Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Đến với triết học

Bùi Văn Nam Sơn

Dưới đây là bài của nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu bộ sách Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút của Walther Ziegler, phát biểu trong buổi gặp gỡ trực tuyến “Đức Phật, Adam Smith và những nhà tư tưởng lớn” vừa qua, 06.10.2024, kéo dài 6 tiếng với sự tham dự của hai người Đức – Dr. Walther Ziegler, tác giả bộ sách, và chị Gisa, phu nhân của TS. Lưu Hồng Khanh – và 63 người Việt từ Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Việt Nam, Úc, Nhật, Mỹ, thuộc nhiều thế hệ khác nhau.

Được anh Bùi Văn Nam Sơn cho phép công bố trên Văn Việt, chúng tôi hy vọng bài nói chuyện này cung cấp thông tin hữu ích cho những ai yêu quý triết học, nhất là các bạn trẻ.

Văn Việt

Các anh chị và các bạn thân mến,

Thật rất vui khi được tham dự buổi gặp gỡ hôm nay, và đặc biệt cảm ơn chị Phạm Thị Thúy, anh Hoa Xuân Trường đã tạo điều kiện cho buổi gặp gỡ trong khuôn khổ các chương trình Xuân do hai anh chị chủ trương từ lâu nay và tôi cũng đã hân hạnh được tham dự vài lần. Xin kính chào và hoan nghênh anh Lưu Hồng Khanh, người đàn anh trong lĩnh vực triết học của chúng ta và cũng là người có công đầu trong việc giới thiệu bộ sách quý 24 nhà tư tưởng lớn trong 60 phút do mối duyên tao ngộ với tác giả là Dr. Walther Ziegler. Tất nhiên chúng ta đặc biệt cảm ơn và chào mừng tác giả Walther Ziegler cũng có mặt trong buổi gặp gỡ thật ấm cúng này. Xin chia vui chung với tất cả các bạn cố tri đã tham gia dịch thuật rất nhanh chóng và tài tình 24 quyển sách. Chắc hẳn công việc này cũng đã mang lại một niềm vui tinh thần nho nhỏ cho các bạn. Về phần chúng tôi trong nước, thì lại có sự sung sướng được là người độc giả đầu tiên của bản dịch và đóng góp chút ít để góp phần trang điểm cho các bản dịch và vận động thúc đẩy để bộ sách được sớm ra mắt với người đọc Việt Nam qua sự đóng góp rất tích cực của anh Hoàng Phú Phương là tổng biên tập Nhà sách Văn Lang, cơ sở đầu tư cho bộ sách này.

Trở lại với bộ sách, bên cạnh 22 nhà tư tưởng lớn thuộc thế giới tây phương, vốn là sở trường của tác giả, cá nhân tôi thật bất ngờ và thích thú khi được đọc hai quyển về hai bậc đại hiền triết phương Đông là Đức Khổng và Đức Phật vốn ít nhiều xa lạ và không dễ tiếp cận đối với người phương Tây. Thế mà thật không ngờ tác giả Walther Ziegler chỉ trong vòng 100 trang giấy nói được những điều cần nói về hai bậc hiền triết này, cải chính không ít những ngộ nhận đồng thời gợi mở nhiều suy nghĩ và ưu tư rất thú vị và bổ ích cho tương lai. Bên cạnh sự tán thưởng chung, cá nhân tôi xin đặc biệt ca ngợi và khâm phục tác giả khi viết về Đức khổng và Đức phật. Lát nữa đây, chúng ta sẽ được nghe hai dịch giả đầy thẩm quyền là anh Nguyễn Tường Bách và anh Tôn Thất Thông chọn lọc giới thiệu quyển Đức Phật và quyển Adam Smith, tiêu biểu cho hai lối triết lý, một bên “điều tâm”, một bên “trị vật”, nhưng đều thấm đẫm tinh thần nhân đạo và khai phóng. Tiếc rằng thời gian không cho phép để được nghe thêm về Đức Khổng qua ngòi bút dịch nhuần nhuyễn, thật xứng danh là ông Đồ Nghệ Lưu Hồng Khanh. Thời gian qua ngẫu nhiên khi đến thăm một số gia đình, tôi thấy có sự hiện diện của các tác phẩm này rải rác trong phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ. Thậm chí một số em nhỏ ở tuổi lên 10 như trường hợp các con của anh Hoàng Phú Phương đã bắt đầu biết dùng những thuật ngữ triết học cao siêu như thực thể, bản ngã… thật dễ thương, là những dấu hiệu thú vị cho sức lan tỏa của bộ sách.

Trong buổi gặp gỡ hôm nay, để góp phần trả lời câu hỏi quen thuộc là ta nên đến với triết học như thế nào hay nói cụ thể hơn, thử “định vị” công trình Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút trong thế giới chữ nghĩa nói chung, tôi xin đóng góp vài ý kiến thô thiển, vừa minh họa con đường chúng ta sẽ đi, cũng như những công việc mà tất cả anh em chúng ta đang làm hiện nay để đóng góp vào con đường ấy. Khác với việc thưởng thức văn chương hay nghệ thuật, tức ta có thể chọn một quyển truyện, một tập thơ, một bộ phim, một bản nhạc yêu thích cũng là tạm thỏa mãn đối với người không chuyên, nhưng bước vào triết học thì khó khăn và rắc rối hơn. Ta không thể tìm hiểu một nhà tư tưởng mà không biết những nhà tư tưởng trước và sau đó. Mỗi triết gia là con đẻ của thời đại mình; nhưng tiếp thu và chịu ảnh hưởng của những người đi trước và sẽ bị người đời sau khen, chê, theo hoặc chống, tất cả dính líu với nhau trong một truyền thống kéo dài hàng ngàn năm. Vì thế không thể tách một triết gia ra khỏi toàn bộ lịch sử tư tưởng. Vả chăng, tư tưởng không chỉ hay mà còn nguy hiểm nữa, như có người bảo: Thật không có gì nguy hại bằng chỉ đọc và tin vào một quyển sách hay chỉ biết đến một tác giả duy nhất!

Tôi tạm ví triết học với một khu rừng rậm rạp, gồm nhiều tầng lá, nâng đỡ, che chở và bảo bọc cho nhau. Và cũng thật khó bảo rằng tầng lá nào là quan trọng hay cơ bản hơn tầng lá nào; tất cả đều tùy vào căng cơ và điều kiện chủ quan của mỗi người đọc. Tuy nhiên, để dễ hình dung, tôi xin phép dùng vài từ vui vui để miêu tả việc đến thăm một khu vườn rừng triết học thu nhỏ (xây dựng vườn rừng đang là một phong trào thịnh hành của các “tay chơi” Việt Nam hiện nay!) như sau đây:

- “Quán viên” (thăm vườn): Ta bước chân vào vườn (nhập môn) thấy ngõ trước, ngõ sau, cảnh quan nói chung, lưu ý những khu có hoa thơm cỏ lạ để tạo nên cảm giác thích thú ban đầu. Có lẽ đó là công việc thật thú vị của bộ sách Những nhà tư tưởng lớn trong 60 phút. Đừng tưởng công việc “quán viên” là dễ! Phải có những người sành sỏi mới hướng dẫn ta trong bước đầu này. Vì thế loại sách nhập môn này thường phải do những tay đại bút cán đáng. Cũng được xếp vào loại sách nhập môn để xem toàn cảnh khu vườn triết học là những bộ lịch sử triết học tương đối bao quát nhưng không dài lắm, chẳng hạn bộ Lịch sử triết học Tây phương (hai tập) của Johannes Hirschberger đã được ấn hành vào năm 2021. Tập 1 do Dương Anh Xuân chủ trì, cô nàng cũng đang có mặt trong zoom này, tập 2 do Vũ Hoàng Lan Phương chủ trì, hiện đang học triết (“bỏ cày theo tiếng loa vang!”) tại Đại học Jena.

Đối với các bạn sử dụng tiếng Đức, có thể tìm, hàng trăm đầu sách thuộc loại này theo đường link sau đây: https://www.lehmanns.de/listing/1488-zur-einfuehrung-die-wichtigsten-baende

- “Thăng đường” (vào sân): “Vào sân” là bắt đầu tiếp cận với từng triết gia một cách có hệ thống hơn, trong đó ta được giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển tư tưởng của triết gia ấy và được giải thích cặn kẽ những thuật ngữ hay vấn đề hóc búa, thường gây khó hiểu nơi mỗi tác giả. Loại sách này có tính giáo khoa, thường dành cho các sinh viên chuyên ngành hoặc những độc giả thật sự có quan tâm đến triết học. Loại sách này rất nhiều nhưng việc chọn lựa lại không dễ dàng. Hiện chúng tôi đã chọn lọc được một bộ gồm hàng trăm đầu sách trong đó một nửa dành để giới thiệu cặn kẽ các triết gia, một nửa dành để giới thiệu các trường phái triết học. Hiện chúng tôi đã chọn được trong đó khoảng 50 đầu sách về các triết gia chia làm nhiều đợt, mỗi đợt độ 5-10 triết gia, đó là bộ A Guide for the Perplexed, tạm dịch sang tiếng Việt cho có phần hấp dẫn là “Giải mã”. 5 quyển đầu tiên trong đợt 1 (gồm: Thomas Aquinas, Hannah Arendt, Hobbes, Locke, Freud) đang hoàn tất và sẽ được Công ty sách IRED (thuộc Viện Phát triển Giáo dục) đầu tư và phát hành. Bộ sách này sẽ lần lượt ra mắt bạn đọc trong vòng 3-5 năm, sau đó sẽ chọn lọc ở mảng các trường phái triết học. Xem đường link sau đây:

https://www.bloomsbury.com/us/series/guides-for-the-perplexed/

Sở dĩ phải chọn bản tiếng Anh, vì trong nhóm hiện nay chỉ có 4, 5 anh chị em có thể dịch thẳng từ tiếng Đức. Đối với các bạn sử dụng tiếng Đức, có thể tham, khảo loại sách này theo hai đường link sau đây:

https://www.amazon.de/Einf%C3%BChrung-die-Philosophie-Arno-Anzenbacher/dp/3451278510

https://www.beck-shop.de/reihen/becksche-reihe-bsr-denker/274?srsltid=AfmBOooTEUQFTYZPGCNszUhKf1xYPhz_feJ7flC8B2JBLQGWa_RFtEIE

Một công trình thuộc loại “thăng đường”, nhưng có giá trị đặc biệt, bởi đây là của một đại triết gia viết về các đại triết gia, đó là bộ Các triết gia vĩ đại (Die grossen Philosophen) của Karl Jaspers (bạn của Heidegger, thầy của Arendt), gồm nhiều tập, nhưng tập 1 là quan trọng nhất, gồm 7 bậc thầy “mẫu mực”: Socrates, Phật, Khổng, Jesus, Plato, Augustin, Kant). Tập 1 này đã được dịch giả Như Huy dịch sang tiếng Việt từ bản tiếng Anh và sẽ được nhà sách Nhã Nam ấn hành vào đầu năm 2025.

- “Nhập thất” (vào nhà): Đây là loại sách chuyên sâu hơn, không tập trung vào tác giả mà vào các tác phẩm kinh điển nổi tiếng khó đọc và khó hiểu nhưng rất quan trọng. Hiện chúng tôi đã tìm được một bộ 9 quyển Edinburgh Philosophical Guides, xem đường link sau đây: https://edinburghuniversitypress.com/series-edinburgh-philosophical-guides/), tạm dịch sang tiếng Việt cho hấp dẫn là Cẩm nang đọc quyển… do Công ty sách Thời Đại đầu tư và phát hành, hiện đã dịch xong ba quyển trong bộ này, gồm Cẩm nang đọc Về văn pháp học của J. Derrida (On Grammatology, Hoàng Phú Phương dịch); Khác biệt và tái lập của G. Deleuze (On Difference and Repetition, Hoàng Phú Phương dịch); Phê phán lý tính thuần túy của I. Kant (Kant’s Critique of Pure Reason, Nguyễn Duy Thanh dịch). Sáu quyển còn lại cố gắng hoàn thành trong 1-2 năm tới. Cũng thuộc loại sách “Cẩm nang đọc” này là hai công trình: Triết học Habermas (The Philosophy of Habermas) của Andrew Edgar do Nguyễn Duy Thanh dịch để người đọc dễ tiếp cận với tác phẩm kinh điển của Habermas như sẽ nói ở phần sau và quyển Cẩm nang đọc chân lý và phương pháp (Wahrheit und Methode, A Polyphonic Commentary), do Cynthia R. Nielsen và Greg Lynch chủ biên) do Nguyễn Sĩ Nguyên dịch để giúp người đọc dễ tiếp cận tác phẩm chính Chân lý và Phương pháp (Wahrheit und Methode) của Hans-Georg Gadamer) như sẽ nói ở phần sau. Quyển trước đã dịch xong, sắp xuất bản, quyển sau đang hoàn thành trong tháng 11 này, và cả hai sẽ do Công ty sách IRED phát hành.

Với các bạn sử dụng tiếng Đức, có thể đào sâu thêm qua loạt sách sau đây: https://www.beck-shop.de/reihen/klassiker-

auslegen/27314?srsltid=AfmBOorEK0ahgBtfnqgPf6UO7CNEggOhKaOzjZqV3rNp2VT1ZwT6gWfr

- “Song thoại” (hầu chuyện trực tiếp với triết gia): Muốn thực sự được tiếp chuyện với các cụ không thể không đọc chính tác phẩm của các cụ ấy, đây là phần khó khăn và hấp dẫn nhất khi phải leo dốc, ngước nhìn rồi thử leo trèo lên những cây đại thụ trong khu vườn triết học. Bên cạnh các tác phẩm của Kant, Hegel, Husserl và Max Weber trước đây… hiện đã thanh toán xong hai cây “đại thụ”:

+ Lý thuyết về hành động tương giao (Theorie des kommunikativen Handelns), hai tập của Jurgen Habermas, do Vũ Hoàng Lan Phương dịch từ nguyên bản tiếng Đức (đọc kèm với quyển Triết học Habermas nói trên). Công trình đồ sộ này đã kịp hoàn tất trước khi dịch giả sang Đức du học và đang chờ IRED xuất bản.

+ Chân lý và phương pháp (Wahrheit und Methode) của Hans-Georg Gadamer, tác phẩm chính của Gadamer, tiền phong của môn thông diễn học hiện đại do Nguyễn Sĩ Nguyên, Đặng Thị Hồng Nhung và Hoàng Phú Phương dịch từ nguyên bản tiếng Đức, sẽ hoàn tất trong năm nay (đọc kèm với quyển Cẩm nang đọc chân lý và phương pháp nói trên).

- Các bài giảng về triết học lịch sử (Vorlesungen über die Philosophie der Geschichte) của Georg Wilhelm Friedrich Hegel do Nguyễn Duy Thanh dịch từ nguyên bản tiếng Đức (sẽ hoàn thành vào cuối năm nay).

- Tồn tại và thời gian (Sein und Zeit) tác phẩm chính của Martin Heidegger, do Bùi Văn Nam Sơn, Hoàng Phú Phương dịch và chú giải (sẽ hoàn thành vào cuối năm nay).

- Tôn giáo bên trong ranh giới của lý tính đơn thuần (Die Religion innerhalb der Grenzen der bloßen Vernunft) của Immanuel Kant, do Hoàng Phú Phương dịch từ nguyên bản tiếng Đức (hoàn thành trong năm tới).

Một tin vui nóng hổi: tác phẩm chính nổi tiếng của Arthur Schopenhauer (được anh Bách nhắc tới khi nói về ảnh hưởng của tư tưởng Ấn Độ và Phật giáo lên tư tưởng Đức) là Thế giới như là ý chí và biểu tượng (Die Welt als Wille und Vorstellung), hai tập, ngót 2000 trang vừa ra mắt bạn đọc trọn bộ do Thượng tọa, TS Thích Nguyên Pháp dịch từ bản tiếng Anh và tiếng Trung, công ty Trustbook của anh Hoàng Phú Phương ấn hành. Sách rất hay và rất đẹp, các bạn có thể đặt mua trực tiếp nơi anh Phương.

Ngoài ra, để vững tâm bước vào nhà các cụ, ta cần có thêm ít nhiều sách công cụ, đó là từ điển. Thời gian qua anh em trong nước đã dịch được bốn quyển: Từ điển triết học Kant, Từ điển triết học Hegel, Từ điển Habermas, Từ điển Gadamer. Hiện nay còn một bộ từ điển rất chuẩn của Đức, đó là bộ Metzler Philosophie, đang được ông bạn già Tô Tuấn Lưu o bế và chủ trì, quyển này gồm hơn 2.000 mục từ, đến nay đã hoàn thành hơn một nửa, hy vọng sớm hoàn tất trong thời gian tới. Mong lắm thay!

Thưa các bạn, trước rừng sách triết học đông tây, việc làm của chúng ta trong thời gian qua thật là như muối bỏ biển. Mong có sự tiếp sức của các thân hữu gần xa bằng cách giới thiệu những sách hay nên dịch và mở rộng hơn nữa số anh em sẵn lòng tham gia công việc dịch thuật vất vả này. Bực mình khi thấy tiếng Đức triết học vẫn còn lẹt đẹt so với tiếng latinh và tiếng Pháp, cụ Hegel muốn “bắt triết học phải nói tiếng Đức” nhờ đó mà có ngôn ngữ triết học Đức ngày nay. Chúng ta không dám có cao vọng “bắt triết học phải nói tiếng Việt”, nhưng dù sao đó cũng là việc đáng làm và cần làm dù phải chờ đợi sự đóng góp công sức của nhiều thế hệ. Ngẫm lại phận mình, “gánh nặng, đường xa, trời lại đã về chiều” (nhiệm trọng, đạo viễn, nhật mộ), lũ bạn già chúng ta và cả lão già mù này không biết còn tiếp tục được vui chơi với bạn hữu và chữ nghĩa được bao lâu nữa! Vậy, xin học theo lời của người Pháp: “Hãy vội vã một cách từ từ!” (Hâtez-vous lentement!). Sực nhớ hai câu chỉ dạy thâm thúy của Chu Hy trực tiếp liên quan đến chuyện ta đang bàn, xin tặng các bạn: “Cư kính trí chí, thị độc thư chi bản; tuần tự chí tinh, thị độc thư chi pháp” . (Gốc của việc đọc sách là nghiêm chỉnh, quyết tâm, còn phép đọc sách là tiến dần từng bước đến chỗ tinh tường).

Thân ái, mến chào tất cả.