Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

Ngày tàn của ông A (kỳ 2)

FRIEDRICH DÜRRENMATT

Bản dịch Hoàng Ngọc Biên

image

A

B                           C

D                           E

F                            G

H                           I

K                           L

M                           N

O                           P

M, «nàng thơ của Đảng», vừa ngồi xuống đối diện với N. Bộ trưởng Bộ Giáo dục là một bà tóc vàng thân hình nở nang. A có lần đoán trước với vị đứng đầu Đảng ngay giữa buổi họp là bộ ngực của M là chỏm núi đá Tarpeia* nơi có ngày ông này sẽ bị đẩy từ trên cao xuống. Nàng thơ của Đảng lần ấy trang phục đặc biệt lịch sự, và A đã hăm dọa D với một giọng nhả nhớt phải nói là nặng nề. Con lợn lòi được coi như là người tình của M. Kể từ ngày đó, M chỉ xuất hiện trong các buổi họp của Bộ Chính trị với bộ đồ phụ nữ màu xám rất giản dị. N càng cảm thấy bối rối hơn khi thấy bà này đột ngột xuất hiện trong chiếc áo dài cocktail lòng thòng khoét sâu phía sau lưng, và còn hơn thế, người đeo đầy nữ trang. Ở đây hẳn phải có một lý do gì đặc biệt. Bà cũng thế bà hẳn là đã biết vụ O bị bắt. Vấn đề duy nhất cần biết là, bằng vào cuộc trình diễn này, phải chăng nàng thơ nghệ thuật muốn giữ khoảng cách đối với D bằng cách chứng tỏ mình hoàn toàn ung dung tự tại, hay trái lại, với sự táo bạo tuyệt vọng, bà muốn tuyên bố mình là nhân tình của ông ta. N không tìm ra câu giải đáp về phía D: ông đứng đầu Đảng có vẻ như chẳng đếm xỉa gì đến M. Ông ngồi xuống, ông nghiên cứu một xấp hồ sơ.

Cuộc phô trương của M còn trở nên tối nghĩa khi F, ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng đẫy đà nhỏ con bước vào. Ông ta hối hả không chào hỏi ai và ào tới nàng thơ của Đảng để kêu lên, mẹ kiếp, ăn diện quá sá, thật là đẹp, thật tuyệt vời, khác hẳn ba cái thứ quần áo phế thải người ta mặc trong Đảng. Quẳng mẹ nó đi mấy cái đồng phục! Mọi con mắt đều đổ dồn vào F, bấy giờ đang tự hỏi chết mẹ tại sao ta lại đi làm Cách mạng, sao lại đánh sụp đám cai trị ăn trên ngồi trốc và bè lũ hút máu, sao lại treo cổ bọn nông dân giàu có lên cây anh đào. «Để thiết lập cái đẹp!», ông vừa hét vừa ôm hôn và nắn bóp nàng thơ của Đảng như một con mụ nhà quê tầm thường: «Dior** thuộc về tay công nhân!» Rồi ông ta ngồi xuống giữa D và H, cả hai người đều nhích xa khỏi ông, vì có lẽ cùng nghĩ như N rằng ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng muốn diễn trò khôi hài đen bởi vì theo cái nhìn của ông ta thì việc O biến mất nhắm vào ông Trưởng ban Tư tưởng, và hậu quả, là cũng nhắm chính ông, hơn thế cũng có thể là hành động bồng bột của F không chút gì giả tạo, mà còn cho thấy ông ta tin chắc là ông Bí thư Đảng đã đi đời.

B qua khỏi ngưỡng cửa. (N chỉ vừa mới nhận ra sự hiện diện của ông Truởng ban Tổ chức Thanh niên P phía bên trái ông, một tay chân của Đảng, mặt xanh xao, với vẻ sợ sệt âu lo sau đôi kính cận, bước vào mà chẳng ai để ý.) B trầm tĩnh bước đến chỗ ông, đặt cái cặp lên bàn và ngồi xuống. Trưởng ban Tư tuởng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, là hai nguời vẫn còn đứng, cùng làm y như vậy. Uy thế của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao là không ai chối cãi, mặc dù ai cũng ghét ông. Ông đứng trên hết mọi người. Nói tóm là N ngưỡng mộ ông. Nếu ông Bí thư Đảng là hiện thân của trí tuệ và óc tổ chức, nếu ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng có được cái đầu mưu mô bản năng của những tay thực hành quyền lực, nếu ông Trưởng ban Tư tưởng là lý thuyết gia tiêu biểu nhất, thì ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đích thị đóng một vai trò khó nắm được trong đội ngũ lãnh đạo. Ông có chung với E và N một khả năng làm chủ hoàn toàn trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Đây là một ông Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lý tưởng. Nhưng khác với họ ông ngày càng có uy quyền trong Đảng mà không để bị vướng vào những cuộc cãi vã nội bộ như D và G. Ảnh hưởng của ông cũng lớn bên ngoài Đảng và ông chỉ biết có bổn phận của mình. Sức mạnh của ông bắt nguồn từ chỗ ấy. Không phải ông bất nghĩa, nhưng ông từ chối mọi thứ cam kết: về đời sống riêng tư cũng thế, ông vẫn sống độc thân. Ông ăn và uống đều chừng mực: một cốc champagne trong các bữa tiệc, chỉ có vậy thôi. Tiếng Đức của ông, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Ý của ông là hoàn hảo; công trình nghiên cứu về Mazarin của ông và luận văn của ông về những hiện trạng nguyên thủy ở Ấn độ từng được dịch ra nhiều thứ tiếng, cũng như bài tiểu luận của ông về những khái niệm số nơi người Tàu. Người ta chuyền tay nhau những bản dịch thơ Rilke và Paul Valéry của ông. Nhưng tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là «Lý thuyết khởi nghĩa» từng đem lại cho ông biệt danh Clausewitz của Cách mạng.Ông là người không thể thay thế, và bởi vậy người ta ghét ông. Bắt đầu là A là người đã đặt tên ông là «quan hoạn», cái tên giễu mọi người đều gọi theo, nhưng chính A thì không dám đem dùng trước mặt B. Trước mặt ông này ông chỉ gọi là «ông bạn B» hay, nếu đang nổi giận, thì gọi là «thiên tài của chúng ta». Ngược lại, B thì chỉ gọi «thưa bà, thưa các ông» với các đồng nghiệp của mình y như ông đang ngồi trước một cử tọa tiểu tư sản. «Thưa bà, thưa các ông», đúng là vừa ngồi xuống ông đã nói như thế và trái với thói quen của mình là chỉ cất tiếng khi nào có ai mời nói: «Thưa bà, thưa quí ông, có lẽ cần phải nêu lên đây là ông Bộ truởng Bộ Nguyên tử không có mặt.» Im lặng. B lôi từ trong cặp ra mấy tờ giấy, bắt đầu đem đọc và không nói gì thêm nữa. N cảm thấy ai nấy đều sợ. Vậy ra O bị bắt không phải là một tin đồn. Câu nói của B chỉ có thể có nghĩa như thế. «Tôi lúc nào cũng tin chắc O là một tên phản bội», Chủ tịch nước Cộng hòa K hống hách tuyên bố. O là một tên trí thức, tất cả bọn trí thức đều là những tên phản bội. «Đả đảo bọn kẻ thù của nhân dân nằm trong Đảng!», Thống chế H gào lên lần nữa. Phản ứng này của hai ông Gin-fizz Khan không có ai nối đuôi: tất cả những người khác đều giả bộ dửng dưng, trừ mỗi ông D, là người lên tiếng lớn cho mọi người nghe và gọi ai nấy đều là một đám ngu ngốc. Nàng thơ của Đảng mở cái túi của mình và lấy phấn ra thoa mặt. Ông Bộ trưởng Bộ Ngoại thương đang chúi mũi đọc một tài liệu; ông Bộ truởng Bộ Công nghiệp nặng thì bận nghiên cứu mấy cái móng tay của chính ông; ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp đang bận nhìn trước mặt mình; Trưởng ban Tư tưởng thì ghi ghi chép chép. Còn ông Bộ trưởng Bộ Giao thông L, ông đang làm cho giống cái tên mà mọi người dùng để chỉ đích danh ông: một cái tuợng đài bất động.

Đúng lúc ấy thì A và C buớc vào. Tuyệt không phải qua cánh cửa sau lưng ông Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng và ông Bộ truởng Bộ Quốc phòng, mà là qua cánh cửa mở ra sau lưng ông Trưởng ban Tư tưởng và ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. C như mọi lần mặc một bộ đồ xanh, xuềnh xoàng; A mặc đồng phục, nhưng không đeo huân chương. C ngồi xuống, A vẫn đứng sau chiếc ghế của mình và bắt đầu thận trọng nhồi thuốc lá vào ống vố. C bắt đầu sự nghiệp của mình trong tổ chức thanh niên, nơi ông đã lên đến địa vị trưởng ban trước khi đột ngột bị cách chức. Không phải bởi những lý do chính trị: những điều người ta trách cứ thuộc loại khác. Dù sao thì ông cũng đã biến mất. Người ta rỉ tai nhau là ông từng sống lây lất trong một trại tù, người ta chẳng biết gì chính xác hơn. Đột nhiên, ông xuất hiện trở lại, và còn được giao làm Trưởng ngành Mật vụ. Có điều chắc chắn, là giờ đây ông dính dáng đến những vụ đồng tính luyến ái. A gọi ông chẳng cần phải quanh co là cái «bàn đạp của Nhà nước», nhưng từ đó trở về sau không ai dám phản đối C. Đây là một con người to lớn, hơi phệ và hói. Ông ta gốc gác là nhạc công, và còn tốt nghiệp cả Nhạc viện. Nếu B là chúa tể vĩ đại của Bộ Chính trị, thì C là anh chàng sống phóng lãng của bộ phận này. Những bước đầu của ông trong Đảng vẫn là chuyện lờ mờ. Tính tàn bạo trong những phương pháp của ông ai cũng biết; sự khiếp sợ ông gieo rắc nơi mọi người là rõ rệt. Ông mang trong lương tâm vô số sinh mạng; dưới ách cai trị của ông cảnh sát mật vụ mạnh hơn cả và nghề chỉ điểm phổ biến hơn bao giờ. Nhiều người cho ông là một tên khoái những trò tàn ác; nhưng cũng nhiều người nghĩ khác. Họ cho rằng C không có chọn lựa khác, rằng A nắm đầu ông ta. Ông ta mà bất tuân, dù chỉ là chuyện nhỏ, thì A sẽ lôi vụ án ra trở lại. Cứ theo người ta nói, thì ông Trưởng ngành Mật vụ là một nhà duy mỹ, ông ta khinh bỉ địa vị và ghét nghề nghiệp của mình, nhưng bị ép buộc phải thi hành để tự cứu mạng của mình và mạng của bạn bè mình. Cứ cá nhân mà xét, thì C là một nguời đáng yêu. Ông có cái vẻ dễ thương, không những thế lại thường hay nhút nhát. Trong toàn Đảng và trong cả nước, C là kẻ nhẫn tâm hơn hết trong khi hoàn thành những phần việc của mình, nhưng đồng thời lại có vẻ là người ít hợp nhất với những phần việc đó. Và có lẽ chính đó là chỗ làm cho người ta dễ sai khiến ông.

Còn về phần A, thì ông chẳng có gì rắc rối. Sự đơn giản làm nên sức mạnh của ông. Lớn lên trên những thảo nguyên, xuất thân là dân du mục, ông không thấy có gì tự nhiên hơn sự hung bạo. Uy quyền với ông chẳng có vấn đề gì. Từ bao nhiêu năm ông vẫn sống trong một khu nhà hoàn toàn trần trụi, một thứ nhà hầm núp kín trong một khu rừng loanh quanh thủ đô. Đại đội bảo vệ ông và bà bếp giúp việc cho ông người này lẫn người kia đều đến từ cái vùng đất chính ông xuất thân. Ông xuất hiện ở dinh chính phủ chỉ để tiếp các vị Quốc trưởng nước ngoài hay các nhà lãnh đạo đảng anh em, để dự những buổi tiếp kiến hiếm hoi hoặc để chủ tọa những phiên họp của Bộ Chính trị. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị ngược lại mỗi tuần lễ ba lần phải thân hành đến chỗ ông để tường trình với ông. Mùa hè, họ đuợc tiếp trên một hiên nhà đồ đạc bày biện là những chiếc ghế mây, trong một văn phòng làm việc không có gì khác hơn là một tranh sơn dầu to tướng vẽ trên tường gợi lại cái làng quê nơi sinh trưởng của A có năm ba anh nông dân và một cái bàn làm việc còn to tướng hơn nữa, đàng sau bàn A vẫn ngồi trên ghế trong khi khách thì phải đứng. A từng cưới vợ bốn lần. Ba trong số các bà vợ đã chết, còn bà thứ tư, không ai có thể nói là bà còn sống hay không, và nếu còn sống, thì ở chỗ nào. Ngoài cô con gái của ông, ông không có con nào khác. Thỉnh thoảng, ông cho gọi đến vài cô gái trẻ trong thành phố, ông gật đầu chào họ một cái và không đòi họ làm gì khác hơn là ngồi xuống bên cạnh ông để cùng coi các phim Mỹ suốt mấy tiếng đồng hồ. Rốt cuộc ông ngủ thiếp trên ghế bành, và những người đẹp có thể ra về. Mỗi tháng một lần ông cũng cho đóng cửa Viện Bảo tàng quốc gia và đi dạo quanh quẩn một mình suốt mấy tiếng đồng hồ qua các phòng trưng bày. Ông không bao giờ nhìn những tác phẩm hiện đại. Ông đứng sững với vẻ nghĩ ngợi trước những bức tranh lịch sử quê mùa to tổ bố cuối thời đại tiểu tư sản, trước những cảnh chiến trận, trước những vị hoàng đế ủ rũ từng kết án tử hình con trai mình, trước những tiệc vui chơi trác táng của những tên kỵ binh nhẹ say mèm và những xe trượt tuyết do ngựa kéo quét qua những thảo nguyên, có những con chó sói chạy theo sau. Trình độ thưởng thức âm nhạc của ông cũng không kém cổ sơ. Ông ngưỡng mộ các bài vè sướt mướt tình cảm: cứ mỗi lần sinh nhật của mình, ban đồng ca của làng ông phải quần áo chỉnh tề đến hát cho ông nghe vài bài.

Ông rít nhiều hơi thuốc ống vố của mình và trầm tư nhìn cử tọa. N một lần nữa lại ngạc nhiên thấy ông mảnh khảnh, vô vị đến vậy: trong hình và trên truyền hình, ông có vẻ to đùng và mập lùn. A ngồi xuống và bắt đầu nói. Bằng một giọng chậm rãi, tỉ mỉ, ngập ngừng, lặp lại những chuyện đã nói và theo một logic khắt khe. Ông bắt đầu bằng một nhận xét tổng quát. Mười hai ủy viên khác của Bộ Chính trị và ủy viên dự khuyết P ngồi bất động, sửng sốt, căng thẳng. Ai nấy đều đã có kinh nghiệm. Khi A có một ý nghĩgì trong đầu, ông luôn bắt đầu bằng những nhận xét vô tận về những bước phát triển của Cách mạng. Tựa như ông phải lấy trớn để đưa ra tốt hơn những cú đánh chết người. Điều ông đang nói tới là hoàn toàn hợp với học thuyết quen thuộc của ông. Như là Đảng có mục đích biến đổi xã hội, những thành quả đạt đuợc là vĩ đại, những nền tảng của trật tự mới đã được đặt để, nhưng chúng chưa được cắm sâu vào bản chất con nguời, nhiều lắm chúng cũng chỉ là một sự bó buộc bên ngoài, nhân dân vẫn tiếp tục tư duy theo những phạm trù cũ, vẫn còn bi giam hãm bởi những thói mê tín và thành kiến, bị nhiễm độc bởi chủ nghĩa cá nhân, và vẫn còn liên tục tìm cách trốn khỏi trật tự mới để yên thân trong những kiểu ích kỷ mới, việc giáo dục quần chúng vẫn chưa hoàn tất, Cách mạng vẫn còn là việc của một thiểu số, vẫn là việc của vài ba bộ óc cách mạng, chưa hẳn là việc của đông đảo quần chúng giờ đây hẳn là đã dấn thân vào con đuờng Cách mạng, nhưng vẫn rất có thể dễ dàng để cho mình xoay sang phía khác. Như là trật tự cách mạng vẫn tiếp tục chỉ có khả năng áp đặt bằng vũ lực, Cách mạng vẫn tiếp tục kinh qua chuyên chính của Đảng, nhưng chính Đảng thì chỉ đứng vững nhờ vào lối tổ chức theo hình tháp, và việc thiết lập Bộ Chính trị vì thế đã là một yêu cầu lịch sử. Chứng minh đến đấy, thì A dừng lại để lo cho cái ống vố của mình và châm lửa trở lại. Cho đến bấy giờ, N nghĩ, A chỉ làm mỗi một việc là phổ biến đường lối của Đảng. Tại sao lúc nào ông ta cũng phải đi qua cái thứ bài học lớp đêm ấy trước khi đi vào chủ đề thực sự, tức là cái nội dung nguy hiểm? Tại sao, ở bất cứ chỗ nào, cũng phải có cái nghi lễ ấy? Tại sao phải Iặp lại, như một bài cầu nguyện lải nhải không bao giờ dứt, những lời giáo huấn chính trị mà A đưa ra, nhân danh Đảng, để củng cố quyền lực của mình? Tuy nhiên, A vừa bước vào điểm chính yếu của vấn đề. Rõ ràng là ông sửa soạn tấn công. Mọi bước tiến bộ mới hướng về mục đích sau cùng, bây giờ ông rao giảng với cái vẻ như vô hại và giọng thì không một chút nào thay đổi, đòi hỏi một sự biến đổi trong Đảng. Nhà nước mới đã chứng tỏ khả năng của mình, các bộ đều tương ứng với những khu vực hoạt động khác nhau của nó, Nhà nuớc mới có khuynh hướng tiến bộ trong nội dung, chuyên chế trong hình thức. Đó là biểu hiện của những yêu cầu thực tiễn mà chúng ta phải đương đầu từ bên trong cũng như bên ngoài; về phần Đảng, thì đối diện với những yêu cầu thực tiễn đó, với cương vị là công cụ ý thức hệ, khi đến đúng thời điểm, Đảng được yêu cầu biến đổi Nhà nước: Nhà nước, như một thực thể đặt ra, tự nó không cách mạng hóa được; chỉ có Đảng mới có thể có chức năng đó bởi vì Đảng kiểm soát Nhà nước. Duy nhất chỉ có Đảng mới có thể áp đặt một sự biến đổi Nhà nước phù hợp với những đòi hỏi của Cách mạng: chính thị là lý do khiến Đảng không thể cứ thế không thay đổi, mà trái lại còn phải làm cho cơ cấu của mình thích nghi với những giai đoạn tiếp nối của Cách mạng. Trên thực tế cái cơ cấu ấy của Đảng hãy còn được tổ chức theo thứ bậc, còn được lãnh đạo từ trên chóp, là điều tương ứng với giai đoạn đấu tranh mà Đảng phải vượt qua; tuy nhiên những cuộc đấu tranh ấy thuộc về quá khứ, Đảng đã giành thắng lợi, Đảng đang cầm quyền, giai đoạn tới đây phải là giai đoạn dân chủ hóa trong Đảng, giai đoạn này sẽ có hệ quả là công việc dân chủ hóa Nhà nước mới : tuy nhiên Đảng chỉ có thể tiến hành dân chủ hóa bằng cách hủy bỏ Bộ Chính trị và bằng cách ủy quyền của mình qua cho một nghị viện mở rộng, bởi lẽ lý do tồn tại duy nhất của Bộ Chính trị trước đây là thiết lập Đảng như một vũ khí tiêu diệt chống lại trật tự cũ, nghĩa vụ ngày nay đã được hoàn tất. Trật tự cũ không còn tồn tại nữa, vậy thì ta có thể giải thể Bộ Chính trị.

N nhận thức rõ mối nguy. Ông ta hăm dọa gián tiếp mọi người và trực tiếp thì không hăm dọa ai cả. Đề nghị của A thật quả lạ lùng. Không có một dấu hiệu nào cho ta nghĩ là A sẽ đưa ra một đề nghị như thế, đề nghị ấy xứng với một chiến thuật dựa trên hậu quả gây bất ngờ. Luận cứ của A là nhập nhằng khó hiểu; nhưng chủ tâm của ông thì hiển nhiên. Bài diễn văn của ông có tất cả những vẻ bề ngoài hợp lý luận, ông đã tôn trọng phong cách cách mạng truyền thống, được hiệu chỉnh trong vô số những cuộc họp công khai cũng như bí mật trong thời chiến đấu xa xưa. Nhưng thật ra bài diễn văn có một chỗ mâu thuẫn, và chính sự thật đã được che giấu trong sự mâu thuẫn này: A muốn biến Bộ Chính trị thành bất lực bằng cách dân chủ hóa nó, quá trình ấy sẽ giúp ông khả năng hạ bệ Bộ Chính trị và vĩnh viễn thiết lập quyền uy tuyệt đối cho mình. Ngụy trang bởi một thứ nghị viện ma, A sẽ còn có uy quyền mạnh hơn bây giờ và chính vì thế mà bài diễn văn của ông bắt đầu bóng gió nói về yêu cầu bạo lực. Chẳng có gì chắc chắn là một cuộc thanh trừng mới sắp xảy ra đến nơi. Việc giải thể Bộ Chính trị có thể được tiến hành mà không có chuyện thanh toán các ủy viên. Tuy nhiên A không phải là không thiên về việc loại bỏ những kẻ mà ông nghi hoặc có thể bị nghi là muốn chống lại uy quyền tuyệt đối của ông. Việc O bị bắt dường như đã chứng tỏ ít nhiều là A đánh hơi thấy những khuynh hướng như thế bên trong nội bộ Bộ Chính trị. Nhưng chính vào cái lúc N bắt đầu tự hỏi mình có phải là một mối nguy cho A hay không và việc giải thể Bộ Chính trị có sẽ kéo theo cả việc rơi đài của chính mình với tư cách là Bộ trưởng Bộ Bưu điện hay không (giờ đây ông chỉ thấy cái bộ tem phát hành nhân hội nghị hòa bình là có thể gợi ra như một lợi thế cho ông), thì một sự việc bất ngờ xảy ra.

* La roche Tarpéienne

** Dior: Christian Dior

B Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Quan hoạn

C Trưởng ngành Mật vụ Cái bàn đạp

D Bí thư Đảng Con lợn lòi

E Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Ngài Thanh xuân

F Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Tên đánh giày

G Trưởng ban Tư tưởng Lý thuyết gia của Đảng - Ông sùng uống trà

H Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Thống chế - Gin-fizz Khan trẻ

I Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Cựu Tổng kiểm sát

K Chủ tịch nước Cộng hòa Thống chế - Gin-fizz Khan già

L Bộ trưởng Bộ Giao thông Tượng đài

M Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nàng thơ của Đảng

N Bộ trưởng Bộ Bưu điện

O Bộ trưởng Bộ Nguyên tử

P Trưởng ban Tổ chức Thanh niên