Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 23 tháng 9, 2023

Những dấu hiệu của một tư duy trung cổ

Vương Trí Nhàn

Nguyễn Công Hoan trong hồi ký Đời viết văn của tôi (1971) có nhiều đoạn tự thú về sự làm bừa làm bậy đã xẩy ra trong đời mình. Đại khái ông kể là lúc ra học tiểu học ở Hà Nội cần giấy khai sinh, nhưng ngại về làng bên Bắc Ninh làm tận gốc, liền nhờ ông chủ nhà trọ làm hộ. Ông này bảo hai người bạn làm chứng, rồi kiếm cành cau với vài hào bạc đưa lý trưởng Hàng Trống. Vài ngày sau, ông Kép Tư Bền trong văn chương tương lai có ngay tấm giấy khai sinh và nghiễm nhiên thành người sinh ở Hà Nội.

Câu chuyện được kể ra chỉ cốt để khoe một tình trạng gian dối phổ biến sinh hoạt đương thời. Như một thứ thỏa thuận ngầm, mọi người chia sẻ một cách sống thực giả tùy tiện. Không ai buồn quan tâm tới sự chính xác của các con số, không muốn và không có nhu cầu hiểu biết chính xác về chính mình cũng như hoàn cảnh quanh mình. Một thứ khinh bạc bất cần đời bao trùm cả xã hội.

Từ đây, không khó khăn gì để nhận ra mầm mống của nhiều thói xấu khác như cách nghĩ chín bỏ làm mười, bất chấp chuẩn mực, không coi cái gì là thiêng liêng, bịa sai bị tố không chịu nhận, xem thường lẽ phải và pháp luật.

Ngày nay chúng ta còn bắt gặp nó trong những tin tức đưa ra hàng ngày trên báo chí. Nhiều làng làm giả hồ sơ thần tích để xin cấp bằng di sản văn hóa. Nhiều chi tiết ở các vụ án có dấu hiệu bị làm lệch. Hết thể thao khai man tuổi đấu thủ lại đến bóng đá trọng tài bắt thiên vị. Trên các trang mạng thường xuyên có các tin bài dành để tố cáo tiến sĩ rởm, giáo sư rởm.

Đấy là nói trên những sự việc trong đời sống hàng ngày. Nói chi đến những chuyện tày đình – như ba mươi năm chiến tranh, đã bao người Việt bị chết, trong nạn suy thoái kinh tế hiện nay có bao nhiêu công nhân thất nghiệp – các con số đưa ra khi thấp khi cao và chỉ phụ thuộc vào ý muốn của người có quyền.

Sự cố ý làm sai nhiều khi đã biến thành gian manh càn rỡ, bất chấp dư luận xã hội.

Thói quen thiếu chính xác trong suy nghĩ đến đây tìm được biến tướng mới là tô vẽ lịch sử, viết lại lịch sử cho vừa mắt vừa tai, miễn là đề cao được mình, do đó có lợi.

Ta hãy trở lại với cội nguồn lịch sử của nó.

Trước khi đề ra các chính sách xã hội ở Đông Dương, người Pháp thường huy động nhiều nhà khoa học đi điều tra nghiên cứu điền dã và tìm hiểu ngược mãi lên tận nếp sống trì trệ đã hình thành nhiều đời trong xã hội Việt.

Trong số này phải kể tới Pierre Gourou (1900—1999).

Tình trạng tư duy không có cái gì chính xác của người Việt đồng bằng sông Hồng từng được ông miêu tả tường tận trong cuốn Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ (viết năm 1936 và bản dịch ra tiếng Việt in ở Hà Nội lần đầu 2003).

Theo cách miêu tả của Gourou, ở các làng xã, “chỉ cần đưa một ít tiền cho chức dịch là có thể nhận được một bản khai sinh hoàn toàn theo ý thích, trong đó ngày tháng năm sinh được ghi phù hợp với nguyện vọng của người xin“.

Sự phổ biến của các hiện tượng tương tự buộc người ta phải kết luận rằng đây là một biểu hiện của trình độ tư duy và một quan niệm sống.

Nên biết rằng ngay các vua chúa cũng không bao giờ biết cả nước có bao nhiêu dân, quan chức các cấp không cần biết một làng mà họ thu thuế có bao nhiêu suất đinh, còn các xã thì bao giờ cũng cố giấu bớt số người phải nộp thuế để trốn thuế được chừng nào hay chừng ấy. Lúc này thói quen đùa bỡn đã đóng vai một nhân tố cản trở sự trưởng thành của xã hội.

Một vài hiện tượng khác được Pierre Gourou ghi nhận cũng khá đắt giá.

Ông bảo đến một làng khi cần hỏi về lai lịch của làng, người ta chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ; nếu như muốn có một sự chính xác thì câu sau thường lại mâu thuẫn với câu trước.

Gần như không làng nào có ý niệm chắc chắn về sự thành lập của làng mình, đi đâu cũng chỉ thấy người ta thề sống thề chết là làng mình có từ cổ xưa, đâu như từ thời Hùng Vương, tức là đã có từ hơn bốn ngàn năm trước.

Gourou chỉ hết ngạc nhiên khi biết rằng một dòng họ có vài ba người thăng quan tiến chức thì thường thuê ngay một nhà nho có tên tuổi viết lại gia phả nhà mình, mà nhà nho ấy thì nghĩ rằng ông ta có nghĩa vụ thêm thắt vào cuốn gia phả ấy nhiều chi tiết cho nó đẹp thêm, và không ai thấy phải thắc mắc về hành động đó cả.

Sự thiếu hiểu biết và nói chung là thiếu ý niệm chính xác về thời gian không ngăn cản người ta sử dụng độ lùi của thời gian để khoe mẽ.

Cũng về vấn đề thời gian hai tác giả người Pháp khác là Pierre Huard và Maurice Durand trong Hiểu biết về Việt Nam (1954) lưu ý xã hội Việt xưa chưa biết tới đồng hồ và khái niệm về thời gian “chỉ được kinh qua chứ không được đo“.

Sự lẫn lộn giữa lịch sử và huyền thoại trở thành đương nhiên.

Theo Pierre Huard và Maurice Durand đây là dấu hiệu của sự tồn tại dai dẳng của kiểu tư duy tiền Descartes thường thấy ở phương Đông.

Trong lúc chờ tìm hiểu thêm về TIỀN DESCARTES , tôi tạm lấy một câu chuyện trong Trạng Quỳnh để minh họa cho khái niệm này.

Theo bản Trạng Quỳnh bán ở sạp báo trước cửa chợ Đồng Xuân thời gian trước 1954 thì có lần Trạng cho kéo đến trước mặt sứ Tàu một cây gỗ, rồi đề vào đó ba chữ Hồ bất thực và bảo hãy giải nghĩa cây đó là cây gì.

– Xin chịu kính nhờ Trạng giảng hộ.

– Hồ bất thực là cáo chẳng ăn. Cáo chẳng ăn thì cáo đói. Cáo đói thì cáo gầy. Cáo gầy là cây gạo.

Ngày nay sự lẫn lộn giữa huyền thoại và lịch sử còn được tiếp tục, chẳng hạn với trường hợp ngọn đuốc sống Lê Văn Tám.

Tư duy trung cổ chi phối người Việt suốt những năm chiến tranh. Sang thời hậu chiến, trong khi tuyên bố đi vào hiện đại hóa, nhiều phương diện trong đời sống – trước tiên là trong tư duy – có sự trở lại của thời tiền hiện đại, tức là trước khi người Pháp tổ chức xã hội Việt Nam theo mẫu hình của họ thế kỷ XIX.

Nguồn: FB Vương Trí Nhàn