Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

LỐI NHỎ - SỐ PHẬN VÀ TÂM TRẠNG

Châu Hồng Thủy

Lời tác giả: Bài viết của tôi về tập thơ "Lối nhỏ" của Dư Thị Hoàn cách đây đúng 28 năm (1988-2016), tham dự Hội nghị Bàn về văn học Việt Nam trong thời kỳ đổi mới do Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội 1 tổ chức, sau được đưa vào Kỷ yếu của Hội nghị. Nay tôi mới nhờ bạn bè trong nước sưu tầm lại được, đánh máy lại và gửi sang. Xin giới thiệu với bạn đọc để nhớ về giai đoạn chuyển mình sôi động của văn học Việt Nam…

Dư Thị Hoàn bắt gặp thi ca hơi muộn so với tuổi của chị. Bài thơ đầu tiên chị viết vào ngày 19 tháng 1 năm 1987. Sau khi làm thơ, bỗng nhiên chị khỏi bệnh tâm thần. Đó là một hiện tượng lạ, khó lý giải. Chúng ta có thể chấp nhận cách lí giải của chị về sự sáng tạo thi ca, đồng thời cũng là một cách định nghĩa về thơ:

“…Rồi tất cả trong tôi vỡ vụn ra
Sức cộng hưởng đang tàn phá

Rồi bắt gặp thi ca”

(Viết tặng một nhà thơ)

Trước Dư Thị Hoàn, đã có những nhà thơ nữ có tên tuổi. Điều đó buộc chị phải chọn một lối thơ khác để khỏi bị chìm ngập sau họ. Đó là luật nghiệt ngã của sáng tạo. Chị đã chọn cho mình một lối đi riêng. Bài thơ “Lối nhỏ” là một tuyên ngôn về thơ, về cuộc đời, được chọn làm đề từ và làm tên chung của cả tập. Cuộc đời có muôn ngàn lối. Đường đến với tình yêu, với nghệ thuật cũng vậy. Mỗi người phải tự tìm cho mình một con đường để đi đến đích. Dư Thị Hoàn đã chọn cho mình một “Lối nhỏ” lặng lẽ và quyết liệt. Chị xuất hiện trước độc giả với gương mặt thơ mới lạ, vừa có nét kiêu sa, vừa thân thuộc gần gũi.

Ấn tượng đầu tiên là “Lối nhỏ” có bài thơ, có tập thơ, nhưng ít có những câu thơ đứng tách độc lập dễ nhớ. Đây là điểm khác lạ của thơ Dư Thị Hoàn, đặt trong sự vận động, phát triển của thơ Việt Nam nói chung, sẽ thấy được vì sao có hiện tượng này.

Thơ cổ điển (Nhất là thể thơ tứ tuyệt, thất ngôn bát cú) niêm luật gò bó chặt chẽ, số lượng từ, âm tiết cố định, đòi hỏi thơ phải cô đặc. Trọng tâm của thơ thường rơi vào từ (Các cụ thường gọi là “nhãn tự”, “thần tự”). Từ khi có phong trào Thơ Mới, niêm luật cũ bị xóa bỏ, số lượng từ trong câu thơ, số lượng câu trong bài được mở rộng để chuyển tải nội dung, tình cảm mới tràn đầy đang đòi hỏi được thể hiện, trọng tâm của thơ lại chuyển sang ở câu. Thêm nữa, ngoài những nội lực tình cảm, những nhu cầu triết lý phổ quát đòi hỏi trọng tâm thơ phải mở rộng ở đơn vị câu. Gần đây, thơ lại có xu hướng mở rộng hơn về đơn vị, nghĩa là trọng tâm thơ có khi lại ở toàn bài. Thơ Dư Thị Hoàn là thơ của chuyện đời tư. Lần đầu tiên ở ta xuất hiện tập thơ chỉ lấy đời tư làm nội dung thi ca. Mỗi bài mang dáng dấp một câu chuyện. Vì thế ít có câu thơ độc lập. Phải đặt nó trong tổng thể của bài thơ như là một lời kể của câu chuyện:

“Đôi mắt em lơ đãng
Nụ cười em lãnh đạm
Đâu phải cho anh
Mà để tự hành hình
Chớ dừng chân
Khi vô tình gặp em anh nhé
Em mang bản án chung thân
Gái đã có chồng”
(Tĩnh lặng)

Lựa chọn trong thơ Dư Thị Hoàn cũng là sự lựa chọn của đời tư. Chị đã phải trải qua sự lựa chọn nghiệt ngã, giằng xé giữa chồng con hay cha mẹ, giữa cộng đồng người Hoa hay Việt. Chị cũng đã đến với thơ “không phải bằng tiếng mẹ đẻ” mà “bằng ngôn ngữ của dân tộc đau khổ - mẹ và em đã rời bỏ, lìa xa” (Bức thư người Hoa)

Sự chuyển hóa từ thơ mang yếu tố sử thi với những vấn đề lớn của cộng đồng sang thơ thế sự, rồi đến thơ của chuyện đời tư là tất yếu của hoàn cảnh lịch sử nước ta gần đây, không có gì đáng ngạc nhiên. Nói chuyện đời tư không có nghĩa là quay lưng lại với những vấn đề xã hội mà là bày tỏ những suy ngẫm riêng tư trước cộng đồng, là ý thức cá nhân trước nhu cầu tự nhận thức, nhu cầu phát triển năng lực nhân tính của con người. Sự lựa chọn đời tư của Dư Thị Hoàn thể hiện con người chị một cách trung thực. Nỗi đau của đời tư tạo nên một dấu ấn khá đậm nét trong tập thơ: Cảm giác cô đơn, lo sợ. Vẻ hồn nhiên dường như thiếu vắng. Nói đến cái cô đơn cũng là điều cần thiết. Nó giúp chúng ta hiểu: Mỗi con người là một thực thể độc lập, một thế giới tâm hồn mà “cho đến anh em ruột thịt bạn bè – đến cả cha mẹ mình, cả người yêu duy nhất – chúng ta tưởng biết kĩ càng sâu sắc – nhưng thử hỏi thực tình ta đã biết gì đâu” (Evtushenko). Con người cần xích lại gần nhau hơn, cảm thông, yêu thương nhau hơn, giúp cho nhau bớt trống vắng tâm hồn. Trong bệnh viện tâm thần, có khi người ta không can ngăn những cơn đập phá bằng những viên thuốc ngủ mà: “Chỉ cần bàn tay nào run rẩy mang đến. Một nhành hoa dại thôi”
(Trong bệnh viện tâm thần)

Có lúc Dư Thị Hoàn ví mình như quả bóng bị đá lăn lóc từ chân người này đến chân người khác. Chị than và ước: “Chỉ có mình anh thương em thôi – Sao anh không làm thủ thành – cho họ biết tay – đợi cú sút làm bàn – Em sẽ bay đến – Ngọt lịm trong vòng tay anh” (Tâm sự quả bóng đá). Nỗi đau, sự cô đơn của Dư Thị Hoàn biến thành những giọt nước mắt lặn vào trong lặng lẽ mà dữ dằn (Dẫu đôi lúc chị muốn “khóc cho trời sập - khóc cho đoàn tàu không dám lăn bánh” (Mười năm tiếng khóc). Với “một giọt nước mắt”, “một nén nhang”, chị “lặn lội”, tìm về “run rẩy” trước vong linh hai nhà văn quá cố: Nguyễn Tuân và Nguyên Hồng.

Sợ sự cô đơn, Dư Thị Hoàn sợ cả những sự đầy đủ tròn trịa (Viên mãn), sợ sự vô tâm của người đời (Hoa bằng lăng). Biết sợ những điều đáng sợ cũng là một vẻ đẹp của tâm hồn, một phẩm chất của nhân cách. Chị sợ khi đứa con đã tuột khỏi vòng tay yêu thương của mình:

“Với mẹ thành người xa lạ
Từ khi con gọi thầm tên cô thiếu nữ”.

Đó là suy nghĩ của một bà mẹ bình thường. Nỗi sợ bỗng trở nên tuyệt vời, nhân hậu khi bà mẹ nghĩ:
“Mẹ chỉ lo rồi vụt tắt đi
Một mai con thành xa lạ
Với người đàn bà non nớt kia”

“Lối nhỏ” là thơ hướng nội, thơ tự soi xét, phân giải tâm trạng. Thơ Dư Thị Hoàn không chạy theo việc phản ánh hiện thực kiểu chủ nghĩa đề tài một cách sống sượng (hiện thực trong thơ lâu nay nhiều người hiểu nhầm chỉ là những sự kiện thời sự, những phong trào xã hội nổi lên ở bề mặt. Vì thế, có hiện tượng mỗi công trình xây dựng đẻ ra một loạt bài thơ, tập thơ, khi công trình chưa kết thúc, người ta đã quên thơ rồi). Hiện thực trong thơ Dư Thị Hoàn là hiện thực tâm trạng cá nhân trước cuộc đời.

Dám nhìn thẳng vào tâm hồn mình, phân tích tâm trạng, Dư Thị Hoàn luôn có mặc cảm mình là người có lỗi. Có lỗi với mẹ (Bức thư người Hoa; Mười năm tiếng khóc), có lỗi với con (Mẹ có lỗi; Của hồi môn), có lỗi với tình yêu,…Những bài thơ tình của chị thiên về những sự muộn mằn, éo le (Đám cưới muộn, Bước chầm chậm, Tĩnh lặng, Chị ấy, Tan vỡ…) Trong tình yêu, mặc cảm có lỗi nhiều khi đến mức day dứt:
“Anh đến thăm em
Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa
Anh ngắm nhìn em
Có thấy hình chị ấy ôm gói thở dài”
(Chị ấy)

Cái éo le của “tan vỡ” lại không phải ở hoàn cảnh:
“Tất cả rồi dễ qua đi
Chúng mình sẽ thành vợ thành chồng
Nếu không có một lần
Một lần như đêm nay
Sau những phút giây
Êm đềm trên ghế đá
Anh quên không cài lại khuy áo ngực cho em”

Bài thơ “Tan vỡ” lần đầu in trên báo Văn nghệ, nhiều người đọc khó chịu cho đó là thơ nhảm nhí, nói về chuyện làm tình trên ghế đá. Cách đánh giá như thế thật khắt khe và chỉ nhìn thấy bề mặt của thơ. Lần đầu tiên, một tác giả nữ dám nói đến chuyện “khuy áo ngực” không cài trong thơ nhưng không hề gợi nhục cảm. Nó chỉ là cái cớ để nhà thơ bộc lộ quan điểm của mình về tình yêu, hạnh phúc. Sự vô tâm như “con nai rừng” trong sinh hoạt hàng ngày có thể cảm thông, thậm chí có lúc trở nên đáng yêu nữa. Nhưng sự vô tâm đến mức vô trách nhiệm trong tình yêu thì không thể tha thứ và không thể có hạnh phúc được.

Dù nói về giàn hoa giấy, quả bóng đá, cái giẻ lau hay nói với mẹ, với con, với tổ quốc cũng chỉ hiện ra một nhân vật trữ tình sắc nét: Cái tôi riêng đầy cá tính của Dư Thị Hoàn. Thơ cổ điển của ta, cái tôi tan biến vào thiên nhiên, cây cỏ. Nó là cái tôi vũ trụ, mang tính tập hợp, không rõ gương mặt từng tác giả. Cái tôi trữ tình trong thơ chống Mỹ là cái tôi tự nguyện hòa nhập vào với cộng đồng để chiến đấu, để suy ngẫm, triết luận, để bay lên hào hùng. Nó chưa khắc họa thật rõ chân dung từng tác giả. Bây giờ thơ cần phải có những nhà thơ diện mạo thật đặc sắc, riêng biệt đến mức không thể lẫn. Dư Thị Hoàn có cái tôi bản lĩnh, có cá tính rõ rệt tuy chưa phải là cái tôi thời đại, cái tôi vụt lớn, cái tôi có tính cách lịch sử.

“Lối nhỏ” hầu hết là thơ ngắn, có bài thật ngắn. Chất thơ đặc quánh. Đặt trong tổng thể bài thơ, hầu như không có câu thừa. Thơ ngắn nhưng đầy sức nặng của sự dồn nén câu chữ, gây ấn tượng mạnh. Sức mạnh của thơ chị thường dồn ở phần kết (Bức tranh chưa vẽ, Tĩnh lặng, Anh đấy ư?, Liệu có nghe thấy không…). Sức hấp dẫn của thơ Dư Thị Hoàn không phải ở mạch cảm hứng tràn trề, ào ạt. Tình trong thơ chị chân thực, nhưng lạnh, trầm tĩnh, đôi lúc có dấu ấn bức bối của tinh thần. Sức hấp dẫn chủ yếu là ở cách lập tứ thông minh, cách nói mới lạ. Có bài như một băng ghi âm, ghi hình, không một lời bình luận mà rất gợi mở suy tưởng (Đi lễ chùa). Có thể hình dung đa số các bài thơ hình thành theo kiểu: Một ý tưởng nảy sinh trong đầu, trăn trở với suy tưởng ấy. Trong trăn trở nảy sinh xúc cảm. Tứ thơ hình thành. Mở đầu bài thơ thường là những chuyện nhỏ nhặt hoặc nói đâu đâu, để rồi kết thúc một cách bất ngờ, thú vị (Bước chân chậm, Bức tranh chưa vẽ, Lên cao, Tan vỡ…) Đôi lúc Dư Thị Hoàn lạm dụng kiểu kết cấu này, trở thành nhược điểm. Có bài mới dùng ở mức có ý tưởng, thiếu cảm xúc mạnh, nên khô khan thiếu sức thuyết phục (Không đề, Viên mãn, Lời giẻ lau…)

“Lối nhỏ” còn hấp dẫn ở những khám phá mới lạ về những điều thường nhật. Nó luôn tạo ra sự sửng sốt cho độc giả. Người con gái có chồng trong mối tình éo le gọi là người “mang bản án chung thân”, giàn hoa giấy bị xén hết lá là “cơn thịnh nộ đỏ rực cả hiên nhà”, những “đêm mất ngủ ngọt ngào” là sự “báo tử từng tế bào vỏ não”. Xưa nay, nói về tổ quốc, người ta hay nói tới sự thiêng liêng, cao cả. Dư Thị Hoàn lại khai thác mặt trái của khái niệm này. Có lúc tổ quốc trở thành “hai tiếng hư vô”, “Uy nghiêm trên ngai vàng tín ngưỡng”. Nó trở thành chiêu bài “của hạng buôn máu tươi và thuốc nổ”. Lúc ấy “Đất đai đóng khung vì người – Tình yêu chật hẹp vì người…” Cách suy nghĩ ấy là kết quả của sự giằng xé lựa chọn tổ quốc, là bi kịch của những nạn nhân trong mưu đồ của những kẻ lợi dụng chiêu bài tổ quốc. Dư Thị Hoàn đã vươn tới một tình yêu lớn lao hơn đường viền biên giới: Tình yêu con người.

Độc giả yêu thơ Dư Thị Hoàn bởi thơ chị là tiếng nói đòi hạnh phúc cho những người bất hạnh. Thơ chị muốn “làm điểm tựa”, “làm đòn bẩy nhấc bổng cuộc đời những người xấu số” (Khi cầm bút). Bao số phận éo le trong cuộc đời cần phải lên tiếng, cần được cảm thông: Người con gái lỡ thì, muộn màng “nép mình để thiên hạ ban phát – Buổi lễ thành hôn” (Cưới muộn), người đàn bà không chồng đành phải dấu “niềm vui hoang thai” (Người sáng tạo). Thân phận của những quả bóng “Kiệt sức dưới bàn chân hiếu thắng” để người ta làm phương tiện “lưu danh”, thân phận của giẻ lau bị người ta “sai khiến”, “Bằng bàn tay – Bằng chiếc cán gỗ - Đôi khi bằng cả bàn chân”, chính là thân phận của những người bất hạnh. Nhưng nếu chỉ có thế, thơ Dư Thị Hoàn chưa đủ chiếm được tình cảm độc giả. Đằng sau những cảnh ngộ éo le là tâm hồn giàu yêu thương của chị, tâm trạng bức xúc của chị trước những phi lý của số phận. Thơ của Dư Thị Hoàn là “Cây tì bà nức nở…” “Lang thang cuối đất cùng trời” để “Gõ cửa”, để “Đòi nợ” cho các “kiếp đoạn trường muôn thuở” (Hồn tì bà). Nỗi đau cho các thân phận cũng chính là nỗi đau của chị. Chị không thương vay khóc mướn để làm duyên. Trong đời thường, nhiều điều giả dối có thể đánh lừa được người khác, nhưng trong thơ, cảm xúc giả thì chẳng lừa được ai.

Thơ Dư Thị Hoàn không có vần, đọc vẫn thấy bị thu hút, nhạc điệu thơ chị nằm trong tổng thể câu thơ, bài thơ. Người làm thơ thoát ra khỏi sự chi phối của vần, làm chủ được ngòi bút của mình. Chị như người đang kể chuyện về mình một cách kín đáo, duyên dáng, không gượng gạo, lên gân.

“Lối nhỏ” chưa phải là tập thơ gây chấn động lớn nhưng báo hiệu sự “Đột khởi” của thơ ca hiện nay muốn tìm đường thoát ra khỏi tình trạng sáo mòn nhạt nhẽo lâu nay. “Lối nhỏ” cũng không “nhập cuộc” một cách vội vã sống sượng. “Lối nhỏ” là con đường tìm tòi mới và lạ, một dấu hiệu của thơ ca hiện nay.

* Tập thơ “Lối nhỏ” của Dư Thị Hoàn – Hội văn nghệ Hải Phòng xuất bản – 1988

Hà Nội ngày 8 tháng 12 năm 1988
C H T

Sau gần 1/4 thế kỷ không gặp lại, cách đây 5 năm, tôi mới liên hệ được với chị Dư Thị Hoàn qua E-mail, chị bảo chị đang ở Chùa tại Thái Lan. Chị có gửi cho tôi mấy ảnh mặc áo nhà Chùa. Không nhớ tôi đã lưu ở mục tư liệu nào, nên lấy tạm ảnh chị trên mạng minh hoạ cho bài này vậy

clip_image002

clip_image004

Top of Form

Bottom of Form

Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1471712839512355&id=100000209593044FB