Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Mắt cậu hề có cười

Truyện ngắn

Thu Phong




Anh ngồi nhìn cậu hề-rối trong thời gian kim giây di chuyển nhiều vòng trên mặt chiếc đồng hồ treo tường.
Cậu hề-rối mặc áo đỏ hai nút lớn, ống tay ống quần có ren, đeo yếm, đội mũ chóp đỏ viền lông trắng tựa như của ông già Nô-en, chân mang giày vải màu đen có vớ, mắt kẻ phấn xanh, mũi, miệng và hai má tô son đỏ.
Người cậu hề-rối bám đầy bụi. Cậu được treo cao nơi bàn vi tính, ngồi trên một cái xích đu gỗ, chân xếp lại, hai đầu gối gập vào nhau, hai tay nắm chặt hai sợi dây.
Anh quên mất cậu hề-rối ngồi ở đấy, trong tư thế ấy bao lâu rồi, có lẽ từ lúc anh bắt gặp cậu bé trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm, mua về.
Con gái nhỏ hỏi ở đâu bố có vậy, anh nói đùa nó bị sa thải khỏi cung điện của các vua chúa, đi lưu lạc khắp nơi mua vui cho thiên hạ, cuối cùng ba thấy nó ngồi khóc một mình ở một góc tối vỉa hè, ba dẫn nó về. Con gái lớn nghiêng đầu ngắm cái miệng cười toe toét của cậu hề-rối nói bố dẫn nó về để nó mua vui cho nhà mình phải không bố? Anh đáp ừ.
Tuy nhiên, cậu hề-rối đã không mang đến niềm vui cho cả nhà. Hai đứa con gái anh nhanh chóng quên cậu bé. Vợ anh không muốn giữ cậu, vì "nhìn nó thấy sợ quá". Chỉ riêng anh là thấy vui.
Ngày nào anh cũng nhìn ngắm, phủi bụi, sửa đổi tư thế cho cậu, lúc ngồi xổm, lúc xếp bằng, lúc gập hai gối, lúc thõng hai chân; tay thì vẫn nắm sợi dây, nhưng lúc hạ thấp, lúc giơ cao…
Nhiều ngày nay, anh tránh nhìn cậu hề-rối. Anh sợ nhận ra số phận của cậu.
Trò hề mày nhạt lắm, mày phải ngã lộn mèo như con vật nào thảm hại nhất cho tao cười với chứ… Mày chỉ là tên hề buồn, tên hề buồn nhất thế giới chẳng làm ai cười nổi.[1]
Ồ! Sao đôi mắt mày lại buồn bã thế kia. Anh đăm chiêu nhận ra nét buồn trong ánh mắt cậu hề-rối.
Anh đứng lên, lấy một bộ đồ mặc ngoài, một quần đùi, một khăn lau, một bàn chải và kem đánh răng, một xấp giấy trắng và cây bút, bỏ vào túi vải.
Anh cầm túi, đến bên xe máy, nhìn nó một lát, rồi máng túi lên ghi-đông xe đạp, dắt xe ra, khóa cửa, giấu chìa khoá vào chậu lan, lên xe, đạp đi.
Anh đạp xe xuống phố. Quán tính hút anh vào con đường quen thuộc.
Và anh đến công ty.
Nhìn thấy một đồng nghiệp, anh sực tỉnh, vội vàng đạp xe đi.
Anh đạp xe loanh quanh.
Anh ghé thăm anh bạn đã lâu không gặp, đúng lúc bạn anh đang uống cà phê tiếp chuyện hai người trẻ tuổi thích văn chương. Người bạn mải mê nói chuyện thơ văn, về "thời gian" trong các tác phẩm, về "hàng cây dài đứng đợi tháng ngày qua", về "nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa".
Ngồi giữa họ, anh im lặng.
Cô gái hỏi bạn anh thời gian có xoá được chuyện cũ. Bạn anh nhìn anh nói theo tôi thì không. Anh thấy buồn vì cái nhìn của người bạn khi trả lời câu hỏi của cô gái.
Anh và bạn anh đã cãi nhau, hậu quả gần như đoạn giao, không gặp nhau mấy năm nay.
Anh gạt tàn điếu thuốc vào trong cốc cà phê của mình. Khi nhận ra điều ấy, anh lúng túng nhìn bạn, nhìn hai người trẻ tuổi, yên tâm khi thấy họ chưa phát hiện cử chỉ ấy.
Lo sợ họ nhận biết, anh nâng cốc, uống cạn rồi đứng lên nói: "Tôi xin lỗi, tôi có việc phải đi, cám ơn và xin chào".
Rời khỏi nhà người bạn, anh đạp xe đến nhà một người bạn khác. Anh vừa chợt nhớ lời nhắn của cô qua người quen: "Cô ấy nói lâu quá anh không ghé cô ấy chơi, cô ấy nói nhớ anh".
Đến nơi, anh dừng xe trước nhà, nhủ thầm thôi, chỉ là vô ích thôi, mình không nên tiến thêm trong mối quan hệ này một khi mình chưa thể chấm dứt được cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc hiện nay.
Anh quay đầu xe, đạp loanh quanh qua các phố xá cho đến khi nhận ra anh đã chuẩn bị cho một chuyến đi xa.
Nhưng mình định đi đâu, anh tự hỏi.
Không trả lời được câu hỏi ấy, anh tiếp tục đạp xe đi, đi mãi; rồi thấy mình đang trên xa lộ.
Đột nhiên, anh nhận ra cảnh vật đẹp lạ kỳ. Anh dừng lại, ngạc nhiên nhìn ngắm như lần đầu trông thấy.
Trời xanh, mây trắng, mạ non xanh um bát ngát.
Những bông hoa dại màu vàng li ti chen trong đám cỏ bên vệ đường.
Hít thở mạnh bầu không khí trong lành, anh tự nhủ hãy về quê, lâu quá rồi mình không về quê. Và anh đạp xe đi.
Quá trưa, anh về đến quê.
Chợt nhớ không còn ai ở quê, anh ghé thăm vườn nhà cũ, lững thững bước từ gốc mít đến gốc bưởi còi cọc do bị bỏ hoang, thăm cái giếng bị lấp gần hết nơi ngày xưa anh từng múc nước tắm và tưới cây, thăm ngôi nhà mà giờ đây chỉ còn là một cái nền loang lổ cỏ mọc lan đầy. Ngày xưa, trên cái nền xi măng ấy là ngôi nhà ngói ba gian do ba anh xây cất, mấy anh em anh trải qua thời niên thiếu cho đến khi nó bị thiêu rụi vì bom đạn chiến tranh. Ngôi nhà và mảnh vườn đã được bán lại cho người khác; người chủ mới, không hiểu sao lại bỏ hoang. Sau đó, anh đạp xe theo đường mòn vào tận rẫy sâu, nơi người ta trồng bắp, cây bạch đàn, cao su, điều, cà phê, tiêu...
Mỏi chân, khát nước, anh ghé vào một mảnh rẫy.
Chủ rẫy, một ông lão rắn rỏi nói: "Cháu cứ gọi bác là bác Bảy, bác độc thân, sống một mình ở đây, còn cháu?". Anh giới thiệu tên mình, nói thêm anh sống và làm việc ở thành phố, có vợ hai con. Ông lão rót nước ác-ti-sô nóng ra chén, hỏi trên ấy ồn ào nên cháu đi chơi? Anh đáp dạ. Ông lão trao anh chén nước, hái một trái lê-ki-ma đãi anh, nói: "Ngoài cà phê và bắp, bác có trồng một ít cây ăn quả. Mùa này rẫy không có gì, chôm chôm đã hết, cam chưa có trái… Cháu biết ăn trái này không?". Anh bẻ đôi trái lê-ki-ma, đưa cho ông lão nửa lớn, nói biết, hồi nhỏ cháu thường ăn. Ông lão đổi lấy nửa nhỏ nói bác ăn hoài. Ông lão nói miệng anh bị dính lê-ki-ma. Anh nhìn vào mảnh gương gắn trên cột cây, nhớ đến cậu hề-rối, dùng ngón tay trét lê-ki-ma lên mũi, quanh miệng và hai má, quay lại, thè lưỡi nhìn ông lão nói cháu là thằng hề đây. Ông lão cười lên ha hả.
Anh giúp ông lão hái tiêu, chỉ một cây thân mộc, vươn các cành lá lên cao có các dây tiêu bám quanh thân, hỏi cây gì thế bác. Ông lão nói đó là cây vông, thứ người ta lấy lá gói nem, bác trồng làm nọc cho tiêu. Trông thấy nhiều búp hoa đỏ ửng đang nhú lên, anh nói hình như nó đang có hoa phải không bác? Phải, nó đang trổ hoa, ông lão đáp. Sau đó, trong khi ông lão lui cui nấu ăn, anh hái rau. Nửa giờ sau, họ ăn bữa trưa. Cơm gạo đỏ thơm và dẻo, thức ăn gồm khô chiên và canh rau tàu bay nấu với nấm. Anh ăn đến hai chén. Lâu lắm anh mới có một bữa ăn ngon miệng như vậy. Sau bữa ăn, ông lão dẫn anh đi thăm rẫy. Ông chỉ căn chòi lá cạnh suối nói: "Cháu lên đó nghỉ trưa, mát lắm. Bác đi cho chạy máy bơm tưới cây".
Anh leo lên chòi, nằm nghỉ, lắng nghe âm thanh buổi trưa đồng nội: tiếng gió văng vẳng từ ngọn đồi phía xa, tiếng xào xạc của cành lá lay động, tiếng kọt kẹt của thân tre cọ vào nhau, tiếng nước róc rách từ con suối, sau đó là tiếng máy bơm xình xịch.
Tối qua, vợ anh không nấu ăn, rủ anh và hai con đi nhà hàng; anh từ chối bảo mệt, ở nhà, nhịn đói. Thật ra, anh không muốn đi. Anh không cho phép mình tiêu tiền như trước nữa, vì anh đã nghỉ làm.
Anh không nói với vợ rằng anh đã nghỉ làm.
Mười ngày đã trôi qua. Quãng thời gian ấy, anh vẫn rời nhà và quay về theo giờ giấc thường lệ, nhưng anh không đi làm mà đi tìm việc làm hoặc đi lang thang. Anh ăn sáng với gói xôi, hoặc khúc bánh mì một, hai ngàn đồng, uống cà phê bịch “ba trong một" giá một ngàn đồng, đọc báo cọp ở sạp báo quen, chỉ mua thuốc lá lẻ.
Vợ con anh càng vô tư, lòng anh càng trĩu nặng. Anh biết rằng không thể giấu vợ anh mãi được việc anh đã nghỉ làm.
Khung cảnh yên ả của thiên nhiên, những làn gió mát mơn trớn khiến anh ngủ thiếp đi một giấc ngắn.
Anh thức giấc, chiều đã xuống.
Nắng soi nghiêng, hắt bóng cây cối ngã dài trên nền đất, đồi cỏ, con suối. Anh ngồi dậy, leo xuống thang, đi suối rửa mặt. Rồi anh nhìn dáo dác tìm kiếm ông lão. Trông thấy ông ngồi nhặt cỏ đằng xa, anh bước tới. Ông lão đứng lên, kéo khăn quàng cổ lau mồ hôi, hỏi cháu ngủ có ngon không. Dạ lâu rồi cháu mới được ngủ một giấc ngon như vậy, trời mát thật, khung cảnh thật êm đềm, anh đáp.
Anh ngẩng nhìn bầu trời chiều, nhận ra anh đang được hưởng niềm vui đã lâu anh ao ước: được đắm mình trong cảnh thiên nhiên giữa cỏ cây hoa lá, được nhìn thấy bầu trời xanh, mây trắng, được ngắm cảnh hoàng hôn... Bỗng anh bắt gặp trên những cây vông rải rác trong rẫy, hoa đã nở to, những cánh hoa đỏ vươn trên nền trời chiều, những cánh hoa tuyệt đẹp, nhưng sao mà đau đớn tựa như chúng nhuộm máu tim anh.
Anh lại nhớ đến cậu hề-rối miệng lúc nào cũng cười; nhưng mắt dường như không cười, tự nhủ khi về nhà sẽ nhìn lại mắt cậu một lần nữa.


--------------------- 
[1]Thơ Thanh Tâm Tuyền