Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Minh triết phương Tây (5)

Bertrand Russell

Nam Dao Nguyễn Mạnh Hùng chuyển ngữ

Athens (tiếp theo: Plato)

Nếu bạn đọc những trang sau của cuốn sách này, bạn sẽ thấy không triết gia nào có được một khoảng không gian tương đương giành cho Plato hay Aristotle. Chuyện này đến từ vị thế duy nhất của họ trong lịch sử triết học. Thứ nhất, họ đến như những người kế thừa và hệ thống hóa trường phái tiền-Socrates, khai triển những vấn đề đã đặt ra, và trình bày rõ ràng dứt khoát những điều chưa được thông tỏ trước họ. Sau, thành quả của họ tác động lớn lao lên trí tưởng tượng của con người. Trong chừng mực truyền thống giải biện suy luận nở rộ ở phương Tây, bóng Plato và Aristotle luôn quanh quất ở hậu cảnh. Cuối cùng, có lẽ sự đóng góp của họ vào Triết học quan trọng hơn đóng góp của những nhà tư tưởng đến trước, hoặc sau họ. Thật hiếm có những vấn đề triết học mà họ không phát biểu những điều có giá trị, và ai đó ngày nay mong có cống hiến gì độc sáng mà lờ họ đi đều là những kẻ đùa với lửa.

Cuộc đời Plato bắt đầu từ thời suy thoái của Thành quốc Athens cho đến giai đoạn hưng thịnh của Macedonia. Ông sinh vào năm 428 TCN, một năm sau cái chết của Pericles, và trưởng thành trong chiến tranh Peloponnes. Ông sống đến ngoại bát tuần, chết vào năm 348. Gia đình ông thuộc tầng lớp quí tộc. Cha ông, Ariston, người thuộc hoàng tộc thời Đế chế Athen, và mẹ ông, Perictione, xuất thân từ một gia đình rất năng nổ trong địa hạt chính trị. Ariston chết khi Plato còn bé, sau đó Perictione lấy chú là Pyrilampes, một người ủng hộ bà trên chính trường. Plato trải qua thời kỳ học tập dưới mái nhà cha dượng. Với một hậu cảnh như vậy, thật không có gì lạ khi Plato thụ hưởng những quan niệm về trách vụ của công dân. Ông chẳng những bày tỏ những điều này trong tác phẩm “Nền Cộng Hòa” mà còn thực thi nó trong đời thường. Những năm đầu thời ông trưởng thành, ông biểu lộ tài năng thi ca đầy hứa hẹn, nhưng ai cũng đoán là ông sau này sẽ làm chính trị. Tham vọng này thình lình kết thúc khi Socrates bị kết án tử hình. Kịch bản ghê sợ đầy hằn thù này in những dấu vết không xóa được trong tâm tư ông. Không thể có ai giữ được sự tự chủ và độc lập trong hệ thống những đảng phái chính trị. Và từ thời gian này, Plato cống hiến thời gian vào công việc Triết học.

Socrates từng là bạn của gia đình nên Plato đã biết ông từ thuở ấu thời. Sau cuộc hành hình, Plato cùng một số hậu duệ của Socrates đi ẩn ở Megara cho đến khi sự vụ im ắng. Sau đó, Plato đi đây đi đó trong vài năm. Sicily, miền Nam nước Ý, và hình như cả Ai Cập nằm trên hành trình, nhưng chúng ta biết rất ít về giai đoạn này. Năm 387, Plato về Athens xây dựng cơ sở trường học của mình. Nằm trong một khu rừng nhỏ phía tây bắc không xa thành phố, mảnh đất nổi tiếng vì liên quan đến vị anh hùng Academus, trường được đặt tên là Academy. Cách tổ chức Academy theo mô hình theo kiểu Pythagoras ở miền nam nước Ý mà Plato quan sát khi ông du hành. Academy sau là khuôn mẫu đầu nguồn của những đại học phát triển từ thời Trung Cổ trở đi. Hình thức này kéo hơn 900 năm, có lẽ là định chế lâu dài nhất từ xưa đến nay. Vào năm 529 sau Công nguyên, truyền thống cổ điển này bị Đại Đế Justinian phế truất, lý do là nó xâm hại những nguyên tắc Ki-tô giáo.

Chương trình của Academy bao gồm nhiều môn học trong khuôn mẫu truyền thống những trường sở Pythagoras. Số học, Hình học trong 2 và 3 chiều không gian, Thiên văn, và Âm giai ngữ điệu là những môn chính. Như ta đoán, trong tầm ảnh hưởng của tinh thần Pythagoras, trọng tâm của sự đào tạo là Toán học. Ngay ngoài cổng Academy, người ta ghi ngay rằng ai đó không thích xu hướng này thì xin đừng ghi tên. Thời gian học là 10 năm những môn học nói trên. Mục đích của chương trình đào tạo này là chuyển tư duy từ một thế giới cảm nhận và quan sát được qua một khung tư duy bất biến đàng sau nó; nghĩa là, dùng cách nói của Plato, chuyển cái trở-thành (becoming) ra cái nó-là (being).

Môn học nào cũng đều được soi sáng dưới qui tắc biện chứng, và chính sự tổng hợp này là nét đặc thù của giáo dục và đào tạo của Academy. Thật mà nói, đây cũng là những tiêu chí của nền giáo dục hiện đại. Không phải trách vụ một Đại học là nhồi nhét vào đầu học viên đầy những sự kiện. Công việc đào tạo là hướng dẫn họ đi vào con đường tư duy phê phán với những tiêu chuẩn bao quát trên những vấn đề liên quan.

Về cách tổ chức Academy, ta biết rất ít thông tin. Nhưng qua những văn bản còn giữ, chúng ta có thể cho rằng Academy rất giống những Viện nghiên cứu thời nay trên nhiều phương diện. Academy cung cấp vật dụng khoa học, thư viện, và tổ chức xê-mi-na cũng như những bài giảng có hệ thống.

Với giáo dục và đào tạo của Academy, xu thế những trường học theo phái Biện Thuyết (Sophism) đi xuống. Học viên Academy có đóng góp vật chất, nhưng chỉ để giữ cho Academy tồn tại. Tiền không là vấn đề sinh tử, và chẳng phải vì Plato vốn là người có của cải nên không quan tâm đến tiền. Quan trọng hơn hết, mục đích của Academy nhằm vào đào tạo những con người tự chủ và có thể tư duy theo những tiêu chuẩn đặt trên nền tảng lý tính. Academy không đeo đuổi bất cứ một mục tiêu thực dụng nào trong khi ngược lại, học phái Biện Thuyết chỉ quan tâm đến kiến thức tạo ra thành đạt trong hoạt động kinh doanh.

clip_image002 Plato

clip_image004Academy

Một trong số những học viên đầu, sau này cũng rất nổi tiếng, là Aristotle. Còn trẻ, Aristotle đến học ở Academy liền 20 năm, cho đến ngày Plato lìa đời. Aristotle kể, Plato giảng mà không cần bài viết. Từ những nguồn khác đến từ những xê-mi-na và những nhóm thảo luận, nhiều vấn đề được đặt ra để học viên tìm lời giải. “Hội thoại” là tập hợp những triết luận chẳng phải cho học viên Academy mà là cho một cộng đồng rộng hơn. Plato không viết sách để dạy học và từ chối không chịu soạn thảo tư tưởng triết của ông như một hệ thống. Có lẽ ông nghĩ thế giới uá đa phức đa tạp để ai đó có thể khép nó lại trong một cái khuôn ngôn ngữ.

Academy hoạt động được 20 năm thì Plato xuất ngoại. Năm 367, người trị vì Syracuse là Dionysius I mất. Thừa kế là Dionysius II, ở tuổi 30, không đủ tài năng để điều hành kinh tế và chính tình vương quốc Syracuse. Quyền lực thực sự nằm trong tay Dion, anh rể của vua, một người rất kính phục Plato, đã chủ động mời ông đến để giảng dạy cho Dionysius trở thành một minh quân. Mặc dầu khả năng thành công không lấy gì lớn, Plato nhận lời, một mặt vì quan hệ với Dion, mặt khác là tiếng tăm của Academy. Đây là dịp Plato mang lý thuyết giáo dục vào thực tiễn. Có thể qua giáo huấn khoa học để một ông vua thành một nhà tư tưởng trong địa hạt chính trị hay không là câu hỏi, nhưng Plato tin là được. Có được một minh quân ở Sicily là tối thiết để giữ vững phía tây Hy Lạp trước khí thế đang lên của Carthage[1]. Nếu việc dậy Dionysius thành công, cái lợi rất lớn; ngược lại thì chẳng mất mát gì. Nhưng Dionysius không đủ trí lực cho một loại giáo dục cần thời gian, và tỏ ra khá gian manh. Ghen tị với anh rể về chuyện quyền lực và tình bạn với Plato, Dionysius đẩy Dion đi đầy. Plato buộc phải quay về Athens, và ông tìm cách giáo huấn Dionysius từ xa, nhưng chẳng có kết quả gì. Năm 361, ông quay lại Syracuse, cố gắng giúp sắp đặt lại chính sự, bỏ gần một năm đưa ra những kế hoạch thực tiễn nhằm liên kết người Hy Lạp ở Sicily trước hiểm họa Carthage. Cuối cùng, vì những khó khăn gây ra bởi phe bảo thủ trong chính quyền, lại còn nguy hiểm đến tính mạng, Plato xoay xở trở về Athens năm 360. Dionysus chiếm lại vương quyền bằng võ lực, nhưng mặc những căn dặn của Plato, ông điều hành quyền lực một cách vô chính trị và sau đó bị giết. Plato tiếp tục tư vấn cho những người mới lên cầm quyền, nhưng vô ích. Sau cùng, Sicily bị Carthage thôn tính, đúng như Plato đã ước đoán.

Quay về Athens năm 360, Platon lại dậy học và viết lách ở Academy, tích cực làm việc cho đến cuối đời. Trong số tất cả những triết gia thời cổ đại, Plato là người để lại gần như toàn bộ những trước tác của ông. Những hội thoại, như ta đã nói, không phải là những thuyết luận có tính hình thức và kỹ thuật trên những vấn đề triết học. Plato rất ý thức về những khó khăn của việc xây dựng ra hệ thống của mọi hệ thống mà sau ông nhiều người đã thử làm. Ông là triết gia độc nhất, đồng thời vừa là nhà văn và nhà tư tưởng. Công trình viết lách của ông là những kiệt tác văn chương. Điều này, tiếc thay, vẫn là một ngoại lệ trong triết học. Có quá nhiều văn cú triết luận huênh hoang, ngu độn và khoa trương. Tệ hơn, trong nhiều trường hợp, triết luận cứ phải mù mờ và vụng về để tạo dáng sâu sắc. Thật thảm hại vì điều này khiến người bình thường ngoảnh mặt lơ là. Dĩ nhiên, không ai tưởng tượng rằng một người có giáo dục ở Athens thời Plato có thể đọc những hội thoại mà nắm bắt ngay được những điểm quan yếu trong triết học. Cũng như không thể hy vọng một kẻ chưa biết gì về toán mà có thể đọc một cuốn sách về hình học vi phân rồi trở thành một người giỏi hơn.

Ngoài những hội thoại, còn dấu vết những bức thư Plato gửi cho những người bạn ở Syracuse. Đó là những tài liệu lịch sử quí giá, nhưng không liên quan gì đến triết học.

Dăm điều cần nói về vai trò của Socrates trong những hội thoại. Vì vị này không viết gì nên triết luận của Socrates chỉ lưu truyền qua những trước tác của Plato. Trong những trước tác sau này, Plato triển khai lý thuyết của mình nên chúng ta phải phân biệt cái gì thuộc Socrates với cái gì là của Plato. Việc này tế nhị, nhưng không phải là không làm được. Ít nhất, trong những hội thoại thời sau này, chính Plato đã phê phán những lý thuyết đề xuất thời trước bởi Socrates. Người ta thường cho rằng Socrates trong những hội thoại chỉ là cách Plato mượn miệng, một thủ pháp văn chương rao truyền cách nghĩ của ông thời đó. Điều này đi ngược với những sự kiện nên không chấp nhận được.

Ảnh hưởng của Plato trong triết học lớn hơn bất cứ người nào khác. Học trò của Socrates và phái tiền-Socrates, người xây dựng Academy, và là thầy Aristotle, Plato sừng sững ở vị trí trung tâm của tư duy triết học. Điều này khiến E. Goblot, nhà Lôgíc học người Pháp, viết rằng Plato là một nhà siêu hình học có một không hai. Nếu ta phân biệt Socrates và Plato, ta có thể nói học thuyết Plato-Socrates đã ảnh hưởng sâu xa đến triết học. Sự hồi sinh của tư duy Plato mới xẩy ra gần đây. Trong khoa học, nó đã bắt rễ từ đầu thế kỷ 17, trong khi trong triết học, nó đâm mầm ở thời đại chúng ta.

Khi đọc Plato, lưu ý đến vai trò trung tâm của Toán học. Đây là điều phân biệt Plato và Socrates, người chẳng mấy quan tâm tới lãnh vực Khoa học và Toán học. Thời gian sau, Socrates lại quay sang học hỏi và nghiên cứu thuật Toán số kỳ bí, một bước lùi nhưng chẳng may quá phổ biến thời đó. Toán học, dĩ nhiên, là một khâu chuyên ngành đối với những người nghiên cứu Lôgíc. Để hiểu, chúng ta cần có cái nhìn thấu suốt qua “Hội thoại”. Giá trị từ chương của tác phẩm này không dễ nắm và cũng không phải là điều chúng ta tìm ở đây. Tuy nhiên, một điều tác phẩm làm sáng tỏ là Triết học không cần thứ ngôn từ rối rắm ‘đọc không nổi’ để giả như có ý nghĩa.

Nhắc tới Plato, người ta nghĩ ngay đến Lý thuyết Ý thể (Lý thuyết Ý thể ( Theory of Idea). Lý thuyết này được vạch ra trong rất nhiều hội thoại của Socrates, và nó có thuộc Plato hay không là chuyện gây tranh cãi khá lâu. Tác phẩm “Parmenides” tả lại một hoạt cảnh khi Socrates còn trẻ trước khi Plato ra đời đang chống đỡ Lý thuyết này với Zeno và Parmenides. Ở một tác phẩm khác, ta thấy Socrates nói chuyện với những kẻ khá quen thuộc với Lý Thuyết Ý thể mà nguồn gốc có thể đến từ Pythagoras. Chúng ta hãy xem tường thuật về chuyện này trong “Nền Cộng Hoà”.

Bắt đầu với câu hỏi, triết gia là người thế nào? Đó là một kẻ yêu chuộng sự hiểu biết, tức tri thức. Nhưng chẳng phải bất cứ ai tò mò ưa chuộng hiểu biết cũng là triết gia. Định nghĩa có thể tóm gọn: triết gia là những người yêu chuộng cảnh giới của cái Chân, tức sự thật. Một kẻ sưu tầm nghệ phẩm yêu cái đẹp, và điều đó không khiến anh ta thành triết gia, kẻ yêu tự thân cái đẹp. Nếu kẻ yêu những nghệ phẩm còn mơ hồ, thì triết gia yêu cái đẹp một cách tỉnh táo. Trong khi một bên chỉ có những quan điểm, bên kia có tri thức.

Parmenides nói, tri thức phải có đối tượng, nó phải là cái gì đó, nếu không nó không là cái gì cả. Tri thức bất biến, tất định, và nếu là sự thật, tri thức không chấp nhận sai lầm. Quan điểm, ngược lại, có thể sai. Bởi quan điểm là tri thức hoặc của cái là, hoặc của cái không là - như Heraclitus biện báo - vậy thì nó đồng thời là, và không là, một cái gì đó.

Socrates nghĩ rằng mọi sự vật cảm nhận qua giác quan đều có mặt phản diện. Một bức tượng điêu khắc dẫu đẹp cũng có những điểm xấu xí. Một vật thể to lớn từ một góc độ nhìn nào đó lại bé đi dưới một góc độ khác. Những điều vừa nói đều là quan điểm. Nhưng tự thân cái đẹp và độ lớn đo lường được không là giác quan mà là đối tượng của tri thức bất biến và vĩnh cửu. Tổng hợp Parmenides và Heraclitus, Socrates đưa ra Lý thuyết Ý thể, hay là hình thể, một lý thuyết chưa phổ biến trước đó. Trong ngôn ngữ Hy Lạp, Ý thể còn mang nghĩa điển hình hay mẫu hình.

Lý thuyết Ý thể có hai mặt, Lôgíc và siêu hình. Về mặt Lôgíc, ta phân định vật thể và ngôn từ ta dùng để chỉ định nó. Gọi ‘con ngựa’, ta không chỉ con ngựa này hay con ngựa kia, nhưng mọi con ngựa. Ý nghĩa của nó không tùy thuộc vào bất cứ con ngựa cá biệt nào, không tùy thuộc thời và không gian, có tính vĩnh cửu bất biến. Về mặt siêu hình, nó có nghĩa là ở đâu đó có một con ngựa ‘lý tưởng’, một con ngựa độc nhất, không thay đổi, mà ngôn từ ‘con ngựa’ chỉ định. Một con ngựa cá biệt là một con nằm trong phạm trù chỉ định của con ngựa ‘lý tưởng’. Tri thức là cái gì hoàn hảo và đích thật. Sự cá biệt chỉ là hiện tượng bề ngoài, và bất toàn.

Để chúng ta hiểu Lý thuyết Ý thể, Socrates thuật lại ngụ ngôn trong hang đá. Kẻ nào không có tri thức đều là tù nhân, bị cùm, không xoay mình được. Đằng sau có một ngọn lửa, và trước mặt họ là một bức tường trên đó họ thấy bóng của họ. Bởi họ không nhìn được gì khác, họ tưởng những cái bóng là thật. Một ngày kia, có người tháo được cùm và mò mẫm ra cửa hang. Ở đó, anh ta lần đầu thấy ánh sáng mặt trời soi sáng vạn vật thế gian. Quay vào hang, anh ta kể cho đồng loại nghe, và chứng minh họ chẳng khác gì những ảo ảnh phản chiếu những hiện thực một thế giới chỉ có bóng. Nhưng vì tiếp cận với ánh sáng mặt trời, mắt anh ta nay khó phân biệt vật thể trong tối. Đồng loại cho rằng anh ngu xuẩn, và chẳng dễ mà thuyết phục được họ. Nếu chúng ta còn xa lạ với Triết học, chúng ta giống hệt những người bị tù kia. Chúng ta chỉ thấy bóng, cái bề ngoài mờ ảo của sự vật. Còn như chúng ta là Triết gia, chúng ta nhìn ra ngoài dưới ánh sáng mặt trời của lý tính, sự thật, và chính ở đó mới có hiện thực. Ánh sáng cho chúng ta sự thật, và quyền lực của tri thức chính là Ý thể về sự Thiện.

Lý thuyết vừa trình bày chủ yếu khởi xướng từ khái niệm của Pythagoras như đã nói. Lý thuyết này không phải là cách nhìn của Plato, nhất là thời ông đứng tuổi. Kiểm nghiệm trong những hội thoại, sau này Lý thuyết Ý thể bị bác bỏ, rồi biến mất. Công việc bác bỏ đó là một luận đề chính trong “Parmenides”. Cuộc gặp gỡ giữa Socrates, Zeno và Parmenides không được xác minh nên không thể coi như một chứng cứ lịch sử. Và, dĩ nhiên, cả những điều được kể lại trong cuộc hội thoại. Tuy thế, những kẻ phát ngôn ở đây đều khá phù hợp với những nguồn thông tin độc lập khác. Chẳng hạn Parmenides khi còn trẻ từng bị ảnh hưởng của trường phái Pythagoras, nhưng sau đó ly khai. Lý thuyết Ý thể không mới đối với ông, và ông đã sẵn có những phản biện đối kháng Socrates.

Parmenides chỉ ra rằng không có lý lẽ nào khiến tại sao Socrates gắn Ý thể cho những đối tượng Toán và những khái niệm về Chân, Mỹ, nhưng lại không cho phép áp đặt chúng lên những đối tượng trung gian. Điều này dẫn đến những vấn đề quan yếu hơn. Khó nhất trong lý thuyết của Socrates là xác lập liên hệ giữa Ý thể và những đối tượng cá biệt. Ý thể có một, nhưng đối tượng thì vô số. Socrates giải quyết vấn đề liên hệ này bằng khái niệm ‘tham dự’ (participatory), nhưng quả thật khó hiểu làm sao những đối tượng này tham dự được vào Ý thể. Rõ ràng Ý thể có tính phổ quát, không thể hiện diện ở mọi vật thể cá biệt, bởi chính vì thế thì nó không còn là Ý thể. Cách nhìn khác là trong mỗi đối tượng cá biệt có một phần Ý thể, nhưng trong trường hợp này, Ý thể như vậy không thể hoàn thành được vai trò phổ quát của nó nữa.

Khó khăn chồng khó khăn. Để giải thích liên hệ giữa Ý thể và những vật thể cá biệt, ta đã thấy Socrates đưa ra khái niệm ‘tham dự’, nhưng chính đây lại cũng là một Ý thể. Vậy Ý thể tham dự này liên hệ với vật thể ra sao, và với Ý thể khởi thủy thế nào. Từ hai Ý thể vừa thành hình này, chúng ta bị đẩy đến một chuỗi cấp số nhân gồm vô cùng Ý thể. Mỗi lần giải quyết cho một Ý thể, chúng ta tạo ra hai Ý thể mới, và cứ thế, khoảng mở cấp số nhân của số lượng này lớn lên, khép nó lại là công việc của Hercule, nhưng một Hercule bất lực. Khi Ý thể là con người, khái niệm tham dự vừa đề cập có tên là Lý lẽ của đệ tam nhân. Socrates vượt khó khăn này bằng đề xuất rằng Ý thể là mẫu hình, và vật thể cá biệt đồng dạng với nó. Nhưng khốn thay, điều này chẳng làm sáng tỏ được gì. Vì lẽ ấy, Socrates không giải quyết được vấn đề Ý thể liên hệ đến vật thể cá biệt ra sao. Điều này có thể dựa trên luận cứ trực tiếp. Giả thiết rằng những Ý thể là phạm trù nhận thức được bằng trí tuệ, không qua cảm tính. Chúng liên quan với nhau, và liên quan đến vật thể, nhưng những liên quan không được giải tường. Ý thể như vậy là điều chưa nắm bắt được. Và cũng vì thế, chúng không có khả năng soi sáng gì nên chúng hoàn toàn thừa thãi. Nói cách khác, nếu Ý thể không liên quan đến thế giới thật của chúng ta, nó rỗng tuếch. Nếu ngược lại nó có liên quan nào đó thì nó không còn thế giới riêng của nó, và hẳn gắn một hệ tư tưởng siêu hình trong trường hợp này cho Ý thể là bất khả thi.

Cung cách Plato đề cập đến vấn đề phổ quát (universal) sẽ được thảo luận sau. Ở đây, xin ghi nhận là chủ thuyết của Socrates không đứng vững một khi ta suy xét cẩn thận. Trong tác phẩm “Parmenides”, vấn đề này không được bàn tiếp. Quay sang một vấn đề khác, Parmenides chỉ ra những bất cập ngay trong phạm trù ta chấp nhận những Ý thể của Socrates. Còn phép biện chứng thì, theo Zeno, lập luận của Socrates cho rằng tập hợp những Ý thể đều tách nhau ra từng cái một không đúng, và chính quan điểm này tạo nền tảng cho lời giải đáp của Plato sau này.

Một khó khăn khác có căn nguyên ở ngay Lý thuyết Ý thể mà gốc là của Pythagoras. Chúng ta thấy một phần lý thuyết này đến từ đối tượng của Toán. Khi một nhà nhà Toán học lập ra định lý về tam giác, ông ta không quan tâm gì đế một hình tam giác có thể vẽ trên giấy. Lẽ là bởi mọi hình vẽ đều bất toàn, điều mà Toán học không dính líu. Dẫu cố đến đâu khi vẽ một đường thẳng ta cũng chẳng thể có được độ chính xác toàn hảo. Đường thẳng toàn hảo đó thuộc một thế giới khác; vì thế sự tồn tại của Ý thể khác với thế giới vật thể cảm nhận qua giác quan.

Liếc qua, quan điểm này có vẻ như hợp lý. Có thể chấp nhận rằng hai vật thể gần như, nhưng không hoàn toàn, bằng nhau. Bằng nhau có thể được coi như giới hạn để hướng tới, nhưng không đạt đến được. Thật là khó, có thể nói là bất khả, xác định hai vật thể bằng nhau. Mặt kia, hãy quan sát hai vật thể nhấp nhỉnh nhau mà chúng ta dễ dàng thấy trong thế giới cảm quan. Bỏ qua quan niệm Ý thể, chúng ta cũng có thể nói hai vật thể này gần, nhưng không hoàn toàn, bằng nhau. Và chẳng có ý nghĩa gì thâm sâu nào hơn khi diễn ngôn kiểu hai vật thể này gần, nhưng chẳng hoàn toàn, không bằng nhau. Phê phán vừa trình bày sẽ giúp cho ta sau này tiếp cận Lý thuyết Ý thể.

Nhưng tại sao trước những phê phán khá mạnh mẽ và có luận cứ vững chắc của học phái Eleatics[2] mà Socrates không từ bỏ Lý thuyết này? Để trả lời, ta đi đường vòng, và có lẽ vì cái khó của Socrates khi ông lui về những tra vấn Đạo lý và Mỹ lý mà ông hằng quan tâm. Cái Thiện trong một con người hẳn không thể nhìn ra như mầu tóc anh ta. Nhưng ngay ở đây, Socrates thật cũng chẳng thể hài lòng ngay khi ông dùng khái niệm ‘tham dự’ để biện minh. Lối đi tìm giải đáp có thể không đến từ vật thể, nhưng từ những gì ta nói và nghĩ về chúng. Trong chiều hướng này, Plato sẽ cống hiến trong sự xác lập Lý thuyết phổ quát. Dẫu Socrates lướt qua những vấn đề này trong tác phẩm “Phadeo”, chúng sẽ được Plato triển khai sau trong “Theaeteus” và “Biện Thuyết”.

Tác phẩm “Nền Cộng Hoà” là tác phẩm vượt trội nhất trong những hội thoại của Plato. Nó tiên phong và chỉ đạo những tra vấn của những nhà tư tưởng cho đến ngày nay. Xây dựng một Nhà nước lý tưởng là chủ đề của những hội thoại. Chúng ta thấy, người Hy Lạp thường nghĩ đến Nhà nước của một Thành quốc. Chữ Hy Lạp, polity, có nghĩa chung là mạng liên kết tế bào xã hội trong một polis, thành phố được quản lý tốt. Chữ chính trị (political) đẻ ra từ đó.

Plato đề xuất phân ra thành ba loại người trong một Thành quốc lý tưởng: cảnh vệ, lính và thường dân. Cảnh vệ là một lớp người đặc tuyển có nhiệm vụ sử dụng quyền lực chính trị. Khi Nhà nước được thành lập, những người làm luật chỉ định Cảnh vệ, và tầng lớp này có thể là cha truyền con nối trong trách vụ. Những đứa trẻ kiệt xuất ở những tầng lớp thấp có thể được nâng cấp, và những đứa trẻ ở tầng lớp ngự trị có thể bị giáng cấp và trở thành lính hoặc thường dân. Cảnh vệ có nhiệm vụ làm sao bảo vệ và thực thi luật lệ. Để bảo đảm điều này, Plato hoạch định tỉ mỉ lớp trẻ này sống và được giáo dục thế nào về cả thể lực lẫn tinh thần. Mặt tinh thần, có âm nhạc ‘musics’, phần trình diễn bởi những thi thần; mặt thể lực, có vận động ‘gymnastics’, loại thể thao không cần đồng đội. Đào tạo âm nhạc, nói rộng là văn hoá, nhằm xây dựng những chính nhân (gentlemen). Khởi từ Plato mà quan niệm chính nhân lan đến nước Anh, như những kẻ có phẩm cách, phong nhã và lòng can đảm. Để đạt đến nền giáo dục này, một số sách bị cấm: Homer và Hesiod với những cảnh cãi cọ của thần linh khiến con người mất định hướng và lòng kính trọng. Thần linh được coi như kẻ sáng tạo chẳng những thế giới, mà là thế giới vắng bóng những xấu xa. Tuy thế, sách dậy có những tiểu đoạn có thể gây sợ hãi cái chết, những hoạt náo vui nhộn, và ngay cả nỗi nghi hoặc là kẻ ác có thể phất lên trong khi người tử tế lại cam khổ. Ngay trong âm nhạc cũng có kiểm duyệt: chỉ những tiết điệu và âm giai kích thích sự can trường và cẩn trọng mới được cho phép. Lớp trẻ tuyển lựa được nuôi dưỡng đầy đủ, và chẳng cần đến y sĩ chăm sóc. Khi còn bé, chúng được cách ly cái xấu, nhưng ở một độ tuổi khôn lớn hơn, chúng phải có cơ hội đối đầu với đàn áp khủng bố và quyến rũ mê mị, và chỉ khi chiến thắng thì chúng mới phù hợp với trách vụ Cảnh vệ.

Đời sống xã hội và kinh tế của Cảnh vệ theo khuôn mẫu cộng sản cứng nhắc. Họ ở nhà thanh bần, chỉ có những vật dụng sơ sài, cùng ăn những bữa ăn tập thể đơn giản. Phải chấp nhận giới tính bình đẳng và không có chiếm hữu tình dục, một người đàn bà là vợ của mọi người đàn ông. Để giữ được số lượng Cảnh vệ, khi cần Lãnh Đạo có thể trong những dịp lễ hội điều động đàn ông và đàn bà ở tầng lớp thấp đến cung phụng, với mục đích tạo giống xứng đáng. Trẻ con bị tách khỏi cha mẹ, được dậy dỗ tập thể và không thể biết đích xác ai là những kẻ thân sinh. Những đứa sinh ra trái phép không được thừa nhận, và những đứa dị dạng, yếu kém bị loại. Tinh thần tư riêng ít, và tinh thần cộng đồng rất cao. Những đứa giỏi được học Triết. Đứa nào thành thạo Triết nhất sẽ trở thành người Lãnh Đạo.

Chính quyền có thể dối trá nếu nó phù hợp với lợi ích công. Đặc biệt, những dối trá này được gọi là ‘dối trá vương giả’, phải ghi nhớ để thể hiện một thế giới mới đến từ thần linh. Chỉ cần hai thế hệ, dốí trá loại này sẽ được người đời tin tuởng và chẳng sẽ còn có một ai phản đối lại được.

Chúng ta nay thẩm tra định nghĩa công lý, khái niệm Plato nghĩ sẽ được soi sáng nếu bàn rộng qua cách thức ông đưa ra hình thái một Thành quốc lý tưởng. Công lý ngự trị nếu ai chỉ lo việc người nấy và không can thiệp vào công việc người khác. Trong điều kiện này, guồng máy chính quyền sẽ hoạt động lặng lẽ và có hiệu quả. Công lý, trong ngữ nghĩa Hy Lạp, dính liền đến khái niệm hài hòa, nhịp nhàng của một toàn thể qua vận hành mọi phần cá thể cấu tạo ra nó. Nhưng ở Plato, ta thấy hình ảnh một bộ máy cầm quyền trong đó cá nhân biến mất. Ảo tưởng tả lại trong tác phẩm “Nền Cộng Hoà” là mắt xích đầu của cái vòng những tếu táo loằng ngoằng cho đến “Tân thế giới can trường” của Aldous Huxley[3]. Nhưng cũng không nghi ngờ được ảo tưởng đó đã tạo ra động cơ cho những kẻ ở vị thế thống trị thực hiện những thay đổi xã hội lớn lao mà lơ đi tất cả những nỗi khổ đau đi kèm[4]. Điều này tất yếu sẽ xẩy ra khi con người bị đóng vào những cái khung hệ thống đã định sẵn. Chính quyền như đày tớ nhân dân, chứ không làm như chủ nô lệ, nhiều thời kỳ bị coi là sấm truyền dị giáo. Chừng mực chủ-tớ này ở đâu là một vấn đề phức tạp ta không bàn. Tựu chung, Thành quốc lý tưởng trình bày trong “Nền Cộng Hòa” đã khiến nhiều người chống lại những nguyên tắc của Plato và đặt điều chê bai mạ lị. Nhưng nội dung chính xác của tư tưởng ông trong lý thuyết chính trị là gì thì vẫn cần bàn cãi.

Phải ghi nhận những khai triển sau này của Plato về vấn đề chính trị khác với những điều ông viết trong “Nền Cộng Hoà”. Nhà nước lý tưởng ở đây mang ảnh hưởng của Socrates và có lẽ được trực tiếp cấu thành từ quan điểm của Pythagoras. Đây là nét chủ đạo của vấn đề. Nhà nước lý tưởng là cách thức khoa học về sự điều hành một xứ sở, với tư duy kiến tạo và thay đổi xã hội như những kỹ thuật gia có hiểu biết khoa học. Nhưng ý niệm khá đơn giản này tạo ra nhiều giằng co về quan niệm một Nhà nước lý tưởng. Nhìn nó như một mô hình, ta cần thảo luận thêm để soi rọi một số vấn đề. Và chính với động cơ như vậy mà Socrates đã làm. Điều này thật rõ khi ta rà soát những đề xuất cực đoan mang ý hướng xây dựng một thứ thiên đàng trần gian, và bởi thế ta tiếp thu chúng với một chút dí dỏm khôi hài. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn cấm đoán những nhà thơ, hoặc là hoan nghênh chuyện cộng sản hóa sinh lý. Mặt khác, cũng phải nói một vài đề xuất lại bắt nguồn từ những điều đã thực hành trong xã hội Sparta. Nhưng mô hình, chỉ đơn giản là mô hình. Chúng không đưa ra một chương trình thực tế nào để xây dựng cái Thành quốc lý tưởng. Khi Plato xuất chính dưới thời ông ở Syracuse, ông không hề muốn kiến dựng xã hội theo mô hình nói trên. Mục đích của ông đơn giản và thực dụng hơn; ông chỉ mong biến một ông hoàng hư hỏng thành một con người có khả năng điều hành công việc của Thành quốc. Plato thất bại ngay trong chuyện này, chứng tỏ giáo dục chẳng mấy khi là thuốc trị bệnh như ông thường nghĩ. Nhưng đây là một vấn đề khác.

Trong tường trình những hội thoại sau, Plato hai lần quay lại thảo luận vấn đề chính trị. Trong trước tác “Nguyên thủ” ta thấy nhiều hình thức thể chế có thể tồn tại trong Thành quốc. Khả năng này tùy số người lãnh đạo và cung cách họ điều hành. Chúng ta có thể có ba thể thế chính, là thể chế quân chủ, thế chế chỉ đạo chính trị tập quyền (oligarchy) và thể chế dân chủ. Chúng ta cũng có một trong sáu hình thức hỗn hợp của ba thể chế chính nói trên dựa trên những nguyên tắc pháp quyền. Ở nơi không có pháp chế, quyền hành phân chia rộng rãi tạo ra ít cái xấu nhất bởi vì hệ thống không có mục tiêu thống nhất. Mặt khác, nếu có một hệ pháp luật nghiêm minh, dân chủ lại là thể chế tồi nhất vì lẽ trường hợp này cần toàn thể cộng đồng xác quyết một mục tiêu chung. Ở điều kiện này, thể chế quân chủ lại là thể chế tối ưu.

Vấn đề tồn tại là xây dựng Hiến Pháp trong một thể chế hỗn hợp. Trong trước tác cuối cùng, tên là “Pháp chế”, Plato quả quyết rằng trong thế giới mà ‘Triết gia làm Vua’ không thể có được thì điều tốt đẹp nhất là tổng hợp những qui luật của Một với qui luật của Số nhiều. “Pháp chế” đưa ra một cách chi tiết những chỉ dẫn làm sao tổ chức hệ thống này và cả phương thức bầu ra những người nắm quyền. Trên phương diện giáo dục, nhiều hướng dẫn về thời gian và nội dung cũng được đề nghị cho loại trường học tương đương vói những trường trung học hiện nay. Văn phạm thời đó được coi như một giai đoạn trong giáo dục thanh thiếu niên, và cơ sở căn bản của những thể chế này đều được nghiên cứu nghiêm túc.

Lý tưởng chính trị trong “Nền Cộng Hòa”, như ta đã nói, không phải là những trù hoạch để đưa vào thực tế. Về việc này, những suy tư của Plato thời sau khác hẳn. Nhiều gợi ý trên phương diện giáo dục và chính trị của ông rất thực dụng, được lẳng lặng mang vào đời sống, nhưng người ta quên khuấy đi nguồn gốc. Nhưng với “Nền Cộng Hòa” thì không thế. Như một hệ thống, tác phẩm bị hiểu sai, nhưng một số dự phòng (provision) lại được ủng hộ quá sôi nổi cho đến nỗi đời sống con người đôi khi trở thành môi trường thí nghiệm với những hậu quả không hay. Đây là trường hợp Plato được miêu tả như người dẫn đạo cho những kẻ không thật hiểu ông nhưng lại táo gan lao vào hành động trên cơ sở những điều ông phát biểu.

Tuy nói vậy, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng tư duy của Plato trong phạm trù chính trị có đôi phần hẹp hòi. Ở đây, ông chia sẻ sự xa cách của người Hy Lạp với đám man ri (barbarian). Điều này có là một sự tự cao có ý thức, hay chỉ đơn giản là cái gì rất tự nhiên phát sinh từ vị trí thống soái của văn hóa Hy thật khó phân giải. Trong trước tác “Pháp chế”, Plato nghĩ rằng xây một thành phố mới - một cái cớ giúp tổ chức hội thoại - ta nên xây xa bờ biển hòng tránh ảnh hưởng nhũng loạn của thương mại và sự tiếp xúc với người ngoại quốc. Điều này sau gây khó khăn, vì thương mại vẫn cần, và nhiều cư dân không tài sản phải nhờ những hoạt động này để kiếm sống. Khuynh hướng tự cô lập trong khâu chính trị cuối cùng dẫn đến một thế giới Hy Lạp không có khả năng đạt tới cách tổ chức có tầm xa và rộng. Đời sống chính trị thiếu năng động trong Thành quốc, trong khi thế giới xung quanh biến chuyển rất nhanh. Và đó là điểm yếu chí tử của Hy Lạp. Sau thì Rome cuối cùng thành Đế chế toàn thế giới. Nếu chẳng được sự tinh nhậy độc đáo của người Hy Lạp thì bù lại, những người Rome không nhiễm bệnh cá nhân vị kỷ quá đáng của cư dân Thành quốc Athens.

Mặc dù chúng ta phân biệt lý thuyết chính trị theo Socrates với lý thuyết của Plato, có mặt tương đồng giữa hai nhân vật này trên bình diện lý thuyết xã hội. Nổi bật là quan điểm cũa họ về vấn đề giáo dục. Chúng hiển hiện rõ rệt truyền thống thẩm tra Hy Lạp. Nhắc lại, khoa học và triết học được phát triển trong trường học cũng như xã hội qua sự hợp tác giữa thầy và trò. Về căn bản, dẫu tiềm ẩn hay là lộ liễu, học không chỉ là một quá trình thu nhập thông tin. Phát tán thông tin cần, nhưng không là chức năng độc nhất, và cũng chẳng mấy quan trọng, của một người thầy. Điều này hiển nhiên ở thời đại chúng ta hẳn rất khác với thời tiền cổ Hy Lạp mà những văn bản rất hiếm hoi và khó tìm. Đối với chúng ta, ai biết đọc có thể tiếp cận thông tin từ thư viện. Chưa bao giờ người thầy lại chỉ có nhiệm vụ đưa thông tin như ngày nay. Và đây là sự thụ hưởng đến từ những triết gia Hy Lạp về quan điểm thế nào là giáo dục. Vai trò cũa người thầy là hướng dẫn để học trò tự thấy ra những điều tìm kiếm.

Khả năng tư duy không phải là tự nhiên. Khả năng này đến với những cố gắng bầm giập của học trò dưới sự hướng dẫn của người thầy. Đây là phương pháp nghiên cứu những đề cương dưới sự giám sát mà chúng ta thấy phổ cập trong những trường Đại Học thời nay. Những thiết chế hàn lâm này có khả năng hoàn thành chức năng nếu như chúng tạo ra truyền thống tư duy độc lập và tinh thần tìm tòi không bị chi phối bởi những thành kiến đương thời. Khi một Đại Học không làm được trách vụ này, nó chìm vào sự u mê giáo điều. Tệ hơn thế, một khi tư duy độc lập chết đi bởi thiếu lòng can trường hoặc thiếu tinh thần kỷ luật, hạt giống cho cái xấu cái ác lây lan, và xu hướng độc trị trở nên không gì kiểm soát nổi. Sự ngột ngạt của tính phê phán có nhiều hậu quả quan trọng hơn ta tưởng. Khác xa kiến tạo một mục tiêu thống nhất trong xã hội, nó áp đặt một sự đồng bộ mong manh vô vị lên đời sống chính trị. Thật là đáng thương cho những kẻ nắm quyền hành và trách nhiệm mà lại không biết như thế.

Giáo dục, tóm lại, là để truy tìm tư duy cho mình dưới sự hướng dẫn của những người thầy. Điều này được thực hành từ thời những trường học Ionian[5], và được những kẻ theo trường phái Pythgorean đề xướng. Một triết gia người Pháp, G. Sorel, cho rằng triết học không có nghĩa là yêu chuộng minh triết mà là ‘bạn của sự minh triết’, bạn ở đây được hiểu như đồng môn trong trường phái Pythagoras. Có vậy hay không chăng nữa, điều vừa nói nhấn mạnh rằng khoa học và triết học phát huy như một truyền thống cộng đồng, không chỉ cô lập trong những cố gắng thuần cá nhân. Đồng thời, chúng ta nhận ra tại sao Socrates và Plato lại bất đồng gay gắt với tập đoàn Biện Thuyết. Những người này đeo đuổi loại tri thức thực dụng, và cái họ dạy là những chuyện hời hợt. Họ có thể dậy cho học viên cách ứng xử trong nhiều tình huống cá biệt, nhưng những điều họ rao giảng đều thiếu cơ sơ và không có phân tích. Họ đôi lúc có khả năng cứu giúp một kẻ vượt khó trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhưng đây là chỉ đến từ phía người thầy. Quá trình giáo dục đòi hỏi những cố gắng đến từ hai bên, tức cả thày lẫn trò.

Với Socrates, lý thuyết giáo dục còn dính líu với một khái niệm có từ Pythagoras. Trong trước tác “Meno”, quá trình học hỏi được gọi là hồi tưởng những gì đã học được từ kiếp trước nhưng nay bị quên lãng. Chính đây là móc nối đòi hỏi một cố gắng liên hợp giữa thày và trò. Về khái niệm hồi tưởng, nó được đặt trên cơ sở cho rằng linh hồn chuyển qua nhiều trạng thái có thân xác và không có thân xác. Cách nhìn này tất nhiên liên quan tới lý thuyết liên lưu (transmigration) của Pythagoras. Linh hồn không thân xác ở trạng thái ngủ, cho nên tỉnh dậy với một thân xác, những điều từng học kiếp trước cũng được đánh thức. Trong hội thoại “Meno”, Socrates chứng minh luận cứ này bằng cách hỏi một đứa trẻ nô lệ. Ngoài ngôn ngữ Hy Lạp, nó không được giáo dục gì khác. Bằng những câu hỏi, Socrates giúp nó tạo dựng một hình vuông có diện tích gấp hai hình vuông cho sẵn. Nhưng phải nói, đây không phải một chứng cứ thuyết phục cho thuyết hồi tưởng. Socrates vẽ hình vuông trên cát, và sửa mỗi lần đứa trẻ lầm lỗi. Nhưng mặt khác, nó cho ta một thí dụ về giáo dục. Tương tác gữa thày và trò tạo được cái học xác thực. Trong nghĩa này, sự học có thể được biểu tả như một quá trình biện chứng, theo đúng tu từ Hy Lạp.

Lý thuyết giáo dục vừa đề cập cũng để dấu ấn lên ngôn ngữ đời thường. Chúng ta hay nói đến sự quan tâm khi một chủ đề nào đó được đánh thức trong tâm trí. Thí dụ này là một hiện tượng chung trong cung cách phát triển một biểu đạt. Ngôn ngữ bình thường thu vén từ ngôn từ tích lũy trong triết học. Điều này đáng được ghi nhớ cho những kẻ sùng bái những tuyên ngôn nhằm tạo dáng mà lại đòi vượt qua được những tra cứu học thuật.

Trong trước tác “Phadeo”, Socrates sử dụng thuyết hồi tưởng để cố gắng chứng minh rằng linh hồn bất tử, nhưng ông không thành công. Lý thuyết liên lưu sau này không được trường phái Pythagoras nhắc lại. Những người trong trường phái này chấp nhận khái niệm hài hòa, một khái niệm dẫn đến những kết quả đối nghịch với quan điểm linh hồn bất tử. Trên phương diện giáo dục, thuyết hồi tưởng liên quan đến phương thức điều trị tâm bệnh lý dựa trên gợi mở trí nhớ về quá khứ. Bỏ qua những yếu tố bí nhiệm, phương pháp này nắm bắt được liên hệ giữa giáo dục và phương cách điều trị hơn là khoa tâm lý liên tưởng (associationist psychology) dựa trên triết thuyết của Hume [6]. Ở một nghĩa rộng, giáo dục theo Socrates là phương thức trị liệu phần hồn. Giáo dục là quá trình dẫn đến tri thức, và như vậy, đến sự Thiện. Ngu muội được coi như vật cản trên con đường con người tự do có thể đạt được bằng tri thức sáng suốt. Điểm này tương đồng với cái nhìn trong triết luận Hegel, theo đó tự do được mô phỏng như hành trạng của tất yếu.

Nhiều vấn đề thích thú khác được đề cập trong “Meno”, nhưng cuộc hội luận được tường trình trong trước tác “Euthyphro” rất là hấp dẫn. Đây là vấn đề Lôgíc của công việc định nghĩa. Trước cật vấn cái gì gọi là thánh thiện, Euthyphro cố gắng trả lời nhưng chẳng đi đến đâu. Nhưng điều này không hẳn quan trọng. Socrates hé lộ cho thấy cái khung của mọi định nghĩa, soi sáng tính Lôgíc hình thức của nó qua những chủng loại tương đồng và dị biệt. Với bạn đọc, cách xử lý những vấn đề Lôgíc như vậy có vẻ bất toàn. Ngày nay, chúng ta quen đọc những trình bày trong sách giáo khoa theo kiểu Aristotle. Hội thoại về triết lý, phát kiến của Plato với nhiều kẻ kế thừa, nay không còn là thời thượng. Điều này đáng tiếc, bởi phong cách của những văn từ triết luận ngày nay không đạt được yêu cầu của chúng ta. Hội thoại đòi hỏi tác giả nhiều phẩm tính văn chương hơn những thể tu từ khác. Trong chiều hướng này, những hội thoại của Plato khó có gì để so sánh được. Đừng quên chúng được viết ra không lâu sau cái chết của Socrates, ở thời điểm Plato còn đang xác định tư tưởng của chính mình, và tài năng ông như một nhà viết kịch khi đó ở độ chín muồi. Như hệ quả, hội thoại dạng văn chương dễ đọc hơn, nhưng nội dung triết học lại khó nắm bắt, so với những văn bản thể loại khác.

Trong nhiều hội thoại, ta bắt gặp những kẻ tham dự vấp váp khi phải định nghĩa. Để đối đáp, họ thường đưa ra những minh họa. Không thực cần khi trả lời thế nào là Thánh thiện, Euthyphro đáp, chỉ cần biết Thánh thiện sẽ phán xét những kẻ báng bổ tôn giáo. Nhưng đây không phải là định nghĩa. Hành động Thánh thiện ở đây là phán xét, nhưng không chỉ có thế. Ta vẫn còn mù mờ thế nào là Thánh thiện, giống như khi hỏi triết gia là gì thì câu trả lời là Socrates là một triết gia. Tình thế này thật tréo cẳng ngỗng. Khi ra tòa để tìm biết mình bị buộc tội gì, ông gặp Euthyphro[7] cũng hiện diện ở đó. Ông này phải biện hộ cho cha về tội ngộ sát một nô lệ chết vì bất cẩn. Euthyphro xử sự theo qui củ và trình tự của cộng đồng, bác bỏ được tính chắc chắn của những lý lẽ buộc tội chỉ theo chuẩn mực dựa trên ước lệ nhưng thiếu tính phê phán. Socrates khen Euthyphro là “chuyên gia”, nhưng thôi không tư vấn ông trên vấn đề đạo đức mà ông này là một người đầy uy tín.

Tạm bỏ qua vấn đề đạo lý, chúng ta nhận thấy Socrates thành công khi ông giải thích cái gì cần khi ta gọi nó là Lôgíc. Đó là Ý thể của sự Thánh thiện. Dùng ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta diễn đạt điều kiện cần và đủ. Khi bé, trẻ con chập chững trên bốn chân như loài thú. Lớn lên chúng là người nếu, và chỉ nếu chúng có lý tính. Dùng hình thể, hãy biểu diễn điều này bằng hai vòng tròn cắt nhau. Con người, đối tượng ta cần xác định, là phần chung của hai vòng tròn vừa bao gồm tính duy lý, và vừa có tính chất loài thú. Thú tính bị giới hạn bởi lý tính; thú là chủng loại nói chung, lý tính gọi là sự khác biệt và là yếu tố phân biệt người ra khỏi tập hợp bầy thú. Vậy con người là một con vật với sự khác biệt là nó có lý tính. Sách giáo khoa dậy vậy, và nhìn sơ, chúng ta tự hỏi dẫu cho rằng hợp lý một cách thuần hình thức, vẫn có một cái gì đó lệch lạc về mặt nội dung.

Trên phương diện đạo đức, những hội thoại soi tỏ phần nào tôn giáo của Thành quốc Athens. Đặc biệt, đạo đức truyền thống có những khác biệt với đạo đức theo Socrates. Đó là sự khác biệt giữa đạo đức quyền lệnh (authoritarian) và đạo đức nguyên căn (fundamentalist). Câu hỏi được Socrates được nêu lên khi ông yêu cầu Ethyphro xác minh định nghĩa thế nào là Thánh thiện, điều mà các thần linh nhất trí chấp nhận. Socrates muốn biết những điều Thánh thiện là do Thần linh chấp nhận, hay Thần linh chấp nhận bởi chính những điều này tự thân là Thánh thiện. Nghi vấn này là một cách phê phán quan niệm của Euthyphro mà theo ông mọi sự đều do Thần linh ra lệnh cho con người. Trong Thành quốc Athens với tôn giáo đương thời, điều này có nghĩa là tất cả những qui định của Đại hội Quốc dân phải được tuân thủ. Thật ngạc nhiên khi Socrates đồng thuận với điểm này, nhưng ông lại hỏi về khía cạnh đạo đức nằm trong những hoạt động chính trị, vấn đề mà Euthyphro không bao giờ đặt ra. Điều vừa nói đưa ta quay về cái vấn nạn xoay quanh sự trung thành bất toàn trong những bi kịch Hy Lạp đã trình bày ở trên. Vấn nạn này chẳng thể đào sâu chôn chặt, bởi luật pháp và công lý là những vấn đề muôn đời. Liên hệ giữa hai khái niệm này là gì? Ta sẽ ứng xử ra sao khi bị bắt phải tuân thủ một luật lệ ta coi là bất công? Những câu hỏi này vẫn mang tính thế sự, nhất là khi tuân thủ chúng một cách mù quáng có thể nhận chìm cả cái thế giới ngày hôm nay vào những tàn phá không bao giờ khôi phục lại được.

Nếu Euthyphro cho rằng luật lệ ở thể tĩnh bất biến thì với Socrares, chúng ở thể động và có thể thay đổi được. Mặc dầu không phát biểu dài dòng, Socrates có quan điểm thực nghiệm trong tư duy về lý thuyết xã hội. Chẳng hạn, ông tìm hiểu trong thực tiễn luật lệ xấu tốt ra sao, bất kể ai là kẻ định ra luật lệ. Ông thừa biết chuyện này khiến ông bị qui kết trách nhiệm, và bị khủng bố bởi những nhà cầm quyền. Điều này chẳng lạ với những nhà tư tưởng dị giáo động chạm vào gốc rễ của chính giáo. Không cần biết động cơ bất vụ lợi đàng sau những động thái này, cách đối xử tàn tệ của những nhà đương quyền đều tương tự như nhau. Quan điểm của Socrates đối với luật lệ Thành quốc Athens được thuật lại trong “Crito”, kể chuyện ông từ chối đi trốn để khỏi bị hành hình. Dẫu chúng bất công, ông tuân thủ để cho những luật lệ đó mang tiếng xấu. Nhưng ông không nhìn ra rằng chuyện xẩy đến cho ông là chính bởi tính bất công cũa những luật lệ đó. Cách hành xử không nhất quán khiến Socrates bác bỏ giải pháp dễ dàng là đi trốn. Ông buộc những kẻ cầm quyền biến ông thành một người tư duy tự do tử vì đạo. Những giây phút cuối của ông được kể lại trong “Phaedo”, một tuyệt tác trong văn chương phương Tây. Một số thảo luận trong hội thoại này đều nhằm chứng minh rằng linh hồn bất tử. Chúng ta không quan tâm điều này vì lập luận thiếu xác đáng, nhưng chúng lại nêu ra vấn đề khá thú vị về tương quan xác thân-trí tuệ. Phần cuối của hội thoại, không còn ai phản đối những luận điểm được thảo luận. Đó chẳng phải là vì những phức hợp kiểu Pythagoras không còn. Hình như thảm sự hành hình, cộng với lòng cảm thương, khiến những người bạn của Socrates thôi không tiếp tục tra vấn những kết luận của ông. Về mặt triết học, phần quan trọng nhất trong hội thoại này là phương pháp đưa giả thiết và từ đó diễn dịch, nền tảng của luận cứ khoa học.

Socrates giải thích có những vấn đề khiến ta mất can đảm trước những khó khăn trong lập luận. Ông cảnh báo sự sợ hãi, sự mất tin tưởng, sự chấp thuận thiếu nền tảng trước khi trình bày phương pháp ông đề xuất. Khởi đầu ta đưa ra một số giả định, hay giả thiết. Hai chữ này đồng nghĩa, đều là mặt dưới một cái gì trên đó chúng ta phải xây dựng những luận cứ. Từ giả thiết, chúng ta diễn dịch những hệ quả và kiểm nghiệm xem chúng có là những sự kiện không chối cãi được hay không. Điều này được gọi là ‘cứu vãn hiện tượng’ (saving appearances); và một giả thiết như vậy phải hiển nhiên và phù hợp với cái thể bên ngoài của sự vật. Khái niệm này dính líu đến môn thiên văn trong trường phái Pythagoras, đặc biệt là hiện tượng những hành tinh. Chuyển động của chúng bề ngoài không đều đặn, và nói ngắn gọn, điều này không mấy phù hợp với một vài đòi hỏi siêu hình. Như vậy, chúng ta cần một giả thiết đơn giản có khả năng ‘cứu vãn hiện tượng’[8].

Nếu sự kiện không phù hợp với hệ quả của một giả thiết, ta phải bỏ, và thay thế bằng một giả thiết khác. Điều quan trọng, giả thiết là một tiền đề không chứng minh được. Điều này không có nghĩa rằng khởi điểm một luận cứ là tùy tiện, mà là điều được sự chấp thuận, và nếu nó không như một nhận thức chắc chắn thì chí ít nó cũng phải là điểm khởi đi cho một cuộc hội luận. Chứng minh một giả thiết là một vấn đề khác. Ở đây, chúng ta lại phải tìm một khởi điểm khác, và từ đó, giả thiết vừa nêu chỉ là hệ quả. Đây là quá trình biện chứng theo quan điểm của Socrates. Chúng ta phải loại bỏ những giả thiết đặc biệt trong mọi khoa học nhằm xác lập một giả thiết phổ quát tối thượng hàm chứa ý nghĩa một khởi điểm, chẳng hạn như Ý thể của sự Thiện. Điều này, dĩ nhiên, đối với chúng ta là điều vô vọng. Nhưng, phải nhận, những lý thuyết khoa học đều hướng đến yếu tính tổng quát, đại cương, và kết hợp những ngành học ban đầu xem ra tưởng là tách biệt. Với những nhà Toán học và Triết gia, kết hợp giữa số học và hình học được xác lập một cách kiệt xuất bởi Descartes gần hai ngàn năm sau thời của Socrates.

Socrates không phải là người đầu tiên đề xuất phương pháp lập luận dựa trên giả thiết. Học phái Eleatics từng dùng phương thức này trong tranh luận với những người cho rằng vật giới đa tạp. Nhưng học phái này dùng giả thiết để phản biện với mục đích đả phá. Cái mới trong Socrates là mục đích xây dựng trên cơ sở những giả thiết. Ở đây, vấn đề là đạt được thứ kết toán đề đạt ra những thần ngôn, hay logos, trên những sự kiện ta quan sát. Kết toán này cho phép suy diễn từ những giả thiết. Nó đèo theo khái niệm rằng có một sự kiện được giải tích thì chừng mực nào vẫn hơn là không có giải tích. Nhắc lời Socrates, ‘một cuộc đời không được thẩm tra là không đáng sống’. Cuối cùng, tất cả đều liên hệ với với quan điểm đạo đức của Pythagoras. Hơn thế, mọi xu hướng tiến về sự tổng hợp mọi thể khiến tất cả đều đồng qui về Ý thể của sự Thiện, và như vậy, sự Thiện là quan điểm đến từ lý luận khoa học. Cách thế này là một đóng góp tích cực của học phái Eleatics.

Thật là lạ khi phương pháp sử dụng giả thiết và diễn dịch trình bày trong “Phaedo” lại chẳng tương ứng đồng thanh với lý thuyết của Socrates về tri thức và về quan điểm dư luận. Giả thiết, cái ‘cứu vãn hiện tượng’ trong phương pháp này, không được sai, bởi nếu nó sai, ta không thể so sánh sự kiện hiện thực với hệ quả của giả thiết. Mặt khác, ‘hiện tượng’ được nhận biết qua cảm quan, chúng như thế là quan điểm, kết quả của dư luận, tức chúng bất toàn và có thể sai lạc. Cũng bởi lẽ này mà khi chấp nhận phương pháp giả thiết và diễn dịch, chúng ta phải hạ thấp Lý thuyết Ý thể. Đây là điều trường phái Duy Nghiệm sau này quảng bá. Làm sao đặt ra giả thiết tiên khởi là vấn đề chưa bàn. Không có câu trả lời tổng quát cho câu hỏi này. Chẳng thể có một phương cách nào bảo đảm sự thành tựu của những tìm tòi giả thiết xác đáng. Có lẽ vì Socrates không đặt ra vấn đề này lại cho phép ta đo được chiều sâu mức độ nhận thức của ông. Quả thế, làm gì có chi gọi được là Lôgíc của những phát kiến sáng tạo.

“Phadeo” là một tài liệu lịch sử ngang tầm với “Lời tạ lỗi”. Socrates trung thành với cách ứng xử của mình cho đến cuối đời. Ông quan tâm đến bạn, can đảm, khéo léo và tự hãnh một cách đôi khi vô ý thức. Ông cho rằng biểu hiện quá lố xúc động, cũng như gục ngã trước khi phán quan mang đến cho ông thuốc độc là mất phẩm cách. Bình tĩnh đến thản nhiên, ông uống và nằm xuống đợi cái chết. Lời cuối ông xin Crito, bạn ông, là hy sinh một con gà trống hiến cho Asclepius [9], hầu khi hồn lìa xác được lành bệnh.

Chúng ta đã thảo luận cách Parmenides phê phán Lý thuyết Ý thể của Socrates. Trong trước tác “Theaetetus”, được viết đồng thời với “Parmenides”, chúng ta tách khỏi tư tưởng Socrates, và xét thẳng những luận điểm của chính Plato ở độ chín muồi. Nhắc lại, tri thức với Socrates là Ý thể, trong khi cảm quan tạo ra quan điểm. Cách nhìn này nhấn mạnh sự khác biệt giữa kiến thức Toán học và kinh nghiệm thực chứng, nhưng một lý thuyết có tính khái quát về tri thức vẫn chưa được xác lập. “Parmenides” chứng minh điều đó là khả thể. Trong “Theaetetus”, vấn đề này sẽ được bàn cãi.

Socrates luôn là khuôn mặt trọng tâm trong những hội thoại. Nhưng những phê phán về lý thuyết tri thức ghi trong “Nền Cộng Hòa” của Platon như vậy không thể gán cho Socrates. Thời gian đó, cách nhìn của Socrates không còn chế ngự thuyết phục hoàn toàn. Trong những hội thoại sau này, khi Plato đã xác quyết những luận điểm riêng, ông dùng kẻ lạ thay vào chỗ cố hữu của Socrates.

Theaetetus là một nhà Toán học lỗi lạc có đóng góp lớn trong Số học và Hình học. Ở thời điểm ngay trước khi Socrates bị hành hình, ông còn là một chú bé đầy hứa hẹn. Trước tác “Theaetetus” viết để tưởng niệm về ông, bị thương và đau ốm sau trận chiến Corinth[10] năm 369. Trả lời có chút hài hước câu hỏi tri thức là gì, Theaetetus đưa ra một thí dụ nhưng nhìn ngay thấy sai lầm này và đề xuất một định nghĩa. Ông nói, tri thức là aesthesis, ngữ nghĩa Hy Lạp chỉ tri giác bất kỳ thể loại nào. Chữ chúng ta dùng ở đây, aesthesis là một đặc điểm của tri giác. Đặc biệt, chúng ta quan tâm đến tri giác qua sự cảm nhận của giác quan. Quan niệm này có từ Protagoras[11], cho rằng con người là thước đo mọi sự. Với tri giác, sự vật thể hiện như nó là, và ta không phạm sai lầm được. Định nghĩa này không đủ. Ta không thể bảo sự vật nào đó thể hiện chính nó, không có gì là, mà mọi thứ đều ở trạng thái trở thành theo lời Heraclitus[12]. Với vị này, tri giác là sự tương tác giữa sự vật cảm được và người cảm nó. Nhưng sự vật vô thường, trạng thái luôn biến hiện, không nắm bắt được ở thể tĩnh. Như thế, nói cho cùng, nếu ta theo lý thuyết thay đổi liên tục, một cái gì đó chưa được đặt tên thì đã biến dạng để thành cái khác, và bởi thế ta chẳng hiểu được gì và nói được gì về cái đó nữa. Như vậy, cần tìm một lối đi khác để đáp câu hỏi tri thức là gì.

Hãy xét sự kiện theo đó cảm nhận một đối tượng là nối toàn bộ những cảm quan với đối tượng đó. Điều sau, gọi là hồn hay trí, và hồn chẳng khác gì trí theo Plato. Hồn tiếp cận những thuộc tính như sự khác biệt, đồng nhất, tồn tại, số lượng cũng như những thuộc tính trong phạm trù đạo đức và nghệ thuật. Nếu thế, không thể đưa ra định nghĩa tri thức đơn thuần là tri giác . Thử tìm xem ta có thể nào định nghĩa tri thức từ phần hồn được hay không. Chức năng của nó là khai mở một cuộc đối thoại với chính nó. Tiến được đến một đồng thuận trên một vấn đề, ta bảo hồn đã đạt được một phán đoán. Vậy nay ta buộc xem rằng tri thức có phải là những phán đoán không sai lầm hay không. Phương thức lập thuyết vừa trình bày dẫn đến sự phân giải thế nào là đúng, thế nào là sai. Ở đây, Plato đặt ra nền tảng để tranh luận ta sẽ triển khai lập luận của ông sau này.

Nhưng phán đoán sai lầm là bất khả, nếu như phán đoán chỉ là chức năng của phần hồn. Chúng ta có thể giả dụ rằng phần trí giống như một tấm bản ghi khắc trí nhớ. Sai lầm xẩy ra khi nối cảm quan với một trí nhớ không tương thích. Nhưng điều này lại không có ý nghĩa gì khi ta sai lầm trong số học vì tự thân số học chẳng có gì liên quan đến cảm nhận. Nếu giả dụ phần trí giống như cái lồng chim, và chim là những tri thức, và khi ta nhốt một con chim, nó có thể là con chim tồi. Trường hợp này ta sai lầm. Nhưng sai phạm này khác với chuyện phát biểu một sự thật. Vì nếu có những con chim tồi, khi ta bắt ắt ta biết, và như thế ta không bỏ nó vào lồng, chuyện sai phạm là không thể có. Ngoài ra, chú ý rằng một khi sai lầm được đưa vào như những khả thể, toàn câu chuyện nhốt chim sẽ thành ra thứ luận cứ luẩn quẩn vòng vo. Một người có thể tình cờ phát biểu một phán đoán đúng, nhiều khi phán đoán đó chỉ có tính chất một quan điểm cảm tính. Định nghĩa xác đáng cần tính đến khả năng này. Và chính xác hơn, ta bảo tri thức là những phán đoán đúng trên những luận cứ rạch ròi. Không có luận cứ, tất không có tri thức. Hãy nghĩ ngay đến từng con chữ ta có thể đọc mà chẳng có ý nghĩa gì. Xếp chúng với nhau, ta tạo ngôn ngữ rồi từ đó ta mới có thể phân tích chúng trên con đường kiếm tìm tri thức. Nếu cách xếp chúng không cho phép điều này thì ta lại cần thêm yếu tố xếp cho đúng. Cứ vậy, phát biểu của chúng ta rỗng tuếch. Ngoài ra, thế nào là một luận cứ? Rõ rệt, ở đây ta cần phân định một sự vật khác những sự vật khác ra sao. Vậy tự thân, luận cứ hoặc là một phán đoán, hoặc là một nhận thức về khác biệt. Vế đầu, là đi giật lùi, vế sau lại dẫn đến sự vòng vo của cố gắng tìm định nghĩa. Hiện chúng ta không có giải đáp gì về vấn đề này, nhưng ít nhất chúng ta đã nhổ cỏ dại để khỏi dẵm chân vào cạm bẫy sai trái. Chỉ tự chúng, cả cảm quan lẫn khả năng lý giải đều không thể gọi là tri thức.

Vấn đề tri thức và vấn đề sai lầm là hai mặt một một đồng tiền. Chúng chưa được giải quyết, và chúng ta cần mò mẫm một khởi điểm mới để soi sáng những vấn đề này. Để tiếp tục, ta tham khảo thêm hội thoại của Theaetetus trong “Biện Thuyết”. Cùng nội dung, nhưng kẻ lạ Eleatics xuất hiện, và Socrates không còn chiếm lĩnh trung tâm những hội thoại, nay chỉ giữ một vai trò mờ nhạt so với trước. “Biện Thuyết” đặt lại vấn đề định nghĩa thế nào là kẻ ngụy biện, và làm sao phân biệt hắn với một triết gia. Phản kháng đằng sau chuyện này nhằm trường phái theo Socrates ở Megara, trường phái đã triển khai loại Lôgíc Eleatics nhằm đả phá một chiều. Với kẻ lạ Eleatics, Plato chứng tỏ đã nắm bắt và đưa ra lời giải rất xuất sắc về vấn đề sai lầm. Qua miệng kẻ lạ, Plato chứng minh cho ta thấy ông ở trong dòng chính của nền triết học truyền thống, trong khi những người ngụy biện phái Megara lạc đường.

Vấn đề thực sự trong “Biện Thuyết” là sự nan giải của khái niệm không-là theo Parmenides. Ban đầu, quan niệm đó chỉ được áp đặt lên thế giới vật chất, nhưng sau, hậu duệ của Pamenides khai triển nó trên cả phương diện Lôgíc. Đây chính là vấn đề chúng ta phải thảo luận, nhưng trước đó, hãy bàn thêm về phương pháp phân loại, một thủ pháp thông dụng trong Academy. Phương pháp này cho ta một tập hợp những định nghĩa, bắt đầu từ loại chính, sau với những khác biệt phân thành hai, và cứ thế tiếp tục. Một thí dụ đưa ra trong trước tác “Biện Thuyết” để minh họa. Chúng ta muốn định nghĩa ‘câu cá’ chẳng hạn. Đầu tiên, nó là nghệ thuật. Nghệ thuật phân hai, sản xuất hay đánh bắt. Câu cá thuộc thể loại thứ nhì. Đánh bắt một vật thể thì có vật thể tự nguyện và không tự nguyện bị tóm. Cá thuộc loại hai. Vật thể bị bắt thuộc một trong hai loại, vô sinh và hữu sinh. Cá thuộc loại hữu sinh, là sinh vật sống trên cạn hay dưới nước. Cá sống dưới nước... Chúng ta cứ thế chẻ đôi rồi cuối cùng thâu tóm lại: Câu cá là nghệ thuật đánh bắt một sinh vật sống dưới nước. Dĩ nhiên ta có thể phải định nghĩa người đi câu chẳng hạn. Ở đây, người là điểm xuất phát, và từ đó ta phải nói đến phần xác, phần hồn, vv...

Nay ta quay sang hội luận trên vấn đề chính trong học phái Eleatics. Khó khăn tiếp cận khái niệm không-là vì triết gia không thấu hiểu tức là thế nào. Tri thức trong trước tác “Theaetetus” đòi hỏi có tương tác, nghĩa là ở trạng thái Động. Nhưng đồng thời, nó cũng cần trạng thái Tĩnh, bởi nếu không thì chẳng còn gì để nói (về Động). Đối tượng ta tìm hiểu, trong một nghĩa nào đó, phải bất biến. Nhận định này hé mở giải pháp cho vấn đề. Động và Tĩnh cùng tồn tại, nhưng như hai trạng thái đối nghịch không thể nào hỗn hợp được. Như vậy, có ba cách nhìn. Hoặc là mọi sự thể luôn luôn tách biệt nhau, như Tĩnh và Động, chúng không cùng có thể Là được. Hoặc mọi sự thể có khả năng hỗn hợp với nhau, điều này hiển nhiên là không được. Hoặc điều thứ ba, có một số sự thể hoàn toàn tách biệt, và một số có thể hỗn hợp được. Như thế, Không-là và Là tự thân vô nghĩa. Nó chỉ có nghĩa qua phán đoán về sự thể. Những Ý thể, như Động, Tĩnh, Là, Không-là ... đều được coi như những thuộc tính khái quát được mổ xẻ trong “Theaetetus”. Chúng khác với Ý thể của Socrates. Lý thuyết Ý thể theo Plato trong trước tác này là bước tiên khởi cho sự khai triển Lý thuyết về Phạm trù trong Triết học sau này.

Chức năng của biện chứng là khảo sát những Ý thể nào không hỗn hợp được, và những Ý thể hỗn hợp được với những Ý thể khác nó. Động và Tĩnh không hỗn hợp được với nhau, nhưng có thể hổn hợp với Là. Động là chính nó như nó là, nhưng khác với Tĩnh. Cái Khác, cái Là... lan tràn rộng khắp.

Nay chúng ta có thể hiểu gì là Không-là. Thể Động vừa Là, vừa Không-là. Động hẳn không là Tĩnh. Trong chừng mực này, Không-là tương đương với khái niệm Là. Ở đây, Không-là cái này hay cái kia. Cũng như Là cái này hay cái kia. Vậy Là và Không-là chẳng thuần trừu tượng. Với nhận xét này, Plato soi rọi cội nguồn của khó khăn: trong ngôn từ hiện đại, ta phân biệt nghĩa thông dụng của Là với cách sử dụng nó như hệ từ trong một đề xuất. Vế sau - Là như hệ từ - mới thật quan trọng trong Triết học.

Trên cơ sở thảo luận trên, nay ta có thể tổng kết về vấn đề sai lầm. Phán quyết rằng sự xác minh sự thể-vật thể như nó Là phải đúng. Xác quyết nó như cái nó Không-là tức sai phạm lầm lỗi. Điều này gây ngạc nhiên, kết cục hóa ra chỉ có thế, không bí ẩn hơn, không hào hứng hơn. Nhưng kể ra cũng chẳng lạ mỗi khi ta đã biết lời giải của một bài toán. Để kết luận phần này, những nan đề trong “Theaetetus” cũng được giải đáp, dẫu chúng không phải là những tra vấn đặc biệt gì. Và chúng ta phải gắn chúng với những phán quyết, dù đúng hay sai. Nhưng làm sao biết đúng hay sai? Câu trả lời là, chúng đúng khi sự vật-sự thể là thế, và sai, nếu chúng khác thế. Không có một tiêu chuẩn nào bảo đảm chúng ta khỏi sai phạm.

Thảo luận về cái Không-là cho phép chúng ta bàn về vấn đề vận hành chuyển dịch gọi gọn là chuyển hành. Lý thuyết của trường phái Heraclitus sẽ được bộc hiện với sự giải quyết những nghịch lý phiến diện bề mặt. Tuy nhiên, Plato đề xuất một lý thuyết riêng với những liên quan trực tiếp đến thuyết Nguyên Tử và khoa Toán Lý hiện đại. Lý thuyết này được trình bày trong “Timaeus”, một hội luận thuộc thời cuối đời Plato, khi tư tưởng ông đã hoàn toàn chín muồi. Ở đây, chúng ta không đề cập đến vấn đề nguồn gốc vũ trụ, nhưng ghi nhận trong cuộc hội luận rằng đã có nhiều tiến bộ so với thời Pythagoras, với một số hé lộ để giải thích chuyển động những hành tinh. Hình như giả thiết mặt trời là trung tâm chuyển động là một khám phá của Academy. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khoa học khác được đưa ra, nhưng chúng ta hãy tạm để chúng qua một bên. Chúng ta dồn nỗ lực bây giờ vào thuyết Nguyên Tử trong dạng hình học và toán học.

Thuyết này đề xuất sự phân biệt giữa Ý thể, vật chất cơ bản, và hiện thực hữu hình trong thế giới cảm quan. Vật chất cơ bản ở đây là không gian rỗng, tức chân không. Hiện thực qua cảm quan là hỗn hợp giữa Ý thể và không gian trên đó Ý thể có lưu dấu vết. Trên nền tảng này, thế giới vật chất kể cả thế giới sinh vật được mô tả theo 4 yếu tố. Những yếu tố này xếp theo hai loại tam giác cơ bản, một là tam giác vuông với một cạnh dài bằng nửa cạnh kia, và hai là tam giác đều với hai cạnh bằng nhau. Với hai tam giác này, chúng ta có thể xây dựng 4 trong năm hình khối. Khối 4 mặt là hạt cơ bản của lửa, 6 mặt là của đất, 8 mặt là của không khí và 20 mặt, của nước. Lửa 4 mặt có thể xâm nhập những thể khác. Nước 20 mặt là hạt đều đặn nên trơn trượt liên tục.

Lý thuyết chuyển hành vừa đề xuất báo trước khoa Vật lý Hiện đại một cách đáng kinh ngạc. Plato trên điểm này đã đi xa hơn thuyết vật chất nguyên tử của Democritus. Hai loại tam giác nói trên có thể coi như điển hình của hạt nhân, hay hạt cơ bản. Chúng không gọi là nguyên tử atom. Ngữ nghĩa Hy Lạp của từ atom này là không chia cắt ra được. Vật thể nào được cấu thành từ những vật thể khác tự thân không mang cái nghĩa bất khả phân chia.

Plato có thể được coi là người tiên phong cho những truyền thống khoa học tiên tiến. Quan điểm mọi sự đều qui về hình học được biểu tỏ rõ ràng bởi Descartes, và một cách khác, bởi Einstein. Khi chỉ xét 4 trong 5 hình khối vật thể, Plato chấp nhận một giới hạn có lẽ đến từ truyền thống thời ông sống. Ông cố gắng trình bày một cách nhìn ‘cứu vãn hiện tượng’, và giả thiết ông dùng có tính Toán học. Cho rằng thế giới cuối cùng sáng soi bởi những con số là một phần trong giáo điều Pythagoras mà Plato chấp thủ. Phần mình, chúng ta cũng kế tục những mô hình toán để giải thích thế giới vật chất, mục tiêu của bộ môn Toán Lý ngày nay.

Cứ cho rằng lý thuyết của Plato liên quan mật thiết đến giáo truyền Pythagoras, chúng ta lưu ý trong những hình khối vật thể không có loại 12 mặt. Mặt của thể loại này không thể cấu thành từ tam giác, mà là từ những ngũ giác đều cạnh. Nhắc lại, ngũ giác là một chỉ dấu bí nhiệm trong trường phái Pythagoras, và sự hình thành của nó cần đến khái niệm số vô tỷ đã trình bày. Ngoài ra, hình thể 12 mặt nhìn có vẻ tròn trịa hơn những hình thể khác. Do đó, Plato cho rằng nó biểu hiện thế giới, nhưng đây chỉ là một loại hình ức đoán không có hậu quả nào trên dạng thức mô hình Toán nói trên.

Lý thuyết Toán của Plato sẽ được bàn sau. Lý thuyết này dựa trên vài tiêu chuẩn trong hội thoại và phát biểu của Aristotle. Hai yếu tố quan trọng cần nhấn mạnh. Thứ nhất, Plato, hay ít ra là Academy, đã rà soát lại nguyên lý Pythagoras về số học để giải quyết những phê phán của phái Eleatics. Trong việc này, một cách nhìn cực kỳ hiện đại bao trùm. Con số đầu trong loạt số được khẳng định là số zero chứ không phải số một. Điều này cho phép triển khai một lý thuyết phổ quát về số vô tỷ. Cũng vậy, trong hình học, đường thẳng nay được quan niệm như chuyển động của một điểm. Đây là quan điểm thiết yếu của Newton trong lý thuyết thay đổi liên tục, hình thức sơ khởi của khoa sau này gọi là Toán vi phân. Trong tinh thần biện chứng, chúng ta gặt hái được kết quả tổng hợp của số học và hình học.

Thứ hai, theo phát biểu của Aristotle, Plato cho rằng những con số là không thể cộng với nhau được. Phát biểu ngắn gọn này hàm ẩn quan niệm số học rất hiện đại. Thể theo cung cách Pythagoras, Plato coi những con số là những Ý thể. Ý thể thì không cộng được; cộng là cái chúng ta làm khi chúng ta gom những vật thể, thí dụ những hòn sỏi chẳng hạn. Đối tượng nhà Toán học quan niệm về tính cộng khác cả Ý thể và những hòn sỏi đưa ra như thí dụ. Nó nằm đâu đó chính giữa, Nhà Toán học cộng những gì mà thể loại không cần chỉ định nhưng miễn là chúng thuộc vào cùng thể loại. Lấy thí dụ trong định nghĩa về số mà Frege, và sau này Whitehead và chính tôi (tức B Russell) đưa ra, số ba là hạng loại (class) mọi bộ ba (triplet). Số hai là hạng loại mọi bộ đôi (couple), và khi những hạng loại cùng chỉ định một thể loại[13], chúng ta cộng chúng như hai hạng loại chứ không phải cộng số hai và số ba.

Chúng ta vừa lướt qua những lý thuyết quan trọng do Plato đề xuất. Rất ít, nếu không muốn nói chẳng có triết gia nào đạt đến tầm rộng và chiều sâu của ông, và không một ai hơn ông được. Thật là tiếc cho những kẻ dấn thân vào nghiên cứu triết học mà lại lơ là những cống hiến của Plato.


[1] Một trung tâm ở vùng vịnh Tunis do người Phoenic xây dựng vào năm 1000 trước công nguyên.

[2] Eleatic, địa danh vùng ảnh hưởng Hy Lạp bên Ý. Học phái Eleatics là một trường phái tiền-Socrates.

[3] The New Brave World, tên tác phẩm rất nổi tiếng của A. Huxley (1931).

[4] Chẳng hạn như Hitler, Staline, Mao, và ... Polpot (N.D)!

[5] Một trong ba dân tộc cấu thành Hy Lạp thời tiền cổ.

[6] D. Hume (1711-1776) là triết gia người Tô cách Lan, chủ trương thuyết Thực Chứng và thuyết Hoài Nghi.

[7] Triết gia nổi tiếng về Đạo đức học.

[8] Nhắc chuyện Gallileo (1564-1642), người phát ngôn rằng trái đất xoay quanh mặt trời, ngược lại quan điểm chính thống của Giáo Hội Ki-tô. Ông bị đàn áp, quản chế, và phải tuyên xưng trước công chúng rằng mặt trời quay quanh trái đất cho ‘phải đạo’. Đành làm thế, nhưng ông lẩm bẩm (cho người khác nghe được) rằng, nói gì thì nói, nó (tức trái đất) vẫn cứ quay. Trái đất quay là hiện tượng, còn cứu vãn nó ra sao? Sau này có người biện bác rằng hiện tượng có thể khác bản chất! Và cuối cùng, chỉ bản chất mới bất biến, vĩnh hằng. Nhưng trái đất vẫn cứ quay từ khời thủy, thế mới thật là khó cứu vãn! (N. dịch)

[9] Thần Hy Lạp có sứ mệnh trông coi sức khoẻ bệnh tật.

[10] Một địa phận cách Athens 80 cây số.

[11] Triết gia phái Sophist thời tiền-Socrates.

[12] Triết gia thời tiền-Socrates, cho rằng mọi sự đều vô thường trong cõi nhân gian.

[13] Những hòn sỏi chẳng hạn.