Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Trò Chuyện với Ngu Yên

Kỳ 6 – Vùng đất đó bao giờ có sao chổi?
clip_image002
Trần Vũ: Nhà thơ Chân Phương trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê: “Khi đọc những nhà thơ trẻ hôm nay tôi không thấy nhiều các quan tâm về bản sắc VN và bản sắc Đông Á. Vì dù muốn dù không, chúng ta vẫn nằm trong một truyền thống lớn, đó là truyền thống Á Đông. Năm nay tôi sang Pháp nhằm vào năm mà nước Pháp gọi là ‘Année de la Chine’, có nghĩa là năm trao đổi văn hóa với Trung Hoa. Một nước biết quí trọng văn hóa như Pháp lúc nào cũng quan tâm đến những di sản lớn của thế giới mà văn hóa Trung Hoa và văn hoá Á Đông là một di sản vĩ đại. Thế mà người VN lại có vẻ lãng quên cái sở trường của mình mà chạy theo những xu hướng, theo tôi dù là của Âu-Mỹ nhưng dù sao vẫn còn mới. Nếu tìm hiểu về văn hóa Á Đông một cách có hệ thống hơn và chịu khó học hỏi, điều đó theo tôi sẽ đóng góp rất tốt cho sự sáng tạo thơ ca VN.”
Gặp Ngu Yên, tôi thấy rất rõ là anh ưa văn hóa Á châu. Ngay cả khi pha cocktails, thay vì pha các thứ margarita, pina colada, sex on the beach… anh tự sáng chế ra cocktails Đông Phương. Chắc anh đồng điệu với Chân Phương? Hãy nói tôi nghe về hồn thơ Á, về nỗi băn khoăn phương Đông trong anh…
clip_image004Ngu Yên: Tôi rất tiếc là chưa được gặp nhà thơ Chân Phương một lần mặc dù đã biết anh qua chữ nghĩa rất lâu. Tôi quí mến lòng yêu văn chương và khả năng viết lách của anh, nhất là trong giai đoạn u ám của văn chương Việt hiện nay. Tôi chia xẻ sự lo lắng của anh khi thấy những người sáng tác trẻ đang lóa mắt trước một khối văn học, kiến thức văn chương khổng lồ của tây phương.
Tôi rất đồng ý với anh về: người làm thơ cần phải quan tâm đến bản sắc Việt, văn hóa Việt. Người làm văn chương lại càng phải quan tâm hơn về văn chương và văn học Việt.
Nhưng tôi không thấy việc học hỏi những xu hướng văn chương thế giới lại làm lãng quên bản sắc của người mình. Tôi nghĩ rằng, càng thu thập nhiều kiến thức, không phân biệt Đông hoặc Tây, biến kiến thức thành kinh nghiệm thực hành, tiến trình này sẽ làm cho bản sắc Việt trong mỗi người sáng tác thêm màu sắc và phong phú.
Văn hóa Đông và Tây đều có ưu và khuyết điểm, nhưng dường như có rất nhiều chỗ bổ túc cho nhau. Nên tìm đến cả hai nhưng quan trọng hơn không phải chỉ học hỏi mà thực hành để biến học hỏi chung trở thành bản lãnh riêng tư.
Phân tích riêng về thơ, bản sắc Việt của thi sĩ Việt sẽ đến từ cá tính Việt dàn trải qua ngôn ngữ Việt. Bản sắc Việt trong mỗi người Việt lớn lên từ quê hương Việt sẽ không bao giờ mất, cho dù về sau có lưu lạc, lưu vong ở những quê quán khác. Nó có thể đặc hay loãng, sâu hay cạn nhưng sẽ tồn tại cho đến hơi thở cuối cùng dù người ấy muốn hay không. Người Việt viết tiếng Việt, đương nhiên bản sắc Việt sẽ thể hiện bằng ý thức hoặc vô thức. Vấn đề là nhiều hay ít, cố ý hay vô tình. Người làm văn chương là người cố ý đào sâu và sử dụng văn hóa Việt và bản sắc dân tộc.
Đi sâu vào thơ, để thử tìm bản sắc Việt xuất hiện ở đâu? Có quan hệ gì với ý tứ và tâm tình? Nói về thơ, tứ thơ là thân xác, tư tưởng là tri tuệ, cảm xúc là hơi thở, cách diễn đạt là cá tính. Bài thơ sống là nhờ hơi thở cảm xúc, có sáng tạo hay không là do tứ thơ, có tài hoa hay không là do cách diễn đạt, có trọng lượng hay không là do tư tưởng. Sức nặng làm thơ tồn tại, cảm xúc làm thơ sống lâu, tài hoa làm thơ bay bổng. Sáng tạo, suy tư, cảm nhận, tài năng đều là thành viên trong văn hóa của một người.
Bản sắc Việt, văn hóa Việt, là một thứ DNA, âm thầm lưu truyền trong máu và hồn. Từ lúc cha sinh mẹ đẻ và lớn mạnh theo tuổi tác. Nó thể hiện trong dân tộc tính, thể hiện trong bản tính của mỗi người. Nó ở trong sinh lực sống: suy nghĩ, cảm nhận, sáng tạo, quyết định… và ngay trong hành động cụ thể hàng ngày. Như vậy, bản sắc Việt xuất hiện từ cá tính đi vào chữ nghĩa thơ. Còn kiến thức, tức là phần học hỏi, thu nhập không làm hại bản sắc. Khi tiêu hóa kiến thức thành kinh nghiệm, tức là bồi bổ bản sắc Việt trong máu huyết riêng mình. Nhìn chung, phải chăng bản sắc Việt giàu mạnh là nhờ đã thu thập các loại văn hóa khác qua nhiều thời đại như văn hóa Mường cổ, văn hóa Chiêm Thành, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Ấn Độ, văn hóa Pháp và văn hóa Hoa Kỳ…?
Người Việt làm thơ có thể lấy chất liệu khắp nơi trong đời sống; có thể cảm xúc trong những hoàn cảnh mang tâm sự bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào; có thể trình bày một tư tưởng thao thức cho dù tư tưởng ấy đến từ phương tây hoặc phương đông; nhưng khi thể hiện sự độc đáo của cá tính thì nhất định phải phát xuất và sử dụng văn hóa và bản sắc Việt. Vì sao?
Nơi đó là cội rễ, là kho tàng chứa đựng những bí mật của sức sống, của kinh nghiệm, của năng lực tạo thành dân tộc. Cá tính của mỗi người Việt là một phần của cá tính dân tộc Việt. Cá tính của dân tộc Việt khiến cho thơ Việt khác với thơ của các dân tộc khác. Cá tính của mỗi thi sĩ Việt khiến thơ của họ có chỗ đứng khác với các thi sĩ ngoại quốc. Vấn đề còn lại là liệu chúng ta có tự cường để đứng, đội trời đạp đất, như họ hay không?
Chắc chắn là có. Mai sau sẽ có. Nếu chúng ta rèn luyện học thuật, trầm tư về đời sống, thao thức với thẩm mỹ, trả tự do cho tài hoa, viết trên lòng tự trọng, tôi tin, có lúc sẽ xuất hiện Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Nhân cơ hội nói về sự học hỏi kiến thức Đông và Tây, anh cho phép tôi nói thêm về sự suy tư này. Tư tưởng Đông Phương thường hay khai thác về mặt “Đắc đạo”, “Vô vi”, “Xuất thế”, “Viên mãn”, … thay vì đào sâu vào khía cạnh tuần hoàn của vũ trụ (Ấn Độ) hoặc yếu tính Biến mà Không Đổi của Dịch (Trung Hoa) hoặc Khả Năng Trực Giác Nhập Thế (Thiền) hoặc Lòng Bình An Tại Thế (Lão Tử, Trang Tử)… đa số lại hân hoan đón nhận ảo thuật của Hư Vô và tiêm nhiễm tinh thần tiêu cực xem thường cuộc sống. Chúng ta không thể quên, không thể trốn, không thể từ chối cuộc sống hàng ngày với những bi kịch và hệ lụy bất diệt của nó. Chẳng phải Trang Tử mơ thấy bướm, chẳng phải bướm mơ Trang Tử, chỉ có hết ngủ mơ rồi thức dậy, hết thức rồi lại ngủ mơ, và mỗi người đều phải trách nhiệm lúc thức kể cả lúc mộng du.
Khuyết điểm lớn của tư tưởng Tây Phương là lòng tự tin quá độ đưa đến luận lý mâu thuẫn và những kết luận đúng sai, thiện ác, xấu đẹp, thay đổi liên miên. Ưu điểm của họ là tinh thần tích cực đối đầu với cuộc sống và thực hành để sửa sai những lý thuyết.
Lãnh vực văn chương và thi ca cũng không ngoại lệ. Sự học hỏi kiến thức Đông và Tây đều quan trọng và cần thiết cho sáng tác. Không chỉ học hỏi mà nên tận lực thực hành, làm hết sức có thể. Điều học được từ thực hành lớn hơn kiến thức của bất cứ cao nhân nào vì nó là của mình.
Xin anh và quí vị độc giả đừng nghĩ rằng Ngu Yên đang bày tỏ kiến thức. Không, tôi chỉ xin thành thật nói hết những gì suy nghĩ, dù biết có đúng có sai. Không nói lần này, e sẽ không còn cơ hội chia xẻ với những người sáng tác trong tương lai.
Trần Vũ: Anh có đồng ý với những đúc kết của Chân Phương trong tiểu luận Thơ Việt Đi Về Đâu (*), đăng trên Hợp Lưu cách đây đã lâu, nhưng còn nguyên tính thời sự? Thơ phải làm “Người Chứng” như Chân Phương yêu cầu? Hiện trạng thơ Việt lúc này ra sao?
Ngu Yên: Nhà thơ Chân Phương viết tiểu luận này từ mùa hè năm 2004, đã hơn mười năm rồi, mười năm dâu bể, chắc hẳn đã nhiều đổi thay. Tính thời sự vẫn còn vì vẫn còn chế độ Cộng sản và còn phản kháng trong văn thơ. Chỗ khác biệt là người Việt trong và ngoài nước, càng ngày càng ít lưu tâm về thơ nói chung, thơ phản kháng nói riêng.
Trong thi ca, người ta nói, một thi sĩ chân chính sẽ đại diện cho tiếng nói của thời đại; một thi sĩ tài hoa sẽ dẫn đường cho thẩm mỹ tương lai. Điều này nói về vị nhân sinh và vị thẩm mỹ. Đề tài tranh luận đã cũ nhưng vẫn tồn tại vì mỗi thời đại, mỗi thi sĩ sẽ coi trọng hoặc nhân sinh hơn thẩm mỹ hoặc thẩm mỹ hơn nhân sinh. Cá tính của thời đại và cá tính của thi sĩ dẫn đưa sự chọn lựa.
Cứ thử tưởng tượng, nếu một dòng thi ca chỉ toàn là thơ trọng thẩm mỹ, thì dòng thi ca này chỉ đứng trên một chân. Ngược lại, toàn là thơ đấu tranh, phảng kháng, ưu tư chống đối, thì dòng thơ này hụt hẫng. Cả hai đều cần thiết. Thơ cần thẩm mỹ nhưng cũng cần tư duy, thao thức và tâm sự của con người. Làm thơ là vị thẩm mỹ cho vị nhân sinh. Nếu không, làm thơ cho ai? Còn nếu thơ dở, có làm cũng vô ích.
Một thi sĩ làm nhân chứng lịch sử phải để lại những bài thơ có giá trị và gắn bó với sinh động lịch sử. Nếu những bài thơ không đủ sức tồn tại thì chứng cớ tìm nơi đâu. Thơ có giá trị, nôm na gọi là thơ hay mới có thể làm bằng chứng. Một thi sĩ chân chính và tài hoa thể hiện được giá trị thẩm mỹ và đại diện cho tiếng nói của thời đại mà họ đang sống.
Vậy thì tiếng nói thời đại của chúng ta, những người Việt làm thơ, là gì?
Thơ không phải là tiếng nói xã giao hoặc thuyết phục hoặc hô hào. Thơ là tiếng nói của bức xúc. Có điều gì trăn trở, thao thức rồi sinh ra hối thúc, lúc đó thơ mới nói. Tôi không có cơ hội để đọc hết những bài thơ đấu tranh trong nước, chỉ theo dõi được một phần ở hải ngoại, thấy số lượng thơ phản kháng không nhiều, thơ phản kháng có giá trị lại càng hiếm. Vào lúc này, năm 2015, có lẽ việc nhân chứng chưa đủ chỉ tiêu chứng cớ.
Thơ hải ngoại đi về đâu? (Tôi không muốn dùng chữ Thơ Việt vì không muốn bao gồm thơ trong nước vì không đọc được nhiều.)
- Chưa đi đâu cả. Sau khi kéo dài thơ trước 75 sang nhiều nơi trên thế giới, thơ hải ngoại loay hoay, quay qua quay lại. Một vài con én, không làm nổi mùa xuân. Nơi đây, tôi cũng xin ghi nhận và cảm kích những nhà thơ đơn độc mang những điều hay nét đẹp đến cho thơ hải ngoại mặc dù chưa được sự hưởng ứng và chưa được đa số biết đến.
Thơ hải ngoại càng lúc càng đi vào đời sống hàng ngày. Nơi giăng mắc đầy trăn trở, thao thức liên quan đến cuộc sống đầy áp lực và những hệ lụy của áp lực này; nơi va chạm, mở mắt với nghệ thuật toàn cầu và những ngượng ngùng, mặc cảm của thiếu thốn kiến thức, kinh nghiệm và học thuật. Lạ lùng, chúng ta không thấy được những bức xúc, những điều cần nói trong đa số thơ xuất hiện, chỉ thấy những điều muốn nói, những điều đùa chơi, những điều cố thuyết phục cho tài năng văn vẻ và vị trí thi nhân. Chính cá nhân tôi, đôi lúc tự hỏi mình, bốn mươi năm, dài hơn nửa đời người, không làm được thơ hay thì chờ đến lúc nào?
Trần Vũ: Anh có thể xét nghiệm máu Thơ Hải ngoại một cách cụ thể và chi tiết hơn không?
Ngu Yên: Nhận xét chung, tôi thấy thơ hải ngoại:
1- Về nghệ thuật diễn đạt, đa số thơ thiếu nhiều lớp bề dày. Có thể nói là thơ hai chiều. Ít có chiều thứ ba, thứ tư. Tâm tư, ý tưởng có gì mang ra, trải hết trên mặt chữ. Thơ ở ngoài chữ quan trọng hơn thơ ở trong chữ. Thơ không phải chỉ để nói về ý nghĩa của chữ. Thơ có ưu tính cao hơn, gợi lên những điều âm thầm, những điều im lặng giữa các chữ. Đó là chiều thứ ba. Nhưng cao quí nhất là lúc xuất thần. Những điều xuất hiện trong lúc này chưa chắc tác giả đã hiểu. Đó là lúc thơ đạt được tinh hoa của hồn thơ. Gọi hiện tượng này là chiều thứ tư vì thơ xuất thần vượt ra không gian và thời gian.
2- Về bề mặt, đa số thơ lỏng lẻo, nghèo nàn. Một câu thơ, một đoạn thơ thường trống trải ý tứ. Thiếu mật độ “chật” của hình ảnh và ý thơ. Sử dụng nhiều tỉnh từ và bổ túc từ không cần thiết. Sự liên tục, san sát của hình ảnh, ý và tứ thơ trong từng câu, từng đoạn, làm cho thơ tràn đầy sinh lực, cho dù là sinh lực về sự chết.
3- Về nội dung, đa số thơ bị nhẹ ký. Thế giới sinh hoạt trong bài thơ khá đơn giản, phù hợp với tâm tình và tư duy của thế hệ trước. Đời sống hôm nay, phức tạp và sâu sắc, cần phải có một thế giới quan cùng tầng số hoặc phát sóng xa hơn vào thế hệ sau. Thơ hải ngoại cần có trọng lượng.
4- Người Việt làm thơ và đọc thơ, trọng cảm tình hơn ý tưởng. Cảm tình có thể gây nên xúc động. Hết xúc động là hết. Trong khi ý tưởng hay ở lại trong tâm tư. Có những ý tưởng ở lại suốt một đời người hoặc thay đổi cả đời người đọc.
Ngoại trừ một vài nhà thơ xuất sắc và lẻ loi, thơ hải ngoại của chúng tôi trong thập niên 2005-2015, có lượng nhưng không đủ phẩm. Sự bừa bãi trong sáng tác xuất hiện đầy trên những mạng lưới văn chương. Nơi mai sau, có người tìm đến để tra hỏi dòng thi ca hải ngoại. Đừng đổ lỗi cho ai. Cứ tự hỏi mình khi gửi thơ đến chủ bút, đã thực sự viết bài thơ hết sức tinh hoa chưa?
Trình bày như vậy không có ý chê bai, phê phán điều gì; ngoại trừ nói những nhận xét thành thật và hơn hết là cảm thán. Thế hệ chúng tôi, tàn dư của chiến tranh, dày vò bởi kinh tế, tiêm nhiễm nhiều thói xấu văn chương và không đủ thời giờ cho học thuật, không có thời giờ tu bổ khả năng và không còn thời giờ để thực hiện mơ ước.
Những nhà thơ trẻ hơn thế hệ của tôi, nhìn đầy hứa hẹn. Họ có học thuật, được đào tạo trong một hệ thống giáo dục đầy lòng tự tin và được cổ động óc sáng tạo từ ngay trong lớp học. Họ có mọi cơ hội tiếp xúc với thi ca và nghệ thuật thế giới. Quan trọng nhất là họ có thời gian để thơ được chín mùi. Dù họ viết tiếng Mỹ, tiếng Pháp, tiếng Đức… hay tiếng Việt, họ vẫn là thi sĩ Việt Nam. Tôi không có ý kiến gì nhiều về thi ca trong nước vì không có đủ tài liệu. Nhưng tôi tin những nhà thơ trẻ trong và ngoài nước sẽ làm tốt hơn. Họ có thời gian và cơ hội để sửa sai, cải thiện và học hỏi hơn chúng tôi.
Anh Trần Vũ,
Thưa độc giả,
Cho tôi nói những điều có thể động chạm đến quí vị và những bằng hữu thân thiết của tôi. Giữa sự bị ghét bỏ và việc nói lên căn bệnh trầm kha của thơ Việt, tôi xin chọn được nói và xin lòng lượng thứ.
Tôi nghĩ rằng thơ hải ngoại có ba vấn đề: Tinh thần thơ văn, xã hội thơ văn tương tế và bản tính sáng tác.
1- Tinh thần sáng tác và tinh thần thưởng ngoạn bị ô nhiễm bởi quan niệm Làm thơ và đọc thơ để giải trí.
Đa số người sáng tác xem làm thơ là trò chơi. Tinh thần hư vô, trần gian cõi tạm, rủ sạch bụi trần, khiến cho thơ chỉ là nơi gửi gấm tâm tình, vui buồn kiếp sống. Sau đó, phủi tay vào chợ. Chẳng phải cổ nhân ta nói, văn chương rẻ như bèo? Chẳng phải hàng ngày nhan nhản những người làm thơ tuyên bố, thơ để vui chơi? Cá nhân tôi cũng đã nhiều lần nói như vậy.
Nếu người sáng tác không xem thơ là trọng, làm sao đòi hỏi người đọc coi trọng thơ? Nếu người sáng tác chỉ muốn người khác công nhận mình là thi sĩ, hoặc thi sĩ lớn, thì văn thơ dùng để thuyết phục, thay vì khám phá và làm sáng lạn hơn? Nếu người sáng tác được khen thưởng đôi điều, vài bài thơ, đã thỏa mãn và ngông nghênh, họ sẽ dừng lại ở mức độ yêu cầu đó. E rằng, càng ngày càng thụt lùi vì thế giới thi ca đang tiến tới. Nếu người sáng tác không lo chuyện sáng tác, lại dành thời giờ lướt mạng, phản hồi, phản kích, cãi cọ không theo tinh thần thượng võ và tinh thần trong sáng của văn chương, thì lấy ai đóng góp những điều hay, vẻ đẹp cho dòng văn học hải ngoại?
Về chủ bút, chủ mạng văn chương, chủ báo văn học, dù là cơ sở tư nhân: muốn làm gì tùy ý. Nhưng khi đã vào quỹ đạo của văn chương chung, liên quan đến văn học dân tộc, nhất định phải có trách nhiệm và tuân thủ những điều bất thành văn.
Nếu chủ bút, chủ mạng, chủ báo không tự mình rèn luyện một bản lãnh, không có phương pháp “khoa học” để đo lường giá trị văn chương, chỉ dựa lên cảm tính, thấy hay là hay, thấy dở là dở, thì việc đưa người sáng tác lên mạng, lên báo, cũng cần suy nghĩ lại. Dĩ nhiên không thể đòi hỏi lúc nào cũng có những tác phẩm nặng ký hoặc giá trị vì sáng tác hàng ngày chưa chắc đã có. Tuy vậy, việc chọn lựa “cho vừa lòng nhau” sẽ đưa ra những người viết nổi tên tuổi đình đám mà không thực lực. Không lẽ văn chương cũng rơi vào phạm vi “Nhất thân nhì thế tam quyền tứ chế”?
Nếu người sáng tác và chủ bút, chủ báo, chủ mạng như vậy thì đa số người đọc sẽ cảm nhận văn chương hải ngoại là như vậy.
Tôi nghĩ vui chơi với văn thơ là thái độ trong đời sống. Mỗi người có quyền chọn chơi hay không. Nhưng văn thơ, tự nguồn gốc, bản tính và mục tiêu cùng hiệu quả thì không liên quan gì đến thái độ vui chơi.
Phải chăng chúng ta đã từng nghe câu nói, nghề chơi cũng lắm công phu? Nếu chỉ dừng lại ở quan niệm vui chơi với văn thơ thì câu hỏi còn lại là chơi văn thơ để lấy vui cho bản thân và giúp vui cho người khác, nhưng nếu vừa vui chơi vừa làm cho văn thơ cao hơn, sâu hơn, sáng hơn, tại sao không làm?
2- Tệ đoan nhất của văn thơ hải ngoại là xã hội văn chương tương tế.
- Dùng sự quen biết để ảnh hưởng việc đăng bài lên báo hoặc lên mạng cho cá nhân, cho người quen và ngược lại, đả phá những tác phẩm của người không ưa thích.
- Tiến thêm bước nữa là bè phái. Xưa nay, mã tầm mã, ngưu tầm ngưu là việc bình thường. Nhưng giữa một tập hợp sinh hoạt văn chương để hỗ trợ nhau sinh khí khác với đảng phái có gièm pha, thủ đoạn và lòng đố kỵ.
- Khen thưởng vì quen biết hoặc vì vị nể. Nếu khen một tác phẩm mà không vì giá trị của nó thì việc giao tế còn lại chỉ có hại cho văn chương. Những người lên “sân khấu” trong các buổi ra mắt sách, có bao nhiêu người nói đúng với lòng tự trọng? Những bài viết giới thiệu sách, có bao nhiêu bài thật sự nói lên giá trị văn chương của tác phẩm hoặc tác giả? Những bài hùn nhau bênh vực một vấn đề, một cuộc tranh luận, có bao nhiêu bài thật sự viết vì quan điểm vô tư? Khen và chê không phải vì giá trị của tác phẩm hoặc sự nghiệp của tác giả là việc làm nếu không tự xấu hổ, chắc chắn sẽ có người khác xấu hổ giùm. Hướng dẫn lầm khiến người nghe, người đọc lầm theo, cũng là sự tội nghiệp cho văn chương.
Theo ý riêng, tôi nghĩ, nếu thấy một bài viết có chỗ sai lầm, bài dịch không đúng, không chuẩn; đâu cần phải mạt sát hoặc “đánh đập” khiến chữ nghĩa trở thành khí giới tàn tệ. Chỉ cần viết một bài trình bày quan điểm khác biệt của mình hoặc dịch lại bài khác rồi đưa ra công chúng để độc giả tăng thêm hiểu biết, có thêm tầm nhìn rộng rãi. Để độc giả, văn học vả thời gian kết luận đúng sai vì không chắc sự khác biệt của mình đã đúng. Nhưng chắc chắn người đọc và người viết “sai” kia sẽ cảm kích và quí mến tinh thần yêu văn chương.
3- Những tính không tốt cho sáng tác là những bản tính dân tộc (đa số) áp dụng vào văn thơ.
- Cẩu thả: Làm thơ quá nhiều. Mới có chút ý hay hay là viết xuống thành thơ rồi hối hả gửi đăng. Không cho ý tưởng phát triển theo thời gian và không chịu đào sâu bằng suy nghĩ. Quan trọng nhất là không cho mình cơ hội viết một bài thơ hay hơn bài vừa viết xong. Tôi được người bạn cho một chậu hoa rất đẹp nhưng chỉ mới có nụ. Chưng trong phòng khách. Một hôm có bạn ở xa đến chơi. Muốn khoe hoa mà hoa chưa nở, biết làm sao! Sáng tạo? Tôi dùng dao lam tỉ mỉ, cẩn trọng rạch theo mép của nụ hoa. Mở cửa cho hoa mau chào đời. Hai ngày sau, tất cả nụ đều héo và rụng. Sáng tạo? Không, sáng kiến bậy.
- Tham danh: Làm thơ để chứng tỏ mình là thi sĩ hơn là làm thơ để giải tỏa tâm tư qua văn chương và phát triển văn học. Làm thơ cho người đọc hơn là thơ cho mình. Nói một cách khác, cho người khác cơ hội biết mình mà không cho mình cơ hội tự biết. Biết mình không phải là chuyện dễ vì biết lầm về mình dễ hơn. Biết bao nhiêu câu chuyện Thiền, câu chuyện tôn giáo, câu chuyện triết học, câu chuyện nhân gian hướng dẫn, dạy dỗ con người tự tìm biết mình, vậy mà có mấy ai! Danh thi sĩ là danh hời hợt. Ai cũng có thể làm thơ. Ở hải ngoại dư tiền in sách. Chốn giao tế dễ dàng lên mạng. Từ đó trở thành nhà thơ.
- Lười biếng: Có giờ ăn nhậu, có giờ đình đám, có giờ lên Facebook, mạng lưới nhưng không có giờ cho học thuật. Không phải vì khả năng sinh ngữ, không phải vì áp lực đời sống, vì lười và tự thỏa mãn quá sớm. Người xưa muốn học, đốt lá cầm que vạch xuống đất mà học.
Lười biếng khiến cho việc gì cũng làm đại khái, không hết sức hết lòng. Làm thơ đại khái. Thơ thường bị dẫm chân tại chỗ, lặp đi lặp lại. Tình trạng này thường đính kèm câu chống chế, làm cho vui cần gì phải phức tạp, rắc rối.
Tự thỏa mãn đồng nghĩa với bỏ cuộc tìm kiếm ánh sáng, vẻ đẹp của thi ca. Tự thỏa mãn thường sinh ra tính tự tôn khiến nhà thơ trở thành quái dị.
Thiếu học thuật, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thực hành thường đưa đến kết quả ngây ngô và hợm mình. Mùa hè năm 1975, tôi đến Hoa Kỳ, nhà bảo trợ cho tôi chiếc quần nỉ thật đẹp nhưng rất lớn. Tôi đã mày mò tự học may rồi cắt cho mình một chiếc quần từ hai cái ống nỉ khổng lồ. Sau đó, tôi diện đi chơi với nhóm người bảo trợ. Ai cũng nhìn. Tôi cho rằng quần quá đẹp. Về sau mới hiểu, không ai mặc quần nỉ dày giữa mùa hè nắng thiêu đốt.
- Đố kỵ: Đố kỵ là bản tính chung của nhân loại. Người việt cũng không ngoại lệ. Nhà thơ nhà văn lại càng thấy rõ hơn. Thấy rõ hơn vì cõi văn chương là cõi sáng, những bóng đen sẽ càng đậm màu. Sự đố kỵ sẽ mang lại tai hại là hùa nhau làm tối văn chương hải ngoại. Lúc nhỏ, theo mẹ ra chợ, tôi thích xem bầy cua nằm trong thúng chờ người mua. Hai càng bị trói bằng dây lá nhưng chúng rất hăng say cố trèo ra khỏi thúng. Con này mới trèo lên đã bị con kia níu xuống. Có con lên gần miệng thúng, lập tức hai ba con khác kéo lại. Chúng loay hoay suốt buổi ngày. Ngoài trừ những con bị mua về làm thịt, những con còn lại sứt càng, gãy chân. Chúng bị hạ giá rất thấp lúc chợ tàn.
Trong mỗi người cầm bút đều có lòng đố kỵ, không ai thoát khỏi. Việc còn lại chỉ là biết nó, biết ta, biết tự soi gương.
Trần Vũ: Khi nãy, anh vừa phát biểu “bản sắc Việt của thi sĩ Việt sẽ đến từ cá tính Việt…” Và anh nhấn mạnh: “Bản sắc Việt, văn hóa Việt, là một thứ DNA, âm thầm lưu truyền trong máu và hồn. [...] thể hiện trong dân tộc tính, thể hiện trong bản tính của mỗi người. [...] bản sắc Việt xuất hiện từ cá tính đi vào chữ nghĩa thơ.”
Nhưng ngay lập tức anh phê phán: “không tốt cho sáng tác là những bản tính dân tộc áp dụng vào văn thơ.” Có mâu thuẫn không? Làm sao có thể nói tôi mang bản sắc Việt loại trừ những cá tính xấu? Làm sao thay đổi khi là DNA? Hay phải hiểu Sáng tác là Select, một hành động Sélectionner chữ nghĩa cùng phẩm chất, cho tác phẩm cũng như cho chính bản thân mình?
Ngu Yên: Lẽ tự nhiên trong hay có dở, trong dở có hay; trong tốt có xấu, trong xấu có tốt. Bản tính dân tộc là một phần của bản sắc dân tộc, mang ưu điểm và khuyết điểm, không thể tách rời, đừng nói chi đến tiêu diệt. Một trong những mục tiêu của giáo dục, tôn giáo, pháp luật, tu thân là làm giảm khuyết điểm và phát triển ưu điểm. Khi ánh sánh tới thì bóng tối sẽ rút lui, cho dù bóng tối không bao giờ biến mất. Sự chiến đấu giữa sáng và tối đằng đẳng, tùy thời, bất phân thắng bại. Nhưng thắng bại trong mỗi người, có thể chứng minh.
Một người làm thơ muốn sáng tác có giá trị, phải ý thức việc mình muốn làm. Một phần ý thức đó là đối đầu với những tính xấu làm cho bản thân và thơ mất giá trị. Tôi muốn mượn vài dòng của thi sĩ Nobel 1966, bà Wislawa Szynborska, để giới thiệu ý thức sáng tác: “rằng thơ là một công việc đòi hỏi phải nghiên cứu chuyên ngành, kiểm soát thường xuyên, các bài viết lý thuyết, các thư mục và các chú thích, rồi sau cùng là bằng cấp tốt nghiệp. Đến đây, vẫn chưa đủ để viết ra những bài thơ tinh tế nhất để trở thành thi sĩ…” (Trích diễn văn nhận giải Nobel “Thi Sĩ và Thế Giới”)
Cá tính Việt không thể tiêu trừ nhưng có thể làm cho tốt hơn. Những tính xấu của dân tộc trong mỗi người không thể xóa bỏ nhưng có thể giảm thiểu. Và câu hỏi của anh đã trả lời rất hay: Sáng tác là Select, một hành động Sélectionner chữ nghĩa cùng phẩm chất, cho tác phẩm cũng như cho chính bản thân mình.
Hết phần 6
Bản cắt ngắn in trong tuần san Trẻ Dallas tháng 6 và 7-2015
Bản nguyên trên Văn Việt
Trần Vũ thực hiện qua điện thư tháng 5 và 6-2015
====================================
(*) tiểu luận Chân Phương “Thơ Việt Đi Về Đâu”
(**) Vùng đất đó bao giờ có sao chổi?, tựa thơ Ngu Yên