Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Viết – lối thoát cuối cùng và duy nhất

TRU SA.IMAGE

Tru Sa còn khá trẻ, là một trong những tác giả đăng nhiều truyện ngắn nhất trên Văn Việt. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện văn chương với anh qua khoảng cách hơn ngàn cây số Sài Gòn- Hà Nội.

Bạn hãy đọc để hiểu hơn về một người cầm bút thế hệ trẻ nhất của nhà văn Việt Nam hiện nay, và để tới gần hơn tác phẩm của anh.

Văn Việt

Tru Sa tên thật là Nguyễn Thanh Phong, sinh năm 1989.

Tốt nghiệp Khoa Sáng tác-Lí luận-Phê bình khóa 11- Đại học Văn Hóa Hà Nội (Trường Viết Văn Nguyễn Du cũ).

Hiện sống và viết tại Hà Nội.

Sách đã xuất bản: Ảo Giác Mù, tập truyện, NXB Hội Nhà Văn, 2015.

*Khi thực tế cuộc sống có nhiều thứ vượt quá khả năng tưởng tượng của người bình thường, nhà văn sẽ phải đi xuyên qua nó cách nào để tác phẩm không trở nên quá “nhẹ đô” so với cuộc sống?

-Nhà văn không thoát khỏi hiện thực, ngay cả khi cố thoát ly khỏi sức nặng cuộc sống thì những gì viết ra vẫn nhiều phần tương tác với hiện thực. Hiện trạng đời sống càng nặng nề khắc nghiệt, nhà văn càng có cơ hội bồi bổ dữ liệu, trải nghiệm và phá vỡ chính mình. Vấn đề tùy thuộc bản lĩnh mỗi người, chọn vị trí nào để đối diện với thực tế. Làm nhẹ đi hay nặng thêm những gì mình viết để mong có sự cân bằng sẽ không hữu hiệu bằng việc “thoát ra”. “Thoát ra” không có nghĩa là rũ bỏ hiện thực để chui vào đâu đó trong tưởng tượng. Nhà văn không thể để mình bị lệ thuộc quá nhiều vào hiện thực. Thế giới càng nghiệt ngã thì nhà văn càng phải đứng cao hơn, thoát khỏi các xiềng xích để quan sát, phân tích thứ gai nhọn kia. Haruki Murakami không viết gì ngoài cõi tưởng tượng nhưng tính chất Nhật, không khí Nhật trong sách ông vẫn không mất đi. Các tiểu thuyết gia luôn biết cách “kể” những sự kiện quái lạ và mọi điều dị thường, dẫn độc giả vào chốn mê cung miên viễn có nguồn gốc từ hiện thực. Một viên đá có thể làm sóng tung hồ nước lặng.

*Những sự thật tàn nhẫn của cuộc sống đã chạm vào bạn lần đầu khi nào?

-Ngay sau khi chào đời và khóc toáng lên trước thế giới ngoài máu.

*Cái gì dẫn đưa bạn tới việc viết văn?

-Một cái chết nghĩa lý.

*Bạn yêu hay ghét nhân vật của mình? Có phần nào trong đó là một “phiên bản” của bạn?

-Tôi không yêu cũng chẳng ghét. Nếu tôi yêu nhân vật, tôi sẽ phải nâng niu, chẳng nỡ mạnh tay, còn khi tôi ghét nhân vật, tôi sẽ không thể yêu công việc của mình. Người viết phải đứng trong và cả đứng ngoài những nhân vật, và tất cả đều là phiên bản của mình. Viết như là cách giải phẫu mình trên bàn cân cùng với chiếc lông vũ.

*Đâu là tương lai của những con-người-thất-lạc trong truyện của bạn?

-Khi viết không ai nghĩ những gì mình viết ra rồi sẽ tiếp diễn thế nào. Tôi thường quên đi mọi điều mình viết sau khi đã hoàn tất. Số phận của nhân vật có thể kẹt lại ở đâu đấy, để rồi họ biến mất hoặc sẽ được tái sinh, khi một người đọc thấy hào hứng đủ để nối dài cuộc đời bé nhỏ của họ đã được tôi bắt đầu.

*Làm sao hàn gắn những mối quan hệ vỡ nát người-người của cái xã hội nhỏ trong truyện bạn viết?

-Con người vốn là sinh vật độc lập. Khi nhiều con người tập hợp lại trong một môi trường sẽ có sự đối chọi lẫn nhau nếu không có một nền tảng pháp luật chuẩn mực cùng hệ thống chấp pháp chí công vô tư. Sự cạnh tranh hoặc sẽ giúp cho xã hội phát triển, hoặc có thể thoái hóa nếu mỗi cá thể chỉ mải miết tranh hết mọi cái lợi cho mình. Việt Nam đang trong tình trạng thứ hai. Người ta mải đối chọi nhau bởi những vật chất trước mắt mà quên đi ích lợi lâu dài, vứt bỏ cả mối quan vệ bền vững giữa người với người. Tôi không viết gì ngoài những cái trong xã hội mình sống. Hàn gắn, nhưng hàn gắn thế nào, từ đâu khi sự đổ nát đến từ quá khứ và kéo dài hết trang sử này đến trang sử khác. Đó là vấn đề của chiến tranh và hậu chiến. Mô thức xã hội tan nát đến mức chỉ có thể xóa đi làm lại. Cái cốc vỡ có thể hàn lại nhưng mối liên kết của các hạt thủy tinh thì đã không còn. Nước trong chiếc cốc lành có ngon hơn chiếc cốc vỡ và được hàn lại? Trong sáng tác của mình, tôi muốn đi tìm căn nguyên của tiếng vỡ tận xương. Nhiều khi sự vỡ ra để mở con đường mới lại chính là sự hàn gắn; cũng có thể bằng việc tìm ra sự thật thì chuyện hàn gắn sẽ không còn cần thiết vì ai cũng sẵn sàng quên đi mọi tranh chấp để không phải mang nó xuống mồ.

*Hiện nay nhiều nhà văn cảm thấy rất khó viết do phải chứng kiến quá nhiều sự thật tồi tệ không thể hình dung, điều gì đã giúp bạn vẫn tiếp tục viết một cách đều đặn?

-Tôi vẫn viết vì viết với tôi viết cần thiết như hơi thở. Cuộc sống này đã khiến nhiều người bị khuất phục, nhưng làm sao có thể đầu hàng ngay cả tâm hồn mình… Mỗi nhà văn chỉ có một lựa chọn trong cuộc đời: viết hoặc chết.

*Văn học có vai trò gì với bạn?

-Lọc độc và tái sinh những tế bào chết, bao gồm cả dòng máu bị đồng hóa ngàn năm.

*Bạn có quá chú tâm tới kỹ thuật “dựng truyện”?

-Tất nhiên, ai viết cũng muốn có “tay nghề” tốt. Tôi có chú tâm về kỹ thuật, cách tạo tác tổng thể nhưng tôi coi trọng thứ nằm ẩn sau sương mù hơn. Nếu không có một nội lực thực sự khỏe thì cơ thể đẹp đến mấy cũng chỉ giống như búp bê. Dường như lớp viết trẻ bây giờ thường quan tâm nhiều đến kỹ thuật, muốn viết thế nào cho thật “mới”, thật “lạ” hơn là có tư tưởng. Mọi thứ màu mè tôi viết luôn chỉ để dọn đường cho cái bóng nặng bên trong. Tất nhiên có người nhìn thấy có người không, nhưng chẳng hệ trọng gì, tôi không viết vì người khác.

*Những tác phẩm nào đã ảnh hưởng lên con người bạn trước và sau khi cầm bút?

-Trước hết, tôi phải mang ơn Chekhov vì nhờ ông, tôi đã rửa hết thứ văn chương nhếch nhác, táo bón suốt thời đi học. Thứ văn chương theo giáo trình, định hướng để học sinh nào cũng trở thành siêu nịnh, dư luận viên trong tương lai. Tôi đọc Chekhov không để trả bài, không vì ai bắt buộc. Tôi đọc theo ý mình, tự mình ngẫm, lý giải và khi ấm ớ có thể tìm thêm các tài liệu viết về ông… Ấn tượng và khiến tôi bị ám ảnh là Hóa Thân, Vụ Án của Kafka, Mất Tư Cách Làm Người của Dazai, Frankentein của Mary Shelley, văn chương mỹ học của Kawabata, một ít Dịch Hạch (Camus), một ít phản Kito (Nietzche), chất hiện sinh trong kịch Becket… Những cuốn sách này tác động lớn đến tư duy của tôi, phóng thích trí tưởng tượng không ngại ngần. Lúc đầu đó là về cách nghĩ và dám nghĩ, sau này khi đã viết nhiều, tôi đã cố thoát khỏi họ. Gần đây, tôi đang chịu dư chấn từ văn chương của Kernesz Imre và đang tìm cách quên người đàn ông Do Thái gốc Hung này.

*Những tác giả như Bulgakov, George Orwell đã làm được điều gì cho văn học và con người, theo cách nhìn của bạn?

-Họ đã sống như một người đàn ông và viết với cây thánh giá trên vai. Cuộc đời của Bulgakov và Orwel khác nhau nhưng có chung mối tương quan về chủ nghĩa độc tài. Cả hai đều khốn đốn, khổ trăm bề trong lúc sống nhưng vẫn viết được những trước tác đỉnh cao. Nếu Bulgakov tượng trưng cho thứ kinh thánh đầy huyền thoại thì Orwel như một nhà dân sự nhiệt huyết, một người hùng không súng ống, đấu tranh cho hòa bình bằng cây viết. Với 1984 và Trại Súc Vật của Orwell, mọi thế hệ bây giờ và sau này sẽ hiểu ra điều cốt lõi về sự tàn khốc, di hại của chủ nghĩa độc tài toàn trị. Những nhà văn này không biết cúi đầu và đã để lại những bằng chứng, cột mốc bất tử trước mọi biến thiên của lịch sử. Trong khi bị kềm tỏa, tù ngục, cả hai ông vẫn viết. Nghệ Nhân và Marita Bulgakov viết đến mù lòa còn Orwel thì dốc sạch để sau đó trút hơi thở sau dòng cuối cùng, khiến không ai có thể quên điều nổi kinh hoàng mang con số 1984. Với văn học, cả hai ông đã để lại tuyên ngôn về sáng tạo nghệ thuật: phải kiên gan, phải viết đến cùng và bằng mọi giá. Với con người, họ đã đem tới Sự Thật Bản Chất.

*Văn học Việt Nam hiện đang ở đâu, theo bạn?

-Có người nói văn học Việt Nam đã dừng lại sau thời kỳ Đổi Mới. Cũng có người nói văn học đang chuyển động chậm, thụt lùi hoặc suy thoái. Tôi lại nghĩ, văn học trong nước như thể đang tan rã và với tôi đây là điều tốt, bởi rất có thể nó sẽ dọn đường cho một giai đoạn khá hơn.

*Văn chương rồi sẽ bị/được thế giới phẳng này thay đổi theo kiểu nào?

-Còn tùy vào thế giới phẳng thay đổi thế nào. Văn chương luôn theo cùng thời đại, khi thời đại thay đổi, con người khác đi thì văn chương cũng sẽ chuyển hóa theo cách phù hợp nhất. Bản chất của văn chương không bao giờ phẳng, nên dù thế giới có biến đổi thế nào, nó cũng chỉ tiếp tay khiến cho văn chương càng thêm khổng lồ.

*Hãy nói điều gì đó bạn muốn nhắn gởi với người đọc.

-Viết, là lối thoát cuối cùng và duy nhất với cái chết đang ở trước mặt.