Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Lại một mùa thu “đi tìm mặt” sóng gió của “người đi tìm mặt”

Mai An Nguyễn Anh Tuấn

HH

Mùa thu này, nhà thơ Hoàng Hưng cùng phu nhân trở lại thăm Thủ đô. Ông có gọi tôi cùng tới studio riêng của họa sĩ Trần Lương. Giữa cơn hứng trò chuyện với họa sĩ, ông tìm đến “quốc hồn quốc túy” qua sợi thuốc lào Vĩnh Bảo, và tôi đã chộp được một hình ảnh của ông để rồi chợt thấm một nỗi buồn…

Người thi sĩ bao năm nay cặm cụi tìm dịch bao thơ Pháp, thơ Mỹ từ cận đại tới hiện đại nhằm mong đóng góp chút gì cho việc đổi mới thơ ca nội địa; nhà giáo dục học cần cù dịch biết bao trang sách tâm lý học giáo dục hiện đại mong cứu giúp cho nền giáo dục quốc gia đương lụn bại; nhà văn hóa say sưa với những tìm tòi sáng tạo mới của lớp trẻ trong nghệ thuật; nhà báo kỳ cựu từng đau đáu với những vấn đề Dân trí, Dân sinh; con người hiền lành với bao khát vọng tinh thần cao cả cho cộng đồng ấy cho đến hôm nay vẫn bị chính quyền hoài nghi, đề phòng, cảnh giác – sau khi đã xích tay ông bắt ông bóc lịch 39 tháng từ mấy chục năm trước chỉ vì lòng yêu Thơ, yêu sự sáng tạo của Thơ Hoàng Cầm…

Nửa giờ nghe ông đàm đạo về nghệ thuật Hậu hiện đại với họa sĩ, rồi sau đó được ông mời bia hơi Hà Nội và cùng ông trò chuyện, tôi càng hiểu thêm điều này: Ông trăn trở nhiều năm “Đi tìm mặt mình” cũng là đi tìm những vẻ đẹp trong Sách vở, trong từng suy tưởng sáng tạo nghệ thuật của bọn trẻ – trong đó có cô con gái Ly Hoàng Ly của ông… Ông “Đi tìm mặt mình” bằng cách cùng một số nhà văn tâm huyết vận động thành lập trang Văn Việt để rồi sau đó bị hạch sách, thậm chí bị thù địch, mặc dù ông đã vài lần chân thành và não lòng kêu lên rằng: “Văn Việt không hề có ý định đối đầu với ai cả!”.

Tôi bỗng nhớ lại như in cái ấn tượng khi lần đầu được đọc bài “Người đi tìm mặt”(1) của nhà thơ Hoàng Hưng khi đang là sinh viên văn khoa năm nhất… Ngày hôm nay, tôi còn chợt nhận ra ở bài thơ đó thông điệp về khát vọng đi tìm nhân vật thẩm mỹ của nhà thơ cho sự nghiệp văn chương riêng mình.

Ta đói mặt người ta khát mặt ta

Ta vọng mặt em mặt em ở đâu?

Đốt đuốc từ ngữ

Thơ tìm giúp mặt thơ ơi!

Mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt

Không riêng gì nhà thơ Hoàng Hưng “đi tìm mặt mình”. Cả một thế hệ lúc ấy, và các thế hệ sau ông đã trăn trở “đi tìm mặt mình”, cũng tức là đi tìm ý nghĩa tồn tại của mình, tìm nghĩa lý cuộc sống – “Thơ tìm giúp mặt thơ ơi!” – khi mà hệ thống tuyên truyền & giáo dục chính thống cố nhồi nhét những tín điều xa lạ khét lẹt máu và thuốc súng, khi mà nền mỹ học Mao-ít chỉ mong biến văn nghệ sĩ thành những "thừa sai" trung thành, cái loa phát ngôn cho người cầm quyền đang sống chết bảo vệ những quyền lợi của tầng lớp quý tộc mới bằng mọi giá – kể cả chà đạp lên mọi quyền cơ bản của con người mà họ vẫn rêu rao…

Những nhà văn, nhà thơ trẻ như Hoàng Hưng thời ấy, “Đêm xuống rồi/ Ta lẻn/ Đi tìm mặt mình”, đang mê mải say sưa đi tìm “nhân vật thời đại” thật sự cho cảm hứng sáng tác của mình, thì đã bị giăng “lưới thép tư tưởng” – than ôi, lại do một số văn nghệ sĩ đáng kính lớp trước bị thần phục tung ra theo lệnh trên, ví như những dòng phán xét này:

“Trở về Thủ đô mới trên một năm là có người đã viết trong Giai phẩm mùa xuân:

Những con người của chúng ta

Đang lờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng…

Những con người nào vậy? Chắc chắn không phải là những con người như Lê Văn Thọ, Phan Đình Giót, Ngô Gia Khảm, Nguyễn Thị Chiên […] Không, những con người của Giai phẩm mùa xuân đúng là cái đám người cũ bị dồn vào một góc và đang ngoi đầu dậy. Những con người hư hỏng ấy trong bao lâu bị chính nghĩa dồn ép, nay có hoàn cảnh ngoi đầu dậy là chúng liền phá vỡ nước sơn Cách mạng mong manh. Chúng nó quật dậy với ý định trả thù, táo tợn hung hăng lại càng cho mình là dũng cảm” (2).

Thế rồi nhà văn “canh cổng” tư tưởng chế độ này đã dùng “chùy thép” ngôn từ giáng không thương tiếc xuống tư cách, nhân thân của những người theo ông là “bọn phản nghịch”, là quân “mưu mô làm chính trị phản động”, bọn mang “nọc độc”, lũ “chuột dịch” “định kiếm chác một món to”(3).

“Người đi tìm mặt” sau khi “vỡ mặt”, trở thành “Người về từ cõi ấy”, thành “kẻ xa lạ” thì cũng hơn ai hết hiểu rõ sự thật cay đắng này: khi những viên chức cấp cao thuộc tầng lớp “quý tộc mới” đương sống giữa biệt thự và các tiện nghi hiện đại dửng dưng trước nỗi khổ của Dân oan, thậm chí còn cao giọng lên án họ là “ác bá cường hào”, có thể thấy rằng họ không giả dối đóng kịch chút nào, mà rất chân thực chân thành. Bởi trong máu họ, từ lúc còn là học trò, đã nhiễm tư tưởng “Ngôi Sao”, tức là cái đặc quyền đặc lợi đương nhiên được hưởng đối với gia đình mình, với giai tầng của mình; do đã có công lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng Dân tộc và Giai cấp nên tự cho cái quyền được ban ơn hay trừng trị, quyền sai khiến luật pháp! Dù một số người như họ kết cục đã bị đưa vào “lò đốt” của Tổng Bí thư, nhưng “bầy sâu” ngày một sinh sôi nảy nở, đe dọa nhấn chìm “khuôn mặt đích thực” của kiểu con người cần phải tồn tại để cứu vớt xã hội!

Công viên chiều đẹp quá và lịch sự đến thành xa lạ

Tường vi nở mưa trên gạch đỏ

Mặt họ no đủ quá

Họ vui dễ thế kia

Cả một mùa hoa tím nhợt đi

Trong nắng hạ.

Người ơi người đời ta biết có

Mấy ngày vui?

Đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình

Cho tới hôm nay, nhà thơ Hoàng Hưng cùng không ít người cầm bút vẫn đang tiếp tục “Đi tìm mặt mình” trong một tâm thế xã hội: “Quyền lực ở phía này, sự sợ hãi ở phía kia, luôn luôn là những cột trụ trên đó uy quyền phi lý được xây dựng” (Power on the one side, fear on the other, are always the buttresses on which irrational authority is built), như nhà tâm lý học người Đức Erich Fromm từng nói.

Nhà thơ từng “ Tồn tại trong sự tuyệt vọng” chắc chắn chưa lúc nào quên đi cái giấc mộng về “Nhân vật thời đại” lý tưởng của mình; kể cả lúc “Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui/ Hai năm còn mộng toát mồ hôi” cũng khắc khoải nghĩ đến:

Những con người của chúng ta

Đang lờ mờ xuất hiện

Le lói hy vọng…

Vậy, “Những con người của chúng ta” đó hiện giờ là ai, và đang ở đâu? Sự “lờ mờ xuất hiện” của nó từ hơn nửa thế kỷ trước làm cả xã hội “le lói hy vọng”, đã xuất hiện chưa? Hôm nay, giữa mùa thu vẫn đang còn rớm máu này, chắc ông vẫn còn muốn thốt lên:

Đốt đuốc lên

Cho ta đi tìm!

Đốt đuốc lang thang

Bàn chân bụi đất

Đốt đuốc tốc độ

Cháy vòng bánh xe

Đốt đuốc ái tình từng chiếc hôn đắm say hờ hững

Đốt đuốc nhịp điệu

Đất trời loảng xoảng nghịch âm

Đốt đuốc sắc màu

Cuộn quặn mặt trời Van Gogh

Đốt đuốc từ ngữ

Thơ tìm giúp mặt thơ ơi!

Mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt mình đi tìm mặt

Những câu thơ xót đau, trăn trở đến thảng thốt của nhà thơ trong quá trình “đi tìm mặt mình” đã khiến lão thi sĩ Hoàng Cầm nhận xét: “Phải viết để phơi gan, giãi óc trước cuộc đời mà anh yêu, lắm phen yêu đến cuồng nộ khi chẳng may cái mình yêu lại trở mặt phũ phàng với mình. Quá yêu nên mới mải mê tìm – tìm một hình thù giải đáp” (4).

Giờ đây, lòng thương thầm lặng của tôi đối với ông, tình thương của trò xưa đối với thầy cũ dường chợt lặn biến, để lại trọn vẹn trong tôi một lòng kính phục vô hạn, một niềm tự hào khó giải thích… Tự hào, và tin tưởng, bởi cái khát vọng “đi tìm mặt” – đi tìm những gì tinh khiết, chân thật nhất giữa trùng điệp thật-giả hầu vẫn còn nguyên vẹn trong ông; bởi giữa cái môi trường xã hội đang bị băng hoại bao điều tốt đẹp này, vẫn có những trí thức như ông, vào tuổi “hạc độc” vẫn tràn đầy sinh lực tinh thần và khát vọng cống hiến cho đời sống văn hóa đúng nghĩa đang chật vật hòa nhập vào những dòng lớn của Thế giới…

-------------

[1]. Người đi tìm mặt, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội 1993.

[2], [3]. Tuyển tập Hoài Thanh, tập II, Nxb Văn học, Hà Nội, 1982, tr.323- 324.

[4]. https://www.diendan.org/sang-tac/hoang-hung-di-tim-mat