Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

9 điểm phê phán sách “Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt”

Hà Văn Thịnh

clip_image001

Bìa cuốn sách ‘Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt’ do nxb Lao Động mới tái bản.

 

Dư luận cả nước Việt Nam mới đây xôn xao về cuốn sách do Nhà xuất bản Lao Động ấn hành năm 2015, nhan đề “Đặng Tiểu Bình – một trí tuệ siêu việt”.

Tò mò, tôi tìm đọc và ngã ngửa bởi thấy thật hổ thẹn cho sự kém cỏi, u mê của mình: Cuốn sách thảm họa ấy thực ra là tái bản.

Cuốn tôi có trên tay do Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin in từ năm… 2003(!), dày 600 trang, giá 60.000 đồng. Các tác giả là Lưu Cường Luân, Uông Đại Lý; dịch giả là Tạ Ngọc Ái, Nguyễn Viết Chi. 

Thế mới biết cái gọi là sự “quan tâm” đối với vận nước, nỗi nhà của trí thức thời nay (trong đó có tôi) đáng thất vọng đến mức nào…

Trước hết, phải ghi nhận rằng Đặng Tiểu Bình là một trong những nhân vật chính trị nổi bật của nửa sau thế kỷ XX, công lao và tài năng của ông ta “rất đáng được ca ngợi” – dĩ nhiên, khi kẻ dịch, kẻ cho in đều là người… Trung Quốc.

Vì tài năng của Đặng không phải là mục đích phân tích của bài viết này nên tôi sẽ nhìn nhận dưới góc độ của một độc giả – về cái tinh thần cốt lõi: ca ngợi kẻ thù của dân tộc, kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh Biên giới năm 1979 và cũng là kẻ đã ra lệnh cho quân xâm lược tấn công, xâm chiếm Gạc Ma, thuộc Trường Sa năm 1988 – chủ quyền đương nhiên của Việt Nam là vì mục đích gì để, từ đó, thử xem việc nói tài năng của Đặng là “siêu việt” có thỏa đáng hay không?

Thú nhận bàng hoàng

clip_image002

Sử gia Hà Văn Thịnh

 

Điều phải thú nhận đầu tiên đó là sự bàng hoàng: Một người đọc với ý định phê phán như tôi, cũng là một người có 40 năm giảng dạy lịch sử Trung Quốc mà vẫn bị cuốn hút, không ít khi bị đánh lừa bởi cách viết, cách dẫn chuyện thì, đối với những người “đọc cho biết, cho vui”, mức độ gây hại của nó sẽ ghê gớm đến mức nào!

Thứ nhất, tư tưởng xuyên suốt của cuốn sách ngoài chuyện tài năng của Đặng ra thì đó là ca ngợi hết lời về tài năng, bản lĩnh, sự không thể thay thế được, không có nó là không thể được của đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Nói như thế để thấy đã hiện ra đâu đó từ đường chân trời những giả định mịt mù của những người in sách: Họ bất chấp tất cả sự thật, bất chấp cái chết của hàng vạn con dân nước Việt do Đặng gây ra; chỉ cần bảo vệ một điều duy nhất, đó chính là sự ổn định trên cương vị lãnh đạo của ĐCSTQ…

Bất chấp những sai lầm khủng khiếp do Mao và ĐCSTQ làm chết cả 100 triệu người (tr. 483), các tác giả liên tục nhắc đi nhắc lại lời Đặng là sống chết gì cũng phải bảo vệ ĐCSTQ, rằng “mấu chốt là ở Đảng, ở người, ở lớp kế tục” (tr.484), rằng “…không được vứt bỏ Mác, không vứt bỏ Lê Nin, cũng không vứt bỏ Mao Trạch Đông, cụ tổ không được vứt đi nhé!” (tr.168).

Thứ hai, cuốn sách đã đạt đến mức thượng thừa của những kẻ có tài ngoa ngôn đến mức không còn sợ thị phi, không quan tâm đến sự thật lịch sử khi liên tiếp cố tình phạm các sai lầm logic để “chứng minh” tài Đặng là tuyệt luân, chấp cả hàng tỷ người trong thời ông ta sống.

Người viết khẳng định Đặng là người “… đã vượt lên trên tất cả các nhà kinh tế học phương Tây, với tinh thần sáng tạo và tính quyết đoán đáng kinh ngạc…” (tr 295, chúng tôi nhấn mạnh – HVT).

Người viết sàm ngôn và lú lẫn đến mức: Để ca ngợi Đặng, coi cái chết của 8.000 bộ đội Trung Quốc (tr. 483) trong chiến dịch Hoài Hải (1948) chỉ là tổn thất không đáng kể(!) so với việc tổ chức vượt sông cho cả “trăm ngàn hùng binh” chỉ nhằm đảm bảo cho chiến dịch thắng lợi(?) Thế mới biết mạng người dân đen trong tay nhào nặn của đảng cộng sản Trung Quốc e chưa bằng cỏ rác…

Thứ ba, Đặng – y chang đảng cộng sản Trung Quốc, tìm mọi cách để bôi đen lịch sử miễn là có lợi cho đảng để cầm quyền vững chắc. Đặng thừa nhận Mao có 27 năm cống hiến (1949-1976) cho nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trong đó 7 năm đầu thành công, 10 năm tiếp theo 5 năm có công, 5 năm có tội; 10 năm tiếp nữa thì “không tính” (tội lỗi ngập tràn) nhưng không được phanh phui ra:

“Không nên viết quá về những sai lầm của Mao Trạch Đông. Nếu không, như thế thì sẽ bôi đen Mao Trạch Đông, đồng thời bôi đen cả Đảng và Nhà nước…” (tr.433). Đọc đến đây, ai cũng hiểu vì sao khoa học lịch sử trong một nhà nước cộng sản còn tệ hơn cả một tuồng hề.

Đặng đã biển lận khi trơ tráo cho rằng mặc dù tội nhiều, công lắm như thế nhưng Mao vẫn là người… siêu phàm: “Đồng chí Mao Trạch Đông phạm sai lầm, đó là một nhà cách mạng vĩ đại phạm sai lầm, là một người Mác-xít vĩ đại mắc sai lầm” (tr.435).

Tham quyền hay vì dân?

Thứ tư, các tác giả biện minh cho việc Đặng tham quyền cố vị khi “lui dần từng bước quyền lực” là vì… nhân dân(!); cố bào chưa bằng mọi giá cái chuyện dẫu đã về hưu vẫn còn đi thị sát, chỉ đạo miền Nam năm 1992, khi đã… 88 tuổi!

Những ngôn từ có cánh của loài hoa dại dọc đường tàu tha hồ bay bay đuổi theo con tàu bảo thủ, trì trệ cứ cố tăng tốc như để giễu cợt người đọc: Sau mỗi bước rút lui của ông thì sự nghiệp do ông sáng tạo lại tiến thêm một bước. Trí tuệ thật uyên thâm, chất nghệ thuật thật tuyệt diệu (tr. 490). Nói vậy rồi, chỉ trong 2 trang sau đó, những người viết lại tự mâu thuẫn rằng “Năm 1985, Đặng Tiểu Bình từ chức Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện, và tiết lộ năm 1985 sẽ chỉ làm cố vấn “ (tr. 492).

Dối trá không có giới hạn hình như là nguyên tắc của cuốn sách này: Tại sao lại “quên” cái chuyện phải đến ngày 9.11.1989, sau khi thảm sát xong hàng ngàn sinh viên Trung Quốc ở Quảng trường Thiên An Môn, Đặng mới chính thức rời khỏi chức vụ Chủ tịch Quân ủy Trung ương?

Thứ năm, Đặng có thực tài trong biến hóa ngôn từ, biến cả cái của người ta thành của mình. Các tác giả đã khẳng định rằng, theo Đặng, cái thứ chủ nghĩa Mác của tất cả những người khác chỉ là “chủ nghĩa Mác trong khe núi” (tr. 123); còn Đặng, cái mà ông có, là “chủ nghĩa Mác chân chính”(?)

Làm sao lý giải rằng đó là “chân chính” trong khi xây dựng, hướng tới “chủ nghĩa đại đồng” lại phát động chiến tranh xâm lược Nước Việt Nam XHCN năm 1979, rồi 9 năm sau lại đánh chiếm Gạc Ma, bắn chết 64 chiến sĩ công binh Việt Nam không được lệnh nổ súng? Làm sao “chân chính” khi đàn áp biểu tình năm 1989 bằng cái cách ngay cả Hitler cũng không dám (chỉ có cộng sản dám) là dùng xe tăng nghiền nát hàng trăm sinh viên trẻ trung, trong trắng?…

Thứ sáu, có thể là vô ý, nhưng các tác giả đã cho người đọc biết rõ bộ mặt thật của những người cộng sản Trung Quốc khi đã làm “lóe lên” những tia sáng ít ỏi, hiếm hoi của sự thật; theo tôi, đây là cái TỐT đáng kể. Ở trang 390, các tác giả khẳng định rằng chủ ngĩa bè phái (lợi ích nhóm) dường như là thuộc tính của công sản: “trong nhiều đơn vị, không cầm quyền theo tính đảng mà là theo tính bè phái”.

Ghê gớm hơn, ở trang 483, cuốn sách cho người đọc biết rõ chuyện: Chỉ để chống lại một bí thư tỉnh ủy, “người ta” có thể làm chết vài vạn người: “Năm 1968, vụ án do Khang Sinh tạo ra nhằm chống lại Bí thư tỉnh ủy Vân Nam Triệu Kiến Dân làm chết 16.000 người, trong khi năm 1948, Đặng chỉ huy “trăm vạn hùng binh” vượt sông Hoài chỉ thương vong có… 8.000 (tr. 483). Tiếp đó, là chuyện Trần Bá Đạt chỉ vì… “nghi” đảng bộ Khu Ký Đông có liên hệ với Quốc dân đảng, mà tổng cộng 84.000 người đã bị bức hại, trong đó có 2.955 người chết chỉ nhằm mục đích… “trị loạn cứu ổn”?

Trời hỡi trời là câu người viết bài này phải thốt lên khi nghĩ, bàn về chuyện “cứu ổn định” cho chế độ cộng sản có thể làm tán gia bại sản, làm chết hàng vạn con người…

Biến hóa hay siêu việt?

Thứ bảy, cuốn sách của người viết cho người đọc biết rõ trong ba luận điểm nổi tiếng của Đặng được người đời truyền tụng là luận thuyết không tranh luận, luận thuyết mò đá qua sông, luận thuyết mèo trắng mèo đen thì có đến 2/3 là tư tưởng, ý nghĩ, hành động của Lưu Bá Thừa (tr. 507). Tài năng của Đặng so với Lưu chỉ bằng 1/3; 2/3 là biến hóa thì làm sao có thể gọi là siêu việt?

Đặng có thực tài đến cỡ siêu quần không khi cả ba lần lên – xuống, vào – ra Trung Nam Hải của ông ta đều có sự tài trợ của Chu Ân Lai? ( từ tr. 495 đến tr. 507)

Người xưa nói “quân tử cậy mình mà thành” nhưng Đặng thì đã biết cách lợi dụng người mà thành. Ca ngợi đó là trí tuệ siêu việt thì chẳng khác chi tiếp nối bước đi của Trạng Quỳnh vẽ 10 con vật sau 3 tiếng trống…

Thứ tám, đọc cuốn sách này mới biết chuyện lan truyền trên mạng xây dựng CNXH đến cuối thế kỷ này có khi vẫn “chưa biết được” có thành công hay không, có xuất xứ từ Đặng nói. Chính Đặng đã khẳng định là xây dựng CNXH phải mất vài trăm năm: “Đường lối cơ bản (xây dựng CNXH) phải theo đuổi hàng trăm năm, không được dao động…” (tr. 357).

Cũng biết thêm rằng lời ‘đồn” về việc cho rằng Mao từng coi trí thức chỉ là cục phân là có thật. Các tác giả cuốn sách đã khẳng định điều này – chỉ có điều không hiểu nổi là vì sao những người dịch lại chuyển ngữ thành “sự thối tha”: “Mao Trạch Đông rõ ràng có cách nhìn không đúng với giới trí thức, những phần tử trí thức thành ‘thối tha’” (tr. 361)…

Thứ chín và cũng là cuối cùng, những người dịch chắc hẳn nằm trong đội ngũ đặc thù vì họ phiên âm tên người nước ngoài một cách quái đản mà chỉ có trong nội bộ mới hiểu được. Ví dụ, Ngoại trưởng Mỹ Zbignew. Brzezinsky (1977-1981) thì được phiên âm là Brêzinsky 9tr. 71), TS H. Kissinger, ngoại trưởng Mỹ (1971-1974) thì được phiên âm là Kítxingiơ (tr. 63).

Chỉ có những người vừa ta đây “tân tiến” lại vô cùng bảo thủ mới có thể có cách phiên âm kì quặc thế. Thật tiếc là Nhà xuất bản không dám sửa?…

Có một lời bình trong cuốn sách chắc là phù hợp khi dẫn ra để kết thúc bài viết này: “…nếu bức tượng đồng Đặng Tiểu Bình có lý trí, hẳn cũng sẽ mỉm cười hài lòng” (tr 287).

Đặng sẽ sung sướng vô cùng ở nơi suối vàng khi biết Việt nam cho in cuốn sách, tái bản nhiều lần để ca ngợi kẻ đã CHÂM ngòi lửa chiến tranh, thôn tính dần đất nước Việt Nam.

Trong lịch sử loài người ít khi gặp những kẻ tội đồ trơ lì và ngạo ngược đến thế. Cách đây vài ngày, tôi có đọc được những sự tán tụng rằng đã có “lệnh miệng” cho thu hồi cuốn sách trên in năm 2015? Vui mừng cái nỗi gì khi từ năm 2003, cuốn sách độc hại này đã thao túng hàng vạn người dân Việt?

Thành thật xin lỗi mọi người vì lẽ: Tuy mang danh dạy sử mà chỉ biết đến sự thật trụi trần, dơ dáy này sau những… 13 năm(!)…

(Tác giả là nhà nghiên cứu và giảng dạy sử học từng có nhiều năm làm việc tại Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học, Đại học Huế, Việt Nam).

Nguồn: http://nguyentrongtao.info/2016/03/07/9-diem-phe-phan-sach-dang-tieu-binh-mot-tri-tue-sieu-viet/