Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 11 tháng 7, 2015

Lạm bàn về hội chứng KITSCH

Xang Hứng

Nghệ thuật Kitsch. Ảnh: Internet
Nghệ thuật Kitsch. Ảnh: Internet

“KÍT” là một từ mà “dân Hà Nội nói tục nhất…” sau khi cố gắng sửa chữa tật này dùng để chỉ bãi thải của động vật nói chung. Bàn về những tác dụng tích cực của “Kít” thì đã có vô số bài viết, những cuộc hội thảo khoa học về phân bón. Nhưng hôm nay, chúng tôi chỉ xin trao đổi với quý vị về một danh từ mượn ở Đức ngữ: KITSCH.
“Kitsch” là danh từ được dùng để chỉ thứ tâm trạng đa cảm (sentimentalité), ướt át, lãng mạn, có khi lố lăng, khả nghi và giả tạo. Theo Pháp ngữ, có người dùng danh từ “cléricalisme”, có ý nhấn vào một cách thức đi đứng, ăn nói, xử sự đượm phần kẻ cả, huênh hoang, tự đắc, lố bịch. Cái gì của mình cũng là Nhất, cái cứt gì cũng là thơm, là đúng, là “đỉnh cao”. Lâu dần những suy nghĩ ấy làm cho lớp trẻ méo mó niềm tin chân chính, không còn biết và dám tìm hiểu đâu là sự thật, là tương lai.
Nếu dịch sang tiếng Việt là gì, tôi không biết, việc này phải nhờ đến những học giả chuyên môn. Nhưng trước khi tìm ra được một danh từ quốc âm cho cái mà người Đức gọi là “Kitsch” kia, ta hãy thử xem qua vài lối biểu diễn của hiện tượng đó.
  1. Trong thể “văn kiện” tuyên truyền rao giảng
“Dưới sự chỉ đạo sáng suốt”, “ánh sáng soi đường”, “đoàn kết nhất trí”, ”Lương tâm của nhân loại”, “Đỉnh cao trí tuệ”, “Gấp vạn lần hơn”, và nhiều không thể nhớ nổi. Có một số hình ảnh, một vài kiểu xưng hô khả dĩ giúp ta nhận định đại khái thế nào là “Kitsch”. Những hình ảnh đó, những cách thức xưng hô đó thường mang tính cách phóng đại, giả dối, mị dân với nhiều quả quyết liều lĩnh, hoặc mập mờ, úp mở. Thí dụ:
– Kiểu khoa trương, hàm ý khoe khoang, phô bày: Để khen lãnh đạo, có kẻ nói: “Người vô cùng sáng suốt, ai có thể sai chứ Người thì tuyệt nhiên không”. Bất cứ một người dân Việt nào cũng có những “đấng tối cao” mà mình chọn để tôn thờ: Thượng đế, Giê-su, Phật, ông bà, tổ tiên… Trong lời cầu nguyện, thường ta quen nhận định những đấng ấy là “sáng suốt, công bình, nhân từ…”. Điều này đúng theo quan điểm Thần học, nhưng vì quen dùng danh từ mà không quen cân nhắc nội dung nên số đông đã áp dụng cho một thọ tạo cả những phẩm tính dành riêng cho Đấng Tối Cao.
– Kiểu khúm núm: để chào một anh “đầy tớ nhân dân”, khi đến những cơ quan công quyền như ủy ban hành chính, sở thuế, hải quan và vô vàn các loại sở, ban ngành… người dân khom lưng: “Xin phép chào cán bộ”. Viết một tờ đơn, người cầm bút lom khom: “Đơn xin cấp giấy khai… tử”…, chỉ thiếu điều cuối đơn ghi dòng chữ: “Provolutus ad pedes” (Lăn/hôn dưới chân ngài)!
– Kiểu ngưỡng mộ: “Ôi lãnh tụ tối cao, chúng con đội ơn ngài vì đã được chữa khỏi bệnh mù”, “Ôi, những áng văn tuyệt tác như ánh sáng bình minh dẫn dắt chúng con đi đến thế kỷ 21, không biết đến bao giờ chúng con lại được đọc tiếp quyển trung, quyển hạ của người với những lời văn tuyệt hảo, với tư tưởng siêu quần bạt tụy”. Lãnh tụ vừa mới “đẻ” ra một lời là được ví ngay với thiếu phụ vừa đẻ. Chị em quần thoa xúm lại thăm hỏi: “Âu, bé tũn đấy à, sao mà nó xinh, nó đẹp, nó béo mũm mĩm thế này! Ai đẻ nó ra mà khéo thế cơ chứ”.
– Kiểu bệ vệ: bên ngoài hành lang cuộc họp, khi lãnh tụ bước ra đi dạo cho đỡ cuồng cẳng, các đại biểu khúm núm xin chụp ảnh cùng, lãnh tụ đáp thỏn lỏn “Ừ”. Làm gì tốt một chút xíu được cấp trên khen tặng thì khoe ngay với nhân viên rằng “Anh X có lời Ban khen”…
  1. Trong âm nhạc
– Nhiều bài hát tuyên truyền giả dối, ca ngợi những thần thánh tưởng tượng, những anh hùng không có thật, những thành quả tốt đẹp trong mơ, chỉ để khuyến khích những người thiếu hiểu biết cắm đầu làm thân trâu ngựa hoặc sau này làm giới trẻ đắm mình vào những thú vui ủy mị, sướt mướt, bệnh hoạn.
  1. Trong “thể văn” nhà đạo (ở đây xin nói về Công giáo)
Rắc rối và mầu mè. Ảnh: Internet
Rắc rối và màu mè. Ảnh: Internet
– Kiểu bề trên: Bổn đạo chắp tay chào linh mục, linh mục chẳng thèm ngó mà chỉ ban cho một cái nhìn vô cảm. Khi linh mục chiếu cố đến nhà làm thủ tục Xức dầu Thánh hay làm phép xác, ngài cư xử y như Thượng đế và thái độ thì hệt như Đấng Tối Cao chiếu cố, ban ơn, rồi sau đó dứt khoát đừng thiếu quà cáp. Thật cảm động!
– Kiểu trọng thể: Khi dịch những văn kiện Tòa Thánh, người dịch Việt ngữ sính dùng danh từ loại “hoàng phái” như hệt ngày xưa vua chúa hay dùng trong cung điện, hay giống như giọng văn truyện… Tam Quốc. Thông điệp của Giáo Hoàng thường dịch theo thể văn quý tộc thời quân chủ, việc ấy không đúng với tinh thần của Đức Gioan XXIII, hay Đức Phao lô VI, những vị đã quan niệm quyền bính như một “dịch vụ” (Lumen Gentium 3,-27). Nếu như thông điệp đó được gửi đến cho báo chí, những người thiện chí trên thế giới, gồm Công giáo và không Công giáo, dịch như vậy không khỏi làm họ ngạc nhiên, ngỡ ngàng.
  1. Trong lĩnh vực phụng vụ
Nhiều nhà thờ, nhà chùa ở ta ngày nay có kiến trúc, cách thức trang hoàng rất lố lăng, lòe loẹt. Tượng Chúa, Phật được tô điểm vừa màu mè, thiếu thẩm mỹ, vừa không ăn nhập gì với bản chất chân thực của Đức Tin.
– Một vài nhà thờ, nhà chùa được xây với tiêu chí “đồ sộ, to nhất” nhưng kỳ thực chỉ làm cho thiên hạ thấy một thứ đồ sộ giả tạo. Tường cao chót vót, màu sắc sặc sỡ… Sự thật vẫn quý hơn những ảo ảnh kiểu vậy. Thì ra, trên bình diện kiến trúc tôn giáo, những “dấu hiệu” được dùng rất thiếu chân thành, không tôn trọng thực chất.
– Trong một buổi rước Đức Mẹ ở làng kia, chúng tôi được chứng kiến trên một chiếc xe “cam nhông” (Camion), vây quanh tượng Thánh mẫu là một số gái trẻ trên lưng khoác những đôi cánh chim bồ câu làm bằng nan tre phết bông gòn, tượng trưng cho Thiên thần Sêraphim. Mặt các cô bé ấy thoa phấn dầy bự, môi tô son đỏ choét, lông mày đen kịt nét bút chì, trông y hệt phường chèo! Bọn trẻ hoàn toàn mất vẻ hồn nhiên của tuổi thơ, chúng đâm ra ngây ngô, thiên thần không ra thiên thần, người cũng chẳng ra người. Những người qua đường hẳn sẽ chú ý đến cái bề ngoài sặc sỡ dị hợm ấy mà quên đi điều chính yếu là lòng sùng kính Đức Mẹ. Dư luận Công giáo có thể vì thế mà chê Đạo chứa chấp một nếp tình cảm nông nổi, không diễn tả mà còn xúc phạm đến niềm tin thuần túy.
Kitsch by computer. Ảnh: Internet
Kitsch by computer. Ảnh: Internet
– Về loại “đạo ảnh”: Những tấm ảnh Thánh được nhập khẩu nguyên chiếc (printed in Italia càng tốt) được nâng niu trân trọng, chứng tỏ một sự khiếm khuyết về khiếu thẩm mỹ dù sơ đẳng nhưng rất ăn khách. Những bức ảnh Chúa hài đồng được vẽ dưới hình một đứa bé trai tóc ánh vàng, má hồng như quả táo, môi son như em bé sắp lên trình diễn ở đài truyền hình. Ảnh Đức Mẹ là một bà đầm mũi gồ, da trắng như sứ, mắt xanh. Phải chăng mình thích tưởng tượng rằng trên Thiên Đàng kia, Chúa, Thiên Thần, Đức Mẹ phải là “Tây trắng”? Các bạn có thể thấy đâu đó bức ảnh thánh Gioan tông đồ trong hình dáng trai không ra trai, gái chẳng ra gái, mắt trợn ngược toàn lòng trắng đang trong cử chỉ ngây ngất ngắm Đức Thầy!
………………
Một vài thí dụ trên qua những cách phát ngôn, ăn nói, ta có thể nghĩ hiện tượng mà người Đức gọi là “Kitsch” gồm có mấy đặc điểm như sau:
– Tự mãn.
– Thiếu trương lực giữa những thực tại xung khắc.
– Lạm dụng những giá trị vốn là cao cả.
Nghĩa là thế nào ?
  1. Là một thứ tự mãn xúng xính, rung rinh
Mình hoàn toàn hài lòng và thỏa mãn về chính mình. Đã là “Đỉnh cao trí tuệ”, là “Lương tâm nhân loại” thì cái gì mà chả Nhất, nếu có cái mũ “đảng” nữa thì thật là thượng sách. Như vậy là đã nắm chắc trong tay tờ giấy thông hành để lên thiên đàng thẳng cẳng….
Xô Viết Kitsch. Ảnh: internet
Xô Viết Kitsch. Ảnh: internet
Tự mãn là con đẻ của một não trạng “Cầu an”. Vì muốn tìm kiếm sự “muôn năm”, trường tồn cho bản thân, cho băng nhóm, cho thứ “niềm tin” giả tạo hơn là một viễn tượng động tiến của lịch sử, họ thậm chí tự dối mình và lừa thiên hạ, họ chăm chú ngắm nhìn vẻ đẹp êm đềm và “lý tưởng” của một xã hội “công bằng, dân chủ vạn lần hơn…”. Họ làm như mù đối với thực tại xã hội rối ren, xung đột, bất công do tội ác gây nên.
Họ không công nhận rằng nếu không có âu lo, thắc mắc, đấu tranh thì chẳng thể có hòa bình chân chính, cũng như thật sự tiến bộ.
Mà sở dĩ người ta mãn nguyện như vậy chẳng qua vì họ quên rằng “Cái nhất trong quyết định lại là cái chót trong thực hiện” (Phương thức triết lý: Quod est parimum in intentione est untimum in executione). Muốn thành Thánh là một chuyện, sự thực có phải là Thánh hay không lại là chuyện khác.
Những người mắc “bệnh” Kitsch luôn đinh ninh rằng chỉ cần tung hô, tô điểm cho kỹ bằng những ngôn từ hoa mỹ, bằng những “niềm tin” áp đặt cho thần dân thì úm ba la, họ thành Thánh Thần.
  1. Thiếu trương lực từ những thực tại xung khắc
Người mắc chứng “Kitsch” hay tự mãn cho nên họ thiếu trương lực (không có sự căng thẳng) giữa những thực tại xung khắc.
Trong đời người thường có những xung đột xem như đối lập với nhau, nhưng lại có thể dung hòa trong một tổng hợp cao siêu. Những thực tại xung khắc: Âm – Dương, Nhỏ bé – Cao cả, Mừng vui – Đau khổ, Thiện – Ác…
Muốn dung hòa những thực tại này, điều kiện cốt yếu là những thực tại đó phải giữ đúng vị trí, nghĩa là phải căng thẳng, chúng là hai thái cực. Văn hào Pascal nói ông chỉ khâm phục tột độ đức hạnh khi ông cũng nhận ra được cực độ của đức hạnh trái ngược. Nói cách khác, chấp nhận trương lực (Tension) giữa những giá trị xung khắc tức là chấp nhận mọi sai biệt của đời mình , của xung quanh để làm cho những xung đột được trở nên hài hòa. Điều này thiếu ở người cộng sản.
Hậu quả sẽ là:
– Vì trốn tránh sự thật , vì thiếu minh bạch, sòng phẳng nên những người như thế chẳng thuộc về thế giới bên này, cũng như bên kia. Họ ở trong tình trạng dở dở ương ương, xập xí xập ngầu, ủng hộ cái xấu cũng chẳng phải mà phê phán cái ác cũng chẳng đúng.
– Những trí thức “Kitsch” không dám đảm nhận phái tính (sexualité) của chính mình, hành xử không ra đàn ông hay đàn bà, không có lập trường dứt khoát. Khi cần phát biểu quan điểm thì nói vu vơ, lạc đề, ba phải, giản lược mọi vấn đề nóng bỏng, cấp thiết đến mức sơ sài, thô thiển.
– Tất cả thái độ sẽ được giản lược vào duy nhất một việc: đó là vâng lời, tung hô, đồng tình, nhắm mắt tuân theo, bất cần đến giá trị của đạo đức, nhân vị. “Sổ hưu trên hết”!
Trong viễn tượng này, hiện tượng Kitsch che giấu một trạng thái lo sợ, lười biếng. Người ta không cảm thấy cần tìm hiểu những giá trị đích thực, song chỉ vội an phận trong cảnh luộn thuộm, vá víu, lưng chừng. Hình thức thì sáng bóng, có vẻ phong phú nhưng nội dung hoàn toàn rỗng tuếch.
  1. Lạm dụng những giá trị vốn cao cả
– Đã là “Lãnh đạo” thì lẽ đương nhiên những gì thuộc về mình dứt khoát phải là thứ “tinh túy” nhất, “cao đẹp” nhất, mình chỉ có bổn phận nhâm nhi tận hưởng những cao lương mỹ vị đó. Vừa đọc xong bản “thành tích” của đơn vị do mình lãnh đạo bằng những lời bóng bẩy, to tát, vị “lãnh đạo sáng suốt, khiêm tốn” ấy liền nghẹo đầu sang một bên, hai tay đan vào nhau, ngước mắt nhìn lên những biểu ngữ đỏ chóe, chúm chím đôi môi thốt lên những lời vô cùng cảm động: “Nhờ công ơn…”. Dĩ nhiên phần lớn thái độ đó là do những thói quen lâu ngày hoặc những lời sáo rỗng nguyên tắc, có phần hồn nhiên và chân thành. Nhưng đó chính là hành động, lời nói lạm dụng những giá trị vốn là cao cả.
Trang trí lạ. Ảnh: Internet
Trang trí lạ. Ảnh: Internet
Ví dụ: Quan lớn bệ vệ đến dự lễ khởi công hay khánh thành ở một địa phương. Dàn nhạc, cờ phướn tưng bừng chào mừng, quan chức cấp dưới cúi đầu khúm núm chắp tay thi lễ, các cháu thiếu nhi tươi cười phất cờ hoa hoan hô, quan lớn liếc mắt giơ tay vẫy lại, miệng lầm bầm hô khẩu hiệu trong khi chân rảo bước. Quan đầu tỉnh đi ngay phía sau vẫn cố ghé tai quan lớn: “Hôm nay tỉnh chúng em có mở tiệc chiêu đãi anh đấy, có món quà đặc biệt lắm mà chúng em biết anh thích dùng…”.
Một quan lớn khi đã về vườn đến cơ quan hành chính nọ để xác nhận giấy tờ, gặp anh chủ tịch vốn là hàng “con cháu”, quan nghiễm nhiên xưng hô “thân mật” là “mày – tao” như xưa và sẽ tỏ ra khó chịu nếu anh chàng “con cháu” kia áp dụng đúng những quy định luật pháp. Ngài không quen với vị thế “dân thường”!
Vì lạm dụng nên ngài bị kẹt. Đã trót nghĩ rằng mình là “vĩ đại”, do vậy đương nhiên phải “muôn năm”. Đến khi bị đẩy ra khỏi cái vũ trụ giả tạo ấy thì ngài không thể tự rút ra được, thói quen đã thành nếp, đành ôm theo cái “áo khoác” bệ vệ, nặng nề, trọng thể đó cả khi lưng đã còng. Càng ngày, ngài càng sống với những ảo tưởng, quá khứ, không dám nhìn nhận thực tế xấu xa và không có can đảm thú nhận cái bi đát hiện tại. Sở dĩ như vậy là do quen sống trong bầu không khí “cao cả”, quen vẫy vùng trong cờ xí, tung hô, nhang đèn, quen khoác trên mình bộ trang phục “rực rỡ” của kẻ bề trên.
Thái độ lạm dụng quyền lực trên thường đi đôi với một trình độ học vấn ít ỏi, bằng cấp giả tạo. Ví dụ như được hỏi ý kiến về một lãnh vực cần kiến thức chuyên nghành, “lãnh đạo” khi đã về vườn phán như thể điều gì ngài cũng thấu hiểu tường tận: chính trị, kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, văn hóa, nhạc giao hưởng… thậm chí cả sinh đẻ có kế hoạch.
Liều lĩnh nhưng bất tài!
Còn quý vị thì sao? Có biết mình đang lơ lửng ở tầng nào?
Còm sỹ Xang Hứng. Sài Gòn 7-2015