Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2024

Dòng nhạc kỷ niệm với nhạc cũ miền Nam (kỳ 307): Tuyển Tập Nhạc – Nhạc Tiền Chiến – Chinh Phụ Ca – Phạm Duy

 T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện (2024)





Chinh Phụ Ca – Nhạc và Lời: Phạm Duy

Ca sĩ trình bày: Hà Thanh

Đọc thêm:

Đêm Thu
Nghe Nhạc Phạm Duy

Bùi Bảo Trúc

Trong bốn mùa, Thu là mùa thơ mộng nhất, được nghệ sĩ yêu thích nhất. Vì vậy, các sáng tác lấy cảm hứng từ mùa Thu thường chiếm đa số so với ba mùa còn lại. Trong lãnh vực tân nhạc, nhắc đến Thu, mình có thể nghĩ ngay đến Thu của Nguyễn Văn Khánh, mang quá nặng âm hưởng của Stormy Weather nếu không nhờ hình ảnh lướt thướt bao áng mây Thu vàng kéo ta trở về Đông phương. Một bài khác về Thu được nhiều người ưa thích chính là Buồn Tàn Thu của Văn Cao. Bài hát có nhiều hình tượng thật đẹp nhưng… hỏng về nhạc.

Lúc đó, có lẽ Văn Cao còn non tay và viết theo cảm hứng liên miên bất tuyệt, rồi chợt thôi. Bài hát này hỏng vì chủ điểm khởi lên bất ngờ nhưng miên man không dứt mà lại có thể kết thúc bất cứ nơi nào. Mình cứ nghe thử lại mà coi, bài hát có thể dứt bất ngờ mà chẳng mất gì: mỗi đoạn lại là một bức tranh đẹp, kết hợp làm một mà thiếu giai điệu chủ đạo, thiếu cái nét chính trong toàn tác phẩm, thiếu cái khí Thu. Đây là ca khúc tả tình hơn tả cảnh, và không có cái hơi Thu đằng đẵng của Trường ca Sông Lô:
Sông Lô!
Sông ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu…

Chúng ta không biết phần đóng góp của Phạm Duy trong Suối Mơ của Văn Cao gồm những gì, nhưng, về nhạc thuật, ca khúc này rõ ràng là có carrure hơn, khai mở và kết thúc đâu ra đấy…
Suối ơi, bên rừng Thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng…

Một ca khúc nữa về Thu, cũng được rất nhiều người ưa chuộng, có gặp nhược điểm của Buồn Tàn Thu, đó là Tiếng Chuông Chiều Thu của Tô Vũ. Bài hát này mà được cắt vài đoạn – là điều Vũ Thành đã làm năm xưa, trong hòa âm của ông – thì thật tuyệt!

Nhưng vì sao, hình như nói về Thu, ta cứ hay nhớ đến các ca khúc “tiền chiến” như vậy? Phải chăng sau đó mùa Thu đã tàn tạ, hoặc đã “Nam tiến” và hòa vào hai mùa nắng mưa trong Nam? Thu Vàng của Cung Tiến là ca khúc ông không thích lắm, dù nhiều người cho là hay nhất, vì gợi lại hơi Thu của Hà Nội. Nhớ Hà Nội là chúng ta lại rộn ràng hát Thu Vàng với niềm luyến tiếc, nỗi bâng khuâng nhè nhẹ.

Nhắc đến Buồn Tàn Thu của Văn Cao chúng ta nhớ lại hình ảnh nàng chinh phụ ngồi đan áo, nhìn mùa Thu của đất trời và tuổi thanh xuân của mình lui dần vào Thu. Có tiếng động ngoài cửa là nàng lại ngoái nhìn, rồi lại tuyệt vọng. Vẫn chưa phải là chàng. Nên đành nghe mùa Thu rớt, rơi trên lá vàng… Gần như cùng một thời kỳ đó, với cùng chủ đề, một ca khúc khác đã xuất hiện mà thời nay ít người còn nhớ. Chính là Chinh Phụ Ca, của Phạm Duy.
Từ chàng ra đi
Lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ

Bài này ít được chúng ta nhớ có thể vì ngôn ngữ cổ phong, ý tứ diễm lệ với hình ảnh được cách điệu hóa về chinh nhân, nhưng là một bài cực hay về cả từ lẫn nhạc. Ca khúc không nói gì về Thu, mà nghe vẫn ra mùa Thu, kể cả câu cuối:
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Đem theo biết bao nhiêu ngày vàng.

Ngày vàng đó có thể là những đêm ngà ngọc sau bao tháng ngày xa vắng, nhưng mình nghe vẫn thấy phảng phất hương Thu tỏa nắng vàng trên giây phút đoàn tụ. Một ca khúc nữa, có thể được Phạm Duy sáng tác trong cùng thời kỳ, ngày nay cũng bị lãng quên. Đó là Thu Chiến Trường.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, biến cố 19 tháng Tám được gọi là “Cách mạng mùa Thu” và mùa Thu vì vậy được đem vào rất nhiều hành khúc, thí dụ điển hình là Nhạc Tuổi Xanh (Một mùa Thu năm qua cách mạng tiến ra… ) Nhưng, khác hẳn những bản hùng ca lấy mùa Thu làm cái cớ, chính trị hóa mùa Thu, bài Thu Chiến Trường của Phạm Duy vẫn hùng mà lại có không khí bi thảm lạ thường, như báo trước những hoạn nạn chính trị sẽ xảy ra cho người nhạc sĩ vào thời kỳ tham gia kháng Pháp. Đây là một ca khúc “phản chiến” trước khi từ này được phát minh vì thường nhắc tới cái chết cùng với ước vọng hòa bình. Thực ra, mùa Thu chẳng là mùa của sự tàn tạ để chuẩn bị cho mùa Xuân đó sao?
Thu ơi Thu, ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái hòa cho muôn chúng ta.

Ngày nay, hình như chỉ còn Kim Tước nhớ và hát lại ca khúc này, một trong những bài hát về Thu độc đáo, vừa ngợi ca kháng chiến vừa ước mơ thanh bình, với nhịp trầm hùng, mà vẫn có nét bi thảm, giai điệu rất cổ mà có những chuyển khúc thật mới.

Bồi hồi nhớ lại thì hình như mình phát giác ra một điều… Hãy nghe lại Chinh Phụ Ca Thu Chiến Trường của Phạm Duy rồi Buồn Tàn Thu Thu Cô Liêu của Văn Cao, chúng ta thấy cuộc đời của hai người bạn nhạc quả là tương phản. Phạm Duy đam mê hơn nhưng nhân bản hơn, và nhất là lạc quan hơn. Cho nên, ngay giữa sự chết chóc trong biên khu, ông đã muốn hát câu thái hòa cho mọi người, ông đã nghĩ đến ngày chinh phu trở về trên ngựa hồng cùng nàng chinh phụ. Đêm Thu ở nơi đây mà nghe lại những ca khúc đó, mình hiểu vì sao chỗ của ông không thể là ở trong núi rừng Việt Bắc để rồi “kháng chiến thành công” sẽ trở về Hà Nội như một chính ủy hay Tổng thư ký hội Nhạc sĩ của cộng sản được! Như trong bài Tiếng Hát Lênh Đênh của Lương Ngọc Châu và Tử Phác, khi người ta nghe ầm vang lên tiếng chiến chinh, thì Phạm Duy lại… mơ làm diều mang sáo thanh bình… Cái tội “không oán thù” đó to lắm.

Nhưng, đang nhớ về Thu mà nói chuyện đó, đâm mất thú!

*

Một ca khúc nữa của Phạm Duy, Đường Chiều Lá Rụng, được ông viết sau này, cũng gợi nhớ đến Thu:
Chiều rơi trên đường vắng
Có ta rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng,
Theo làn gió đìu hiu…

Không phải vạt nắng hay làn gió đìu hiu, mà cũng chẳng vì:
Lá vàng bay, lá vàng bay
Như dĩ vãng gầy,
Tóc buông dài,
Bước ra khỏi tình phai

… mà cũng chẳng vì những chiếc lá vàng rơi, lá vàng rơi…

Bài hát gợi lên cảm xúc về mùa Thu của đời người, khi chuyện tử sinh đã lởn vởn trước mắt với sự dịu dàng, bình thản. Đây là một ca khúc trác tuyệt nhất của Phạm Duy mà mình chỉ nên nghe vào một đêm Thu thật sâu. Lời ca sang trọng, cao quý, đầy nét siêu thực về nhân sinh thì chỉ nên nghe và nên ngẫm vào mùa Thu. Mình cứ tưởng tượng là Phạm Duy viết bài này khi ông đã trọng tuổi. Thực ra không, ông viết bài này khi ở tuổi trung niên, với thân thể và trái tim của một tráng niên. Giữa Sàigon ngột ngạt không khí chiến tranh mà nghe Đường Chiều Lá Rụng thì chẳng thấy là mình văn minh lắm sao! Hãy nghe Hà Nội thời bình hát ngày nay thì thấy. Ngoài Dương Thụ, Phú Quang hay Trịnh Công Sơn, mình hiếm thấy gì lọt tai… Có lẽ phải một thế hệ nữa.

Phạm Duy nổi tiếng nhất ở công trình cải biên dân ca, điều này, chúng ta quên rồi. Phạm Duy cũng nổi tiếng ở nhạc tình, điều này, có lẽ ai cũng nhớ vì ai chả có lúc mượn lời ca của ông để tỏ tình của mình! Nhưng, đêm nay, có hai bản tình ca vào Thu của ông đáng được nhắc tới, hơn cả bài Nước Mắt Mùa Thu. Vì cả hai đều lấy cảm xúc từ thơ Pháp. Nước Mắt Mùa Thu là khúc bi ca bốn mùa, buồn thương từng kiếp nằm trong mộ réo tên người đời quên. Nghe lại bài này, ta nhớ nhất giọng ca buồn bã vào trong đời úa, nhớ thương một tiếng hát, một đời ca sĩ hát trong buồn tênh hơn là nhớ về mùa Thu. Hai bài kia mới có hơi Thu rất lạ.
Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo…
Em nhớ cho,
Mùa Thu đã chết rồi….
Em nhớ cho, em nhớ cho…
Đôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa
Trên cõi đời này
Trên cõi đời này…

Đó là một, Mùa Thu Chết, lấy cảm hứng từ bài thơ vỏn vẹn năm câu L’Adieu của Guillaume Apollinaire. Bài kia là Thu Ca Điệu Ru Đơn, ông cảm dịch từ thơ Verlaine nhưng thổi vào đó một khí Thu tệ tái rã rượi hơn.
Mùa Thu nức nở tiếng thở dài…
Tiếng vĩ cầm,
Buồn ơi mùa Thu ơi!
Lòng ta khốn khổ với mỏi mòn
Tiếng Thu buồn,
Buồn ru điệu ru đơn…

Chẳng cần biết hai bài thơ đã gợi hứng cho ông mình đã thấy hay. Biết hai bài thơ đó rồi, lại càng thấy thần tình hơn. Cái langueur monotone qui coule dans mon coeur của Verlaine nó tan biến đâu mất, mà mình cũng chẳng cần biết hoa “thạch thảo” là bruyère hay là gì khác, vì nó đã thành một chùm hoa mùa Thu của Việt Nam. Hai bài thơ chỉ gợi lên nỗi rung động của Phạm Duy về mùa Thu, và nỗi rung động đó hoàn toàn thoát khỏi thơ Tây để tạo ra một cảnh sắc khác, hoàn toàn khác.

Đêm Thu nghe tiếng vĩ cầm và tiếng thở dài nức nở, không ai liên tưởng đến một cabaret hay phòng nhạc của Tây phương, hoặc những vẫn thơ lãng mạn của Paris thời xưa mà chỉ thấy quặn đau niềm đau trước mắt, ở nơi đây. Hai ca khúc trở thành hoàn toàn Việt Nam và khí Thu cũng hoàn toàn Việt Nam, nghẹn ngào mà đầy não tính của một thành phố khắc khoải trong chiến tranh.

Từ Thu Chiến Trường viết thời kháng chiến âm u cho đến Thu Ca Điệu Ru Đơn viết tại Saigòn u ám, mùa Thu đã biến dạng, trở nên gần gũi hơn. Như từ một bức tranh cổ, nàng Thu đã bước xuống, vít lấy đầu chúng ta, để giọt lệ lã chã rơi, nóng hổi, trong tiếng vĩ cầm ai oán nức nở.

Sau này, Phạm Duy còn sáng tác một ca khúc không còn Thu, dù tên là Nghìn Thu. Nghìn Thu đó là thiên thu, là đời người vĩnh cửu, là khi ta đi về coi chung. Kẻ viết bài này trộm nghĩ rằng đó là bài “đạo ca thứ mười một”, trong nhịp ba bốn rộn ràng về đời người, không phải về mùa Thu của thi nhân.

Một ca sĩ nổi tiếng của Hoa Kỳ là Bing Crosby, có nói như sau về một bậc sư của nhạc Jazz, Louis Armstrong: “Louis Armstrong là khởi đầu – và cũng là kết cục – của âm nhạc tại Mỹ.”

Nói như vậy về Phạm Duy, dĩ nhiên, nhiều người sẽ ngạc nhiên, có khi nổi giận. Nhưng, xin nghe lại mà xem. Trong tháng tới đây, khi khí Thu đã già, hình như mình sắp có một buổi trình diễn nhạc Phạm Duy tại miền Nam California. Mãi rồi cũng phải có một lần, xin hãy đến nghe và tự hỏi lòng mình, rất thành thật: sau ông, còn mấy ai?..

Thu ơi, buồn vô hạn.

(Nguồn: Phamduy2010.com)