Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (4)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

NHẤT QUỶ NHÌ MA

Nghề vẽ là nghề cô độc, mỗi họa sĩ là một ông vua nên từ lúc đào tạo đã sinh lắm chuyện, kể cả trong lúc chơi đùa của đám môn sinh này.

Cái quan trọng là thi vào được trường đã, còn vào trường rồi, thích thì học không thích thì chơi. Học nghệ thuật là vậy, nó không giống như các ngành kinh tế, khoa học. Nghề này, thầy không thể cầm cây chì viên than ấn vào tay trò rồi quát “Vẽ đi” là được đâu… Lên lớp thầy chỉ nói phương pháp, còn sinh viên dỏng tai lên mà nghe hướng dẫn, rồi sau đó là đánh vật với mẫu, cuối tuần thầy dàn bài sinh viên rồi nhận xét.

Mỗi năm cũng hai ba tháng xuống làng xóm thực tập, đi vẽ và kí họa. Là sinh viên Mỹ thuật thì đi đâu cũng được cảm tình vì cái nghề vẽ nó lành. Vừa xuống đến làng đã có ông già bà cả nghĩ đến chuyện nhờ một chú khéo tay truyền thần cho cái chân dung để sau này đặt lên bàn thờ. Hồi ấy chưa sẵn máy ảnh như bây giờ nên các cụ sắp về cõi lo con cháu không có ảnh thờ rồi nó quên luôn mặt ông bà!

Một lần sinh viên Yết Kiêu về thực tập ở một làng trung du thời còn chiến tranh. Ngày ấy lấy đâu ra điện, nên 8 giờ tối cả xóm đã leo lên giường. Trời đen như thạch. Nếu không thỉnh thoảng có tiếng chó cắn hóng ở một nơi nào đấy thì chẳng ai biết đây có làng xóm. Đêm đầu xa phố phường, các con giời thấy cảnh ấy buồn quá. Chẳng còn trò gì chơi, chúng dắt nhau ra cánh đồng… Dưới đây là câu chuyện của họa sĩ Đỗ Xuân Doãn kể cho nghe:

Lũ sinh viên vừa đến làng. Chỉ một đêm đến sáng áng hôm sau, cả một vườn bí rìa làng đầy quả lăn lóc như đàn lợn con tự nhiên biến mất dạng. Dân làng thì thầm, chắc bọn Yết Kiêu gây ra rồi, còn ai vào đây nữa, chúng vừa về thì mất bí. Nhưng không kết tội chúng được, lấy đâu ra chứng cứ? Nào có ai thấy chúng ôm bí về nấu ăn hay cất giấu đem bán đâu. Dân xóm nhìn đám sinh viên định dò hỏi, chúng lại nhăn nhở rất đáng ngờ nhưng bó tay. Chẳng nhẽ chúng có phép phù thủy điều nổi âm binh. Nhưng từ hôm ấy người ta thấy cần đề phòng…

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày.

Ngày thứ tư dân xóm ra đồng bất ngờ lại trông thấy bí lăn lóc đầy mặt ruộng chẳng thiếu quả nào. Thế mà nỡ nghi oan cho đám sinh viên, hê hê!…

Mọi người có biết đâu, đêm đầu lên buồn chân buồn tay chẳng có chỗ chơi, đám sinh viên kéo ra bới đất chôn hết bí xuống. Đến khi mọi người hết hi vọng tìm lại thì chúng lại bới đất lên, đặt bí lại đúng vị trí cũ. Cuối cùng rồi cũng chẳng ai biết chuyện này. Thế mà lớp trò ấy bây giờ đã qua tuổi bảy mươi cả rồi.

Đấy là đùa với dân. Với thầy trong trường sinh viên Yết Kiêu cũng chẳng tha.

Hồi ấy thầy LXN có chiếc xe đạp Thống Nhất sơn màu cánh chả, quí hơn cả xe máy bây giờ. Lên lớp, thầy khóa xe cẩn thận dựng ở vách tường. Vậy mà khi xuống thì chiếc xe mất dạng. Thế vào chỗ ấy là chiếc xe đạp khác mới tinh màu sơn đỏ chói. Hốt hoảng thầy chạy đi báo công an. Hàng giờ sau quay trở lại, thầy giật mình dụi mắt khi lại thấy chiếc xe vẫn ở chỗ cũ. Thì ra lũ vô công rồi nghề nhân khi thầy trên lớp, đem goát đỏ quét tiệt lên khung xe nên vẫn xe ấy trước mặt mà thầy không nhận ra. Khi thầy đi báo công an thì chúng vội vàng khênh xe đi rửa sạch rồi để lại như cũ. Hầy zà, thầy bị một phen hết hồn.

Lần khác với thầy trẻ LTS, chúng lẳng lặng tháo trộm yên xe giấu đi. Xuống lớp biết mất yên, thầy cũng chẳng tìm hỏi, cứ thế lặng lẽ dắt xe ra cổng. Rồi cuối cùng cũng có đứa chạy theo ôm cái yên xe của thầy réo rắt, bảo là bắt được ở phòng Giám hiệu đem biếu thầy! Láo thế chứ.

Còn nhớ vào mấy chục năm trước, có một sinh viên quê ở thành Nam là khách thân thiết truyền thống của quán trà cổng trường, vì y thuộc loại vẽ nhanh hết việc làm, thừa thời gian thì ra ăn kẹo, hút thuốc và uống trà chén ghi sổ. Rồi một hôm thấy bà bán quán nước đầu cổng xuất hiện ở sân trường réo tên Hiệu trưởng đòi tính sổ. Nhưng sao lại là tên thầy Hiệu trưởng? Hóa ra nó lấy tên thầy để ghi nợ. Hỏi mới biết hết khóa học nó đã biến về quê từ bao giờ rồi.

Trò thì thế, còn thầy cũng có chuyện.

Một lần trong giờ lên lớp luật viễn cận, đám sinh viên tại chức (cán bộ đi học một năm ba tháng) bám riết thầy, hỏi tử vi tướng số ngay trong giờ học. Thầy là người giỏi tử vi tướng số mà. Hỏi chán chúng quay sang tán yoga. Thầy bị cuốn theo, thị phạm trồng cây chuối cho lũ sinh đồ biết mặt! Giữa lúc đó thì thầy già chủ nhiệm xuất hiện bất ngờ gọi lớn tên thầy trẻ, bảo: “Này anh đang làm cái trò gì đấy”. Thày trẻ vội chợt tỉnh giấc yoga, mặt đỏ hơn say bia đứng phắt dậy trong tư thế chào cờ, đầu cúi im thít. Cũng may thầy chủ nhiệm chỉ hỏi thế rồi đi ra, không cần nghe trả lời, cũng chẳng cần kiểm điểm sâu sắc. Nhưng từ đấy vía bố, không thấy thầy trẻ vượt rào ra ngoài giáo án nữa.

Giảng dạy ở trường đại học, lại là trường nghệ thuật đôi lúc cũng bị bọn trò chọc ngoáy. Một lần thầy dạy lí luận văn học phân tích tác phẩm lôi ra đủ thứ tính, nào là tính dân tộc, tính Đảng, tính nhân dân, tính giai cấp, tính chiến đấu, thì ở dưới sinh viên lớp trưởng Xuân Đài nhăn nhở đế thêm: Hình như thầy còn thiếu một tính nữa. Thày hỏi thiếu tính gì? Thưa, là tính tiền ạ. Sau đó hắn lại còn cười cười: “Hay là nói đến tiền thầy ngại không dám hết ý!”. Thầy nghiêng tai nghe thấy, nhưng rồi cũng đành để nụ cười ra ngoài, cất bực mình vào trong, cho qua. Với lũ quỉ sứ tại chức này thì chỉ có cách lờ đi là hơn cả. Với lại học ban đêm, những trò đùa dai thái quá ấy cũng làm cho cả thầy cả trò đỡ cơn buồn ngủ!

3/7/2010

This image has an empty alt attribute; its file name is image-129.png

Ngôi trường 42 Yết Kiêu hôm nay, mặt mũi nó vẫn hiền lành như các sĩ tử. Nhưng nhìn cổng trường sơ sài nếu không có con số 42 thì không ai nghĩ nó là trường nghệ thuật bậc nhất nước ta.