Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 8 tháng 8, 2014

Văn hóa nhà văn và phát triển văn học

Bùi Việt Thắng

"Khi em ngẩng đầu lên'  - tranh của Nguyễn Thị Hiền, thể hiện các bút tích của Lưu Quang Vũ

 

“Khi em ngẩng đầu lên’ – tranh của Nguyễn Thị Hiền, thể hiện các bút tích của Lưu Quang Vũ

 
Phát triển văn học cần hội đủ điều kiện, nhưng có lẽ tiên quyết là văn hóa nhà văn. Vì sao? Nhà văn là người sáng tạo ra giá trị của tác phẩm nghệ thuật (ngôn từ). Anh ta là “người cha tinh thần” của nó. Vậy nếu người cha đó ốm yếu, sao tránh khỏi sinh ra đứa con “sài đẹn”. Một nền văn học lớn phải tựa vững chắc trên một nền văn hóa lớn, một nhà văn lớn phải có “chân đế văn hóa” vững như bàn thạch. Lịch sử văn học thế giới và Việt Nam, từ cổ chí kim, đều đủ cơ sở để  chúng ta tin rằng nền tảng triết học – tư tưởng – văn hóa là gốc rễ của cái cây văn học.

I. Phẩm tính văn hóa của nhà văn

1. Sáng tạo giá trị mới: Văn học công khai Việt Nam giai đoạn 1930-1945 sở dĩ đạt tới những đỉnh cao huy hoàng của nó (Thơ mới, sáng tác của Tự lực văn đoàn, của các nhà hiện thực chủ nghĩa), chính vì đã tạo nên được giá trị mới so với quá khứ (gần và xa). Nói khái quát thì, giá trị mới mà văn học phát hiện chính là con người cá nhân, giá trị của cá nhân, của cái tôi tự do sáng tạo. Những dấu hiệu mới đã được gieo mầm từ Tố Tâm (1925) của Hoàng Ngọc Phách, nảy nở từ Tình già (1932) của Phan Khôi, được tổng kết trong những công trình thế kỉ Thi nhân Việt Nam (1941) của Hoài Thanh – Hoài Chân, Nhà văn hiện đại (1942) của Vũ Ngọc Phan. Những đỉnh cao Thơ mới (như người ta vẫn mặc định Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên). Những nhà hiện thực xuất sắc như Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài,…có thể coi là những người khai mở khám phá các giá trị mới của văn học trong quá trình hiện đại hóa – khúc xạ trong gía trị nhân văn cao cả của nghệ thuật ngôn từ : “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trang lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” như văn tài Nam Cao đã viết trong Trăng sáng năm 1943.

Văn học thời kì cách mạng và chiến tranh (1945-1975), tuy như một vài người đã cố phủ nhận (cho là văn học phải đạo, văn học quan phương, văn học cán bộ, văn học của một nửa sự thật là giả dối,…), thì vẫn cứ khách quan giá trị của nó, như câu thơ Tố Hữu “Chúng muốn đốt ta thành tro bụi/ Ta hóa vàng nhân phẩm lương tâm/ Chúng muốn ta bán mình ô nhục/ Ta làm sen thơm ngát giữa đồng”. Giá trị làm người tự do, đồng nghĩa với giá trị thẩm mĩ, được văn học thời cách mạng và chiến tranh phát hiện và ca ngợi, theo cách diễn đạt của Nguyễn Minh Châu là tìm ra “những hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người” thời đại. Nếu có sự đề cao giá trị tình cảm cộng đồng, dân tộc thì cũng là tất yếu. Trong chiến tranh giải phóng, độc lập và tự do đồng nghĩa với giá trị lớn sống còn của cả dân tộc và mỗi cá nhân.

Văn học hậu chiến (sau 1975), đặc biệt sau đổi mới, qua một khoảng hạn ngắn bùng nổ, gàn đây có vẻ như lúng túng khi đi tìm giá trị mới. Có thể rơi vào một cực đoan khác khi cho rằng do bị cấm kị nên văn học cách mạng 1945-1975 đã tước đoạt vị thế cá nhân, nay cần trả lại tên cho nó. Vì thế có tình trạng rơi vào tuyệt đối hóa cá nhân (để đối lập với cái ta, cái tâm thức cộng đồng thời chiến), có vẻ như cần thiết phải đề cao bản cái bản năng (để đối lập với cái lí trí trước đây trong chiến tranh), có vẻ như cần thiết phải “lộn ngược” hiện thực – tức phải viết về cái ác, cái xấu (để đối lập với cái cao cả, anh hùng trong chiến tranh), có vẻ như cần quan tâm đến cái đời thường (để đối lập với cái lí tưởng trước đây). Có thể vì không xác định được một cách căn bản giá trị mới, nên đã có trường hợp 24 năm sau một tác phẩm thành công vang dội, có nhà văn dường như gác bút. Lại có nhà văn sau vài ba tác phẩm thành công làm choáng ngợp độc giả, coi việc mình “nói ngược”, nói “trắng phớ, huỵch toẹt” đã là một phép lợi thế, ỷ lại vào đó không rốt ráo phát hiện đích thực các giá trị mới của đời sống nên đã chuyển hướng viết kiếm tiền (anh ta thú nhận thẳng thắn như thế). Thật  ra thì giá trị của cá nhân không bao giờ tách rời khỏi giá trị cộng đồng dân tộc. Một bài học nhỡn tiền là với số đông hơn 4 triệu người Việt Nam định cư ở (hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ) nước ngoài, thì vấn đề quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng lại được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Những tác phẩm văn học của người Việt Nam định cư ở nước ngoài sáng tác cho chúng ta thấy rõ ràng hơn thực tế đó. Tương tự cái ác cái – xấu không bao giờ tự biến mất, nó cứ tồn tại song song với cái tốt – cái đẹp. Nhưng không có nghĩa là “ngày cái ác lên ngôi” trong đời sống  cũng như trong văn học hiện nay. Văn học, trong một mức độ nào đó, có thể hỗ trợ cho công cuộc truy đuổi và xóa bỏ cái xấu, cái ác các, giữ gìn và vun trồng cái thiện, cái đẹp.

Sự lúng túng trong việc tìm tòi giá trị mới, thể hiện khá rõ với thế hệ các cây bút thế hệ 7x, 8x và cả 9x. Dường như hành động viết với họ, trong đa số trường hợp, chỉ để giải phóng ẩn ức, và đặc biệt là: viết, trước hết và sau hết chỉ cho mình!? Nếu chỉ đào bới cái tôi nhỏ bé, liệu người viết có thể thực hiện đúng thiên chức của hành động viết, theo cách diễn đạt của J.P.Sartre: “Nhưng hành động viết bao hàm hành động đọc như tương liên biện chứng của nó và hai hành vi có liên quan chặt chẽ với nhau đó cần có hai tác nhân khác nhau. Chính sự hợp lực của tác giả và độc giả sẽ làm nảy sinh ra vật thể cụ thể và tưởng tượng, là cái công trình trí tuệ. Chỉ có nghệ thuật cho người khác và bởi người khác” (J.P. Sa rtre: Văn học là gì?, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.58). Không có gì lạ khi sex, hay đồng tính, hay một cái gì đó tương tự (“điếm trai” hay loạn luân, chẳng hạn) lại khiến các cây bút trẻ choáng ngợp, bị dẫn dụ và cố gắng truyền cái đam mê đó sang độc giả. Điều gì khiến cho văn trẻ nói chung như một “cánh đồng bất tận” mà mùa màng thì dễ dàng thất bát? Vấn đề giá trị sống, thiết nghĩ, đang đặt ra quan thiết với các nhà văn trẻ. Dường như tinh thần hiện sinh đang chi phối tâm thức người cầm bút trẻ, thêm vào đó ý thức về thực dụng trong lối sống cũng tạo nên những áp lực thường trực khiến họ đây đó ngả sang hướng đề cao giá trị của sự hưởng thụ, tiện lợi và tiêu dùng vật chất. Đây đó giá trị của Chân – Thiện – Mỹ có vẻ như bị khuất lấp.

                                                                        *

Trong sự viết, thường chúng ta thấy sáng tạo giá trị mới nhiều khi là tiếp thu các giá trị truyền thống một cách thông minh theo tinh thần tiếp biến văn hóa. Trong sự khước từ các giá trị chân chính thì khước từ giá trị truyền thống là nguyên nhân chính khiến cho người viết rơi vào tình trạng bị đốn lìa khỏi cội rễ. Mỹ học Folklore,cũng như lý thuyết văn học nói chung, đã chỉ ra mối quan hệ mật thiết, bền chặt giữa văn học viết và văn học dân gian. Nói cách khác Folklore là suối nguồn của văn học viết. Chúng tôi chia sẻ với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Quốc Vượng khi ông viết : “Mất dân gian là mất hồn dân tộc” vì “Văn hóa dân gian bao giờ cũng là nền tảng của văn hóa dân tộc” (Trần Quốc Vượng: Văn hóa Vịêt Nam, tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn học, 2003, tr.183). Một câu thành ngữ “Đầu năm buôn muối cuối năm buôn vôi” cũng đủ gợi ra một cái “tứ” để nhà văn viết được một truyện ngắn (và có nhà văn đã làm được thành công theo cách đó). Dường như các nhà văn bây giờ (nhất là lớp trẻ) không mấy mặn mà với ca dao, tục ngữ, dân ca, truyện cổ tích, truyện tiếu lâm hay truyền thuyết và thần thoại. Nhà văn Nguyễn Tuân đã chỉ ra rằng nếu muốn học kĩ thuật viết truyện ngắn thì nên học trong tiếu lâm: “Đứng về nghề nghiệp mà bàn tới Tiếu Lâm thì đó là một số kinh nghiệm thành công về kĩ thuật và nghệ thuật dựng truyện ngắn rất kiệm lời, và ý ở ngoài lời thì rất nhiều” (Nguyễn Tuân: Bàn về văn học nghệ thuật, Nxb Hội nhà văn, 1999, tr.599). Những nhà thơ viết lục bát “thành thần”, như Nguyễn Bính chẳng hạn, chắc chắn là nhờ học trong nguồn suối bất tận ca dao (vì lục bát là một thể chủ lực của ca dao). Giá trị truyền thống còn nằm trong các giá trị cổ điển của dân tộc/ nhân loại. Lớp người cầm bút trẻ rất sao nhãng (một cách có ý thức) việc này. Dường như với họ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Tú Xương,… là quá xa vời và đôi khi là “vô bổ” với việc viết của họ. Vì thế mà Bai-rơn, Pu-skin, hay thơ Đường (với Bạch Cư Dị, Đỗ Phủ, Lý Bạch), cũng xa xôi nốt.

Nói về căn bệnh  khước từ truyền thống của hậu thế, có lần nhà thơ Xuân Diệu đã chia sẻ: “Không khéo văn thơ của một tác giả hiện đại lại thua chiếc ao thu của Nguyễn Khuyến” (Dẫn theo Hà Minh Đức: Tài năng và danh phận, Nxb chính trị quốc gai, 2014, tr.121).

2. Ứng xử với tiếng Việt: Ứng xửlà một phạm trù quan trọng của văn hóa nói chung. Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc nhấn mạnh: “Định nghĩa về văn hóa mà tôi đưa ra, nhấn mạnh về “ứng xử và quan hệ” con người phù hợp với bối cảnh cộng đồng” (Hữu Ngọc: Lãng du trong văn hóa Việt Nam, Nxb Thanh niên, 2007, tr.670). Ứng xử của nhà nghệ sĩ ngôn từ với tiếng mẹ để – tiếng Việt – theo chúng tôi là một biểu hiện/ thước đo quan trọng của văn hóa nhà văn.

Nhân dịp kỉ niệm 60 năm Thơ mới, nhà thơ Huy Cận, một trong những chủ soái của phong trào này, đã tri ân : “Thơ mới tạo ra ngôn từ mới dễ biểu hiện cảm xúc mới. Tiếng Việt trẻ lại với thơ. Sự đóng góp của Thơ mới về ngôn ngữ là rất lớn. Có thể nói dòng Thơ mới như “dòng nước nặng” làm ra năng lượng mới cho mỗi từ, mỗi câu. Tiếng Việt nhờ Nguyễn Du đã đẹp hơn, trong trẻo, mượt mà hơn. Tiếng Việt đến Thơ mới đã đổi thịt thay da một lần nữa bởi vì các nhà Thơ mới đã yêu tiếng mẹ đẻ một cách tha thiết, ra sức bảo vệ tiếng nói của cha ông bằng những sáng tạo máu thịt của hồn mình” (Nhiều tác giả: Nhìn lại một cuộc cách mạng trong thi ca, Nxb Giáo dục, 1993, tr.12).

Nhà văn suy cho cùng là một thợ cả (cao hơn là nghệ nhân) ngôn từ. Nhà văn Nguyễn Tuân trong bài Tán về ngôn ngữ (nói “tán” nhưng thực ra rất nghiêm túc, cầu thị) đã kì khu phân tích chữnghĩa của tiếng Việt, đã viết rất hay về hiện tượng “díu ba” và “díu tư” (thực chất là những nhóm trạng từ 3 tiếng và 4 tiếng). Ông đưa ra những ví dụ rất hay như “quay cu lơ” (“díu ba”), có đến 54 trường hợp tiêu biểu tương tự. Tiếp đến ông chứng minh là nếu nó thuộc “díu ba” thì phải viết cho đủ, mới có nghĩa hay: chẳng hạn có người cho rằng chỉ cần viết “ngang phè” là đủ. Nhưng Nguyễn Tuân cho rằng phải viết “díu ba” thì mới thấm thía, vì : “Riêng chỗ tôi biết ngang phè khác với ngang phè phè. Thên một “điệp” âm “điệp” tự nữa, cái ý ngang đó nó có nặng nhẹ có khác đi. Và tôi cho đó là cái kì diệu của tiếng mình”. Một nơi khác, cũng chính Nguyễn Tuân phát hiện ra những từ mở ra bằng phụ âm  kép “KHỜ” (97 từ loại này), ông kết luận: “phụ âm KH hay nhấn vào phía tiêu cực của những biểu hiện sự sống”, chẳng hạn: khắm khú, khắt khe, khụng khiệng,… (Nguyễn Tuân: Bàn về nghệ thuật, Nxb Hội Nhà văn, 1999, tr.654-662).

Nhà văn Nguyễn Minh Châu – “người mở đường tinh anh” của phong trào đổi mới văn học Việt Nam sau năm 1975 – đã viết một tiểu luận văn học đáng chú ý, nhan đề Chăm sóc câu văn. Trong tiểu luận này ông đã cảnh báo về sự lười biếng của không ít nhà văn ta hiện nay trong lao động câu chữ, ông kêu gọi đồng nghiệp: “Hãy niềm nở nhưng hãy cũng cảnh giác với những chữ và những cách dặt câu lúc nào cũng đứng chực sẵn, lấp ló ngay đầu ngòi bút. Lâu nay xuất hiện một thứ văn thường được gọi là trần trụi bề bộn chất sống. Thật đáng hoan nghênh lắm thay. Nhưng trần trụi hay bề bộn thì cũng cần có nghệ thuật riêng của nó, và quy luật trật tự của nó, chứ không phải là sựu lủng củng và ất chấp nghệ thuật (…). Một thứ văn mộc mạc, giản dị là rất đáng khuyến khích nhưng thiết tưởng nó phải là thứ giản dị của văn học. Bên trong cái giản dị vẫn toát lên chất văn học. Cầm từng chữ thông thường và cách cấu trúc câu thông thường ấy lên tay vẫn ngửi thấy mùi hương thâm trầm của chất văn học, chứ không phải là chất mộc mạc, giản dị của cách nói năng thông thường hàng ngày, hay một bản báo cáo”. Theo Nguyễn Minh Châu, chữ không đơn thuần là hình thức. Ông khẳng định bằng kinh nghiệm sáng tác vất vả, gian nan của mình : ‘Mỗi chữ là một hạt của nội dung”; và hơn thế, chăm sóc câu chữ là nhà văn đã: “Biểu lộ lòng tự trọng nghề nghiệp, cùng cái ý hướng luôn luôn hướng tới sự hoàn thiện của người nghệ sĩ” (Nguyễn Minh Châu: Trang giấy trước đèn, Phê bình – Tiểu luận, Nxb KHXH, 1994, tr.262, 265).

Nhà văn ta bây giờ viết nhưng mấy ai yêu và hiểu tiếng Việt như Nguyễn Tuân? Đang có một xu hướng “bỗ bã hóa “ ngôn từ văn chương, không chỉ trong văn xuôi, mà cả trong thơ. Cũng chẳng cần nêu ví dụ cụ thể thì cũng đã thấy đáng báo động khi tiếng Việt đang bị “xẻ thịt” bởi các nhà văn (nhất là các nhà trẻ). Một xu hướng khá rõ là ngôn ngữ thông tấn báo chí, ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ đời thường đang tràn vào tác phẩm như thác lũ, khó bề ngăn nổi. Cái thanh cao, tao nhã của ngôn từ văn chương đang biến mất. Viết không còn là hành động tìm kiếm sáng tạo ngôn từ nữa, mà là sự phô diễn của con chữ. Chữ nhiều mà nghĩa ít là vì vậy, thậm chí chỉ còn là xác chữ, mà hồn chữ không thấy đâu. Chưa kể đến một lối viết “lai căng” khá phổ biến theo tinh thần “nhập ngoại” (văn thơ Việt nhiều khi như là văn dịch). Không ít nhà văn trẻ cho rằng tiếng Việt của ta nghèo nàn, không đủ sức phô diễn tư trưởng, tình cảm. Có lẽ họ không đọc (hoặc đọc rất ít, đọc với tư cách học trò đi thi) Truyện Kiều, ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ Việt. Họ thường viết với tâm thế “cứ thế bước ào vào văn chương”, và văn chương chỉ là “trò chơi vô tăm tích”. Những hành xử với văn chương theo hướng ấy tất sẽ dẫn đến hệ lụy coi thường ngôn từ (vốn là “hiện thực trực tiếp của tư tưởng”).

Nhà văn nhiều khi không ý thức được dù chỉ một chữ mà câu văn/câu thơ hàm nghĩa khác hẳn. Chẳng hạn trong bài thơ Bác ơi, nhà thơ Tố Hữu viết: “Trái bưởi kia vàng ngọt với ai/ Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài/ Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm/ Quanh mặt hồ in mây trắng bay”. Có người tỏ vẻ “lo lắng” hộ tác giả: viết như thế có nghĩa là sau khi Bác mất, chẳng còn ai đáng để tin tưởng, ký thác và chia sẻ nữa! Ít ra thì còn nhiều thứ quan trọng khác chứ. Nhưng chữ ai trong trường hợp này, như chúng ta biết, hợp với tiếng khóc, vì nhan đề bài thơ là Bác ơi (tiếng khóc của những người con, cháu trước sự ra đi của người thân ruột thịt). Ai đã một lần có mặt trong một lễ tiễn đưa người chết về cõi vĩnh hằng sẽ rất thấm thía chữ ai trong tiếng kóc xé ruột xé gan của người thân mất người thân.

Đã nhiều năm nay cả xã hội đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, cố gắng làm giàu có nó để trở thành một lợi khí với mỗi người trong hoạt động giao tiếp, sáng tác. Nếu ai đó nghĩ tiếng Việt nghèo nàn thì hãy đọc lại những câu ca dao kiểu: “Hỡi cô tát nước bên đàng/ Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi”, sẽ thấy phải chăng mình vong bản?!

3. Bản sắc/ bản lĩnh nhà văn – vấn đề cá tính sáng tạo: Bản sắc/ bản lĩnh của nhà văn không phải là cái gì khác người, dị biệt và bảo thủ, mà chính là cá tính sáng tạo. Nhà văn có dám cả đời hi sinh, chỉ đi săn tìm cái thật cái đẹp như Nguyễn Tuân (để có khi mang tiếng là “nghệ thuật vị nghệ thuật”, hay là “duy mỹ”)? Nhà văn có đủ xác tín như Thạc Lam đã tuyên ngôn: “Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến những tính tình bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi” (Thạch Lam – văn và đời, Nxb Hà Nội, 1999, tr.577). Trong ý kiến của nhà văn Thạc Lam, chúng ta thấy ngụ ý của ông nói về mối quan hệ giữa cái thời sự và cái vĩnh hằng của nghệ thuật. Nhưng thi hào Đức Gơt thì lại cho rằng “Thơ nào cũng là thơ thời sự” (ý này nhà thơ Tố Hữu rất tâm đắc).

Nhà thơ Xuân Diệu là một nghệ sĩ ngôn từ rất giàu bản sắc, bản lĩnh. Trong một lần tao ngộ văn thơ vào năm 1972, hai nhà thơ “đỉnh” của Thơ mới đã đối thoại với nhau. Chế Lan Viên nói : “Thơ Xuân Diệu vận động nhưng đi ngang chứ không tiến về phía trước”. Xuân Diệu đối rằng: “Đi ngang là trấn giữ để đi về trước”. Chế Lan Viên nói : “Thơ Xuân Diệu hay lặp lại về ý tứ và vần điệu”. Xuân Diệu đối lại: “Có lặp lại mới nhấn mạnh được ý tứ và có nhạc điệu như hôn nhau, càng hôn càng hứng thú”. Xuân Diệu cũng nhiều lần nhấn mạnh đến bản lĩnh của con người, bản lĩnh của nhà thơ. Ông nói: “Mình phải hiểu mình là ai? Không nhờ cậy, không ỷ lại. Nhà thơ phải tự mình có sức suy nghĩ riêng. Ý thức về tôn giáo là ý thức về sự ban ơn và chịu ơn. Đó là công việc của tôn giáo. Trong sáng tạo nghệ thuật có thể có sự hỗ trợ của nhiều yếu tố nhưng chủ yếu là nội lực, sức sáng tạo của chủ thể” (Dẫn theo Hà Minh Đức: Tài năng và danh phận, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.130-131).

Sự đánh mất bản sắc/ bản lĩnh trong sáng tạo văn học hiện nay diễn ra theo các hướng chính sau: bị “hội chứng” bởi một nhà văn thành danh nào đó, học đòi/ nhập cảng một lối viết của một khuyunh hướng, trào lưu nào đó đã cũ rích trên thế giới (hậu hiện đại chẳng hạn), hoặc giả cố gồng mình lên về những chuyện rất “bắt mắt” hiện nay như sex, đồng tính, loạn luân,…Và cuối cùng là chạy theo thị trường, thậm chí đôi khi ai đó đã “bán mình cho quỷ dữ” chẳng hạn.

Cá tính sáng tạo là một phẩm chất đặc biệt quan trọng quyết định sự thành công trong quá tình sáng tác của người nghệ sĩ ngôn từ. Cá tính sáng tạo in dấu trong phong cách riêng của nhà văn tạo nên sự phong phú của bức tranh văn học khi tồn tại cạnh nhau. Hãy tưởng tượng văn học như một vườn hoa nhiều hương sắc, thì mỗi nhà văn là một loài hoa. Lao động nghệ thuật có đặc thù của tính cá nhân cao độ, sáng tác trong im lặng, cô đơn tuyệt đối nên càng có nhiều dấu ấn cá nhân. Có người ví von nhà văn khi viết là đối diện với “pháp trường trắng” (trang giấy). Tác phẩm văn học thành công chính là sự “trình làng” một kiểu cảm xúc mới , rất riêng của người nghệ sĩ ngôn từ  trước cuộc đời và con người. (như Xuân Diệu thể hiện cái trạng thái cảm xúc về sự trôi qua không bao giờ trở lại của thời gian, nên phải gấp gáp sống, dâng hiến và đón nhận: “Mau lên chứ vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi tình non đã già rồi”). Sự xuất hiện của Trần Đăng Khoa chẳng hạn, chính là sự xuất hiện một lối cảm xúc đời sống theo năng lực của linh giác: “Ngoài thềm rơi cái lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng” (Đêm Côn Sơn). Đó là một dạng thần thức của ngòi bút thơ Trần Đăng Khoa.

Thời đại của internet có sự sản xuất văn học mạng, có kiểu văn viết trên blog, có kiểu làm thơ trên facebook (có người một năm viết mấy trăm bài thơ trên phương tiện này). Nhưng nên nhớ là mỗi người có “vân tay” riêng của mình thì văn thơ cũng có “vân chữ” riêng của nó. Cá tính của mỗi nhà văn là từ con tim, khối óc, hoặc giả là “đốt cháy trái tim đến thành trí tuệ”, hoặc giả là “đốt cháy trí tuệ đến thành trái tim” đều là những nẻo lối khác nhau vào văn học.

Cá tính sáng tao và sự phát triển văn học luôn luôn là hai mặt của một vấn đề, cái này soi sáng, tôn tạo và khai mở cái kia. Nói hình tượng là chúng “thông linh” nhau. Một nền văn học phát triển là phải dựa trên những cá tính, và những cá tính khác nhau là bằng chứng cho một nền văn học phát triển phong phú, giàu có.  

4. Sự uyên bác của nhà văn: Phẩm tính văn hóa của một nhà văn còn nhờ vào sự uyên bác của anh ta. Chính nhờ phẩm tính này mà nhà văn như con chim đại bàng có sải cánh dũng mãnh, bay cao và bay xa trên bầu trời lồng lộng, tầm mắt của chim phóng ra thật rộng lớn. Một nhà văn kém hiểu biết khác nào tình cảnh của “ếch ngồi đáy giếng”. Đôi khi rơi vào trạng huống bi hài của “người mù xem voi”.

Nhà thơ Xuân Diệu sinh thời có viết bài Sự uyên bác với việc làm thơ (với ý định đọc trước Hội nghị toàn quốc những người viết văn trẻ năm 1985, nhưng không kịp). Ông vào bài viết của mình bằng cách nhắc đến các nhà cổ điển Việt Nam: “ Tôi nghĩ rằng trước kia Nguyễn Trãi, Nguyễn Du đã rất uyên bác, học rộng, đọc nhiều ở thời đại mình, cộng với một trái tim lớn lao, thì mới có được cái thơ sâu sắc nhân tình, đượm thấm trí tuệ như vậy – nhất là ở thời đại chúng ta, còn 15 năm nữa thì sang thế kỉ XXI – cả trái đất giao lưu của nhân loại mà chỉ tự hay tự đẹp lấy một mình dân tộc mình, phải kết hợp cái thật sâu của một dân tộc với cái rộng của nhân loại” (Xuân Diệu tác phẩm chọn lọc, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2009, tr.203). Ông hoàng của thơ tình yêu đã sống và viết như thế, có khi ông nói vui rằng bản thân mình là cả một viện hàn lâm. Đọc Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của ông với hơn 800 trang viết về các nhà thơ lớn của dân tộc từ Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương đến Nguyễn Đình Chiểu, Đào Tấn, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Á Nam Trần Tuấn Khải. Riêng về đại thi hào Nguyễn Du, Xuân Diệu vung bút viết hơn 200 trang. Đó là những con số biết nói, là dấu chỉ cho thấy sự uyên bác của người làm thơ Xuân Diệu. Bây giờ có ai phá được kỉ lục ấy, (chưa kể hàng loạt tiểu luận – phê bình thơ khác)? Ông cũng thành thật chia sẻ: “ Tháng 10 năm 1981, khi nói chuyện ở Đại học Soocbon Pari: “Đề tài tình yêu trong sáng tác của Xuân Diệu”, bài thơ tình mà tôi dẫn đầu tiên là bài Yêu là chết ở trong lòng một ít, vì trong bài thơ ấy tôi đã vay mượn của ba thi sĩ Pháp; tôi muốn thính giả người Pháp thấy một thi sĩ Việt Nam chân thực đền ơn trả nghĩa và cũng uyên bác kim với cổ, Đông với Tây” (Sđd, tr.217). Có thể nói thế hệ nhà thơ vàng như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên,… đều là những “người làm vườn vĩnh cửu”. Sự uyên bác và một trái tim lớn làm nên nhà thơ lớn, đó là điều Xuân Diệu tâm đắc và đã làm được trong nghiệp văn của mình.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh (con gái nhà thơ Chế Lan Viên – Vũ Thị Thường), trong một tác phẩm có tính chất tự truyện, nhan đề Cha tôi đã viết về “sự học không có nấc thang cuối cùng” của người cha đáng kính: “Một ngày của cha tôi bắt đầu vào lúc bốn giờ. Cha tôi dậy sớm để nấu cơm, nấu nước, rồi sắp vào một cái khay con, một đôi đũa, một cái bát,…Xong hết mới gọi tôi dậy ăn. Cha  đã để sẵn nước sôi trong nhà tắm, dắt sẵn xe đạp ra ngoài sân,…Làm xong hết những việc ấy, cha tôi đi học bài. Cha học cho đến lúc mẹ dậy. Học thơ, thơ từ cổ chí kim, của bất cứ ai, miễn đáng gọi là thơ; học kịch, học văn, học văn chương, học cả những gì  dường như văn chương không bao giờ thèm đụng đến. Cho đến lúc gần bảy mươi, cha tôi vẫn là một học trò ngoan, bất chấp tuổi già mà len lỏi vào bất cứ góc nào của khu vườn văn hóa (…). Cha dạy chúng tôi: “Phải học, học không phải để vui, mà để không ai giết được mình” (Truyện ngắn bốn cây bút nữ, Nxb Văn học 2002, tr. 13-15).

Trên đây chỉ là hai dẫn chứng sinh động và gần gũi nhất với chúng ta. Trong chiều dài lịch sử của một dân tộc hiếu học, biết bao nhiêu tấm gương của những nhà khoa học, nghệ sĩ ngày đêm tu luyện chữ nghĩa, làm giàu kiến thức để nâng tầm vóc của mình lên ngang kịp yêu cầu của thời đại. Con đường tự học không mệt mỏi mới có thể giúp một cá nhân vươn lên chiếm lĩnh tri thức của nhân loại. Tự học chính là tự đào tạo, đó là cách thức duy nhất để không ai có thể “giết mình” như cách nói của người cha với con gái trong truyện ngắn xuất sắc vừa nhắc trên của nhà văn Phan Thị Vàng Anh. Nhà văn của chúng ta hiện nay (nhất là nhà văn trẻ) chỉ cậy vào cái vốn học vấn qua trường lớp, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, ít chịu khó tự bồi dưỡng, nâng cao liên tục. Thành thử đôi khi họ sử dụng vốn liếng của mình giống như tình trạng “miếng da lừa” của văn hào O. Banzac. Họ cứ viết ra một cái gì đó thì đầu óc cứ vơi cạn dần, đến hết.

II. BÀI HỌC LÍ LUẬN – THỰC TIỄN

Việt Nam đang hội nhập khu vực và quốc tế. Trình độ phát triển kinh tế – xã hội, văn hóa – văn học còn thấp so với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm” của thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhưng với văn hóa – văn học lại không thể “đi tắt đón đầu” như trong một số lĩnh vực khác (như thông tin – truyền thông chẳng hạn). Đã là chậm nhưng chậm còn hơn không, phải đầu tư đặc biệt cho văn hóa – văn học, ở cấp độ quốc gia, và có tính chiến lược. Văn hóa – văn học không thể “ăn xổi” như cách dân gian vẫn nói, cần phải có cương lĩnh, đường hướng phát triển cho dài lâu.

Nhưng sáng tạo văn học lại mang đặc thù cá nhân, lại cần phát huy bởi cá tính người nghệ sĩ. Vì thế việc nâng cao phẩm chất văn hóa của nhà văn, đương nhiên trước hết là ở sự nỗ lực vươn lên của mỗi người. Nhưng hoạt động của một cá thể cần có điều kiện, đó là cái nền móng văn hóa chung của đất nước đang phấn đấu theo tinh thần đậm đà bẳn sắc dân tộc và giàu có tinh thần nhân văn. Cuối cùng là một thiết chế văn hóa đủ mạnh, đủ đáp ứng nhu cầu phát triển của những cá tính sáng tạo nghệ thuật.

Đã có tiếng kêu cơ chế thị trường làm phương hại đến sự phát triển văn hóa/ văn học. Thực ra vấn đề không nằm chủ yếu ở đó. Nó nằm ở tầm thấp văn hóa của nghệ sĩ/ nhà văn, đó mới là nguyên nhân chính trì níu phát triển văn hóa/ văn học. Vì thế mới cần khẳng định và gải bài toán: Văn hóa nghệ sĩ/ nhà văn quyết định sự phát triển văn hóa/ văn học./.

Nguồn: http://vanhoanghean.com.vn