Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Today là… To chuyện đấy!

Vũ Lâm

clip_image002

“Chân dung biển” của Nguyễn Lương Sáng. Sơn dầu,120 x 120cm

Một lần, tôi đọc trong một tạp chí nghiên cứu lịch sử câu chuyện vui của một cán bộ cách mạng về năm 1945-1946. Thời đó người kể chuyện cùng đồng đội đi dán những biểu ngữ đòi độc lập bằng nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Trung trên đường phố Hà Nội. Họ đang leo trên cây để căng một câu khẩu hiệu tiếng Anh, chợt nghe thấy một quý cô và một con sen đi ngang hè phố dừng lại lẩm nhẩm đọc rồi bình luận phía dưới. Quý cô nói với con sen: “Việt Nam to thế… ừ thì nước mình độc lập rồi, to thế là phải. Nhưng còn Việt Nam… mề sề thì là gì nhỉ?” Con sen lễ phép đáp: “Dạ thưa cô, cô hỏi con thì bằng hỏi cái đầu gối… cô ạ, vì con có biết chữ đâu. Nhưng con nghĩ là ‘mề sề’ nó cũng có nghĩa gì đó tương đương với việc to thế ạ…” Đợi hai người bỏ đi, mấy chàng đương căng biểu ngữ mới bò ra cười. Bởi vì họ đang dán khẩu hiệu tiếng Anh câu: Nước Việt Nam thuộc về người Việt Nam! Chữ tiếng Anh, không có dấu nên là: “Viet Nam to the Vietnamese!” Lúc đó thì tiếng Anh chưa phải là một ngoại ngữ phổ biến ở ta như bây giờ!

Trải qua ba thập kỷ đấu tranh cho câu khẩu hiệu đó, cuối cùng thì độc lập thống nhất cũng đã thành hiện thực. Từ phong trào Họa sĩ trẻ khởi nguồn trong mỹ thuật từ trước Đổi mới, tiền thân của Câu lạc bộ Họa sĩ Trẻ của Hội Mỹ thuật Việt Nam, thì đến ngày nay (nowadays – today), khi tiếng Anh trở thành ngoại ngữ phổ thông khắp nước, cũng đã tròn ba thập kỷ. Bởi vậy, triển lãm TODAY khi muốn tập hợp tới 53 tác giả, một đại hội kỳ ngộ để mong đánh dấu nghệ thuật thời điểm này, cũng là một sự kiện… to chuyện đấy! Thông điệp được BTC đưa ra mong muốn đây là một cuộc gặp gỡ chất lượng, chuyên nghiệp nhất có thể của các họa sĩ trẻ, đánh dấu sự hiện diện tư tưởng và phong cách của phần lớn nghệ sĩ trẻ, tạo một môi trường để chia sẻ, hợp tác và trao đổi nghệ thuật giữa những tác giả trẻ ở ba miền. Và điều cuối cùng là nhân dịp trùng hợp 30 năm đổi mới trong mỹ thuật và song song thời gian triển lãm của các nghệ sĩ thời kỳ Đổi mới do Cục Mỹ thuật tổ chức, BTC CLB Họa sĩ Trẻ muốn đặt ra cho vui một sự đối sánh giữa hai diện mạo nghệ thuật thay đổi của hai thời điểm, giữa những nghệ sĩ làm nên công cuộc đổi mới nghệ thuật (giờ đã trở thành trung niên hoặc già) và những nghệ sĩ đang đang trẻ trong thời điểm hiện tại. Tham vọng đó của những người tổ chức hẳn là đáng quý, nếu như họ muốn sinh ra và kết nối một tập hợp mới, hơn là sự khái quát và so sánh. Việc chọn lựa tuổi của tác giả tham gia cũng xác định điều đó, chỉ có năm, bảy tác giả sinh vào thập niên 70 (7x), 4 tác giả 9x, còn lại hầu hết tác giả sinh thập niên 8x, là độ tuổi nói chung là đang “hung hăng” sáng tạo, tìm đường, băn khoăn khẳng định mình nhất.

 

clip_image004

.

Như trên đã nói, bởi đây là một “đại hội kỳ ngộ” rất đông các tác giả và phong cách, chất liệu, thể loại, chủ đề, từ hội họa, điêu khắc, sắp đặt, trình diễn, videoart…, ngay trong hội họa thì cũng đã đủ các cung bậc. Mỗi tác giả chỉ có một, hoặc hai tác phẩm, nên chúng tôi không thể bình luận kỹ lưỡng riêng về bất cứ một tác phẩm–tác giả nào, chỉ tạm đưa ra một số nhận định về một trong những nét thông điệp của triển lãm, đó là “sự hiện diện tư tưởng và phong cách” của các tác phẩm, dựa trên việc quan sát điểm chung và điểm riêng biệt giữa các tác giả hiện ra trên tác phẩm.

Nếu ai hỏi ngày nay mỹ thuật Việt Nam có thuộc về người Việt Nam (như là độc lập chủ quyền) không, thì điều này không ai dám chắc, cả trên nghĩa sở hữu tác phẩm hay mầu sắc giá trị tinh thần hàm chứa trong tác phẩm. Bởi nghệ thuật là một thành tố của văn hóa, và với sự mở cửa thông thương, thì văn hóa ngày càng trở thành vật phẩm tinh thần không có biên giới, và rất có thể là không rõ chủ thể sáng tạo thuộc đơn vị quốc gia hay khu vực nào. Ba chục năm trước, khi mới mở cửa, người nước ngoài hào hứng khám phá ra mỹ thuật Việt Nam như một “nền sáng tạo” mới mẻ, nhìn tranh họa sĩ Việt vẽ, khác hẳn tranh họa sĩ Đông Nam Á vẽ, hay tranh họa sĩ Trung, Nhật, Hàn vẽ… Ngày nay, nhiều tác phẩm trưng bày mà nếu chưa rõ nguồn tác giả, người ta thật khó khăn để phân biệt tranh đó là họa sĩ ta hay họa sĩ Đông Nam Á, châu Á khác vẽ. Điều này chưa hẳn là đáng buồn hay phải lo lắng đến câu chuyện bản sắc. Mà đó là hệ quả tất yếu của sự giao lưu, không chỉ trên bình diện văn hóa mà cả các vấn đề kinh tế-chính trị ở những quốc gia có chung không khí, bối cảnh, vấn đề xã hội tương đồng. Có lẽ nên nhìn biểu hiện này như một sự “hòa nhập” khu vực? Mà nếu xét vấn đề phong cách, có thể mở rộng ra không chỉ có phong cách dân tộc, vùng miền, quốc gia, mà cả phong cách khu vực, đến cả châu lục…

clip_image006

“Tôi” của Nguyễn Tuấn Dũng. Acrylic, 80 x 150cm

Ngày xưa, tức chỉ là mới cách đây vài thập kỷ, các họa sĩ chuyên chú đi tìm cái đẹp, và trăn trở cái đẹp sẽ hiện ra như thế nào họ không thể biết trước. Còn ngày nay, các họa sĩ vẫn băn khoăn, nhưng có vẻ họ không đi tìm, mà băn khoăn đặt nặng việc bày tỏ một thông điệp cá nhân nào đó. Bức tranh hay tác phẩm nhiều khi không còn hướng về sự đẹp thuần túy, ít còn sự phấp phỏm, phập phồng chờ đợi sự thăng hoa ngẫu hứng. Đa phần mục đích đã được biết trước, vấn đề còn lại là cách thể hiện, thời gian và tay nghề cố công. Tư duy và bút pháp trên nhiều tác phẩm quá nghiêng về “đồ họa tính”, hơn là “hội họa tính”. Có những bức vẽ khó phân biệt với ảnh, trông cứ như là in ảnh ra…

clip_image008

“Mây/mưa 01” của Nguyễn Thế Hùng. Acrylic, mực và vàng lá trên giấy dó bồi trên vải, 128cm x194cm

Tuy nhiên, cũng có vài trường hợp vẫn theo đuổi lý tưởng thẩm mỹ của thời trước, như là một sự nêm cài chuyển giao không đứt mạch. Một số ít tác phẩm thì suy tư đến những giá trị truyền thống trong sự thay đổi, cũng như có những tự sự lớn hơn chuyện nhỏ to cá nhân, có quan thiết trực tiếp tới đời sống xã hội xung quanh với ngôn ngữ tạo hình có sự vận động, nhất là trên các tác phẩm điêu khắc và sắp đặt…

clip_image009

“Om Mani Padme Hum” của Nguyễn Đức Phương. Chất liệu gỗ, đồng, màu tự nhiên. 200 x 200 x 300cm

Lý giải tại sao lại có sự thay đổi như vậy là cả một câu chuyện còn to hơn cả triển lãm. Thời đại thông tin, hội nhập. Hội họa đi vào cơ chế thị trường, họa sĩ tự do sáng tác và có thể tự sống bằng nghề chứ không cần phải vào cơ quan nào. Về bản chất là hơn một nửa giới họa sĩ đã mất đi sự “bao cấp tinh thần” của thời trước. Đời sống xã hội nhiều biến trải, phập phù; người trẻ không còn phương hướng, lý tưởng rõ ràng (hoặc có khi còn không có để mà sụp đổ, hay mất định hướng), nên thừa ra sự hoang mang, nghi vấn và biếm trích,… Đến khi sự hoang mang nghi vấn phê phán được đẩy sâu thành một giá trị trên tranh pháo, thì cũng không ít người theo đuổi, tạo thành một thứ hội họa “phi hiện thực phê phán” nhan nhản. Cái ám ảnh, day dứt, khắc khoải, bâng khuâng, mơ mộng của mỹ thuật thời trước dần dà biến mất. Thay vào đó là sự phản ứng đối diện với những thông tin từ đời sống xã hội dân sự và đời sống cá nhân, nhạo cợt, phê phán, khiêu khích, bối rối, … đầy rẫy; hoặc ngược lại là một chiều khép kín, vân vi tự sự. Và cái gọi là “tinh thần thời đại” hay “trạng thái xã hội” hiện lên bàng bạc sau sự phân cực của nghệ thuật như vậy.

clip_image011

“Mở” của Đỗ Hiệp. Acrylic và giấy Dó trên vải, cẩn vỏ trai trên gỗ. 200 x 200cm

Nghệ thuật của thời này còn chứng kiến việc phân loại nghệ sĩ, phân hóa phong cách và phân luồng thông tin nghệ thuật mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ngày trước, các nhóm hay cá nhân nghệ sĩ khác phong cách hoặc lối sống, lĩnh vực… nhưng vẫn có thể biết đến, “nghe tiếng” lẫn nhau, làng nghệ sĩ tuy rộng mà hẹp. Nay thì làng nghệ thuật vẫn trong chu vi lãnh thổ đất nước, nhưng hình như các loại, nhóm, các cá nhân, các lứa tuổi có sự tách bạch, khép kín, ít xem ít biết lẫn nhau cả trong nghệ thuật và ngoài đời thực. Có chăng là tài khoản face book dài thêm ra danh sách bạn bè; các nghệ sĩ trong nước “xem” nhau qua mạng, giống như xem lơ mơ một tác giả nước ngoài tận bên kia bán cầu cùng một lúc vậy. Tuy thế, thì bản chất sự cọ xát và học hỏi trực tiếp là không thể thay đổi, tranh, tượng, hay sắp đặt thì khó có thể “thấy” gì nhiều khi xem qua ảnh được, cũng như bàn luận về nghệ thuật không thể nói qua mấy dòng status, caption…

Đây cũng là một vấn đề mới của không gian nghệ thuật thuật “today” mà ta cần suy ngẫm, đó là sự can thiệp của đời sống tin tức trên mạng internet thọc vào khá nhiều ngóc ngách cũng như chiếm không ít thời gian, không gian sống của nghệ sĩ. Có rất nhiều thông tin thấm vào tác phẩm của họ một cách chủ động, hoặc không tự giác, bởi việc tiêu dùng và phát tán thông tin lên mạng xã hội đã trở thành một nhu cầu của nhiều người, gần như hàng ngày. Thông tin thì đa số là ảo, người tiếp nhận bắt buộc phải tiếp nhận qua một kênh truyền tải gián tiếp nào đó, mà dù có bộ lọc hay không, thì theo nguyên tắc cũng sẽ bị méo mó đi ít nhiều, không thể như ta “mắt thấy tay sờ”. Nhưng cảm xúc, thái độ do thông tin đưa lại thì lại là thật. Cảm xúc, cảm giác nghệ thuật hiện lên trên tác phẩm cũng phải là cảm xúc, cảm giác rất thật và được chắt lọc mới có giá trị. Vậy đôi khi, nguồn gốc cảm xúc là ảo, trong khi anh bắt buộc phải sinh ra cảm xúc thật. Điều đó có phải là một nghịch lý trong vô vàn nghịch lý của “today” hay không? Ở đây, tôi cũng chỉ nêu ra như một câu hỏi, vừa là chất vấn, vừa tự vấn. Bởi chúng ta đang ở giữa trạng thái đang là…

clip_image012

“Cá Dollar” của Võ Thành Thân. Sơn dầu,144 x 110cm.

Điều cuối cùng, thêm một câu chuyện kể, có lần do công việc, tôi qua chơi xưởng của một họa sĩ trẻ. Thấy một loạt những bức tranh to ngất ngưởng anh vừa đem đi triển lãm về (và một số sắp đem đi triển lãm). Số tranh này, nói cho thành tâm thì con mắt tôi không… “xơi” nổi. Những cái mặt người hao hao các loại hậu “mao–pop” nhan nhản; với những hình chắp ghép lằng nhằng, nửa nghi vấn nửa trơ tráo, nửa giễu cợt; mầu sơn thì non, nhợt nhạt và lạnh lẽo. Đối diện loạt tranh to ấy, là một loạt tranh khổ nhỏ phi hình thể mầu rất thắm, ấm áp, sơn no mượt và khỏe khoắn. Tôi hỏi thì thì hay là khi anh vẽ những tranh to để đi triển lãm thì dùng luôn những toan nhỏ làm pa-let, coi như lót sẵn luôn cho bức toan nhỏ (cách này nhiều nghệ sĩ làm, tôi cũng từng được dạy làm theo như vậy) rồi thích thì bôi tiếp cho hoàn thành. Cuối cùng khi bức to xong thì thêm được một hai bức nhỏ “vẽ cho mình” để chơi. Nhưng những cái “cho mình” để mình thích thì không bán được, còn những cái “to đùng ngã ngửa” mà trơ tráo kia thì có khi lại bán được…

Nghĩ mãi về việc này, tôi chợt tạm so sánh với câu chuyện của nhiều nông dân đang làm khá lâu nay. Đó là trồng hai loại rau, loại rau phun thuốc thì mịn màng tươi tốt, đem ra chợ bán. nhưng tiềm ẩn ở trong đó là các loại “bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng” chưa tan hết cho bọn thành phố nó xực. Còn cái ruộng rau nhỏ sâu xia không có thuốc, thì để dành nhà ăn. Thế có khác gì họa sĩ trẻ làm vài loại tranh khác nhau. Nhưng chuyện rau cỏ, lợn gà… đâu có phải thẩm mỹ (và ví dụ về chuyện này của tôi cũng không nhằm phê phán gì người nông dân, bởi cả xã hội đang ngày ngày tương thuốc độc vào miệng lẫn nhau, thì người nông dân thuộc loại ít tội nhất). Thẩm mỹ của một nghệ sĩ là một quá trình bồi đắp liên tục và đòi hỏi mình quyết liệt, đi về phía trước không bao giờ dừng lại, một mình trên sa mạc cho đến chết gục thì mới mong“chạm được vào cái vu vơ cố hữu của tâm hồn con người”. Tự hạ mình làm ra nhiều loại “hàng”, trồng ra nhiều loại rau, thì đến lúc nào đó nhỡ tự tôi cũng không còn phân biệt nổi trong vườn nhà tôi đâu là loại rau độc, đâu là rau sâu mà lành, thì chính tôi sẽ “toi” trước. Để toi thật hàng loạt như ung thư bây giờ thì cũng không đến mức, nhưng tâm hồn tôi đã “ngoẻo củ tỏi” thì hết chuyện bàn. Các cụ ngày xưa nói “Ai mạc đại ư tâm tử”, tổng kết thế thì há chẳng đáng kinh lắm sao???

Nguồn: http://soi.today/?p=220482