Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2016

Trăng nguyên sơ (kỳ 7)

Tiểu thuyết

Nam Dao

6. cõi tình (2)

*

Ra hang ngoài, Ban Mai thắp những ngọn bạch lạp, Nàng mặc yếm tơ ngà, quàng tênh xanh, váy chùng mầu đen láng mượt, eo cuốn xà tích vòng cung mầu trắng khiến những hoa văn trên bụng nổi lên như chạm trổ. Tóc giắt trâm bạc, cổ tay đeo trằm, nàng xõa tóc hong khô, tóc mượt mà chảy thành thác xuống hai bờ vai.

Đợi tôi choàng lên người tấm áo bằng lụa vàng, cuốn cạp giữ chiếc quần ống loe làm bằng vải chàm màu tím than, Ban Mai đội khăn trắng lên đầu, mở phên cửa mây, lách ra ngoài. Nàng căng mắt nhìn xuống phía dưới, tay chỉ: “Bản em đằng kia, giờ này chắc cu Tít con em đang nghịch với lũ gà con…”. Nàng quay mặt, mắt ươn ướt, buột miệng “Em thương nó lắm!”. Lát sau, nàng mím môi bảo:

“Anh nhìn rừng nhìn núi đi, đóng cửa hang là chỉ khi K’loi động lòng làm mưa thì mới mở đấy!”

Tôi đưa mắt, nhưng chỉ thấy hình ảnh Ban Mai nõn nà trong hồ nước hang sau, tai nghe nàng thì thào: “Thanh tẩy cho sạch bụi rồi đấy anh…”.

Ban Mai lấy từ cái bọc ra hai đôi đũa và một con dao gỗ. Không nói không rằng, nàng vào hang sau, lần đến thân gỗ mục, cẩn thận nậy từng cái nấm ra để vào đĩa cũng làm bằng gỗ. Nàng thì thào:

“Nấm này Pộ mo gọi là linh chi, kị kim khí. Ăn vào, con người vượt được hai phần ba đoạn đường đi tìm hạnh phúc”.

Sững ra, tôi liên tưởng đến chính câu tôi hỏi mới dăm ngày trước, hạnh phúc là gì? Không biết, thì làm sao tìm đây? Nhưng không hiểu sao tôi trân trọng đỡ lấy cái đĩa gỗ Ban Mai đưa, nâng nó lên ngang đầu, dò dẫm bước từng bước ra hang ngoài. Ban Mai đun nước sao một loại lá rừng tôi không biết tên. Nước sóng sáng xanh biếc, uống vào miệng ngọt lự, hương thơm lừng lên mũi.

Chúng tôi xếp chân ngồi bằng tròn, trước mặt là đĩa nấm đỏ hon hỏn, ở giữa mỗi cái là một chấm vàng to bằng đầu đũa, xung quanh vô số những chấm nhỏ mầu tím lợt. Lúc ấy, tôi mới hỏi, ăn vào vượt được hai phần ba đoạn đường đi tìm hạnh phúc là thế nào. Không đáp, Ban Mai hỏi lại:

“Khi nẫy anh có nói sống chết bất cần, nhưng thật thế không?”

Sống lưng tôi bỗng lạnh đi, và tự nhiên tôi sợ. Như đoán được, Ban Mai tiếp, giọng nghiêm trang:

“Pộ mo bảo, nấm này ăn vào giải thoát con người khỏi bản năng chiếm hữu. Nó đến từ nỗi sợ. Cơ ngơi tài sản, danh vọng, quyền lực đều là vì sợ mà ra. Người ta sợ đủ thứ, nhưng rút lại đều là sợ tương lai cuộc sống. Sợ nó bấp bênh nên đi chiếm hữu để tự bảo tồn. Và vì ai cũng chiếm hữu mong trấn an cho mình, đâm ra cái sợ nhân thêm lên, là sự sợ lẫn nhau. Càng sợ, càng thèm thuồng chiếm hữu, và cứ thế, con người chẳng những không giải quyết được gì mà còn làm cho sự sống mỗi lúc một bất an. Họ tham sống, quên mất cái hữu hạn trăm năm của chính mình. Tương lai nào, với ai, rồi cũng đào sâu chôn chặt. Có kẻ tin rằng chiếm hữu bây giờ khiến tương lai con em họ sẽ khác đi. Nhưng dẫu truyền giống, cứ nghĩ xem, rồi đời nào thì cũng vậy, cũng sẽ phải chạm mặt với cùng một vấn đề…”

Ban Mai nâng một cái nấm lên ngang miệng, cười:

“Hiểu ra sự chết, và đừng sợ qui luật thời gian, bắt đầu bằng từ bỏ chiếm hữu. Lúc đó, sống và chết không là hai, mà là một. Ăn nấm này vào, ta diệt được cái bản năng chiếm hữu …Và từ đó, ta đoạt lại tự do. Sống chết đã bất cần, anh có dám ăn không?”

Không biết mình có bất cần hay không, nhưng ở cái thế này, tôi cầm lên một cái nấm, giữ vẻ bình thản bỏ vào mồm. Mỉm cười, Ban Mai làm theo. Vị của nấm đắng chát khiến tôi nhăn mặt. Từ tốn, Ban Mai mỉm cười đưa tôi bát nước. Uống vào, vị chát tan ra, trở thành ngọt dịu. Nuốt xong, tôi lại lấy thêm một cái nấm khác, hỏi:

“Đoạt lại tự do là thế nào?”

“Không chiếm hữu, không có gì ràng buộc, mình không xác định bằng những gì mình có như tiền tài, cương vị… Khi đó thì mình tự do để thể hiện cái mình là, để còn lên đường. Chiếm hữu sẽ ràng buộc những bước khởi hành như dây rợ. Muốn đi về phía trước, phải chặt dây để giải phóng mình… Pộ lại dặn, cái mình là không chỉ là mình. Đặt chân lên điều ta ngộ ra đó là bắt đầu bước vào một phần ba còn lại trên con đường tìm hạnh phúc…”

“Nhưng hạnh phúc là gì?”

Vừa nói xong, mắt tôi hoa lên. Sắc mầu trong hang bỗng chuyển động, hàng bạch lạp cắm trên ghềnh đá chao ngang nhẩy múa chẳng khác gì đám trai gái Mường trong đêm hội cầu mưa. Nhắm mắt lại, tôi định thần nhưng bằng ấy sắc mầu nay bay lượn trong tiếng bổng trầm của một dàn đại hòa tấu. Mở mắt ra, Ban Mai trước mặt tôi vẫn đấy. Tóc nàng nay bạc trắng, rủ xuống ổ rơm vàng óng lên. Ban Mai cười, mắt lóng lánh, thình lình nhìn thành nàng Hươu sao. Đưa tay ve vuốt, ôi mượt mà như nhung. Xúc giác tôi bén nhậy gấp hàng trăm hàng ngàn lần lúc bình thường, cho tôi cái cảm giác ngụp lặn vào da thịt nàng Hươu, cảm giác choáng ngợp đến độ tôi chỉ có thể tan biến ra thành không khí.

*

Tiếng chí choé của lũ vượn khiến tôi tỉnh giấc. Khí lạnh trong hang làm tôi chần chờ trong chiếc chăn bông ấm áp. Quơ tay, Ban Mai không còn nằm bên cạnh, nhưng mùi hương người nàng vẫn đâu đây váng vất. Giụi mắt ngồi lên, tôi vẫn còn như cứ lênh đênh giữa hư thực trong bóng đêm, đưa mắt xung quanh tìm. Ban Mai từ hang sau đi ra, tay cầm ngọn bạch lạp cháy dở. Ánh lạp hắt lên mặt nàng những khoảng sáng tối chẳng khác gì một bức tranh Gauguin vẽ những người đàn bà đảo Tahiti tôi đã xem trong một viện bảo tàng bên Pháp. Thấy tôi đã dậy, nàng cười: “Anh ngủ ngon quá, em không dám đánh thức!”. Rót nước cho tôi, nàng ngồi xuống bên cạnh, lưng dựa vào vách đá.

Định thần một lúc lâu, tôi nói về những cái tôi thấy, tôi nghe, tôi ngửi, tôi sờ… sau khi ăn nấm. Ban Mai bảo nàng ban đầu cũng thế, nhưng nàng thấy những cái tôi không thấy, nghe những cái tôi không nghe… Như vậy, nàng kết luận, mỗi người sống những ảo giác riêng trước cùng một thực tại. Nàng nhắc lời Pộ Mo:

“Thực tại mắt thấy tai nghe ở bên ngoài là thế giới hiện tượng. Cái phần trong con người mới là lõi, Mo gọi là hồn, phi vật thể. Nấm ăn vào sẽ đổi cái lõi cho những kẻ có căn duyên!”

Tôi hỏi, Ban Mai lắc đầu đáp rằng đây cũng là lần đầu nàng ăn nấm như tôi. “Cái gì gọi là phần hồn?”, tôi thốt lên, giọng hoài nghi châm biếm. Lẳng lặng một lúc, Ban Mai ngập ngừng:

“Có thể nó thế này… Khi em nhìn anh ngủ, em chợt thấy lòng động một niềm xót thương vô hạn, mặc dầu riêng anh có gì đâu mà phải thương xót… Em hiểu đó là niềm xót thương đó trùm lên tất cả thế giới và nhân sinh, trong đó có anh…”

Nghe Ban Mai nói, tôi chợt nhớ đến câu “yêu em lòng chợt từ bi, bất ngờ” trong một bài hát tôi lẩm nhẩm hát đi hát lại thời tôi còn giữ được tin yêu và hy vọng. Buồn bã nhận ra sự chai sạn đã cóc cách bám vào đời, tôi nhìn sâu vào mắt Ban Mai, nước mắt ứa ra, lập lại như khẩn cầu:

“Nhưng hạnh phúc là gì?”

Không biết thế nào mà hình ảnh thằng anh chết tiệt hiện ra như nhắc nhủ. Ai cũng bảo là hắn ta bất thường, nhưng mặc dầu thế, tôi chưa bao giờ thấy hắn tuyệt vọng. Lúc nào hắn cũng lao về phía trước hành động để mang đến một cái gì, kể cả những niềm hoang tưởng. Ngẫm lại, hắn huyên thuyên đủ chuyện, nhưng khi nói về hạnh phúc thì hầu như chỉ có hạnh phúc của cả xã hội hắn mới thực sự quan tâm. Hắn từng cao giọng, cái Bảo Quốc Hộ Dân là cái mang lại hạnh phúc cho mọi người.

Phần tôi, xưa nay sống như một quán tính, có lẽ tôi tránh tra vấn mình khi không cần thiết, nhưng chẳng hiểu thế nào mà lần này hai chữ hạnh phúc ám ảnh đến hớp hồn. Ban Mai vòng tay ôm đầu tôi vào, nhẹ nhàng vuốt tóc, bảo bọc như kén bọc lấy tôi, con tằm đợi giờ mong hóa bướm. Không biết bao lâu sau, tôi nghe nàng thì thào:

“Ta phải đi đoạn đầu đã. Một phần ba còn lại, khi nào đến, ta sẽ lên đường. Với nhau!”

*

Ngày hôm sau, tiếp tục ăn nấm và uống nước, tôi khám phá ra những tác động lạ lùng. Với ý chí, bộ não tôi đánh thức được trí nhớ của mọi giác quan. Tôi nhắm mắt, muốn mầu nào tức mắt thấy mầu ấy. Đi xa hơn một mức, tôi mường tượng những bức tranh đã coi, nào là Monet, rồi Van Gogh, và chúng hiển hiện trong võng mạc như có đấy. Tôi vốn nghe nhạc cổ điển mỗi lần lái xe đi làm. Và khi tôi muốn nghe Bach, lát sau tiếng đại hồ cầm âm trầm trổi lên, tai tôi nghe tấu khúc cho ba vĩ cầm cung D thứ, âm thanh réo rắt chạy đuổi nhau. Mở mắt ra, trước mặt tôi vẫn Ban Mai bất động, môi khẽ nhếch lên như sắp cười.

Nói cho Ban Mai nghe vể cái khả năng lạ kỳ tôi lần đầu chứng nghiệm, nàng không tỏ ra ngạc nhiên. Nàng thủ thỉ:

“Em khác, em nghe tiếng muôn loài, từ tiếng con trâu khụt khịt đến tiếng voi gầm, sói hú. Còn nhìn, trời chỗ nào cũng đầy những cánh chim âu bay liệng hiền hòa… Nhưng chẳng cần anh nói, em không biết tại sao em linh cảm đoán trước được. Có lẽ chúng ta đang nhập vào bước khởi đi của cuộc hòa đồng. Pộ Mo dặn, khi đó phải buông thả như mây gió trên trời cao, như sóng triều trong biển cả…”

*

Tối đó, dưới ánh bạch lạp, Ban Mai rực rỡ sức sống. Ngồi trước mặt nàng, tôi nhắm mắt, tưởng tượng nàng đến bên tôi, nói yêu tôi như chưa từng yêu ai. Tôi cũng thế, yêu lúc nào cũng là lần đầu, trinh nguyên, toàn vẹn. Ban Mai mỉm cười, cởi yếm, kéo chiếc váy chùng xuống quá gối, tay gỡ trâm bạc cài đầu, tóc lại như thác đổ xuống, uốn lượn theo những đợn sóng ngọc ngà. Tôi mở lòng tôi như đại dương, mở vòng tay rộng ngang bầu trời, chờ Ban Mai khỏa lấp mọi trống vắng. Nàng như nhung như lụa áp vào, tôi như sắt như đồng cương cứng. Tôi, Tá Cần và nàng, Yạ Kịt, yêu nhau đế đánh động lòng K’loi, sinh sôi mọi mầm sống, trên cạn là muông thú, dưới nước là tôm cá, khiến Mường Pưa dưới đây sẽ trở thành địa đàng.

Chưa bao giờ, chưa bao giờ tôi đến cực lạc như vậy. Mở mắt, Ban Mai vẫn ngồi trước mặt, môi nàng run run, miệng hé mở, mắt khép hờ, áo quần trên thân thể y nguyên vẫn thế. Nàng nói, giọng nhẹ như tiếng mây rơi đầu đỉnh núi: “Anh ơi, vừa rồi em hạnh phúc vô cùng!”. Phần dưới cơ thể tôi ướt nhờm nhợp, chứng cớ một niềm hoan lạc mà không cần đến chiếm hữu chung đụng thể xác.

Chúng tôi vào hang sau, ngâm mình trong nước hồ ấm áp, lòng hân hoan như con trẻ ngày mồng một Tết.

*

Sáng ra, Ban Mai nghiêm trang:

“Hôm nay là ngày thứ ba, ngày anh phải lấy một quyết định không đảo ngược được. Ăn nấm linh chi hai ngày xin Bua K’loi động lòng làm mưa mà được thì ta về. Nhưng nếu sau, cứ tiếp tục ăn thì đến ngày thứ bẩy ta cùng chết với nhau, trừ khi trời mưa, Pộ Mo sẽ lên đây cho ta uống thuốc phục hồi sự sống. Vì thế, em từng hỏi anh, có thật anh sống chết bất cần không? Nếu anh không sẵn sàng, xin anh cứ theo lối cũ mà về…”

Hốt hoảng, tôi chặn ngang:

“Thế còn em!”

Ban Mai bình thản:

“Em xin Bua động lòng để cứu nương cho người Mường, cứu suối cho tôm cá, cứu rừng cho muôn thú. Nếu không cứu được, chỉ còn sự chết ngự trị, em sống một mình làm gì? Nhưng anh thì khác…”

Thình lình tôi nhớ đến hai đứa con tôi và người vợ, không xấu không đẹp, không thông minh nhưng cũng chẳng đần độn. Con tôi nay đã lớn khôn, chúng nào có cần tôi như khi thơ dại. Phần vợ tôi, nàng chưa hẳn già nên có thể vá víu đi thêm một bước, với ai thì cũng như tôi, sáng đi tối về, kiếm cơm tìm áo. Bờ bên kia Thái Bình dương bỗng tít tắp xa hơn cái giới hạn địa lý đo đạc trên bản đồ. Cũng như Ban Mai, tôi tự hỏi, tôi sống một mình làm gì? Đặc biệt đối với tôi, một kẻ con đã lớn, vợ không dại, nghĩa là chẳng mấy cần tới mình.

Tôi chợt nghĩ tới chuyện chàng Cá chép và nàng Hươu sao. Chuyện nhắc nhở truyền thuyết Âu Cơ và Lạc Long quân của người Kinh, mẹ đẻ trăm trứng rồi cũng chia ra đôi ngả, bỏ bùa bỏ ngải làm phân liệt cả một dân tộc hàng mấy trăm năm. Thế thì chẳng lẽ tôi cũng lại tạo ra cái cõi vô tình, tiếp tục huyền thoại chia đôi kẻ trên rừng người dưới biển, để Bua K’loi lại nổi giận trừng phạt như Bua đã từng làm ở một quá khứ mịt mùng? Thình lình, tôi nghĩ đến cái vật Bảo quốc Hộ dân và thằng anh chết tiệt khiến tôi về đây rồi lên cái hang kỳ lạ này. Phải mưa thì mới có lúa, có gạo. Lúc này mưa cho lúa nẩy mầm thì đúng là hộ dân, chí ít cũng là dân Mường Thàng.

Ban Mai bưng ra một đĩa nấm. Lần này, nàng chọn những cái chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay, tròn trĩnh hơn, mầu hồng lợt, mặt trên nổi những cái chấm vàng tươi. Đột nhiên, tôi nhớ cái câu bất hủ, not life but love in death, xưa tôi thấy hơi sến nhưng nay bỗng sâu sắc đến như hiển nhiên. Thò tay, tôi bốc một cái bỏ vào mồm. Nấm này không chát, vị bùi, trôi tuột vào cổ họng chẳng cần chiêu nước. Ban Mai nói:

“Ăn nấm này, bản năng chiếm hữu sẽ không còn. Hai ngày trước, ta trải nghiệm thế giới vật thể chỉ là ảo giác có thể tạo từ thế giới phi vật thể. Lần này, hai thế giới sẽ chỉ là một, có và không đồng nhất. Con người được giải phóng khỏi mọi sự ràng buộc vật chất, không u mê đắm mình vào chìếm đoạt để có. Họ trở thành tự do, ngộ ra cái mình là, và đó là điều kiện cần để đạt đến hạnh phúc!”

“Nhưng hạnh phúc là gì?”, tôi lập lại câu từng hỏi.

Không đợi Ban Mai đáp, tôi nói cho nàng nghe về cái hạnh phúc của thằng anh chết tiệt. Cống hiến tha nhân hòng tìm đến thứ hạnh phúc chung là mục đích chuyến hắn lên đường đi tìm vật Bảo quốc Hộ dân. Và biết đâu thứ hạnh phúc của mọi cá nhân chỉ thể hiện được qua hành động đi tìm? Tìm cái chung mà thấy, khắc tìm ra cả cái riêng. Vì nói cho cùng, chung và riêng như hai mặt một đồng xu. Chúng bổ xung chứ không loại trừ lẫn nhau.

Nhìn sâu vào mắt tôi, Ban Mai khẽ lắc đầu, dịu dàng:

“Hạnh phúc là một trạng thái của phần hồn một con người tự do. Thế cho nên hạnh phúc cũng như con người, nhiều vô số kể, mỗi người tìm và ngộ ra hạnh phúc của mình. Pộ Mo dậy, hạnh phúc là tỉnh thức ở ngay hiện tại cuộc sống. Hạnh phúc không là tụ điểm tuyệt cùng mà luôn luôn là bước khởi đi để tiếp tục sự sống trong tương lai. Chỉ ở nghĩa này, nó mới trùng hợp với hành động đi tìm…”

“Em đã trải nghiệm trạng thái đó chưa?”, tôi ngắt.

Ban Mai ngẫm nghĩ, rồi hạ giọng:

“Một lần, đầu mùa mưa, em vào hái măng trong rừng. Khi đó, trên mặt đất đầy sâu róm đến đúng độ nở ra từ trên cây lả tả rơi xuống. Mấy đứa gái cùng đi tìm măng bỏ chạy về, chân dẵm lên những con sâu nhỏ bằng đầu ngón tay út, xác sâu bị đạp nhẹp rải khắp lối mòn dẫn từ rừng ra bản. Ban đầu, em cũng kinh hãi, nhưng không biết động lực nào khiến em không hốt hoảng chạy. Em ngồi xuống quan sát từng con sâu, lông lá sắc mầu, oằn èo khó nhọc trờn đi, vật lộn tìm chỗ sống còn. Chính cái sự sống ấy khiến em cảm động, và lúc đó, em chắp tay lạy K’loi hãy cứu lấy những con sâu nhỏ bé vô tội này. Em cảm nhận được sự huyền diệu bảo bọc thế gian, và em hòa đồng vào thế gian như một giọt nước trong sông hiền hòa chảy ra biển rộng. Thế là em rón rén đi thế nào tránh đạp vào sâu, đến tối mịt mới về đến bản, nhưng lòng rào rạt một niềm yêu thương, yêu từ con sâu đến hòn đá ven đường, yêu cơn gió tạt ngang, đám mây lững lờ tít tắp… Đấy, hạnh phúc với em lúc ấy như đại dương, còn em, là một giọt nước. Là giọt nước, em chỉ có thể cảm được đại dương bao la… Khi hạnh phúc, có lẽ ta chẳng cần nói về hạnh phúc. Giọt nước làm sao tách khỏi để nhìn ra đại dương là gì?”

Tôi nhắm mắt tưởng ra cảnh một Ban Mai trinh nguyên ngồi nhìn sự sống và chắp tay cầu K’loi cứu rỗi lấy những sinh vật bé nhỏ. Phải chăng hạnh phúc là lúc tâm hồn giao hòa giao cảm với sự sống muôn loài muôn vật ở thì hiện tại? Hỏi, Ban Mai gật đầu, giọng xa vắng:

“Anh tưởng tượng trong một thế giới người người vô cảm, dửng dưng trước sự sống chung quanh, quay lưng lại với muôn loài trong đó có đồng loại của mình, thì liệu anh có hạnh phúc được không? Cõi người ta không là cõi tình thì làm sao có hạnh phúc được! Cái hiện giết con người bây giờ là sự dửng dưng vô cảm với nhau! So với sói, với khỉ… thế thì còn kém. Nhất là trong khoảng sinh tồn thật ra rất hữu hạn, đến rồi đi…”

Tôi buột miệng:

“Thì cũng là chuyện cho một thoáng phù du thôi...”

Ban Mai bật cười:

“Em học hành chẳng bao nhiêu, nhưng biết gì em nói đấy, anh đừng cười em. Chính vì cái gì cũng rồi phù du nên mới phải triệt tiêu bản năng chiếm hữu bằng sự tỉnh thức. Không giữ gì cho mình nên ta vượt thoát được tất, kể cả qui luật thời gian hiển hình ra sinh tử. Vượt được thời gian, sát na ngay bây giờ hay ba tỉ năm sau khi trái đất này trở thành một khối băng miên viễn, thì rồi như nhau. Phù du và vĩnh cửu cũng đến thế, bận tâm mà làm gì!”

*

Chúng tôi sống với nấm và nước lá rừng sao lên uống. Đó là những ngày an bình tôi chưa bao giờ biết để tận hưởng. Trạng thái hạnh phúc đồng nghĩa với tình yêu chan hoà. Yêu tất cả. Từ tiếng chim ngoài hang ríu rít đế tiếng chân chồn chạy trên cỏ khô. Từ tiếng vượn đầu cành đến tiếng vạc ăn đêm xào xạc. Hiện thực trở thành phép lạ, nó hiển hiện qua từng cái ta nghe, ta nhìn, ta ngửi. Nhưng nó đến từ tỉnh thức, khác hẳn với những ảo giác hai ngày đầu. Mở cửa hang, chúng tôi nhìn nắng nhuộm vàng rừng cây cuối tầm mắt. Cái đẹp rực rỡ của thiên nhiên làm chúng tôi quên cả cầu cho K’loi động lòng làm mưa. Ban Mai bảo, hạnh phúc là cái phải tập. Mở lòng trải rộng ra đón nhận ngoại giới, lòng từ bi trào lên trong nội tâm, và trạng thái hòa đồng thành một với thế giới bỗng trở thành tự nhiên như nước từ nguồn, đã chẩy ra thì rồi sẽ về biển.

Đến khi tối mắt, đêm chập choạng lần về. Chúng tôi ôm nhau dưới cái chăn tình nghĩa cụ bà cho. Không thoáng gợn một chút đòi hỏi thân xác. Không sở hữu chiếm đoạt. Vì chúng tôi sinh thành từ trinh nguyên, không hành xử bằng bản năng chúng tôi đã thay thế bằng sự tỉnh thức. Trăng bên ngoài nay khuyết, chỉ còn già nửa. Ban Mai dập những ngọn bạch lạp. Ánh trăng hắt qua cánh cửa những vệt sáng lung linh trên nền hang mang cái hoang sơ vào phần hồn chúng tôi, nhẹ hơn gió, dao động với hơi thở phập phồng của vũ trụ.

Thình lình, sấm động.

Sấm ầm ì chuyển tiếng gầm gừ qua những thung lũng khô cằn. Gió lên, phần phật. Vài giọt mưa theo chiều gió tạt vào cửa hang.

Ban Mai liếm môi, giọng phấn chấn hẳn lên:

“Bua K’loi động lòng chăng! Hai đứa ta không hành xử như nàng Hươu và chàng Cá, Bua trách thế nào được!”

Tôi gật đầu, một niềm vui dâng lên trong lòng. Mở cửa hang, Ban Mai bước ra. Tôi theo sau. Tiếng sấm dồn dập, chớp xanh lè nháng lên chập chờn rừng núi chao nghiêng. Sét bất chợt soẹt lửa xé dọc bầu trời thành hai mảnh trong một tiếng nổ kinh thiên động địa.

Mưa ập xuống, ào ào như thác đổ. Để mặc cho mưa quật vào mặt, hai đứa chúng tôi hứng những giọt nước K’loi cho, thân thể ướt đầm, niềm hạnh phúc đan vào những giọt mưa kết chuỗi thành những sợi pha lê buộc trời vào đất, buộc đất vào số phận con người.

Hạnh phúc, trong cơn mưa này, là điều có thật.

*

Pộ Mo lên tận hang cho chúng tôi uống thuốc khắc phục tác động của nấm linh chi. Chân tay bải hoải nhưng đầu óc vô cùng tỉnh táo, chúng tôi lên võng để tráng đinh võng về bản lễ Tạ ơn K’loi. Vừa đến nhà sàn nơi Pộ làm lễ, cu Tít chạy xổ ra, miệng tíu tít: “Bà ngoại đã về, mẹ ơi!”. Một người đàn bà trung niên bước xuống thang. Ban Mai kêu Mẹ ơi, ôm chầm lấy bà. Mừng ra mặt, bà líu la líu lo tiếng Mường. Cụ Mế lúc ấy ra đứng cửa, gọi: “Phin à, dìu con gái vào nhà đã!”. Tôi hiểu Mế chính là mẹ nường Phin, và Ban Mai là đứa con sinh từ ân ái của Phin với một chàng chiến sĩ phòng không thời Hà Nội bị bom Mỹ.

Nường Phin véo von kể:

“Vừa đặt Nõn và Nường trên dưới đúng phép âm dương nơi nước nhỏ giọt xuống một cái hồ có thân cây gỗ mục vắt ngang trong cái hang ở đỉnh Nà Mèo thì trời nổi sấm động, sét đánh toạc không trung thành hai mảnh, và mưa xối xuống như thác đổ. Theo lời thần nhân, thế đúng là đã giải được trấn yểm đất nước này rồi!”

Tôi nhìn Ban Mai. Không nói nhưng chúng tôi đều biết nơi đó chính là cái hang chúng tôi trú ngụ năm ngày nay để làm lễ động lòng Bua K’loi. Chẳng cần hỏi thằng anh chết tiệt của tôi nay ở đâu, vì nó và tôi có khác chi nhau, lòng tôi bâng khuâng, linh cảm một nỗi ngậm ngùi tự nhiên ùa tới chiếm ngự.

Tối hôm đó, khi mọi người đã ngủ yên, tôi mở liếp cửa ra ngồi ở cầu thang bắc lên nhà sàn của Cụ bà. Không còn trăng, trời chi chít sao xếp theo những vòng xoáy trôn ốc trên cao. Mùi đất ẩm sau cả một ngày mưa bốc lên, khí lạnh len vào thấm buốt da thịt. Trầm tư về niềm hạnh phúc tôi vừa trải nghiệm khi sống-chết đồng nhất thể, phù du không khác chi vĩnh cửu, tôi nghe loáng thoáng lời Ban Mai:

“Hạnh phúc là tỉnh thức ở ngay hiện tại cuộc sống. Hạnh phúc không là tụ điểm tuyệt cùng mà luôn luôn là bước khởi đi để tiếp tục sự sống trong tương lai. Ý thức được điều này là tìm thấy vật Bảo quốc Hộ dân và giải trừ được vật trấn yểm cư dân Giao Chỉ”.

Giải được vật trấn yểm rồi, nay tôi bước tới là bước tới tương lai nào đây? Chẳng lẽ quay về sống cái đời sống tôi đã ngộ ra mọi sự nhàm chán của những con tính kế toán, bên thu bên chi, chỗ này khấu hao, chỗ kia là nợ bất khả hồi, tất cả để thành một kết toán làm đẹp lòng những người có cổ phiếu. Chẳng lẽ tiếp tục ba cọc ba đồng, cuối tháng tính toán trả tiền phone, tiền internet, tiền nợ xe, nợ nhà, nợ cạc Visa… Cứ ngồi như thế, tôi sực tỉnh khi ai đó choàng lên vai tôi chiếc chăn còn ngát mùi da thịt Ban Mai.

Quay lại, tôi không biết đó là nường Phin hay Ban Mai khuất trong bóng tối. Thu hết can đảm, tôi vội nói:

“Cho anh ở lại Mường. Đây là nơi cuối cùng anh muốn đặt chân lên thế gian này!”

Mơ hồ, một tiếng cười khan. Rồi chỉ có tiếng giun dế cất lên như phụ họa.

“Thế thì làm sao hạnh phúc có thể là bước khởi đi? Nơi cuối cùng là nơi dưới ba thước đất vùi sâu chôn chặt. Nơi đó không là thế gian Mường Pưa mà là âm gian, Mường Pưa Tịn…”

“Hay là… hay là… em đi với anh, ta vượt đại dương tìm một chân trời mới!”

Lại tiếng cười khan. Lại tiếng giun dế ồ lên, bỡn cợt.

“Chân trời mới lúc nào cũng ở trong em, bất tất phải là vật thể. Em đã đến đó với anh rồi cơ mà! Anh quên niềm hạnh phúc chúng ta tưởng chia nhau mà hóa ra nhân thành hai trong hang à? Khi ta phục hồi cõi tình làm động lòng K’loi, chẳng phải trời đã mưa sao? Và trời còn đang mưa, để mai này cây cối lại xanh tươi, nương lúa sẽ kết trái đâm mầm, chim muông bay lượn, hươu nai nhẩy nhót, những con sâu róm cũng tái sinh như sự nhiệm mầu của cuộc sống muôn loài khởi đi từ nguyên sơ, tiến hóa không ngừng…”

“Nhưng còn anh! Anh sẽ ra sao?”

Không đáp câu tôi hỏi, vẫn tiếng thì thào:

“Chàng Cá ơi, ở trên rừng sẽ có một ngày anh nhớ những kinh kỳ, những thành phố chộn rộn ngựa xe. Còn em, là Hươu, ở kinh kỳ rồi em sẽ tương tư núi rừng nương rẫy, thèm hít thở không khí chưa vẩn bụi xăng, ước ao sống mà không sợ. Anh còn nhớ con người chiếm hữu vì sợ chứ? Sợ tương lai bấp bênh, rồi càng chiếm hữu, càng sợ, và đâm ra sợ đồng loại cũng chìm đắm vào nỗi u mê chiếm hữu như mình! Vượt đại dương với anh, cả hai chúng ta sẽ lập lại lỗi lầm trong huyền thoại, phải chia đôi trăm đứa con, cắt làm hai chính mình ra chỉ vì cái ảo tưởng nghịch lý là để có nhau. Đã bảo thôi chiếm hữu, chàng Cá của em lại nhân danh tình yêu đòi sở hữu em, con Hươu sao này à?”

Tôi im lặng.

“Em nhắc nhé: hãy trải rộng ra đón nhận ngoại giới, lòng từ bi chiếm ngự nội tâm, và trạng thái giao cảm giao hòa thành một với thế giới muôn loài muôn vật sẽ trở thành tự nhiên như nước từ nguồn, đã chẩy ra thì rồi sẽ về biển. Thế là em đã vượt đại dương với anh rồi đấy!”

Tôi im lặng.

Hai tay ôm lấy vai tôi, người đàn bà sau lưng thủ thỉ:

“Anh mang chăn tình chăn nghĩa này về, khi đắp lên người thì đừng quên những phút giây hạnh phúc ở Mường này. Còn em, nhớ anh, em sẽ hát. Hát thế này anh nhé:

Cánh diều vì ai mọc cánh lên mây

Con người vì ai ngậm ngải lên non

Con nước vì ai lên trời xuống biển

Năm nay mưa ít

Mà vườn nhãn chưa hoa

Để con ong ngơ ngẩn ra vào [1]

*

Tôi về Hà Nội. Trên chuyến xe khách đi từ thị xã Hòa Bình, có một cuộc rước dâu kỳ lạ. Gia đình hai họ trên xe, cô dâu mặt che voan trắng, đầu kết hoa vải, áo váy rất made in HongKong. E thẹn nép vào vai chú rể mặc âu phục hình như quá rộng vì chắc là đi thuê, nút thắt cà-vạt chẳng khác gì nút một sợi dây thòng lọng treo cổ, mặt đỏ gay, cứ mủm ma mủm mỉm cười ruồi. Lạ một cái là ai cũng cầm trong tay những cái bao bằng plát-tích. Anh lơ xe thỉnh thoảng nhắc, giọng đùa cợt: “Vui duyên mới chớ quên là đừng nôn ra xe đấy nhé!”. Thấy tôi nhìn, một thanh niên rót rượu ra chiếc ly nhỏ, đưa tôi, vui vẻ: “Chú uống mừng cho đôi trẻ!”. Không hiểu sao tôi cảm động, cám ơn bằng cách thắt lại nút cà-vạt cho chú rể. Ông cụ thân sinh ra cô dâu ồm ồm: “Tưởng gì chứ thắt nút kiểu củ ấu bảo thì tớ cũng làm được!”. Cả xe lăn ra cười cho đến khi có tiếng kêu ơi ới. Tài xế đạp phanh thắng lại, tiếng còi xe inh lên tứ phía, chắc nhà chú rể ở đâu đây quanh quẩn. Xe ngừng, tôi vẫy chào, lòng bỗng dưng dưng như chia tay người thân.

Về lại khách sạn BK, tôi xin phòng 403. Vẫn cô bé tiếp viên ngày trước, đon đả: “Đi chơi có vui không chú?”. Mới mấy bữa mà cô đã quên từng gọi tôi bằng anh, tôi đâu có già đi với vận tốc ánh sáng. Khẽ gật, tôi lên phòng, nằm vật xuống giường. Ngủ thiếp đi, khi tỉnh giấc tôi mất dăm phút mới biết mình không còn ở Mường Thàng. Ngoài cửa sổ, tháp gươm vẫn đó. Xa xa, đồng hồ Bưu Điện đằng sau là những lô nhà cao tầng lổn nhổn chòi lên trời như những cuộng rau muống dại mọc được đến đâu là cứ mọc.

Tôi gọi ra VietNam Airline lấy chỗ cho chuyến bay về Montreal. Thu xếp xong, tôi điện thoại chào từ giã nhà thơ già trên phố Lý Quốc Sư. Ông ta hỏi: “Tìm được cái vật quí hiếm đó rồi chứ?”. Tôi đáp, ông ta cười, giọng vẫn trẻ như ở tuổi đôi mươi: “Phải thế chứ!”. Người cuối cùng tôi muốn cám ơn trước khi lên đường là Thụy. Anh ta bảo: “Cái ông bạn có ria mép ấy đi tìm anh, ông ấy ngay đây, đang hồ hởi lắm vì trúng hợp đồng với lò gốm Bát Tràng cho độc quyền xuất khẩu sang Âu Châu…”. Chưa dứt lời, Rậm-ria giằng điện thoại, giọng oang oang: “Cứ ở khách sạn, tôi đến gặp bạn ngay!”

Nửa tiếng sau, chúng tôi lên sân thượng khách sạn. Hà Nội mới được tắm gội sau cơn mưa kéo liền hai ngày, đỡ khô xám, cây ven hồ Hoàn Kiếm tươi xanh như trẻ lại. Rậm-ria lấy giọng bí mật, nói rất nghiêm trọng: “Cái việc ấy xong rồi chứ?”

Tôi gật, mặc dầu chẳng thật biết việc gì. Rậm-ria tiếp, mắt nhìn ra sau như sợ người nghe trộm:

“Thảo nào. Không thấy Triệu Tử Long cưỡi xích thố 300 phân khối di giao dịch vụ chém mướn nữa. Thế là ta giải được vật thằng Cao Biền trấn yểm cái tinh hoa Giao Chỉ rồi. Công đầu là của bạn đấy, xin chúc mừng!”

“Không! Không có gì là của tôi cả!”, tôi buột miệng.

Rậm-ria ngạc nhiên, nhưng tôi không nói chi thêm. Kể chuyện Bua K’loi động lòng vì Ban Mai và tôi đã bất chấp sống chết để phục hồi cõi tình bỏ ngỏ từ ngày nàng Hươu sao và chàng Cá chép chia tay thật chẳng ích gì cho một thương gia vừa trúng mối. Vì phục hồi cõi tình là triệt tiêu mọi chiếm hữu, cứu cánh của một nền kinh tế thị trường đang hội nhập vào cái thế giới vận động bằng những mặt hàng sinh ra lợi nhuận. Và không chiếm hữu là đoạt lại tự do cho phép mình chứ không đơn thuần mình là cái mình , điều kiện đi nốt một phần ba con đường tìm hạnh phúc, thì không thể nào len được vào tâm thức của kẻ sắp sửa nhân danh văn hóa đi bán lao động rẻ mạt một đất nước nghèo đói chênh vênh giữa thực-giả, đúng-sai. Thấy tôi im lặng, Rậm-ria vỗ vai, tươi cười hỏi một câu cho có chứ chẳng đợi trả lời: “Thế còn nàng Đào Hạ Trang thời Lý, bạn có tìm thấy nàng không?”

Lần này, tôi quả quyết: “Có chứ…” trước khuôn mặt sửng sốt của Rậm-ria. Trong đầu tôi, hình ảnh Ban Mai rực rỡ với trang phục lễ hội, trâm bạc cài tóc, cạp váy thêu hoa văn, bụng quấn xà tích, tay đeo vòng hiện ra, miệng thì thầm dặn dò, hạnh phúc là hoà đồng vào muôn loài với lòng từ bi yêu thương vạn vật, trong đó có con người.

Chia tay Rậm-ria, tôi quên chẳng hỏi tin Tiểu-quỉ. Nhưng tôi chắc, hỏi cũng vô ích, ngoài chuyện chia động từ bế tắc tôi đã từng biết. Xuống đường, tôi đi đến đầu phố Lý Quốc Sư. Trước sân mặt tiền Nhà Thờ, tôi gặp lại con bé con cứ sáng sáng chờ tôi xin tiền. Nó nay bán vé số, hồn nhiên kéo tôi đến trước một mẹt hàng bày nhang đèn vàng mã sát ngôi chùa cạnh đó. Nó nói, giọng hãnh diện:

“Mẹ cháu nay kinh doanh! Như người ta…”

Người bán hàng giở nón nhìn lên, thốt: “À, anh…”

Đó là người đàn bà từng mang con ra định bán trinh cho tôi, nay không lòe loẹt phấn son như trước. Lúng túng, bà ta nói:

“Em thôi buôn son bán phấn rồi, nay bán nhang đèn cúng Phật cầu phúc cầu đức. Làm lại cuộc đời mà anh!”

Tôi bật cười, lòng bỗng dâng lên một nỗi yêu thương, có lẽ chẳng khác gì lòng Ban Mai khi nàng rón rén tránh đạp lên những con sâu róm. Con bé sáp lại:

“Chú mua cho cháu một tập vé số nhé…”

Móc túi, có đồng nào tôi đưa hết cho nó. Cười cười, nó bảo chú cho nhiều thế này, lấy hết đống vé số này cũng còn thừa. Nói xong, nó chìa cả bị vé ra cho tôi. Cầm lấy, tôi trao lại cho mẹ nó.

Ngày mai, thế nào rồi cũng sẽ khác.

Đừng sợ.

Đừng bao giờ sợ, nhất là sợ tương lai.

N.D.


[1] Thơ Bùi Thị Tuyết Mai, Mường Trong, nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2006.