Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Nhà tưởng niệm Bùi Ngọc Tấn: Âm dương giao lưu là có thật?

(trích nhật kí)

Dương Tường

22 - 11 - 2016

Văn - âm dương. Ảnh 1

Ảnh 1: Dương Tường và Trần Ngọc Cư

Hôm nay, Phạm Xuân Nguyên đưa mình xuống Hải Phòng để cùng Nguyễn Chí Cư và Hiến[1] “tổng duyệt” lần cuối công việc chuẩn bị để khai trương “Nhà tưởng niệm Bùi Ngọc Tấn” vào đúng ngày giỗ Tấn, 26 tháng 11/2016 (tức 27 tháng 10 âm lịch) như dự định.

Dự án “Nhà tưởng niệm Bùi Ngọc Tấn”, mình đã đề xuất với Bích[2] từ hồi cuối năm ngoái (nhâm dịp Hải Yến[3] đón mẹ vào miền Nam dưỡng bệnh sau đợt tai biến nguy kịch, đồng thời để tránh một trong những mùa đông khắc nghiệt nhất trong vòng mấy chục năm qua ở miền Bắc), rồi sau đó, bàn với Nguyễn Chí Cư về tiến trình thức hiện cụ thể. Công việc được chính thức khởi động từ đầu tháng 4/2016, với sự tham gia của hai nghệ sĩ Hội Mỹ Thuật Hải Phòng, họa sĩ Đặng Tiến và kiến trúc sư Quốc Việt. Nơi được chọn làm nhà tưởng niệm là căn hộ ở số 10 Điện Biên Phủ (Ngã Sáu), chính nơi Bùi Ngọc Tấn đã sống và làm việc từ năm 1959. Đến hôm nay, mọi việc đã hòm hòm. Tấm biển “Nhà tưởng niệm nhà văn Bùi Ngọc Tấn” đã được gắn lên. Căn buồng trong – khoảng không gian không rộng hơn hai mươi mét vuông đã đùm bọc cuộc sống nghèo nàn vất vả của sáu con người (Tấn, Bích và bốn con, hai trai hai gái) từ hơn nửa thế kỷ trước – vẫn để gần như nguyên trạng (tất nhiên, có “tân trang” quét vôi lại cho đỡ quá cũ kỹ, và thêm một số đồ đạc mới có sau này như căn gác lửng cơi nới từ năm 1984, chiếc đôn đặt điện thoại…). Còn đây, chiếc bàn viết cùng chiếc máy chữ cổ lỗ chiếc máy chữ cổ lỗ do nhà thơ Hoàng Hưng (một người cùng bộ lạc "Tà Ru") tặng, trên đó từ tháng 6/1990 đến tháng 11/1991, đêm đêm, chờ lúc vợ con đã ngủ yên, Tấn rón rén trở dậy, kì cạch mổ cò, hoàn thành cho xong bản thảo đầu Mộng Du (sau này đổi thành Chuyện kể năm 2000). Phòng ngoài – trước là của ông Hồng Sĩ (người hàng xóm và bạn cùng “bộ lạc Tà Ru” với Tấn), do bà quả phụ Hồng Sĩ nhượng lại vào năm 2009 sau khi ông chồng qua đời – dành cho những hiện vật liên quan đến sự nghiệp và cuộc đời của Bùi Ngọc Tấn. Có tủ kính trưng bày các tác phẩm đã xuất bản và một số bản thảo viết tay mà gia đình còn giữ được; trong số này có các bản dịch tiếng Pháp của hai tiểu thuyết quan trọng: Biển và chim bói cá (Giải thưởng lớn Henri Queffélec trong Festival Sách và Biển ở Pháp năm 2012) và Chuyện kể năm 2000 cùng do dịch giả Tây Hà thực hiện; nhiều ấn bản Chuyện kể năm 2000 ở nhiều nước ngoài khác nhau như Mỹ, Canada; có tập truyện ngắn đầu tay Đêm tháng Mười, bản đặc biệt Tấn đề tặng nhà văn Đỗ Quang Tiến, do con trai ông là nhà báo Đỗ Quang Hạnh, sau khi ông mất, tự tay đem tặng lại Tấn. Trên mặt lò sưởi, đặt một tượng bán thân của Tấn bằng thạch cao do nghệ sĩ điêu khắc trẻ Nguyễn Việt Thăng tạc. Ở một góc khiêm tốn, một số đồ vật Tấn đã dùng trong thời gian ở “trại” như cái bàn chải xác xơ, cái dao cạo râu cùn mòn, cái ca nhôm dùng để “sột sệt”, cái gãi lưng “chế” từ một tàu cau khô… ắt sẽ để lại cho khách tham quan nhiều suy ngẫm. Bốn mặt tường xung quanh, treo kín những chân dung Bùi Ngọc Tấn bằng các chất liệu sơn dầu, sơn mái, bột màu… do các họa sĩ Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân, Hà Trí Hiếu, Đỗ Phấn, Lê Đại Chúc… vẽ tặng.

Mình cảm thấy nao nao như đâu đây phảng phất nụ cười hồn hậu của Tân. Còn bốn hôm nữa là giỗ hết, mình thèm trò chuyện với Tấn quá. Có biết bao điều cần chia sẻ…

Văn - âm dương. Ảnh 2

Ảnh 2: Bạn bè tại nhà lưu niệm Bùi Ngọc Tấn

26 - 11 - 2016

Buổi khai trương diễn ra ngay sau giỗ, giản dị, không trịnh trọng nghi thức, mà cảm động. Những người có mặt đều là bạn bè thân hữu của Tấn. Ngoài các bạn “sở tại” ở Hải Phòng như đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh, nữ kí giả Vũ Thị Hải, nhà thơ nữ Vũ Thị Huyền…, từ Hà Nội xuống, không kể nhà văn Phạm Xuân Nguyên tham gia dự án từ đầu, có người bạn cố tri nhà giáo dục Phạm Toàn, nhà văn Trung Trung Đỉnh, nhà văn Ngô Thảo, nhà báo Đỗ Quang Hạnh, họa sĩ Lê Thiết Cương…; từ miền Nam ra, có nhà báo Huy Đức, bác sĩ Kamal Nguyễn Tuấn … Nguyễn Chí Cư, người bạn thân thiết của gia đình, cùng quê Thủy Nguyên với Tấn, phát biểu ngắn gọn cảm xúc của mình, mà nghẹn lời không nói dứt. Hiến thì: “Hôm bố tôi mất, tôi không khóc, nhưng, hôm nay, trong không khí xúc động này, nước mắt tôi cứ trào ra, như được gặp lại bố tôi.”

Lúc ấy, sự hiện diện của Tấn, mình cảm thấy, gần như vật thể, chạm vào được…

23 giờ cùng ngày

Mình phải ghi ngay trải nghiệm có một không hai này (biết gọi nó là gì nhỉ?):

Ở Hải Phòng về, mình loay hoay với chiếc điện thoại di động mới chưa quen dùng, định nhắm tin cho Hiến và Hải Yến để báo là mình đã về đến nhà “bình an vô sự”, nhưng cứ trục trặc hoài không được. “Gìa rồi, không thích ứng được với nhứng thứ ‘tối tân’ nữa,” mình nghĩ bụng, tự giễu. Và sốt ruột, tháo ra, lấy sim trả về chiếc điện thoại cũ. Mở ra, định bấm vào mục “viết tin nhắn”, nhưng lại nhầm sang “hộp thư đến”. Thấy đầy tin cũ, mà phần lớn là tin rác. Bèn xóa bớt đi cho hộp thư đỡ nặng. Nhưng rồi bỗng… mình không tin ở mắt mình nữa: hai tin cuối cùng là của B. N. Tấn gửi cách đây hai năm!

Hôm nay, 8 tháng 11, kỉ nệm 46 năm ngày bị bắt, Tấn xin gửi lời chào đến các bạn và nhờ các bạn chuyển dùm tôi tới các bạn khác của tôi. B. N. Tân (8-11\-2014)

Thôi không phải xuống nữa, Tường ạ. Vất vả. Mình lại đang nằm viện. Để khi khác nhé. (7-11-2014)

Mình run lên, bang hoàng. Rõ ràng âm dương giao lưu là có thật. Rõ ràng đây là một thông điệp của Tấn. Mình hiểu thông điệp ấy như lời Tấn ghi nhận tấm lòng của bạn bè. Mình sẽ lưu mãi hai tin nhắn này, Tấn ơi!

clip_image002

clip_image004

clip_image006clip_image008

 

 


[1] Con trai trưởng của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, hiện sinh sống và làm việc tại Hải Phòng (Chú thích của tòa soạn).

[2] Bà quả phụ Bùi Ngọc Tấn (Chú thích của tòa soạn).

[3] Con gái thứ hai của nhà văn Bùi Ngọc Tấn, hiện sinh sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh (Chú thích của tòa soạn)