Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

Cái yếm, cái khố và cái quyền kể chuyện

Nguyễn Hoàng Văn

Nhiều người đã sôi máu khi, một lần nữa, cái tên Việt Nam bị lôi ra bêu nhục và lần này, sự thể, là do Lại, một “thị vệ nhân dân”, tại một khách sạn ở Chile, lúc tháp tùng Chủ tịch nước trong chuyến viếng thăm chính thức. [1]

Nếu xưa Trương Tửu viết Khi chiếc yếm rơi xuống thì bây giờ Lại gây chuyện Khi cái khố tụt xuống. Tụt khố sẵn sàng và gọi thức uống lên phòng như thể giăng bẫy, Lại, như đang mai phục, đã chực khi nữ nhân viên phục vụ bước vào là khóa trái cửa rồi vòi vĩnh việc thư giãn xác thân. Vậy là, tối hôm đó, sau lời trình báo của nạn nhân, Lại bị còng tay giải đi rồi, tuần tự, bị tống cổ ra tòa, bị trục xuất về Việt Nam và, đến nước này, vấn đề lại là Khi quốc thể rơi xuống.

Sao hắn ta có thể ngạo mạn như thế? Oai quyền của một thị vệ triều đình, hễ gặp phụ nữ vừa mắt là vòi, và vòi cái gì là được cái đó? Thói quen kẻ có tí máu mặt nên coi khinh tất cả, từ những nhân viên phục vụ các loại quán ôm cho đến khách sạn, nhà hàng, cả những nữ nhân viên hành chánh, miễn là bề dưới của mình về quyền hạn hay túi tiền? Vân vân, chúng ta có thể soi xét từ nhiều yếu tố nhưng, bao quát hơn, sự hống hách của hắn hẳn phải hình thành từ thế... bại trận của những phụ nữ vẫn thường bị mình chà đạp, khinh rẻ.

Lịch sử được viết bởi kẻ thắng và, thường, kẻ chiến thắng nào cũng tìm cách bịt mồm bên bại, không cho phép họ kể lại câu chuyện của mình. Những phụ nữ kia cũng vậy, gần như không có quyền tái hiện đời mình:

Đừng nghe ca ve kể chuyện

Đừng nghe thằng nghiện trình bày

Cả xã hội đã đồng lòng ngoảnh mặt bịt tai như thế thì nói gì là cái thiết chế quyền lực có bao điều để lo toan mà lại đầy rẫy những “trương tuần” hay “thị vệ” như Lại? Lại bị nạn là do ngu, cái ngu của con ếch đã bò ra khỏi miệng giếng mà cứ nghĩ là trời vẫn chỉ to bằng cái vung. Có cho rằng phụ nữ ở đâu cũng chỉ có thể gào thét trong vô vọng khi bị chà đạp nhân phẩm nên Lại mới thản nhiên như thế và hắn, nếu gặp Trương Tửu, sẽ không thoát khỏi cái nhìn khinh miệt trong Khi chiếc yếm rơi xuống:

“Và tôi khinh bỉ tất cả những người nào thường khinh bỉ đàn bà đĩ điếm. Đói, người ta phải theo luân lý của kẻ đói. Không thể vin vào luân lý của kẻ no mà kết tội người ta được”. [2]

Đó là một câu chuyện ngắn, chỉ mấy chục trang, mở đầu bằng lời của Victor Hugo trong Những người khốn khổ, theo đó thì mãi dâm là một hình thức nô lệ và là tội ác “đè chĩu lên số kiếp người đàn bà, nghĩa là đè chĩu trên duyên thắm, trên nhan sắc, trên tình mẫu tử”. Có nhìn như vậy nên Victor Hugo mới trao cho những phụ nữ không may cái quyền kể chuyện trong tác phẩm của mình, từ một Fantine trong Những người khốn khổ cho đến Esmeralda trong Thằng gù Nhà thờ Đức Bà. Và nếu người Pháp có Victor Hugo thì chúng ta có Nguyễn Du bởi Truyện Kiều là gì nếu không phải là câu chuyện về Thúy Kiều, cô gái bị đẩy vào cảnh bán thân?

Sau Nguyễn Du còn có bao nhiêu cây bút khác, ở những tầm mức nhỏ hơn, mỗi người mỗi cảnh. Nếu Vũ Trọng Phụng hay Nguyễn Công Hoan khiến chúng ta nhờm tởm, xa lánh họ thì Thạch Lam lại khác, với Tối ba mươi. Đọc Thạch Lam chúng ta chạnh lòng trước cảnh hai cô gái điếm, trong đêm giao thừa, cố bày biện cho được một bàn thờ gia tiên, cố tìm cái gì đó khả dĩ cắm được vài nén nhang và cố tìm lời thuận khẩu để khấn vái với tổ tiên. Chúng ta cảm động trước cảnh họ, giữa bầu không khí ngan ngát khói hương, sống lại với “kỷ niệm những ngày cúng giỗ ở nhà, khi hai chị em còn là những cô gái trong sạch và ngây thơ” rồi vỡ òa nước mắt bởi “nỗi tủi cực mênh mang”, bởi sự “thương tiếc vô hạn” và bởi “những ước mong tuổi trẻ…”. Hiếm khi đề cập đến thế giới ăn chơi nhưng đã nhắc đến thì, cũng như ở bất cứ hoàn cảnh nào khác, những nhân vật của Thạch Lam đều đầy ắp nhân tính với những góc sáng và, do đó, rất đáng được lắng nghe. [3]

Cũng thời ấy, cũng hoàn cảnh ấy thì, ở Huế, có Tố Hữu với Tiếng hát sông Hương nhưng đó không thực sự là câu chuyện của cô. Cho dù có xuất hiện với nỗi nhục “giày vò năm canh”, cô gái với chiếc thuyền rách nát cũng chỉ chường mặt ra để làm phông màn cho bài bản tuyên truyền nhà cách mạng trẻ tuổi:

Răng không, cô gái trên sông

Ngày mai cô sẽ từ trong tới ngoài

Thơm như hương nhuỵ hoa lài

Trong như nước suối ban mai giữa rừng

Ngày mai gió mới ngàn phương

Sẽ đưa cô tới một vườn đầy xuân

Nhà cách mạng nào cũng thế cả nên ngữ pháp cách mạng, chủ yếu, là ngữ pháp của thì tương lai. Có như vậy thì, mấy thập niên sau đó, cũng trên con sông đó, cũng cô gái với nỗi nhục đó, ngữ pháp này lại tái điệp trong đêm ngủ đò đánh dấu cho sự khởi đầu của xáo trộn thời cuộc mang tên “Biến động miền Trung” vào năm 1966, trong Mùa biển động của Nguyễn Mộng Giác.

Đêm sông Hương của ba người bạn Tường, Ngô, Ngữ là để đánh một dấu mốc “lịch sử” khi Huế rục rịch xuống đường vào ngày hôm sau, sự kiện chính trị mà Tường, một nhà giáo và là một lãnh tụ đấu tranh, đầu tư với bao tâm huyết, kỳ vọng. Trong khi Tường cho rằng ngủ đò chỉ là chuyện sinh lý, tiền trao cháo múc, với chút ít tiếc nuối bởi đã phí tiền vì người đẹp vừa “hôi thuốc Cẩm Lệ”, vừa “nhẽo cả ra rồi!” thì Ngữ, một nhà văn mặc áo lính, lại quan tâm đến... câu chuyện phía sau. Ngữ mất hứng, không thể hành lạc khi – dưới ánh sáng lóe lên từ đầu điếu thuốc vừa châm – phát hiện đôi mắt chăm chăm nhìn mình từ bức hình một người lính treo trên vách. Thắc mắc mà không được trả lời, người đẹp còn ý tứ kéo quần trước khi chạm tay xoay ngược tấm hình nên cô ta, phải chăng, đang cung kính thay đổi hướng nhìn của một người khuất mặt, không để lọt mắt cái cảnh ô nhục sắp sửa diễn ra? Đây là người chồng đã tử trận của cô và cô phải bán thân để nuôi con và nuôi cha? Và liệu vong hồn người đó có lảng vảng đâu đó mà xót xa chứng kiến cảnh vợ mình phải nuôi con bằng sự ô nhục? Một đêm tưởng để trút bỏ phiền toái nhưng, ngược lại, càng trĩu nặng những ưu tư và, thế là, người bạn đấu tranh chỉ biết có ngữ pháp tương lai phát cáu. Tường, cơ hồ, đã mất hết bình tĩnh bởi Ngữ chỉ biết cất “giọng ru em”, chỉ biết “lụy vào những tiểu tiết nên sẽ không bao giờ thấy được cái lớn”. Theo Tường thì nếu suy đoán kia là đúng thì điều nên làm là sòng phẳng, là hành lạc càng nhanh càng tốt để giúp nạn nhân mưu sinh và, sau đó, điều quan trọng hơn, là tìm cho ra nguyên nhân lớn đã đẩy họ vào cảnh này mà... giải quyết. [4]

Nhân vật này, như thế, cũng như Tố Hữu. Họ không muốn lắng nghe người trong cuộc mà, ngược lại, bắt người trong cuộc phải lắng nghe để, ít ra, trở thành một phần trong câu chuyện viết bằng thì tương lai. Nhưng với bao nhiêu bằng chứng hậu nghiệm, từ hiện thực đời sống hay những hình tượng nghệ thuật nổi bật, đó là thứ tương lai không bao giờ đến mà, có đến, lại đến từ... quá khứ.

Đó là câu chuyện bằng ngôn ngữ điện ảnh của Đặng Nhật Minh, Cô gái trên sông. Bây giờ thì chúng ta có Nguyệt, một cô gái cụ thể, với một hoàn cảnh cụ thể, một tình yêu và hình ảnh chờ đợi cụ thế. Một đêm hành nghề trên sông Hương, Nguyệt cứu mạng một chiến sĩ nội thành bị thương giữa lúc đang bị cảnh sát lùng bắt và, từ đây, đã trao trọn niềm tin và tình yêu cho con người tràn trề lý tưởng, người đã vẽ nên một tương lai sáng ngời với đọc bài thơ xưa của Tố Hữu. Nguyệt đã tin, đã chờ và, sau ngày chiến thắng, trong một lần tình cờ gặp mặt thoáng qua, đã kiên nhẫn đi tìm chỉ để bị chối bỏ phũ phàng khi người cô chờ đợi đã là một nhân vật quyền lực của tỉnh.

Người chiến sĩ không sợ chết bây giờ đã trở thành một ông quan biết sợ, sợ sứt mẻ quyền lực và, do đó, sợ… mất hình ảnh. Kẻ có ma lực khiến người ta tin vào ngữ pháp tương lai nay đã xơ cứng với ngữ pháp của mệnh lệnh, là ngữ pháp của quyền lực. Bằng thứ ngữ pháp này nhưng, lén lút, ném đá giấu tay, anh ta tìm cách tước quyền kể chuyện của Nguyệt sau khi tình cờ đọc được bản thảo bài bút ký về cô mà tác giả, không ai khác, chính là vợ mình, một nhà báo. Tương lai của Nguyệt, lúc này, lại đến từ quá khứ với người lính thuộc phe bại trận, một khách chơi si mê ngày cũ, vừa trở về từ trại cải tạo. Bây giờ thì hai người không có quyền kể chuyện đã tựa vào nhau, để vá víu đời nhau. [5]

Phim ra mắt năm 1987, thời điểm giới văn nghệ hứng khởi bức phá sau lời cổ vũ “không bẻ cong ngòi bút” của nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, và đã gây tranh luận ầm ĩ bởi đã diễn tả người chiến sĩ cách mạng hẹp hòi bội bạc trong khi người lính miền Nam chung thủy, vị tha. Phim bị cấm, vụng trộm, bằng lệnh miệng nhưng được giới ngoại giao hân hoan sử dụng để chứng minh với thế giới rằng đất nước đang thực sự đổi mới. [6]

Bao nhiêu năm đã trôi qua từ những ngày đầu “đổi mới” đó và, đến một lúc, cách đây không lâu, trong nỗ lực “đổi mới” hơn nữa, thương mại và văn hóa, lại ồn ào cái nỗ lực khôi phục “văn hóa ngủ đò” mà, trong đó, “cô gái trên sông” đã bị hư vô hóa khi, từ đầu đến cuối, chỉ nghe lặp đi lặp lại về tính thanh cao, về “trăng thanh gió mát”, “thi hứng”, “thi tứ”, v.v. của việc ngủ đò. [7] Hư vô hóa nghĩa là không có quyền hiện diện, là không có quyền kể chuyện trong khi đó là một hiện tượng xã hội không thể che đậy, tràn ngập đủ tầng bậc, và đủ hình thức.

“Thề... ề... ề

Phi dê... ê.... ê

Bới... ới... ới

                    Cậu”

Tiếng rao bán tóc trong gió

đồng vọng mãi ngàn sau

“Thề... ề... ề

Phi dê... ê.... ê

Bới... ới... ới

                    Cậu”

(Người rao bán tóc trong gió, Võ Quốc Linh) [8]

Các cậu ơi, đò tôi có đủ loại mỹ nhân: có cô tóc thề vóc dáng nữ sinh, có cô tóc uốn phi dê tân thời nóng bỏng, có cả tóc bới đài các mệnh phụ phu nhân”; từ lời rao đơn sơ “Đò cậu” đến “Thề, phi dê, bới cậu” của đầu thập niên 1970 là cả một bước tiến trên ý nghĩa kinh tế học. Nếu “Đò cậu” chỉ đơn sơ là lời mời theo cung cách tiểu nông thì “Thề, phi dê, bới, cậu” lại là thông điệp quảng cáo, chào hàng nhuốm màu tư bản. Và bây giờ, trong thời kỳ “tư bản thân hữu”, crony capitalism, khi đất nước quặn mình như một con đò cực lớn, cái “thực đơn” chỉ thuần mẫu tóc kia đã quá lỗi thời. Bây giờ, như một mốt thời thượng, cái “thực đơn” cập nhật, ít nhất, cũng phải bao hàm “Chân dài, hoa hậu, siêu mẫu, siêu ca sĩ, siêu sao, các cậu ơi!”.

Đất nước, như thế, đang trượt mình trong sự sa đọa và, riêng trong cái thế giới trác táng này, hưởng lợi lớn nhất phải là giới Tú ông - Tú bà và, hống hách ngạo mạn nhất, phải là các “cậu”, những thượng khách ngả ngớn trong những vòng tay chào mời lả lơi. Nhưng dẫu có phong lưu đến mấy thì những tay chơi “tư bản thân hữu” hãnh tiến này khó mà qua mặt Victor Hugo.

Nổi tiếng như là nhà văn nhân bản thì Victor Hugo, trong tư thế một người trần tục, lại... kinh dị như là người “có lẽ là nghiện tình dục hàng đầu của thế kỷ 19” và nếu nhà văn “làm tình với một cô gái điếm trẻ vào buổi sáng, một nghệ sĩ trước khi ăn trưa rồi sau đó khai vị với một gái mại dâm hạng sang trước khi lao mình vào cuộc truy hoan trong đêm dài cuồng nhiệt với một Juliette không hề biết mệt” thì đó cũng là chuyện bình thường. Ngoài vợ con, Vitor Hugo còn gắn bó với Juliette Drouet, một nghệ sĩ bỏ nghề để vừa là tình nhân, vừa là thư ký không lương trong suốt 50 năm, chưa kể là hàng trăm nếu không nói là cả ngàn gái thanh lâu. Cuộc đời sáng rực của nhà văn nổi tiếng này, xét ra, cũng có một mặt tối nhưng, dù sao, mặt tối này cũng lóe sáng trên khía cạnh con người lẫn tay chơi. Victor Hugo phải cực kỳ hào hoa, phải cực kỳ trân trọng những phụ nữ bị người đời khinh rẻ nên mới giành được sự quý trọng của họ, quý trọng đến độ, khi ông qua đời, toàn bộ những lầu xanh ở Paris đã đồng loạt đóng cửa một ngày để đưa tang. [9]

Từ nhà văn hào hoa này mà nhìn lại gã “thị vệ nhân dân” của chúng ta thì quả là một trời, một vực. Khi gọi thức uống để giăng bẫy, khi rình rập bên ổ khóa trong cảnh không khố như một du kích quân, hắn ta đã bộc lộ chân tướng hèn hạ và bần tiện của bọn ăn quỵt, chơi lường.

Rồi từ hắn nghĩ ngược về ông quan tỉnh trong Cô gái trên sông. Khi hư cấu nên một nhân vật như thế thì, phải chăng, nhà làm phim có ý xây dựng một nhân vật “điển hình”, tức không là riêng ai trong đời sống nhưng lại là một hình mẫu khái quát mà, bất cứ ai thuộc về giới có đủ quyền hạn để bịt miệng người khác trong đời thực, khi nhìn vào đều thấy ẩn hiện một mẫu số chung? Có thể như vậy lắm nếu chúng ta nhìn vào “hiện thực xã hội”, rồi nhìn lại cách nhân vật này bội nghĩa, vong ân.

Nếu sự vong ân, suy luận theo Marcus Tullius Cicero (106 BC- 43 AD) từ phía đối cực, là mẹ của mọi sự sa đọa thì anh ta, từ sự vong ân ban đầu, còn trượt dài trong sự sa đọa khi hèn hạ bịt miệng ân nhân và, do đó, còn tệ hơn cả hạng ăn quỵt, chơi lường. [10]

Tệ hơn bởi ăn quỵt chơi lường, bất quá, chỉ là trò chụp giật nhất thời còn sự vong ân và bịt miệng lại là trò cướp trắng và phi tang sau một tiến trình đầu tư lâu dài, bằng vốn liếng của chính những nạn nhân. Bằng ma lực của ngữ pháp tương lai, họ khiến những nạn nhân tin tưởng mà trao hết nhiệt huyết và tuổi trẻ để rồi, sau bao năm tháng nhọc nhằn, chông gai, không chỉ quay mặt phũ phàng mà còn sử dụng ngữ pháp của mệnh lệnh để bịt mồm, để tước bỏ quyền kể chuyện...

 

Tham khảo, chú thích:

1. Lại Đắc Tuấn, thượng tá an ninh, làm việc trong Cục Cảnh Vệ, chuyên bảo vệ các yếu nhân của đảng và nhà nước.

Sự việc xảy ra vào tối 10/11 tại khách sạn Sheraton, nơi phái đoàn Chủ tịch nước Lương Cường trú ngụ trong chuyến viếng thăm Chile. Cáo buộc cho biết Lại yêu cầu khách sạn mang thức uống lên phòng, khi nữ nhân viên đến thì Lại mặc đồ lót, y đóng cửa lại rồi ra hiệu yêu cầu cô massage cho mình. Sau đó nữ nhân viên này trình báo với cảnh sát và Lại bị bắt giam ngay tối hôm ấy.

2. Trương Tửu (1939) Khi cái yếm rơi xuống, NXB Minh Phương trang 35

https://drive.google.com/file/d/1DF6hY2J6KP28XN1aNUcTVCnNc6auVuKb/view

3. https://vi.wikisource.org/wiki/T%E1%BB%91i_ba_m%C6%B0%C6%A1i

4. Nguyễn Mộng Giác (1990) Mùa biển động, tập II, Bão nổi, Văn Nghệ, California, trang 237-239 và 242-244.

5. Có thể xem phim online:

https://www.bing.com/videos/riverview/relatedvideo?q=C%c3%b4+g%c3%a1i+tr%c3%aan+s%c3%b4ng&mid=1686D641F73BD9E5A9A41686D641F73BD9E5A9A4&FORM=VIRE\

6. Đặng Nhật Minh (2005) Hồi ký điện ảnh, NXB Văn Nghệ, trang 99-104.

7. https://www.google.com/search?q=Kh%C3%B4i+ph%E1%BB%A5c+v%C4%83n+h%C3%B3a+ng%E1%BB%A7+%C4%91%C3%B2+s%C3%B4ng+H%C6%B0%C6%A1ng&oq=Kh%C3%B4i+ph%E1%BB%A5c+v%C4%83n+h%C3%B3a+ng%E1%BB%A7+%C4%91%C3%B2+s%C3%B4ng+H%C6%B0%C6%A1ng&gs_lcrp=EgZjaHJvbWUyBggAEEUYOTIKCAEQABiABBiiBDIKCAIQABiABBiiBNIBCTQxNTQwajBqMagCALACAA&sourceid=chrome&ie=UTF-8

8. Bài thơ đăng trên Tập Họp số 3, 1988, trang 20-21.

Tập Họp là tạp chí văn học – nghệ thuật bằng tiếng Việt đầu tiên tại Úc, do Hoàng Ngọc-Tuấn (chủ biên) sáng lập vào năm 1987.

Bài thơ của Võ Quốc Linh dựa theo lời kể của họa sĩ – điêu khắc gia Lê Thành Nhơn. Được trường Cao đẳng Mỹ Thuật Huế mời thỉnh giảng vào đầu thập niên 1970, một buổi tối đi chơi thuyền trên sông Hương cùng Đinh Cường và Trịnh Công Sơn thì nghe lời rao “Thề, phi dê, bới, cậu”. Lê Thành Nhơn ngơ ngác, không hiểu gì cả và được hai người bạn giải thích.

9. Xem: Marianna Hunt, “Party tricks and naked writing: the eccentric life of Victor Hugo”, The Guardian, December, 30th, 2018.

https://www.theguardian.com/books/booksblog/2018/dec/30/party-tricks-and-naked-writing-the-eccentric-life-of-victor-hugo

và: Mamunur Rahman, “Why the Sex Workers of Paris Took a Day off When Victor Hugo Died - There will always be a dark(!) side of a genius.”

https://medium.com/the-masterpiece/why-the-sex-workers-of-paris-took-a-day-off-when-victor-hugo-died-ccfcc87e8fb7

10. “Gratitude is not only the greatest of virtues, but the parent of all the others”.