Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Ý Nhi – Người đàn bà ngồi đan, niềm vinh dự cho phụ nữ Việt Nam

(Trích tham luận tại Trung tâm Heritage Space – Hà Nội, có bổ sung, sửa chữa)

Vũ Ngọc Tiến

clip_image002

Chân dung nhà thơ Ý Nhi (2012)

Năm ngoái Ý Nhi là người Việt Nam đầu tiên vinh dự được Chính phủ Hoàng gia Thụy Điển trao giải thưởng cao quý Cikada cho các tác phẩm thơ của mình (11/2015). Ngay sau đó, tác phẩm thơ của Ý Nhi được dịch ra nhiều thứ tiếng (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Điển -Nhật…). Có lẽ công chúng yêu văn học trong và ngoài nước còn chưa biết những năm gần đây, ở tuổi 60-70 nhà thơ Ý Nhi đã liên tiếp công bố nhiều truyện ngắn và bút ký cũng rất đặc sắc, điển hình là tập “Có gió chuông sẽ reo…” (Nxb Trẻ, 2014). Đánh giá về thơ Ý Nhi, nhà phê bình văn học Thụy Điển Mary Morose viết: “Thơ của bà ca ngợi, bảo vệ bảo vệ sự thiêng liêng và thanh tịnh cuộc sống con người. Điều này đến từ sự trải nghiệm trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, khi bà hoạt động như một nhà báo. Bà được đánh giá là một trong những nhà thơ hậu chiến lớn nhất Việt Nam.” Ban giám khảo giải thưởng Cikada cũng nhận định: “Thơ của bà lay động bởi ngôn từ tinh tế, cảm xúc sâu lắng về thân phận phụ nữ trong chiến tranh, phảng phất nỗi buồn về sự cô đơn mất mát, thiếu vắng tình yêu.” Vậy còn văn xuôi Ý Nhi thì sao? Ở đây tôi muốn tập trung phân tích đôi nét về cuốn “Có gió chuông sẽ reo” để làm rõ hơn những cống hiến không nhỏ về văn xuôi của Ý Nhi – “Người đàn bà không ngồi đan nữa mà viết truyện” (chữ dùng của nhà văn Hồ Anh Thái) trong lĩnh vực này…

clip_image004

Tôi thường nghĩ, trong giới cầm bút, với người đã thành danh thì các nhà văn rất hiếm người làm thơ hay; còn các nhà thơ nhiều người viết văn xuôi không tồi, nhưng chỉ là tản văn hay tùy bút thôi chứ truyện ngắn và nhất là tiểu thuyết hay cũng hiếm lắm!... Bởi thế, khi được tác giả tập thơ “Người đàn bà ngồi đan” từng gây xôn xao văn đàn mấy chục năm trước gửi tặng tập truyện ngắn “Có gió chuông sẽ reo…” dày dặn, tôi hào hứng đọc liền mạch một đêm. Ở thời buổi này, có được một cuốn sách đọc trôi trang như thế không nhiều. Văn xuôi của Ý Nhi trong sáng, câu chữ gọn mà rất gợi, cái kết thường mở khiến người đọc nhập hồn vào trang sách, cùng tác giả suy ngẫm, tưởng tượng như muốn viết thêm. Đọc chị, có vài truyện cứ làm tôi liên tưởng đến kiệt tác “Nửa mờ nửa tỏ” – một truyện ngắn của đại thi hào Tagore người Ấn Độ đã ám ảnh tôi suốt thời trai trẻ. Viết về truyện ngắn của “Người đàn bà ngồi đan” có lẽ phải cần một chuyên luận đủ dài. Ở đây tôi chỉ nêu một vài cảm nhận ban đầu khi đọc cuốn “Có gió chuông sẽ reo”.

Cảm nhận đầu tiên khi cầm trên tay tập truyện là cái tên sách nghe rất gợi. “Có gió chuông sẽ reo” không chỉ đơn thuần là quy luật của tự nhiên trong vật lý học. Nó hàm chứa minh triết về mối quan hệ người giữa chốn nhân quần, về thuyết nhân quả trong đạo Phật, là quan niệm về cái đẹp của văn chương đích thực… Trong truyện ngắn cùng tên với tập sách (trang 35-44), trò đùa tinh quái và tế nhị của Mai khiến nhân vật Liêm và bạn đọc ngầm hiểu rằng có duyên rồi sẽ gặp, sẽ yêu đến hết đời cô bạn đồng nghiệp của nàng, dù anh chưa kịp hỏi tên người đã mang gói quà là quả chuông gió ấy. Có tình ắt duyên sẽ bén lại là câu trả lời cho cái kết mở trong truyện ngắn “Mưa” rất thơ, nhẹ nhàng mà sâu lắng tình người (trang 109-116). Có tâm thì bút mới linh như trong truyện ngắn “Biển” (trang 75-84), nhân vật Tuấn sau những trải nghiệm về tình yêu, về lẽ sống ở đời, tập truyện mới nhất anh mang tặng Duyên gây được cảm xúc, nhưng nhiều năm trước đó, văn anh và cả con người anh đều nhạt đến mức chia tay rồi, Duyên đã quên nhanh, dù chỉ là cái tên hay giọng nói người tình thủa nào…

Đã có nhiều người bàn về chất thơ trong truyện ngắn của Ý Nhi, tôi cũng có cảm nhận như vậy khi đọc các truyện ngắn “Cỏ” (trang 10-21), “Một giờ sáng” (trang 45-54), “Cao nguyên” (trang 66-74), “Trở lại N” (trang 128-142), “Búp bê biết khóc” (trang 265-282), “Với chiếc đèn quảng cáo” (trang 299-316)… Mỗi truyện giống như một bài thơ văn xuôi. Thú vị còn ở chỗ ngay cả khi đề cập đến đau thương mất mát trong chiến tranh như truyện “Đợi tàu ngược” (trang 248-263) hay nỗi cô đơn, oan khuất thời hậu chiến của trí thức, văn nghệ sĩ bên thua cuộc như truyện “Năm cuộc điện thoại” (trang 100-108) lời văn của tác giả vẫn giữ được sự điềm tĩnh, lạnh mà sâu đằm triết lý ẩn trong câu chữ, hình tượng, tình tiết đan xen chứ không cay nghiệt hay hằn học chửi đời. Điều này làm tôi liên tưởng đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Hát về mối tình tan vỡ, ông viết “Rồi người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ, ôi những dòng sông nhỏ, lời hẹn thề là những cơn mơ”. Hát về người bạn lính chết trận, ông viết “Anh nằm xuống cho cuộc đời vào lãng du”… Thế nhưng nhạc của ông vẫn điềm tĩnh ngân rung một giai điệu ở tầm cao trí tuệ, tự giác giác tha, mang mang trong cõi vô thường vậy thôi!...

Một cảm nhận khác nữa, đọc truyện ngắn của Ý Nhi ta thấy văn xuôi của tác giả viết trong 10 năm ở độ tuổi 60-70 rồi mà vẫn còn rất trẻ và mới. Trẻ tới mức trang văn của chị cập nhật kịp thời với muôn mặt đời sống hôm nay. Nhân vật của chị ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, vị thế của xã hội đương đại. Bên cạnh những trang văn bao chứa kiến thức sâu rộng về văn thơ, âm nhạc, hội họa của phương Tây, có những truyện hay văn cảnh chị để cho nhân vật hồn nhiên bàn luận đến cả những đội bóng, trận cầu và các ngôi sao bóng đá nổi tiếng trên thế giới… rất chuẩn xác, không hề khiên cưỡng, khơi gợi lên triết lý nhân sinh sâu sắc. Đọc truyện “Bạn vong niên” không chừng nhiều bạn trẻ cứ ngỡ tác giả thuộc lứa U20, U30! Mới ở chỗ văn xuôi của Ý Nhi giàu sự cách tân có chủ đích, nhưng không ồn ào. Nhờ vốn hiểu biết khá sâu văn hóa phương Tây, nhất là văn hóa Pháp, chị kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp thả nổi sự kiện với bút pháp của Paul Valéry, Nathalie Sarraute, Joyce, Faulkner… không cần cốt truyện hoàn chỉnh, vẫn dẫn dắt người đọc đi từ trang này sang trang khác bằng những mảng hồi ức đan xen, giao cắt của các nhân vật, làm nên sự cuốn hút không dễ gì dứt ra được.

clip_image006

Nhà thơ Ý Nhi nhận giải Cikada tại ĐSQ Thụy Điển ở Hà Nội - Việt Nam (11/2015)

Cuối cùng tôi muốn nói đôi lời về sự cách tân trong truyện ngắn của Ý Nhi nói riêng và xu thế cách tân của văn chương nước nhà nói chung. Là người viết, ai cũng muốn làm mới ngòi bút của mình nên cách tân là cần thiết. Tuy nhiên, khi cách xong rồi, cái tân còn lại phải là của mình, mà mình lại sống ở dải đất hình chữ S, giữa nhân dân mình, trong sự bần khổ và nhiễu nhương này thì ta cần cách tân nội dung trước đã. Còn cách tân về bút pháp thể hiện có lẽ nên tùy theo tạng bút, tầm văn hóa và cá tính thẩm mỹ của mỗi nhà văn. Miễn sao đích đến phải là cái đẹp, là thứ văn chương nguyên chất, thuần Việt. Tôi có cái thú là đến thành phố nào cũng săn tìm quán café nguyên chất. Vừa rồi có việc vào Huế hai tuần, tôi đi miết qua nhiều con phố, uống thử nhiều nơi mới tìm được một quán café nhạc Trịnh “Cõi Mơ” ở số 3 đường Lương Thế Vinh, gần cầu Tràng Tiền. Café nguyên chất có mùi thơm dịu chứ không gắt mùi hương liệu; khi rót nước vào phin bột café nở bung; nước có màu nâu cánh gián, không đen sậm và sánh đặc như café có tạp chất bắp rang; khi uống có vị đắng dịu, chua thanh, cảm giác miệng và lưỡi sạch. Giữa thời buổi thật giả lẫn lộn, đọc văn cũng giống như uống café, phải tinh mới phân định được. Vào ngày giỗ Trịnh Công Sơn (1/4), tôi ngồi quán “Cõi Mơ” nơi cố đô, đếm từng giọt thời gian tí tách rơi trong ly café, nhẩn nha đọc lại những trang văn xuôi của “Người đàn bà không ngồi đan nữa mà viết truyện”, cảm nhận được đó là thứ văn chương nguyên chất, thuần Việt, mang bản sắc riêng mới của Ý Nhi.

Văn tài và sự cống hiến của Ý Nhi đã được khẳng định ở trong và ngoài nước. Chị góp phần làm rạng danh phụ nữ Việt Nam trên văn đàn quốc tế. Và tôi gọi chị: Ý Nhi – Người đàn bà ngồi đan, niềm vinh dự cho phụ nữ Việt Nam. Điều ấy có gì không xứng đâu? Thú vị biết bao!...

Hà Nội ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2016

VNT