Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Bảy Tầng Tháp

Truyện

Tru Sa

Tầng Thứ Nhất

Chẳng rõ bất cẩn hay vì cớ gì mà bố tôi đã làm nứt tường nhà. Thật ra đó cũng chỉ là một vết nứt vài centimet. Vết nứt chẳng lớn gì nhưng khá sâu. Điều đáng nói là vết nứt này lại nằm trong căn phòng trang trọng nhất ngôi nhà. Ghế tạc hình tứ linh, bình gốm cổ…, tóm lại là các món đồ sang trọng đều được xếp gọn gàng trong phòng. Thật quái ác khi vết nứt lại nằm chính giữa bức tường. Đúng là chẳng giấu được.

“Bố, có lẽ phải trát vữa để vết nứt liền lại”.

“Như vậy bẩn lắm. Phải giấu nó đi”.

Bố tôi lấy trong hộc tủ lá cờ thành tích mà ông có được ngày trước. Ông đóng đinh treo lá cờ đè lên vết nứt. Bố tôi ngắm nghía hồi lâu rồi mỉm cười. Vết nứt biến khỏi căn phòng và lá cờ thành tích kia có phần làm căn phòng trang trọng hơn. Khách tới đều nhìn căn phòng với vẻ thán phục. Vết nứt quỷ quái kia đã lặn sau lá cờ thành tích đó.

Hết đợt khách này lại đến đợt khách khác. Hôm nay cũng thế. Tôi không thích đám người này vì họ táy máy. Họ hay chạm tay vào các món đồ, thậm chí lật ngang lật dọc như đang tìm kiếm thứ gì đó. Bố tôi vốn là người hay phàn nàn nhưng ông chỉ im lặng. Bờ tường, nơi cây đinh treo cờ chợt bở ra và sụp xuống. Như bị trốc gốc, cây đinh rơi theo. Lá cờ thành tích rụng xuống. Vết nứt lộ ra. Mọi cặp mắt đều dồn vào. Đến bây giờ tôi mới để ý thấy vết nứt đã khá lớn. Phần nứt đã loang rộng, sâu hoắm như một cái hố lớn.

Tầng Thứ Hai

Gia đình tôi có một chuyến du lịch. Cha tôi lái xe, tôi ngồi ghế sau còn mẹ tôi, do say xe nên nép vào góc trong của chỗ ngồi.

Tôi nói “Không lâu nữa con xe và con tới Cổng Trời”.

Mẹ tôi nói, giọng uể oải “Con nên tới những nơi gần với mình nhất”.

Tôi nói “Cổng Trời, trên đấy có Trời và con sẽ lên đó”.

Cha tôi nói “Sẽ không có gì đâu. Chẳng bao lâu xe sẽ dừng lại vì hết xăng hoặc những con đường lởm chởm đá và những tên thổ phỉ sẽ cho con thấy mình chỉ là một gã khờ”.

Mẹ tôi nói “Chuyến đi của con sẽ rất yên ổn nếu chọn một bãi biển hay một miền quê”.

Tôi nói “Cổng Trời đang trước mặt con đây. Nó còn ở xa nhưng lúc nào đấy con sẽ tìm vào”.

Cha tôi im lặng, qua lớp kính tôi nhìn thấy nụ cười nửa miệng. “Không chắc có cánh cổng. Nếu có chắc gì nó đã mở. Mà nếu mở, khi con bước quá, cánh cổng đó sẽ đóng lại và con sẽ ngã đau…”.

Tầng Thứ Ba

Nhà tôi nằm sâu trong con ngõ chật chội hướng ra đường. Trước cổng là một cánh cửa sắt nhưng giờ nó đã hoen rỉ cả. Tôi rất ít khi ra ngoài và thường chỉ ở lỳ trong nhà. Tôi rất mê thổi sáo. Vào những lúc yên tĩnh tôi thường mang sáo ra thổi. Mẹ tôi cũng rất thích tiếng sáo đó. Nhưng bây giờ bà chẳng còn nghe được gì nữa. Anh chị tôi rất thích nhạc Rock. Anh tôi mê Scorpions còn chị dâu tôi thì lâu nay vẫn thần tượng Aerosmith. Họ luôn thích thứ âm nhạc đó và khi anh tôi mở Scorpions thì ngay lập tức chị tôi bật Aerosmiths. Âm thanh chan chát và tôi chẳng nghe rõ được giọng của ai. Bố tôi thích nhạc đỏ, và ông luôn mở thứ nhạc đó. Ông bảo “Ôi thời chiến! Thời đại huy hoàng, thuở ấy…”. Em trai tôi thì vào mọi lúc đều nghe nhạc pop. Nó luôn đeo tai nghe và thứ âm nhạc đó hay dở sao chỉ mình nó biết. Em trai tôi ít lời, ngoài giờ đi học ra thì nó luôn ở trong phòng. Và tôi tin khi chỉ còn một mình nó sẽ tháo tai nghe ra. Tôi không thể thổi sáo nữa. Căn nhà tôi quá nhỏ, một người nói lớn là cả nhà đều nghe thấy. Những bản nhạc thì lúc nào cũng vang lên, hoàn toàn không theo giờ giấc. Quá lâu rồi tôi không thổi sáo, những âm thanh du dương đó giờ cũng chỉ loáng thoáng trong tôi. Người yêu thích âm điệu của tiếng sáo giờ chỉ còn mình tôi. “Phải đi ra ngoài thôi. Ở công viên hay ngoại ô sẽ rất vắng người”. Ngày đó tôi thường thổi bài gì nhỉ, cái giai điệu nó thế nào đây. Tôi chẳng nhớ nổi nữa, nó đã lạc vào những âm thanh đa chủng. Tôi phải tìm lại nó. Tôi cần một nơi yên tĩnh, ngẫm nghĩ lại. Rồi tôi sẽ nhớ ra và thổi lên. Con ngõ ngoằn ngoèo lại chẳng có đèn đóm gì nên rất khó đi. Người nhà tôi thường phải mò mẫm khá lâu mới vào được trong nhà. Tôi quá lâu chưa ra ngoài nên trong lúc dọ dẫm đã mấy lần vấp ngã và mấy lần cộc đầu vào tường. Mãi một lúc sau tôi mới lần tới cánh cửa phía ngoài ngõ. Cửa đóng im lìm, bụi bặm thời gian đã nhuộm đen cánh cửa. Tôi mở khoá và gồng sức để đẩy cánh cửa ra. Nhà tôi thường dùng bóng đèn vàng. Cái bóng điện cũng lâu rồi chưa thay nên ánh sáng chỉ lập lòe như những vệt đom đóm. Lúc nãy lại đi trong con ngõ hồi lâu, mắt tôi dần quen với bóng tối thế nên lúc mở cánh cửa ra và ánh sáng tràn vào, tôi đã phải che mắt lại. Nhiều âm thanh vang lên nhưng nhất thời tôi vẫn chưa phân định rõ được. Mắt tôi ti hí. Khi đã thích nghi được tôi mới mở mắt thật to. Và, tôi nghe rất rõ tiếng còi xe hỗn loạn ở những con phố, các cửa hàng băng đĩa mở nhạc rất to, tiếng xe máy rú ga, các nhóm người ngồi ở quán bia cười nói bỗ bã, tiếng còi xe cảnh sát và còi cứu thương náo động cả thành phố. Còn tôi, vẫn đứng ở cánh cửa. Chẳng tiến ra ngoài cũng chẳng lùi vào trong.

Tầng Thứ Tư

Xa xưa, ở mảnh đất nọ, một nhóm người du mục sống cùng loài thú. Họ là bạn, cũng là đồng hương.

Chẳng rõ từ phương nào, một bầy quỷ lông lá đến xâm chiếm. Xác người, xác thú ngã chồng lên nhau. Số sống sót trở thành nô lệ của quỷ. Mảnh đất cắm dùi thành địa bàn của lũ quỷ.

Những người du mục phải đào sắn, trồng khoai và dựng lều cho chúng. Người già yếu hoặc làm việc kém trở thành mồi nhắm của lũ quỷ. Đàn bà đẹp được chúng chọn để phối giống. Trẻ con vừa sinh ra phải uống máu quỷ. Mỗi ngày, lũ quỷ chọn ra một người khỏe mạnh và một con thú (báo, hổ, hoặc sơn dương…) để đưa ra sàn đấu. Chỉ có một kẻ được sống. Nhưng thường thì lũ quỷ phải giết cả hai vì không bên nào chịu khai chiến.

Con cáo - Thủ lĩnh của loài thú nói với nhóm người du mục “Lũ quỷ đó rồi sẽ giết sạch chúng ta. Tôi không thích chiến tranh, nhưng cần phải thế”.

Nhóm du mục đắn đo rồi gật đầu. Họ dùng vũ khí, đào hố đặt bẫy, còn loài thú thì dùng sức mạnh của răng và vuốt để chống trả lũ quỷ lông lá. Quá nhiều máu phải đổ. Xác người, xương thú và dạ dày quỷ lẫn lộn, chồng chất thành một bãi chiến trường. Bên thắng cuộc tốn thêm nước mắt cho đồng loại, người khóc vì thú, thú liếm vết thương cho người.

Những người đàn bà có chửa với loài quỷ đều bị giết hết. Đám quỷ nhỏ mới sinh đã bén hơi mùi máu cũng bị giết chôn theo. Nhóm người du mục không ra tay. Chuyện này được giao cho loài thú.

Nhóm người du mục và loài thú sống vui vẻ với nhau. Cáo thủ lĩnh nói với người lớn tuổi nhất nhóm du mục “Sau trái núi này còn rất nhiều bãi đất trống. Tôi thấy chúng ta phải tiến ra xa hơn là ở mãi mảnh đất chật chội này”.

Nhóm người du mục cùng loài thú đi khai hoang những mảnh đất chết và họ bắt đầu xây nhà, mở rộng lãnh thổ. Những mảnh đất cứ vậy rộng thêm.

Nhóm người du mục xây nhà ở đồng bằng còn loài thú thì chọn cánh rừng lớn làm nơi an cư lâu dài.

Chẳng rõ lý do gì, cáo thủ lĩnh lại rơi xuống vực. Khi xác cáo được kéo lên thì đấy chỉ là một tảng thịt vữa nát, bầy nhầy. Cả nhóm người du mục lẫn loài thú đều rất đau buồn vì việc này. Nhóm người du mục đã làm một nghi lễ hỏa thiêu để tiễn linh hồn cáo thủ lĩnh về trời. Để nghi lễ suôn sẻ, nhóm người du mục đã họp bàn với loài thú. Việc đóng xe để chở xác cáo thủ lĩnh, địa điểm cử hành nghi lễ và các thủ tục khác trong buổi lễ đều do nhóm người du mục quyết định. Ngoài cỗ xe chở xác cáo thủ lĩnh, nhóm người du mục đóng thêm vài chiếc xe để tiện đi tới nơi hỏa thiêu. Loài thú không phản đối. Những con thú mạnh khỏe nhất được chọn ra để kéo những cỗ xe. Trên đường đi, những loài thú có nhiệm vụ kéo các cỗ xe nói “Tôi biết một đường khác gần hơn”, người du mục bảo “Anh hãy đi theo đường tôi chỉ. Chúng tôi có trách nhiệm trong nghi lễ hỏa táng này và các anh phải nghe chúng tôi”. Các loài kéo xe im lặng và đi tiếp.

Nghi lễ diễn ra khá rầm rộ và loài thú thấy nhóm người du mục khóc rất nhiều. Vì xác cáo thủ lĩnh được cuộn trong nhiều lớp chiếu dày nên trong suốt nghi lễ loài thú chẳng được thấy mặt thủ lĩnh chúng lần cuối. Tất nhiên ngay cả ngày trước cũng vậy, khi cáo thủ lĩnh gặp nạn và được người du mục tìm ra thì chỉ có một số ít loài chó nhìn thấy. “Ngài cáo của chúng ta nhiều bộ phận đã nát bấy. Chúng ta hãy để ngài ấy được yên hơn là vây quanh đó và ngắm nghía”- Nhóm người du mục nói vậy và loài thú tin vào điều đó.

Mọi công đoạn trong nghi lễ đều rất trang nghiêm và cẩn trọng. Phần cuối cùng của nghi lễ, chính tay nhóm người du mục đã châm đuốc hỏa thiêu. Họ làm nhanh chóng và có phần hơi vội vã. Loài thú vốn định tiến tới nhìn thủ lĩnh của mình lần cuối nhưng nhóm người du mục đã chắn quanh chỗ hỏa thiêu. Xác cáo thủ lĩnh được vùi trong nhiều lớp chiếu nên loài hươu cao cổ đứng ở xa chỉ thấy một khối hỗn độn.

Xong nghi lễ, vài con thú nói với nhau.

“Có thật bên trong là thủ lĩnh?”.

“Tại sao không?”.

“Tôi từng thấy qua, cái xác nát bấy và không có đầu…”.

“Này, ngài cáo vừa mới ra đi thôi đấy”.

Những người du mục lớn tuổi nói to phía sau. Mấy con thú cúi đầu nhận lỗi, rồi ra về. “Thủ lĩnh đi thật rồi!”- Loài thú nói với nhau.

Một buổi sáng tinh sương, loài thú thấy nhóm người du mục kéo vào rừng rất đông. Họ chỉ ở phía bìa rừng và bắt đầu đốn cây. “Chúng tôi muốn mượn chút gỗ để xây nhà, các bạn đừng lo, chúng tôi sẽ gieo hạt giống để bù lại với số cây đã chặt”. Loài thú chẳng để ý gì vì gỗ ở rừng thiếu vài cây cũng chẳng sao.

Từng cây gỗ đổ xuống. Nhóm người du mục tiến thêm chút, thêm chút và cuối cùng vào sâu trong khu rừng. Từng tòa nhà cao được dựng lên. Một khu khai thác lâm sản, rồi một khu nữa được xây thật cao và có hàng rào sắt bảo vệ.

Loài thú chỉ còn một phần tư cánh rừng.

Loài thú nói với cộng đồng du mục “Chúng tôi ở trong rừng, các anh ở đồng bằng. Thủ lĩnh chúng tôi ngày trước đã phân chia như vậy, cớ gì các anh lại xây nhà lấn sang”.

Cộng đồng du mục nói “Mảnh đất này, cánh rừng này đều do loài người chúng tôi và loài thú các anh khai phá. Chẳng của riêng ai”.

Loài thú tức giận và đòi cộng động du mục trở về đồng bằng. Nhưng dường như họ chẳng còn nghe thấy gì. Giữa họ không còn sự tương đồng của ngôn ngữ nữa, dù rằng loài thú vẫn hiểu tiếng nói của người du mục.

Cộng đồng du mục cho rằng loài thú đang làm loạn và thay vì lời thoả thuận họ lại nghe ra tiếng gầm gừ của loài khát máu. Họ cầm vũ khí và tiêu diệt những loài mà họ cho rằng có thể đe doạ sự yên bình ở mảnh đất này. Cuộc chiến nổ ra. Cộng đồng du mục áp đảo về vũ khí. Họ đặt nhiều bẫy trong rừng. Giờ đây loài thú biết được những tòa nhà tường xây cao đặt quanh rừng đều là quân đội. Loài thú thất thế. Cộng đồng du mục ép loài thú ký giấy cầu hòa. Loài thú điểm chỉ.

Giờ đây, Cộng đồng du mục đã thuần hoá loài thú thành những thợ kéo xe chuyên nghiệp. Họ phát hiện ra lông ở một số loài thú có thể may thành áo quần tránh rét, các con thú khác sừng và xương có thể làm thuốc. Họ phá đi nhiều đồng lúa khi biết rằng thịt loài thú là món khoái khẩu. Đám thú nào còn nuôi mộng phản trắc bị bắn hạ bằng súng hoặc tống vào cũi sắt. Chúng được bêu trong sở thú để ai cũng nhận diện được. . Nhiều con đã bị mổ lấy thịt. Những loài ngoan ngoãn, đã thuần tính trở thành bạn và sống cùng cộng đồng du mục. Để no bụng và có được bùa bình an chúng phải vẫy đuôi và đứng ngồi theo ý cộng đồng du mục.

Cáo thủ lĩnh đã chết và ngủ say trong nhiều tầng ký ức. Nó được hỏa táng và vì thế không có mộ địa để viếng. Đời thú sau không hề biết đến vị già làng thủ lĩnh. Hiển nhiên các bậc trưởng lão đời trước đấy không kể lại, cũng không hề dạy chúng cách đối thoại với cộng đồng du mục.

“Tổ tiên du mục đã đổ máu để có được thời đại này…”.

Đấy là quá khứ, cũng là tư tưởng, là minh triết. Những trị giá còn mãi…Mọi thế hệ đều phải thuộc lòng. Thú và Người.

Tầng Thứ Năm

Con nhện, tôi đã nhìn thấy. Lúc đó nó đang bò trên vách tường. Thấy tôi, nó liền chui vào cái khe gần đó. Lớp lông xù xì phủ quanh những cái chân của nó đã mách bảo tôi rằng đó là một con nhện độc. Người thành phố chẳng bao giờ muốn biết con nhện thuộc loài Argyroneta Aquatica hay Turantula. Cuộc sống của họ còn quá nhiều bận rộn. Con nhện bò quanh các mái nhà, giăng tơ những chỗ tăm tối. Nó sợ con người và hầu như chỉ khi đêm xuống mới rời ổ. Lúc đấy người ở thành phố đã về nhà hết. Con nhện từng cắn người. Vết cắn chỉ gây sưng tấy. Hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe. Người trong thành phố ít nhiều cũng từng bắt gặp nó và họ đều lảng đi vì không muốn cực nhọc chỉ để bắt một con côn trùng nhỏ. Một người bị cắn, hai, ba hoặc nhiều người… Một vết sưng tấy, không gây hại và không ai bực bội tới mức phải hạ sát chúng. Lớp lông trên những cái chân nhện ngày càng rậm rạp, phần bụng phía dưới của nó phình to như quả bóng. Con nhện bắt đầu tách khỏi chỗ tối và giăng tơ trên những vách tường nơi công cộng. Qua mùa giao phối, loài nhện này nhan nhản khắp thành phố. Một vài người bị nhện cắn. Lần này họ đều tử vong. Tôi báo lên thành phố nhưng chỉ nhận được thông báo ngắn “Người dân hãy cẩn thận hơn và tránh loài nhện đó ra. Loài nhện này chỉ tấn công khi lãnh thổ bị đe doạ”. Tôi không biết đâu mới là con nhện đầu đàn nữa. Những lứa nhện sau con nào cũng lớn hơn và hung dữ bội phần. Người chết vì nhện cắn ngày một nhiều, thậm chí ngay khi đang đi trên đường loài nhện đó cũng xuất hiện và công khai tấn công con người. Người ở thành phố hoảng sợ và nhờ tới sự can thiệp của những người phụ trách. Họ đã cử người xuống để tiêu diệt lũ nhện nhưng loài nhện này giờ quá hung hãn, nọc của chúng đã độc tới mức có thể gây tử vong tức thì. Những đơn kiện đòi sự bảo hộ và các cuộc họp khẩn đã không còn hiệu lực vì rằng ngay cả ở những tòa trọc trời, loài nhện cũng leo đến. Chúng tôi chạy trốn lũ nhện. Nhưng ngay những nơi chật chội nhất ở ngoại vi thành phố tôi vẫn bắt gặp loài nhện. Chúng sinh nở và trưởng thành với tốc độ chóng mặt. Thành phố chúng tôi giờ đây tràn ngập nhện. Trên những vách tường, mái nhà hay cột đèn giao thông… Đâu đâu cũng chỉ thấy nhện. Bức tượng lớn đặt nơi quảng trường thành phố đang có một đàn nhện bò quanh. Giống nhện làm tổ trên đầu bức tượng. Chúng khoét mắt tượng như cửa ngõ để bò ra bò vào. Và tiếp tục thế, cái lưới được nối rộng ra. Những sợi tơ kéo dài hàng trăm mét. Giữa lòng chảo của tấm lưới, tôi thấy một bóng đen lớn chưa từng thấy.

Con nhện chúa.

Tầng Thứ Sáu

Tôi là một tấm bia và tôi rất lớn. Tôi được đặt trên núi cao, nơi có thể nhìn bao quát trời mây sông nước. Chân tôi cắm rất sâu xuống đất. Con người đã khắc lên tôi những nguyên tắc và họ thì tuân theo đúng những gì khắc trên đó. Những con chữ cổ kính đó rất thiêng và chẳng ai dám trái. Con người tôn sùng nhưng cũng run sợ những con chữ đó. Tôi nhìn thấy vô vàn người bị chặt đầu, bị đeo gông, bị thả rọ trôi sông…Tôi vẫn ở đó thôi và dù thân thể tôi bắt đầu rêu phong, lớp da nứt từng mảng nhưng những con chữ khắc trên tôi thì vẫn còn nguyên dù rằng nó cũng đã rêu phong.

Con người tin tưởng nhưng vẫn e dè những dòng chữ đó. Tôi nhìn thấy nhiều người khi bị xử trảm, khi bị thả trôi sông đều kêu oan, nhiều vị quan đã tới chỗ tôi thở dài, khóc vì buộc phải phán quyết sai. Một ngày nọ, con người lại tới chỗ tôi và lấy dao đâm sâu vào cơ thể tôi để xóa đi những nguyên tắc không quan trọng. Và cũng lâu hơn nữa, sau những cuộc binh biến liên miên con người kéo tới chỗ tôi và khắc những nguyên tắc khác bên cạnh những con chữ xưa cũ ngày trước. Nguyên tắc cũ vẫn ở đó nhưng không ai còn để ý tới nữa. Những chữ mới trên người tôi được chạm khắc rất nông. Tôi không còn trông thấy bóng dáng những tên đao phủ, bên bờ sông cũng không còn cảnh cái rọ chứa người trôi lềnh bềnh.

Nhiều năm trôi qua. Đám rêu chết tiệt đã phủ kín đầu và nhiều nơi trên cơ thể tôi. Da tôi sần sùi và xuất hiện nhiều vết nứt. Tôi nhìn thấy những con thuyền lớn trên sông, con người ngày một đông. Tôi thấy nhiều xác người chết dù chẳng có chuyện kết án nào. Tôi luôn băn khoăn về những xác chết vô danh bị chặt, bị lén lút bỏ bao tải. Và những cái chết đột ngột diễn ra ngay khi con người vừa rời khỏi tòa. Cố nhiên những nguyên tắc mới vẫn còn hiệu lực nhưng vẫn có trường hợp ưu tiên, những án lửng. Những cái chết kì lạ ngày một nhiều và tôi cảm thấy hoang mang cho những dòng chữ đã được chạm khắc trên tôi. Dường như các con chữ trên người tôi không còn hiệu lực nữa. Họ vẫn phán xử nhưng cách thức đã khác và hiếm khi theo những nguyên tắc khắc trên tôi. Trước mắt tôi là những cái chết và những lời tuyên án còn sau tai tôi là những lời rên rỉ, kêu oan, tiếng cười và những bữa tiệc bất tận. Tôi vùng dậy nhưng chân đã ăn quá sâu xuống lòng đất. Tôi dùng hết sức để đứng dậy. Tiếng răng rắc vang lên. Tôi vỡ ra và từng mảng rơi xuống. Các con chữ trên người tôi, cũ và mới đều vỡ bục ra và hòa với tôi thành một đống đổ nát.

Tầng Thượng

Tôi theo hầu Địa Tạng Vương Bồ Tát chốn U Minh đã được tròn một trăm năm. Cõi U Minh tăm tối và chẳng bao giờ tôi có thể yên giấc. Các Ngạ Quỷ cởi trần, gương mặt đen nhọ hung hãn, môi họ dày và thâm đen lại, những cái răng nhọn hơi cong cong nhô lên khỏi vành miệng nom như những cái nanh lợn rừng. Nơi tôi và Địa Tạng Vương ngự là tầng cuối cùng của cõi U Minh. Nơi này gọi là ngục A Tỳ. Khác với những chốn khác ở cõi U Minh, nơi đây sâu thăm thẳm, có hàng vạn nhà ngục, mỗi nhà ngục lại có hàng ngàn tội nhân. Các oan hồn nơi đây ngày ngày đều chịu khổ hình, họ không được đầu thai vì những ác nghiệp quá lớn lúc còn sống.

Một hôm tôi hỏi Địa Tạng Vương

“Tại sao ngài không lên Lôi Âm Tự khi mà từ lâu đã thành chánh quả”.

“Lôi Âm tự có gì?”.

“Thưa, nơi đó là Niết Bàn”.

“Nơi đây có gì?”.

“Thưa, có ma quỷ và oan hồn”.

“Thế Niết Bàn ở đâu?”.

“Thưa…Ở trên Lôi Âm Tự”.

“Tâm con có gì?”.

“Thưa, tâm con còn mụ”.

“Tâm mình chưa thấy sao thấy Niết Bàn!”.

Ngày Phật Như Lai giáng lâm, sứ giả nhà Phật xuống mời Địa Tạng Vương tới dự. Địa Tạng Vương bảo “Nơi đây còn quá nhiều quỷ”.

Lúc sứ giả ra về tôi hỏi “Sao ngài không lên nghe Phật Như Lai giảng kinh, trăm năm mới có một lần”.

“Trong kinh có gì?”.

“Thưa, có Phật Pháp”.

“Phật pháp là gì?”.

“Thưa, Phật Pháp là cứu rỗi”.

“Thế nơi đây có gì?”.

“Thưa, oán khí”.

“Thế cứu rỗi là gì?”.

“Thưa….”.

“Tâm con có gì?”.

“Thưa, tâm con thiếu chữ”.

“Tâm mình chưa thấy sao thấy Phật Pháp”.

Oan hồn cõi U Minh nhiều hàng vạn. Các hồn chết oan được đưa tới điện Diêm La để xét hỏi, đưa tới Sinh Tử môn để đầu thai kiếp khác, còn những hồn trước nhiều tội nghiệt sẽ được đưa tới từng tầng để tùy theo tội trạng mà trừng trị. Các hình phạt rất tàn khốc và những ngạ quỷ luôn làm việc nghiêm túc. Tiếng roi quật chát chúa, tiếng than khóc, gào thét quện đặc cả cõi U Minh.

Địa Tạng Vương hôm nay đi vắng. Tôi không thấy kì lạ, cũng không dùng phép thông linh để liên lạc với ngài bởi tôi biết hiện ngài đang hóa thành một lữ khách để cứu giúp những người nghèo và siêu độ cho những ác linh còn vất vưởng trên trần.

Tôi lên từng tầng của cõi U Minh. Hắc Bạch Vô Thường không can ngăn vì họ rất rõ về tôi. Mùi máu me tanh nồng, bên trong những song sắt, các oan hồn đứng chật ních, thân hình họ ốm o, xương lồi ra bên ngoài, họ gào thét, những bàn tay đầy xương và móng vuốt thò qua chấn song vẫy vẫy. Tôi thấy những gương mặt quen và lạ. Tiếng roi quật vun vút, những ngọn lửa đỏ rực đung đưa dù chẳng có cơn gió nào. Từng miếng thịt bị lóc ra, máu tuôn ồng ộc, một người đàn bà cầm bát cơm lên, tới gần miệng bát cơm hóa dòi, một gã to lớn bị treo lên cao và thả xuống vạc dầu, một người thanh niên trẻ bị quỷ sai bóp miệng rồi lấy kềm sắt từ từ lôi cái lưỡi ra bên ngoài, con dao sắc bén đang đợi sẵn ở đó…

Tôi tới cầu Nại Hà.

Con sông Nại Hà kéo dài vô tận, tôi dù đã theo Địa Tạng Vương được trăm năm, đã có chút thần thông nhưng vẫn không thể nào nhìn thấy được điểm cuối của con sông. Cây cầu mỏng mảnh, lúc nào cũng lắc lư, ván cầu trơn trượt nhiều chỗ đã vỡ ra nhìn thấy cả lòng sông. Sóng vỗ khiến chiếc cầu chao đảo. Những oan hồn đi trên đó rất khó khăn. Một vài người đi qua dễ dàng và chỉ thoáng chốc đã tới bờ bên kia, số khác thì chỉ đi được một quãng là bị ngã xuống sông, số còn lại thì ngả nghiêng trên cầu, miệng gào thét tới hộc máu.

Tôi định dùng phép thuật để giúp họ thì một quỷ sai bảo “Thần thông chẳng cứu được ai”.

“Họ nhìn rất đáng thương”.

“Đấy là quả họ ươm, thưa ngài”.

Cây cầu chòng chành. Mỗi khi có oan hồn rơi xuống thì hàng vạn loài cá ăn thịt hung dữ dưới lòng sông bu tới và rỉa họ trắng xương. Chốn U Minh này mỗi oan hồn đều có một sinh mệnh bất diệt nên khi bị loài quái ngư ăn thịt, họ lại tái sinh ở đầu cầu, chặng đường khác sẽ lại bắt đầu... Những thân hình ngã xuống, hoảng hốt kêu gào. Tôi bay tới, với tay kéo một người đang nắm vào dây cầu. Ông ta hoảng hốt kêu « Cứu… Cứu… Cứu tôi…”. Thân hình ông ta gầy gò nhưng nặng như đá, tôi chẳng thể kéo ông ta lên. Tôi dùng hết sức kéo ông ta thì thân hình ông ta lại chìm sâu xuống. Cơn sóng vỗ mạnh tới, ông ta bị kéo trôi đi. Trong tích tắc tôi đã thấy nước sủi tăm đỏ ngòm, những khúc xương trắng trôi lềnh bềnh dưới mặt sông. Vài chiếc sọ người ngoi trên mặt sông, hai con mắt vẫn mở thô lố.

Ở phía đầu cầu, ông ta lại tái sinh trở lại. Ông ta quỳ xuống ôm mặt, tiếng khóc vang lên nghe buốt nhói. Ông ta sẽ còn khóc lớn hơn nữa nhưng những cái quất roi nặng nề của đám ngạ quỷ đã buộc ông ta nhớ lại rằng cầu Nại Hà đang ở phía trước và ông ta phải bắt đầu lại chuyến đày ải của mình. Tiếng khóc thê lương cùng những thân mình còm cõi đang lắc lư trên cầu nhuộm tối cả lòng sông. Tiếng sóng đánh vốn rất mạnh cũng chìm nghỉm trong những âm thanh thê thiết.

Tôi trở lại bên bờ. Mắt tôi đã nhắm lại nhưng những hình ảnh đó vẫn hiện ra. Một vài người đã bình yên qua sông, số người khác thì vẫn còn ở lại.

Tôi không thể dùng phép được. Sự can thiệp thông thường cũng chẳng ích gì. Tôi im lặng hồi lâu, tiếng thét vẫn chưa dứt và ngày một lớn thêm.

“Bát nhã ba la mật đa…”.

Tôi ngồi xuống và bắt đầu niệm. Tiếng tụng kinh thoát khỏi kẽ môi, vang khe khẽ rồi lớn dần lên. Sóng vẫn vỗ mạnh. Tiếng gào thét vẫn ầm ĩ. “Bát nhã ba la…”.

Một oan hồn gục xuống khóc lóc. “Tôi… Chính tôi khi đấy...”. Một oan hồn khác quỳ xuống, dập đầu nhiều lần xuống thành cầu. Vài kẻ bị rơi xuống cầu cố ngoi lên dù chỉ bằng nửa cái đầu...

Tôi nhận ra họ. Những gương mặt có trong bữa tiệc trên trần gian, sau khi tạo ra những oan hồn.

Tiếng khóc vang lên nhưng không còn hỗn độn như trước, thanh âm dịu dần và trong trẻo như một lời sám hối. Lớp chướng khí bám trên khuôn mặt họ rã ra từng lớp. Những oan hồn đọc theo bài kinh, đám ngạ quỷ đánh rơi chiếc roi và móc sắt. Tiếng tụng kinh lớn dần và dần át đi tiếng sóng vỗ. Những oan hồn nước mắt lưng tròng, tay chắp lại và tiếp tục đi. Họ nối thành một hàng. Sóng vỗ mạnh khiến cây cầu oặt sang một bên nhưng chẳng một ai ngã xuống. Sau cùng thì họ cũng tới được bờ bên kia.

Tôi nhìn sang phía cầu Nại Hà, im lặng hồi lâu. Địa Tạng Vương ở nơi đây rất lâu, ngài nhìn thấy Phật Pháp còn tôi thì không. Phật Pháp không nằm ở vùng sáng, nó lớn lên từ vực tối.

Tôi nói với Địa Tạng Vương “Hãy dẫn con trở lại tầng thứ nhất”.

“Tâm con thế nào rồi?».

“Tâm con đã tỏ”.

Ngài gật đầu và đưa tôi đi.

Cánh cửa thứ nhất mở ra. Mùi máu tanh nồng nặc, tà khí quánh đặc, tiếng roi quất vun vút. Xương vỡ rôm rốp, vài cái đầu rụng xuống, máu xối ồng ộc, một cái đầu mới mọc lên, lưỡi đao to bè, sắc lẹm lần nữa vung lên. Hàng chục cánh tay gầy nhẵng vươn qua những chấn song, vẫy vẫy.

Tôi đi một lối, Địa Tạng Vương đi một lối. Hành lang nhà ngục dài hun hút…