Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 7)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Kỳ 7

Bến xe điện Hà Đông.

Hành khách xuống tàu. Cũng lại chen lấn, xô đẩy nhau, như khi lên ở Bờ Hồ và các bến khác dọc đường. Thoáng chốc đã không còn ai quanh Ngân Hà nữa. Chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ quá dài. Nhà cửa bị tàn phá và người chết quá nhiều; đỉnh cao là mười hai ngày đêm máy bay B52 ném bom rải thảm Khâm Thiên chỉ mới cách đây ít ngày. Mười năm chiến tranh phá hoại đã tạo ra một thói quen cho dân ta: các phương tiện giao thông, cũng như con người, không tập trung hay dừng lâu ở những trọng điểm giao thông...

Hà ngơ ngác, lo lắng rồi đâm hoảng, khi cả bến xe chỉ còn trơ trọi một mình. Khách đứng ngồi chật cả ba toa tầu, mà khi xuống bến, họ biến nhanh như ma ẩn vậy? Cô muốn đi Hòa Bình. Có ai cùng lên đó không, và đi bằng cách nào bây giờ?

Ngược Hà Nội, ba toa tàu điện mang theo thưa thớt mấy người; nó đổ chuông leng keng một hồi dài và tiếng bánh sắt xiết vào đường ray rít lên kin kít. Hà nghe, rợn cả óc.

Một cái xe tải ầm ầm lao tới. Nó đột ngột dừng lại. Người lái xe nhoài người qua cửa kính đã được hạ xuống:

- Em gái ơi! Đi Hòa Bình chứ?

Hà chưa kịp trả lời. Anh chàng tài xế đã lại nói:

- Có đi thì ba chân bốn cẳng lên. "Thần Sấm", "Con Ma" nó lại bổ nhào đến ngay bây giờ!

Hà không lạ, Thần Sấm, Con Ma là hai loại máy bay Mỹ thường xuyên ném bom bắn phá Hà Nội. Nhưng Mỹ vừa tuyên bố... chúng đã rút quân khỏi miền Nam và ngừng ném bom miền Bắc. Cánh tài xế chỉ giỏi hù dọa đàn bà con gái!

Chưa nói hết câu, tên "giặc lái" đã mở cửa xe, nhảy bổ xuống mặt đất. Không thấy cô gái quay đi, bỏ chạy, xua tay hay lắc đầu, mà vẫn đứng ngây ra nhìn thẳng vào mặt mình. Hắn nắm ngay lấy cổ tay Ngân Hà, kéo vội đi và đẩy cô lên xe. Cứ như hai người bạn thân thiết vừa dằn dỗi nhau đang làm lành vậy. Lại cũng gần như một cuộc khống chế, bắt cóc. Nhưng lúc này, Ngân Hà thấy mình may mắn được một cơ hội trời cho. Đường này, các xe vào Nam đều qua Hoà Bình. Bảo Long viết trong thư nói thế. Anh còn bảo, xin lên bất cứ cái xe nào cũng được. Cứ nói mình lên trường 105 Hòa Bình, thăm người nhà sắp vào chiến trường B, là khắc được cánh tài xế ưu tiên. Nên đi nhờ xe quân sự em nhé. Bộ đội, ai cũng nghiêm chỉnh.

Trên xe, duy nhất chỉ có một người lái, là anh ta.

Xe chồm lên và lao đi ngay.

- Em đi đâu? - Qua cầu sông Nhuệ, anh tài mới hỏi.

- Em đến trường 105 Hòa Bình, anh ạ. Xe anh có đi đến gần đó không?

- Anh sẽ đưa em đến tận giữa sân trường. Nhà em ở đâu?

- Em ở Hàng Đường, Hà Nội.

- Đồng hương đồng khói rồi. Anh ở khu Kim Liên - Trung Tự đây. Yên tâm. Yên tâm! - Tài xế nói, giọng phấn chấn.

Mấy cái chớp mắt đã đến Ba Na - Bông Đỏ. Đây là một ngã ba. Xe đi thẳng. Yên tâm rồi. Anh ta đi Hoà Bình. Anh ta không nói dối. Nếu rẽ trái, là đi Vân Đình. Trước kia, Ngân Hà đã mấy lần theo mẹ đi lễ Chùa Hương.

Từ khi xe vượt qua Chúc Sơn, thỉnh thoảng Ngân Hà lại hỏi anh tài, đây là đâu? Đường quá xấu. Máy bay Mỹ oanh tạc nhiều lần. Thanh niên xung phong đã sửa. Nhưng mặt đường chưa được tốt như trước kia. Xe chạy nhiều. Nó nhanh chóng hư hỏng. Anh ta phải tập trung tinh thần, để vượt qua những cái ổ gà, ổ trâu, ổ voi đủ loại. Hay anh ta không muốn nói? Anh ta không chú ý đến phụ nữ? Không phải. Anh ta lôi mình đi tuồn tuột cứ như kẻ cướp vớ được vàng cơ mà. Tài xế mà cũng không nắm được đường xá, địa danh? Vô lý! Xe càng đi xa, Ngân Hà càng lạ lẫm; không thể biết mình đã và đang đi tới nơi nào.

Xe đến đầu Bãi Lạng thì rẽ trái. Từ khi Mỹ ngừng ném bom, không có xe nào đi vào con đường này. Những xóm nhỏ ven đường, quanh cái ngã ba Bãi Lạng chỉ ít ngày trước còn vắng tanh bóng người. Những gia đình quanh trọng điểm, hay gần nút giao thông, đều được lệnh sơ tán triệt để. Máy bay Mỹ đã quần đảo ở đây nhiều lần. Bây giờ họ đã trở về. Rất nhiều những hố bom sâu, đất đá tung lên, cỏ chưa kịp mọc. Những ngọn cây mảnh bom chém cụt, vết cắt còn mới.

Con đường nhánh này mới mở. Nó được thông xe từ trước ngày chiến tranh phá hoại. Mới mấy năm đã có rất nhiều ổ gà, ổ trâu, ổ voi; có đoạn mặt đường lở đi cả từng mảng lớn. Con đường nhỏ lại nhiều chỗ ngoặt, không nhìn thấy gì ở phía trước. Một chặng dài, nó men sát chân những ngọn núi cao, trùng điệp ở bên phải, vực lớn và sâu ở phía trái. Nhìn thôi, Hà đã thấy chóng mặt, sởn cả gai ốc! Xe rơi xuống đó, chắc chắn không khỏi tử vong. Rất lâu sau, qua một con suối, nó chạy không còn nghiêng ngả, nhưng bò đi rất chậm. Một thung lũng khá rộng. Rừng rậm tràn xuống từ các sườn núi chung quanh, đến tận rìa đường và hai bên bờ suối.

Thỉnh thoảng, anh tài lại dừng xe.

- Anh đưa em đến trường 105 đấy chứ? - Ngân Hà thấy rừng núi âm u, lo lắng hỏi.

- Nhất định rồi. Còn xa. Cứ yên tâm. Mà em đến đấy có việc gì?

- Em đi thăm anh trai. Anh ấy tập trung huấn luyện đi B. Anh biết cái trường ấy rồi chứ?

- Anh biết. Nhưng trường 105 đã bí mật, lại có bộ đội gác vòng trong vòng ngoài. Nghiêm ngặt lắm. Nó có cho ai vào đâu?

- Anh ấy ra ngoài đón em.

- Thế thì được. Nhưng, là học viên mà thoát được ra ngoài cái hang ấy, là quá tài đấy. Tôn Ngộ Không cũng chỉ biến hóa được thế là cùng.

Xe đến một đoạn đường dễ đi. Anh tài quay sang Ngân Hà:

- Em xinh nhỉ!

- Không xinh.

Tay trái cầm vô lăng, anh tài đưa bàn tay phải sờ vai, sờ cổ, rồi vuốt đầu, vuốt má Ngân Hà:

- Trong nhiều chuyến vào Nam, anh gặp không biết bao nhiêu cô gái xinh đẹp. Nhưng không ai bằng em. Họ là nữ thanh niên xung phong hoặc thôn nữ ven đường. Sau những đợt không kích, nhiều cô chết mặt còn tươi rói. Trông các em ấy rất trẻ, ngây thơ như những con nai rừng đang còn ngơ ngác. Nhiều người chưa từng biết yêu, chưa từng nếm trải mùi đời.

Như thể xúc động, thương cảm, ngậm ngùi, lâu sau anh tài mới lại hỏi:

- Em đã biết chưa?

- Anh bảo biết gì?

- Mùi đời ấy, biết chưa?

Hà im lặng.

- Em đã yêu chưa? Sao không trả lời? - Anh tài miệng nói, tay bóp mạnh vào đùi Ngân Hà.

- Anh nghiêm chỉnh đi. Tai nạn bây giờ!

Ngân Hà xẵng giọng, mà cũng như nài nỉ. Cô gỡ tay anh tài ra khỏi người mình. Tuy nhiên, cô thích vì những cái sờ mó, nắn bóp kích động ấy.

- Mười cô gái Đồng Lộc chết, đều chưa có chồng! Thương quá. Giá tất cả các cô ấy đều được yêu rồi, thì cũng đỡ tủi!

Im lặng khá lâu, anh tài nói tiếp:

- Con gái chết mà còn trinh, là mắc tội với Chúa Trời đấy! Em cũng chưa có chồng, phải không?

- Có rồi.

- Nhìn người anh biết em vẫn còn son, vẫn là gái tơ. Chưa thấy dấu vết của sự tàn phá. Chồng con rồi, sao còn sạch sẽ, thơm tho, mùi mẫn thế này! Chắc hôm nay đi thăm người yêu? Đến với người yêu đi B, thì phải dâng hiến chàng rồi! Trong rừng, cây cối rậm rạp. Tha hồ yêu. Đàn ông và đàn bà chui vào rừng với nhau, coi như được lên Thiên Đường. Ai chẳng mê cái thân thể nõn nà này của em.

Anh tài dừng lời, vì gặp đoạn đường khó đi. Mãi sau, hắn mới nói tiếp:

- Có thể em chưa biết niềm sung sướng nhất của con người là gì đâu. Sướng nhất là được yêu. Khoái nhất là trai gái cưa nhau. Không có gì hơn. So với nó, mọi thứ địa vị, nhà cửa, tiền bạc... chẳng là cái cóc khô gì cả!

Xe lại vượt khỏi một đoạn nhiều cái ổ gà lớn. Anh tài thở phào:

- Người ta nêu gương, ca ngợi mười cô gái Đồng Lộc, để xốc lên cái tinh thần chiến đấu toàn dân. Các cô ấy hy sinh cùng lúc với nhau, trong khi làm nhiệm vụ nối liền mạch máu giao thông ở ngã ba Đồng Lộc. Em vào Hà Tĩnh chưa? - Hỏi mà không đợi trả lời, anh tài xế tiếp:

- Trên đất nước mình, cũng trẻ trung, xinh đẹp, trong trắng như thế, có nơi chết nhiều gấp bội ấy chứ. Họ hy sinh không biết là bao nhiêu, trên khắp các nẻo đường chiến tranh. Những chiến sĩ lái xe, đồng đội, đồng nghiệp của anh cũng đã chết không ít. Nhiều lắm! Có thể gặp em hôm nay, vài ba ngày nữa, trên đường vào chiến trường, anh cũng không còn được hít thở cái bầu không khí quê hương đất nước yêu dấu cùng với em nữa đâu!

Lại im lặng. Rồi tài xế hạ giọng:

- Em thở cả cho anh nhé. Không! Anh thích hai đứa mình cùng thở với nhau cơ. Hì hà hì hục cả ngày, cả đêm. Anh ham sống vô cùng. Mà sống là phải có người để cưa, để yêu, để ôm ấp, cũng để phá phách... Và phải có thơ để đọc. Yêu là một nửa cuộc sống. Không, phải nói tình yêu là tất cả cuộc sống. Người ta viết nhiều văn thơ về các cô gái Đồng Lộc. Anh không có điều kiện, mà cũng chưa có thời gian. Chắc một ai đó đang viết tiểu thuyết và trường ca về mười cô gái anh hùng ấy. Đáng lắm. Có cả thơ viết về bọn anh. Bài "Tiểu đội xe không kính" đấy. Em thích thơ không?

- Không!- Hà trả lời cộc lốc, vì thấy anh tài tán tỉnh linh tinh, chuyện nọ xọ chuyện kia.

- Em có thích đấy. Nói không, nhưng em thích nhiều nữa là khác ấy chứ. Người mầu mỡ, ngon như em, là phải thích văn nghệ rồi. Đúng không?

Ngân Hà không trả lời. Bộ đội mà cứ như thầy tướng!

Anh ta đọc thơ cho Hà nghe.

Ngân Hà thuộc khá nhiều thơ của phong trào Thơ Mới 1930 - 1945. Nên nàng biết mấy câu anh tài đọc đầu tiên là của Xuân Diệu. Mấy câu sau, hình như của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Câu cuối, lại là Xuân Diệu. Toàn thơ cấm cả. Anh chàng nhớ lõm bõm và đọc lộn xộn, râu ông nọ cắm cằm bà kia; huyên thuyên xích đế nhưng nghe vẫn thích. Ngoài cái mẽ đẹp trai, khỏe mạnh, anh chàng cũng là người có tâm hồn đấy chứ! Hà hỏi:

- Anh học hết lớp mấy?

- Đại học Tổng hợp. - Ngừng một lát, anh mới tiếp: - Nhưng anh chưa nhập trường.

Giọng anh tài tự hào, nhưng cũng có cái gì hài hước. Lát sau, tài chép miệng vẻ luyến tiếc:

- Anh nhận lệnh nhập ngũ cùng ngày với giấy gọi vào khoa Sử đại học Tổng hợp! - Rồi lại thở dài: - Anh thích và xin vào khoa Văn cơ, nhưng người ta xếp cho khoa Sử. Cũng phải chịu vậy! Đã sáu bẩy năm rồi. Anh mong trở về trường, càng sớm càng tốt. Sinh viên đi bộ đội như anh, được bảo lưu mà em. Quân Mỹ và chư hầu đã rút hết rồi. Mong sao chúng ta nhanh chóng đánh thắng bọn ngụy Thiệu - Kỳ.

Như người bị nghẹn, anh tài im lặng nhìn thẳng về phía trước.

Hà tin anh ta không bịa, bởi nàng biết lứa tuổi ấy là học hết cấp ba vào những năm không phải thi đại học. Nàng cũng hiểu nỗi buồn thất học của người thanh niên này. Thời gian đã quá lâu. Anh ta cũng đã quen, đã trơ lì với chuyện lỡ làng, trắc trở. Các anh chị mình và chính Hà cũng có mấy người bạn phải chịu thiệt thòi như thế. Đã mấy người cùng phố trong số đó có giấy báo tử. Hà thấy thương anh tài. Đáng tiếc. Đất nước có chiến tranh. Trai thời loạn...

- Quên chưa hỏi, em có vào được đại học không?

- Đại học y khoa năm thứ ba. Bọn em phải thi. - Cô kiêu hãnh đáp.

- Giỏi quá! Giỏi quá! Bác sĩ đấy à? Chà chà! Thế thì hay rồi. Sau này chữa bệnh cho anh nhé? Chiến tranh, ngoài chuyện giết chết nhiều triệu con người, nó còn để lại biết bao di họa. Sau binh đao khói lửa, thương tích và bệnh tật cũng không ít đâu! Rồi em sẽ thấy, nhiều vô kể đấy.

Hà sốt ruốt. Từ sáng đến giờ ba lần anh tài đưa xe ra khỏi mặt đường. Anh ta mở đầu máy, nhìn ngó, vặn mở xem xét những cái gì đó. Lần nào cũng rất lâu. Nhiều lúc anh đỗ lại; bảo để cho xe nguội máy. Rồi lại nghỉ hút thuốc, ăn lương khô, uống nước, nói chuyện...

Từ khi biết nàng là sinh viên trường y, anh tài rất nể. Không lâu nữa cô ta là một bác sĩ. Mình chỉ là anh lính lái xe. Bao giờ mới chấm dứt chiến tranh. Và khi ấy, đầu óc mình còn đủ minh mẫn để về tựu trường?

Thấy anh tài cố ý dùng dằng, nấn ná, Ngân Hà hỏi:

- Tại sao anh không đi tiếp? Trường 105 ở chỗ nào? Nó còn xa không?

- Trời sắp tối rồi. Không đi được nữa. Vẫn còn chế độ phòng không, ban đêm cấm bật đèn pha. Xe anh lại vừa hỏng đèn gầm. Hơn nữa, cấp trên lệnh phải luôn luôn đề cao cảnh giác; không được chủ quan khinh địch. Máy bay kẻ thù từ hạm đội 7 đậu ở ngoài biển, từ Thái Lan, từ Hôlôlulu, Guam vẫn có thể bất ngờ trở lại đánh phá miền Bắc. Nhất là dọc con đường mòn Trường Sơn. Đế quốc là dã man, là tàn bạo, là xảo quyệt và tráo trở mà. Hiệp định nó ký, không thể tin được. Hơn nữa, xe anh chở hàng rất quan trọng.

Một lần nữa, anh lại có ý dọa nàng.

Im lặng, rồi nhìn Hà đăm đăm, anh nói:

- Em bắt anh đi đêm để xe lăn xuống vực à? Em muốn hai ta chôn một hố? Nghỉ lại đây thôi. - Anh tài mở cửa xe và nhảy xuống rất nhanh.

Xe chạy xóc như tra tấn. Nhiều lần Hà bị tung lên khỏi ghế. Sợ quá! Trong xe, tìm một chỗ để bấu víu cũng khó. Rất ít đoạn đường còn bằng phẳng. Lần đầu tiên đi xe tải đường xa, Ngân Hà rã rời, tù túng và mỏi mệt. Nàng cũng muốn xuống xe nghỉ ngơi. Hà ăn từ tối qua, nhịn đói bữa sáng. Lại đã uống thuốc phòng. Nếu không, không thể tránh khỏi nôn mửa. Anh tài dừng xe, nhảy xuống, chạy sang mở cửa và đỡ Hà xuống đất. Hắn cố tình ôm ngang eo Hà rất chặt và lâu. Ngón tay hắn bấu trúng nơi nhạy cảm nhất ở dưới xương mu. Trời ơi! Tài thở dồn. Hà run bắn và tim đập thùm thụp. Nàng vùng vẫy, cũng là chỉ để vùng vẫy. Mãi rồi cái anh chàng dính như keo cũng rời tay ra.

- Trường 105 ở chỗ nào, anh tài?

- Còn xa!

- Anh em viết thư bảo là gần lắm cơ mà?

- Thằng cha lừa em đấy. Nơi tập trung cán bộ đi B, đi C quan trọng và bí mật số một. Làm sao người ta để sát Hà Nội, mà nói là gần?

- Biết thế này thì em đã không đi!

Ngân Hà thật sự lo lắng. Khi còn ở nhà, nàng nghĩ sẽ gặp được Bảo Long sớm. Chỉ 9 rưỡi, 10 giờ trưa là cùng. Bố mẹ Hà dặn chiều tối phải về.

- Xe bọn anh vào Nam, ra Bắc. Đã vô cùng gian khổ lại dễ dàng mất cái đội mũ, mà chẳng sợ hãi gì cả. Đi lính bao nhiêu năm, cũng là từng ấy năm ra vào chiến trường. Gần chục cái xe bị dính bom đạn, cháy hết, mà anh không chết! Em yên tâm đi. Mình là đồng hương. Lo gì! Sáng mai, anh đánh xe đưa em đến tận cổng cái trường 105 ấy.

Anh tài thủ thỉ với một giọng trầm và rất ấm. Hai người đứng đối diện nhau. Xung quanh chỉ cây rừng rậm rạp, mông lung trong ánh sáng cuối ngày. Ngân Hà chăm chú nghe và quan sát thêm anh ta. Cái trán không cao, nhưng rộng và phẳng. Hai hàng lông mày rậm. Đôi mắt to với hàng mi đen và dàỳ. Đôi mắt có hồn. Cái miệng rộng, vành môi đậm rõ nét với hàm dưới hơi bạnh. Lồng ngực to phẳng, nở nang, khỏe mạnh và nghị lực.

Và, rồi ngày có dài mấy cũng phải tàn. Đêm tối có chậm mấy rồi cũng phải tới. Khi anh tài tắt máy, xe dừng hẳn lúc mặt trời đang lặn. Cả ngày hôm nay, Ngân Hà không nhận ra cái nắng nhạt mùa xuân tỏa xuống rừng núi thế nào? Khác với Hà Nội, đêm cuối tháng giêng ở đây trời sập tối rất mau. Dưới những tán lá rừng nhiều tầng, không gian như đen đặc lại.

Không khí giá lạnh và ẩm ướt. Mưa phùn mau hạt. Nhưng ở nơi xe đỗ, Hà ngửa hai bàn tay ra không thấy những hạt mưa rơi. Mưa bụi mùa xuân không qua được những tầng lá dày của khu rừng nhiệt đới. Ngân Hà hoàn toàn mất phương hướng. Nàng sợ, không biết mình đang ở đâu. Bố mẹ ở nhà chắc đang mong đợi và lo cho Hà nhiều lắm? Gió từng cơn lùa qua cây lá xào xạc. Đêm rừng âm u và mông lung. Không thấy có lấy một đốm lửa lập lòe. Nàng nghe rõ những tiếng kêu lộp bộp, thưa nhặt, khắp chung quanh mình. Quả cây rừng rơi từ trên cao? Phân thú, phân chim rớt xuống? Tiếng tắc kè, tiếng mang tác to nhỏ xa gần vọng lại. Đực cái đi tìm nhau tạo mùa sinh nở. Hà nghe tiếng rừng âm vang, rạo rực sự sống, tràn trề sinh lực... Đêm tối mênh mông, hoang vắng, rờn rợn mà cũng chộn rộn và xao động lòng người.

Tài thích Ngân Hà. Da nàng trắng mịn màng, mái tóc đen, dày và rất thơm. Mình đã áp mặt vào mái đầu nàng và hít được một hơi rất dài khi đỡ nàng từ ca bin xuống đất. Các cô thanh niên xung phong, các cô gái làng bản, không ai có cái hương vị phố xá thơm tho, ngọt ngào, hấp dẫn mãnh liệt ấy. Đầu tóc họ thường đậm mùi mồ hôi chua loét, trộn với khói bom đạn khét lẹt. Hoặc mùi đất và hơi ẩm mục nát của lá cỏ núi rừng. Tuyệt lắm, cũng chỉ đôi khi gặp được những mái đầu đượm mùi lá hương nhu, lá chanh, lá sả, vỏ bưởi, vỏ bòng. Đôi mắt cô sinh viên y khoa rực cháy. Như có cái gì đó hừng hực, phừng phừng, bùng lên ở trong lồng ngực. Háo hức và khao khát quá. Thèm quá! Người con gái này là một thứ gì ăn được, nuốt chửng được, thì Tài ực ngay!

Anh chàng tài xế không xưng tên. Ta cứ gọi như Ngân Hà là Tài vậy. Anh ta cũng chưa hỏi tên nàng. Thôi cứ để gọi nàng là em. Chỉ thế cũng đủ. Nàng quá trẻ mà đã lồ lộ một vẻ phồn thực, phồn sinh bản ngã tràn trề. Cái thân thể mầm mẫm hút hồn anh ta, khi chợt nhìn thấy Hà ở bến xe điện Hà Đông. Hòn đất vứt lên ca bin còn biết nói; huống hồ một chàng trai vậm vạp đã từng dày dạn trong tình trường, lại nhiều mơ mộng và yêu thích văn chương lãng mạn.

Đến Lương Sơn, lẽ ra xe cứ đi thẳng để tới Bãi Nai - Hang Nước. Trường 105 ở đó. Nhưng Tài rẽ ngang đoạn dưới, ngay chỗ Bãi Lạng cách nó không xa. Tài đi vào con đường hẻm qua xã Trường Sơn. Có một đoạn khá dài, nó men theo chân núi Trường Sơn ở bên phải và một cái khe lớn rất sâu ở bên trái. Con đường nhánh được mở, để đi tắt, không qua thị xã Hoà Bình từ trước năm sáu mươi. Từ khi Mỹ ngừng ném bom, xe cộ chạy thẳng và hình như mọi người cũng đã quên hẳn nó.

Xe nhảy chồm chồm, nghiêng ngả đi lên bãi Chạo. Rồi Tài lại vòng về Ngã Bã Xưa, vào Thác Mặt Trời, quay xuống Kim Bôi. Lòng vòng mãi. Trời gần tối, Tài quay ngược trở lại con đường cũ đến khu rừng bên Suối Khăm thì dừng lại. Ngân Hà không hề hay biết. Anh ta đi vòng vèo, giết thời gian, chờ đêm tối xuống; cũng là chờ sự gần gũi và những câu chuyện đủ mang lại tình cảm thân thiết từ ở phía nàng. Tài không nói. Đương nhiên, Ngân Hà không biết những trời đất, đường sá, làng bản nào xe đã đi qua. Tài quyết tâm dừng lại một đêm, với cô gái trẻ bác sĩ tương lai đầy sức quyến rũ nhục thể này.

Những lời nói thẳng thắn, giản dị khiến phong thái lãng tử, hào hoa, phóng đãng của Tài vẫn làm Ngân Hà thấy chàng chất phác... Đặc biệt vẻ mặt rất điển trai, thân hình cường tráng của Tài nhanh chóng giúp Ngân Hà không phải lo lắng. Sau này nàng hiểu thêm rằng, chính bởi cái mã ngoài tráng kiện, mạnh mẽ, tuấn tú của Tài làm Ngân Hà cảm tình, bạo dạn, ngay từ khi mới nhìn thấy nhau. Nàng không còn cảm nhận thời gian trôi đi, không băn khoăn gì về việc lỡ hẹn với người yêu và lời cha mẹ dặn.

Sự hấp dẫn của con người Tài mạnh đến mức, hoàn toàn làm nhoà nhạt mất hình ảnh bác sĩ Bảo Long vốn chưa thật sâu đậm, mà bây giờ lại lu mờ thêm trong trái tim nàng. Tuy nhiên, Ngân Hà vẫn còn đôi chút áy náy. Có cái gì đó, chính nàng cũng mơ hồ, trước những cung bậc tình tang của đời người con gái khiến nàng không tự chủ và phân định được rõ ràng tốt xấu, đúng sai. Bảo Long ra ngoài đón Hà, không gặp thì về. Cũng có làm sao? Ngân Hà đã hẹn nước đôi trong lá thư gửi bảo đảm. Hôm nay không gặp thì ngày mai anh lại ra ngoài đón em. Sáng không thấy, thì trưa...

- Chiến tranh. Những chuyện lỡ độ đường như thế này, là rất thường tình. Ngủ lại. Sáng mai đi sớm. - Tài nói, những lời vừa như trấn an vừa như xin lỗi cho nàng yên tâm.

Rồi im lặng khá lâu, như để thêm phần giải toả những băn khoăn của người bạn đường. Tiếng nói của Tài bỗng kéo dài ra, ngân nga, rền rĩ, bắt chước giọng Xuân Diệu đọc thơ:

- Em muốn hai ta chôn một hố / Để muôn đời anh gắn chặt vào em! Hay là Em muốn hai ta cùng một huyệt/ Muôn đời xương thịt nhuyễn trong nhau! Thế mà được hai câu thơ hay nhỉ? Sống dấn thân mới có văn chương đích thực. Em thích hai câu thơ ấy không? Anh đọc lại nhé? Em muốn...

- Thôi, thôi! Đói lắm rồi! Mà thơ đâu có cái thứ thơ phản cảm, đầy tử khí, chết chóc và ghê rợn thế!

Giọng nói và ánh mắt Ngân Hà cứ như nàng và Tài là hai người bạn thân thiết của nhau đã từ lâu lắm. Tài nhận ra tình cảm của nàng đã rất gần gụi với mình.

- Hay anh sửa lại: Ta chết, được cùng chôn một hố / Muôn đời xương thịt quyện vào nhau. Thơ đấy! Thật sự là thơ. Em thấy không, thơ tình như thế là hết chữ và cũng tận nghĩa rồi! Khi mới yêu, yêu say đắm, yêu thật... Thường là ở mối tình đầu, ai chẳng muốn khi chết được chôn trong cùng một quan tài, cùng một hố với nhau? Các nhà thơ lãng mạn Đông Tây kim cổ, hỏi ai có được hai câu tuyệt bút thế!

Chớt nhả vậy nhưng Tài sững lại ngay được. Tài bắt đầu có cảm giác ngài ngại người nữ bạn đường. Cô ta sắp là bác sĩ cơ mà!

- Lính mà em. Bọn anh quen tếu táo, cho vui. Để quên cái gian khổ, để vượt qua bom đạn đấy thôi. Anh sống lúc nào cũng lạc quan thế, từ những ngày đầu chiến tranh, nên quen nết quen tính mất rồi. Bác sĩ đừng giận. Thôi, ta ăn uống rồi đi nghỉ sớm.

Tài mời Ngân Hà ăn lương khô Trung Quốc 702. Nàng bỏ ra gói sôi to đỗ xanh và nửa con gà luộc. Mẹ gói cho, dặn đến ăn cùng con rể tương lai, bác sĩ Bảo Long. Bây giờ lại là anh Tài với nàng cùng nhau bốc, xé... ăn trong bóng tối đêm rừng.

Vừa ăn Tài vừa nói chuyện. Anh học lái xe chỉ có ba tháng; kết nạp đảng ngay trận đầu đưa hàng vào chiến trường an toàn. Chỉ huy là một tay đại uý già cau có, đã bị vợ ở nhà cắm cho nhiều cái sừng to!

Sau này, Ngân Hà quên nhanh và quên hết mọi chuyện Tài kể hôm đó. Nhưng về khả năng hoạt động tình dục và lòng yêu đời, yêu cuộc sống của Tài thì Hà nhớ suốt đời.

- Khi lao xe đi dưới bom đạn, anh cố tạo ra cho mình một tinh thần phấn chấn, lạc quan, quyết tâm, một niềm tin, một hy vọng, một khao khát sống không cùng.

Lúc nguy hiểm nhất, đôi mắt cô bạn gái cùng học cấp ba như đang rực cháy kề sát mặt mình. Ký ức về những cái hôn, về khoái lạc thể xác với cô gái ấy, trong những khi bố mẹ nàng vắng nhà, đã giúp anh vượt qua bom đạn. Có thế mới thoát chết, mới sống. Được yêu rồi càng ham sống hơn. Có yêu rồi mới đủ thông minh và sức mạnh chiến thắng cái chết. Có người con gái đã trao thân gửi phận cho mình thì mới biết sống. Càng quyết tâm sống cho dù gặp phải những nguy nan cùng quẫn nhất. Anh luôn nhớ có một người đàn bà ngày đêm chờ mình ở thành phố hậu phương, không thể không sống trở về.

Tuy mỗi lúc một nể Ngân Hà thêm lên, nhưng kể về việc yêu Tài vẫn nói trần trụi theo thói quen không hề biết ngượng. Đã có bóng tối rừng già che phủ sắc mặt và những ngôn từ tục tĩu, khêu gợi, kích động bản năng đàn bà của gã.

Rồi với một giọng điệu xót xa, Tài thương tiếc các cô gái Đồng Lộc. Họ chết, mà chưa được yêu! Mười cô gái ấy, chỉ mỗi tiểu đội phó Cúc đã lấy chồng. Anh chồng mắc bệnh tâm thần nặng mà không được chữa chạy gì. Cúc đồng ý cưới, vì cả làng cả xã không còn thanh niên, và cũng vì một người họ hàng mai mối. Con người có cái đầu. Cái đầu đã hỏng còn làm ăn gì được! Cho chồng uống thuốc Nam, Cúc hy vọng anh ta khỏi bệnh. Nhưng Anh ta chết đuối sau sáu tháng có vợ. Thì Cúc cũng coi như không chồng. Thương Cúc quá! Thương quá. Mang tiếng đã cưới mà không được biết tình yêu đầy đủ, trọn vẹn là thế nào! Chắc chưa lần nào được sung sướng đâu. Khi máy bay giặc bổ nhào xuống, Cúc còn phải ở ngoài hầm, bao quát, giúp đỡ đồng đội. Sau cùng, Cúc vào một cái hầm cá nhân đào vội, nông choèn. Như mọi bữa ăn, bao giờ cô cũng chỉ ngồi xuống mâm khi thấy không còn ai vắng mặt. Những quả bom hạng nặng đã vùi Cúc xuống sâu hơn và cách xa các bạn mình. Đào bới hai ngày sau, người ta mới tìm thấy Cúc! Còn cô bé Võ Thị Hà chưa tròn 17 tuổi. Chết mà chưa hề biết kinh nguyệt và rung động giới tính nó ra làm sao! Đau quá, một cô gái đã lớn, biết làm việc, chiến đấu hăng hái... mà khi chết chưa biết mình là phụ nữ, chưa biết đến một tình huống và trạng thái rung cảm yêu mến kẻ khác giới nó như thế nào!

Mười cô gái Đồng Lộc xứng danh anh hùng, Tài bảo, vậy mà mấy người bạn cùng lớp lái xe của anh, đàn ông gì mà chưa vào trận đã run như cầy sấy, chỉ mới nghĩ đến bom đạn đã rúm cả tứ túc? Vừa nghe tiếng rú của máy bay giặc, có thằng đã thấy hai hòn... thọt ngay lên cổ. Nó bắn chưa trúng đã tự lao xe vào gốc cây; bom nó vẫn còn lừng lững ở lưng chừng giời đã vội đâm xe xuống vực! Thì họ đều thiệt mạng sớm! Những thằng hèn nhát đều không có gì hay ho và may mắn cả.

Tài xếp lại những cái hòm gỗ, hòm sắt nặng trịch, chừa ra một khoảng sàn xe. Anh trải ra những tấm bao bì bằng cói đan dùng đã lâu ngày, bẩn nát, ẩm mốc, hôi rình. May quá, Tài có tấm nilon rộng. Anh gấp nhỏ nó lại và phủ lên trên. Chỉ có một khoảng toen hoẻn, hai người nằm chắc không cựa được.

- Em vào đây mà ngủ. Anh cầm súng gác bên ngoài. An toàn tuyệt đối!

Khi Ngân Hà đã nằm trong thùng xe, những ý nghĩ nhục dục thô bạo trong Tài lúc này gần như mất hẳn. Cũng là đàn bà, nhưng cô ta là sinh viên y khoa; mai đây là một bác sĩ. Đáng nể. Làm sao có thể coi thường? Tài mang theo một khẩu AK, buộc võng tăng của mình vào hai gốc cây cách xa một khoảng mươi bước chân và nằm ở đó. Xe đỗ lại bên những con đường chiến tranh, người lái thường ra ngoài cho an toàn. Việc đó đã nhanh chóng trở thành ý thức và thói quen của họ. Ô tô là một mục tiêu to lớn dễ bị phát hiện cũng dễ bị tiêu diệt hơn, so với con người bé nhỏ dễ ẩn náu sau những gốc cây, mỏm đá, mô đất, khe rãnh... Ngân Hà thấy cái thùng xe quá hôi và tối mịt mùng. Rất mệt, nhưng trời lạnh, thêm sợ hãi và lo lắng trộn lẫn tâm tình rạo rực làm cô không sao ngủ được. Khoảng hơn nửa giờ sau, thêm nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, Ngân Hà lùi xuống cuối sàn xe và nàng giáng thình thình hai gót chân lên thành xe, miệng gọi to:

Anh Tài! Anh Tài!

Không lâu, có tiếng bật khóa và cửa sau mở ra. Tài hỏi:

- Em sợ ma à hay tại trời lạnh? Chăn đây. - Cùng lúc vứt cho Ngân Hà cái chăn chiên, Tài cũng nhảy luôn lên xe, tay vẫn cầm theo khẩu súng:

- Một mình anh nằm giữa rừng cũng thấy lạnh quá! Mà anh lại sợ ma nữa. Ma rừng. Em sợ ma không? Ma rừng khủng khiếp lắm! Có khi không may còn gặp những con gấu, con trăn, con hổ đói mò đi tìm mồi...

Thùng xe kín, tối đen, nhưng ấm hơn ngoài rừng. Có Tài, Ngân Hà không thấy sợ hãi như khi ở một mình. Là sinh viên y khoa, Ngân Hà đã nhiều lần chứng kiến những cái chết; và cũng đã nhiều lần tham gia cấp cứu bệnh nhân, từ khi họ vào viện tới lúc qua đời. Khi học môn giải phẫu, nàng đã xem mổ tử thi và cũng nhiều lần thấy người ta vớt những cái xác chết, da thịt chỗ nào cũng có mầu nâu sẫm nổi lềnh bềnh trong bể formol, quăng vèo lên mặt bàn đá cho thầy trò Hà vào mổ. Những cái xác ấy, khóa trước tiếp khóa sau sinh viên mổ đi mổ lại nhiều lần, nát bươm. Hà nghĩ, như thế mình còn chẳng sợ. Bây giờ, cái chính là mình làm chủ được mình. Cái anh tài xế này chỉ là một người đàn ông, đâu phải ma quỷ? Hiện mình đang bám vào anh ta như bám vào một cái gậy, trên con đường lầy. Nàng mỉm cười trong bóng tối vì cái ý nghĩ ngộ nghĩnh, anh ta là một cái gậy! Không phải cái gậy đánh người. Chỉ như cái gậy để chống lầy. Nhiều năm rồi, người ta đã từng đùa bỡn, trêu chọc nàng. Chống lầy, có lấy chồng không / Người ta lấy hết, chổng mông mà gào! Hà không thấy Tài có vẻ gì gian giảo, ma mãnh. Khuôn mặt anh ta rất đàn ông. Hiền khô. Mê thơ phú. Ham học hành. Nếu không vì chiến tranh, anh ta cũng đã vào đại học Tổng hợp. Trường ấy chỉ học có bốn năm. Thì bây giờ, cũng đã là một nhà sử học. Cũng là người có ước mơ đẹp. Không thấy bộc lộ gì xấu xa. Chỉ thấy trong đôi mắt anh ta, ngùn ngụt một ngọn lửa dục. Ngẫu nhiên gặp nhau. Và ngẫu nhiên cả hai cùng quá ham muốn... Ngân Hà nhận ra những dấu hiệu đòi hỏi mãnh liệt, khao khát cháy bỏng của Tài giống mình. Dường như nó đang sôi sục trong trái tim của cả hai người. Đôi mắt Tài luôn nhìn thẳng. Thân hình cường tráng. Vâm. Rất khêu gợi. Quá hấp dẫn nữa. Khi còn đứng đợi ở bến xe Hà Đông, mới nhìn thấy khuôn mặt, nhất là khi nhìn anh ta nhảy xuống, Ngân Hà đã rất cảm tình. Phải nói, khi Tài nhảy từ ca bin xuống đất, nàng đã bị anh ta lập tức bắt mất hồn vía. Không thế mà Ngân Hà đã để mặc cho anh ta nắm tay kéo đi xềnh xệch? Nàng thích những người đàn ông có ngoại hình đẹp và tính cách mạnh mẽ như thế. Đúng! Đàn ông phải đẹp trai, cường tráng, đầy sức sống và táo bạo, như anh chàng lái xe này mới đáng đàn ông.

Đã mấy năm rồi Ngân Hà luôn nghĩ đến cái thú hoan lạc của tình yêu. Đàn ông ôm hôn. Thì đã rồi. Mình ôm hôn đàn ông. Cũng đã rồi. Siết chặt lấy nhau trong vòng tay. Ôm ghì, cả đến nghẹt thở, đến bẹp rúm lồng ngực... Nhưng vẫn chưa bao giờ được sống trong những giây phút khoái lạc, nghĩa là chưa có gì là đích thực tình yêu. Chưa ai làm cho mình được thỏa mãn nỗi khao khát nhất. Bảo Long cũng chỉ mới hôn Hà thôi. Long hôn chỉ rất nhẹ. Ôm nhau, anh ta cũng chỉ ôm hờ, long lỏng vòng tay. Bảo Long coi người yêu như một thứ đồ thờ. Trân trọng và giữ gìn quá. Tâm hồn anh ta không có lửa? Gia đình Bảo Long đã có lễ chạm ngõ. Lẽ ra, Long phải đối xử với Hà khác kia, như chồng vợ rồi mới phải. Nhưng tình cảm của Bảo Long với Hà cũng không tiến triển thêm chút nào. Trong khi Ngân Hà ngày càng bứt rứt, rạo rực. Tâm hồn nàng ngày một khô khát. Nàng thấy mình không bệnh mà cứ như ốm. Sức khoẻ là sự thoải mái, thỏa mãn thể xác và tinh thần? Nhiều đêm nằm một mình, không thể chợp mắt. Bao giờ Bảo Long lột phăng quần áo mình ra? Bao giờ anh ta lột trần mình ra? Xé toang ngay ra cũng được! Nghĩ thế, toàn thân Ngân Hà cứ cương cứng lên. Tình trạng khổ sở ấy đã đến với nàng nhiều lần! Nàng tưởng tượng, hai cánh tay mình ghì siết lấy người đàn ông. Và rồi Ngân Hà tan ra, biến mất hình hài.

Tài quỳ gối phía dưới chân Ngân Hà. Nàng quen mắt với bóng tối mà chỉ thấy hình người đàn ông lờ mờ trước mặt. Nàng vừa định co chân lên nhường chỗ, Tài đã nắm lấy với hai bàn tay to rất ấm và rắn chắc:

- Chân em lạnh quá!

Lại hỏi:

- Em thấy ấm chưa?

Buổi sáng vội và mải nghĩ về chuyện đến với Bảo Long, Ngân Hà quên không mang bít tất. Khi lên thùng xe, nàng đã bỏ đôi dép ra để ngay bên người. Đôi dép Trung Quốc có quai hậu mầu tím hoa cà. Bảo Long mua bằng sổ cửa hàng Nhà Thờ của bố tặng nàng. Bàn tay anh Tài ấm quá. Từ nhỏ, tay chân Ngân Hà vốn đã rất lạnh. Mùa Đông - Xuân càng lạnh. Hai bàn tay của Tài rờ lên cổ chân, lên bắp chân, lên đùi nàng... Bác sĩ thì bác sĩ; cô ta cũng là một người đàn bà. Bỗng hắn kéo mạnh. Ngân Hà trượt ra, nằm ngửa trên mặt sàn xe. Không đủ khoảng trống để nàng có thể vùng vẫy, chống đối. Giống cái kháng cự càng kích động con đực quyết tâm chiếm đoạt. Hà biết thế. Nhưng ở đây, nếu cựa mạnh, những thùng hàng nặng có thể đổ ụp xuống, hay tự va đập cũng có thể là một tai họa. Hắn đã nằm sấp trên người nàng, đúng như Ngân Hà đã nhiều lần mơ tưởng. Hà tìm được lý do để không chống cự. Thật ra nàng đã đồng tình. Hai bàn tay nàng lần bám lên cổ và lưng thằng đàn ông. Tài gắn đôi môi bỏng rẫy vào miệng Hà mạnh mẽ, cuồng nhiệt. Chưa ai hôn Hà ngấu nghiến, tưởng nhai nát cả đôi môi mình ra như vậy. Và nàng cũng hôn lại hắn... háo hức. Cứ thế, bao lâu không rõ.

Và thoả mãn khát khao bấy lâu khiến toàn thân Ngân Hà run rẩy, đờ đẫn. Bảo Long chưa bao giờ đòi và động tới nó. Giá như anh cũng biết yêu mãnh liệt thế này, thì em đã hiến dâng cho anh lâu rồi. Mất là tại anh đấy! Trong cơn mê mẩn... nàng thoáng lo lắng và sợ hãi. Nhưng ham muốn nhục dục lấn át tất cả ý chí, nghị lực và tinh thần đoàn viên... Toàn thân Ngân Hà căng cứng lên. Thế là từ nay, mình đã thật sự trở thành đàn bà.

Đã 7 giờ sáng.

Rừng núi trắng xóa, mờ mịt sương mù.

Suối Khăm. Mặt suối như được phủ kín khói sương huyền ảo. Tài dắt Ngân Hà xuống bên bờ nước. Chàng trai đi đứng vẫn vững vàng. Như không có gì làm giảm sút được sức mạnh của khối cơ bắp, xương cốt rắn chắc ấy. Cả hai cùng đánh răng, rửa mặt. Ngân Hà và Tài ngồi xổm trên một hòn đá khá bằng phẳng. Nàng đưa tay xuống mặt suối vớt lên những cành củi mục, những chiếc lá vàng, cả những cái lá đang thối rữa lững lờ trôi qua. Nước suối lạnh giá, buốt cóng cả bàn tay và hai hàm răng. Nàng không còn nghĩ được chuyện gì rõ ràng.

Trên đường trở về nơi ô tô đỗ, Hà nhìn anh chàng thở ra, những làn khói dài, rung động, xáo trộn, tan loãng hẳn một khoảng sương mù trước mặt cũng thấy quá đỗi thương yêu. Người đàn ông mạnh khỏe, mãn nguyện và thanh thản sau cả một đêm ân ái. Anh thong thả dắt mình, một người đàn bà trẻ, nhỏ bé đi trong sương rừng lãng đãng, hoang vắng. Cứ như hai nhân vật trong một chuyện cổ tích êm đềm.

Lặng lẽ mở khóa, Tài lại kéo Ngân Hà lên thùng xe.

- Thôi anh! Nghỉ một lúc, để còn sức mà đi nữa chứ?

... Nước mắt Ngân Hà chảy ra đầm đìa cả hai bên thái dương, ướt hết tóc mai và hai vành tai. Con người tuyệt vời thế này, mà hôm nay anh ta phải đưa cái ô tô to đùng to đoàng với những thùng hàng bí mật này tiến ra mặt trận!

Chẳng biết rồi mai đây anh còn có thể trở về?

V.O.