Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2016

Tháng 3/1975 - Tây Nguyên nắng khô mưa nhão máu người (kỳ 3)

Hồi ức

(tiếp theo và hết)

Lê Công Tư

Ngay cả khi thế giới này chỉ là một nhà thương điên

thì nó cũng chưa đủ để diển tả những gì đang xảy ra nơi

đây .

Chỉ có thể nói đó là sự điên loạn được kích hoạt đến

tận cùng giữa một kho thuốc nổ…

Khúc sông mà anh ngỡ có cá sấu thực ra không hề có một con sấu nào, nếu có nó đã không tha bốn xác người đang nổi lềnh bềnh trên sôn. Bốn tấm lưng trần đã bị ánh trời nung chín không khác gì những tảng thịt của mấy con heo quay, chứng tỏ họ chết cũng đã lâu, đã bốc mùi còn hơn mùi chuột chết. Rải rác dọc theo bờ sông là những nấm mồ của những du kích quân cộng sản được chôn vội vã sơ sài. Anh nhận ra điều này từ mấy tấm bia được làm từ những miếng ván vẫn còn tươi.

Bên dưới bóng mát của một tán cây to rộng có một nhóm người đang ngồi. Họ đang ăn bắp, trước mặt họ là một khúc sông đẹp đẽ êm ả như tuổi thơ của bát kỳ ai đó. Bọn anh cũng dọn mấy chiếc lá khô để ngồi. Hình như nhóm đã ngồi trước bọn anh cũng mới quen nhau. Anh nghe một phụ nữ trong nhóm kể: “Cứ nghĩ đến cái lần uống nước hồi nãy mà tôi vẫn còn lạnh cả người. Ai đời, vừa vốc miếng nước để rửa mắt, tính vốc thêm vốc nữa thì máu tôi muốn đông lại vì ngay dưới chân tôi là một cái xác chết tự hồi nào, chương lên nổi lềnh bềnh trên mặt nước…”.

Vốn đã no nê với những cái chết rừng chết bụi, câu chuyện người phụ nữ kể không khác chút mắm muối thêm vào cuộc tháo chạy mà những cái chết của đồng loại đã ngập ngụa cả đời anh. Chưa có lần nào mà sức chứa những xác chết trong đầu anh lại ngang bằng một nghĩa địa như lần này. Những người chết không áo quan, không bia mộ, không tang lễ… nằm chồng chất xếp đống trong đầu anh...

Ngồi một hồi rồi cả bọn đứng dậy tiếp tục lên đường. Đi thêm một đoạn nữa, anh nhận ra con đường nhỏ ven sông đã biến mất và trước mặt là một hương lộ mà xe bò xe trâu có thể chạy được, rõ ràng là một đường làng. Lù mù đoán ngôi làng này chắc cũng đã do Cộng Sản kiểm soát, anh móc bóp lấy tất cả giấy tờ có liên quan tới lính cùng cái thẻ bài quăng vào bụi rậm, như để kết thúc tất cả những gì có thể nhận diện anh là người lính của một chế độ đang sụp đổ từng ngày…

Con đường dẫn vào làng đầy dấu chân trâu, có những thanh niên cầm súng đi về phía bọn anh. Anh cố nhìn xem những khẩu súng trên tay họ là súng gì bởi vẫn hy vọng cuối cùng biết đâu chừng họ là nhân dân tự vệ. Khi nhận ra trên tay họ toàn là AK thì anh biết rõ mình đang ở đâu và họ là ai. Mấy người thanh niên chĩa súng vào anh, yêu cầu đưa tay lên để họ lục soát. Lúc này thì anh chẳng còn gì để họ lục soát. Họ hỏi qua loa lý lịch, anh nói mình trốn lính, đi làm rừng trên Pleiku, còn giờ thì anh chỉ muốn về nhà trên Đà Lạt. Mấy thanh niên nói vùng này đã được giải phóng và các anh sẽ được đón tiếp. Và thực sự họ đón tiếp không tồi chút nào. Dọc theo lối đi vào sâu trong xóm, anh thấy những cánh tay với đầy bánh trái đang chìa qua hàng rào dâm bụt. Mọi người chỉ còn mỗi một việc là cầm lấy mà ăn. Phía sau những khóm lá là khuôn mặt của những bà già nhân hậu, chơn chất, hiền khô khiến anh nhớ đến mẹ mình.

Bọn anh xin họ để ở nhờ một ngôi nhà cạnh bờ sông.

Lần đầu tiên anh sống trong một ngôi làng do cộng sản kiểm soát. Chắc là do mới tiếp thu nên quản lý còn rất lỏng lẽo, chưa có bất kỳ ảnh hưởng nào lên cuộc sống của người dân. Cuộc sống vẫn trôi qua dưới bóng mát của những tán lá phủ quanh làng, người dân vẫn tiếp tục công việc đồng áng đã bao đời nay. Thỉnh thoảng có người tới tận nhà nhắn dân đi họp, nhắc nhở lính của chế độ cũ đi qua bên kia sông trình diện để được hưởng khoan hồng, nhắc nhở giao nộp vũ khí… Những lúc trầm mình trong khúc sông nước trong veo chảy qua ngôi làng nhỏ, anh vẫn thấy hoang mang, vẫn đắn đo với chuyện nên qua sông trình diện hay tiếp tục lội suối băng rừng đi nữa. Tắm chán, anh lại lội vào ruộng mía, bẻ mía ăn. Trẻ chăn trâu nói đây là ruộng mía của ông trưởng ấp chế độ cũ bỏ lại, ai muốn ăn cứ vô đó bẻ ăn tự do. Anh hỏi thằng bé:

-Mấy người đó đi lâu chưa?

Nó nói:

-Khoảng một tuần rồi.

Anh lại hỏi :

-Họ đi bằng đường nào?

Nó chỉ vào dãy núi trước mặt.

Chị chủ nhà cho bọn anh ở tạm là một phụ nữ rất tốt bụng. Anh kín đáo hỏi về tình hình bên kia sông, chị nói: “Tôi thấy bên đó họ lọc dân ra một bên, lính ra một bên. Tất cả ai còn trong tuổi thanh niên đều bị xem là lính. Lính thì họ đưa hết lên núi để học tập cải tạo gì đó, còn dân thì ở đâu về đó.

Anh hỏi thăm dò :

-Qua bên đó tôi khai tôi trốn lính đi làm rừng họ có tin không chị?

-Họ không có tin đâu anh à, tuổi cỡ như anh họ giữ lại hết.

Thấy chẳng ổn chút nào, anh gọi cô gái ra bờ sông rồi nói:

-Em qua sông đi, bên đó có xe về Nha Trang. Họ chẳng làm khó dễ gì đàn bà con gái đâu. Còn anh qua bên đó thì phải trình diện rồi đi học tập cải tạo. Anh sẽ tiếp tục đi đường núi, về tới Đà Lạt rồi muốn ra sao thì ra, vì mẹ anh đang ở trên đó.

Cô gái nhìn anh lưu luyến, bịn rịn:

-Anh nhớ địa chỉ ở Nha Trang của em chưa? Tới Nha Trang anh nhớ ghé nhà em chơi nhé.

-Nếu anh còn sống.

Hai đứa học sinh cũng không thấy lý do để băng núi, lội rừng nữa. Chúng vào nhà thu xếp đồ đạc chào tạm biệt chủ nhà và anh rồi theo cô gái qua bên kia sông đón xe về Nha Trang. Anh biết những người lính còn nấn ná như anh đang ở trong làng này khá nhiều. Họ lẩn quẩn nơi đây để nghe ngóng tin tức động tĩnh, cũng như anh họ sợ nộp mình cho cộng sản, sợ thân phận làm tù binh… Cuối cùng anh cũng thuyết phục được một tay quân cảnh và một tay chiến tranh chính trị đi tắt đường núi ra Phú Yên.

Thu xếp xong mọi thứ, dẫn cả hai ra ngoài ruộng mía tìm lại đứa trẻ chăn trâu hôm trước, anh nói:

-Anh sẽ tặng em chiếc đồng hồ đeo tay này nếu em chỉ anh con đường băng rừng mà ông trưởng ấp ở đây đã đi.

-Anh nói chắc không đó?

-Em yên tâm, anh không gạt em đâu mà.

Nói xong anh tháo đồng hồ đưa cho thằng bé.Nó dẫn cả bọn băng qua ruộng mía, tới một cánh rừng thưa đầy những con đường mòn nhỏ dành cho trâu bò với thợ rừng đi rồi nói :

-Anh đi theo con đường lớn này, băng qua bụi cây kia rồi cứ theo đó mà đi. Người trong làng này cũng theo con đường đó.

Đây đó trên con đường đầy cả giấy tờ mà ai đó đi trước đã bỏ lại. Anh tự nhủ cứ đi theo dấu vết của các thứ giấy má rác rưởi những người đi trước bỏ lại cũng có thể đến nơi an toàn.

Mới tới lưng núi đã thấy bên cạnh một bếp lửa nguội lạnh là một con bò đã chết mà vẫn còn nguyên, người ta chỉ mới ăn mỗi cái đùi của nó. Càng lên cao rừng càng rậm, khó đi, và rồi trời bắt đầu đổ mưa. Vốn không lạ gì với những nỗi buồn heo hút nghe được từ những cơn mưa rừng, con đường họ đi bắt đầu trơn trượt, và rồi anh nghe tiếng suối đổ ầm ỹ. Kinh nghiệm đi rừng dạy cho anh biết cứ men theo suối là sẽ ra tới đồng bằng. Lúc anh đang tìm đường xuống suối thì người lính chiến tranh chính trị la lên:

-Nhìn kìa.

Theo hướng tay hắn chỉ là một người phụ nữ nằm chết tự hồi nào, bên cạnh là chiếc va li đã bị lục tung, giấy tờ quăng vất bừa bãi, trông có vẻ là một vụ cướp. Xa hơn chút, ngay gần vực núi là xác hai người lính nằm chết cong queo. Cả hai cái xác đều bị vướng vào cây nhỏ bên triền vực, nếu không chúng đã lăn xuống suối rồi. Một cái mũ với cây súng vẫn còn treo lủũng lẳng trên môt cành cây thấp.

Lúc cơn, cứ mỗi lùm bụi là một ổ muỗi. Muỗi ở đây dữ gấp trăm lần muỗi nhà. Trong đời anh chưa lần nào bị muỗi đốt nhiều đến như vậy.

Sáng hôm sau cả bọn thức dậy lúc chim hót vang lừng. Đời anh cũng chưa bao giờ được nghe chim hót nhiều cho bằng lần này. Càng đi thì rừng càng thưa lá, cây cối thoáng đãng dần, mở ra những con đồi thoai thoải. Đi cho đến chiều thì cây rừng thưa hẳn. Anh đoán là mình đã gần ra khỏi rừng. Anh hỏi hai người đi cùng có biết trèo cây không, cả hai đáp biết. Anh nói:

-Hình như mình ra tới gần bìa rừng rồi. Leo lên cây nhìn có thể sẽ thấy đồng bằng.

Chỉ thoáng cái là cả hai đã leo gần tới đọt cây. Anh nghe họ la lên:

-Hết rừng rồi anh ơi, trước mặt toàn là đồng cỏ, ruộng lúa.

Đi qua khỏi cánh rừng lá thấp là một cánh đồng cỏ ngút mắt, xa hơn nữa là những ruộng lúa trơ gốc rạ. Đi một khoảng nữa là cái chòi của những người chăn vịt đồng. Có hai đứa đang ngồi chơi bài trong chòi. Anh hỏi:

-Đây là Phú Yên phải không mấy em?

-Dạ phải, nhưng còn xa lắm mới tới chợ.

Tay quân cảnh đề nghị mua vịt ăn mừng. Lúc lũ nhỏ đi bắt vịt, anh ngồi trong chòi nghĩ ngợi lan man. Một lúc sau có mấy người đàn ông về, nhìn cả ba bằng đôi mắt nghi ngờ không mấy thiện cảm rồi hỏi bọn anh từ đâu đến. Tay quân cảnh nói là từ Pleiku chạy giặc xuống đây, đói bụng, vừa mới mua hai con vịt.

Anh chỉ tay về phía lũ nhỏ đang nhổ lông vịt rồi nói:

-Anh ở lại đây ăn thịt vịt với bọn này.

Người đàn ông nói:

-Cái chòi này là của tôi. Hai đứa nhỏ kia là con tôi. Chiều hôm qua mấy du kích ở đây mang mấy thằng lính biệt động quân ra biển bắn vì chúng không chịu đầu hàng lại còn lý sự.

Anh chẳng nói năng gì thêm vì du kích ở đây cũng có thể mang bọn anh ra biển bắn, vì bất cứ một tội ngớ ngẩn nào mà họ gán cho. Giữa buổi giao thời, vàng thau lẩn lộn này thì làm có thể sao biết cái gì ra cái gì.

Người chủ trại nói với bọn anh là cũng gần tối rồi cứ ngủ lại trong chòi, mai hãy đi. Trời cũng bắt đầu mưa lâm râm. Trước mặt là một làn mưa mỏng trắng đục. Anh bỗng thấy thèm cái bếp lửa nhỏ, nơi mấy đứa nhỏ đang ngồi nướng vịt. Chưa bao giờ anh thấy những chủ thuyết, những ý thức hệ con người dựng lên là rác rưởi cho bằng lúc này. Con người chỉ cẩn một bếp lửa ấm, vậy là đủ để cõi đời bớt lạnh rồi.

Tối hôm đó anh ngủ một giấc ngon lành bên cạnh đống lửa.

Con đường dẫn ra Tuy Hòa ngập trong bùn vì những cơn mưa hôm trước. Vừa đi được một đoạn ngắn, anh đã thấy một bãi xe bị vất bỏ ngổn ngang, những bao cà phê chưa xay, những va li quần áo bị lục tung, quăng ném bừa bãi… Xác người lớn, trẻ con vẫn còn ngập ngụa trong bùn đẫm nước. Có những xác chết được ai đó đắp vội cho một cái mền, bị mưa gió thổi tung, để lộ ra những khuôn mặt tái ngắt. Những đứa trẻ chết nằm co bên bờ đất như một giấc mơ đẫm nước mắt. Một tượng Chúa bằng bạc ai vất bên đường. Thánh thể đó cũng đã trở nên nặng nề cho cuộc tháo chạy của đám con chiên. Chúa cũng nằm chết cạnh con người trong mưa lạnh. Hơn ai hết, Người biết mình cũng bất lực với cơn điên của con người. Người nằm đó thản nhiên chấp nhận tình trạng tồi tệ này vì có muốn thay thế một cái gì đó tốt hơn cũng không thể, nó quá sức Người.

Cái gì nhìn mãi rồi cũng quen, cái chết cũng thế. Phải nhìn hàng ngàn cái chết trên một đoạn đường không ngắn nhưng chưa đủ dài để tâm hồn trơ lì, hóa đá, anh nhận ra không riêng gì anh mà tất cả mọi người đều như vậy, kể cả linh mục, thầy chùa. Tất cả những gương mặt như thể đều được sinh ra từ một mẹ: lơ láo, hoảng sợ. Tất cả niềm tin có được từ Phật-Chúa đều đã bị các vị quăng vất đâu đó dọc đường. Đám con chiên, đệ tử cũng thế, chúng chẳng cần biết ai là thầy bà nữa. Chỉ có sự sống là điện thánh, vùng đất bình yên trước mặt có ý nghĩa gấp ngàn lần nước Chúa Trời. Cái địa ngục này đã hủy diệt tất cả mọi niềm tin. Và ngay cả khi thế giới này chỉ là một nhà thương điên thì nó cũng chưa đủ để diễn tả những gì đang xảy ra ở nơi đây. Chỉ có thể nói đó là sự điên loạn đã được kích hoạt đến tận cùng giữa một kho thuốc nổ. Lịch sử của nhân loại tự hồi nào đến giờ vốn là lịch sử của một nỗi vắng im được dựng từ xác người, máu người, cùng nước mắt con người… Điều này thì anh mới biết qua sách vở, còn tận mắt chứng kiến thì chính là lần này. Những gì dựng nên pho lịch sử của dân tộc này nói riêng và loài người nói chung chỉ là những trang sách nhuộm đỏ máu con người.

Thị xã Phú Yên tràn ngập người qua kẻ lại,đủ mọi thành phần, hầu hết là dân chạy loạn. Chia tay hai người bạn lính cùng băng rừng, anh tìm một chiếc xe xin quá giang về Nha Trang. Anh tài xế cười thật tươi:

-Lên đi, chẳng tiền bạc gì đâu.

Cách nói của anh tài xế khiến anh có cảm tưởng là đang có sự đổi đời, một thế giới đại đồng không còn cần tiền bạc gì nữa, mọi thứ đều cho không. Đến Nha Trang, thành phố vẫn đang trong tình trạng vô chính phủ. Những người tù ở Quân Lao Nha Trang đã phá cổng. Vài người lái chiếc xe con của Hoàng Đức Nhã bỏ lại chạy quanh thành phố rồi cướp bóc. Dân chúng đang đập phá những tiệm buôn, cửa hàng của những gia đình đã bỏ đi để hôi của.

Sao anh cứ nhớ hoài hình ảnh người lính mặc đồ thủy quân lục chiến chạy ra từ một tiệm vàng ở đường Trần Qúy Cáp, trên tay chỉ ôm mỗi con búp bê biết nhắm mắt mở mắt…

Anh ta phân trần, rặt giọng miền nam:

-Mình có đứa em gái bảy tuổi, có lần nó nói lúc nào về phép anh nhớ mua cho em con búp bê. Mình chỉ lấy mỗi con búp bê còn ai lấy gì thì kệ họ. Vậy là em gái mình có búp bê để chơi rồi.

Đầu của anh vốn không được trong sáng như người lính này nên anh cứ loay hoay mãi với ý nghĩ: Sao nó không bốc một nắm vàng để có thể mua cả trăm con búp bê? Bởi anh thấy người ta đã đập bể tủ kiếng đựng vàng, giành giựt nhau rất hỗn loạn để lấy vàng.

Tối hôm đó anh ngủ trong nhà một người quen ở Phường Củi. Nhà nầy chuyên vấn thuốc lá. Nằm trên gác anh thấy sáu cô vấn thuốc với sáu chiếc radio còn mới nguyên đang mở đủ mọi đài. Người con chủ nhà phân trần với anh là họ lấy trong một cửa tiệm đã bị đập phá ở đường Độc Lập. Cả xóm giờ nhà nào cũng có radio cả. Quả là một sự đổi đời.

***

Con đường về Đà lạt vẫn chưa thông. Lính Việt Nam Cộng Hòa vẫn đang cố giữ Phan Rang vì đây là quê nhà của Tổng Thống Thiệu. Cứ loanh quanh ở Nha Trang, chiều nào anh cũng ra ngồi ngó biển một mình. Hình như dân chúng vẫn còn hoang mang nên biển cũng vắng tanh, chẳng ai buồn tắm. Chỉ có vài cô gái điếm đứng đâu đó dưới những gốc dừa. Có lẽ các cô là những người thích ứng nhanh nhất với tình thế, thời cuộc. Anh thấy trên một ghế đá dưới gốc dừa có một cô đang ngồi tâm sự với một người lính đội mũ cối. Cũng có thể anh chàng này chưa hề biết gái điếm là gì. Trước mặt hai người là một bãi biển xám ngắt, vắng tanh. Nhìn biển chán rồi nhìn thiên hạ, gương mặt người nào cũng đầy hoang mang, sợ hãi, lo lắng cho một tương lai vẫn còn mịt mù trước mặt.

Anh đã thấy loáng thoáng vài người lính Bắc Việt xuất hiện trên đường phố, tất cả đều có chung gương mặt tự hào của kẻ chiến thắng. Trừ những kẻ đón gió bẻ măng cười hớn hở cầu tài với những người bộ đội, còn hầu hết dân chúng nhìn họ với nụ cười gượng gạo, e dè.

Anh ghé nhà cô gái ngủ rừng ngủ bụi với anh ở đường Đồng Nai. Cô ôm chầm lấy anh mừng rỡ, giới thiệu với gia đình là nếu không gặp anh trong rừng thì không biết giờ này cô đã ra sao. Cô nhìn anh với đôi mắt tràn đầy lòng biết ơn.

Cho đến một buổi chiều… Anh bỗng thấy mình nóng ran người với cơn sốt rồi sau đó lại lạnh run. Anh nhớ lại cái đêm trong rừng bị muỗi đốt cộng với kinh nghiệm của mấy lần sốt rét trước cho phép anh tin rằng mình đã bị dính cơn sốt rét từ muỗi rừng ở Phú Yên.

Bác y tá người Huế ở Phường Củi có gương mặt phúc hậu cho anh một nắm thuốc, rồi chích cho mấy mũi thuốc chẳng buồn lấy tiền, cũng may là căn bệnh qua đi rất nhanh.

Rồi anh nghe tin là Phan Rang đã rơi vào tay cộng sản, điều này đồng nghĩa là đường về Đà Lạt đã thông xe. Những người dân Đà Lạt đang bị kẹt ở NhaTrang ùn ùn kéo về. Có lẽ họ đều nhận ra rằng ở đâu thì cũng chẳng thể bằng về lại nhà mình. Anh cũng xin quá giang chiếc xe chở đầy bánh kẹo của một ông chủ tiệm tạp hóa ở đường Phan Đình Phùng về lại Đà Lạt.

Ngang qua thị xã Cam Ranh, anh có cảm tưởng là đi qua một thị trấn bị bỏ hoang chẳng một bóng người, nó khiến anh nhớ tới những thị trấn bỏ hoang trong những phim cao bồi đã coi hồi nhỏ. Phan Rang cũng thế, phố xá vắng hoe buồn thiu, chưa hề có bóng dáng của bất cứ hoạt động nào. Dọc con đường từ Phan Rang lên Đà lạt cũng vậy, tất cả như đều đang trong tình trạng hoang mang, lo lắng, lóng ngóng chờ đợi, cho dù đều đã được giải phóng…

Về tới Đà Lạt, thành phố vắng tanh. Mẹ anh, với gánh nặng cơm áo một mình lo toan cho cả nhà nên gần như đã mất đi thói quen biểu lộ cảm xúc. Đôi mắt đầy bóng tối nhẫn nhục của bà dù vậy cũng ánh lên niềm vui lúc thấy anh toàn vẹn trở về. Đa số người di tản vẫn chưa kịp quay về. Lực lượng tiếp quản thì quá mỏng nên cũng ít khi thấy bóng dáng họ. Đêm đêm thì có du kích tự vệ đi lùng quanh xóm. Những dân quân này chẳng ai xa lạ, là những người trong xóm có cha anh đi tập kết, có cảm tình với cộng sản. Đám này trở mặt nhanh lạ lùng, họ nhìn những người trong xóm bằng ánh mắt như thể không quen, ai cũng có thể là ngụy quân ngụy quyền. Chưa bao giờ anh thấy cái không khí sợ hãi, ngờ vực bao trùm lên cả xóm Ga Đà Lạt cho bằng giai đoạn này, và cũng chưa bao giờ anh thấy cái tình làng xóm lạnh lẽo, khô cứng như lúc này, khi nào cũng phải trong tâm trạng cảnh giác, đề phòng.

Một vài người bạn cũ vẫn còn quanh quẩn. Thỉnh thoảng anh gặp Trang với Thiệp loáng thoáng xuất hiện rồi biến mất với bộ dạng rất đáng nghi ngờ. Anh hỏi đứa em lúc này hai đứa đó làm gì, thằng em nói là hai anh đó chỉ chờ đêm xuống là đi cạy cửa mấy nhà đi chưa về để lấy đồ đem đi bán. Trang là một người bạn anh chơi hồi còn nhỏ, hát vọng cổ rất hay. Lúc còn nhỏ anh mê nhất nó hát bài “Em bé hát rong bên cầu Bến Lức”. Anh đã từng rình rập mấy ngày trời bắt cho kỳ được con đổi cho nó, để nó ca cho nghe bài vọng cổ này. Còn Thiệp sống đời du đãng từ khi còn nhỏ, chẳng học hành gì suốt ngày lêu lổng, lúc nào cũng ra vẻ mình là anh chị, dạng đàn anh xóm ấp. Dẫu sao thì hai tay này vẫn còn khá hơn đám dân quân du kích trong xóm, vì anh chẳng phải cảnh giác gì với hai thằng này, anh biết chắc là chúng vô hại.

Những ngày chờ đợi một biến cố thật lớn sắp xảy ra trên đất nước là những ngày hết sức quẩn quanh buồn chán của anh. Chiều nào anh cũng nằm đọc lại mấy cuốn sách của Phạm Công Thiện, hết Hố Thẳm Tư Tưởng lại đến Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học, chán thì lại qua Im Lặng Hố Thẳm. Hình như đào sâu những hố thẳm trong sách Phạm Công Thiện cũng là cách nhìn lại những hang hố đang mở toang nơi cuộc sống của chính mình từ những bế tắt của thời cuộc.

Buổi tối anh theo dõi tin tức chiến sự cùng những gì đang diễn biến trên đất nước qua đài BBC. Cả đời anh chưa có lần nào anh sợ tiếng rột rẹt phát ra từ cái radio nhỏ để bên đầu gường lúc rà đài tìm tần số như cái lần này. Đám dân quân du kích sẽ không để anh yên khi phát hiện anh nghe đài nước ngoài. Ngay cả những ngày chạy loạn trong rừng dù lúc nào cũng đối diện với xác chết, với bom mìn cũng chưa làm anh sợ như lúc này. Sự bình an khi được về nhà làm cho con người anh hèn thêm một chút.

Những thông tin về cuộc tháo chạy tán loạn khỏi Đà Nẵng được anh theo dõi hằng đêm qua BBC với một tâm trạng không buồn cũng chẳng vui. Có lẽ vì mọi thứ đã dập tắt hết mọi hy vọng vốn mong manh vô cùng sau cuộc tháo chạy trên những con đường đầy xác người giữa nắng khô, bụi đỏ, mưa dầm cùng một bầu trời xanh thản nhiên bất động ở Cheo Reo. Rồi những tỉnh thành, thị trấn tiếp tục rơi vào tay cộng sản từng ngày, tin tức có được càng lúc càng tồi tệ, miền nam bị cắt nát ra từng mảnh mỗi ngày, co cụm lại cho đến ngày Saigon bị cô lập, vây chặt.

Những tin tức giờ này chỉ còn là sự hoảng loạn, cùng cực của hoang mang, rồi bài diễn văn của Tổng Thống Thiệu than phiền đã bị người Mỹ bỏ rơi, cho đến chiếc trực thăng đón những người rời khỏi Sài Gòn trên nóc tòa đại sứ Mỹ với hàng trăm người đeo bám ở hàng rào bên ngoài, hy vọng là rời khỏi đất nước sớm chừng nào tốt chừng đó. Những hàng không mẫu hạm Mỹ neo ngoài khơi biển Việt Nam để đón những ai có thể ra đến đó là sự giúp đỡ cuối cùng mà người Mỹ có thể làm cho dân tộc này. Rồi những chiếc trực thặng lao đầu xuống biển vì hết nhiên liêụ sau khoảng thời gian dài bay rã rời trên không để chờ hải quân Mỹ sắp sếp cho một chỗ đậu trên hàng không mẩu hạm. Giây phút hấp hối của miền nam Việt Nam trước lúc chết là sự hoảng loạn mà người ta chỉ có thể bắt gặp ở ngày tận thế với vẻ đẹp toát mồ hôi, cơn hấp hối của một guồng máy, một thể chế trước lúc biến mất, lụi tàn.

Từ đó đến nay cũng đã mấy chục năm rồi. Nhớ lại mọi thứ đúng là không hơn gì một giấc mộng tràn mà kẻ thắng người thua chỉ là những con rối hiện ra rồi biến mất trên cái sân đời vừa bao dung vừa nghiệt ngã, vừa đôn hậu lại vừa tàn bạo. Cứ mỗi lúc nhớ lại những năm tháng đời lính, anh chưa bao giờ thấy đó là một nghề, kể cả khi phải nhìn nó như một nghề bất đắc dĩ …

Với năm năm quân ngũ, được sống khá nhiều nơi: Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang, Pleiku mỗi chỗ hơn một năm, còn đi đến chỗ này chỗ nọ dọc biển miền Trung thì không tài nào nhớ nổi. Nhớ chăng là nhớ cỏ khô nắng cháy ở Phù Cát- Tam Quan, nhớ những đứa trẻ không có tuổi thơ lôi thôi lếch thếch đi bắt cua còng bên một bờ biển hoang gần Đại lãnh. Nhớ những xóm nghèo hiền khô được ấp ủ bởi những bờ núi đá gần Phan Rang gần ba tháng trời, chiều nào cũng thấy mấy đứa trẻ lùa bầy bò đi qua những lùm bụi lúp xúp gần căn cứ Mỵ Châu nằm ngoài cánh rừng gần quân trường Dục Mỹ.

Không dễ gì quên những buổi chiều ngồi bó gối nghe gió núi mưa rừng tràn qua lũng thấp, những buổi trưa nắng ngồi nhìn những dãy núi dài buồn như nắng, bên kia núi là nước Lào xa xăm mơ hồ, những đêm vui cùng tận với các cô gái giang hồ… Chúng tìm tới, cho nhau hơi ấm của xác thịt. Cái mà chúng cần là hơi hám nhân loại qua ngõ tình dục chứ chưa hẳn là Phật Chúa. Đó là tình cảm trong sáng nhất của bụi bặm lạc loài tìm đến nhau bên triền vực của cái chết không rời được, nối kết với một cuộc sống phiêu linh bồng bềnh mây núi với những đồn trại bên trời, chân mây đá núi. Tất cả những lỗi lầm ngu dốt của con người với ý thức hệ, chủ thuyết ngớ ngẩn tạo ra những cơn mưa máu gần như đã được tắm gội, rửa sạch trên thân xác của những cô gái giang hồ. Những đêm vui trên căn gác cũ gần cầu số 3 phi trường Cù Hanh đã cứu chuộc không ít thì nhiều sự sống lẫn cái chết của những thằng lính xa nhà mà Chúa- Phật chỉ đừng từ xa nhìn ngó, không sao cứu được. Cái vô minh tăm tối của nhân loại đã vươt quá sức tưởng tượng của hai vị này .

Mỗi lúc phải nhìn lại 41 năm sau ngày giải phóng (1975- 2016), dân tộc này được gì và mất gì? Được một thưở thanh bình không súng đạn nhưng chẳng thấy vui, nói theo cách của một người bạn: “sống qua ngày chờ qua đời” với sự thanh bình êm ả sau bốn vách xà lim trong cái nhà tù to rộng này…

Được mất tự do, được triền miên sống chung với những nỗi sợ hãi vô hình, được ăn no khẩu hiệu ba hoa khoác lác mà không lên cân, được sống chung với dối trá mà không phản ứng gì, được ngu dần, được nhồi nhét không biết bao nhiêu rác rưởi vào trong đầu, được nghe rao giảng về một thiên đường không hề có thực. Nếu ngày xưa, những cuộc mở mang bờ cõi của dân tộc này là thảm họa của một dân tộc kia, thì hôm nay lịch sử con người như được tắm trong bể máu khi cộng sản rao giảng chủ thuyết duy vật chủ nghĩa của Max- Lenine. Đấu tố, thủ tiêu, tàn sát, cải tạo… được thực hiện trên những quy mô rộng nhất mà lịch sử nhân loại có được, được nguyền rủa trong bóng tối nhưng không được to tiếng ngoài đường, được thấy đồng tiền có thể xóa sạch liêm sỉ. Nhớ lại thuở còn nhỏ sống dưới thời ông Ngô Đình Diệm, lúc trưởng thành sống dưới thời ông Nguyễn Văn Thiệu cũng là thời kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Rồi sau 30 tháng Tư 1975, sống với chế độ Cộng Sản, đủ có cơ sở để so sánh.

Có thể nói không một thời kỳ nào mà lương tâm lẫn đạo đức con người lại bị tận cùng tha hóa cho bằng thời kỳ này. Và nếu con người là sản phẩm của một nền giáo dục nào đó thì không một nền giáo dục nào tệ hại cho bằng nền giáo dục hôm nay. Khả năng duy nhất mà nền giáo dục này làm tốt là đào luyện những thế hệ bầy đàn giống như khỉ vượn. Nó bẻ gãy, phủ nhận, hủy diệt tất cả những suy tư độc lập, đối lập có bóng dáng tự do, có khả năng mở ra những phương trời lạ nơi bóng dáng con người vẫn còn ấp ủ nhân dáng ưu việt nhất mà đúng ra nó phải là, phải có được từ những khả tính tự nhiên mà ai ai cũng có. Nói theo kiểu của Vivekananda một đạo sư người Ấn Độ: “Con người là sinh vật duy nhất trên mặt đất này có khả năng đạt đến tự do”. Dĩ nhiên sự tự do tuyệt đối này chỉ có thể được nghe từ một nền giáo dục nhân bản, nền giáo dục mà những giá trị tinh thần được xem trọng. Tất cả chúng ta ai cũng biết sự phiêu lưu mạo hiểm có thể làm nên và cũng là đặc trưng của những số phận vĩ đại, điều này chỉ có thể được gợi ý từ một nền giáo dục phóng khoáng. Cái nền giáo dục mà con người Việt đang được dạy dỗ chỉ có thể đẻ ra những con chuột nhắt, vì cứ phải nhai đi nhai lại những công thức cũ mèm cứng như đá cuội, những định kiến khô như nỗi chết, những chủ thuyết buồn như mồ hoang mả lạnh.

Không có bất kỳ một khoảng cách nào giữa duy vật chủ nghĩa với duy vật chất, nói cách khác đó là một chủ nghĩa tôn thờ vật chất. Giá trị của cuộc sống chỉ còn là cân đong đo đếm những đồng tiền. Có thể nói không một thứ giá trị cứt đái nào bằng cái thứ giá trị chó chết này, bởi nó làm băng hoại cuộc sống, nó đóng nhốt cuộc sống trong một cái củi chật, nó hủy táng những giá trị cao đẹp gấp ngàn lần những giá trị có được từ những đồng tiền mang lại.

Kẻ viết bài này không có ý định phủ nhận giá trị đồng tiền, nhưng phải liên tục chứng kiến cách làm giàu của đám lãnh đạo thì quả là một nỗi ô nhục. Chúng đã không từ một thứ gì, chúng mở ra những mê cung, những vòng xoáy rồi nhận chìm người dân trong đó với những khoản nợ ngập đầu. Bốn mươi mốt năm đó là khoảng thời gian đủ để đưa một đất nước đi lên, đủ để một dân tộc phát triển tất cả những ưu thế lẫn tiềm năng, tinh hoa lẫn tài hoa vốn có của nó.

Chúng ta đang chứng kiến trường hợp ngược lại, là sự tụt hậu của nó đang được so sánh. Lào, Campuchia, những đất nước láng giềng mà mấy ngàn năm trước không một người Việt nào nghĩ tới chuyện so sánh. Hình như chúng ta đang phát triển ngang với châu Phi, châu lục mà khí hậu của nó vừa đủ để biến tất cả những dãy núi đá nơi đây thành cát vụn. Vẫn còn có thể nghe ra tiếng thở dài của cát vụn giữa lòng sa mạc.

Đi đến bất cứ chỗ nào trên đất nước này, ngồi ở bất cứ quán cà phê đầu hẻm góc phố nào cũng có thể nghe thiên hạ xì xầm cái ngôi nhà màu xanh to kia là của chủ tịch tỉnh, cái biệt thự lớn nhất ở tỉnh này là của bí thư, miếng đất đằng kia là của cán bộ A cán bộ B… Chúng nằm trơ ra đó mặt dạn mày dày y như chủ nhân của nó vậy. Còn cuộc sống của tuyệt đại đa số người dân thì vẫn y như thưở nào.

Nghèo và buồn như thể đã là định mệnh của đất nước này vậy, cho dù tiếng súng đã im từ lâu lắm. Hình ảnh của kẻ chiến thắng, của chủ thuyết càng lúc càng trở nên thảm hại dưới cái nhìn của cả dân tộc… Vá víu ngàn mảnh mà cũng không sao che được cái gầy còm, ốm yếu đến tả tơi của một quê hương rời rã từng ngày trên triền dốc đi xuống, những vũng lầy của khó khăn, nghèo đói…

Nói chung là họ “được” khá nhiều thứ. Những cái “được” đủ để giết chết lần mòn một dân tộc…

Đà Lạt, 11/9/2016