Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 17)

Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

Trung Quốc mở rộng chiếm đóng Trường Sa

Sau khi Hải chiến 14/3, thế giới lo lắng về xung đột không thể tránh khỏi ở Trường Sa giữa hai nước Trung, Việt. Mĩ bày tỏ sự quan tâm đến tình hình, nhưng không bênh vực bên nào.

Liên Xô thì chỉ cung cấp sự trợ giúp tình báo cho Việt Nam. Còn Philippines nằm gần Trung Quốc nên càng lo lắng. Philippines một mặt kêu gọi hai bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, cảnh cáo hai bên không được xâm phạm chủ quyền các đảo thuộc về Philippines trong quần đảo Trường Sa; mặt khác dò xét Trung Quốc. Tháng 4, Tổng thống Aquino thăm Bắc Kinh đặc biệt nêu ra mối lo lắng này với Trung Quốc, được biết Trung Quốc có hứa sẽ không tấn công quân đội Philippines ở quần đảo Trường Sa, Philippines mới yên tâm.[707]

Malaysia nhắc lại chủ quyền với Trường Sa.[708] Dư luận quốc tế chuyển từ ủng hộ Trung Quốc sang ủng hộ Việt Nam. Sau khi sự việc này, ASEAN bắt đầu quan tâm nhiều hơn đối với các vấn đề biển Đông, từng bước thúc đẩy quốc tế hóa vấn đề biển Đông (xem chương sau).

Ngày 13/5/1988, Trung Quốc gửi Bị vong lục cho Liên Hợp Quốc, phản bác yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Giữa Trung Quốc và Việt Nam lại nổ ra luận chiến một lần nữa. Việt Nam xuất bản Sách trắng thứ 4 về vấn đề biển Đông (bản năm 1988). Còn Trung Quốc thì đăng bài “Biện bạch vụng về” trên “Nhân dân nhật báo” để phản bác.[709]

Sau hải chiến, Việt Nam đã thắt chặt hợp tác với các nước có tranh chấp ở biển Đông khác. Từ ngày 27 đến 29/11 Ngoại trưởng Philippines Raul Manglapus thăm Việt Nam, kí kết “Tuyên bố chung” với Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Trong đó, điều 1 là: “Hai bên nhất trí giải quyết tranh chấp giữa hai nước liên quan đến quần đảo Trường Sa thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm đàm phán và đưa ra Tòa án Quốc tế.” điều 4 là: “Hai nước Việt Nam và Philippines tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền của nhau, tránh sử dụng vũ lực trong quan hệ song phương.”[710] Đây là lần đầu tiên Việt Nam và Philippines cùng chuẩn bị để giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa. Mâu thuẫn giữa Philippines và Việt Nam ở Trường Sa không đến mức không thể dàn xếp, rốt cuộc các lãnh thổ mà Philippines yêu sách không bao gồm đảo Trường Sa Lớn ở trung tâm Trường Sa của Việt Nam, Việt Nam cũng không đến mức nhất định phải có được toàn bộ quần đảo Trường Sa (dù yêu sách như vậy). Đặc biệt là sự xuất hiện của một Trung Quốc lớn mạnh chưa từng có khiến nhu cầu đoàn kết, hòa hoãn của hai bên càng trở nên bức thiết.

Trong cuộc chiến đá Gạc Ma (Xích Qua) ở Trường Sa, Trung Quốc có thể nói là toàn thắng. Qua trận chiến này, Trung Quốc đã kiểm soát được đá Chữ Thập (Vĩnh Thử) và đá Gạc Ma (Xích Qua), xây dựng cứ điểm đầu tiên ở biển Đông. Ngày 2/8, Trung Quốc cử hành lễ khánh thành trạm quan trắc hải dương trên đá Chữ Thập.[711] Căn cứ này có bến tàu, đê chắn sóng quanh đảo, nhà cửa, đường sá và sân bóng, có trồng cả dừa trên đảo,[712] biến nó thành một đảo nhân tạo cỡ nhỏ. Từ đó, đá Chữ Thập trở thành căn cứ trung tâm của Trung Quốc ở Trường Sa. Ngoài đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, cho đến cuối tháng 4/1988, Trung Quốc còn đã chiếm đóng đá Tư Nghĩa (đá Đông Môn, Hughes Reef), đá Xu Bi (đá Chử Bích, Subi Reef) và đá Ga Ven (đá Nam Huân, Gaven Reef). Đá Ga Ven chỉ là bãi triều thấp,[713] một căn cứ chủ yếu khác ở Trường Sa của Trung Quốc sau đá Chữ Thập.

Ngày 13/4/1988, Trung Quốc lập Hải Nam thành một tỉnh, và “các đảo của quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa và vùng biển của chúng” được biên chế ngang hàng với các huyện và thành phố trực thuộc tỉnh này. Điều này cho thấy Trung Quốc nâng cấp việc quản lí đối với khu vực “Tam Sa” lên một bước . Ngày 2/8/1988, Trung Quốc đã khánh thành bia chủ quyền trên ở đá đá Chữ Thập, đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Xi Bi và đá Tư Nghĩa đang do họ kiểm soát. Tháng 8/1990, các công sự kiên cố có tính vĩnh cửu do Cục Thiết kế Công trình hải quân thiết kế đã được hoàn thành trên các đảo đá như đá Gạc Ma, đá Châu Viên, đá Ga Ven, đá Xu Bi và đá Tư Nghĩa. Tháng 4/1991, một sân bay lớn trên đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng, Woody Island) thuộc Hoàng Sa đã được xây xong, sức mạnh quân sự có thể bao phủ Trường Sa.[714] Điều này cho thấy Trung Quốc đã nâng cấp quản lí thêm một bước nữa đối với khu vực “Tam Sa”. Tóm lại, sau năm 1988, Trung Quốc đã chính thức bắt đầu có sự hiện diện quân sự ở Trường Sa.

Nhưng cùng trong thời gian này, Việt Nam cũng đã mở rộng sự hiện diện trên các đảo đá khác. Theo báo chí Trung Quốc, sau Hải chiến 14/3, hải quân Việt Nam lần lượt “xâm chiếm” đá Len Đao (đá Quỳnh, Lansdowne Reef), đá Cô Lin (đá Quỷ Hám, Collins Reef) và đá Núi Thị (đá Bách Lan, Petley Reef), hơn nữa còn xây dựng công trình quân sự trên những đảo đá này. Nước này cũng tăng binh lực, gia cố công trình quân sự trên 6 đảo đá đã chiếm đóng trước hải chiến là đá Lớn (đá Đại Hiện, Discovery Great Reef), đá Núi Le (đá Nam Hoa, Cornwallis South Reef), bãi Tốc Tan (đá Lục Môn, Alison Reef), đá Tiên Nữ (đá Vô Khiết, Tennent Reef), đá Lát (đá Nhật Tích, Ladd Reef) và đá Đông (East Reef). Đến tháng 5/1988, Việt Nam đã chiếm đóng hơn 20 đảo, đá.[715] Cuối tháng 4/1989, trên đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu, Namyit Island) Tổng tham mưu trưởng Đoàn Khuê và Tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương của Việt Nam đã chủ trì lễ kỉ niệm 14 năm Việt Nam “giải phóng” quần đảo Trường Sa, đã thể hiện thêm một bước quyết tâm bảo vệ quần đảo Trường Sa.[716] Hải chiến Gạc Ma năm 1988 là lần xung đột quân sự cuối cùng ở khu vực biển Đông. Sau trận chiến, Trung Quốc vốn có thể thừa thắng truy kích, nhân cơ hội tiến xuống phía Nam. Nhưng Trung Quốc không có kế hoạch này, mà quan trọng hơn là tình hình thế giới bất ngờ có những thay đổi long trời lở đất, làm thay đổi hoàn toàn cục diện biển Đông.

IV.13. Thái độ của cộng đồng quốc tế đối với chủ quyền biển Đông sau Thế chiến thứ hai

Sau Chiến tranh việc cộng đồng quốc tế có đạt được sự đồng thuận về chủ quyền các đảo biển Đông hay không có vai trò hậu thuẫn nhất định trong việc xác định sự quy thuộc của chúng theo luật quốc tế. Thời kì đầu sau Chiến tranh, Trung Hoa dân quốc đã rất nhanh chóng “tận dụng triệt để” các dịp quốc tế để đưa ra yêu sách chủ quyền đối với các đảo biển Đông. Còn các nước xung quanh, nói chung do mới độc lập, có một khoảng cách đáng kể trong loại nhanh nhạy ngoại giao này. Trung Quốc có một ưu thế nhất định về loại bằng chứng này. Ngoài ra, sau Hải chiến Hoàng Sa giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 1974, cộng đồng quốc tế đã có hiểu biết phổ biến về vấn đề chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó các bản đồ cũng như các tư liệu đã phản ánh vấn đề “chọn phe” trong cộng đồng quốc tế, ví dụ các nước thuộc phe cộng sản đa số đều ủng hộ Trung Quốc. Kiểu “chọn phe” này cũng có thể thay đổi theo nhu cầu chính trị, ví dụ bản đồ của Liên Xô ban đầu ủng hộ Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, nhưng vào nửa sau những năm 1970 đã chuyển sang “phân định” Hoàng Sa cho Việt Nam. Tiết này chủ yếu tập trung thảo luận tư liệu có liên quan của những năm 1950-60.

Việc quân đội Mĩ đến biển Đông

Đài Loan cho rằng khi Mĩ đo vẽ bản đồ một số đảo ở biển Đông năm 1956, trước đó đã thực hiện việc “xin phép” phía Đài Loan, điều đó có nghĩa là khi đó Mĩ thừa nhận các đảo ở biển Đông thuộc về Đài Loan.[717]

Ngọn nguồn của việc này như sau: Do nhu cầu khảo sát, lập bản đồ và quân sự, quân đội Mĩ có kế hoạch tiến hành đo vẽ bản đồ các nơi ở biển Đông vào tháng 9/1956. Theo một thư mật của Bộ Ngoại giao gửi Bộ Quốc phòng Đài Loan: “ngày 21/8, Bí thư thứ nhất của Mĩ tại Đài Loan Donald E. Webster đã gặp Cục trưởng Cục Đông Á, nêu ra việc 6 nhân viên không quân của quân đội Mĩ sẽ đi tàu chiến của hải quân Mĩ đến các đảo/đá sau: ngày 2/9, bãi Scarborough (đá Dân Chủ / đảo Hoàng Nham); ngày 3/9, đá Song Tử (cụm Song Tử, North Danger Reefs); ngày 4/9, đảo Sinh Tồn (đảo Cảnh Hồng, Sin Cowe Island) hoặc đảo Nam Yết (đảo Hồng Hưu, Namyit Island); ngày 5/9, đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy, Spratly Island). Yêu cầu ‘chính phủ nước ta cho phép và tạo điều kiện thuận tiện cho chuyến đi’”.[718] Theo thư mật này, Mĩ đã phải xin Đài Loan “cho phép” đến những đảo đó đo vẽ bản đồ, nên đương nhiên đã thừa nhận chủ quyền của Đài Loan. Đúng lúc đó, xảy ra sự kiện Cloma, Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đều rất quan tâm. Bộ Quốc phòng lập tức trả lời bằng thư, “chấp thuận yêu cầu của phía Mĩ”.[719] Hành động của quân đội Mĩ (Hiran Project) sau đó bị hoãn lại đến tháng 2/1957, và thời gian cho việc đo vẽ bản đồ cũng từ vài ngày kéo dài thành hơn một năm, bao gồm chụp ảnh trên không và xây dựng trạm quan trắc trên mặt đất, 4 địa điểm lựa chọn là đá Song Tử (North Danger), đảo Sinh Tồn (Sin Cowe), đảo Trường Sa Lớn (Spratly) và đá Dân Chủ (Scarborough Shoal).

Thật ra, khi đó Mĩ biết rõ Đài Loan, Philippines, Việt Nam đang liên tục tranh chấp chủ quyền đối với các đảo biển Đông, trước đó vừa bày tỏ rõ ràng thái độ trung lập, thế thì sao lại có thể thừa nhận riêng rẽ chủ quyền của Đài Loan được? Sự thực là để tránh dính líu vào tranh chấp, Mĩ cũng đã gửi công hàm tương tự cho Đài Loan, Việt Nam và Philippines. Bị vong lục Đại sứ quán Mĩ tại Đài Loan gửi Bộ Ngoại giao Đài Loan viết như sau:

Teams of 10, 7, 4 and 4 men will be at the above respectively and will operate from U.S. Naval vessel utilizing helicopters, life equipment, etc.

The Embassy will endeavor to keep the Ministry of Foreign Affairs informed concerning team schedules.

The Embassy has been advised that the Government of the Republic of the Philippines and Vietnam also have been furnished the above information.[720]

(Các đội gồm 10, 7, 4 và 4 người sẽ lần lượt ở các nơi nói trên và sẽ hoạt động từ tàu hải quân Hoa Kì sử dụng trực thăng, thiết bị cứu sinh, v.v.

Đại sứ quán sẽ cố gắng để Bộ Ngoại giao luôn được thông tin liên quan đến lịch trình của đoàn.

Đại sứ quán đã được cho biết rằng Chính phủ Cộng hòa Philippines và Việt Nam cũng đã được cung cấp thông tin trên).

Trong hồ sơ giải mật của quân đội Mĩ cũng nhắc đến việc Đại sứ Mĩ tại Manila và Đài Bắc đang điều đình cho lần đo vẽ bản đồ này.[721] Có thể thấy, cái gọi là Mĩ xin phép Đài Loan, chứng tỏ Mĩ thừa nhận chủ quyền của Đài Loan ở 4 đảo này hoàn toàn không đứng vững.

Năm 1960, quân đội Mĩ một lần nữa lại yêu cầu Đài Loan cho phép đến đảo Sinh Tồn, đảo Trường Sa Lớn và đá Song Tử ở quần đảo Trường Sa tiến hành đo vẽ bản đồ.[722] Người viết không tìm thấy tư liệu phía Mĩ đề nghị các nước khác. Nhưng lấy sự việc năm 1957 làm ví dụ, cùng với việc Mĩ giữ thái độ trung lập nhất quán trong vấn đề lãnh thổ các đảo biển Đông,[723] rất có thể Mĩ cũng đưa ra yêu cầu tương tự với Philippines và Việt Nam.

Ngoài ra, năm 1964, Cục Hàng không dân dụng, Bộ Giao thông Đài Loan thiết lập khu vực hạn chế bay ở Đông Sa, Trường Sa.[724] Ngày 27/1/1966 Cục gửi thư cho Bộ Tư lệnh phòng thủ chung Mĩ-Đài Loan, yêu cầu máy bay quân sự Mĩ phải thông báo trước nếu muốn bay qua khu vực hạn chế bay ở Đông Sa, Trường Sa để tránh bị tấn công nhầm.[725] Như vậy, đây là yêu cầu đơn phương của phía Đài Loan; khi đó Mĩ và Đài Loan có hiệp định phòng thủ chung, mà Đài Loan đúng là đã kiểm soát thực tế Đông Sa và đảo Thái Bình (đảo Ba Bình), ngay cả Mĩ đồng ý yêu cầu này, cũng chỉ có thể xem là một sự sắp xếp theo thực tế chứ không thể coi là bằng chứng thừa nhận chủ quyền của Đài Loan đối với Trường Sa.

Các tổ chức dân sự như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức Khí tượng quốc tế

Ngày 27/10/1955, Hội nghị Hàng không khu vực Thái Bình Dương, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (International Aviation Transport Association) lần thứ nhất được tổ chức ở Manila, đại biểu 16 nước hội viên gồm Trung Hoa dân quốc (Đài Loan), Mĩ, Anh, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam (Nam Việt, do Pháp đại diện)... tham dự, Chủ tịch Hội nghị là ông Florres, đại biểu Philippines. Đoàn đại biểu Anh và đại biểu Hiệp hội Vận tải hàng hải quốc tế (IATA) đưa ra dự thảo nghị quyết, yêu cầu chính phủ Trung Quốc xây dựng một trạm khí tượng ở trên đảo Trường Sa, thu thập và công bố thông tin khí tượng trên mặt đất và trên không, mỗi ngày cung cấp 4 báo cáo khí tượng cho PIBAL. Sau khi dự thảo nghị quyết được Uỷ ban Khí tượng thảo luận và chỉnh sửa được Hội nghị tiếp thu, đưa vào dự thảo nghị quyết số 24, thông qua mà không có ý kiến khác và được đưa vào phần 2 của báo cáo cuối cùng (báo cáo và kiến nghị).[726] Nguyên văn biên bản như sau:[727]

(a) That the network as recommended in resolution 2 of RA V, 1st session, and in resolution 4 of RA II, 1st session of WMO, be considered as constituting the required surface and upper air synoptic networks in so far as they apply to the Pacific Region, with the following changes: (RW-Radiowind; RS-Radiosonde: P-pilot ballon)

Add

British North Borneo Upper Air observation

96479 Kudat 0553N 11651 0309 15 21

China (Taiwan) 46752

Hengchun 2200N 12045 RW RW

46734 Pescadores 2414N 11422E RW/RS RW/RS

46092 Nansha Island 1023N 11422E RW/RS RW/RS

Delete

CHINA (Taiwan)

46743 Taiwan 2300N 12013E RW/RS RW/RS

((a) Mạng lưới như được đề xuất trong nghị quyết 2 của RA V [Hiệp hội khu vực V-ND], phiên 1 và trong nghị quyết 4 của RA II, phiên 1 của WMO [Tổ chức khí tượng thế giới-ND], được coi là cấu thành các mạng đồng bộ trên mặt đất và trên tầng không khí cao cần phải có trong chừng mực chúng áp dụng cho khu vực Thái Bình Dương, với những thay đổi sau: (RW-Radiowind; RS-Radiosonde: P-pilot ballon)

Thêm vào

[Trạm] Quan sát trên không Bắc Borneo thuộc Anh

96479 Kudat 05°53’ N 116° 51’ E 03 09 15 2121

Trung Quốc (Đài Loan)

46752 Hengchun 22° 00’ N 120° 45’ E RW RW

46734 Bành Hồ 24°14’ N 114° 22’ E RW/RS RW/RS

46092 Đảo Trường Sa 10° 23’ N 114° 22’ E RW/RS RW/RS

Loại bỏ

TRUNG QUỐC (Đài Loan)

46743 Đài Loan 23° 00’ N 120° 13’ E RW/RS RW/RS)

Căn cứ vào kinh, vĩ độ thì đảo Trường Sa ở đây chính là đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) do Đài Loan chiếm đóng. Các nước Philippines và Anh, Pháp... tham dự Hội nghị đã không đưa ra phản dối về việc này. Sau đó, Bộ Giao thông Đài Loan thông báo Bộ Nội chính,[728] Năm 1957, Bộ Giao thông Đài Loan lại một lần nữa gửi thư cho Bộ Nội chính về việc này.[729] Vào năm 1960, trạm khí tượng được mở rộng thành đài khí tượng, và báo cáo cho Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) 4 lần một ngày theo hiệp định.

Ngoài ra, từ năm 1968 đến 1971, Tổ chức Khí tượng thế giới viện trợ Trung Hoa Dân quốc xây dựng 3 đài thám không ở quần đảo Đông Sa và Trường Sa, trong danh mục các trạm quan trắc khí tượng NO.P, T.P.4, Vol.A do tổ chức này biên soạn và phát hành, các trạm khí tượng do Trung Hoa dân quốc xây dựng ở Trường Sa đều được liệt kê trong đó.[730]

Trung Quốc và Đài Loan cho rằng những ví dụ này thể hiện sự công nhận quốc tế đối với chủ quyền của Trung Quốc (và của Đài Loan) ở quần đảo Trường Sa.[731] Tuy nhiên, cả Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) lẫn Tổ chức Khí tượng quốc tế (WMO) đều là tổ chức quốc tế phục vụ dân sự, mục đích của họ là để phối hợp công việc quốc tế về mặt dân sự, lấy “thực dụng” làm xuất phát điểm, vấn đề quy thuộc chủ quyền hoàn toàn không phải là việc họ quan tâm. Việc yêu cầu Đài Loan xây dựng đài khí tượng ở Trường Sa, đại khái chỉ vì Đài Loan đã kiểm soát thực tế ở đó, chỉ có Đài Loan mới có thể cung cấp thông tin liên quan mà thôi. Hơn nữa, liên quan ở đây cũng chỉ có mỗi một đảo Ba Bình, không thể từ đó lí giải chủ quyền của Trung Quốc đối với toàn bộ Trường Sa.

Thật ra, phía Việt Nam cũng có ví dụ tương tự, cho thấy các công trình dân sự cũng phải đi theo nước kiểm soát thực tế. Năm 1949, Tổ chức Khi tượng thế giới (World Meteorological Organization, WMO) đăng kí hai trạm khí tượng xây dựng trên quần đảo Hoàng Sa là bộ phận của “An Nam”: mã số trên đảo Phú Lâm (đảo Vĩnh Hưng) là 48859, trên đảo Hoàng Sa (đảo San Hô) là 48860;[732] đăng kí trạm khí tượng trên đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) là một bộ phận của Cochin China (Nam Kì), mã số là 48919[733] (Hình 40). Theo đó, Việt Nam cho rằng WMO công nhận Hoàng Sa và đảo Ba Bình thuộc về Việt Nam.[734]

Thật ra, khi đó trên đảo Phú Lâm và đảo Ba Bình đều không có người Pháp và người Việt, nhưng WMO vẫn công nhận trạm khí tượng do Pháp xây dựng trước Thế chiến thứ hai[735] (xem III.1).

This image has an empty alt attribute; its file name is image-101.png

Hình 40: Trạm khí tượng do Tổ chức Khí tượng thế giới đăng kí năm 1949

Tháng 4/1973, lại một lần nữa trạm khí tượng ở Hoàng Sa của Việt Nam được đưa vào trong văn kiện của Tổ chức Khí tượng thế giới.[736] Sau Hải chiến Hoàng Sa, ngày 18/9/1975, khi Trung Quốc tham gia Hội nghị hiệp hội khu vực hai (RA II) của Tổ chức Khí tượng thế giới mới đưa ra kháng nghị đối với trạm khí tượng 48860 của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (San Hô) thuộc Hoàng Sa, và sửa thành số 59985.[737]

Ngày 24/11/1984, tại Hội nghị Khí tượng châu Á lần thứ 8 tổ chức ở Geneva đã nhất trí thông qua danh sách trạm khí tượng thuộc hệ thống SYNOP, trong đó có trạm khí tượng “Trường Sa” do Việt Nam đăng kí tại Hội nghị. Đại biểu Việt Nam Trần Văn An còn tuyên bố: cùng lúc còn có “các trạm khí tượng liên quan đến hai quần đảo này (Hoàng Sa và Trường Sa) được nước khác đăng kí trong phụ lục của nghị quyết cuộc họp, là hoàn toàn bất hợp pháp”,[738] việc này cho thấy những tổ chức dân sự này lấy sự kiểm soát thực tế làm tiêu chuẩn chứ không phải nguyên tắc chủ quyền làm tiêu chuẩn.

Ngoài ra, năm 1964 kì họp lần thứ 4 Hội nghị vẽ bản đồ khu vực châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp Quốc, Philippines đưa ra dự thảo nghị quyết hợp tác quốc tế trong việc khảo sát biển Đông, trong đề án có đoạn “khu vực này không thuộc phạm vi lãnh thổ của bất cứ một quốc gia nào”. Trung Quốc (Đài Loan) đưa ra ý kiến phản bác: “quần đảo Nam Sa là lãnh thổ Trung Quốc”, còn Liên Xô thì nêu rằng “khu vực này dường như là lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Các bên giằng co nhau mãi, cuối cùng kiến nghị khảo sát chỉ mới được thông qua sau khi sửa đổi .[739] Tại kì họp thứ 6 tháng 10/1970, đại biểu Đài Loan yêu cầu thêm lập trường của Đài Loan tại nhóm công tác thông tin Tokyo tháng 7 vào biên bản Hội nghị (trong cuộc họp nhóm lần đó, Đài Loan đã phân phát một số tài liệu bản đồ và tạp chí yêu sách các đảo biển Đông và tuyên bố chủ quyền của họ đối với Trường Sa), đề nghị này gặp phải sự phản đối của các nước tham dự hội nghị nên không được đưa vào biên bản hội nghị.[740] Điều này cho thấy rằng nếu như chấp nhận cách diễn giải quá mức những nghị quyết của các tổ chức quốc tế này thì càng phải chấp nhận cho các trường hợp chính thức hơn và liên quan đến chủ quyền (ví dụ tại Liên Hợp Quốc), để diễn giải rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Trường Sa đã không được quốc tế công nhận sao ?

Xác định rõ sự công nhận của quốc tế

Trên thế giới không có lập trường thống nhất đối với sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa, ở đây chủ yếu thảo luận thái độ của nước lớn đối với vấn đề này.

Mĩ luôn cho rằng Trường Sa và Hoàng Sa là khu vực có tranh chấp, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt lập trường trung lập đối với sự quy thuộc của chúng, có thể thấy điều này từ vụ việc quân đội Hoa Kì khảo sát và lập bản đồ quần đảo Trường Sa nói ở trên. Pháp ủng hộ Việt Nam trong vấn đề quy thuộc của Hoàng Sa, nhưng dường như vẫn chưa công khai từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Trường Sa.

Trước Thế chiến thứ hai, Anh từng phản đối việc Pháp chiếm đóng đảo Trường Sa Lớn tháng 4/1930, nhưng trong Thế chiến thứ hai lại công nhận chủ quyền của Pháp đối với Trường Sa. Tuy nhiên, sau Chiến tranh, Anh lại đưa ra việc họ có chủ quyền ở Trường Sa (xem IV.3). Chính phủ Anh đã công khai từ bỏ đòi hỏi này, nhưng Cao uỷ Anh (High Commissioner) ở Singapore vào năm 1974 tuyên bố “quần đảo Spratly thuộc về Trung Quốc, là một bộ phận của tỉnh Quảng Đông..... sau Chiến tranh trả lại Trung Quốc”,[741]Anh đã bí mật công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Paracel có tranh chấp..... Chính phủ Anh ít nhất đã lặng lẽ công nhận yêu sách đối với Paracel của Trung Quốc là đúng”.[742] Cao uỷ Anh tại Singapore tương đương với Đại sứ Anh tại các nước khác (Singapore là thành viên của Liên hiệp Anh, do đó dùng tên gọi Cao uỷ Ngoại giao). Theo luật quốc tế, thái độ của ông có thể được công nhận là thái độ của Bộ Ngoại giao (thậm chí của chính phủ) Anh hay không đáng được thảo luận. Liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, có tin nói rằng Anh đã gửi công hàm cho Bắc Kinh vào năm 1957, nói rõ lập trường của nước này là: “Chúng tôi ngầm công nhận yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Pratas (Đông Sa) và Paracel (Hoàng Sa).[743]

Trước Thế chiến thứ hai,Nhật Bản ủng hộ quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, nhưng cho rằng quần đảo Trường Sa thuộc về Nhật Bản (xem II.6). Sau Chiến tranh, ngoài việc bày tỏ từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa trong các hiệp ước như “Hòa ước San Francisco”, không có bày tỏ thái độ nào khác (xem III.8).

Thái độ của Liên Xô đối với Hoàng Sa và Trường Sa trước và sau khi nước Việt Nam mới thành lập có sự thay đổi. Liên Xô ban đầu bày tỏ thái độ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị hòa bình San Francisco, Liên Xô phát biểu ý kiến ủng hộ chúng thuộc “nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (xem III.8). Nhưng sau khi nước Việt Nam mới thành lập, Liên Xô chuyển sang ủng hộ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này. Thái độ của Liên Xô đối với tuyên bố lãnh hải 12 hải lí của Trung Quốc năm 1958 có lập trường không rõ ràng. Một mặt, Liên Xô gửi công hàm “Chính phủ Liên Xô được biết và hoàn toàn tôn trọng quyết định trong tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.[744] Do Trung Quốc tuyên bố các đảo ở biển Đông thuộc nước này, nên cũng có thể suy ra là Liên Xô ủng hộ lập trường này của Trung Quốc. Nhưng mặt khác, trong công hàm này phía Liên Xô viết:

Chính phủ Liên Xô được biết quyết định của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa áp dụng thích dáng cho toàn bộ lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm Trung Quốc đại lục, Đài Loan và các đảo xung quanh nó, quần đảo Bành Hồ cũng như các đảo khác thuộc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”[745] So với tuyên bố của Trung Quốc, thiếu các chữ “quần đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa”, cho thấy dường như ngược lại họ có thái độ dè dặt. Đối với tuyên bố này của Trung Quốc, các nước Đông Âu (bao gồm Romania, Đông Đức, Hungary, Tiệp Khắc và Bulgaria...) và Mông Cổ cũng bày tỏ thái độ tương tự Liên Xô, công nhận và ủng hộ quyết định 12 hải lí của Trung Quốc, nhưng không có nước nào ủng hộ rõ ràng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo ở biển Đông. Sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, Triều Tiên ủng hộ rõ ràng yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo biển Đông.[746] Ngoài ra, đáng chỉ ra là sau khi Trung Quốc ra tuyên bố lãnh hải 12 hải lí, Mĩ, Anh và các nước phương Tây khác bày tỏ thái độ không ủng hộ tuyên bố này. Điều này phải chăng có nghĩa là các nước này không ủng hộ yêu sách chủ quyền đối với các đảo ở biển Đông của Trung Quốc? Cũng đáng để tranh luận.

Trong số các nước Đông Nam Á, sau Hải chiến Hoàng Sa năm 1974 Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia tuyên bố với báo giới quan điểm chính thức của Indonesia: Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Trung Hoa Dân quốc.[747] Cũng trong Hải chiến Hoàng Sa, Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Chatchai Chunhawan phát biểu ý kiến cá nhân, cho rằng Hoàng Sa là của Trung Quốc (dù là Đại lục hay Đài Loan).[748] Nhưng ý kiến cá nhân hoàn toàn không thể coi là thái độ chính thức của nhà nước.

Tóm lại, sau Thế chiến thứ hai, tuyệt đại bộ phận quốc gia không có lợi ích lãnh thổ đều giữ thái độ trung lập, nhưng cũng có một số ủng hộ Trung Quốc hoặc Việt Nam. Ý kiến của cộng đồng quốc tế về vấn đề này không giống nhau.

Bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí nước ngoài

Cả Trung Quốc[749] lẫn Việt Nam[750] đều đã đưa ra không ít tư liệu bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba để chứng minh rằng chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa và Trường Sa đã được quốc tế công nhận, nhưng chưa ai thực hiện một phân tích định lượng có hệ thống những tư liệu này. Những tư liệu này nếu xuất bản trước thế kỉ 20, thì có thể có giá trị pháp lí theo góc độ “bằng chứng lịch sử”. Nhưng nếu xuất bản sau tranh chấp chủ quyền, tác dụng sẽ rất hạn chế. Những bản đồ, bách khoa toàn thư và tạp chí của bên thứ ba này khó được coi là thể hiện thái độ chính thức, đặc biệt là các xuất bản phẩm tư nhân của phương Tây không chịu kiểm soát của chính phủ, nhiều nhất chỉ có thể đại diện ý kiến của cá nhân, đặc biệt là bài viết trên báo, càng chỉ có thể đại diện lập trường riêng của tác giả.

Còn trên thực tế, do thái độ người dân các nước khác nhau, bất kể Trung Quốc, Việt Nam thậm chí Philippines đều có thể tìm thấy bằng chứng có lợi cho mình. Vì vậy, dùng những tư liệu này làm “bằng chứng” là hết sức có hạn. Ở đây người viết đưa ra một số bản đồ có tính đại diện để minh họa cho luận điểm khác nhau của các ấn phẩm.

Trong các bản đồ nước ngoài nửa đầu thế kỉ 20, theo người viết nhận thấy, chúng đều không dùng bất cứ hình thức nào (bao gồm chữ viết, màu sắc, đường phân giới...) để đánh dấu sự quy thuộc của Hoàng Sa và Trường Sa.

Tuy nhiên, trong Thế chiến thứ hai, bản đồ của Nhật Bản xuất bản đã bắt đầu đánh dấu rõ quần đảo Tân Nam (tức Trường Sa) thuộc về Nhật Bản, đảo Hoàng Nham thuộc về Philippines, còn quần đảo Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc (Hình 41). Sau Chiến tranh, có nhiều hình thức biểu thị đã xuất hiện:

This image has an empty alt attribute; its file name is image-102.png

Hình 41: Bản đồ Philippines do Nhật Bản xuất bản (1942)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-103.png

Hình 42: Bản đồ của Đức xuất bản (Meyers Enzykolpadisches Lexikon, 1971)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-104.png

Hình 43: Bản đồ của Anh xuất bản (Times Atlas of the World, 1955)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-105.png

Hình 44: Bản đồ của Pháp xuất bản (Atlas international Larousse , 1966)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-106.png

Hình 45: Bản đồ của Ba Lan xuất bản (Pergamon World Atlas, 1968)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-107.png

Hình 46: Bản đồ của Mĩ xuất bản (Goode’s World Atlas, 1964) (tr.351 bản gốc)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-108.png

Hình 47: Bản đồ của Mĩ xuất bản (McGraw-Hill International Atlas, 1963)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-109.png

Hình 48: Bản đồ của Anh xuất bản (Cassell’s New Atlas of the World, 1961)

This image has an empty alt attribute; its file name is image-110.png

Hình 49: Bản đồ của Anh xuất bản (Aldine University Atlas, 1969)

(1) Không đánh dấu. Ví dụ bản đồ thế giới trong quyển 27 sách “Meyers Enzykolpadisches Lexikon” (1971) của Đức (Hình 42). Hoàng Sa và Trường Sa được biểu thị, nhưng không chú thích rõ tên gọi và sự quy thuộc. Times Atlas of the World năm 1955 của Anh (Hình 43), Hoàng Sa đánh dấu với tên gọi Paracel, còn Trường Sa thì không có tên gọi toàn bộ quần đảo, hai nơi đều không đánh dấu sự quy thuộc.

(2) Đều đánh dấu là của Trung Quốc. Atlas international Larousse (1966) của Pháp (Hình 44). Đây là một bản đồ thường được Trung Quốc trích dẫn. Trên bản đồ, Hoàng Sa và Trường Sa đều dùng phiên âm tiếng Trung để đánh dấu, đồng thời trong ngoặc đơn chú thích rõ chữ Trung Quốc (Chungkuo). Trên một số bản đồ khác dùng phiên âm tiếng Trung đánh dấu hai quần đảo này, nhưng không ghi rõ thuộc về Trung Quốc, cũng có thể coi là công nhận hai quần đảo thuộc Trung Quốc, ví dụ của Pergamon World Atlas của Ba Lan (1968, Hình 45).

(3) Đánh dấu Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, không đánh dấu sự quy thuộc của Trường Sa, ví dụ Goode’s World Atlas của Mĩ (1964, Hình 46).

(4) Đánh dấu Hoàng Sa là của Việt Nam. Ví dụ McGraw-Hill International Atlas của Mĩ (1963, Hình 47), Hoàng Sa được đánh dấu thuộc Việt Nam, Trường Sa không có đánh dấu sự quy thuộc.

(5) Đánh dấu Hoàng Sa thuộc Trung Quốc, Trường Sa thuộc Philippines. Ví dụ Cassell’s New Atlas of the World của Anh (1961, Hình 48).

(6) Đánh dấu Hoàng Sa của Trung Quốc, đánh dấu một phần Trường Sa thuộc Philippines, đảo đảo Trường Sa Lớn và đảo đảo An Bang được đánh dấu thuộc Anh, ví dụ Aldine University Atlas của Anh (1969, Hình 49).

Tóm lại, thời gian từ sau Thế chiến thứ hai đến năm 1970, thế giới hoàn toàn không có cách hiểu chung về sự quy thuộc của các đảo biển Đông. Qua quan sát và phân tích các loại bản đồ khác nhau, trước năm 1970 quần đảo Trường Sa không có tên gọi như một chỉnh thể trên rất nhiều bản đồ. Ngoài ra, không có bản đồ nào mà tác giả xem được có vẽ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Có thể thấy rằng đường 9 đoạn hoàn toàn không phải là khái niệm được quốc tế chấp nhận rộng rãi.

Trong cuốn “Sử liệu vị biên” (史料彙編) của Trung Quốc có liệt kê 206 bản đồ nước ngoài từ những năm 1940 đến những năm 1970 có đánh dấu các đảo ở biển Đông thuộc Trung Quốc. Trong đó đưa ra một số bản đồ do Việt Nam (Bắc Việt) xuất bản trước năm 1974 mà trên đó Hoàng Sa và Trường Sa được đánh dấu thuộc Trung Quốc dưới nhiều hình thức,[751] hoặc không được vẽ trên bản đồ Việt Nam.[752] Điều này phù hợp với thảo luận trong phần IV.5, IV.9 và IV.10. Như phân tích trong phần IV.10, hoàn toàn không thể dùng điều này để khẳng định thái độ của nước Việt Nam mới đối với sự quy thuộc chủ quyền của chúng, cũng khó lấy làm bằng chứng phản bác yêu sách của nước Việt Nam mới. Ngoài ra, sách này còn đưa ra hai bản đồ do Sài Gòn xuất bản trong những năm 1950, không vẽ Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ Việt Nam.[753] Hiện chưa rõ năm xuất bản cụ thể của hai bản đồ này. Như thảo luận trước đây, Việt Nam đã chính thức đưa ra yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa vào năm 1951 (IV.8). Hai bản đồ này dường như là ví dụ rất cá biệt, và tính chất do tư nhân xuất bản của chúng cũng làm chúng thiếu hiệu lực pháp lí, càng không thể so sánh với yêu sách chính thức của Nam Việt, hơn nữa chúng cũng không vẽ Hoàng Sa và Trường Sa vào lãnh thổ của Trung Quốc.

“Sử liệu vị biên” còn liệt kê ra 3 bản đồ không đưa quần đảo Trường Sa vào lãnh thổ Philippines (lần lượt năm 1940, 1950 và 1969).[754] Giống như thảo luận về chứng lí ở phần trước, vì năm 1946 Philippines đã ra tuyên bố chủ quyền với quần đảo Trường Sa, hiệu lực của tuyên bố lớn hơn rất nhiều so với bản đồ. Do đó, ngay cả khi tồn tại bản đồ như vậy cũng không có cách nào phủ định yêu sách của Philippines đối với quần đảo Trường Sa. Hơn nữa, trên các bản đồ đó, không có dấu hiệu nào cho thấy quần đảo Trường Sa thuộc sở hữu của Trung Quốc.

Ngoài ra, đáng để chỉ ra là rất ít bản đồ do nước ngoài vẽ vào thời điểm đó thể hiện đường 9 đoạn. “Sử liệu vị biên” chủ yếu thu thập những bằng chứng có lợi cho Trung Quốc, trong tổng số 206 bản đồ của nước ngoài chỉ có 9 bản đồ có đánh dấu đường 9 đoạn (trong sách viết là ‘đường biên giới quốc gia’), bao gồm Tập bản đồ thế giới tiêu chuẩn Nhật Bản,[755] Tập bản đồ thế giới của Đông Đức (bản giản lược),[756] Tập đại bản đồ thế giới Haack của Đông Đức,[757] Tập bản đồ thế giới mới nhất của Đông Đức,[758] Tập bản đồ dùng cho gia đình Haack của Đông Đức,[759] Phụ lục bản đồ Bách khoa toàn thư của Liên Xô,[760] Bản đồ treo tường “châu Á” của Hungary,[761] Tập bản đồ hiện đại Larousse của Pháp,[762] và Tập bản đồ thế giới mới của Nhật Bản.[763] Trong đó, mấy bản đồ của Đông Đức xuất bản có cùng một người biên tập và của cùng một nhà xuất bản, từ góc độ thống kê học, chúng cần được loại ra, nhưng ở đây không nghiên cứu sâu. Xem xét đến việc “Sử liệu vị biên” chỉ thu thập những bằng chứng có lợi cho Trung Quốc, nếu như tính thêm các bản đồ bất lợi cho Trung Quốc, thì tỉ lệ bản đồ có vẽ đường 9 đoạn chiếm sẽ càng thấp hơn. Có thể thấy, đường 9 đoạn không hề được biết đến rộng rãi trước những năm 1970.

IV.14. Kết luận: Sự cát cứ thời Chiến tranh lạnh

Cùng với sự thất bại của Quốc Dân đảng, đã xuất hiện tình trạng chân không quyền lực trong thời gian ngắn ở các đảo ở biển Đông. “Hiệp ước hòa bình San Francisco” để ngỏ chủ quyền các đảo ở biển Đông. Cho đến năm 1956, thái độ của các bên liên quan đối với chủ quyền các đảo có xu hướng rõ ràng: Anh và Pháp trên thực tế đã rút khỏi tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông, còn chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc, Nam Việt đều xác định rõ yêu sách chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa; về vấn đề Trường Sa thì có thêm Philippines. Bắc Việt công nhận yêu sách của Bắc Kinh vào lúc đó.

Mĩ là nước có quyền lực vượt trội duy nhất ở biển Đông nhưng giữ trung lập đối với vấn đề lãnh thổ các đảo ở biển Đông. Một mặt, thái độ này đã khuyến khích việc tranh giành giữa các nước đồng minh xung quanh biển Đông (Đài Loan, Nam Việt và Philippines), mặt khác cũng ngăn chặn sự mất kiểm soát trong tranh chấp giữa họ, ảnh hưởng đến đại cục “chống cộng”.

Đài Loan cố gắng duy trì quyền kiểm soát Trường Sa, nhưng không đủ sức với tới Hoàng Sa. Hoàng Sa trở thành tuyến đầu trong cuộc đối đầu giữa Nam Việt và Bắc Kinh.

Đầu những năm 1970 có ba sự kiện lớn làm thay đổi tình hình biển Đông. Thứ nhất, việc phát hiện dầu mỏ ở biển Đông là nhân tố kinh tế đưa đến sức thu hút hơn cho cuộc tranh đoạt các đảo biển Đông. Thứ hai, Bắc Kinh thay thế vị trí của Đài Loan tại Liên Hợp Quốc, đấu tranh ngoại giao của hai chính phủ Trung Quốc trong thời gian này đã tạo cơ hội cho các nước Philippines, Malaysia có thể chiếm đóng một số đảo ở Trường Sa mà không gặp sự cản trở của Trung Quốc. Thứ ba, Mĩ thân thiện với Trung Quốc, rút khỏi Chiến tranh Việt Nam và quyết định bỏ rơi Nam Việt, tạo cơ hội cho Trung Quốc bành trướng ở Trường Sa. Đây là nguyên nhân quan trọng để Trung Quốc đánh bại Nam Việt trong Hải chiến Hoàng Sa năm 1974.

Nhưng sau đó Việt Nam thống nhất, đối đầu Trung-Việt trở thành tiêu điểm của vấn đề biển Đông. Trong Chiến tranh Trung-Việt 1979 và chiến tranh biên giới kéo dài sau đó, Liên Xô đều đứng về phía Việt Nam. Liên Xô thuê Vịnh Cam Ranh, hình thành thế lực đối đầu với Mĩ ở biển Đông. Giữa những năm 1980, Trung Quốc quyết tâm bành trướng xuống Trường Sa, nhưng khi đó các đảo tương đối lớn đã bị các nước khác chiếm đóng. Khi Mĩ, Xô rình rập nhau, Trung Quốc không có cách nào trực tiếp chiếm đoạt đảo, đành phải hướng tầm mắt đến các đảo đá không người mà các nước khác khó chiếm đóng. Cuối cùng, thông qua Hải chiến Gạc Ma, Trung Quốc đã chiếm đóng đá Chữ Thập cùng các đảo đá khác, từ đó đặt chân xuống Trường Sa. Hải chiến Gạc Ma là cuộc chiến tranh nóng cuối cùng ở biển Đông. Cùng với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh, tranh chấp các đảo ở biển Đông bước vào thời kì mới.

Đương nhiên, những năm 1970-80, tranh chấp biển Đông không còn giới hạn ở Trung Quốc và Việt Nam, mà giữa Việt Nam-Malaysia, Philippines-Malaysia, Philippines-Việt Nam thậm chí Malaysia-Brunei cũng đều có mâu thuẫn ở biển Đông. Vào thời điểm năm 1979, Philippines tuyên bố quần đảo Kalayaan thuộc nước này, Malaysia công bố bản đồ năm 1979, đều gây ra sự căng thẳng trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa họ đều không leo thang thành xung đột vũ trang, vả lại họ đều có mong muốn dùng phương thức hòa bình giải quyết vấn đề.

Trong thời kì này, không có thái độ được thế giới chấp nhận chung đối với chủ quyền của các đảo ở biển Đông, và hơn nữa do các bên đều đã đưa ra yêu sách chủ quyền nên việc đơn thuần chiếm đóng không thể xác định chủ quyền (mặc dù có lợi thế hơn đôi chút). Từ luật quốc tế, chủ quyền của các đảo ở biển Đông luôn bị tranh chấp.


[707] Han Indorf, The Spratlys: A Test Case for the Philippines Bases, Manila: Centre for Research and Communication, 1988, p.14. Trích dẫn từ Tôn Quốc Tường: Bàn về nhận thức chung và lập trường của ASEAN với tranh chấp Trường Sa, Vấn đề và Nghiên cứu”, số 2 quyển 53, tr. 31-66, tháng 6-2014.

[708] Như trên.

[709]Nhân dân nhật báo”, ngày 18/5/1988. Trích dẫn từ “Để lịch sử nói với tương lai”, tr.316.

[710]Tuyên bố chung Philippines-Việt Nam chủ trương giải quyết hòa bình tranh chấp Trường Sa”, Điện báo Văn phòng đại diện tại Philippines gửi Bộ Ngoại giao, ngày 1/12 năm Dân quốc 77 (1988), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.968.

[711]Trung Cộng hoàn thành xây dựng trạm quan trắc hải dương ở quần đảo Nam Sa”, Hãng Thông tấn Trung ương, ngày 31/7 năm Dân quốc 77 (1988), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1306.

[712]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.321.

[713] The China Sea Directory, Vol.II, 1879, p.65.

[714]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.327-328.

[715]Nhân dân nhật báo”, ngày 25/5/1988, bản in số 4, trích dẫn từ “Để lịch sử nói với tương lai”, tr.317-318.

[716]Khởi nguồn và phát triển của tranh chấp Trường Sa”, tr. 107.

[717] “Thuyết minh về Nam Hải”, tr.23.

[718] Cơ mật “Về việc 6 nhân viên Không quân Mĩ đến các đảo Nam Sa của ta”, Thư Bộ Ngoại giao gửi Bộ Quốc phòng, ngày 24-8 năm Dân quốc 45 (1956), số 009348 Ti Đông Á Bộ Ngoại giao, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 1164.

[719]Lí do nhân viên Không quân Mĩ đến thăm viếng Trung, Nam Sa”, Thư Bộ Quốc phòng gửi Bộ Ngoại giao, ngày 1/9 năm Dân quốc 45 (1956), Linh Vân tự số 0238, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 1164.

[720] Memorandum, 12/28/1956, No.37, “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr. 1162-1164.

[721] Memorandum for Chairman Joint Chiefs of Staff, Latest developments in the Paracel and Spratly islands, 26 June 1956.

[722]44 Sử liệu vị biên”, tr.128. “Thuyết minh về Nam Hải”, tr.23.

[723] https:// www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIA-RDP08C01297R000300180019-2.pdf

[724]Sử liệu vị biên”, tr.192.

[725]Sử liệu vị biên”, tr.128.

[726]Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.872-873.

[727] Lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines, tr.944-945.

[728]Sử liệu vị biên”, tr.161.

[729]Sử liệu vị biên”, tr.162-163.

[730]Lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines”, tr.946.

[731]Thuyết minh về Nam Hải”, tr.21.

[732] Sách trắng 1979, xem “Tuyển tập Việt Nam”, tr.62. SRV Ministry of Foreign Affairs, Vietnam’s Sovereignty over the Hoang Sa and Truong Sa Archipelagoes (1979), Documents 13 and 14. Vietnam Dossier II, p.130.

[733] Vietnam Dossier II, p.130.

[734] Vietnam Dossier II, p.130. Sách trắng 1979.

[735] SVD, p.73.

[736] Sách trắng 1979, xem “Tuyển tập Việt Nam”, tr.63.

[737]Đại sự kí”, tr.50. SVD, p.73.

[738]Đại sự kí”, tr.108.

[739]Lịch sử quan hệ ngoại giao Trung Quốc-Philippines”, tr.946.

[740] Như trên, tr.946-947.

[741] Leon Howell and Michael Morrow, Oil Exploration, Formidable task for Peking, FEER, 1973/12/31, p.39. “Spratly Island was a Chinese dependency, part of Kwangtung Province.... and was returned to China after the war.

[742]Sử liệu vị biên”, tr.547, cái này nghe nói là điện ngày 21/1/1974 của hãng thông tấn AP tại London, không tìm thấy nguyên văn.

[743]Sử liệu vị biên”, tr.547, cái này nghe nói là điện ngày 21/1/1974 của hãng thông tấn AP tại London, không tìm thấy nguyên văn. Xem thêm Trương Hải Văn “Phân tích tình hình Nam Hải và bối cảnh liên quan của nó”, “Người lãnh đạo”, số 477, tháng 8/2012. http://www.21ccom.net/articles/qqsw/zlwj/article_2012111270857.htm

[744]Sử liệu vị biên”, tr. 559.

[745] Như trên.

[746] Như trên.

[747] Như trên, tr.553. Trong cuốn sách này, người biên soạn phiên dịch Trung Hoa Dân quốc thành “Nhân dân Trung Quốc” hoặc “Trung Quốc”. Nhưng khi nói chuyện luận bàn đến việc Indonesia ủng hộ chính sách một nước Trung Quốc, mà khi đó Indonesia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, một nước Trung Quốc là chỉ Trung Hoa Dân quốc, cho nên ở đây phải nói là Trung Hoa Dân quốc. Trong phần phiên dịch của cuốn sách này còn có không ít vấn đề tương tự và phiên dịch không hoàn toàn trung thực với nguyên văn, độc giả cần phân biệt và khảo cứu thêm.

[748] Như trên, tr.554.

[749]Sử liệu vị biên”, tr. 561-665. Trong sách có rất nhiều “bằng chứng” hoàn toàn không thể chứng minh đầy đủ luận điểm của Trung Quốc, ở đây lãnh không tích từng cái.

[750] Đặc khảo, tr.196.

[751]Sử liệu vị biên”, tr. 615, 634.

[752]Sử liệu vị biên”, tr.666.

[753]Sử liệu vị biên”, tr.667.

[754]Sử liệu vị biên”, tr. 667.

[755] The standard atlas of the world, 1952, “Sử liệu vị biên”, tr.615.

[756] Atlas zur Frd-und Lander Kunede (Kleine Ausgabe), 1956, như trên, tr. 621.

[757] Haack Grober Weltatlas, 1968, như trên, tr.621.

[758] Nouvel Atlas Mondial, 1970, như trên, tr.621.

[759] Haack Hansatlas, 1973, như trên, tr.622.

[760] Năm 1953, như trên, tr.622.

[761] Năm 1959, như trên, tr.628.

[762] Atlas Modern Larousse, 1964, như trên, tr.632.

[763] New World Atlas, 1964, như trên, tr. 637.