Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (16)

Tác giả: Lê Oa Đằng 
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png
從地圖開疆到人工造島:百年南海紛爭史 
 黎蝸藤 
  CÔNG TY SÁCH NGŨ NAM 
  ĐÀI BẮC-2017

Brunei

Trong những năm 1950 Brunei không gia nhập Liên bang Malaya mà là chọn tiếp tục là nước bảo hộ của Anh. Mấy chục năm sau đó, trong thảo luận và tranh thủ với người Anh, Brunei đã hướng tới quyền tự trị lớn hơn và thậm chí là độc lập. Cuối cùng, ngày 1/1/1984, Brunei chính thức tuyên bố độc lập. Năm 1958, Brunei cùng với Sarawak và Sabah (thuộc Anh) lần lượt kí lệnh số 1518 và 1519 (Order in Council 1958 no. 1518 & 1519), quy định tiếp tục sử dụng đường ranh giới biển là đường ranh ngoài của vùng biển dưới 100 fathom (1 fathom = 600 feet ≈ 186 mét) định ra trước đó. Ở phía Tây với Sarawak và ở phía Đông với Sabah, đường ranh giới biển được hình thành đại khái bằng một đường thẳng kéo dài ra biển vuông góc với bờ biển (Hình 35). Phần kéo dài của hai đường ranh giới quy định này chỉ giới hạn trong vùng nước có độ sâu không quá 186 mét. Bản đồ của Malaysia năm 1979 không chú ý đến vấn đề thềm lục địa của Brunei, coi đường giới hạn của hai pháp lệnh này dừng lại ở nơi sâu 186 mét. Vùng biển nằm giữa phần kéo dài của hai đường này, từ đường đẳng sâu 186 mét cho đến 200 hải lí được Malaysia tự quy định là thềm lục địa của mình. Nếu không tính đến yêu sách tiềm năng của Brunei thì cách làm này phù hợp với luật tập quán và “Công ước”, nhưng trong luật về thềm lục địa của Malaysia năm 1966, định nghĩa của thềm lục địa cũng dừng lại ở vùng biển có độ sâu 200 mét,[663] điều này không ngăn cản việc Malaysia mở rộng thềm lục địa đến vùng biển 200 hải lí trong bản đồ năm 1979.

Brunei là quốc gia khai thác dầu khí sớm nhất ở Đông Nam Á. Ngay từ năm 1899 đã bắt đầu khoan dầu trên bờ, năm 1933 có giếng dầu gần bờ (offshore) đầu tiên, năm 1959 giàn khoan ngoài khơi cách bờ biển 3 hải lí được đưa vào sử dụng.[664]

This image has an empty alt attribute; its file name is image-96.png

Hình 35: Ranh giới biển của Brunei năm 1958

Tuyên bố năm 1954 (1954 Proclamation)[665] cho phép Brunei có thể giao quyền thăm dò và khai thác ở vùng biển ngoài 3 hải lí đến bên trong đường đẳng sâu 200 feet (60,96 mét), đã đẩy nhanh thêm một bước sự phát triển ngành dầu khí ven bờ của Brunei.[666] Năm 1963, Công ti dầu khí Shell Brunei (BSP) giành được quyền khai thác dầu khí ven bờ bên ngoài 3 hải lí. Cùng năm tại khu vực Southwest Ampa đã phát hiện một mỏ dầu lớn; năm 1970, ở phía Đông khu vực Champion phát hiện mỏ dầu lớn khác; năm 1975 tại địa điểm chếch về phía Nam khu vực Champion phát hiện mỏ dầu Magpie. Ngoài ra, còn phát hiện một số mỏ dầu nhỏ. Những mỏ dầu này nằm ở trong vùng có độ sâu dưới 200 feet, đem đến cho Brunei lợi ích dầu khí rất lớn. Năm 1968, Brunei cấp cho BSP quyền khai thác bên ngoài đường đẳng sâu 200 feet đến đường đẳng sâu 600 feet; năm 1981 lại cấp cho BSP quyền khai thác ở trong đường có độ sâu 4000 feet (BSP cũng lần lượt từ bỏ một nửa khu vực trong khu khai thác ban đầu cho các công ti khác). Trong những khu vực mới này trữ lượng dầu khí tương đối nhỏ, chỉ có mỏ khí thiên nhiên Fairley (1969) có trữ lượng lớn. Các mỏ dầu, khí của Brunei tập trung ở gần bờ. Mặc dù đường 9 đoạn cách Brunei chỉ có mấy chục hải lí nhưng cũng chỉ có hai mỏ dầu nằm ở trong đường này.

Ban đầu, Brunei không có yêu sách lãnh thổ ở Trường Sa. Một trong những nguyên nhân là trước năm 1984 Brunei không có quyền ngoại giao, còn Anh không phải là nước kí “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”, do đó Brunei cũng không tham gia Công ước. Điều ước mà Brunei tuân theo vẫn là “Công ước về thềm lục địa” năm 1958, trong đó quy định bề rộng của thềm lục địa cho tới chỗ có “độ sâu nước biển bên trong không vượt quá 200 mét, hoặc tuy vượt quá giới hạn này nhưng độ sâu của nước biển này vẫn cho phép tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này có thể khai thác được”.[667] Nếu sử dụng quy định đường đẳng sâu 200 mét thì sẽ không có bãi ngầm, đảo hay đá nào của quần đảo Trường Sa nằm trên thềm lục địa của Brunei.

Bản đồ năm 1979 của Malaysia là nhân tố quan trọng kích động Brunei mở rộng thềm lục địa. Vì bản đồ này mở rộng thềm lục địa ra đến 200 hải lí mà không hề cân nhắc đến lợi ích của Brunei, cũng không xét đến lệnh số 1518 và 1519 mà hai bên đã đồng ý từ lâu. Vì vậy, sau khi giành độc lập năm 1984, Brunei lập tức tính đến việc gia nhập “Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển” (ngày 5/5/1984 kí, ngày 5/11/1986 phê chuẩn). Từ năm 1987 đến 1988, Brunei đã công bố 3 bản đồ (Maps Showing Territorial Waters of Brunei Darussalam (1987), Maps Showing Continental Shelf of Brunei Darussalam (1988) và Maps Showing Fishery Limits of Brunei Darussalam (1988) ), đã lần lượt thể hiện rõ lãnh hải, thềm lục địa và giới hạn vùng đánh cá (tương đương với vùng đặc quyền kinh tế) của Brunei. Trong bản đồ năm 1988 (Hình 36), đá Louisa (Nam Thông, Louisa Reef) đã nằm trên thềm lục địa của Brunei. Đá Louisa là một đảo đá hầu như bị chìm hoàn toàn khi thuỷ triều lên, và hầu như không đủ điều kiện để đòi hỏi lãnh hải theo luật pháp quốc tế. Năm 1978 trong một loạt hành động của Malaysia ở các đảo biển Đông như “dựng cột mốc chủ quyền” cũng bao gồm cả đá Louisa. Thềm lục địa mà Brunei chủ trương trên bản đồ không giới hạn ở 200 hải lí mà mở rộng ra giới hạn lớn nhất gần 350 hải lí. Đường giới hạn của nó càng gần trung tâm biển Đông hơn so với đường yêu sách của Malaysia, đã bao gồm bãi ngầm chìm tương đối lớn khác là bãi Vũng Mây hoặc (bãi /đá Nam Vi, Rifleman Bank) và một bãi ngầm tương đối nhỏ khác là Owen [Shoal]. Bãi Vũng Mây có chiều Đông Tây dài 24 km, Nam Bắc dài 56 km, toàn bộ chìm dưới nước, bên trong có thể chia thành mấy phần như đá Ba Kè (Bồng Bột bảo, Bombay Castle), Johnson Patch (bãi ngầm Thường Tuấn), Kingston Shoal (bãi ngầm Kim Thuẫn) và Orleana Shoal (bãi ngầm Áo Nam)...

Đá Ba Kè (Bồng Bột bảo, Bombay Castle) là bãi ngầm cạn nhất ở góc Đông Bắc của bãi Vũng Mây, chìm dưới nước 3 mét. Năm 1989 Việt Nam chiếm đóng đá Ba Kè, xây dựng một đèn biển trên đó và cử người trông coi.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-97.png

Hình 36: Sự thay đổi yêu sách biên giới biển của Brunei

Vì Brunei là nước nhỏ và yếu, hơn nữa đá Louisa cũng không thể cư trú được, cho nên tuyên bố chủ quyền đối với nó chỉ là nói ngoài miệng, thực tế họ chưa cử người đổ bộ lên đảo, nói chi tới phái quân đóng giữ. Các mỏ dầu, khí của Brunei đều ở gần bờ, hiện nay họ cũng không có kế hoạch khai thác dầu khí xa bờ, do đó cũng không quá tích cực “bảo vệ chủ quyền”. Đá Louisa trên thực tế bị Malaysia kiểm soát. Cũng chính vì như vậy, các nước (trừ Malaysia) hầu như đều không có lời chỉ trích nào nhằm vào Brunei. Ngoài việc không ngừng nhắc lại yêu sách, Malaysia không hề có hành động ngoại giao nào nhắm vào riêng chỉ Brunei.

Indonesia

Biên giới hiện nay của Indonesia được định từ thời kì thuộc địa Hà Lan, người Hà Lan cho đến năm 1920 mới kiểm soát được toàn bộ lãnh thổ Indonesia hiện nay. Trong Thế chiến thứ hai, Nhật Bản chiếm đóng Indonesia, về mặt khách quan đã tạo điều kiện cho người Indonesia lật đổ ách thống trị thực dân. Sau khi Nhật Bản bại trận, Hà Lan mưu tính quay trở lại Indonesia. Nhưng Sukarno hợp tác với người Nhật trong Thế chiến thứ hai đã củng cố quyền lợi thành công, và sau chiến tranh lập tức tuyên bố độc lập. Trãi qua chiến tranh giành độc lập, mưu đồ của thực dân cho việc quay trở lại Indonesia đã bị thời đại vứt bỏ và cuối cùng đã thất bại vào năm 1949.

Sau khi độc lập, Indonesia đã kế thừa quyền lợi của phần lớn các thuộc địa Đông Ấn của Hà Lan. Năm 1963, đất thuộc địa cuối cùng ở Đông Nam Á của Hà Lan – Tây New Guinea cũng được chuyển giao cho Indonesia.

Giống như Philippines, toàn bộ lãnh thổ Indonesia đều là đảo, nên cũng rất quan tâm đến quyền lợi biển. Sau khi tham dự Hội nghị biển Liên Hợp Quốc không lâu, Indonesia liền ra “Tuyên bố về quốc gia quần đảo” (ngày 18/2/1960) và “Luật vùng biển Indonesia” (Pháp lệnh số 4 ngày 18/2/1960), tuyên bố đường cơ sở lãnh hải, quy định vùng biển bên trong đường cơ sở là nội thuỷ của Indonesia, và trong phạm vi 12 hải lí tính từ đường cơ sở là lãnh hải Indonesia. Đường cơ sở lãnh hải đoạn ở biển Đông, từ mũi Datu ở chỗ giao giới của Kalimantan và Sarawak kéo dài về phía bắc đến rìa ngoài của các đảo như đảo Laut thuộc quần đảo Natuna.., rồi hướng về phía Tây Nam đến quần đảo Anambas, sau đó rẽ về phía Nam đến đảo Bintan ở Eo biển Singapore. Vì vậy, phần đường lãnh hải này do có quần đảo Natuna nên tạo thành một đường cơ sở hình túi nhô ra bên ngoài. Do Indonesia là một quốc gia quần đảo, cho nên kiểu đường cơ sở thẳng này phù hợp với luật quốc tế. Ngày 27/6/1969, Indonesia và Malaysia đã kí hiệp định về thềm lục địa. Ở đoạn phía Đông Malaysia thuộc vùng biển Đông, hai bên đã lấy đường cơ sở lãnh hải tại quần đảo Natuna của Indonesia làm cơ sở, đồng ý lấy đường gấp khúc 4 đoạn nối 5 điểm liên tiếp làm đường phân định lãnh hải của hai bên (Article I, 1-C)[668] (Hình 37).

This image has an empty alt attribute; its file name is image-98.png

Hình 37: Biển giới biển giữa Malaysia và Indonesia ở vùng phụ cận quần đảo Natuna.

Do quần đảo Natuna nằm vắt ngang giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia, hơn nữa tính chất quốc gia quần đảo của Indonesia cho phép quy định vùng biển bên trong đường cơ sở lãnh hải là nội thuỷ, do đó tàu thuyền và máy bay không thể tùy tiện đi qua. Nội thuỷ được hình thành bên trong quần đảo Natuna và giữa quần đảo này với các đảo khác của Indonesia giống như bức bình phong giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia, gây bất tiện nghiêm trọng cho Malaysia. Về vấn đề này hai bên đã tiến hành đàm phán trong thời gian dài, cuối cùng vào ngày 3/2/1981, hai bên đạt được “Hiệp định lãnh hải và lãnh không giữa Cộng hòa Indonesia và Malaysia”. Trong đó, Malaysia thừa nhận Indonesia là quốc gia quần đảo, tôn trọng nội thuỷ của Indonesia; trong khi Indonesia tôn trọng “các quyền truyền thống” của Malaysia như hàng hải, hàng không, thông tin và đặt cáp giữa Đông và Tây Malaysia.[669]

Quần đảo Natuna là lãnh thổ duy nhất của Indonesia (được thảo luận trong sách này) đối diện với biển Đông. Ở đây cần phải nhìn lại đôi chút về lịch sử của nó. Natuna nằm giữa Đông Malaysia và Tây Malaysia (khoảng 4° N), được tạo thành từ 272 hòn đảo, tổng diện tích 2110 km2. Và dân số chỉ có 90 000 người. Quần đảo Natuna từ xưa đến nay là phạm vi hoạt động của người Malaysia. Thế kỉ 16, di dân Patani và Johor bắt đầu thành lập chính quyền ở đây. Một quý tộc bản địa là Wan Seri Bulan kết hôn với một quý tộc Datuk Lingkai al-Fathani của Patani, và con cháu của họ trở thành người cai trị của Natuna.

Thế kỉ 19, chính quyền Wan Muhammad al- Fathani chấp chính. Ngày 25/1/1848, một tàu của Anh gặp nạn ở Natuna, ông đã cứu các thuyền viên, vì vậy ông được Thống đốc Malacca của Anh là William John Butterworth tặng cho một khẩu pháo bằng đồng. Những sự kiện này cho thấy rõ rằng lịch sử ban đầu của quần đảo Natuna có liên quan mật thiết với bán đảo Malaysia hơn là với quần đảo Indonesia.[670]

Bắt đầu từ thế kỉ 17, bán đảo Malaysia trở thành nơi tranh giành giữa Anh và Hà Lan. Ngày 24/3/1824, hai bên kí “Hiệp ước 1824” (Treaty of 1824) đặt cơ sở cho lãnh thổ của Malaysia và Indonesia hiện nay, trong đó quy định Hà Lan chuyển nhượng thuộc địa trên bán đảo Malaysia cho Anh, không yêu sách lãnh thổ đối với Singapore nữa; đổi lại, Anh chuyển giao thuộc địa ở đảo Sumatra cho Hà Lan, hơn nữa cũng không phát triển thuộc địa ở phía Nam eo biển Malaysia nữa.

Như vậy, Singapore đã trở thành đường phân giới phạm vi ảnh hưởng của hai nước ở vùng biển Malacca. Nhưng quy định điều ước này không ngăn cấm Hà Lan mở rộng sang các đảo ở phía Bắc Singapore. Vào cuối thế kỉ 19, Hà Lan đã thôn tính quần đảo Natuna. Bản đồ thời kì Đông Ấn thuộc Hà Lan đã đưa quần đảo Natuna vào phần của Đông Ấn thuộc Hà Lan, và phân chia khu vực quần đảo bằng các đường đứt đoạn.[671] (Hình 38) Khi giành được độc lập, Indonesia đã kế thừa toàn bộ lãnh thổ của Đông Ấn thuộc Hà Lan, đương nhiên cũng bao gồm cả quần đảo Natuna.

Trên mạng Trung Quốc có ý kiến cho rằng vào thời Thanh quần đảo Natuna chủ yếu chỉ gồm di dân Trung Quốc. Sau khi quân Thanh tiến vào tiêu diệt chính quyền Nam Minh, ở ven biển tỉnh Quảng Đông có mấy trăm tàn quân và mấy trăm gia đình ngư dân không muốn chịu sự thống trị của Mãn Thanh đã chạy đến quần đảo Natuna. Trương Kiệt Tự, người gốc Triều Châu tỉnh Quảng Đông, từng xây dựng vương quốc trên đảo An Ba Na (đảo Natuna) trước khi người Hà Lan xâm lược. Thế kỉ 19, Trương Kiệt Tự mất, nội bộ xảy ra tranh chấp, người Hà Lan mới thừa cơ tiêu diệt vương quốc họ Trương.[672] Đây có vẻ là chuyện hư cấu của các phần tử dân tộc chủ nghĩa Trung Quốc, vì trong thư tịch chính thức không có ghi chép nào như vậy.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-99.png

Hình 38: Bản đồ xung quanh quần đảo Natuna thời kì quần đảo Đông Ấn thuộc Hà Lan (1937)

Indonesia cách xa Trung Quốc, vốn không có liên quan với Trung Quốc về mặt địa lí. Tuy nhiên, đường 9 đoạn của Trung Quốc vẽ đến phía Bắc quần đảo Natuna, điều này đã lôi kéo Indonesia vào tranh chấp biển Đông. Bắt đầu từ năm 1966, Indonesia bắt đầu phân định các khu khai thác theo hiệp định ở trên biển. Năm 1970, Công ti Agip của Ý phát hiện mỏ khí thiên nhiên trữ lượng rất phong phú ở khoảng 225 km phía Đông Bắc quần đảo Natuna, ước đoán trữ lượng có thể khai thác là 46 nghìn tỷ (trillion) feet khối (tcf). Ngày 21/3/1980, Indonesia ra “Tuyên bố về vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia”, tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lí tính từ đường cơ sở lãnh hải.[673]

Cùng năm, lô này (D-Alpha) được trao cho công ti quốc doanh Pertamina và tập đoàn Exxon của Mĩ với tỷ lệ cổ phần 50:50. Tuy nhiên, mỏ dầu này chứa tới 71% carbon dioxide, giá thành khai thác rất cao, mãi đến trước thập niên 1990 vẫn chưa thể khai thác được.

Vì đường 9 đoạn của Trung Quốc không có tọa độ, mà cách vẽ của nó gần quần đảo Natuna là khoảng trống giữa vạch thứ 3 và thứ 4, nên khó khẳng định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cũng như thềm lục địa ở phía Bắc quần đảo Natuna có đi vào phạm vi đường 9 đoạn hay không. Nếu như đã tiến vào, cũng không có cách gì xác nhận vùng chồng lấn có diện tích bao nhiêu.

Nhưng theo tuyên bố năm 1980 và “Luật vùng đặc quyền kinh tế” năm 1983,[674] vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia kéo dài 200 hải lí từ quần đảo Natuna, chắc chắn đã tiến vào phạm vi đường 9 đoạn của Trung Quốc. Theo ước tính của các chuyên gia Trung Quốc, khu khai phát theo hiệp định đã xâm nhập vào đường 9 đoạn của Trung Quốc hơn 50 000 km2. Trước những năm 1990, Indonesia không nhận ra rằng sẽ họ có tranh chấp với Trung Quốc, và cảm thấy bất ngờ với việc “đột nhiên” bị cuốn vào tranh chấp với Trung Quốc.

Từ đó, tất cả bên tranh chấp đều đã xuất hiện. Đáng chú ý là yêu sách của ba bên này về cơ bản đều dựa vào nguyên tắc đường bờ biển, và không bên nào nêu ra quyền lịch sử đối với quần đảo Trường Sa.

Theo Lí Kim Minh, điều này hoàn toàn là vì tài nguyên dầu khí mới phát hiện ở biển Đông. Tác giả không phủ nhận rằng tài nguyên dầu khí có thể là lực tác động lớn nhất để 3 bên này tích cực khai thác khu vực ven biển. Tuy nhiên, ba bên này về cơ bản đều đã tiến hành phân giới lãnh hải ở biển Đông ngay sau khi độc lập, và họ đều bắt đầu khai thác dầu khí từ rất sớm, các mỏ dầu của họ đều tập trung ở thềm lục địa gần bờ của mình. Dầu mỏ rất quan trọng đối với kinh tế của cả Malaysia lẫn Brunei. Họ cũng không nhất thiết muốn tranh chấp với Trung Quốc nếu Trung Quốc không vẽ đường chín đoạn đến tận “ngưỡng cửa nhà” họ và tuyên bố chủ quyền đối với các bãi cạn không thể kiểm soát cách xa Trung Quốc cùng các rạn đá gần như chìm dưới mặt nước.

IV.12. Trung Quốc tiến xuống Trường Sa và hải chiến Trung-Việt ở Trường Sa

Trung Quốc khảo sát ở vùng biển Trường Sa bắt đầu từ năm 1973, Viện Nghiên cứu Hải dương Nam Hải, Viện Khoa học Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành khảo sát vùng biển thuộc khu vực Hoàng Sa và Macclesfield (Trung Sa), một trong những mục đích cũng là tìm kiếm dầu mỏ trong vùng biển gần. Sau Cách mạng Văn hóa, Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa, nhu cầu phát triển công nghiệp to lớn khiến nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc tăng mạnh. Bắt đầu từ những năm 1960 Trung Quốc đã thăm dò dầu mỏ ở ven bờ biển Đông, trong đó phát hiện dầu mỏ ở vùng biển Oanh Ca, đảo Hải Nam năm 1963 là phát hiện quan trọng đầu tiên của Trung Quốc về dầu mỏ ở biển Đông. Năm 1977, giếng dầu biển sâu đầu tiên là “Oanh 1” đã được khai thác tại đây. Nhưng mãi đến cuối thập niên 1970, thu hoạch vẫn còn rất hạn chế, chỉ khoan thăm dò không đến 20 giếng dầu ở ven biển.[675] Năm 1977, giếng “Loan 1” ở bồn trũng vịnh Bắc Bộ chỉ khai thác được 50 đến 53 m³/ngày; năm 1979, giếng “Loan 9” của vùng biển Oanh Ca (bồn trũng Quỳnh Đông Nam) mới khai thác được dầu mỏ mang tính công nghiệp (sản lượng dầu thô 37 đến 64 m³/ngày); còn ở bồn trũng cửa sông Châu Giang đến năm 1980 mới khai thác 7 giếng dầu, sản lượng dầu thô tổng cộng 296 m³/ngày.[676] Những thành quả này đều tụt xa phía sau rất nhiều so với tiến độ khai thác dầu khí ven bờ biển Đông của Malaysia, Brunei thậm chí Việt Nam cùng thời kì. Từ đầu năm 1980, lĩnh vực khai thác dầu mỏ ở biển Đông của Trung Quốc đi theo hướng quy mô hóa. Năm 1982, Tổng Công ti Dầu mỏ Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thành lập, là sự kiện có tính cột mốc của dầu mỏ ngoài khơi. Sau cải cách và mở cửa, giống như các quốc gia khác, Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành mời gọi công ti dầu mỏ nước ngoài tiến hành khai thác dầu khí ven bờ bằng hình thức hợp tác trao đổi thị trường đối với khu vực đáy biển. Dù khi đó khu vực khai thác của Trung Quốc vẫn tập trung ở 3 khu vực quan trọng là vịnh Bắc Bộ, phía Đông đảo Hải Nam và cửa sông Châu Giang, nhưng họ đã rất chú ý đến tài nguyên dầu mỏ ở khu vực Trường Sa, cáo buộc các nước Philippines, Malaysia, Việt Nam... cướp đoạt tài nguyên dầu mỏ ở Trường Sa “thuộc về Trung Quốc”. Đồng thời, dựa vào nguyên tắc “thu hồi lãnh thổ quốc gia”, sau khi giành được quyền kiểm soát Hoàng Sa, Trung Quốc cũng bắt đầu nóng lòng muốn có quyền kiểm soát đối với Trường Sa. Đúng như Ngoại trưởng Hoàng Hoa nói khi nào đến lúc thì Trung Quốc sẽ thu hồi (xem IV.8).

Bước tiến của Trung Quốc tới Trường Sa bắt đầu bằng nghiên cứu khoa học.

Cho đến năm 1978, Trung Quốc chủ yếu dùng tàu khảo sát “Thực Nghiệm” tiến hành 11 lần khảo sát tổng thể ở phần phía Bắc biển Đông. Xa nhất về phía Đông đến đảo Hoàng Nham (bãi Scarborough), và “vượt qua phía Bắc quần đảo Trường Sa”.[677] Năm 1983, những hạng mục điều tra này xong một giai đoạn, có hơn 80 bài viết được viết và giành được giải nhất giải thưởng thành quả khoa học kĩ thuật của Viện Khoa học Trung Quốc.

Năm 1983, sau khi được hải quân Trung Quốc huấn luyện (xem phần dưới), Đội Khảo sát khoa học lại chuẩn bị tiến xuống phía Nam. Tháng 7/1984, tháng 6/1985 và tháng 4/1986, tàu “Thực Nghiệm 3” đi đến vùng biển Trường Sa tiến hành khảo sát trong 3 năm liên tiếp.

Tháng 5/1987, tàu “Thực Nghiệm 2” và “Thực Nghiệm 3” lại đi khảo sát một lần nữa. Trong những đợt khảo sát này, nhân viên khảo sát đổ bộ lên 10 đảo đá (bãi Bông Bay [bãi Bồng Bột, Bombay Shoal], đá Tiên Thực [bãi Sabin, Sabina Shoal], bãi Cỏ Mây [đá Nhân Ái, Second Thomas Reef], đá Long Điền [đá Ngưu Xa Luân, Boxall Reef], đá Vành Khăn [đảo Mĩ Tế, Mischief Reef], đá Tiên Nga [đá Suối Ngọc, Alicia Annie Reef], bãi Suối Ngà [đá Tín Nghĩa, First Thomas Shoal], đá Phù Mĩ [đá Hải Khẩu, Investigator Northeast Shoal], đá Đồi Mồi [đá Hạm Trưởng, Royal Captain Captain Shoal] và bãi Trăng Khuyết [đá Bán Nguyệt, Half Moon Shoal]) và để lại vật đánh dấu.

Đồng thời, Trung Quốc cũng đã tăng cường chuẩn bị về hành chính và pháp lí. Ngày 20/4/1983, Uỷ ban Địa danh Trung Quốc công bố địa danh tiêu chuẩn một số đảo ở biển Đông (tổng cộng 287 đảo),[678] vẫn còn sử dụng đến nay. Con số này nhiều hơn con số 172 đảo công bố năm 1947, ngoài tên gọi các đảo, đá vốn có ra, còn tăng thêm mới một số tên gọi đường thuỷ và tên gọi của đảo, đá. Tuy nhiên, 3 địa danh trong bảng tên gọi năm 1947 trước kia (bãi ngầm Lập Địa, bãi ngầm Bát Tiên và bãi Quản Sự) không xuất hiện trong bảng tên gọi mới này. Về điều này, Văn kiện số 280 của Quốc Vụ viện (82) (Thư trả lời của Quốc Vụ viện về phương án đặt tên, đổi tên địa danh các đảo biển Đông) viết: “...2. Đồng ý công bố, sử dụng và cung cấp ra bên ngoài 287 đảo được phê duyệt... 3 địa danh bãi ngầm Lập Địa, bãi ngầm Bát Tiên, bãi Quản Sự trong phương án báo cáo, tạm thời không công bố, cũng không trích dẫn công khai và cung cấp ra bên ngoài.[679] Vì vậy, cái được công bố lần này là “địa danh tiêu chuẩn một phần”. Lí do không công bố 3 địa danh đó có lẽ là do vị trí của chúng ở bên ngoài đường 9 đoạn, trong đó vị trí địa lí của bãi ngầm Lập Địa và bãi ngầm Bát Tiên còn ở xa về phía Nam hơn bãi ngầm Tăng Mẫu, trái với việc bãi ngầm Tăng Mẫu luôn được tuyên bố là cực Nam lãnh thổ Trung Quốc.[680] Về mặt hành chính, ngày 22/10/1981, “Uỷ ban Cách mạng quần đảo Tây, Nam, Trung Sa tỉnh Quảng Đông” (Quảng Đông tỉnh Tây, Nam, Trung Sa quần đảo Cách mệnh Uỷ viên hội) trước đó được đổi tên thành “Văn phòng quần đảo Tây Sa, quần đảo Nam Sa, quần đảo Trung Sa tỉnh Quảng Đông” (Quảng Đông tỉnh Tây Sa quần đảo, Nam Sa quần đảo, Trung Sa quần đảo Bạn sự xứ) với cơ cấu ngang cấp huyện. Ngày 1/10/1984, Trung Quốc thành lập Khu hành chính Hải Nam trực thuộc tỉnh tiếp quản Văn phòng này. Ngoài ra, năm 1985, Trung Quốc đã bãi bỏ lệnh cấm ngư dân đến quần đảo Trường Sa đánh cá, sau 30 năm ngư dân Trung Quốc lại xuất hiện trở lại ở vùng biển Trường Sa.[681]

Trung Quốc cũng bắt đầu tiến hành chuẩn bị về mặt quân sự. Ngày 5/5/1980, lữ đoàn 1 thuỷ quân lục chiến thuộc hạm đội Nam Hải chính thức là đơn vi đầu tiên được thành lập, đây là binh chủng độc lập mới được thành lập cho việc đổ bộ tác chiến. Năm 1981, Trung Quốc cũng chuyển Bộ chỉ huy Hạm đội Nam Hải từ Quảng Châu đến Trạm Giang, đồng thời thành lập một loạt căn cứ tại Hải Khẩu, Du Lâm, Bắc Hải và điều động các công cụ đổ bộ tiên tiến từ phía Bắc đến Hạm đội Nam Hải. Năm 1983, hải quân Trung Quốc đã tổ chức một lần huấn luyện biển xa cho cán bộ hải quân, đội tàu thực tập đi biển xa này do hai tàu tiếp tế loại 20 000 tấn và một tàu vận tải loại 2 000 tấn hợp thành, vận chuyển hơn 100 cán bộ trẻ là thuyền trưởng, nhân viên nghiệp vụ hàng hải... Vào ngày 18/5 đội tàu xuất phát từ Trạm Giang, đi qua quần đảo Hoàng Sa, băng qua biển Đông đến bãi ngầm Tăng Mẫu. Đội tàu thả neo, kéo còi ở bãi ngầm Tăng Mẫu và tiến hành huấn luyện định vị thiên văn. Đây là lần đầu phía quân đội Trung Quốc (tính cả Đại lục lẫn Đài Loan) đến bãi ngầm Tăng Mẫu “chỗ cực Nam Tổ quốc trong truyền thuyết” này.

Sau đó đội tàu vượt qua Eo biển Balintang đi vào Tây Thái Bình Dương, lấy đảo Iwo Jima làm điểm chuyển hướng, đi qua Eo biển Osumi, qua biển Hoa Đông vượt qua Eo biển Đài Loan trở về căn cứ ở Trạm Giang.[682]

Hải chiến đá Gạc Ma (Xích Qua)

Các hành động liên tiếp này của Trung Quốc khiến Việt Nam đề phòng. Tháng 4/1987, Việt Nam phái quân chiếm đảo đá Bạc (bãi Thuyền Chài, Barque Canada Reef). Trung Quốc lập tức đưa ra phản đối cứng rắn. Ngày 20/4, Trung Quốc chuyển cho Liên Hợp Quốc Tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo Đông, Tây, Trung, Nam Sa (A/42/236), lên án Việt Nam xâm lược quần đảo Trường Sa và tuyên bố dành quyền thu hồi lãnh thổ bị mất vào dịp thích hợp.[683] Từ ngày 16 đến 19/5/1987, hải quân Trung Quốc tiến hành diễn tập quân sự lần đầu ở Trường Sa; cuối tháng 6 lại tiến hành diễn tập đổ bộ ở Hoàng Sa. Từ ngày 8/10 đến 20/11, biên đội tổng hợp của Hạm đội Đông Hải của hải quân Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện đi biển đường dài ở Tây Thái Bình Dương và biển Đông, chuyến đi đạt 54 000 hải lí, đã rèn luyện năng lực tác chiến đường xa.[684] Hành động của Trung Quốc ở biển Đông như đạn đã lên nòng, chỉ đợi thời cơ tốt.

Đúng vào lúc này, Liên Hợp Quốc “uỷ thác” Trung Quốc xây dựng Trạm quan trắc mặt biển số 74, đây trở thành cái cớ cho Trung Quốc đến hoạt động ở biển Đông trước năm 1988. Thế nhưng chi tiết cụ thể của quá trình này rất mơ hồ.

Tháng 2/1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc thông qua “Kế hoạch cùng đo mực nước biển toàn cầu”, quyết định xây dựng 200 trạm quan trắc biển trên phạm vi toàn cầu. Tại đại hội lần thứ 14 của Uỷ ban Hải dương học Liên chính phủ được tổ chức tại Paris vào tháng 3, các nước được yêu cầu tự đăng kí chịu trách nhiệm xây dựng. Đây chỉ thuần túy thuộc về nghĩa vụ, Liên Hợp Quốc hoàn toàn không cung cấp ngân sách, và số liệu quan sát được cũng cho cả thế giới cùng chia sẻ, cho nên các bên hoàn toàn không quá tích cực. Xét từ quá trình, hoàn toàn không chuyện Liên Hợp Quốc yêu cầu Trung Quốc xây dựng trạm quan sát ở Trường Sa mà việc này do Trung Quốc chủ động đề xuất. Theo phía Trung Quốc, việc thành lập Trạm quan sát số 74 đã được đại diện các nước tham gia nhất trí thông qua, thậm chí đại diện Việt Nam cũng bỏ phiếu tán thành.[685] Xét thấy khi đó Việt Nam rất nhạy cảm đối với những việc liên quan đến chủ quyền, nếu như có biểu quyết danh sách thành lập các trạm quan trắc, rất khó tưởng tượng đại biểu Việt Nam sẽ bỏ phiếu tán thành. Học giả Hayton cho rằng Trung Quốc đã thêm các đảo của Trường Sa vào trong tài liệu, và khi đó không có người chú ý đến việc Trung Quốc “nhét” địa danh này vào trong danh sách.[686] Tôi đoán rằng khi đó có thể có biểu quyết kế hoạch xây dựng các trạm quan trắc, nhưng không có danh sách cụ thể kèm theo.

Còn báo chí Việt Nam thì cho rằng Đại hội căn bản không uỷ thác Trung Quốc xây dựng trạm quan trắc mực nước biển này. Theo Việt Nam, “trạm quan trắc uỷ thác xây dựng” mà Trung Quốc nói đến có số hiệu 74 và 76.[687] Tuy nhiên trong danh sách các trạm quan trắc mực nước biển sẽ xây dựng của Hội nghị (10CPG-OPC-118ANNEX3, ngày 16/2/1987) cũng như trong danh sách “Hệ thống quan sát mực nước biển toàn cầu” (10CGLOSS-116, ngày 27/4/1987) mà Uỷ ban Hải dương học quốc tế gửi cho Uỷ ban Hải dương học Việt Nam sau Hội nghị, đều không có bất cứ một địa điểm trạm nào lập tại Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Trung Quốc chỉ có các trạm quan trắc số hiệu 79, 78, 283 và 247, đều nằm ở phía Bắc Vĩ tuyến 21°35’ N. Trạm quan trắc số 74 là của Mĩ, còn trạm quan trắc số 76 là của Nam Phi.[688] Rốt cuộc sự thật ra sao, vẫn phải chờ điều tra mới rõ được.

Thật ra, Việt Nam cũng rất quen thuộc và cảnh giác trước những thủ đoạn nhỏ nhặt như vậy trong chiến tranh ngoại giao. Ví dụ, tại Hội nghị khí tượng châu Á lần thứ 8 được tổ chức ở Geneva vào năm 1985, danh sách các trạm khí tượng thuộc về hệ thống SYNOP đã được thông qua, trong đó có ghi trạm khí tượng của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã chính thức đưa ra phản đối tại Đại hội.[689] Nếu như sự việc đúng như Trung Quốc nói mà Việt Nam không phát hiện ra thì đó là một sơ xuất ngoại giao của Việt Nam.

Nhưng bất kể như thế nào, Trung Quốc nói mình đã tiếp nhận nhiệm vụ được Liên Hợp Quốc uỷ nhiệm, xây dựng ở Trường Sa trạm quan trắc số 74. Do đó, từ ngày 15/5 đến 6/6/1987, Trung Quốc phái tàu khảo sát khoa học “Hương Dương Hồng 5” đến quần đảo Trường Sa tiến hành điều tra lựa chọn địa điểm cho trạm hải dương. Khi đó các đảo, đá có thể được gọi là đảo (tức là vẫn ở trên mặt biển khi triều cao -ND) đã bị chiếm đóng toàn bộ, nên Trung Quốc chỉ có thể lựa chọn các bãi, đá thích hợp. Tàu khảo sát đi 2 163 hải lí, đã điều tra trọng điểm mười mấy đảo đá không có người như đá Chữ Thập (đá Vĩnh Thử), đá Châu Viên (đá Hoa Dương), bãi Tốc Tan (đá Lục Môn)... Theo kết quả khảo sát, đá Chữ Thập ( Fiery Cross Reef) nằm giữa đảo Ba Bình (đảo Thái Bình) và đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy), có vùng biển rộng rãi , bề mặt đảo bằng phẳng và tương đối rộng (khoảng 7 km2), cơ sở địa chất tốt, với vùng biển sâu 10 đến 30 mét ở phía Nam có thể thả neo.[690]

Đá Chữ Thập là một đảo đá ở phía Tây quần đảo Trường Sa, gần đường biển Hoa Nam nhất, chỉ cách đảo Trường Sa Lớn do Việt Nam kiểm soát khoảng 78 hải lí, có thể dùng làm trận địa tiền duyên để chống lại Việt Nam. Đó là một rạn san hô hình lòng chảo kéo dài khoảng 26 km theo chiều Đông Bắc – Tây Nam, rộng khoảng 7,5 km. Theo ghi chép của người Anh thế kỉ 19, trên đá Chữ Thập có mấy mảng đất nhỏ khô ráo (dry patch), trong đó mảng lớn nhất ở phía Tây Nam, thế kỉ 19 hai chiếc tàu của Anh là Fiery Cross và Meerschaun đều từng cập đảo ở mảng đất này. Tên tiếng Anh của đá Chữ Thập bắt nguồn từ tên con tàu thứ nhất.[691] Mảng đất nhỏ khô ráo ở đây dường như phải hiểu là đảo đá (rock), vẫn có thể nổi lên mặt nước khi triều cao. Đến những năm 1980 thế kỉ 20, có hai tường thuật có liên quan đến trạng thái tự nhiên của đá Chữ Thập trước khi Trung Quốc chiếm đóng. Tường thuật đầu nêu: “khi triều thấp có một số mỏm đá nổi trên mặt nước, phía Đông Bắc có mỏm đá nổi trên mặt nước 0,6 mét. Thường nước sâu khoảng từ 14 đến 40 mét, khi thuỷ triều cao phần lớn đều ngập nước”.[692] Hình như có một bộ phận bãi đá này có thể nổi lên trên mặt nước khi triều cao.

Còn tường thuật trong báo cáo khi xây dựng trạm quan trắc ghi: “đá Vĩnh Thử (Chữ Thập) là một bãi đá lòng chảo chìm dưới nước kéo dài từ Đông Bắc đến Tây Nam, khi thuỷ triều xuống thấp nhất, chỉ có 3 mỏm đá nổi lên trên mặt nước, toàn bộ việc thi công trạm xây dựng tiến hành dưới nước.”[693] Từ đoạn báo cáo này thấy rằng có vẻ nó chìm hoàn toàn dưới nước khi triều cao.

Lại có tường thuật khác: “khi thuỷ triều lên một mỏm đá lớn nhất nổi lên trên mặt nước, chỉ lớn bằng cái mặt bàn, toàn bộ bãi đá bị một lớp nước biển cạn bao phủ”.[694]

Có thể thấy, ngay cả đá Chữ Thập có thể nổi lên trên mặt nước khi triều dâng lên thì diện tích của nó cũng hết sức nhỏ. Tình trạng (status) của nó trong luật pháp quốc tế khá mơ hồ: giữa bãi triều thấp không thể có lãnh hải và đảo đá có lãnh hải,

Ngày 7/8/1987, Cục Hải dương và hải quân Trung Quốc nộp báo cáo cho Quốc Vụ viện và Quân uỷ Trung ương về thời cơ xây dựng trạm, vị trí, quy mô, tính khả thi và các vấn đề có thể gặp phải. Ngày 13/10, tàu công trình được phái đến đá Chữ Thập tiến hành khảo sát một lần nữa, vạch ra phương án xây dựng. Ngày 6/11, Quốc Vụ viện và Quân uỷ Trung ương đồng ý xây dựng trạm quan trắc có người đóng giữ trên đảo Chữ Thập, chủ yếu do hải quân đảm nhận nhiệm vụ xây dựng.

Việt Nam không phải không biết tí gì về hành động của Trung Quốc, khi tàu khảo sát khoa học Trung Quốc đến biển Đông mấy năm trước, Việt Nam đã cảnh giác rồi. Việt Nam cũng tiến hành điều tra nghiên cứu mặt biển khu vực đó, đồng thời cố hết sức chiếm đóng các đảo, đá có thể đứng chân được. Thời gian này, các đảo ở biển Đông đã bị phân chia xong, Việt Nam cũng không bỏ qua các đảo, đá có thể đóng quân còn lại. Năm 1987, Việt Nam còn chiếm đóng bãi Thuyền Chài (đá Bách, Barque Canada Reef). Đá Chữ Thập thuộc loại bãi đá mà Việt Nam cho rằng không tiện đóng quân, nhưng sau khi phát giác Trung Quốc có khả năng đóng quân ở đá Chữ Thập, ngày 18/1/1988 Việt Nam cũng phái nhân viên công trình đến đá Chữ Thập, chuẩn bị tiến hành xây dựng công sự trước một bước. Nhưng đã quá muộn, ngay từ tháng 11 Trung Quốc đã điều tàu tới kiểm soát đá Chữ Thập và đá Châu Viên (đá Hoa Dương, Cuarteron Reef) cách đó 40 hải lí về phía Nam.[695] Trung Quốc cũng đã điều động 4 tàu chiến tuần tra ở vùng biển xung quanh, tàu chở vật liệu xây dựng của Việt Nam không thể ghé vào được. Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà giàn trên đá Ga Ven (đá Nam Huân).[696]

Ngày 30/1/1988, tốp công nhân xây dựng đầu tiên của Trung Quốc đã khởi hành đến đá Chữ Thập. Ngày 31, phía Việt Nam cũng phái 1 tàu vận tải của hải quân Việt Nam và 1 tàu cá vũ trang chở vật liệu xây dựng đến đá Chữ Thập, định xây dựng trạm ở đá Chữ Thập trước Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 tàu này bị “biên đội hộ tống” (do mấy chiếc tàu hộ vệ tổ thành) của Trung Quốc sớm chuẩn bị trước xua đuổi. Ngày 2/2 nhân viên xây dựng trạm của Trung Quốc đến đá Chữ Thập, ngày 5/2 họ đã xây dựng nhà giàn đầu tiên ở trên đảo. Ngày 3/2, Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tổ chức lễ tuyên thệ trước khi xuất quân ở Trạm Giang, phái 2 tàu đổ bộ và vài tàu công trình đến đá Chữ Thập tăng viện. Đồng thời cũng điều động chiến hạm và máy bay đến vùng biển lân cận để tăng cường cho khu vực biển Trường Sa.[697] Tình hình Trường Sa tiếp tục căng thẳng (Hình 39).

Sau khi Trung Quốc chiếm đá Chữ Thập, tiêu điểm của hai bên Trung-Việt chuyến đến đá Châu Viên cách đá Chữ Thập 41 hải lí về phía Nam. Ngày 12/2, đúng vào ngày 1 âm lịch, một tàu khu trục và một tàu hộ vệ của Trung Quốc hộ tống một tàu công trình tiến đến đá Châu Viên. Khi đang chuẩn bị đổ bộ, một tàu quét thuỷ lôi và một chiếc tàu vận tải của Việt Nam cũng đồng thời đến đá Hoa Dương chuẩn bị đổ bộ. Thế là hai bên đối đầu tại vùng biển đá Châu Viên. Không lâu, một số lính Việt Nam chèo thuyền cao su chuẩn bị đổ bộ lên đảo từ phía Đông. Không chịu tỏ ra yếu kém, Trung Quốc cũng phái 6 lính tổ thành đội đột kích đổ bộ lên đảo, tiếp cận từ phía Tây. 15 giờ 45 phút phía Trung Quốc đổ bộ lên đá Châu Viên trước, cắm quốc kì lên, nửa tiếng sau, quân Việt Nam cũng đổ bộ lên đá Châu Viên, cũng cắm quốc kì Việt Nam tại nơi cách quốc kì Trung Quốc 15 mét. Hai bên từ đối đầu trên biển phát triển thành đối đầu trên đảo đá. Vài giờ sau, trời bỗng nhiên đổ mưa, nước biển cũng bắt đầu dâng cao, binh lính hai bên đều bị ngâm nửa người dưới nước. Lính Việt Nam chống chịu không nổi, rút lui trước; còn lính Trung Quốc thì kiên trì bám lại trên đảo.

This image has an empty alt attribute; its file name is image-100.png

Hình 39: Bản đồ vùng phụ cận hải chiến đá Gạc Ma (đá Xích Qua) năm 1988

Trận đối đầu này đã kết thúc như vậy với thắng lợi thuộc về Trung Quốc. Đá Châu Viên là đảo đá thứ hai mà Trung Quốc chiếm đóng.[698] Và như một đối trọng, từ tháng 1 đến tháng 2 Việt Nam đã kiểm soát 5 đảo đá ở gần đó là đá Tây (West Reef), đá Tiên Nữ (đá Vô Khiết, Tennent Reef), đá Lát (đá Nhật Tích, Ladd Reef), đá Lớn (đá Đại Hiện, Discovery Great Reef), đá Đông (East Reef).[699]

Dự liệu khả năng xuất hiện đối đầu, lúc này Trung Quốc đã làm tốt việc chuẩn bị đánh nhau với Việt Nam. Ngày 2/2, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương hỏi Lưu Hoa Thanh, khi đó là Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương kiêm Tổng Tư lệnh hải quân, về phương án chuẩn bị một khi nổ ra đánh nhau ở Trường Sa. Sau khi thảo luận với các tướng lĩnh khác, Lưu Hoa Thanh lấy danh nghĩa Tổng tham mưu trưởng trình bày kiến nghị. Ngày 26/2, Lưu Hoa Thanh báo cáo Triệu Tử Dương, và nội dung phương án trình Chủ tịch Quân uỷ Đặng Tiểu Bình, lãnh đạo trên thực tế của Trung Quốc. Ngày 29/2, Đặng Tiểu Bình phê duyệt đồng ý phương án.[700] Hạ tuần tháng 2, Trung Quốc cử Trần Vĩ Văn (khi đó là Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh căn cứ hải quân Du Lâm, đã tham gia 4 trận chiến với Việt Nam) có kinh nghiệm chiến đấu phong phú với Việt Nam làm Tư lệnh biên đội, tiến hành thay quân đối với hải quân ở vùng biển biển Đông. Trước khi xuất phát, ông ta nhận được lệnh rằng mục tiêu của hành động lần này là giữ vững đá Chữ Thập và đá Châu Viên, ngoài ra còn cần phải kiểm soát 4 đến 6 bãi đá gần đó; nhưng đồng thời người đứng đầu Trung ương cũng chỉ thị “ngũ bất, nhất cản” (5 không, 1 đuổi), tức là “không chủ động gây sự, không nổ súng trước, không tỏ ra yếu kém, không chịu thiệt, không để mất thể diện, nếu địch chiếm đảo của ta thì phải đánh đuổi chúng đi.”[701]

Sau khi dẫn biên đội đến và hoàn thành việc bàn giao nhiệm vụ với hải quân đóng giữ trước đó, Trần Vĩ Văn chia quân thành hai nhóm, một nhóm gồm tàu 510 và 553 được giữ lại để tuần tra ở khu vực đá Chữ Thập và đá Châu Viên; nhóm kia gồm tàu 502 và 503 được điều đến tuần tra đá Ga Ven (Nam Huân), lên đá Ga Ven gia cố nhà giàn, đồng thời tuần tra và khảo sát đá Tư Nghĩa (đá Đông Môn, Hughes Reef), đá đá Xu Bi (Chử Bích, Subi Reef), đá Nam (đá Nại La, South Reef), đá Én Đất (đá An Đạt, Eldad Reef), đá Ba Đầu (đá Ngưu Ách, Whitsum Reef), đá Gạc Ma (đá Xích Qua, Johnson South Reef), đá Len Đao (đá Quỳnh, Lansdowne Reef) và đá Cô Lin (đá Quỷ Hám, Collins Reef).

Sau khi biết được các hành động của Trung Quốc, Việt Nam quyết định lấy đá Gạc Ma làm điểm đột phá, châm ngòi trận hải chiến ngày 14/3. Đảo Gạc Ma là một rạn san hô vòng nhỏ nằm ở phía Đông đá Chữ Thập (Vĩnh Thử), ở góc Tây Nam của cụm Sinh Tồn (nhóm bãi đá Cửu Chương , Union Banks and Reef) thuộc cực Nam của phần phía Bắc quần đảo Trường Sa, dài khoảng 5 000 mét, rộng khoảng 400 mét. Nó chỉ cách đảo Sinh Tồn (đảo Cảnh Hồng, Sin Cowe Island) do Việt Nam kiểm soát khoảng 10 hải lí, được đặt tên theo một loại hải sâm đỏ mọc trên đảo đá này.

Trung Quốc chỉ một cú đột phá đã đoạt được hoàn toàn quyền kiểm soát mấy đảo đá của Trường Sa. Theo Trung Quốc, ngày 13/3, tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ 502 của Trung Quốc đến đá Gạc Ma. 14 giờ 25 phút thả xuống một thuyền nhỏ, chuẩn bị đổ bộ. Khoảng 15 giờ, 3 tàu chiến của Việt Nam cũng đến đá Gạc Ma. Họ chia quân thành 3 nhóm, tàu vận tải 604 thả neo ở đá Gạc Ma, tàu vận tải 605 thả neo ở đá Len Đao (Quỳnh) cách nó 5 hải lí về phía Đông Bắc, tàu đổ bộ 505 đổ bộ lên đá Cô Lin (Quỷ Hám) cách nó 1 hải lí về phía Tây Bắc, quân Trung Quốc đổ bộ lên đá Gạc Ma trước.

Ngày hôm sau, hai tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ khác của Trung Quốc là 531 và 556 đến tăng viện. Tàu 556 theo dõi đá Len Đao, còn tàu 531 và tàu 502 đối đầu với tàu Việt Nam ở đá Gạc Ma. Trong tình trạng yếu thế tuyệt đối, tàu vận tải của Việt Nam vẫn phái người đổ bộ lên đá Gạc Ma vào khoảng 6 giờ sáng, đồng thời vận chuyển vật liệu xây dựng và cắm quốc kì Việt Nam trên đảo đá này. Trung Quốc liền phái thêm nhiều lính đổ bộ lên đảo. Cuối cùng có 43 lính Việt Nam và 58 lính Trung Quốc đối đầu trên đảo. “Lính mỗi bên đứng thành một hàng ngang cách nhau 100 mét, từ từ tiến lại gần nhau, vì trên bãi đá nước sâu đến ngực, san hô không bằng phẳng, hai bên lại đều duy trì trạng thái cảnh giác cao độ, vì vậy tiến về phía trước rất chậm, khi cách nhau 30 mét, hai bên dừng lại, hình thành thế đối đầu.”[702]

Theo tường thuật chính thức của phía Trung Quốc, khoảng 8 giờ rưỡi, một lính Việt Nam bước về phía trước mấy bước cắm cờ Việt Nam, một lính Trung Quốc xông ra vật lộn với lính Việt Nam. Một lính Việt Nam thấy vậy nổ súng trước, phía Trung Quốc nổ súng đáp trả. Binh sĩ trên tàu thấy vậy cũng hùa vào nổ súng theo.

Nhưng tàu Trung Quốc vừa có ưu thế hai chọi một, vừa có hỏa lực vượt trội. Sau mấy phút, tàu vận tải Việt Nam đã bị bắn chìm. Lính Việt Nam trên bãi đá cũng chịu hàng vào lúc 9 giờ. Hải chiến đá Gạc Ma là như vậy.

Cùng lúc đó, tàu đổ bộ 505 của Quân đội Việt Nam ở đá Cô Lin (đá Quỷ Hám) gần đó nổ súng vào tàu hộ vệ 531 của Trung Quốc, tàu Trung Quốc nổ súng đáp trả. Chẳng bao lâu, tàu 505 trúng liền 7 phát đạn, mất khả năng chiến đấu, cháy suốt 5 ngày. Tại đá đá Len Đao, khi tàu 556 của Trung Quốc đến đá Len Đao lúc 9 giờ 15 phút thì phát hiện lính Việt Nam đã đổ bộ lên đảo. Tàu 556 cảnh cáo lính Việt Nam và yêu cầu họ rời đi, nhưng lính Việt Nam nổ súng vào tàu 556, tàu 556 bắn trả. Mười mấy phút sau, tàu Việt Nam mất khả năng chiến đấu, rồi chìm ở gần đá Len Đao tối hôm đó.

Trận hải chiến này bao gồm 3 chiến trường, từ đầu đến cuối cuộc đối địch trên đá Gạc Ma chỉ kéo dài 3 tiếng 20 phút, thời gian thực chiến chỉ có 40 phút. Một tàu chiến Việt Nam bị bắn chìm, hai tàu bị thương nặng, hơn 400 người bị thương vong và mất tích, 9 người bị bắt. Còn phía Trung Quốc chỉ có 1 người bị thương, giành được thắng lợi hoàn toàn.[703]

Người trong cuộc phía Trung Quốc sau này trả lời phỏng vấn, miêu tả tình hình trên đá Xích Qua khi đó có một số điểm khác so với phiên bản chính thống: sau khi hình thành thế giằng co, chỉ huy Trung Quốc là Trần Vĩ Văn hạ lệnh nổ súng trước, lính Trung Quốc do Vương Chính Lợi chỉ huy xông về phía Việt Nam, “Đỗ Hậu Tường xông vào lính cầm cờ phía Việt Nam, đoạt được cán cờ, bẻ gãy làm đôi”, gây ra đụng chạm thân thể và khiêu khích trước là phía Trung Quốc. Quân Việt Nam chỉ mới đưa súng lên ngắm, súng nổ là do phía Trung Quốc khi xông lên đoạt súng giằng co cướp cò.”[704]

Phiên bản miêu tả của phía Việt Nam khác hơn: khi giằng co trên đá Gạc Ma thì Trung Quốc nổ súng trước; ở đá Cô Lin (Quỷ Hám) và đá Len Đao (Quỳnh) thì tàu chiến Trung Quốc nổ súng vào hai tàu vận tải Việt Nam khi đang đi qua bình thường, ngoài ra một tàu treo cờ chữ thập đỏ đến ứng cứu người thương vong cũng bị tấn công.[705] Lời tố cáo này bị Trung Quốc bác bỏ.

Hai bên chỉ trích lẫn nhau đối phương nổ súng trước là việc thường thấy, khó phân biệt thật giả. Nhưng bất kể như thế nào, rốt cuộc vấn đề ai nổ súng trước này thật ra không quan trọng. Cốt lõi của chiến sự vẫn là việc Trung Quốc muốn tiến xuống biển Đông, thiết lập chỗ đứng ở Trường Sa, tốt nhất hiển nhiên là có thể không phải đánh nhau, nhưng Trung Quốc từ lâu đã chuẩn bị sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết. Khi đánh nhau, Việt Nam chỉ điều động tàu vận tải, với trọng tải và hỏa lực rõ ràng kém hơn tàu tên lửa đạn đạo hộ vệ của Trung Quốc.

Trong thực chiến phía Việt Nam khó chịu nổi một đòn. Do đó, càng khó tưởng tượng Việt Nam chủ động khiêu chiến.

Trên thực tế, Việt Nam đều rớt lại phía sau trong toàn bộ quá trình. Trung Quốc đổ bộ lên đảo nào, thì Việt Nam lẽo đẽo theo sau, hoàn toàn mất thế chủ động.

Thất bại của Việt Nam không phải ngẫu nhiên. Sau khi Nam Bắc thống nhất, Việt Nam gần như lập tức đối chọi với Trung Quốc, hoàn toàn ngả về phía Liên Xô vốn đang là kẻ thù của Trung Quốc, vẫn chưa hồi phục sức lực sau cuộc chiến tranh lâu dài mà đã đưa quân sang Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ. Trung Quốc tấn công hậu phương Việt Nam, Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba bùng nổ. Dù sau đó không lâu Trung Quốc đã rút quân khỏi Việt Nam, nhưng chiến tranh ở biên giới Trung-Việt còn kéo dài nhiều năm. Việt Nam hầu như không có thời gian và sức lực dành cho việc phát triển kinh tế, dồn rất nhiều nguồn lực vào quân sự, đặc biệt là cho lục quân, do đó hải quân rất yếu kém. Ngược lại, đối với Trung Quốc chiến tranh biên giới chẳng qua như bệnh ghẻ ngoài da. hải quân Trung Quốc tuy cũng không hùng mạnh, nhưng bước vào những năm 1980 đã không ngừng lớn mạnh. Đến năm 1988, thực lực của hải quân Trung Quốc đã hoàn toàn vượt trội Việt Nam. Để chống lại Trung Quốc, năm 1979 Việt Nam cho Liên Xô thuê căn cứ hải quân Vịnh Cam Ranh. Tuy nhiên, trong cuộc xung đột, Liên Xô hoàn toàn đặt mình ngoài cuộc. Liên Xô khi đó đã hòa dịu quan hệ với Mĩ và Trung Quốc, thậm chí có kế hoạch thu hẹp quy mô đóng quân ở Vịnh Cam Ranh. Còn giữa Trung Quốc và Việt Nam thì Mĩ ủng hộ Trung Quốc, nên Liên Xô khó mà vì những hòn đảo này để bị cuốn vào cuộc chiến tranh với Trung Quốc (thậm chí với Mĩ). Việt Nam cũng đã đánh giá thấp quyết tâm của Trung Quốc trong việc xây dựng cứ điểm ở Trường Sa. Trước đó, Việt Nam đã khảo sát các đảo, đá ở khu vực này, hễ nghiên cứu phán đoán thấy địa điểm thích hợp đóng quân thì đã cố hết sức chiếm đóng. Căn bản là Việt Nam không lường trước được quyết tâm của Trung Quốc, ngay cả kiểu đảo đá trong trạng thái tự nhiên chỉ cao hơn mặt biển một hai mét như đá Chữ Thập (Vĩnh Thử), đá Gạc Ma (Xích Qua)..., mà cũng cố chiếm lấy và đóng quân. Ngoài ra, trước đó ngày 10/3, Thủ tướng Việt Nam Phạm Hùng qua đời, ban lãnh đạo Việt Nam đang phải sắp xếp lại, điều này cũng đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị chiến sự của Việt Nam.

Nhưng liệu Trung Quốc có ý định giành được các đảo này thông qua phương thức chiến tranh hay không vẫn còn là một câu hỏi. Có bài viết chỉ ra rằng trong Hải chiến 14/3, chỉ huy Trần Vĩ Văn còn nhận được một điện báo của cấp trên gửi đến, yêu cầu Biên đội 502 không được chủ động dùng vũ lực. Trong trong vài giờ ngắn ngủi, tổng cộng nhận được 26 bức điện, trong đó 14 bức có các loại chỉ thị “không được phép”. Nếu như lúc đó Trần Vĩ Văn không chống được áp lực (đương nhiên vì khi nhận được điện báo thì súng đã nổ rồi) của nỗi sợ vi phạm chỉ thị, thì Trung Quốc sẽ khó mà giành được thành quả lớn như vậy. Sau khi chiến thắng trở về, Trần Vĩ Văn lập tức bị thẩm tra, điều mà ông ta khó hiểu. Trong khi truyền thông nước ngoài đưa tin rộng rãi, thì truyền thông trong nước Trung Quốc lại giữ im lặng trong thời gian dài. Hai tuần sau, truyền thông trong nước mới từ từ đưa tin muộn màng, nhưng vẫn nói giảm đi chiến quả đến từng chi tiết nhỏ, theo suy đoán là để “không kích động” Việt Nam. Quân uỷ Trung ương công bố lệnh khen thưởng, biểu thị khen ngợi với bộ đội tham chiến, nhưng tên của Trần Vĩ Văn không có trong danh sách lập công. Ngoài dự đoán của rất nhiều người, Trần Văn Vĩ dù được phong quân hàm Thiếu tướng, nhưng không hề có được sự đề bạt về chức vụ, ngược lại bị điều về cơ quan văn phòng cho tới hết phần còn lại của cuộc sống binh nghiệp.[706]

Có rất nhiều tầng lớp dấu vết cho thấy Việt Nam không hề muốn gây chiến, còn Trung Quốc khi đó cũng không muốn mở rộng đến cấp độ xung đột vũ trang, mà chỉ muốn giành được các bãi đá này trong tình huống không nổ súng. Nhưng do Trần Vĩ Văn vi phạm chỉ thị của Trung ương mới dẫn đến Hải chiến 14/3. Cho nên Hải chiến 14/3 có thể chỉ là một trận chiến hết sức tình cờ. Đương nhiên, liệu khi đó Trung Quốc có thể chiếm được những đảo đá đó trong tình huống không nổ súng hay không, đó vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời chắc chắn.


[663] Tuyển tập điều ước pháp luật, tr.198.

[664] Abdul Kani Hj.Mohd.Salleh, Offshore Exploration In Brunei, Energy, Vol.10.No.3/4.pp.487-491, 1985.

[665] R. Haller-Trost, The Brunei-Malaysia dispute over territorial and maritime claims in international law, Maritime Briefings Vol.1 no.3, 1994.

[666] Abdul Kani Hj.Mohd.Salleh, Offshore Exploration In Brunei, Energy, Vol.10.No.3/4.pp.487-491, 1985.

[667] “Công ước về thềm lục địa” và điều khoản bảo lưu đối với Điều 6 của Trung Quốc, http://customs-assoc.org/57.8.htm

[668] International Boundary Study, Series A, Limits in the Seas, Continental Shelf Boundary Indonesia- Malaysia, Department of State USA, 1970 Jan 21, No.1. https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/10/LIS-1.pdf

[669]Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.115-120.

[670] Oleh Mohd Hazmi Mohd Rusli, Kepulauan Natuna: “Bergeografikan Malaysia” Berdaulatkan Indonesia, http://www.mstar.com.my/lainlain/rencana/2013/12/07/kepulauan-natuna-bergeografikan-malaysia-berdaulatkanindonesia/

[671] Door W.van Gelder en C.Lekkerkerker. Atlas van Nederlandsch-Indie Groningen, Batavia: J.B.Wolters, (1937).

[672] http://baike.baidu.com/view/13995965.htm

[673] “Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.113.

[674] “Tuyển tập điều ước pháp luật”, tr.128.

[675] Lưu Phong: Khai phát và hợp tác tài nguyên dầu khí Nam hải, Tân Đông phương, số 6 năm 2010 (kì thứ 177), tr.20-23.

[676] “Công nghiệp dầu khí biển Trung Quốc hiện nay”, Nxb Đương đại Trung Quốc, 2008, tr.13-14.

[677]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.288.

[678] “Nhân dân nhật báo”, ngày 25/4/1983, trích dẫn từ “Tuyển tập tư liệu địa danh”, tr.18-21.

[679] “Tuyển tập tư liệu địa danh”, tr.22.

[680] “Tuyển tập tư liệu địa danh”, tr.17.

[681] Hạ Chương Anh, “Lịch sử nghề cá quần đảo Nam Sa”, Nxb Hải Dương, 2011, tr. 185. Nhưng dường như năm 1980 Trung Quốc đã đánh cá ở Trường Sa, tuy nhiên có thể chỉ hạn chế ở số ít xí nghiệp nhà nước. https://www.cia.gov/library/readingroom/docs/CIARDP08C0129R000200130001-7.pdf, p.12

[682] “Để lịch sử nói với tương lai”, tr.303.

[683] “Trung Quốc gửi tuyên bố chủ quyền cho Liên Hợp Quốc”, Tờ trình của Văn phòng tại New York gửi Bộ Ngoại giao, ngày 27/4 năm Dân quốc 76 (1987), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1296.

[684] Lí Quốc Cường, Nghiên cứu biển Nam Trung Quốc: Lịch sử và hiện trạng, Nxb Giáo dục Hắc Long Giang, năm 2003, tr. 454.

[685] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh- kỉ sự của viên chỉ huy biên đội hải chiến Nam Sa Trần Vĩ Văn”, trích từ Lục Kì Minh, “Tuyển tập tác phẩm 60 năm hải chiến, Quyển 5”, Nxb Văn hóa Trung Quốc, 2009, tr. 108-137.

[686] SFPIA, p.81.

[687] Trung Quốc nói số 76 ở quần đảo Hoàng Sa.

[688] “Đại sự kí”, tr.143.

[689] “Đại sự kí”, tr.108. Trạm khí tượng Trung Quốc đăng kí ở Trường Sa ở đây khi đó chỉ trạm Đài Loan xây dựng trên đảo Ba Bình (đảo Thái Bình). Đồng thời hội nghị lần này chính Việt Nam cũng đã đăng kí xây dựng trạm khí tượng trên đảo Trường Sa Lớn (đảo Nam Uy).

[690]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.319.

[691] The China Sea Directory, vol.II, 1879, p.63.

[692]Tuyển tập tư liệu địa danh”, tr.200.

[693]Báo Quân Giải phóng”, ngày 27/4/1988, trích dẫn từ “Đại sự kí”, tr.144.

[694] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh”.

[695] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh”.

[696] Như trên.

[697]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.320.

[698]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.308-309.

[699] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh”.

[700] “Để lịch sử nói với tương lai”, tr.349-352.

[701] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh”.

[702]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.309.

[703]Để lịch sử nói với tương lai”, tr.309.

[704]Nam Hải! Nam Hải!”, tr.244.

[705]Đinh Bộ trưởng tham dự Uỷ ban Ngoại giao Hội Lập pháp báo cáo vấn đề sự kiện Nam Sa”, ngày 23/3 năm Dân quốc 77 (1988), “Tuyển tập hồ sơ Bộ Ngoại giao”, tr.1298-1303.

[706] Lục Kì Minh, “Đại hải tướng tinh”. Tác giả này cho rằng là lãnh đạo cao cấp Trung ương có mâu thuẫn, đây chỉ là một ý kiến.