Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 9)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Sinh viên Y6 vừa thi tốt nghiệp. Nơi công tác của từng bác sĩ cũng đã được tổ chức định đoạt.

Đặng Vũ Hoàng Anh và Trần Tử Khang từ nơi sơ tán về Hà Nội. Dọc đường, hai người lặng lẽ bên nhau, mà trong lòng lúc nào cũng rộn ràng, xốn xang hạnh phúc. Không gì bằng ta đã có người yêu. Ta có nhau, như cây phải có lá; như thinh không phải có mặt trời, trăng, sao, mây, gió; như cánh đồng phải có lúa ngô khoai sắn; như dòng sông phải tràn đầy nước chảy...

Từ đêm trăng thu được yêu ta đã thành chồng vợ. Và, ta mãi mãi sắt son, tận thủy tận chung. Không gì làm ta có thể chia lìa...

Hoàng Anh đã viết thư thưa với cha mẹ về chuyện yêu đương của mình, ngay sau cái đêm thu hiến dâng trao gửi ấy. Khang cũng viết thăm hỏi sức khỏe và xin phép ông bà Đặng Vũ Chí Thành để được gần gũi Hoàng Anh. Chưa gặp mặt, anh đã thấy hai đấng sinh thành của nàng thực sự là cha mẹ mình. Trong thư, anh xin được trở thành một người con trong gia đình. Và anh xưng hô là con và ba mợ ngay từ dòng chữ đầu tiên. Dĩ nhiên, Hoàng Anh cũng như Khang, không ai nói gì về mối tình của mình đã rất sâu nặng. Nàng đã có thai năm tháng. Khi ở riêng bên nhau, lần nào nàng cũng cầm tay Khang đặt vào bụng mình. Anh thấy không? Con mình nghịch ngợm ghê gớm thế đấy. Nó giẫy đạp lung tung, suốt ngày đêm, không để mẹ yên! Con trai đấy. Em thích nó giống anh. Nó vùng vẫy đòi ra với ba cơ. Ngộ nghĩnh quá! Anh thấy chưa? Con mình khoẻ mạnh và rất kháu khỉnh, phải không? Nó sẽ thông minh, giống cha.

Và cũng chính vì cái sinh linh nhỏ bé đang từng phút từng giờ lớn lên trong lòng Hoàng Anh mà cả hai cùng hết sức mong mỏi, nhưng cũng không khỏi lo lắng khi trở về Hà Nội. Nhưng đó chỉ là cái lỗi của tình yêu, cổ kim không có ai lạ. Các bậc ông bà cha mẹ đều thương yêu con cháu mình, thường thì ai cũng dễ dàng tha thứ. Cả hai cùng đinh ninh cuộc ra mắt cha mẹ đầu tiên sẽ là một ngày hạnh phúc, một ngày vui lớn, đáng nhớ và cũng đáng trân trọng suốt đời.

* * *

... Bà Nguyễn Thị Hoài mặt mũi xanh lét, đôi mắt tối sầm sau làn mi thưa cụp xuống. Bà run lên bần bật, hệt người đang trong cơn sốt rất nặng. Người mẹ mất hết bình tĩnh:

- Mày là một thằng thủ đoạn. Một thằng tâm địa bất chính. Một thằng lòng dạ đen tối. Một thằng đểu giả!

Tiếng thét của bà rít qua kẽ răng, chỉ đủ nghe, nhưng rõ ràng, sắc lạnh. Và bà giang tay tát rất mạnh vào mặt chàng trai. Khuôn mặt bà đanh lại, hai tròng mắt như sắp nảy bật ra ngoài, đôi môi mím chặt, uất hận.

Rồi bà thốc tháo:

- Mày đã cướp trắng mất con gái bà! Mày đã cướp trắng...

Ông bà hứa gả Hoàng Anh cho con trai một người quen thân trong ban bí thư trung ương. Vợ chồng ông bí thư là chỗ công tác gần gũi, thân tình. Người ta đã đặt hết niềm tin tưởng...

Gia đình ấy cần trong nhà mình có một bác sĩ.

Hoàng Anh vô cùng sửng sốt. Nàng đứng phắt lên:

- Sao mợ lại có thể...?

Bất lực, nàng nhìn cha cầu cứu:

- Kìa, ba!

Người cha như không nghe thấy.

Hoàng Anh ngạc nhiên với mẹ và cả với cha mình. Và rồi nàng khóc, nước mắt lã chã. Nàng không ngờ mẹ giận dữ, khắc nghiệt, mà ba cũng vô tư vô tình đến thế! Chỉ là chuyện quan hệ công tác đảng của các ông bố, bà mẹ với nhau. Hoàng Anh và anh chàng lưu học sinh Đông Âu học dốt nhưng ngạo mạn lại tự mãn ấy, chỉ quen biết nhau sơ sơ. Nàng không có chút cảm tình. Khi anh ta chưa chuồn khỏi quê hương, để tránh xa bom đạn chiến tranh, hai người cũng chưa từng một lần gặp gỡ riêng tư. Từ nhiều năm rồi nàng đã nghĩ, người chồng của mình có thể nghèo nhưng trước hết phải thông minh và tài năng.

Hoàng Anh lại ngồi xuống ghế. Vì sao ba mợ mang nặng tư tưởng và hành vi phong kiến như thế!

Ông Thành vẫn ngồi, vẻ mặt hoàn toàn giữ được vẻ điềm đạm. Ông quay sang kéo tay bà vợ:

- Thôi mình, như thế đủ rồi! Ta hỏi xem vì sao hai đứa yêu nhau và nguyện vọng thế nào?

- Phá cái thai đi! Phá thai. Phá thai. Chứ thế nào nữa?

Khang và Hoàng Anh chưa kịp trả lời. Bà Hoài đã quát lên. Lúc này, mặt mũi người mẹ đã hết xanh nhưng lại tím lịm.

- Mình cứ bình tĩnh, đừng làm quá thế. Để hai đứa phát biểu ý kiến. - Người cha nói giọng nhỏ nhẹ.

- Thưa ba mợ! Chúng con yêu nhau tự nguyện và chân thành. Bọn con đâu có thủ đoạn gian dối, xấu xa, đồi bại gì? Hai chúng con xin ba mợ thương và cho phép được sống với nhau.

Khang nói ngắn không vòng vo, bình tĩnh và tự tin. Đôi mắt anh tha thiết và cũng bộc lộ lòng kính trọng vô bờ với hai đấng sinh thành của Hoàng Anh như không hề đã bị bà mẹ sỉ nhục, xử sự thô bạo. Anh biết mặt mình đã hằn đỏ lên những dấu ngón tay khủng khiếp của bà mà từ thơ ấu đến giờ chưa từng phải chịu. Những ngôn từ và hành vi của bà Hoài cho dù quá quắt, cũng chỉ là sự giận dữ của một người mẹ. Chỉ là bà muốn có một chàng rể vừa ý mình. Chỉ là bà muốn con gái yêu có một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc.

Người bố vợ lắng nghe và nhìn đôi mắt mở to trần tình của chàng trai xuất thân từ nông thôn. Ông hiểu Khang có lỗi nhưng thẳng thắn, quyết tâm, tha thiết và chân thành. Nó biết bà ấy giáng vào mặt mình mà vẫn không tránh; sau cũng không tỏ thái độ trách cứ; như một người con biết lỗi chịu đòn.

- Còn con Hoàng Anh? - Người cha hỏi.

- Con cũng thế.

- Đi phá thai! Phá thôi! Phá thôi! Phá! Phá! Mày không thể để đẻ được. Không nghe lời thì không còn mẹ con gì nữa. Không đi phá cai thai trong bụng tao sẽ từ mày! - Bà Hoài quay về con gái, vẫn một giọng giận dữ rít lên giữa hai hàm răng nghiến chặt.

- Cháu nhiều tháng rồi. Xin ba mợ thương con, thương cháu. - Giọng Hoàng Anh khẩn khoản, van nài. Nàng lại khóc.

Người mẹ kéo con gái vào phòng ngủ của nàng:

- Thằng Khang đã gia nhập quân đội cơ mà? - Bà Hoài hỏi, giọng nói kéo dài ra ở cuối câu, đay nghiến.

- Vâng! Nhưng anh Khang con còn ở nhà được một thời gian nữa. Hiện chưa có quyết định chính thức phải đi ngày nào. - Hoàng Anh nói với mẹ.

- Thì đằng nào rồi nó cũng đi vắng. Mà đã đi là đi lâu, đi xa, đi vào những nơi nguy hiểm, sinh tử khó lường. Bác sĩ quân đội là phải vào chiến trường. Chiến tranh đã ác liệt rồi. Con phải biết mặt trận là cái gì chứ? Không ai đùa với bom đạn được đâu. Lại bệnh tật... Sốt rét ác tính cũng đã và sẽ giết mất nhiều người đấy. Mày dễ trở thành gái góa rất sớm, nếu cứ khăng khăng lấy nó làm chồng. Mấy tháng nữa mày đẻ. Ai trông nom, săn sóc? Sinh nở là cả một vấn đề gian nan. Vượt bể cạn cơ mà? Hiểu không? Mày định nuôi con một mình à? Đấy cũng lại là một chuyện tầy đình. Mẹ nó đã già lại là nông dân giúp gì được chứ? Ba mợ còn bận, không thể sao nhãng công tác để nuôi mẹ con mày được. Mày mù quáng hóa rồ dại mất rồi, con ơi!

- Con chấp nhận tất cả! - Hoàng Anh nhìn mẹ đáp gọn.

- Đứa bé sớm mồ côi, thì mày tính sao?

Hoàng Anh sững người; lồng ngực như bị ghì ép lại và tắc nghẽn ở cổ. Một lúc lâu, nàng mới nói được:

- Nếu phải thế, con cũng chấp nhận. - Nước mắt nàng lập tức cạn khô. Mợ tàn nhẫn quá!

- Mày đã thế, tao không mẹ con gì nữa!

Giọng bà Hoài lạnh cứng. Bà tiếc đứt ruột thằng con trai ông bí thư trung ương, phó ban tổ chức. Anh ta đang ở Liên Xô... Bà muốn Hoàng Anh làm dâu nhà ấy; vật chất và tinh thần đều không phải lo gì!

Hoàng Anh lẳng lặng đứng dậy, nàng trở ra phòng khách. Bà mẹ ngồi lặng đi hồi lâu. Bà giận và bà thấy mình nghẹt thở.

Khang nhìn Hoàng Anh, nhìn mọi người dò hỏi. Không biết mình còn có thể nói được gì hơn?

Ông Thành đưa mắt cho vợ. Hai ông bà cùng đi vào phòng riêng.

Bà Hoài chết cay chết đắng, từ lúc con gái bỏ bà ngồi lại một mình trong căn phòng của nó. Mình lo cho hạnh phúc của con mà nó không hiểu! Bà cảm thấy trong cổ họng có một hòn đá nhét chặt!

Ông Thành không để lộ, dù chỉ tý chút một nỗi giận dữ âm thầm. Ông nói với vợ bằng tiếng Pháp trong phòng riêng. Con Hoàng Anh đã có thai nhiều tháng. Chúng nó yêu đương không lành mạnh. Rất không trong sáng. Thôi, coi như nhà mình có chuyện không may. Hai đứa không phải là những con người chân chính. Nhưng chúng yêu nhau thật và đều có trách nhiệm cao. Tuy nhiên, chúng làm mất mặt cả nhà! Đáng phê phán. Đáng trách. Đáng giận. Nhưng chuyện đã rồi! Mình biết chuyện sinh nở đấy, một con sa bằng ba con đẻ. Đem con Hoàng Anh đi phá thai? Con mình mất sức khoẻ, tổn thương tinh thần, mà có thể còn gặp tai biến nguy hiểm. Phá thai to, tai họa nhiều hơn sẩy đẻ. Có gia đình đã phải trả giá đắt. Hủy hoại đứa trẻ, họ mất luôn cả mẹ nó nữa!

Ông bà Đặng Vũ Chí Thành không thể không biết chuyện gia đình Nguyễn Trãi. Quan Tư đồ Trần Nguyên Đán cho người đi tìm Nguyễn Ứng Long... Sự việc đã quá nửa thiên niên kỷ vẫn còn như một câu chuyện mới.

Hai năm sau.

Từ chiến trường Tây Nguyên, Trần Tử Khang cùng bác sĩ viện trưởng ra Bắc. Họ là đại biểu của hội nghị khoa học toàn quốc về ngoại khoa chiến tranh, tổ chức tại Hà Nội. Hai người mang ra ba báo cáo. Một: "Tổng quan thương tích do hỏa khí ở chiến trường Tây Nguyên". Hai: "Các vết thương tim và mạch máu lớn". Ba: “Điều trị vết thương phần mềm bằng Lân tơ uyn”. Mỗi bản đều có số lượng thương binh lớn được thống kê. Sau hội nghị, Khang còn có nhiệm vụ tìm kiếm một bộ dụng cụ và kim chỉ dùng cho phẫu thuật lồng ngực, tim và phổi.

Vũ khí của bộ đội ta do Liên Xô, Trung Quốc cung cấp hay vũ khí của địch đều có sức công phá lớn và sát thương cao. Những vết thương tim phổi và các mạch máu lớn, đành rằng rất nặng. Nhưng, nếu có phương tiện, có thể cứu được những thương binh đến sớm. Bởi ngoài ông trưởng khoa, bác sĩ Đặng Vũ Đình Thịnh và Khang đều có thể đảm đương, xử trí tốt các thương tích lồng ngực. Khang rất khổ tâm khi phải dùng dụng cụ, kim chỉ của phẫu thuật ống tiêu hóa để mổ cho những thương binh ấy. Máu trong lòng mạch, trong buồng tim nhanh chóng bám vào các nút chỉ và đông vón lại. Căn nguyên của những cái chết oan khuất!

Khang bấm chuông nhà vợ lúc 0 giờ 30 phút. .

Khi hai cánh cửa đã khép lại, Hoàng Anh mới bật đèn. Vì phòng không, cái bóng điện Rạng Đông được bọc mấy lớp giấy báo làm chao, chỉ còn chiếu sáng vẻn vẹn mặt đá cẩm thạch của cái bàn trà gỗ gụ ghép. Khang mừng rỡ ôm lấy vợ, khi ba lô vẫn còn nặng trĩu trên vai. Hoàng Anh vội tránh, không để chồng ôm hôn mình. Nàng quay lưng, bước nhanh vào gõ cửa phòng riêng của ông bà Thành:

- Ba mợ ơi! Bác sĩ Khang đấy ạ.

Ông bà Đặng Vũ Chí Thành lục tục trở dậy. Và cả hai cùng ra phòng khách.

- Ba mợ vẫn khỏe ạ? Con xin lỗi đã về muộn, làm ba mợ mất ngủ. - Khang chào bố mẹ vợ với giọng nói của một kẻ vừa mới mất hồn.

- Không sao! Anh ra công tác hay được nghỉ phép? - Ông Thành hỏi.

- Bộ đội trong chiến trường B có phép năm đâu ba? Nhận lệnh đi công tác gấp, con không kịp báo trước về nhà.

- À, đúng thế. Cán bộ dân sự cũng như quân đội trong đó đều không có phép năm. Thông tin, thư từ giữa chiến trường và hậu phương khó khăn, làm sao anh báo về trước được. - Người bố vợ nói nhanh vẻ hiểu biết và thông cảm. - Nghe như Bộ Y tế và Cục Quân y phối hợp, sắp tổ chức một hội nghị khoa học?

- Vâng. Con về dự hội nghị ấy.

- Vậy là Khang công tác cũng khá...

Ông Thành nói với nét mặt không biểu cảm và ông cũng nhớ lại trước kia, giáo sư Tùng đã có lời khen nó. Thì nó cũng chỉ được có mỗi cái mặt chuyên môn, không thể nói là toàn diện được. Khang nghe ông, những lời ấy như khẳng định lại cũng như một câu hỏi nghi vấn. Anh không biết trả lời thế nào.

- Anh có bị sốt rét không? - Bà Hoài hỏi.

- Thưa mợ, không ạ. Con thấy mợ khoẻ hơn ngày con còn ở nhà.

- Là bác sĩ, anh hơn người là ở chỗ biết phòng bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh mà. Trong đó, tôi nghe nói ai cũng sốt rét nặng. Người ta bảo bộ đội mình chết vì bệnh sốt rét ác tính nhiều hơn chết bom đạn, phải không? Anh hơi gầy và đen, nhưng thấy cứng cáp hơn xưa nhiều đấy. Mợ có béo lên được mấy kí. Cũng mừng!

* * *

Hoàng Anh không nhắc việc tắm rửa và cũng không hỏi tới chuyện ăn uống, no đói của chồng. Một cốc nước đun sôi để nguội cũng không. Nàng mở tủ, vứt ra cái giường đơn kê sát cửa phòng, một gối, một màn, một cái vỏ chăn vải hoa con công Trung Quốc, rồi lẳng lặng lên giường của mình. Trong ánh sáng mờ mờ của cái bóng đèn dưới trần cũng có cái chao giấy phòng không, nhìn nàng mặt cúi gằm đang ghép màn vào rõ sâu dưới chiếu, Khang đau xót hiểu thêm, nàng đã có chuyện hết sức không hay. Ngày trước, cái giường đơn kia là của cô em gái, đặt ở phòng bên. Bây giờ nó được mang sang đây cho người giúp việc? Anh không hỏi bà già ấy đi đâu vắng mặt đêm nay. Còn Đặng Vũ Thanh Hương đang học cấp ba phổ thông. Như nhiều người dân, sinh viên và học sinh Hà Nội, Thanh Hương đã đi sơ tán.

Hoàng Anh nằm bất động trên giường. Dường như nàng chỉ còn là một cái xác. Hai mắt nhắm nghiền với hai cánh tay khoanh ôm lấy ngực. Nàng coi như không có ai ở cùng phòng, và cũng không cần biết có một đứa bé gái mới hơn hai tuổi ngủ lăn ra tận mép chiếu cuối giường.

Giá như mình không yêu, không lấy người đàn ông kia; giá như mình nghe lời mẹ; giá như mình chịu hủy bỏ cái con bé này đi... thì bây giờ đã không phải chịu đau khổ thế này!

Giá như Trần Tử Khang cũng lang chạ, ngoại tình...

Hoàng Anh ao ước những điều rất phi đạo lý, độc ác và quái gở thế chỉ vì nỗi xấu hổ của mình.

Nàng nằm trơ ra, đờ đẫn; thân xác và tâm hồn đều đã mất hết những ý nghĩ và cảm xúc thánh thiện.

Rồi nàng lại nghĩ miên man. Mình là người, vả lại không phải đảng viên. Và đã là người thì nhất định phải sống. Nhưng, nếu cái lão Hòa không bám mình như đỉa đói từ khi biết tin Khang đã vào chiến trường? Hắn giở đủ bài chim chuột, kích động, mua chuộc... Hắn lại thuộc hàng quan chức lãnh đạo. Nhưng tất cả những gì xảy ra giữa mình với cuộc đời từ khi Khang ra đi đều là sự sống vốn thế. Nó là hơi thở, là nhịp đập của một trào lưu ngầm của cái đô thị đang ngày đêm hứng chịu quá nhiều bom đạn tàn phá và hiển nhiên đầy những chết chóc này.

Không có gì để phải xấu hổ. Chẳng việc gì mà phải xấu hổ! Nếu mình không chờ Khang thì đã làm sao? Nếu mình một lòng một dạ chờ đợi thủy chung với anh ta? Thì đằng đẵng suốt hai năm qua, mình đã không hơn một cái xác chết! Cho tới đêm nay anh ta mới trở về. Rồi mấy ngày nữa lại biệt tăm biệt tích. Và có thể như mợ đã nói, mình sẽ trở thành một con đàn bà góa bụa rất sớm!

Thế thì... Những gì đã, đang và sẽ xảy ra, chẳng việc gì mình phải hối tiếc; chẳng làm sao mình phải xấu hổ hay ân hận cả!

Dù rất mệt Khang vẫn không thể ngả lưng xuống cái giường đơn của người giúp việc. Anh không nghĩ tới chuyện nằm xuống và cũng không thấy buồn ngủ.

Hai năm về trước, anh đã sống hạnh phúc với vợ mình là Hoàng Anh và con gái yêu trong căn phòng này.

Cũng từ ngôi biệt thự to rộng của gia đình vợ, là nhà ông bà Đặng Vũ Chí Thành đây, sáng sáng Khang đèo Hoàng Anh đi làm bằng xe đạp của nàng. Buổi chiều, trên đường về nàng vào đón chồng. Không mấy khi Hoàng Anh đến mà Khang đã xong công việc. Khi thì anh Khang đang mổ. Khi thì anh ấy vừa rửa tay vào phẫu thuật rồi. Nàng thường được bác sĩ, y tá trong khoa, nơi chồng thực tập trả lời như vậy. Con nhỏ, dù sớm muộn, gió mưa, nàng vẫn đợi chồng.

Khang biết mình còn rất ít thời gian sống ở miền Bắc. Nhưng nhiều đêm nằm bên vợ và con gái Ly Ly, đầu óc anh vẫn nghĩ tới các trường hợp khó chẩn đoán, những trường hợp thương tích phức tạp, nặng nề; hay những cuộc mổ lớn mà thầy trò đã phải xử trí vất vả, đôi khi thật sự bê bối trong ngày. Máy bay Mỹ ném bom Hà Nội thường xuyên. Hầu như không có ngày nào vắng bóng không tặc. Nạn nhân quá nhiều. Có ngày, người ta đưa nạn nhân đến nằm kín mọi lối đi từ cửa phòng khám trở vào. Bệnh viện đã triển khai thêm một số bàn mổ ở dưới tầng hầm của khu Giải phẫu bệnh. Ngoài những vết thương chiến tranh, tai nạn giao thông, các khoa vẫn phải giải quyết nhiều bệnh tật thời bình, các bệnh ung thư gan, sỏi mật, loét thủng hoặc ung thư dạ dày. Phòng mổ nào cũng phải làm việc cả ngày và đêm. Ngay trong lúc lũ "thần sấm", "con ma" quần đảo, bổ nhào, trút bom rung chuyển thành phố, các kíp mổ ở dưới hầm hay trên mặt đất vẫn đứng tại chỗ làm việc. Cho dù ai cũng biết nhiều bệnh viện đã bị đánh phá. Không kể ở chiến trường miền Nam, trên miền Bắc đã có không ít y bác sĩ, y tá chết vì bom đạn Mỹ trong khi đang làm nhiệm vụ. Có rất nhiều tai nạn thương tâm bởi đủ loại rốc két, bom phá, bom bi. Bệnh viện các tỉnh còn gửi đến những ca họ không xử lý được. Không chỉ có thế, vài ba tuần lại có thương binh đặc biệt từ chiến trường miền Nam chuyển ra.

Mổ cấp cứu quá nhiều. Khi về nhà Khang không còn sức để nhớ là phải dành thời gian nựng con, chiều vợ. Ly Ly thường ngủ rất sớm. Không mấy khi anh về mà con gái còn thức. Những khi thành phố báo động, được bế chạy xuống hầm Ly Ly cũng chỉ mở mắt nhìn qua, rồi lại ngủ tiếp. Rồi Khang quá mệt, hai mi mắt cứ dính chặt lại mà đêm nào Hoàng Anh cũng quá nồng nàn... Sáng sớm ngày sau sấp ngửa tới bệnh viện, lại bộn bề công việc khám xét, phân loại bệnh nhân và các tai nạn bom đạn. Anh làm bệnh án, hội chẩn, mổ xẻ tối ngày!

Công việc chuẩn bị cho chiến trường choán hết sức lực, tinh thần và thời gian của Khang. Ngoài việc học tập vất vả, mỗi tháng Cục Quân y vẫn gọi Khang về báo cáo tình hình thực tập, và luôn có những ngày học chính trị, nghị quyết...

Càng gần tới ngày chia ly những người thân, tâm tư Khang càng ngổn ngang. Anh vẫn tràn trề hạnh phúc với tình cảm cuồng nhiệt và đắm say của vợ...

Từ lúc Hoàng Anh ném chăn gối ra cái giường cá nhân cho mình, Khang vẫn ngồi im phắc, đăm đăm nhìn vào cái giường đôi trong khoảng sáng lờ mờ của căn phòng. Vợ và con gái mình đang nằm ngủ trên mặt giường trong lớp màn tuyn trắng kia. Tròn hai năm rồi anh chưa đặt lưng lên cái mặt chiếu cói có những hoa văn xanh đỏ tươi rói và mềm mại ấy. Vợ chồng đã từng quấn quýt, đắm say... Vậy mà bây giờ, nàng nằm trơ ra đó, một mình, xa lạ, tàn nhẫn... Cứ như cả thể xác và tâm hồn nàng là những thứ gì đó đã đông đặc hay vón cục lại, hoặc nó đã rữa nát, mủn mục từ lâu. Vượt qua con đường bom đạn đầy những chết chóc cả ngàn cây số để trở về với nàng, mà ta đành ngồi thu lu trên cái ghế tựa bằng gỗ vô tri này!

Khang ngao ngán đứng dậy. Anh bước quanh quẩn trong căn phòng xưa và cố nén lại những tiếng thở dài. Ly Ly ngủ say. Con nằm nghiêng, gục mặt vào ngực, hai tay và đầu gối thu vào giữa bụng sát bên thành giường. Trẻ con tuổi ấy hình như không thấy đứa nào nằm ngủ kiểu thai nhi còn trong bụng mẹ như thế. Con tôi lạnh rồi?

Anh vén màn bế con lên. Ly Ly khóc thét. Anh vội đặt con xuống giường. Con mở to đôi mắt nhìn cha không chớp như vừa quyến luyến thân quen lại vừa ngỡ ngàng xa lạ. Khang đắp cho con cái chăn mà người vợ đã ném ra cho mình.

Hoàng Anh biết đấy nhưng vẫn nằm im không hề động cựa. Nàng đâu có ngủ được từ lúc chồng về.

Ngoài sự phản bội đã rất sâu sắc, không có bất kỳ một lý do nào khác khiến một người đàn bà xử sự với chồng như nàng. Cảm nhận về cái chết chắc chắn của tình yêu trong con người nàng, Khang im lặng, đau đớn. Đói khát và mệt mỏi, anh không thể nghĩ suy gì được nhiều hơn. Lâu sau, Khang tắt đèn dù nó đã được bọc kỹ bằng nhiều lớp chao giấy và mở toang của sổ. Hai bàn tay anh bám vào chấn song sắt, nhìn ra ngoài trời, để thở và cũng là để nhìn vào cái đêm tối ma quái đang thực hiện những bước đi tráo trở, lật lọng, quay quắt cuối cùng.

Hoàng Anh ngồi dậy, một tay kéo ngược con gái lên giữa mặt giường. Nàng vừa tháo màn, vừa nói với chồng, giọng tỉnh khô:

- Có một cô gái gửi thư cho tôi.

- Cô gái nào?

- Cô gái nào thì anh phải biết! Cô gái của anh.

- Thế ư! Thư viết gì vậy? - Giọng Khang mỉa mai, cay đắng.

- Thư viết anh và cô ta đã yêu nhau. Nhân tình của anh kêu gọi tình cảm cao thượng ở tôi. Rằng, chiến sự trong này ác liệt lắm chị ơi! Rằng, chúng em phải có tình yêu để vượt qua bom đạn, thương tích và vượt qua cái chết. Rằng, chị nhường anh Khang cho em. Đằng nào thì em và anh ấy cũng đã sống như vợ, như chồng!

- Anh chưa yêu bất kỳ một cô gái nào, ngoài em, kể từ khi được làm người cho tới bây giờ, đang đứng trong nhà mình đây. Không có chuyện cô gái nào đó. Và cũng không có lá thư nào như em nói đâu!

Hoàng Anh không nói; nàng vênh mặt, bĩu môi.

- Thư đâu?

Khang nhìn thẳng vào mắt vợ và anh chìa cả hai bàn tay mình ra trước mặt nàng.

- Đốt rồi!

- Trong chiến trường, mọi người phải làm rất nhiều việc. Kẻ thù có thể tấn công bất kỳ lúc nào. Cái chết cũng bất thình lình xảy ra với bất cứ ai. Không có cô gái nào như em nói hết. Và, nếu có cái thư ấy thật, bác sĩ Đặng Vũ Hoàng Anh có ngu đâu, mà tự mình huỷ bỏ bằng chứng phản bội của chồng?

Khang cố kiềm chế để không nói to. Nhưng anh như sắp phát điên. Trời ơi! Vì sao nàng bỗng trở thành người đàn bà gian trá, độc ác, gắp lửa bỏ tay chồng thế này?

Con gái anh vẫn còn đang ngủ. Nó chưa biết ba vừa mới từ nơi khói lửa trở về. Ly Ly mơ gì đấy con, mà cười? Khang xót xa đứng dậy và đi ra ngoài. Anh sợ mình nóng nảy, có thể to tiếng, làm con gái giật mình. Chắc chắn Hoàng Anh đã phản bội ta. Bước vội ra phòng khách, anh muốn ngồi một mình, để bình tĩnh lại.

Bên ngoài, trời còn tối đất, ông bà Thành đã ngồi ở bàn trà từ bao giờ. Ánh sáng bị giới hạn bởi cái chao đèn làm bằng một loại giấy dày, chỉ chiếu sáng rõ cái mặt bàn bằng đá cẩm thạch và một phần bàn tay đang đặt vào tách trà của ông Thành. Hai người cùng ngồi đợi anh.

Khang chào và ngồi xuống trước mặt bố mẹ vợ. Anh chưa kịp thưa lại câu chuyện vừa qua giữa hai vợ chồng thì Hoàng Anh đã tới. Nàng dằn lên cái bàn đá một tờ giấy, ngay trước mặt Khang. Nó đã được viết sẵn, khi nào? Tờ giấy khổ nhỏ, cẩu thả xé ra từ một quyển vở kẻ ô ly. Nó rách lẹm một mảnh chéo nhỏ ở góc trên, bên trái.

- Anh không cần phải nói gì với ba mợ tôi cả. Hãy ký ngay vào cái đơn này. Làm ơn!

Tờ giấy có những chữ "Đơn xin ly hôn"... như một cái bàn chông đập vào mặt Khang. Anh quay lại nhìn nàng. Khuôn mặt Hoàng Anh lạ hẳn. Nó rắn đanh lại, lạnh và vô cảm, như cái mặt ma nơ canh ở các cửa hàng thời trang. Bỗng nhà mất điện. Căn phòng tối om. Không lâu, Hoàng Anh mang tới một cây đèn bão Trung Quốc. Khang vẫn chỉ thấy dòng chữ lớn nhất, "Đơn xin ly hôn" đang nhảy múa loạn xạ trước mắt. Nó được viết theo kiểu chữ thường, nhưng to và nắn nót dưới hai hàng chữ nhỏ hơn, "Việt Nam dân chủ cộng hoà / Độc lập - Tự do - Hạnh phúc". Khang không đọc tiếp. Cái đơn rất ngắn, chỉ có mấy dòng chữ cố tình viết tãi ra, cốt để lấp đầy khoảng hai phần ba trang giấy nhỏ. Đúng nét chữ quen thuộc của nàng.

Ông Đặng Vũ Chí Thành và bà Nguyễn Thị Hoài vẫn ngồi im lặng thưởng trà. Họ chăm chú quan sát những gì đang xảy ra trước mắt. Cả hai tỏ vẻ hết sức điềm tĩnh, bình thản. Ông bà hài lòng, mãn nguyện về kết quả công tác, về những tách trà ngon hay về quyết định và hành vi của cô con gái? Việc con gái Hoàng Anh viết đơn ly hôn, đã được bàn định và cả hai ông bà đều đồng ý? Kịch bản "Cô gái lạ viết thư" của Hoàng Anh cũng đã được ông bà góp ý, phê duyệt? Họ ngồi đó, với mục đích làm chỗ dựa tinh thần cho Hoàng Anh, áp chế Khang; và cũng để chứng kiến cái bi kịch con gái lìa bỏ chồng con? Khang hiểu, đúng là anh không cần nói gì, như người đàn bà đẻ ra Ly Ly vừa nói, không chỉ với ông bà ngoại con gái mình, mà còn với lãnh đạo cơ quan nàng, cũng như tất cả những người khác trong gia đình này.

Tuy nhiên, Khang vẫn không hoàn toàn kiềm chế được sự tức giận. Anh quay lại phía nàng, quát to:

- Hoàng Anh vu cáo trắng trợn! Và tờ giấy này, hậu quả của một sự tráo trở, phản bội! Con người không biết xấu hổ!

Nỗi giận dữ làm gương mặt Khang tái đi. Nàng vu cho anh yêu đương bất chính! Và lấy đó làm lý do viết đơn ly dị? Cái đơn được viết quá cẩu thả trước khi anh từ mặt trận Tây Nguyên ra Bắc. Hoàng Anh muốn đơn phương ra toà? Với dân thường thì không thể. Nhưng Hoàng Anh nhờ cha mẹ, chắc mọi việc nàng muốn đều xong? Sau này, ở toà án Khu Đống Đa, Khang mới biết chuyện bịa "Cô gái lạ viết thư" ấy, không được Hoàng Anh đưa vào trong đơn xin ly hôn. Nàng và mọi người trong nhà đủ hiểu biết và thừa khôn ngoan, để không viết ra giấy trắng mực đen một chuyện đặt điều, vu khống.

Nói gì với những người đang ngồi trước mặt ta đây? Đã hết rồi! Không cần một lời nào nữa, Khang ơi! Không có lá thư của một người con gái nào cả. Họ không nhận được thư từ nào hết. Trong bệnh viện của mình, chắc chắn không ai dám vu khống anh. Bởi chỉ một câu nói đùa với phụ nữ anh cũng không có. Đặng Vũ Hoàng Anh bịa chuyện, đổ tiếng xấu cho chồng. Chỉ có cái đơn ly hôn tự tay nàng viết ra là thật.

- Anh là người chồng không tốt. Con Hoàng Anh ở nhà nó đã ngoại tình đấy. Thì cũng đúng thôi!

Bà Hoài nói với con rể, trơn tuột và ráo hoảnh. Ông Thành nhìn vợ, thấy lạ và có ý tiếc. Bà vợ ông vốn khôn ngoan, kín kẽ lắm. Hôm nay vì sao bà ấy lại hớ hênh, dại dột như thế bao giờ!

Bà mẹ dại khờ? Bà mẹ hớ hênh? Bà cho rằng chuyện ngoại tình của con gái mình là một lẽ tự nhiên, một chân lý khách quan. Không, với bà thì không chỉ ở mức ấy. Nó.phải là một chân lý tuyệt đối?

Ông bà Thành hay nói đến những từ "chân lý" và "chân chính". Con người chân chính là người phải suốt đời đi tìm chân lý; phải đấu tranh cho chân lý, và cũng phải bảo vệ chân lý, bất kể hoàn cảnh nào. Chồng đi xa vắng, ngoại tình là lẽ phải của con gái bà cũng là một "chân lý" của những con người "chân chính"? Bà ủng hộ và bà khuyến khích? Lòng căm ghét Tràn Tử Khang nằm sâu trong tiềm thức, từ lần gặp mặt đầu tiên, vì anh đã "cướp trắng" con gái bà, được dịp bộc lộ. Không có thằng Khang chọc gậy bánh xe, làm mất lòng gia đình hẹn ước kia, vị trí công tác của ông bà và con đường công danh của các con có thể đã khác. Khi Hoàng Anh không còn chung thủy, bà nói trắng, nói thẳng, nói toạc vào mặt cho mà biết để hạ nhục, để loại bỏ chắc chắn kẻ đã phá vỡ kế hoạch của bà. Bà chủ tâm nói ác chứ bà đâu có nông nổi, dại khờ! Không phải bà Hoài buột miệng, không phải bà hớ hênh trong lúc thoáng qua không làm chủ được ý thức của mình. Cũng không phải thói thường, chuyện đời, mỗi khi đã lọt vào tai mắt những người đàn bà, nó phải được thoát ra bằng đường miệng lưỡi.

Khang kinh ngạc. Tai anh ù váng lên, hơn nhiều lần cái tát của bà vào mặt mình ngày nào. Những lời giáo huấn trái với đạo làm người ấy của bà mẹ vợ, Khang nghe vào một sớm trẻ trai, mà anh phải ngỡ ngàng tới tận lúc đầu mình bạc trắng. Có thể đến hết đời, anh cũng không quên! Mà Khang đã tỏ ra nghi ngờ, đã nói bóng gió, hay tra hỏi gì Hoàng Anh, về cái chuyện đồi bại, bà vừa nói ra ấy đâu? Anh không ngờ, bà mẹ vợ lại có thể đang tâm với mình như thế! Bà công nhiên bảo con gái ngoại tình là phải, là đúng đắn, là đã thực hiện một chân lý cuộc đời!

Thời tuổi trẻ, bà Hoài được cha mẹ cho học ở trường Nữ Sư phạm. Cô giáo sinh trẻ đã khước từ, không chút bận tâm đến lòng mong đợi của cha mẹ mình, là trở thành cô giáo, để bí mật hoạt động Việt Minh trong lòng Hà Nội. Ông Thành thi hết tú tài toàn phần trường Bưởi. Trong sinh hoạt gia đình, khi không muốn con cái nghe chuyện riêng của mình, hai người thường nói với nhau bằng tiếng Pháp. Phong cách của ông bà lúc nào cũng đĩnh đạc, cao sang, phù hợp với địa vị xã hội của cả hai người. Cả hai ông bà đều là cán bộ cao cấp cơ mà! Mọi người xung quanh và cán bộ trên dưới thảy đều quý trọng, kính nể.

Khang nhìn ba con người đang ở trước mặt, vốn thân thiết của mình, như lần đầu tiên gặp phải những kẻ xa lạ, một thế lực đầy mưu toan và sức mạnh thù địch. Họ đang rắp tâm thực hiện mưu ma chước quỷ làm chuyện chẳng lành?

Ông bà Đặng Vũ Chí Thành và Nguyễn Thị Hoài cũng hết sức ngạc nhiên. Trước mắt họ là một người lính như vừa mới ra khỏi một trận đánh ác liệt trở về? Những mớ tóc đen bết lại trên vầng trán rộng đầy bụi bám dính. Bộ quân phục màu cỏ úa bằng vải gabađin Trung Quốc quá bẩn và nhầu nát. Từ thân xác anh ta, căn phòng thoảng mùi mồ hôi chua loét, mùi cát bụi và như cũng có cả mùi bom đạn khét lẹt?

* * *

Trong hai năm ở Tây Nguyên, Khang vẫn an tâm về gia đình, tình yêu và hạnh phúc của mình. Khi được lệnh ra Bắc, Khang vui sướng vô hạn. Trên chặng đường dài dặc bom đạn, anh không để tâm có thể mình gặp nguy hiểm. Lúc nào anh cũng mong nhanh chóng về đến Hà Nội. Đêm đầu ở nhà lần này, anh tự nhủ, mình sẽ không ngủ một phút. Thức để ngồi mà ngắm vợ con mình cho thỏa.

Thì anh đã không chỉ được trọn một đêm ấy mà còn rất nhiều đêm không ngủ!

Ông Thành im lặng. Bà Hoài cũng quay đi. Họ không cần nói gì với tên lính thất trận này nữa. Nó đã thật sự là một kẻ chiến bại!

Khác hẳn xưa nay, bà Hoài săn sóc, vuốt ve, mơn trớn con gái mình, với những hành vi và ngôn từ ít nhiều kệch cỡm.

Người sĩ quan thầy thuốc Quân Giải phóng chết đứng như Từ Hải.

Đây là nhà của ông bà Đặng Vũ Chí Thành và Nguyễn Thị Hoài. Đây là nhà của bác sĩ Đặng Vũ Hoàng Anh. Người bình dân mà trai ở nhà vợ còn như chó chui gầm chạn, nữa là! Anh dám lớn tiếng? Anh dám nói chuyện phải trái, trắng đen, với tất cả những người trong ngôi nhà "Ông Bà Lớn" này? Bố mẹ nàng là những nhân vật có thế lực. Còn có thêm người lính gác cổng ngoài kia. Khang nhắm mắt lại, không muốn nghĩ tiếp trong đơn độc, trơ trọi. Bố mẹ Hoàng Anh không hề hỏi han, không phân định phải trái, đúng sai, tốt xấu của cả con gái và con rể. Nếu sự việc ở mười tám, hai mươi năm sau, chắc anh có đồng minh là con gái mình. Bây giờ, Trần Vũ Ly Ly còn thơ dại quá. Nó đang nằm ngủ trên giường của mẹ, trong nhà ông bà ngoại. Khang tự hỏi, con gái mình có còn cười được nữa trong mơ? Nó chưa biết điều bất hạnh to lớn, đã xảy ra với cả hai cha con; và cuộc sống chia lìa sẽ tồn tại suốt cuộc đời của cả ba con người khốn khổ! Nó không biết ông bà ngoại đã dửng dưng... Nó cũng không biết người đàn bà trẻ tuổi xinh đẹp, từng nhét hai bầu vú ngọt ngào vào miệng nó đang mưu mô, toan tính những gì?

Người lính ở chiến trường, vì sự chiến thắng của đoàn quân, vì chính sinh mạng mình, đã quen việc đánh giá, so sánh lực lượng và diễn biến trận đánh giữa ta và địch. Thường họ phải quyết định nhanh và chính xác, tiến công, phòng thủ hay rút chạy? Khang không còn hy vọng một điều gì tốt đẹp cho mình, với một gia đình vợ như vậy. Khang sờ lên túi áo ngực, rút ra cái bút máy Parker, di vật của người cha để lại. Đến vũ dũng, vô địch như Hạng Vũ còn phải tự đâm cổ mà chết, khi ông chỉ còn hai mươi sáu quân kỵ đều đã bỏ ngựa, đi bộ, đánh nhau với năm nghìn quân tướng Hán... Khang ngồi như hóa đá, mắt nhìn xuống tờ giấy, mà vẫn không thể đọc được gì thêm, ngoài mấy từ "Đơn xin ly hôn".

Viên thiếu uý đau đớn ấn mạnh ngòi bút vào khoảng giấy trống, bên trái chữ ký của Đặng Vũ Hoàng Anh. Cái bút tốt đầy mực, anh lấy khi rời Tây Nguyên, chưa hề viết một chữ nào. Trên đường về, Khang muốn ghi nhật ký, nhưng hình ảnh Hoàng Anh và con gái đã choán hết tâm trí anh; thêm suốt dọc đường bom đạn liên miên ngày đêm, đành bỏ. Không dừng tay, Khang viết họ tên mình ngay dưới chữ ký méo mó, xuệch xoạc ấy. Rồi vẫn im lặng, sau khi cài bút vào túi áo, Khang rút nhanh cái nhẫn cưới ra khỏi bàn tay trái mình và đặt nó vào giữa tờ giấy. Cái nhẫn Hoàng Anh đã trao cho Khang, trong hôn lễ, ngày mồng 8 tháng 8 ba năm về trước.

* * *

Trong vòng chưa đầy một tháng, Tòa án nhân dân khu Đống Đa gọi Trần Tử Khang và Đặng Vũ Hoàng Anh ba lần.

- Chúng tôi thấy anh chị không có mâu thuẫn gì lớn; không ai có lỗi lầm đặc biệt, thuộc địa hạt tình yêu, đạo đức hay pháp luật, mà phải ly hôn. Theo đơn chị Đặng Vũ Hoàng Anh viết, chỉ là "tính tình không hợp". Vậy thì, anh chị hãy lựa tính, chiều chuộng nhau một chút, là khắc tốt ngay thôi mà.

Hai lần đầu, người thẩm phán già đều nói như vậy. Hoàng Anh chỉ ngồi im lặng, rồi về. Lần thứ ba, ông thẩm phán nhiều thiện chí, giầu lòng thương người và rất có trách nhiệm ấy, vẫn khuyên:

- Thôi, chị Hoàng Anh rút đơn lại đi! Vợ chồng về sống với nhau cho hạnh phúc. Hai bác sĩ cơ mà? Cái vốn văn hoá của cả hai người rất cao và nghề nghiệp thì được cả xã hội kính trọng, yêu quý. Chúng tôi bao giờ cũng ngưỡng mộ và trân trọng các bác sĩ lắm. Hàng triệu người mơ không được như anh chị đâu đấy!

Khang nghe và thấy ông rất chân tình; anh cảm động quay sang Hoàng Anh. Nàng vẫn ngồi, không nói. Nếu muốn được như lời người thẩm phán nhân đức, Khang phải chủ động nói ngọt với nàng? Phải van xin nàng? Nhưng không, Khang cũng chỉ im lặng. Không có lỗi, anh không thể quỳ gối, khom lưng. Hoàng Anh tự viết đơn ly hôn. Nếu công bằng và tử tế, chính nàng phải tự đứng lên, nàng phải có ý kiến với toà.

Ly hôn, Khang quá đau đớn, và hơn nữa là cảm giác ô nhục thấm đẫm tâm hồn, và nó như một thứ gì ô uế trát dày dính chắc ở trên da mặt! Nỗi đau khổ sẽ đeo bám anh suốt đời. Nhưng anh không muốn có một áp lực nào dồn xuống nàng cả. Tình yêu chỉ nên tồn tại với hai con người cùng hoàn toàn tự nguyện và hai trái tim còn khao khát nhau.

Ông thẩm phán nói tiếp:

- Gia đình có êm ấm, hạnh phúc, bác sĩ Khang mới yên tâm ra mặt trận được chứ! Hậu phương vững mạnh, chung thuỷ, tiền tuyến mới có thể đủ sức đánh thắng Mỹ Ngụy, phải không?

Hoàng Anh vẫn ngồi như một pho tượng.

Khang thấy mình nghẹt thở. Trời ơi! Một con người hết sức thân yêu của ta, bỗng chốc nàng trở thành người dưng? Tình yêu của nàng với ta đã chết! Tình yêu thương của nàng với đứa con gái mang nặng đẻ đau, cũng đã chết! Đi đã nhiều, đọc sách cũng đã lắm, bây giờ Khang mới thấy con người có thể tàn nhẫn đến mức độ tột cùng như nàng! Mê Đê, nhân vật thần thoại Hy Lạp giết con; nàng dã man cắt xác chúng ra nhiều mảnh vứt dọc đường đi để trừng phạt người chồng. Đó là người chồng phản bội nàng. Và đấy chỉ là một vở kịch, một câu chuyện thần thoại của Ơripit. Còn ta, nào ta có lỗi gì đâu!

Khang thấy không thể để ông chánh án và hai vị bồi thẩm chờ đợi lâu hơn. Anh nói:

- Thưa ông chánh án và các ông bồi thẩm! Đó là ý nguyện của bác sĩ Đặng Vũ Hoàng Anh. Tôi xin các ông chấp nhận. Từ khi yêu nhau, tôi không làm và cũng không muốn làm trái ý Hoàng Anh bao giờ. Tất cả mọi người, các ông cũng như chúng tôi đều rất bận công việc. Đất nước đang có chiến tranh; tôi phải nhanh chóng trở lại chiến trường. Tất nhiên, chúng ta sẽ chiến thắng. Nhưng cá nhân mỗi người, may rủi còn nhờ số phận. Tôi đã thuận tình ký vào "Đơn xin ly hôn" của bác sĩ Đặng Vũ Hoàng Anh tại gia đình vợ, trước mặt cả hai ông bà Đặng Vũ Chí Thành. Bây giờ, một lần nữa trước tòa, bằng lời nói, tôi vẫn chấp nhận để cô ấy toại nguyện. Chúng tôi không có tài sản gì chung. Tôi chỉ xin được tự nuôi con gái mình.

Ông thẩm phán già chán nản, lắc lắc cái đầu hoa râm, rồi lại buồn bã gật gật, thương cảm. Cả ba vị quan toà cùng ngạc nhiên. Họ trao đổi nhỏ với nhau... Lẽ ra, người bác sĩ quân y này phải cố giữ vợ mình. Không những cũng là bác sĩ, lại xinh đẹp và là con ông Thành, cán bộ trung ương. Chiến tranh còn kéo dài. Khi trở về thì anh ta có thể đã già; rất có thể còn bị nhiễm chất độc hóa học, sốt rét kinh niên và thương tật nữa... Khi đó anh ta lấy ai? Và sống thế nào ở thời hậu chiến thiếu thốn, bệnh tật, bộn bề khó khăn? Họ ngậm ngùi, xót xa, tiếc nuối thay cho người sĩ quan thầy thuốc mảnh khảnh. Trông anh ta đức độ, tử tế, mà không được khoẻ. Chỉ có vầng trán cao, đôi mắt to sáng thông minh và khuôn mặt cương nghị. Nghe nói B3 mặt trận gian khổ bậc nhất. Vì sao người mẹ không nhận nuôi con mình? Cô ta là bác sĩ cơ mà? Hơn nữa, bố mẹ đẻ lại thuộc lớp người nổi tiếng, chức trọng, quyền cao!

Ông chánh án muốn hỏi...

Hoàng Anh bỗng nhiên bật khóc. Nàng khóc hu hu, như một đứa trẻ không dưng bị trận đòn oan. Mặc cho nấc nghẹn, mặc cho nước mắt lã chã, mặc các quan tòa... Nàng hấp tấp chạy ra khỏi toà nhà số 89 Tây Sơn làm ai cũng sửng sốt, ngạc nhiên. Thoắt nàng đã lao xe đạp xuống lòng đường nhựa đầy những ổ gà và mất hút trong dòng người ngược xuôi, hối hả, đầy những lo âu. Từ đường phố Tây Sơn lên ngã tư Ô Chợ Dừa, người xe càng nườm nượp trong ánh chiều muộn.

Những đoàn xe vận tải chở hàng hóa, ngụy trang đầy những cành lá ầm ầm lao đi...

Thiếu uý Trần Tử Khang mặc quân phục không mang quân hàm, quân hiệu, vẻ mặt bình tĩnh, nhưng tinh thần ngơ ngác, đau đớn. Anh đơn côi như một người lính sau trận đánh ác liệt; khi im tiếng súng đứng nhìn mặt đất xung quanh đã bị bom đạn đào lộn cày xới nát bươm và không gian còn sặc mùi thuốc súng mà mình thì mất hết đồng đội với đôi mắt đờ dại, tái tê. Cuộc ly hôn, thật sự là một trận chiến tàn khốc nhất trong tâm hồn con người. Không có kẻ chiến thắng. Hoàng Anh chạy khỏi ngôi nhà 89 Tây Sơn đã từ rất lâu. Chỉ còn lại một mình Khang đứng bên đường. Nhìn theo mãi không thấy nàng đâu. Hoàng Anh đã mất hút trong không gian chiều muộn và dòng người xe xuôi ngược vội vã. Thế là anh đã vĩnh viễn mất nàng! Anh không biết mình sẽ bước tiếp như thế nào nữa. Mặt trời đã tắt. Hè phố không đèn. Mọi ngôi nhà đều che kín ánh sáng. Mặt đường đông đúc chật kín đồng loại mà anh cô độc, bơ vơ. Bầu trời đêm không trăng sao, mặt đất tối đen như đang tang tóc, thê thảm!

Bây giờ, ta đi về đâu?

* * *

Tiếng còi ủ... hú inh tai và tiếng loa báo yên chói óc: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay giặc Mỹ đã bay xa. Máy bay giặc Mỹ đã bay xa!" Nhiều người thở phào. Ông Thành là người cuối cùng từ dưới hầm trú ẩn chui lên vườn cây và vào nhà bằng lối cửa sau. Hôm nay, vợ chồng anh trai, chị gái và anh rể cùng bốn đứa cháu của Hoàng Anh về cả. Hầm trú ẩn của gia đình được đổ bê tông kiên cố dưới sâu lòng đất. Mọi người nhìn nhau mệt mỏi và cũng chưa ai qua khỏi tâm trạng lo lắng. Chúng vừa ném bom dữ dội các bến phà Khuyến Lương, Phà Đen, phà Chèm.

Hai trong ba người không xuống hầm trú ẩn, từ đầu trận không kích vừa ra khỏi nhà. Chỉ còn lại Hoàng Anh lặng câm như một người đàn bà dở chứng đang ngồi nhập định giữa giường.

Thằng ấy mang con Ly Ly đi rồi à? Cái đồ tệ bạc! Nó không chờ mọi người lên để chào lấy một câu. Cần gì những lời nói suông! Đúng, nước bọt đâu có giá trị. Mợ trách cứ mà làm gì, cho mệt! Nó chịu nuôi con bé cho là may quá rồi. Cũng nên vỗ tay và có lời biểu dương, khen ngợi... Đúng rồi, ta phải hoan nghênh nhiệt liệt cái nghĩa cử ấy. Và cậu ta hoàn toàn xứng đáng được thưởng huân chương hy sinh dũng cảm. Hoàng Anh nhà ta còn đi lấy chồng nữa chứ?

Mỗi người một vài câu ồn ã cả nhà. Chỉ có ông Thành và dì Thanh Hương không tham gia. Cô gái út đứng bên hai cánh cửa hé mở, lo lắng nhìn theo cha con Khang xa dần trong bóng chiều chạng vạng.

V.O.