những cánh bướm, sáng bừng lên, níu lấy những cái nhìn của người đi đường. 

Tôi cũng quay nhìn. Rồi tôi kinh ngạc nhận ra người đẹp lộng lẫy đó chính là chị Bốn của mình, bà chị mà khi ở nhà tôi chưa bao giờ thấy đẹp. Vậy mà không hiểu sao ở đây, trên con đường bờ sông lộng gió đầy người qua lại này, chị tôi bỗng trở thành một nhan sắc khiến ai cũng ngoái nhìn. Tôi cười với chị Bốn cái cười cầu tài, trong bụng thầm lo không rõ chị có để ý rằng đang là giờ học và tôi đang cúp cua không. Thật may cho tôi, buổi tối về nhà tôi không hề bị chị gạn hỏi vặn vẹo bất cứ câu nào…

Một lần khác, vào dịp gần tết tây, ba chị em tôi xuống bưu điện để gởi thiệp cho bè bạn và người thân. Đó là một thông lệ hàng năm của chúng tôi. Đồng thời với việc gởi thiệp đi, chúng tôi cũng được nhận được rất nhiều thiệp chúc tết từ mọi người ở khắp nơi gởi về.

Lúc từ bưu điện trung tâm ven bờ sông bước ra, tôi trông thấy một đám lính Mỹ đang quẩn quanh ở vạt cỏ phía trước bưu điện. Những gương mặt măng sữa tóc vàng mắt xanh của các anh lính “quân dịch” non tơ thơ dại, trông chẳng khác gì đám bạn học cùng trường. Có hai người trong cái đám tóc vàng ấy đang nằm lăn trên cỏ và… khóc. Úp mặt xuống cỏ và sụt sùi nức nở y như những trẻ con đang bị ức hiếp.

Tôi dừng hẳn lại để quan sát. Rồi tôi nghĩ ngợi một chút và hiểu ra: những anh chàng măng sữa này đang nhớ nhà, nhớ cha mẹ. Giáng Sinh là dịp gia đình sum họp, quà cáp, vậy mà họ lại ở đây, trên một đất nước xa xôi đang bị chiến tranh nghiền nát, chỉ có thể gởi về người thân tấm thiệp thay cho sự có mặt của chính mình. 

Tôi không rõ những anh chàng này, khi đi đánh nhau họ sẽ thế nào, nhưng ở đây, khi nhìn họ dâng trào nước mắt vì thương cha nhớ mẹ, tôi chỉ thấy họ gần gũi như thể bạn bè mình và chỉ muốn bày tỏ niềm thương cảm…

Nghĩ thì nghĩ vậy song tôi chẳng đủ bạo dạn để có bất cứ hành động nào. Trên đường về nhà, đầu óc tôi cứ quẩn quanh với suy nghĩ: tội nghiệp quá, họ đúng là những đứa trẻ đang phải xa lìa cha mẹ…

Và rồi cũng tới lúc tôi mười tám tuổi, lấy bằng tú tài, rời xa Đà Nẵng vào Sài Gòn học đại học.

Khi trở về Đà Nẵng vào mỗi cuối năm để ăn tết, trong mắt tôi bỗng hiện ra một Đà Nẵng quá nhỏ bé và khiêm tốn. So với Sài Gòn, Đà Nẵng chỉ bằng một quận loại trung bình. Vào những năm đầu thập niên 1970, chiến tranh Việt Nam đang bùng lên mạnh nhất có thể.

Cả hai phía đối địch đều muốn làm mọi cách để chiếm thế thượng phong trong những toan tính chiến lược, chuẩn bị cho việc chấm dứt cuộc chiến đã khiến cả thế giới rúng động và nước Mỹ vô cùng mệt mỏi.

Đà Nẵng trở nên xác xơ, tàn tạ hẳn. Đúng là khi có dịp lùi ra xa để ngắm kỹ, ta sẽ nhìn thấy một toàn cảnh rõ nét hơn, chính xác hơn và vì thế đau lòng hơn.

Một nhà văn Sài Gòn đã sử dụng cụm từ rất chua xót để mô tả thành phố của tôi: Đà Nẵng như một gái điếm về già.

Cây hai bên đường đều rụng hết lá vì ảnh hưởng thuốc khai quang, để lại những mặt đường bỏng rát trụi trơ dưới nắng. Mặt đường hầu như không còn lề và liên tục lở lói vì quá nhiều xe hạng nặng chạy qua mỗi ngày. Bụi mịt mù liên tục thốc lên sau những bánh xe nhà binh.

Là trung tâm của khu vực Bắc miền Trung, Đà Nẵng là nơi đóng quân của Bộ Chỉ huy Vùng I Chiến thuật, Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, Cơ quan Đại biểu Chính phủ Bắc Trung phần, Nha Cảnh sát Bắc Trung nguyên Trung phần, chưa kể các cơ quan của địa phương: Toà Thị chính, Ty Cảnh sát, Bộ Chỉ huy Quân cảnh… Và còn chưa tính đến sự có mặt của binh lính nước ngoài: Mỹ, Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn…

Xe quân sự và áo nhà binh có thể được nhìn thấy ở khắp mọi nơi, từ phố phường, chợ búa, đến quán ăn, tiệm cà phê… Trong mỗi gia đình hầu như đều có người mặc áo lính, cho dù họ có cầm súng hay không cầm súng. 

Chỉ cần ra tới ngoại ô Đà Nẵng là đã thấy bóng dáng thần chiến tranh chiếm ngự: hàng hàng lớp lớp kẽm gai vòng trong vòng ngoài ở các căn cứ quân sự Mỹ, bên cạnh đó là những khu tạm cư nhà cửa tạm bợ dành cho dân nông thôn bị bốc ra thành phố. Mái tôn lóe nắng nhức nhối chói lòa cả mắt, và trên mái tôn là vô số bao cát được chằn lên để không bị gió tốc bay khi có bão.

Đi trên những con đường Đà Nẵng ngày ấy, lòng tôi cứ đau nhói một cảm giác mất mát quá lớn. Đà Nẵng được gì trong cuộc chiến tranh này? 

Không gì cả.

Đà Nẵng chỉ bị tàn phá, là nơi dung thân cho những người dân nông thôn bị bốc khỏi ruộng đồng, là nơi kiếm sống cho những cô gái ở các vùng bị chiến cuộc tàn phá trôi dạt lên thành phố, làm những nghề mà họ không bao giờ muốn cha mẹ anh chị em của mình biết được.

Đà Nẵng như thể đang rơi tự do…

***

Giờ đây, sau hơn bốn mươi năm chiến tranh chấm dứt, tôi vẫn đang phải sống cách xa Đà Nẵng cả ngàn cây số. Lần nào về Đà Nẵng làm giỗ cha mẹ, tôi cũng tìm cách đi lại nhiều lần trên bờ sông Hàn thân yêu của tuổi thơ mình, tìm lại mình trong mỗi cơn gió biển.

Đường Bạch Đằng vẫn giữ tên cũ, đó là điều may mắn, bởi nhiều tên đường mới đặt cứ khiến người dân ngẩn ngơ tự hỏi nhân vật lạ hoắc ấy là ai. Các ghế đá ven bờ đều đã được thay mới, nhiều hơn, đẹp hơn và văn minh hơn. Những hàng cây trồng lại cũng đã có được dáng cổ thụ, để vẻ đẹp bờ sông Hàn đạt một độ dày thời gian nào đó. 

Trên bờ sông lúc nào cũng nườm nượp người đi bộ thể dục vào cả vào buổi sáng lẫn buổi chiều, là nét sinh hoạt hoàn toàn mới, trước đây chưa từng có. Nếu đi vào buổi đầu ngày, người ta có thể tranh thủ mua bán với những ngư dân đánh bắt gần bờ vừa mới trở về lúc sáng tinh mơ. Hàng của họ là những lũ tôm-cua-cá-mực tươi xanh mà buổi tối hãy còn bơi ngoài cửa biển để rồi buối trưa sẽ biến thành món ăn tươi tốt ngon lành trong một mâm cơm gia đình đầm ấm…

Giờ đây, câu ca dao “Đứng bên ni Hàn ngó qua bên tê Hà Thân nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân ngó về bên ni Hàn phố xá nghinh ngang…” có vẻ đã thật sự thuộc về thời quá khứ.
Bề rộng con sông không còn là sự ngăn cách khi đã có tới sáu cây cầu đẹp đẽ nối từ bờ bên này sang bờ bên kia sông Hàn.

Cầu Thuận Phước cho phép người ta chạy xe gần nhất đến chân núi Sơn Chà, để lên thắp hương viếng Phật Bà chùa Linh Ứng. Cầu sông Hàn ngay trung tâm thành phố mà mỗi khuya vẫn có người sẵn sàng chờ chực để xem cây cầu quay lấy chỗ cho các tàu lớn lưu thông trên sông. Cầu Rồng phun nước phun lửa buổi tối làm nao lòng những khách du lịch dễ thương, nhất là người tới từ các tỉnh trong nước. Cầu Trần Thị Lý đẹp một cách duyên dáng, thay thế cho cây cầu sắt thô ráp mà người Mỹ đã làm. Chưa kể cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu cũ, đổi từ tên Trình Minh Thế sang tên mới. Trình Minh Thế cũng là tên sau này, thay cho tên của viên tướng Pháp rất nổi tiếng trong cuộc chiến tranh Việt - Pháp: De Lattre. Và cây cầu cuối cùng, thứ sáu, mới hoàn thành gần đây: cầu Tiên Sơn, thu ngắn đáng kể quãng đường từ Đà Nẵng vào phố cổ Hội An.

Tôi vẫn thường tự hỏi: nếu không có sông Hàn, Đà Nẵng của tôi trông sẽ thế nào? Có lẽ giống một cô gái với gương mặt xinh xắn nhưng không hề có tóc, trụi lủi, trơ khấc, kém duyên…

Sông Hàn khiến Đà Nẵng hội đủ những gì cần có của một nơi sơn thanh thủy tú, sông vẽ một nét mềm mại dịu dàng lên bức chân dung của vùng-đất-mở về phía biển này, một Đà Nẵng hải cảng, phóng khoáng và thân thiện trong gió biển Đông...

Cho dù là một biển Đông đang liên tục dậy sóng…

---------------

Bài này đã in trên báo NGƯỜI ĐÔ THỊ số tết Đinh Dậu.

clip_image002

Sông Hàn, năm 2014

clip_image004

Sông Hàn, năm 1989

clip_image005

Chị Bốn Ái Kim Ngô – người đẹp của tôi

clip_image007

Sông Hàn năm 2014.
Bình minh, khi thuyền đánh cá trở về...