Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2024

Đọc Nơi trú ẩn thời gian

Trần Thùy Mai

This image has an empty alt attribute; its file name is image-126.png

(Time Shelter, tiểu thuyết nhận giải International Booker 2023. Tác giả: nhà văn người Bulgaria Georgi Gospodinov)

Tiểu thuyết bắt đầu từ một buổi sáng ở Vienna, nước Áo và chấm dứt ở một thư viện tại New York. Câu chuyện lướt qua rất nhiều thành phố, nhiều quốc gia, tại rất nhiều thời điểm trong quá khứ.

Sáng hôm ấy ở Vienna, tờ báo Augustin – là báo do những người vô gia cư xuất bản – đưa tin về một phòng khám rất đặc biệt. Bác sĩ G., người chuyên chữa bệnh Alzheimer, đã trang trí phòng khám của mình theo phong cách những năm 60. Ông kiếm được đủ loại đồ trang trí – những dĩa nhạc của Beatles, áp phích quảng cáo, xà phòng, hộp thuốc lá… Sau một thời gian, bác sĩ nhận thấy nhiều bệnh nhân thích nán lại văn phòng của ông; họ trở nên vui vẻ hoạt bát hơn, nói cách khác, họ cảm thấy dễ chịu như tìm lại ký ức đã mất.

G. G., một nhà văn người Bulgaria, đã đọc bài báo ấy. Thật kỳ lạ, đây chính là những phác thảo anh đang ấp ủ trong đầu cho một cuốn tiểu thuyết mới: căn bệnh mất trí nhớ, một bác sĩ lão khoa, và liệu pháp chữa trị bằng thời gian.

Anh liền đi tìm Gaustine – vị bác sĩ mà anh tin là sinh ra từ trong ý tưởng của mình. Họ gặp nhau trong một quán rượu nhỏ dọc bờ biển. Một dự án lớn được vạch ra: sẽ xây dựng một dưỡng đường ở Zurich, Thụy Sĩ. Dưỡng đường gồm nhiều tầng, mỗi phòng trong từng tầng sẽ có khung cảnh của một thời đại, một thập niên, hoặc một năm nào đó trong quá khứ. Khi bệnh nhân Alzheimer đến, sống lại ngày tháng cũ, ký ức của họ sẽ được đánh thức. Gaustine nói ông chưa chắc chắn việc đó có chữa lành bệnh Alzheimer hay không, nhưng ít nhất cũng giúp người bệnh có những ngày hạnh phúc.

Ban đầu, những người bệnh đến đó để tìm lại dĩ vãng; nhiều người thích thú ở lâu đến nỗi dưỡng đường phải mở rộng, cho phép những người thân đến đó cùng sống với bệnh nhân. Người ta phát hiện ra rằng không chỉ bệnh nhân Alzheimer, mà hầu như tất cả mọi người đều có nhu cầu khôi phục quá khứ.

Vì vậy, Gaustine dần dần vượt xa khỏi giới hạn của việc chữa bệnh. Ông sớm thành lập những thị trấn và thành phố xa xưa – nơi ai cũng có thể đến để lấy lại những năm tháng trước đó của cuộc đời mình. Từ một dưỡng đường ở Zurich, mô hình “Nơi trú ẩn thời gian” đã phát triển sang nhiều nước, đến tận Bulgaria, quê hương của hai người.

Cuối cùng hồi tưởng đã trở thành một cơn sốt lan tỏa trên khắp châu Âu: các đảng chính trị rầm rộ ngợi ca những thập kỷ trước đây trong lịch sử quốc gia của mình. Đỉnh điểm là EU quyết định rằng, thay vì đối mặt với những điều không chắc chắn ở phía trước, mỗi quốc gia sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để chọn thập kỷ nào trong quá khứ sẽ là mô hình tạo nên tương lai của họ.

G. G. vừa phấn khích dõi theo, vừa viết: “Không một quốc gia nào từng chịu từ bỏ nỗi bất hạnh của mình. Bất hạnh là thứ rượu đã được ủ kỹ trong hầm rượu, nơi nó luôn có sẵn khi cần. Đấy là kho dự trữ chiến lược của quốc gia. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên, đã đến lúc phải lựa chọn hạnh phúc.”

Trước ngày trưng cầu dân ý, các đảng phái và các nhóm thảo luận sôi nổi về những lựa chọn được đưa ra.

Tại Pháp, rất nhiều người muốn quay lại khoảng thời gian ba mươi năm vinh quang từ 1945 đến 1975 – khi nền kinh tế đang phát triển thịnh vượng, mọi người đều yêu thích điện ảnh Pháp với Alain Delon, Belmondo, Anouk Aimée, mọi người đều ngân nga bài hát "Et si tu n'existais pas" của Joe Dassin và nói về Sartre, Camus,... Nhưng thật bất ngờ, kết quả cho thấy chiến thắng thuộc về những người đã bỏ phiếu vào đầu những năm 80, lúc Tổng thống Mitterrand sắp nhậm chức.

Tây Ban Nha chọn thập niên 1980, thời điểm vừa thoát khỏi chế độ độc tài Franco. Bồ Đào Nha chọn thập niên 1970 sau cuộc cách mạng Hoa Cẩm chướng…

Bulgaria đất nước của G. G. thì chia ra nhiều phái: phái những người luyến tiếc chủ nghĩa xã hội chọn thập kỷ từ 1960 đến 1970, trong khi những người theo chủ nghĩa dân tộc thì muốn quay lại tận năm 1876 lúc Bulgaria vừa chiến thắng đế quốc Ottoman. Sau nhiều lần do dự, Bulgaria đã chọn một đĩa hỗn hợp, một chút chủ nghĩa xã hội, và một chút phục hưng dân tộc.

Người Thuỵ Điển cảm thấy rất khó khăn. Họ hiếm khi có giai đoạn đau buồn, khiến họ đâm ra có quá nhiều lựa chọn. Đa số cử tri thích thập niên sau 1940, lúc cả thế giới đang trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, mà Bắc Âu không bị cuốn vào. Những gì đã tàn phá các lục địa lại là cơ hội tốt cho quốc gia này: nước nào cũng cần thép và các bộ phận máy móc chắc chắn của Thụy Điển để phục vụ nhu cầu thời chiến. Muốn chứng minh người dân thời ấy đã vô cùng hạnh phúc, nhiều nhà cổ động không ngần ngại trích dẫn một bản tóm tắt về bàn tiệc ngày lễ của người Thụy Điển trong những năm chiến tranh: một chiếc đùi lợn nặng 3,5 kg, pa tê gan tự làm, thịt bò nướng, lươn hun khói, thịt tuần lộc...

Nhưng, vào đêm trước cuộc bầu cử, một nhóm biểu tình đã hô vang khẩu hiệu tẩy chay: “Chúng ta không phải những con lợn!” Sự thịnh vượng như vậy là một thực tế, nhưng thật tội lỗi khi có thể thỏa mãn no nê giữa địa ngục xung quanh. Cuối cùng, Thụy Điển chọn 1970, những năm lừng lẫy của ban nhạc ABBA.

Người Đức đã bỏ phiếu cho thập niên 1980, cụ thể là vì 1989, năm xóa bỏ bức tường Bá Linh. Riêng người Thụy Sĩ muốn được sống như tại thời điểm trưng cầu dân ý. Và Romania, thật buồn, chẳng có một thời điểm hạnh phúc nào để quay về.

Sau cuộc bỏ phiếu, những quốc gia ở châu Âu cố gắng chuyển thành các phiên bản đã chọn của mình.

Thật tiếc, những chuyến bay về quá khứ vẫn không xóa bỏ được những xung đột ở hiện tại…Mọi thứ đều trở nên hỗn loạn trong ngôi nhà Châu Âu.

Tại quê hương Bulgaria của G. G. và của Gaustine, hộ chiếu quốc tế đã bị tịch thu. Hàng rào dọc theo biên giới quốc gia đã được xây dựng lại. Thời trang trên phố nhanh chóng thay đổi – phụ nữ mặc những bộ vest giống hệt nhau. Những thương hiệu quần jean cũ của Bulgaria như Rila và Panaka đã xuất hiện trở lại; cũng như ngày xưa, người ta mua chúng và xé ngay nhãn mác, may vào đó những nhãn mác từ Rifle và Levi's, mà họ mua được ở đâu chỉ có Chúa mới biết.

Giấy vệ sinh biến mất, giấy báo cắt thành những hình vuông nhỏ để thay thế. Hành động bất đồng chính kiến trước đây là sử dụng những mảnh báo có hình ảnh của một vài nhân vật để lau mông đã trở lại…

Từ Bulgaria, nhà văn G. G. chăm chú theo dõi diễn tiến sự kiện. “Tôi gọi Gaustine và chờ chuông reo rất lâu. Rồi tôi sực nhớ: Nếu anh ấy xuống phòng của thập niên 60, điện thoại di động vẫn chưa tồn tại. Tôi phải kể ngay cho anh ấy nghe những gì tôi đã thấy. Nói ngắn gọn là: một thảm họa. Nỗi sợ hãi đen tối nhất của anh ấy đã xảy ra, nỗi sợ hãi đen tối nhất của chúng tôi.”

Nhưng G. G. không bao giờ liên lạc với Gaustine được nữa. Vị bác sĩ đã biến mất, dù sau đó thỉnh thoảng trên những tạp chí chuyên môn xuất hiện một vài bài báo của ông, viết về một công trình nghiên cứu mang tên “Hội chứng vắng mặt”.

G. G. rời Bulgarria đến New York, ở đây anh viết chương cuối cùng của tiểu thuyết.

Đó là một chương khá lộn xộn, bao gồm những triết thuyết giả định, những đoạn nhật ký chắp nối, những nhận xét ngẫu nhiên: tất cả bộc lộ tình trạng sa sút về nhận thức của chính tác giả.

“Tôi đang cố gắng hoàn thành một cuốn sách về tình trạng suy giảm trí nhớ và… tôi đang gấp rút hoàn thành nó, trước khi tôi quên mất nội dung thực sự của nó."

"Chương cuối cùng của một tiểu thuyết cũng giống như ngày tận thế, tốt nhất là hãy đóng nó lại.”

xxx

This image has an empty alt attribute; its file name is image-128.png

Georgi Gospodinov được công bố là người chiến thắng "Giải thưởng Booker quốc tế 2023" tại Sky Garden, London, Vương quốc Anh, ngày 23 tháng 5 năm 2023. (Ảnh Getty Images)

Georgi Gospodinov, sinh năm 1968 ở thành phố nhỏ Yambol, là một nhà thơ trước khi chuyển sang viết tiểu thuyết.

Time Shelter là cuốn tiểu thuyết thứ ba của ông, được viết như một siêu tự sự, trong đó những lời kể của G. G., của Gaustine và cả những đoạn chen vào của chính tác giả Gospodinov đan xen với nhau. Thực ra cả ba chính là một. Tác giả đã cho biết trong một cuộc phỏng vấn sau khi nhận giải: “Tôi không muốn câu chuyện đi từ điểm A đến điểm B mà thay vào đó là lạc lối và tìm thấy.”

Tiểu thuyết được dịch ra tiếng Anh bởi nữ dịch giả Angela Rodel, ngay khi ra đời năm 2022 đã có tiếng vang trong giới học thuật. Dưới đây là một vài lời bình về nội dung tiểu thuyết Nơi trú ẩn thời gian:

Patrick Mcguinness (The Guardian): “Cuốn tiểu thuyết ra vẻ hài hước nhưng làm ta lạnh mình của nhà văn Bulgaria đã phát hiện một điều: người ta đã biến ký ức thành một thứ vũ khí. Nơi trú ẩn thời gian, dù tập trung vào những gì tưởng như đã qua, vẫn làm ta phải suy ngẫm đến những điều đang xảy ra trong hiện tại.”

Adrian Nathan West (The New York Times): “Vấn đề đạo đức của việc đưa con người trở về quá khứ một cách giả tạo, và câu hỏi rộng hơn về việc liệu điều này có thực sự mang lại niềm an ủi hay không, liệu việc đắm chìm trong hoài niệm có tác dụng chữa lành hay có hại – là câu hỏi trung tâm trong cuốn tiểu thuyết mới được dịch của Georgi Gospodinov.”

“Cuốn tiểu thuyết của Gospodinov không phải là một tác phẩm văn học hiện thực, mà là một câu chuyện ngụ ngôn về sự nguy hiểm của việc nhìn lại quá khứ và cố gắng làm cho một quốc gia nào đó (Thụy Sĩ, Thụy Điển hoặc Đức...???) vĩ đại trở lại.”

Cory Oldweiler (Los Angeles Times): “Cùng nhau, chúng ta xây dựng những tượng đài cho ký ức của mình, và chúng ta ngoan cố không muốn thẩm định lại giá trị của chúng. Điều gì sẽ xảy ra nếu xã hội chúng ta trở nên sợ hãi những gì ở phía trước đến mức chúng ta tự buộc mình phải sống lại quá khứ quen thuộc, mặc dù biết những nỗi kinh hoàng mà chúng chứa đựng và những điểm đến mà chúng sẽ dẫn tới?”.