Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Văn học miền Nam 54-75 (251): Sơn Nam (1)

Tiểu sử

Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại làng Đông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay thuộc xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang). Do sự nhầm lẫn của nhân viên hộ tịch, tên khai sinh của ông bị viết sai thành Phạm Minh Tày.

Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ. Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, giành lấy chính quyền ở địa phương, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam). SauHiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.

Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...

Năm 1960-1961, bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam ở nhà lao Phú Lợi (Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ. Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Sơn Nam đã viết nên nhiều tác phẩm dấu ấn, ông được nhiều người gọi yêu là "ông già Nam Bộ", "ông già Ba Tri", "ông già đi bộ’, "pho từ điển sống về miền Nam" hay là "nhà Nam Bộ học". Toàn bộ các sáng tác của ông được Nhà xuất bản Trẻ tại thành phố Hồ Chí Minh mua bản quyền. Ông qua đời ngày 13 tháng 08 năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi ông qua đời, con gái ông đã dựng một nhà lưu niệm trên khuôn viên rộng 1500m2 bên bờ kênh Bảo Định (xã Đạo Thạnh, Mỹ Tho, Tiền Giang. Nơi đây được gia đình dùng làm nơi hương khói cho ông, đồng thời cũng để những người yêu mến ông có thể ghé thăm ông.

Danh mục sách

Tên

Nhà xuất bản trước 1975

Nhà xuất bản sau 1975

Chuyện xưa tích cũ
(viết chung với Tô Nguyệt Đình)

Khai Trí 1958
Rạng Đông 1961

Nhà xuất bản Phụ Nữ 2002

Tìm hiểu đất Hậu Giang

Phù Sa 1959

 

Hương rừng Cà Mau

Phù Sa 1962
Lá Bối 1967
Trí Đăng 1972

Nhà xuất bản Trẻ 1997 - nay

Chim quyên xuống đất

Phù Sa 1963

Nhà xuất bản Trẻ 2001

Hình bóng cũ

Phù Sa 1964

 

Vọc nước giỡn trăng

Thời Mới 1965

 

Truyện ngắn của truyện ngắn

Phù Sa 1967

 

Nói về miền Nam

Lá Bối 1967

 

Vạch một chân trời

1968

Nhà xuất bản Văn Nghệ 1988

Xóm Bàu Láng

Gái Đẹp 1968

 

Gốc cây - Cục đá & Ngôi sao
(Thú chơi cây kiểng non bộ)

1969
phụ bản tạp chí Văn 1973

Nhà xuất bản Đà Nẵng 1990

Bà chúa Hòn

Kỷ Nguyên 1969

Nhà xuất bản Long An 1989

Văn minh miệt vườn

An Tiêm 1970

Nhà xuất bản Văn Hoá 1992

Người bạn triệu phú

Khai Trí 1971

 

Thiên Địa Hội và cuộc Minh Tân

Phù Sa 1971

 

Lịch sử khẩn hoang Miền Nam

Đông Phố 1973

Nhà xuất bản Văn Nghệ 1994
Nhà xuất bản Trẻ 1997

Cá tính của miền Nam

Đông Phố 1974

Nhà xuất bản Trẻ 2000

Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam

Đông Phú 1975

 

Sơn Nam: Nhà Văn Miệt Vườn

Nguyễn Ngọc Chinh

Đọc những tác phẩm của Nhà văn Miệt vườn Sơn Nam ta có dịp làm quen với rất nhiều địa danh miền  Nam. Những tên bắt đầu bằng Cái có đến hơn một chục nơi như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Mơn, Cái Nai, Cái Nước, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng

Thuở sinh thời, nhà văn Sơn  Nam  được người đọc gán cho nhiều cai tên nghe rất lạ: Ông Già Đi Bộ, Ông Già Nam Bộ, Ông Già Ba Tri hoặc Nhà Nam Bộ Học, Pho Tự Điển Sống Về Miền Nam… Tuy nhiên, theo tôi, danh hiệu Nhà văn Miệt Vườn là ý nghĩa hơn cả.

clip_image002

Sơn  Nam  (1926-2008)

Xưa kia người ta đã dùng danh từ Miệt Vườn để chỉ Nam kỳ Lục tỉnh từ thời nhà Nguyễn, tức là khoảng từ năm 1832 (cải cách hành chính của vua Minh Mạng) tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây).
Năm 1832, Vua Minh Mạng đã đổi các Trấn thành Tỉnh, đặt ra Nam Kỳ và chia đất Nam Kỳ, vốn trước là Tổng trấn Gia Định, thành 6 tỉnh nên gọi là Nam Kỳ Lục tỉnh hay được gọi tắt là Lục tỉnh. Đó là các tỉnh:
(1) Phiên An, năm 1836 đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn);
(2) Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa);
(3) Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
(4) Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long);
(5) An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc);
(6) Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.
Nhà Nguyễn đặt tên Lục tỉnh dựa theo 6 từ cuối của một câu thơ cổ:Khoái mã gia biên vĩnh định an hà (Phóng ngựa ra roi giữ yên non nước). Do đó, các tỉnh có tên: Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, AnGiang và Hà Tiên. (Theo Nguyễn Quang Thắng trong Trịnh Hoài Đức, một trong Gia Định tam gia, Nam Bộ xưa và nay, NXB TP. HCM, 2005, tr.147).

clip_image004

Nam kỳ Lục tỉnh

Ngay từ ban đầu thành lập Lục tỉnh, thành phố Sài Gòn trực thuộc tỉnh Gia Định. Trải qua năm tháng, hai tỉnh Biên Hòa và Gia Định tách khỏi nhóm Lục tỉnh, thuật ngữ Lục tỉnh thật sự chỉ còn ‘Tứ tỉnh’ nằm trong khu vục Đồng bằng sông Cửu Long, được gọi chung là Miền Tây hoặc Miệt Vườn.  Hãy nghe chính Sơn  Nam  viết về Miệt Vườn:
“Trước năm 1945 và có lẽ trước năm 1960, người địa phương không gọi ‘Đồng bằng sông Cửu Long’ mà gọi là Miệt Vườn, với câu hát khá phổ biến:
Mẹ mong gả thiếp về vườn,
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh…

clip_image006

Thủ bút của Sơn Nam viết về Miệt Vườn

Đọc những tác phẩm của Nhà văn Miệt vườn Sơn Nam ta có dịp làm quen với rất nhiều địa danh miền  Nam. Những tên bắt đầu bằng Cái có đến hơn một chục nơi như Cái Bè, Cái Bé, Cái Côn, Cái Hươu, Cái Mơn, Cái Nai, Cái Nước, Cái Răng, Cái Sắn, Cái Thia, Cái Vồn, Cái Vừng… Những địa danh bắt đầu bằng Giồng có Giồng Ông Tố, Giồng Tháp, Giồng Tượng, Giồng Xe; Gò có Gò Bầu, Gò Găng, Gò Quao, Gò Tre, Gò Xoài; Hòn thì gồm Hòn Chông, Hòn Đất; Vàm có Vàm Cỏ, Vàm Láng, Vàm Nao, Vàm Rầy, Vàm Thuận, Vàm Trư; còn Xẻo thì có những tên ngộ nghĩnh như Xẻo Bần, Xẻo Lá, Xẻo Nước, Xẻo Rô…
Miệt vườn còn có những cái tên ‘sặc mùi’ Nam bộ, mang âm hưởng Cao Miên, như Cà Bây Ngọp, Chắc Cà Đao, Chắc Băng, Láng Thé, Lấp Vò, Man Thít, Mo So, Soài Rạp, Tà Lơn, Thốt Nốt và hàng loạt những địa danh ‘bí hiểm’ như Tắt Ổ Cu, Tắt Ăn Chè, Tắt Quanh Queo hay Trà Ết, Trà Lồng, Trà Niền… Đọc Sơn  Nam  ta có dịp khám phá những địa danh vừa lạ lẫm, vừa mộc mạc, tưởng chừng như lạc vào một thế giới khác. Hãy nghe Sơn  Nam giải thích về cái tên Cà Bây Ngọp trong Tình nghĩa giáo khoa thư:
“Xứ Cà Bây Ngọp, nghĩa là trâu chết. Hồi đó nghe nói trâu “len” tới đây thất bại, phong thổ ẩm thấp, trâu chết nhiều quá. Họ đặt tên kỷ niệm luôn… Bởi vậy dân tình bệnh hoạn, thưa thớt, làng này chưa cất nổi cái trường học…”
Qua câu chuyện về xứ Cà Bây Ngọp, ta có dịp biết đến từ “len” trâu, tên một truyện ngắn của Sơn  Nam  đã được dựng thành phim Mùa len trâu bởi đạo diễn trẻ Nghiêm Minh. Ông giải thích: “Len ở đây có gốc tiếng Khơme, là tháo ra, cởi ra. “Len Krabey” nghĩa là tháo cho trâu chạy ra. Hồi xưa trâu nhiều, mà người thương trâu như bạn, giăng mùng cho trâu ngủ để khỏi bị muỗi chích, mùa nước nổi phải dắt trâu lên núi tránh nước”.

clip_image008

Sơn  Nam  (1960)

Chủ nhân đất miệt vườn gồm ba dân tộc: người Việt, người Hoa và người Khơme. Qua các tác phẩm của Sơn  Nam ta được làm quen với những lễ hội như đua ghe ngo, lễ cúng trăng, ngày bổ tróc của người Khơme. Trong Hồi ức Sơn  Nam , tác giả kể lại:
“… Khi vào trường làng, tôi học chung với vài cậu bé Việt lai Hoa, Hoa lai Khơme. Học trò không mấy đứa có khai sinh, tên nghe ngộ nghĩnh như thằng Tứng, thằng Khưng, thằng Xa Ðơn. Lắm đứa ở trần mặc quần cụt vào lớp, thỉnh thoảng lén ra ngoài sân rồi trở về nhà…
… Nhưng sôi động nhất là sự hiện diện của người Hoa, phần lớn là Triều Châu, họ mua bán sỉ lẻ, đặc biệt là tổ chức sòng bạc ngày đêm, gần như là công khai. Thanh niên phần đông là lai tạp, chiều chiều đến học võ và trình diễn nào võ Khơme, võ Việt Nam (?), võ Triều Châu, võ Lào, võ Xiêm (nhất là dịp lễ hội ở chùa Phật người Khơme)”.

Người Khơme xuất hiện trong tác phẩm của Sơn  Nam với nhiều tình cảm ưu ái. Bút hiệu Sơn  Nam  của ông cũng gắn với họ một kỷ niệm. Sơn Nam nói, ông là người Kinh, cha mẹ đặt tên là Phạm Minh Tài, (tên trong giấy khai sinh là Phạm Minh Tày, giải thích cái tên này, ông bảo do làng xã ghi lộn chữ “i” thành chữ “y”), sinh ở An Biên, tỉnh Rạch Giá, nay là tỉnh Kiên Giang. Lúc còn nhỏ mẹ ông không đủ sữa cho ông bú, nên ở xóm có một bà mẹ Khơme tốt bụng, đã cho ông bú ‘ké’. Sau này, lớn lên viết văn, để nhớ ơn bà, ông lấy bút hiệu khởi đầu bằng chữ Sơn (biểu thị một họ lớn, trong một số họ phổ biến của người Khơme) còn chữ Nam  là ở miền Nam . Bây giờ, nếu ai hiểu bút danh của ông là “một đỉnh núi cao ở miền Nam”, thì theo tôi, cũng rất phù hợp.
Trong Hồi ký Sơn Nam  ông đã tự thuật:
Tôi chào đời vào năm 1926 ở vùng U Minh Hạ, thuộc khu vực rừng tràm trầm thủy ven vịnh Xiêm La mà Pháp khoanh vùng để bảo quản và quản lý khá chặt chẽ, tuy nhiên người dân địa phưong có thể đốn cây tươi để bán lẻ tẻ hoặc dùng trong gia đình. Ðây là khu vực thuộc huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, với con rạch Thứ Sáu, hệ thống rạch mà Gia Ðịnh Thành Thông Chí đời Gia Long đã mô tả. Hơn chục con rạch ngắn, cong queo, bắt nguồn từ giữa rừng chảy ra biển, từ Ðông sang Tây, chẳng dính dấp gì đến con sông Hậu Giang. Mùa mưa, nước tràn vùng trũng, chịu ảnh hưởng hải triều, 24 giờ có hai lần lớn ròng, vì vậy, nước dưới rạch như mãi lưu thông.
…Lớn lên, đâu khoảng tôi 6 tuổi, cha tôi là con út trong gia đình bèn rời bỏ quê hương đi khẩn đất, lên phía Bắc, ven vịnh  Thái Lan, cách thị xã Rạch Giá chừng 15 kilômét phía Hà Tiên (nay gọi là vùng ven khu Tứ Giác). Bấy giờ con kinh Rạch Giá-Hà Tiên vừa đào xong nhưng chưa được sử dụng vì bên bờ thưa thớt dân cư, nước phèn mặn. Dọc theo mé biển nhiều giồng cát cao ráo đã có người Khơme định cư, co cụm trên cao, ven giồng là đất thấp, úng lụt. Thêm vài ngọn đồi thơ mộng, dính vào đất liền, gọi là vùng Hòn Chông, Ba Hòn với hai cột đá cao, nằm nghiêng một chiều, gọi hòn Phụ Tử rồi lên Hà Tiên gặp nhiều hòn đá vôi (xi măng Hà Tiên). Ăn đến biên giới là những thắng cảnh như Tô Châu, Đông Hồ, Thạch Ðộng, gần xa ngoài biển là hàng chục đảo lớn nhỏ, khi trời quang mây tạnh, nhìn thấy dạng đảo Phú Quốc khá cao và dài. Không khí u buồn nhưng chưa quá ảm đạm. Còn đâu thời Mạc Thiên Tứ với Chiêu Anh Các!”.

clip_image010

Sơn  Nam  (1990)

Người đọc những tác phẩm của Sơn  Nam  cảm thấy thích thú qua ‘ngôn ngữ kể chuyện’ và qua những đối thoại của các nhân vật ‘miệt vườn’. Ngôn ngữ miền Nam này bao gồm cả ngữ âm, ngữ pháp lẫn từ vựng. Cũng phải nói thêm, không phải chỉ mình Sơn Nam mới có loại ngôn ngữ đó. Đọc Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Lê Ngọc Trụ, Vương Hồng Sển, Hồ Biểu Chánh, Phú Đức, Bình Nguyên Lộc… người ta thấy ngay nét đặc trưng của miền Nam thời tiền chiến nhưng phải đợi đến thời của Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam và sau này là Nguyễn Ngọc Tư người đọc mới cảm nhận hết được cái mộc mạc, chân chất của những người uống nước sông Cửu Long.
Với tư cách là người đi trước, Sơn Nam nhận xét về nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Tư nổi tiếng với Cánh đồng bất tận đã được dựng thành phim:  “Cô Tư viết hay nhưng hỗn. Văn phong của cổ hơi cà rỡn. Cái nhìn trong “Cánh đồng bất tận” không rộng, nông dân ở đó không nhìn hẹp như thế mà mỗi cái họ đều có lý của họ. Ngọc Tư thông minh, sẽ còn phát triển nữa nhưng cần người chỉ dẫn sau vụ lùm xùm về “Cánh đồng bất tận”.

Sơn Nam
đôi lúc còn làm công việc giải nghĩa từ vựng của nhà ngữ học. Kho từ điển của ông thật phong phú: cũng một chữ Ghe ta còn biết thêm Ghe bè, Ghe cui, Ghe diệu, Ghe giản, Ghe hát, Ghe hầu; Nước còn có Nước rặc, Nước rằm… Các công tử người miền Nam lúc nào cũng ‘xính xái’, có khi ‘xổ nho’ mặc dù ăn diện rất ‘bảnh’, ‘xài’ tiền toàn ‘giấy bộ lư’, ‘giấy con công’, ‘giấy năm trăm’… Dân miền Nam đi ‘mần’ ở tận ‘miệt dưới’, có khi lại lên đến ‘miệt trên’…
Nhà văn Nguyễn Trọng Tín, vốn là bạn văn của Sơn  Nam , nhận xét: “Nhà văn Sơn  Nam  là một trong rất ít người còn lại hiểu biết nhiều về  Nam  bộ. Ông có nhiều cống hiến cho văn chương và là người đứng đầu trong số các nhà văn Nam bộ. Bên cạnh sự nghiệp sáng tác, ông còn rất nhiều công trình khảo cứu và sưu tập về văn hoá Nam bộ. Ðặc biệt, ông là người hiểu biết quá trình hình thành dải đất Nam bộ. Từ hiểu biết uyên bác đó ông lại thể hiện bằng những trang viết rất giản dị khiến nhiều tầng lớp độc giả đều đọc và dễ hiểu tác phẩm của ông”.

clip_image012

Sơn  Nam  (1999)

Sơn Nam bắt đầu nổi danh trên văn đàn với tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau, xuất bản tại Sài Gòn năm 1962. Ngoài truyện ngắn, ông còn thành công với những công trình biên khảo như Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Văn minh miệt vườn Gia Ðịnh xưa, Bến Nghé xưa… Nhà văn Sơn Nam tâm sự:
Lịch sử  Nam  bộ Việt  Nam  là lịch sử của công cuộc khẩn hoang trường kỳ và tự lực. Ý thức khẩn hoang mở đất ăn sâu vào máu thịt tôi. Ðời ông nội rồi đời cha tôi lo khẩn hoang, mở đất. Nên những trang viết của tôi dành cho việc khẩn hoang mở đất và thế là viết về khẩn hoang trở thành sở trường của tôi. Hơn nữa, đây cũng là đề tài mà người dân Nam bộ rất quan tâm, bởi trong ký ức của những người Sài Gòn cũ, người Nam bộ cũ, vẫn còn lưu giữ nhiều ấn tượng trong việc vật lộn với thiên nhiên, chinh phục thiên nhiên trong những ngày đầu mở đất, mở nước.
… Nam bộ nói chung, Sài Gòn nói riêng nào phải là ‘địa đàng’. Xưa kia, nước Phù Nam với trình độ cao đã sa lầy và bị tiêu diệt tại đây. Người Khơme bản địa sống co cụm trên những giồng cao ráo, làm ruộng thâm canh, không thích triển khai diện tích vào nơi đầm lầy đầy rắn, cọp và bệnh sốt rét. Người Hoa vẫn giữ tập quán thâm canh, ở đất cao, làm rẫy rau cải, khoai lang, không xông xáo ‘phá sơn lâm, đâm hà bá’ như dân Việt.
Dân ta đã định cư ở nơi đất thấp, nước phèn, đốn củi, phá rừng. Ở rạch Thị Nghè, ăn sâu vào phía Bà Chiểu (Cầu Bông ngày nay) dân miền Trung vào, sống với nghề chài lưới: bán cá để mua gạo, mua trầu cau từ nơi khác sản xuất. Cảng Sài Gòn lần hồi thành hình, dần dần đem lại phồn vinh cho một vùng đất trù phú và lý tưởng. Vùng đất Nam bộ, vùng đất Sài Gòn – Gia Định ngày nay. Công ơn của tổ tiên thật là to lớn”
.
Ông còn bước sang ‘âm nhạc miệt vườn’ hay còn gọi là ‘Đờn ca tài tử’ vốn gắn bó với người miệt vườn từ bao thế hệ. Sơn Nam khảo cứu về cội nguồn của vọng cổ như sau: “Bản Dạ cổ hoài lang xuất hiện và phát triển hàng đôi chục năm mới tạm định hình. Thoạt tiên, người chưa hội nhập với khung cảnh đặc thù của đồng bằng Nam Bộ thấy như lạ tai, ngoại lai, nhưng lần hồi nhiều người nhìn nhận nó. Có lẽ hơi hướm đầu tiên của nó là bản Hành Vân ngắn gọn, từ Huế đưa vào một khu vực có cổ nhạc thịnh hành ở Long An. Rồi nhạc sĩ Cao Văn Lầu gặp hoàn cảnh buồn bực của gia đình, vì nghèo túng phải tha phương xuống tận mũi Cà Mau, với tay nghề, với tâm hồn mở rộng, ông hội nhập dễ dàng với người Hoa (triều Châu) đang chiếm tỷ lệ đáng kể tại Bạc Liêu. Nhờ học thêm nhạc lễ với ông Nhạc Khị (Khởi), ông hoà đàn cùng bạn bè, hành nghề nhạc lễ để mưu sinh. Nhớ đến người vợ mà cha mẹ không hài lòng vì không sinh con nối dõi, ông đau khổ vô cùng thử soạn ra bản Dạ cổ hoài lang để giải sầu”.

clip_image014

Nhà văn Sơn Nam  (trái) và nhà thơ Kiên Giang (1960)

Thời cuộc đổi thay, chúng ta bắt gặp một Sơn Nam  “đổi đời” sau ngày Sài Gòn sụp đổ. Ông viết trong Cầu xin hai chữ bình an kể lại những ngày đầu khi Sài Gòn thất thủ:
“… Hai ngày qua, nhiều sự việc xảy ra. Ở phường vài cậu đến, kẻ ăn nói cộc lốc, kẻ rất nhã nhặn. Nhưng nói chung, ai cũng bảo tôi nên ‘kiếm cơ sở’ xác nhận. Tôi hiểu ngầm rằng mình đã dính líu tới cách mạng tới mức độ nào. Quả thật, tôi không phải là đảng viên cộng sản, là người có dính líu với cơ sở nào cả. Họa chăng tôi là người trong ban chấp hành của Hội Văn Bút [Pen Club], một tổ chức nghe ra thì ‘quốc tế’ nhưng chắc là không được ta ưa thích. Còn chuyện ở tù sau chót này thì chẳng có giấy tờ gì cả. Tôi ra tù vì ‘công an quốc gia’ bỏ khám, rồi chúng trốn mất tích.
Vài người bạn hiền lành thủ thỉ với tôi chuyện ‘vượt biên’ nhưng tôi chẳng cần nghe. Tôi chẳng biết tiếng Anh, nghĩ rằng hồi xưa biết chút ít chữ Pháp là đủ rồi. Chẳng có bà con, anh em nào ở nước ngoài cả, dòng họ bà con xa gần của tôi, tất cả đều còn ở U Minh… Quan điểm của tôi là cứ quê hương ‘là đủ rồi
’.
Đoàn Nam Sinh viết Nhớ Sơn Nam trên Tuổi Trẻ nhân ngày giỗ đầu của Ông già đi bộ (13/8/2009):
… Tôi nhớ bữa đưa tang Bùi Giáng ở Gò Dưa, sau bài ai điếu của Cung Văn là điếu văn của Hội nhà văn thành phố. Chú [Sơn Nam] moi bài viết trên túi áo vét xanh nhàu nhĩ, sửa lại đôi kính cũng rầu rĩ như ông chủ và run run nói:
‘Anh Giáng ơi! Sáng nay anh Nguyễn Quang Sáng nói với tui: anh là lớp trước, lại ở trong này, anh đại diện cho hội đọc dùm điếu văn này. Dzậy đây là phần của hội nghe anh Giáng…
‘… Tui đọc dzậy là xong rồi, còn đây là của tui. Anh Giáng ơi! Sinh thời anh ăn mặc xốc xếch, áo trong dài hơn áo ngoài… nhưng văn thơ của anh ngay ngắn đường hoàng. Anh có nề gì cháo chợ cơm hàng, cả cơm thừa canh cặn, nhưng câu chữ anh xài sạch sẽ, ý tứ sáng trong. Cả đời anh lang thang khi chùa khi chợ có cố định đâu đâu, mà bữa nay anh đi có quân canh lính gác, có vòng hoa của thành ủy-ủy ban, có Hội nhà văn, vậy là anh có hộ khẩu Sài Gòn rồi đó nghe anh Giáng…”

clip_image016

Văn Lang trong Nhớ về nhà văn Sơn Nam :
“… Bây giờ mọi sự đã lâu quá rồi, ngày đó chuyện trò với bác những gì, tôi chỉ nhớ được rất ít. Chuyện về cụ Phan Chu Trinh, bác nói: “Căn nhà ở Chợ Cũ (Sài Gòn), nơi cụ Phan mất và làm đám tang ở đó, bác có đề nghị nên bảo tồn để làm di tích lịch sử mà “nói hoài không ai nghe”.

Khoảng một tuần sau đó, tôi ra thăm Viện Sử học, có kể chuyện mà bác Sơn Nam nói về căn nhà ở Chợ Cũ cho một nhà nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam nghe, vị này nói nho nhỏ: “Anh biết không, ở Huế dân chúng có đúc một tượng đồng của cụ Phan Bội Châu to lắm, thế mà nó không được dựng lên, cứ để nằm dài dưới đất. Người ta bảo là nếu tượng to thì phải là tượng của người khác, bây giờ chưa có tượng nào to cả, dựng cụ Phan lên thì cụ to nhất nước còn gì! Tượng cụ Phan đã đúc sẵn rồi mà còn thế, huống gì căn nhà mà anh vừa nói!”

Về “Bến Nhà Rồng” – lúc đó mới được trùng tu xong để làm chỗ kỷ niệm nơi Nguyễn Ái Quốc rời Việt  Nam  đi Pháp lúc trước – bác bảo: “Chỗ đó có phải đâu! Tại nó có vị trí tốt nên mới được chọn đó thôi. Hồi đó có hai hãng tàu thủy khác nhau, hãng tàu mà cụ Nguyễn làm thì bến của nó nằm ở chỗ khuất tuốt phía trên (của sông Sài Gòn), khó thấy, còn cái “Nhà Rồng” là nhà của ông chủ hãng tàu kia, nằm ở chỗ ngon lành…

clip_image018

Hotel des Messageries Maritimes (ngày nay là Bến Nhà Rồng)

Nhà văn Miệt vườn Sơn Nam  qua đời lúc 13g chiều ngày 13/8/2008 tại Bệnh viện Nhân Dân Gia Định, thọ 83 tuổi. Vợ của nhà văn, bà Đào Thị Phán, hiện sống cùng vợ chồng ông Trần Văn Nghị – bà Đào Thúy Hằng (con gái cả của nhà văn Sơn Nam) tại một vùng quê ở Mỹ Tho.
Tháng 8/2011, gia đình ông xin rút tên Sơn Nam  khỏi Giải thưởng Nhà nước với lý do “Sinh thời ông cụ không màng giải thưởng, danh vọng, chỉ muốn viết để kiếm sống và để đi vào lòng người đọc”.

Thay mặt gia đình, ông Trần Đức Nghị, con rể của nhà văn Sơn Nam , cho biết: “Trước khi qua đời năm 2008, ông cụ cũng nghe phong thanh chuyện giải thưởng nhưng ông gạt đi. Ông cụ thường nói, người viết văn sống trong lòng người đọc là chính và ông viết cũng để kiếm sống, không mong được giải thưởng gì. Giờ đây ông cụ đã mất, gia đình chúng tôi không muốn đưa tên ông ra bình xét giải thưởng mà chỉ muốn cho người quá cố được yên nghỉ. Cả má tôi và vợ chồng tôi đều nhất trí như vậy”.
Gia đình nhà văn Sơn Nam  là người mới nhất muốn rút khỏi danh sách đề cử hai giải thưởng văn học trong nước năm nay, là giải Nhà Nước và giải Hồ Chí Minh. Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm, Nguyên Ngọc, Sơn Tùng, cũng xin rút ra khỏi danh sách dự giải.

clip_image020

Mộ Sơn  Nam

Trong gần 60 tác phẩm của Sơn Nam , đáng chú ý có:
- Chuyện xưa tình cũ (1958)
- Tìm hiểu đất Hậu Giang (nghiên cứu, 1959)
- Hương rừng Cà Mau (1962)
- Chim quyên xuống đất (1963)
- Hình bóng cũ (1964)
- Vạch một chân trời (1968)
- Gốc cây – Cục đá & Ngôi sao (1969)
- Lịch sử khẩn hoang miền  Nam
- Đình miếu & lễ hội dân gian miền  Nam
- Danh thắng Miền  Nam
- Theo chân người tình & một mãnh tình riêng
- Từ U Minh đến Cần Thơ – Ở chiến khu 9 – 20 năm giữa lòng đô thị – Bình An
- Tìm hiểu đất Hậu Giang & lịch sử đất An Giang
- Xóm Bàu Láng
- Hồi ký Sơn  Nam  (Nhà xuất bản Trẻ, tổng hợp từ 4 tập hồi ký: “Từ U Minh đến Cần Thơ”; “Ở Chiến Khu 9”;  “20 năm giữa lòng đô thị” và “Bình An” đã được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2005).

____________________
Webook đăng lại từ website gocnhinalan.com

Nguồn: http://webook.vn/2E924C/son-nam-nha-van-miet-vuon.aspx