Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

Fosse

Phan Lặng Yên

. Ủa Jon Fosse mới đoạt Nobel văn chương hả bà con?

Tôi nghĩ ông này là tiếng nói đáng chú ý nhất trong làng văn chương đương đại, mặc dù tôi cũng chẳng tin tưởng nhận định đấy lắm. Thú thật tôi không đọc nhiều văn đương đại, thậm chí tôi né mọi thứ "đương đại". Còn nhớ hồi Marcel Duchamp đặt phịch cái bồn tiểu vào giữa triển lãm, giới nghệ thuật sốc tận óc, nhưng tôi nghĩ ông cũng có cái lý – ông đang thách thức thứ gì gọi là nghệ thuật và sự xung đột giữa khái niệm và ngoại diện của một tác phẩm. Thời đại trôi qua, bây giờ các nghệ sĩ đẩy sự thách thức đó đến cực hạn. Có ông ị ra mấy hộp cứt đem bán, giới sưu tầm đổ xô vào trân quý, tôi thấy hơi bị lố. Gần đây có ông lấy tiền bảo tàng xong gửi cho mấy cái khung tranh trắng trơn, bảo tác phẩm này nói về sự phá vỡ hợp đồng, tôi bó tay.

Nhớ hồi "Ulysses" của James Joyce mới in – cái cuốn bây giờ được coi là kiệt tác văn chương hay nhất bằng tiếng Anh đấy – giới phê bình từ Đông sang Tây thi nhau vừa bình vừa bịt mũi. Dòng ý thức ý ngủ đọc mắc mệt, đã vậy còn ba cái trò ái ân banh mông ngửi rắm các kiểu, xong các thứ ị, đái, ngoáy mũi ối giời ơi. Nhà văn Anh Alfred Noyes kêu này là "cuốn sách thúi địt nhất từng được in ra", điển hình cho cái thứ gọi là "Chủ nghĩa Bolshevik của thời đại". Bên Bolshevik cũng chửi nốt – nhà văn Nga Karl Radek kêu này là cái ung nhọt thối rữa của chủ nghĩa tư bản giãy chết, "một đống cứt đầy sâu bọ được chụp qua kính hiển vi". Cấm tiệt, ai sở hữu cuốn này là phạm tội. Xong chục năm sau ở Mỹ mới có ông thẩm phán gỡ lệnh cấm, chả phải vì giá trị văn chương gì, ông bảo cuốn này không phải văn chương khiêu dâm vì nó không gây "hứng tình" mà gây "hứng ói" – làm người ta mắc ói không phải cái tội.

James Joyce thật ra cũng đang làm cái việc thách thức giới hạn của văn chương, thứ gì phù hợp hay không hợp cho vào sách vở. Tôi nghĩ ông cũng có lý, mấy chỗ bị phản đối, thật ra tôi thấy cũng buồn cười.

Rồi đến thời đại này, có ông đạo diễn người Séc-bi đẩy cái thách thức đó đến tột cùng. Ông làm ra cái phim mà mới đầu phim có cảnh em bé mới sinh còn dây rốn, xong có đứa quậy tưng đứa bé rồi hét lên "Newborn Porm!". Éc, tôi nhợn hết gai ốc. Ông bảo phim này thách thức giới hạn của những chuẩn mực xã hội và thể hiện thông điệp chính trị về tình cảnh của đất nước Séc-bi. Tôi mà gặp cái ông này, tôi sẽ quăng cho hộp cứt vào mặt.

Rồi vấn đề thì giờ, sức lực. Càng có tuổi, tôi càng cảm nhận sự hạn hữu của thời gian. Tôi cầm cuốn "Tạp âm trắng" của Delillo, được xem là một trong những tên tuổi to bự của làng văn đương đại, tôi tưởng nó nói về tạp âm trắng, không, bản thân nó là cái tạp âm trắng. Tôi lội qua một cái mớ nùi hỗn độn tạp âm vô nghĩa để tìm ra ông muốn nói gì, giống như đãi cát tìm vàng, nhưng thay vì một đụn cát, nó là một dãy núi cát, thay vì vài hạt vàng, nó là một hột vàng bé bằng cục cứt mũi. Thì tôi hiểu như thế là cố tình, hậu hiện đại thì phải đặt dấu hỏi/thể hiện mối giằng xé giữa con người với hiện thực, với công nghệ, với chủ nghĩa vật chất. Chắc cái hột vàng bé tí cũng có giá trị, nhưng cứ tưởng tượng lượng thì giờ bỏ ra so với thành quả có được, tôi nản hết sức.

Nói chung trước các thứ "đương đại"/"hậu hiện đại", tôi biết mình là một người cảm thụ rất hạn chế. Chủ yếu tôi bị tá hỏa – sao ai cũng muốn thách thức, khiêu khích các giới hạn, đẩy xa các chuẩn mực... nhiều lúc tôi chỉ muốn tìm đến sách để được an tĩnh suy tư... Tôi hay cảm tưởng như mình là một hành khách lẻ loi trên sân ga chiều, khi ánh mặt trời sắp tắt mà con tàu của tư tưởng thời đại đã bỏ tôi đi xa lắc rồi.

. Quay lại với Fosse.

Một lần khi mệt rã rời, nơ-ron không còn xử lý nổi từ ngữ, tôi chỉ muốn đọc cái gì thật đơn giản. Tình cờ thấy cuốn Septology với bìa sách trơn chỉ có tựa với tên tác giả, tôi nghĩ chắc nó sẽ cho tôi thanh thản. Mở ra đọc vài chữ thấy dễ chịu, rồi cứ thế đọc tiếp, cứ như một dòng chảy cuốn đi, nhịp nhàng đều đặn, chân phương và mê man, tựa như một khúc ru, như được vỗ về giữa sóng biển, hết đợt này đến đợt khác, êm ái, tĩnh lặng, và thiền định. Bây giờ từ "dreamy" (ảo ảnh như cơn mơ), "lyrical" (dịu dàng như điệu nhạc), "minimalist" (tối giản), "profound" (sâu sắc) bị dùng tá lả cho tất cả mọi thứ, nên mất dần ý nghĩa, nhưng lúc đọc cuốn này, tôi khám phá lại cảm giác như vậy – như bước vào một cơn mơ trầm lắng, riêng tư, tĩnh tại. Sau này tôi mới biết hiệu ứng spiritual (tâm linh) / ethereal (siêu trần) từ lời văn của Fosse, cũng là điều nhiều người chia sẻ.

Fosse là tên tuổi lớn ở Châu Âu, chắc là kịch tác gia được dựng kịch nhiều nhất ở Châu Âu hiện nay. Tôi mà biết vậy thì đã không đọc rồi. "Đương đại", tôi biết có Karl Ove Knausgård, cũng là tên tuổi to bự của Na Uy, hai ông cũng biết nhau – Knausgård từng là học trò của Fosse. Mà Knausgård tôi đọc ngán lắm, kiểu như văn chương lai láng vô bến bờ trong khi tôi chỉ mong cho tôi cái bến bờ neo lại chút minh mẫn sắp tàn. Knausgård tối đa (maximalist) bao nhiêu thì Fosse tối giản (minimalist) bấy nhiêu. Văn Fosse chậm rãi, tĩnh lặng, chiêm nghiệm – ông gọi văn ông là "langsam Prosa" (slow prose). Tôi cảm tưởng nó như lời kinh cầu: khi người ta dùng những từ ngữ chân phương nhất, để bày tỏ những ước vọng thân tình, sâu thẳm, vĩnh hằng nhất của con người, một cách thành khẩn, thiết tha, gợi mở.

Thật ra sự tĩnh lặng của Fosse là có chủ định. Fosse theo đạo (Công giáo) khá muộn trong đời (trước đó ông tránh né mọi tổ chức tôn giáo). Nhân vật chính cũng ám ảnh với những suy niệm về tôn giáo, chẳng hạn như suy niệm về sự tĩnh lặng. Ai theo hẳn cũng có lúc suy tư về sự im lặng của Chúa, tại sao Chúa lại quá im lặng trước quá nhiều đau thương và cái ác trên cõi đời. Đối với nhân vật, sự im lặng và quá trình sáng tạo luôn đi đôi – sáng tạo là lúc đi sâu vào khoảng khắc im lặng.

Tôi nhớ có một lúc nửa tỉnh nửa mê, tôi nhìn thấy cây Thánh giá Andrews sáng lên trong đêm tối. Thấy rõ mồn một ấy. Chẳng nhớ là do nhân vật kể vậy hay do tôi buồn ngủ (đọc văn ông này buồn ngủ vô cùng, giống như nghe kinh cầu ấy, sâu sắc thì sâu sắc, mà phê pha là phê pha, với cả mấy thứ triết lý quá tôi không hiểu hết, mà không hiểu là gật gà, xong quên hết bà). Nhưng sau tất cả quên lãng, tôi vẫn nhớ khoảnh khắc kỳ lạ kia – một chớp sáng lóe lên tựa như bọn cá heo trò chuyện. Con cá heo này có thể biết con kia đang thấy gì, một khả năng tri nhận vượt ngoài sức tưởng tượng của con người, tựa như tôi ngồi bên cạnh nhắm mắt mà biết bạn đang xem gì trên smartphone ấy. Mối nối kết mật thiết đó, con người không thể có được, mình chỉ có thể tưởng tượng suy nghĩ của nhau qua ngôn từ. Tuy nhiên có những lúc khi đọc sách, mình cảm tưởng như thấy trước mắt cái mà nhân vật đang thấy, tựa như một chớp sáng, truyền thẳng tầm nhìn của người đó sang mình. Nó là một khoảnh khắc xung động diệu kỳ.

Vì cái khoảnh khắc nối kết thân tình đó mà tôi tạm hoãn nhiều sự hoài nghi. Ví dụ như Fosse nói ông trở về tôn giáo là vì sự viết lách. Khi viết, ông không có dự định sẵn mà từ ngữ như trôi ra từ đâu đó, như từ trên cao, nó bí ẩn đến nỗi khiến ông nghĩ về tâm linh. Nhân vật của ông cũng hay suy niệm về mối gắn kết giữa Chúa và Nghệ thuật. Ông gọi văn mình là “mystical realism” (chủ nghĩa hiện thực thần bí). Thường tôi nghe mấy thứ này là cái "bullshit detector" (máy dò phân bò) bị kích hoạt: rồi xong, lại thêm một ông đồng bóng, hớp ý trời đất, xem mình là phương tiện truyền tải thông điệp vũ trụ, lại chủ nghĩa màu mè nọ kia. Nhưng nhớ lại lúc đó, tôi nghĩ chắc cũng có gì đó thật tâm trong lời ổng nói. Mình không thể mang tôn giáo trong người mà phủ nhận mọi sự huyền bí ở đời thường được.

. Hồi đó ông Andrews tự thấy mình không xứng với Chúa Jesus, thế là khi bị đóng đinh, ông đề nghị xoay cái thập giá của mình cho khác với thập giá của Chúa Jesus, nên cây thập giá của ông Andrews hình chữ X. Nhân vật của Fosse vẽ cây thập giá chữ X này khi nghĩ về người vợ quá cố, hình như là biểu trưng cho sự gặp gỡ và chia cắt giữa cuộc đời hai con người. Hai con người với hai cuộc đời riêng biệt, vì cớ gì mà gặp nhau, giao nhau trong một thời gian ngắn ngủi, rồi xa lìa nhau, rồi người còn lại không biết phải làm gì sau biến cố đó. Liệu mình sẽ phải nhìn lại tiếc nuối, tìm cách sống tiếp trong lẻ loi, hay mong chờ có lúc được gặp lại? Tôi nghĩ, có lẽ đây là mấu chốt đằng sau việc người ta tìm đến tôn giáo, vì sự hứa hẹn một ngày nào mình sẽ gặp lại người mình yêu. Sau tất cả, con người không được thiết kế để sống với cô đơn, mọi khao khát của con người, suy cho cùng, đều là khao khát được gắn kết với ai đó.

Mối khao khát đó hình thành ngay khi vừa chào đời. Em bé mới sinh cần được ôm trong lòng mẹ, da chạm da, để điều tiết nhịp tim, giảm stress, tập thở, tập tiêu hóa và học cách giữ tâm an tĩnh giữa cuộc đời. Nhu cầu da chạm da vẫn giữ đến khi người ta lớn, cái động chạm hằng ngày giúp tăng hệ miễn dịch, giải phóng oxytocin, xoa dịu tinh thần. Những người được chạm nhiều sẽ sống thọ hơn. Người nào không được chạm sẽ sinh ra nỗi khao khát kinh khủng, gọi là "skin hunger", dễ căng thẳng, dễ trầm cảm. Bên Nhật, Mỹ hình như đã sinh ra nghề mới, "nghệ sĩ ôm ấp" để chữa cho những người quá thèm khát được ôm (mùa Covid cách ly, nhu cầu nghề này tăng cao lắm).

Có lần cặp vợ chồng già bên nhau gần 60 năm chia sẻ bí quyết giữ lửa, ông chồng bảo oral sex vẫn nằm trong vốn lưu động. Chuyện có vậy mà dân mạng (Mỹ) dậy sóng, chủ yếu là cảm giác tởm tởm. Từ đó hé lộ một nghịch lý của tuổi già: nhu cầu được chạm vào vẫn sâu thẳm, nhưng càng già, càng có ít người muốn chạm vào mình, càng có ít người muốn nhìn thấy da thịt mình, hay nói rộng hơn, càng có ít người muốn yêu thương cơ thể mình.

Lướt qua các trang bán quần áo trung niên là thấy, trang phục được thiết kế chủ yếu để che đậy, che bụng, che bắp tay, màu chủ đạo là đen – màu dễ che khuyết điểm nhất. Âu cũng là thực trạng xã hội, bước qua một mốc tuổi, xã hội không thích nhìn thấy cái "tính da thịt" trên người già nữa. Không muốn nhìn, không muốn thừa nhận, nói chung chỉ muốn người già che khuất càng nhiều phần cơ thể càng tốt. Trong phim Tampopo có cảnh bà đứng tuổi mặc đồ đen lịch thiệp, vào cửa hàng bánh trái, không mua mà chỉ đi vòng quanh bóp hết trái này bánh kia. Tôi cá người trẻ xem không hiểu đâu. Bà thèm được chạm đấy. Vì không còn ai thích chạm vào cái thân già nua, nên bà đành bóp tạm đồ ăn, để nhớ cảm giác mềm mại tiếp xúc vào da thịt. Tôi biết có bà khác hàng tuần cố lết xác tới tiệm nail, tuổi đấy còn chưng diện với ai, nhưng bà quá thèm được chạm vào chút da chân. Rồi nỗi thèm tâm tình. Số người già trên 65 tuổi phạm tội ở Nhật tăng gấp 4 trong 20 năm qua, 70% thả ra là tái phạm trong 5 năm. Quản ngục ai cũng bảo nhau, do cô đơn đấy. Thà phạm tội để vào tù cho có bạn, còn hơn phải ở nhà một mình.

Dạo này tôi hay nghĩ về cái chết, không phải trừu tượng như Hamlet, mà trên thân thể. Lúc trẻ, thân thể mình im ắng, bảo gì làm nấy. Đến tuổi, thân thể bắt đầu ồn ào: "thấy tôi kêu không, thấy tôi nặng không?" Leo dốc mà nó làm như nhảy đít-cô, mắt xoay tít ngôi sao, mồm hì hộc như ngáo ộp. Nhưng cái chính là tôi đang yêu. Lúc biết cuộc đời mình sẽ chấm dứt trong cái chết, đương nhiên ai cũng hiểu, tình yêu cũng có ngày sẽ chấm dứt trong cái chết.

Tình yêu luôn mang mầm mống của mất mát, thật ra cũng không phải điều gì mới mẻ. Trong tiếng Do Thái, từ "hy sinh" (korban) có cùng gốc với động từ “đưa lại gần". Lần đầu tiên chữ “yêu” xuất hiện trong Kinh Thánh, là cảnh tượng chia lìa kinh khủng, khi Chúa lệnh cho Abraham hy sinh Isaac, "whom you love" (người mà ngươi yêu dấu). Trong "Man's Search for Meaning", Viktor Frankl, một người sống sót sau Holocaust, kể có lần một ông bác sĩ già đau buồn sau cái chết của vợ, tìm đến ông xin lời khuyên. Viktor hỏi “nếu giả sử ông chết trước để lại vợ ông một mình thì sao?” Ông bác sĩ đáp “vậy sẽ rất kinh khủng, bà ấy sẽ đau khổ chịu không nổi đâu”. Viktor bảo tiếp, “vậy thì sự tình thế này, ít ra ông đã tránh cho bà được nỗi buồn ấy, có điều cái giá là ông phải chịu khổ thay cho bà.” Viktor đang cố giúp vị bác sĩ nhìn ra ý nghĩa của sự mất mát. Chắc cũng có triết lý sâu xa (Viktor đã từng nhìn thấy bao nhiêu sự vô nghĩa của cuộc đời mà), nhưng tôi chỉ thấy lộ ra một sự thật buồn bã của tuổi già: tình yêu tuổi già là thứ vô cùng mong manh. Sự chia lìa là không thể tránh khỏi. Không trúng người này thì sẽ trúng người kia. Mà một khi đã rơi vào mình, mình không biết làm sao mà sống tiếp được. Hình như có tên cho tình cảnh này, gọi là "Hiệu ứng góa bụa" (Widowhood effect), là khi vợ/chồng mất, người còn lại quá đau khổ mà sinh ra bệnh thể chất hoặc bệnh tâm lý tâm thần, rồi chết theo không lâu sau đó.

Nhận thức được sự thật là một chuyện, sống với sự thật đó là chuyện khác. Làm sao người ta có thể yêu, mà không khỏi lo sợ tình yêu đó sẽ biến mất một ngày không xa? Làm sao có thể chịu được ý nghĩ rằng hạnh phúc của đời mình hoàn toàn phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên của số phận? Làm sao có thể sống tiếp với niềm tin rằng không bao giờ còn gặp lại, rằng sự chia ly là tuyệt đối, vĩnh hằng? Ngày qua ngày, nhìn thấy người mình yêu thêm vài cọng tóc bạc, người cong xuống dần, bước đi chậm lại, quên vài thứ linh tinh, giấc ngủ bớt ngon, ánh mắt bớt tinh anh, cứ héo hắt chút đỉnh chỗ này chỗ kia, lòng tôi thắt lại từng chút một. Sự chia lìa trên thực tế chẳng bao giờ to tát như Titanic, mà như con dao rỉ rả bào mòn sự sống. Từng cái nắm tay bắt đầu nặng hơn, vì biết cái kết mỗi lúc càng gần. Những lúc hạnh phúc tròn đầy nhất, tôi sực nhớ cuộc đời có răng – đến lúc nào nó sẽ ngoạm lấy một tảng lớn, để lại cái hốc trống trải không gì lấp nổi.

Tôi sợ chết, đương nhiên, nhưng có một điều tôi phải xấu hổ thừa nhận: giữa cái chết của bản thân và nỗi cô đơn khi bị bỏ lại, tôi thà chọn cái thứ nhất, vì tôi sẽ không sống nổi với cái thứ hai. Mai này gặp Shakespeare hay Camus, tôi sẽ cho các ông biết, không, vấn đề của kiếp người không phải là "sống hay không sống", mà là làm sao để sống khi càng ngày càng mất dần lý do để sống tiếp?

.Chuyện dịch: cái ông dịch Fosse ra tiếng Anh vốn không biết tiếng Na Uy, không biết làm cách nào mà xin được nhà xuất bản cho dịch, thế rồi vừa dịch vừa học tiếng Na Uy, nhờ vậy mà Fosse được biết đến rộng rãi hơn, hình như được vào list Booker. Nghe vậy tôi thấy ghen tị. Rồi, lại thêm ông nữa bị cuốn theo cái đẹp. Trước đó có ông vì mê Kierkegaard quá mà lặn lội học tiếng Đan Mạch để đọc được bản gốc. Tôi cũng từng đam mê cái đẹp, nhưng rồi đời đè bẹp đành phải theo tiền bỏ cuộc chơi... Thứ nữa là tôi ghen tị người ta sống trong một xã hội cho phép thừa nhận sự thiếu hiểu biết ngôn ngữ gốc. Ông thử sang cái xứ Việt Nam này xem, cộng đồng mạng sẽ từ đâu nhảy ra các cao nhân tiếng Na Uy vào bắt lỗi cho ông bầm tím mặt mày. Cái văn hóa thiếu khoan dung tự dưng trở thành một điều đáng tự hào.

Nếu lúc nào cuốn này được dịch sang tiếng Việt, coi chừng người dịch sẽ hứng gạch. Thứ nhất là cứ một câu đảo qua đảo lại đảo tới đảo lui chóng hết cả mặt rồi là không có chấm phẩy cả cuốn sách chắc không được một dấu chấm làm người đọc bực bội mà bực thì phải chửi mà chả lẽ lại chửi ông đoạt giải Nobel thế là đâm vào chửi người dịch chứ sao. Nếu ngày đó xảy ra, tôi nghĩ người dịch tiếng Việt rất đáng ngưỡng mộ và đáng thưởng thưởng – hy vọng người ta không trả thù lao theo số câu văn vì nguyên cuốn này chắc được một câu.

Túc tắc chiếc rì-viu tá lả dù biết nó chả ra làm sao vì vừa buồn ngủ vừa chả nhớ gì. Chúc ngủ ngon bà con, "người mà em yêu dấu."

image