Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 10 tháng 7, 2015

KÝ ỨC LÀNG CÙA

Tiểu thuyết
Đặng Văn Sinh
PHẦN BA
Chương 16
1
Lúc ấy vào khoảng tám giờ. Trung tá Khúc Văn, Trưởng phòng tâm lý chiến Bộ tham mưu, mái tóc chớm bạc chờm quá tai chẳng khác một gã Tarzan, mặc bộ rằn ri bó sát người từ trên xe Jeep bước xuống hỏi viên đại uý Huỳnh Cao đứng đón trước cổng trại tạm giam:
- Bọn tù binh ở đâu?
- Thưa Trung tá, trong trại A2 ạ.
Khúc Văn hất hàm bảo tay trung sĩ khoác tiểu liên đi kèm:
- Anh cùng với anh Đạo chờ ở đây. Trong vòng nửa giờ cấm được gọi, tôi còn bận việc làm với tù binh. Nào, ta đi đại uý.

Cửa phòng giam vừa mở, Huỳnh Cao đã cất giọng châm biếm:
- Thế nào, các người hùng, đã suy nghĩ những lời tôi nói hôm qua chưa?
Ba tù binh miền Bắc quần áo tả tơi, chân bị cùm, lưng dựa vào tường mặt mũi thâm tím, khẽ nhướng mắt nhìn hai viên sĩ quan nhưng chẳng tỏ thái độ gì. Người ngồi ngoài cùng, khoảng ba chín bốn mươi, có vết sẹo dài bên trái kéo đến tận mang tai, có vẻ là một cấp chỉ huy. Người thứ hai có cặp mắt tròn, còn trẻ măng. Anh ta chắc chỉ là lính trơn. Nhưng đến tù binh thứ ba thì Khúc Văn giật mình. Trông người này rất quen bởi cái trán dô, cặp chân mày thưa và nhất là đôi mắt hơi xa tinh mũi giống như dân du mục phương Bắc. Bốn luồng mắt giao nhau một thoáng làm ký ức bật mở, Khúc Văn bỗng nhận ra gã tù binh đó nhưng không tỏ thái độ gì. Hắn hỏi Huỳnh Cao:
- Chúng đã khai họ tên và phiên hiệu chưa?
- Thưa, đã qua hai ngày thẩm vấn, đứa nào cũng câm như hến ngoài những cái tên vớ vẩn được phịa ra cốt chỉ để đùa giỡn chúng ta.
Khúc Văn gật đầu rồi hất hàm về phía ba tù binh:
- Hỏi để xem mức thành khẩn của các đồng chí Việt Cộng đến đâu thôi chứ còn những đơn vị quân đội Bắc Việt mới được điều động đến vùng cao nguyên này Bộ tham mưu đã nắm được rất cụ thể. Các người có giấu cũng vô ích.
Huỳnh Cao vung vẩy khẩu Cotl 45 dằn từng tiếng:
- Đây là Trung tá Trưởng phòng trên Bộ tham mưu. Các anh biết điều thì khai thật ra. Từ trước đến nay chưa có cán binh cộng sản nào qua được mặt ngài.
Khúc Văn sải bước lại gần làm như vô tình hỏi Khúc Luận:
- Tên gì?
- Nguyễn Văn Tĩnh.
- Quê quán?
-Hải Hậu, Nam Định.
-Cấp bậc?
- Chuẩn uý coi kho hậu cần.
Viên Trung tá nháy mắt cười:
- Tất cả những điều anh nói đều là thật đấy chứ?
Khúc Luận tránh tia mắt nhìn trực diện của gã em họ nhưng giọng lại thoáng khiêu khích:
- Nếu không tin thì các người đi mà xác minh.
Huỳnh Cao vốn là một gã biệt kích võ biền, vô học, mặt hầm hầm chạy lại giáng cho Khúc Luận một cái tát nảy đom đóm mắt.
- Câm miệng! Mày lại dám thách đố quân đội Việt Nam cộng hòa à?
Khúc Văn nghiêm giọng:
- Các anh thành thật khai ra sẽ được hưởng lượng khoan hồng, nếu cứ cố tình giấu giếm chúng tôi buộc phải dùng đến biện pháp mạnh, lúc ấy đừng có gào lên chính phủ Sài Gòn đối xử vô nhân đạo với tù binh.
Huỳnh Cao hằn học nhìn ba người lính Bắc Việt bảo Khúc Văn:
- Thưa Trung tá, bọn này trước sau đều khai là anh chị nuôi, nhân viên tiếp phẩm và coi kho hậu cần, không thằng nào chịu làm cấp chỉ huy nhưng tôi biết, chúng đều là những cán binh cộng sản lợi hại.
Khúc Văn khẽ gật đầu gọi Huỳnh Cao ra ngoài ghé tai hắn thì thầm:
- Bây giờ phải cho tách riêng từng tên ra để tôi trực tiếp hỏi cung xem sao.
Huỳnh Cao lắc đầu thất vọng:
- Tôi đã làm việc này ngay sau khi tóm được chúng nhưng hình như chúng đã bàn nhau trước nên đều trả lời theo một giọng. Bọn này rất lì lợm. Tôi sợ mất thời gian của ngài. Hay là ta cho giải chúng về Bộ tham mưu?
Khúc Văn tỏ vẻ thông cảm với nỗi bức xúc của gã đại uý:
- Thôi được, cứ để tôi thử xem đã rồi ta bàn phương án tiếp theo.
Huỳnh Cao vừa bước ra Khúc Văn bảo tên lính gác:
- Không được cho ai lảng vảng ở đây rõ chưa?
Tên lính rập gót dày đến cộp một cái giọng gọn lỏn:
- Rõ! Thưa Trung tá.
Khúc Luận chân vẫn bị cùm, ngồi mãi góc tường trong một không gian tối như âm cung, nhìn thấy tên Trung tá, anh ta chớp chớp mắt liền mấy cái định nói câu gì đó thì Khúc Văn vội xua tay. Vốn là sĩ quan tâm lý, hắn nghi ngờ phòng giam có cài đặt các thiết bị nghe trộm, sau một hồi tìm kiếm không thấy gì khả nghi mới hỏi Khúc Luận:
- Làm sao mà anh bị bắt?
- Thám báo tập kích bất ngờ vào đơn vị rồi đưa về đây bằng máy bay trực thăng.
- Anh là chuẩn uý coi kho thật à?
- Lại bắt đầu hỏi cung phải không?
Khúc Văn thì thầm:
- Tôi đang tìm cách gỡ cho các anh đây. Cảnh giác với tay Huỳnh Cao và nên chấp thuận khai ra một vài bí mật vớ vẩn nào đó để kéo dài thời gian ở trại này, đến ngày mười chín tháng sáu tức là ngày Quân lực Việt Nam Cộng hoà. Nếu đã bị đưa về Bộ tham mưu thì sự việc đã vượt khỏi quyền hạn của tôi, các anh không bị xử bắn cũng đày ra Phú Quốc.
Khúc Luận lúc bấy giờ mới tin Khúc Văn liền hỏi:
- Từ năm năm tư đến nay có nhận được tin tức gì về gia đình không?
Khúc Văn lắc đầu. Khúc Luận bảo:
- Sau vụ chết hụt hồi Cải cách đến lúc vào Nam tôi cũng không về làng Cùa, nhưng nghe tin bà Cả bị phát vãng lên Sơn La, còn ông khoá đã uống thuốc độc chết trong nhà giam.
Khúc Văn cau mặt thở dài:
- Số mệnh ông cụ kết cục đúng như Chánh tổng Cao Lộng nói lúc bị quân Áo đen xử bắn ở cây gạo bên miếu Cô Hồn. Còn cái Nhân em tôi?
- Cô ấy bỏ làng đi từ năm năm hai sau đó theo một tay trùm phỉ là Lý Quán, chẳng biết bây giờ ở đâu.
- Khổ thân con bé. Đúng là hồng nhan bạc mệnh. – Khúc Văn thở dài – Bây giờ ý anh thế nào? Hay là khai mẹ nó ra để thằng Cao làm khẩu cung tôi sẽ nhờ người bảo lãnh cho, còn nếu như cứ muốn bám lấy cái thứ triết lý cộng sản của ông Karl Marx thì phải tìm cách thoát khỏi đây. Mà phải quyết định nhanh lên, nói chuyện mãi chúng nó nghi.
Khúc Luận nói ngay:
- Vậy thì trăm sự nhờ cậu.
Khúc Văn đi đi lại lại trong phòng giam, cắn môi suy nghĩ:
- Nhưng phải nói trước, người của tôi chỉ tạo điều kiện để các anh thoát được ra ngoài, còn chạy đi đâu thì tùy cơ ứng biến. Nên chú ý cách đây chừng năm sáu cây số có một đồn điền cao su.
- Thế cũng là tốt quá rồi.
Trước khi rời nhà giam viên Trung tá tâm lý chiến dặn:
- Sẽ có người báo cho các anh thời điểm ra khỏi trại.
Khúc Văn bước ra sân với bộ mặt giận dữ bảo Huỳnh Cao:
- Tên này ngoan cố lắm, dùng vũ lực uy hiếp xem ra không ăn thua, đại uý nên sử dụng ngón tâm lý chiến kết hợp với những lời hứa hẹn may ra mới có kết quả, tuy nhiên phải giữ tính mạng cho chúng. Sau ngày quân lực Việt Nam Cộng hoà, nếu vẫn không lấy được khẩu cung ông hãy cử người giải về Bộ tham mưu.
Huỳnh Cao đưa tay lên vành mũ chào:
- Trình Trung tá, rõ!
Tối hôm ấy, ba người lại bị tống vào phòng giam cũ. Chính trị viên tiểu đoàn Phạm Bách hỏi Khúc Luận:
- Tay Trung tá đã hỏi cậu những gì?
Khúc Luận vốn là tiểu đoàn phó kiêm tham mưu trưởng, biết Phạm Bách hay đố kị với mình, lại là kẻ hèn nhát, chính vì ông ta thiếu khả năng quyết đoán mà già nửa ban chỉ huy bị bắt nên không dám cho biết mối quan hệ với Khúc Văn. Anh ta chỉ thông báo văn tắt:
- Hắn không đánh đập nhưng mỗi câu hỏi đặt ra đều là một cái bẫy. Rất may chúng ta đã thống nhất với nhau từ trước nên lời khai mới không mâu thuẫn.
Phạm Bách mặt ủ mày chau thở dài thườn thượt:
- Cậu nói thế nào chứ thằng này ác ôn lắm. Vừa vào đến nơi chưa nói câu nào nó đã bạt tai tôi mấy cái liền tưởng rụng cả hai hàm răng. Tình hình có vẻ căng đấy các cậu ạ, hay là ta cứ khai ra một ít.
Khúc Luận thoáng giật mình:
- Chắc gã Trung tá tâm lý chiến đã thuyết phục được anh?
- Hắn nói cũng có phần đúng. – Giọng ông chính trị viên phều phào vì hai chiếc răng cửa bị Huỳnh Cao đánh gẫy – Nói thật với các cậu chúng nó biết cả rồi, cho đến lúc này còn bí mật, bí mỡ chó gì nữa, nếu cứ găng, chắc chắn sẽ bị thủ tiêu, sau này còn ai biết đến mình.
Lê Đình Du, mới hai nhăm, tiểu Đội trưởng trinh sát liếc nhìn Khúc Luận nhăn mặt:
- Đồng chí Bách nghĩ thế không ổn. Tính mạng con người quý thật nhưng còn danh dự quân đội, còn gia đình. Khai ra tức là đầu hàng, sau này, nếu còn sống, liệu có dám vác mặt về làng không?
Phạm Bách càu nhàu:
- Tôi đã đầu hai thứ tóc, cậu không phải dạy khôn. Ở hoàn cảnh này chẳng có cách nào hơn đâu.
- Có đấy. – Khúc Luận bảo – Mấy ngày vừa qua tôi đã quan sát mấy vị trí xung quanh trại. Đây chỉ là căn cứ tiền phương, không phải sở chỉ huy, may ra có thể thoát được.
- Cậu muốn chết à? – Chính trị viên gạt đi – Vùng này toàn là căn cứ địch, giả sử có thể thoát được khỏi trại nhưng sau đó trốn ở đâu, nếu bị bắt lại ai dám chắc sẽ không bị xử bắn.
Khúc Luận cố thuyết phục:
- Địch không thể kiểm soát hết mọi ngóc ngách trong rừng được.
- Đừng có chủ quan. – Phạm Bách sẵng giọng – Các đồng chí định ăn không khí để trèo đèo lội suối tìm về đơn vị à?
Lê Đình Du bực mình bảo:
- Đồng chí là chính trị viên, trước hàng quân luôn thay mặt đảng giáo dục bộ đội phải dũng cảm chiến đấu, tuyệt đối trung thành, vậy mà…
Khúc Luận lừ mắt quát:
- Cậu Du, cậu không được quá lời, còn anh nên đồng ý với phương án của chúng tôi.
- Không bao giờ.- Phạm Bách dứt khoát nói – Tôi yêu cầu các đồng chí không bàn đến chuyện ấy nữa.
Ngày hôm sau, lúc Phạm Bách bị dẫn đi hỏi cung Lê Đình Du bảo Khúc Luận:
- Tình hình này không chóng thì chày ông Bách sẽ khai.
Khúc Luận gật đầu:
- Tôi đã nghĩ đến chuyện ấy từ lâu cho nên ta phải ra khỏi đây càng sớm càng tốt.
Du là dân trinh sát thấy Khúc Luận gợi ra kế hoạch trốn hưởng ứng ngay:
- Dưới chân tháp canh có một đường hào giống như loại công sự chiến đấu, chẳng biết bên trong có gài mìn không, nhưng nếu chui được xuống, vượt qua hàng rào kẽm gai là xem như xong bước một. Vấn đề cần tìm hiểu là đường hào kết thúc ở chỗ nào?
- Đó là một đường hào cụt. – Khúc Luận khẳng định – Mấy hôm trước, khi được mở cùm, nhân lúc tên lính gác ra cantine uống bia, tôi đã trèo hẳn lên cửa sổ nhìn. Có lẽ đường hào này đã bỏ từ lâu vì hai bên cỏ mọc khá dày. Thôi đành liều vậy.
- Tất nhiên là phải mạo hiểm mới có hy vọng thoát. Tôi đã để ý, ban đêm chúng cắt bốn thằng canh khu A2. Bọn này lại thay phiên nhau cứ hai đứa một giờ. Vậy ta phải lợi dụng lúc chúng đổi gác để hành động.
Lúc hai người đang thì thầm bàn bạc chợt có gói nhỏ bằng quả cam từ ngoài ném vào qua cửa sổ. Khúc Luận vội nhặt lên mở ra xem. Bên trong có chiếc chìa khoá cùm mới làm và mảnh giấy viết chữ rất tháu: “Sau mười hai giờ đêm ngày quân lực, cửa không khoá, đi ra bằng đường hào”. Đọc xong Khúc Luận cho mảnh giấy vào mồm nhai rồi bảo Lê Đình Du:
- Tuyệt đối không cho ông Bách biết.
Bàn tính xong, hai người phấp phỏng chờ. Quả như Lê Đình Du dự đoán, hôm ấy chính trị viên đã khai. Huỳnh Cao mừng như vớ được vàng. Hắn muốn nắm trọn chiến công trong tay nên chưa vội đưa tù nhân về Bộ tham mưu. Thật may, hôm sau là ngày mười chín tháng sáu. Đêm mưa. Bọn lính uống rượu say. Gã lính gác ngồi khật khưỡng, khẩu AR15 tựa vai. Khúc Luận vừa mở xong khoá cùm, Phạm Bách hốt hoảng hỏi:
- Các anh làm gì thế này?
Lê Đình Du nói khẽ:
- Trốn trại, ông có đi không thì bảo?
- Này đừng có liều. Tôi kêu lên đấy.
- Vậy thì chớ nên trách chúng tôi.
Lê Đình Du sau khi rút được chân ra, lại sập gióng cùm, dùng sợi dây dù giấu sẵn trói cứng hai tay ông chính trị viên lại. Khúc Luận xé toạc vạt áo vo tròn nhét vào mồm ông ta rồi bấm tay trinh sát lẻn ra. Quả nhiên cánh cửa không khoá.
Đáng lẽ hai người xuống hào trót lọt nhưng Lê Đình Du vô tình chạm vào hệ thống tín hiệu báo động trên hàng rào thép gai, một quả pháo hiệu vọt lên phát ra thứ ánh sáng xanh lét soi rõ một vùng đất đá nham nhở dưới màn mưa trắng đục. Lúc này địch tưởng Việt Cộng tập kích liền nổ súng các cỡ như vãi đạn, thế là mạnh ai nấy chạy. Khúc Luận bám sát đường hào cho đến khi gặp con mương cắt ngang. Có tiếng láo nháo đằng sau. Anh ta căng mắt tìm Du nhưng vì đạn bay vèo vèo tứ phía đành rẽ trái lao bừa vào một hõm đất. Nằm thở một lúc, thấy không ổn, Khúc Luận lại bật dậy, khom người chạy, chân đạp bừa vào các bụi gai, chốc chốc lại tụt xuống các hố nước. Có lúc, anh tiểu đoàn phó bị chìm nghỉm vì lao quá đà, hẫng chân rơi tõm xuống ao, đến khi ngoi lên được thì quần áo bê bết bùn nước. Chẳng biết đã cách trại A2 được bao nhiêu, nhưng khi thấy chân trái đau nhói như bị một vật nhọn nóng bỏng xuyên vào thì Khúc Luận không còn đủ sức chạy nữa đành nằm phục xuống bên một bụi gai. Tiếng súng nổ, tiếng la hét mỗi lúc một gần. Nếu cứ chần chừ thế nào cũng bị bắt. Ý thức về sự sống mách bảo như vậy. Không thể nằm đây chờ chết. Anh ta dùng hết sức lực còn lại xé áo lót quấn vào bắp chân bị thương, khó nhọc đứng dậy. Phía trước có tiếng nước chảy. Khúc Luận lắng nghe và nhận ra đó là một con suối liền tìm cách tụt xuống để xoá dấu vết. Anh ta lội bì bõm chừng nửa giờ, đến đoạn suối hẹp liền dựa lưng vào vách đá nghỉ một lúc sau đó túm được đám rễ cây cố sức leo lên.
Xa xa trong rừng cao su có ánh đèn. Đói, rét và nhất là chân bị trúng đạn mất máu đã tê dại làm Khúc Luận không còn sự lựa chọn nào khác. Anh ta bò dần từng đoạn một, chốc chốc lại nằm xuống thở phì phò . Cứ như thế, tuy khoảng cách chỉ độ nửa cây số mà viên tiểu đoàn phó có cảm giác phải di chuyển mấy tiếng đồng hồ.
Vừa đến nơi Khúc Luận giật thót người. Trước mặt là ngôi nhà ba tầng theo kiểu biệt nằm giữa rừng cao su bạt ngàn. Một con chó to như con bê đánh hơi người nhảy dựng ngược, hai chân trước bám vào cổng sắt sủa dữ dội. Khúc Luận hoảng quá, ngồi thụp xuống, nép vào hàng rào, nhích dần từng bước tháo lui. Phía trong cổng, một cô gái xuất hiện gọi khẽ:
-Bim bim, lại đây!
Con chó ve vẩy đuôi nhưng không nghe lời chủ, cứ kéo dây xích hướng ra ngoài mà cắn. Cô gái mở cổng sắt, lia đèn pile quét vài vệt và phát hiện một xác người bên hàng rào.
2
Khi tỉnh dậy Khúc Luận thấy mình nằm trên giường đệm trong căn phòng tối mờ mờ. Xung quanh tuyệt đối im lặng. Anh ta khẽ lật người, ú ớ ra hiệu đòi uống nước nhưng lại rơi ngay vào trạng thái mê sảng. Tỉnh dậy lần thứ hai, Khúc Luận nhận ra người ngồi bên cạnh là một cô gái.
- Anh có đau lắm không?
- Tôi đang ở đâu thế này?
- Đang ở nhà tôi.
- Cô là…
Cô gái nhẹ nhàng đặt tay lên trán Khúc Luận:
- Anh bị thương vào chân, mất nhiều máu, còn đang mệt không nên nói nhiều.
- Nhưng tôi… Cô không báo cho bọn chúng đến đây chứ?
- Anh yên tâm. – Cô gái ngước cặp mắt đen láy nhìn anh Việt Cộng nở một nụ cười khá bí ẩn – Nếu muốn hại anh thì đêm qua tôi đã gọi điện cho cảnh sát rồi.
- Vậy thì … Tôi xin đội ơn, nhưng cô là…?
Cô gái không trả lời câu hỏi của anh ta mà bảo:
- Tôi đã cho người mời bác sĩ Hoà, đêm nay ông ấy sẽ mổ cho anh.
Khúc Luận giật mình, ngồi run lên:
- Không được. Cô làm thế quân cảnh sẽ đến bắt tôi ngay và liên luỵ đến cả gia đình ta.
- Anh bình tĩnh nào. – Cô gái thì thầm – Đây là bác sĩ riêng của gia đình. Bác ấy không quan tâm đến chính trị.
- Vậy cô có biết tôi là ai không?
- Chắc là một Việt Cộng đang bị truy đuổi.
Khúc Luận im lặng. Cô gái nói tiếp:
- Đây là tầng trệt trong căn nhà nghỉ hè ở đồn điền cao su của chúng tôi, tuy hơi thiếu ánh sáng một chút nhưng tương đối an toàn.
Khúc Luận thở nhẹ:
- Cũng không nên chủ quan.
- Tôi đã nghĩ đến trường hợp chúng khám nhà. Bọn lính biệt kích này nổi tiếng thiện chiến và tàn bạo nhưng không đáng ngại. Dưới tầng trệt có hầm bê tông khá kiên cố do ba tôi xây để phòng những lúc có biến động, chỉ phải cái hơi ẩm, nếu chúng đến tôi sẽ đưa anh xuống đó lánh tạm.
- Trong nhà ngoài cô ra còn có những ai nữa?
- Có bốn người bảo vệ nhưng ban ngày họ ở vườn cao su, giờ này chỉ còn một mình u già.
- Thế còn ba má cô?
- Ba đi Sài Gòn có công chuyện còn má tôi ở đồn điền M’rao.
- Tên cô là gì?
- Cứ gọi là Diễm Phương.
- Còn tôi là Khúc Luận.
Diễm Phương đang pha sữa cho Khúc Luận chợt u già chạy vào vừa nói vừa thở:
- Cô ơi, bọn lính đến.
Mặt Diễm Phương hơi tái đi:
-U cứ để họ vào. Phải thật bình tĩnh. Tôi sẽ ra ngay.
Diễm Phương dẫn Khúc Luận xuống hầm. Đường hầm tối om, ướt nhớp nháp. Cô dìu anh ta nằm vào chiếc giường bạt rồi nói:
- Anh ráng chịu đau ở đây một lúc, tôi lên xem chúng muốn gì.
Diễm Phương về phòng riêng, soi gương, thoa thêm chút phấn, cố ý dềnh dàng rồi mới bước ra ngoài. Đại uý Huỳnh Cao mặc đồ đi trận, khẩu súng ổ quay trễ bên sườn, đang đi đi lại lại có vẻ sốt ruột. Nhìn thấy Diễm Phương, hắn đưa tay chào theo kiểu nhà binh:
- Thưa quý cô, quý cô là chủ ngôi nhà này?
- Phải. Đây là nhà riêng của ông chủ đồn điền Cự Thái. Tôi là con gái ông ấy. Xin hỏi, đại uý có việc gì mà mang lính đến vào giờ này?
- Đêm qua có hai tù binh Bắc Việt trốn trại. Lính của tôi truy đuổi và phát hiện ra có vết máu ở bờ suối Găng nhưng tìm mãi không thấy. Tôi nghi nó còn lẩn khuất ở rừng cao su, xin phép quý cô cho kiểm tra.
Diễm Phương nghe xong giả bộ lo lắng:
- Hèn gì đêm qua có tiếng úng nổ bên kia suối. Nếu quả thật là Việt Cộng trốn trại thì đại uý cho lính rà soát ngay. Nói thật chúng em sợ lắm.
Sau gần một giờ lùng sục không có kết quả, gã đại uý từ rừng cao su về đưa cặp mắt nhà nghề quan sát toàn bộ ngôi biệt thự rồi bất chợt tuyên bố:
- Thế này thì hơi phiền nhưng quý cô vui lòng cho phép chúng tôi kiểm tra tư dinh.
Diễm Phương cau mặt:
- Đại uý nghi ngờ chúng tôi dấu những tên Việt Cộng đó?
- Cảm phiền quý cô. – Tay đại uý ra vẻ thành thực – Nhất định là không rồi. Tôi sợ rằng, bị quân lính truy đuổi, chúng không còn cách nào khác là đánh liều tìm vào ẩn tạm đâu đó trong nhà mà không ai biết, như vậy sẽ rất nguy hiểm cho mọi người.
- Vậy thì ông cứ tự nhiên. – Diễm Phương khoát tay chỉ cho viên sỹ quan biệt kích vào nhà, giọng có vẻ khiêu khích – Quân đội Việt Nam Cộng hoà mạnh thế mà để mấy tù binh vượt ngục…
Gã đại uý cùng bọn lính lục soát hết tầng một, tầng hai rồi mò xuống tầng trệt. Ở tầng này chúng xăm xoi khá lâu nhưng không thấy gì khả nghi bèn bảo bọn lính ra ngoài. Trước khi lên xe, Huỳnh Cao giơ tay chào Diễm Phương:
- Chúng tôi phải thi hành phận sự, thành thật xin lỗi gia đình.
Bọn lính vừa rút, Diễm Phương dìu Khúc Luận từ dưới hầm lên. Cô bảo:
- Số anh còn may đấy. Người bạn cùng đi trúng thương nặng, đã bị bắt lại.
- Sao cô biết chuyện này?
- Tay đại uý vừa nói với tôi nhưng hắn đi rồi.
- Thằng này nhiều mánh khoé lắm. – Khúc Luận lo ngại nói – Nó khám nhà tức là đã nghi ngờ. Cô để ý xem, có thể vẫn còn một vài thằng lảng vảng ở đây.
Diễm phương lắc đầu:
-Anh yên tâm. Chính mắt tôi nhìn thấy tất cả bọn chúng đã lên xe ra khỏi đồn điền.
Khúc Luận băn khoăn nhìn Diễm Phương:
- Cô tốt quá nhưng sẽ rất phiền cho cô nếu như ông chủ đồn điền về. Tôi định tối nay sẽ đi.
Diễm Phương xua tay bảo:
- Ba tôi không phải là người nhẫn tâm, tôi sẽ có cách nói để ông già hiểu. Anh ra ngoài bây giờ là rất mạo hiểm, chỉ cần đến con lộ 12 là bị lực lượng dân vệ bắt ngay. Hơn nữa cái chân đang sưng vù thế kia, bước sao nổi.
Một giờ kém năm, bác sĩ Hoà đến. Ông già đã quá lục tuần, người vạm vỡ, đội chiếc mũ phớt màu cà phê, khám cho Khúc Luận một lúc rồi bảo:
- Viên đạn chỉ găm vào phần mềm nhưng nếu không mổ kịp thời sẽ bị hoại thư vì vết thương đã nhiễm trùng nặng, ta nên làm ngay. Năm giờ sáng tôi phải có mặt ở nhà nếu không chúng nghi ngờ. Diễm Phương chuẩn bị khử trùng các dụng cụ cho bác.
- Thưa bác sĩ, tình hình bên ngoài bây giờ thế nào ạ?
- Không có gì đáng mừng cả. – Ông thầy thuốc vừa rửa vết thương bằng cồn vừa nói.- Người tù binh bị bắt lại đã chết.
- Bác chỉ nghe người ta đồn hay là…
- Chính tay tôi vuốt mắt cho anh ta. – ông Hoà lắc đầu bảo – Đó là một tay Việt Cộng còn trẻ, ở đuôi mắt trái có vết sẹo bằng hạt ngô.
- Thằng Du. – Khúc Luận khẽ kêu lên.
-Anh bạn! – ông bác sỹ già thủng thẳng bảo – Tôi không hiểu gì về cộng sản, chỉ biết các anh cuồng tín quá, giáo điều quá và chịu đựng giỏi quá. Những cái đó là triệu chứng của một loại bệnh lý đến một lúc nào đó nó sẽ tự phá ra, không thuốc nào cứu nổi. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi tán thành Quốc gia. Toàn là một bọn hoạt đầu, bất tài nhưng rất giỏi đánh xoáy tiền viện trợ bỏ túi. Tôi chữa cho anh với tư cách là bạn của gia đình ông Cự Thái, không phải cảm ơn. Xin có một lời khuyên, sau khi khỏi vết thương, đừng bao giờ cầm súng bắn nhau nữa.
Khoảng mười phút sau, bác sỹ dùng pinces gắp từ bắp chân Khúc Luận ra một đầu đạn garant, ông ta để trong lòng bàn tay nhếch mép cười:
- Tôi không hiểu vì sao con người cứ thích dùng những thứ này nói chuyện với nhau.
Ba hôm sau, ông chủ đồn điền từ Sài Gòn về. Vừa hay tin viên đại uý cho lính đến khám nhà, ông ta lập tức bảo tài xế đánh xe đến tiểu đoàn biệt kích. Diễm Phương biết bố nóng tính sợ lộ chuyện vội kéo ông Cự vào phòng nhẹ nhàng nói:
- Ba mới về chưa rõ chuyện. Có mấy tù binh Bắc Việt trốn trại. Ông đại uý cho lính rà soát khắp nơi chứ không chỉ riêng nhà mình. Việc quốc gia họ buộc phải làm, ba để ý làm gì.
- Chúng làm thế là qua mặt ba.- Ông Cự Thái hậm hực nói dằn từng tiếng – Giá như có Việt Cộng thật thì lại khác. Đằng này…
- Ba ạ! – Diễm Phương thì thầm – Lúc nãy con chưa dám nói vì sợ ba giận. Đúng là đang có một tù binh đang ở trong nhà ta.
- Con nói sao?- Mặt ông chủ chợt biến sắc – Hắn làm thế nào mà vào đây được?
- Anh ta bị thương, bò được đến cổng thì ngất đi, con đành phải đưa tạm xuống tầng trệt.
- Con liều quá!- Ông Cự Thái sẵng giọng – Chuyện mà lộ ra thì cả cái đồn điền này cùng với sự nghiệp của ba đi tong. Dẫn ba đến chỗ anh ta.
- Ba, con xin ba, hãy cứu lấy anh ta, coi như mình làm phúc.
- Con nói cái gì? Nếu thằng Huỳnh Cao lại dẫn lính đến đây thì ai cứu ba?
- Ba nói khẽ chứ. – Diễm Phương kéo tay ông Cự Thái bắt phải ngồi xuống – Con còn biết một điều hệ trọng. Anh ta là cấp chỉ huy tiểu đoàn, người làng Cùa vùng Ba Tổng.
- Chuyện lạ! – Ông chủ đồn điền khịt mũi bán tín bán nghi – Có thật như thế không?
- Anh ta nói làng Cùa có sông Lăng và những bãi ngô bên cồn Vành, gần bến đò ngang là điếm Bài Vân.
- Vậy thì đúng rồi. – Ông Cự chợt thở mạnh – Chắc con để anh ta dưới hầm phải không?
- Dạ.
- Dẫn anh ta lên tầng trệt. Nếu đúng là dân làng Cùa thì phải tìm cách đưa về Sài Gòn hoặc đồn điền M’rao.
Diễm Phương dìu Khúc Luận từ dưới hầm lên. Vừa nhìn thấy anh ta ông Cự Thái đã hỏi:
- Anh là người làng Cùa phải không?
- Dạ, cháu ở xóm Đình.
- Anh có biết ông Chánh Đàm?
- Ông Chánh là bố cháu.
- Vậy mẹ anh chắc là bà Ba Lánh.
- Phải đấy ạ, nhưng mẹ cháu…
Ông Cự Thái gật đầu:
- Chuyện nhà anh tôi biết rồi. Tôi là con cả cụ chánh Lộng vào Nam sau ngày cụ bị lính Áo đen của ông khoá Kiệt bắn chết.
- Lúc mới vào bác ở đâu?
- Làm bốc vác ở Sài Gòn, được dăm năm thì lập gia đình rồi dắt díu nhau lên vùng này theo dân cao su. Số tôi cũng lận đận lắm nhưng cuối cùng gặp may, nhờ có chút ơn với một tài chủ trọng nghĩa, ông ấy cấp cho ít vốn tậu được khoảnh rừng. Làm thì cứ làm thôi chứ thời buổi chiến tranh này chẳng biết thế nào mà nói trước.
3
Dịp ấy Cao nguyên bắt đầu mùa mưa. Rừng cao su lúc nào cũng nhợt nhạt, buồn tẻ như cảnh hoàng hôn mùa đông xứ Bắc. Khúc Luận chạnh lòng nghĩ đến mẹ. Không biết giờ này bà ấy ở đâu, còn sống hay đã chết? Càng nghĩ anh ta càng căm thù Lê Văn Vận cho dù ông ta đã bị Toà án đặc biệt xử tử. Anh ta từ từ ngồi dậy, xoay người dựa lưng vào tường , mắt đăm đăm nhìn vào khoảng không trước mặt suy nghĩ mông lung. Phạm Bách chắc lúc này đã chiêu hồi. Lê Đình Du chết một cách khốn khổ, còn mình biết tính sao đây? Một đêm Khúc Luận mơ thấy Khúc Thị Nhân. Cô ta vẫn trẻ đẹp như xưa, lộng lẫy trong bộ xiêm y vũ nữ lúc ẩn lúc hiện giữa đám mây ngũ sắc. Nhìn thấy chàng công tử làng Cùa, cô ta chìa tay ra kéo lên trời. Nhưng vì anh ta là người phàm trần còn nặng nghiệp chướng, đến gần mặt trăng thì bị rơi xuống một vùng hoang mạc gẫy hai chân, tỉnh dậy toát mồ hôi.
Mấy hôm sau, Khúc Luận ngỏ ý muốn tìm về đơn vị. Diễm Phương nghiêm sắc mặt:
- Anh muốn thí mạng à? Trước khi bị bắt đơn vị anh ở phía tây tỉnh Quảng Nam bây giờ anh biết đang ở đâu không?
Khúc Luận phỏng đoán:
- Có lẽ là bắc cao nguyên Trung Phần.
Diễm Phương lắc đầu:
- Anh đang ở Tuyên Đức.
- Xa thế cơ à?
- Bọn tiểu đoàn 124 được xem như là con thần ưng vùng cao nguyên. Chúng thường dùng trực thăng cơ động nhanh, tập kích bất ngờ vào một đơn vị nào đó rồi mang tù binh về căn cứ khai thác. Chưa biết chừng, sau khi cái ông chính trị viên ấy chiêu hồi thì toàn bộ tiểu đoàn của anh đã bị xoá sổ bởi những trận pháo kích và máy bay F4 ném bom.
Tối hôm ấy, ông Cự Thái xuống tầng trệt vào phòng Khúc Luận. Gần hai giờ liền ông kể cho anh nghe về thời trai trẻ và những nỗi gian truân của mình. Cuối cùng ông chép miệng than thở:
- Công bằng mà nói, ta không thích cuộc chiến nồi da nấu thịt này vì chính ta cũng mất một đứa con trai hồi cuối năm sáu nhăm. Nó tốt nghiệp trường võ bị Đà Lạt rồi bị điều ra Quảng Trị. Tin thằng Hai tử thương làm mẹ nó ốm liệt giường mấy tháng. Cuộc chiến đã kéo quá dài mà sự chịu đựng của con người thì có hạn. Với anh, ta khuyên hãy từ bỏ binh nghiệp đi. Ta sẽ lo cho một số giấy tờ tuỳ thân, khi nào khỏi hẳn sẽ đến đồn điền M’rao làm việc, ở đấy dù sao cũng an toàn hơn.
*
* *
Khúc Luận về M’rao được hơn ba tháng, một hôm ông Cự Thái đánh xe đến kiểm tra những lô cao su mới được đưa vào khai thác, nhân tiện bảo:
- Anh nghĩ thế nào nếu tôi chu cấp cho anh sang bên Pháp học nghề canh nông?
- Cháu đã ba mươi tư tuổi rồi, học bây giờ là quá muộn.
- Tuổi tác không quan trọng, cái chính là trình độ học vấn cơ bản. – Ông Cự Thái bảo – Nghe em Phương nói, hồi ở làng Cùa anh đã học xong trung học đệ nhất cấp?
- Nhưng cháu học trước năm năm tư cơ, bây giờ quên sạch rồi.
- Chuyện này không khó vì bên ấy họ có lớp dự bị. Ta cho ba ngày suy nghĩ, nếu chấp thuận thì xem đây như một hợp đồng, học xong, anh về đồn điền làm cao su. Nói thật việc này ta không chỉ giúp riêng anh mà chính là muốn trả nghĩa làng Cùa, nơi ta đã được sinh ra.
Buổi chiều có chiếc xe Jeep từ quận về. Viên cảnh sát trưởng cùng mấy tên đàn em bước vào nhà ông Cự Thái chẳng có vẻ gì là thân thiện. Vừa gặp chủ nhà viên cảnh sát đã hỏi:
- Ông mới thuê một người làm công ở đồn điền này?
Ông Cự Thái chột dạ nhưng cũng hiểu ngay là phải trả lời thế nào.
- Đồn điền của tôi có nhiều người làm, các ông muốn hỏi ai?
Viên cảnh sát đưa ra tấm ảnh bằng bàn tay.
- Chúng tôi muốn gặp người này.
Đó là ảnh của Khúc Luận. Gay rồi. Ông Cự Thái giả vờ chăm chú nhìn bức ảnh nhưng thực chất là kéo dài thời gian để nghĩ kế:
- Đồn điền của tôi không có người này.
- Ông không đùa đấy chứ? – Viên cảnh sát nhìn như xoáy vào ông Cự Thái – Đây là tên tù binh Bắc Việt nguy hiểm đang có lệnh truy nã. Có người nhìn thấy anh ta đi với ông.
- Ai nói với ông như vậy?
- Người của đại uý Huỳnh Cao chỉ huy tiểu đoàn 124.
- Đó là một tin thất thiệt, ngài tỉnh trưởng sẽ không bỏ qua chuyện này đâu.
- Chúng tôi có biết mối quan hệ của ông với ngài tỉnh trưởng nhưng chính đại tá ra lệnh cho quân đội và cảnh sát truy tìm tên tù binh ở đồn điền M’rao.
- Ra thế đấy. – Ông Cự Thái cười gằn – Vậy thì đại uý cứ làm phận sự.
Cùng lúc ấy ở trong nhà kho, nhìn thấy xe cảnh sát, Khúc Luận vội luồn ra phía sau chạy lên rừng.
Cuộc lùng sục mãi đến tám giờ tối mới kết thúc. Không bắt được Khúc Luận, tay cảnh sát trưởng hậm hực ra mặt nhưng đành phải rút về quận. Hắn biết thế lực của ông chủ đồn điền nên tạm thời chưa dám động đến. Khi mọi việc đã tạm yên, ông Cự xộc vội xuống nhà kho thì Khúc Luận cũng biến mất. Ông chủ đồn điền lo lắm, cho người nhà cầm đèn soi khắp mọi nơi nhưng đến nửa đêm vẫn không thấy tăm hơi. Quá mệt vì thần kinh căng thẳng, ông về phòng ngồi một mình đăm chiêu, vừa chợp mắt được một lát chợt Cai Tống từ nhà dưới lên rỉ tai:
- Lúc nửa đêm, cánh dân vệ ấp bốn bắt được một người nói giọng Bắc, họ nghi Việt Cộng mới đột nhập vào nên đã giam lại, sớm mai sẽ giải lên quận.
Linh tính cho biết có việc chẳng lành, ông Cự Thái không đợi trời sáng, gọi tài xế đánh xe đến ngay ấp bốn. Khúc Luận bị trói quặt hai tay ra đằng sau, còn gã ấp trưởng cùng mấy dân vệ đang hỏi cung. Ông chủ đồn điền lấy căn cước của anh ta đưa cho ấp trưởng:
- Người này là đốc công trong đồn điền của tôi vì trót đánh bị thương một công nhân nên anh ta trốn đi chứ không phải Việt Cộng. Ông ấp trưởng cho tôi bảo lãnh mang về, có chút ít để thầy trò ông lai rai.
Tay ấp trưởng sừng sộ:
- Tôi lạ gì các đốc công ở đồn điền này, nếu giải anh ta lên quận chắc số tiền thưởng không chỉ ngần này.
Ông Cự Thái biết là có thể dàn xếp được liền rút thêm xấp tiền dúi vào tay gã ấp trưởng:
- Vậy thì… Coi như ta thoả thuận với nhau. Ông cứ lờ đi cho, sau này sẽ còn tạ ơn. Thú thực, anh ta là cháu tôi mới từ Bình Dương lên.
- Thôi được. – Tay ấp trưởng ra bộ thông cảm, tự tay cởi trói cho Khúc Luận rồi nói tiếp – Nể ông là chỗ quen biết. Lần sau anh đi đâu phải nhớ mang theo căn cước.
Về đến nhà, Ông Cự Thái bảo Khúc Luận:
- Anh thấy chưa, cả cái thành phố cao nguyên này là thiên la điạ võng, chạy đâu cho thoát, chậm một lúc nữa là không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Giờ thì phải nghe bác. Hộ chiếu, thư giới thiệu và vé máy bay đã chuẩn bị sẵn. Sáng sớm ngày kia ta đi. Em Diễm Phương đang đợi ở Sài Gòn.
(Xem tiếp kỳ sau)