Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 1 tháng 9, 2023

Hồ Đình Nghiêm cùng sự phát triển văn học Việt hải ngoại (Chân dung nhà văn)

Đỗ Trường

 

Khi đọc, nghiền ngẫm Văn học Việt Nam ở hải ngoại từ sau 1975 đến nay, tôi thường (tạm) chia ra thành ba giai đoạn để tiện theo dõi, đánh giá. Có thể nói, giai đoạn đầu từ năm 1975 đến cuối 1979 như một sự chuyển tiếp của Văn học miền Nam ra vùng đất mới, với những nhà văn, nhà thơ tên tuổi: Võ Phiến, Mặc Đỗ, Du Tử Lê, Viên Linh, Thanh Nam, Túy Hồng…

Giai đoạn hai, từ đầu năm 1980 đến 1990 sự khởi sắc Văn học hải ngoại. Bởi, có thêm sự góp mặt của các nhà văn, nhà thơ thuyền nhân, hay đoàn tụ như: Mai Thảo, Duyên Anh, Trần Hoài Thư, Luân Hoán, Nguyễn Mộng Giác…Và đặc biệt sự xuất hiện của các nhà văn trẻ: Lê Thị Huệ, Hoàng Mai Đạt, Đỗ K (Khiêm) hay Trần Vũ, Hồ Đình Nghiêm với giọng văn mới lạ, đưa sinh khí mới đến văn thơ Việt hải ngoại. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, Văn học hải ngoại vẫn mờ nhạt dấu ấn của phê bình, hoặc chưa xuất hiện những cây viết phê bình thực sự, đưa các tác giả, tác phẩm đến gần hơn với người đọc, cùng khơi nguồn chảy cho Văn học hải ngoại.

Từ 1990 đến nay với sự xuất hiện các nhà văn H.O như: Phan Nhật Nam, Tô Thùy Yên, Thảo Trường…cùng những người lính, tù nhân cũng là chứng nhân của lịch sử buộc phải cầm bút: Phạm Tín An Ninh, Song Vũ, Trạch Gầm, Lâm Chương, Khánh Trường, Tưởng Năng Tiến, Cao Xuân Huy hay Vương Mộng Long… Do đó có thể nói, Văn học hải ngoại đã bước sang trang mới, với nhiều đề tài, đa sắc (màu). Song mảng phê bình vẫn ậm ạch, chưa thể song hành cùng sự phát triển đa dạng của thơ, văn. Thật vậy, ở hải ngoại có nhiều nhà lý luận, phê bình, biên khảo tài năng hàng đầu, với nhiều bài viết giá trị và tâm huyết. Tuy nhiên, (có điều đáng tiếc, thật khó hiểu) đôi khi các bác vẫn giữ lối viết chung chung, lừng khừng, chưa đi thẳng vào từng tác phẩm, tác giả một cách rạch ròi, né tránh những vấn đề mang tính thời sự, hoặc tác phẩm gai góc, va chạm. Nhất là đối với những nhà văn mới và các tác phẩm gần đây. Mà phần đông tác giả là những người lính thất trận, trải qua năm tháng dài tù tội.

Tuy nhiên, công bằng mà nói, đôi khi chúng ta (độc giả) vẫn có thể tìm đọc, và nhận ra những bài viết công phu, nhận định sâu sắc ở đâu đó của Nguyễn Vy Khanh, Bùi Vĩnh Phúc hay Nguyễn Mạnh Trinh…

Trong bối cảnh phê bình gà gật như vậy, thì thật may mắn Tạp chí Ngôn Ngữ ra đời, với sự chung tay của các nhà văn, nhà thơ tên tuổi, đầy tâm huyết: Luân Hoán, Song Thao, Nguyễn Vy Khanh, Lê Hân, Hồ Đình Nghiêm. 26 số đã phát hành từ hải ngoại về đến quốc nội, nói lên giá trị cũng như sự cần thiết của Tạp chí Ngôn Ngữ đối với Văn học hải ngoại nói riêng, cũng như Văn học Việt Nam nói chung. Và Tạp chí Ngôn Ngữ số 27 sẽ phát hành vào tháng 9/ 2023 tới, với phần 1 đặc biệt giới thiệu nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Do vậy, mấy ngày nay, tôi nhận được thư điện tử của các bác không chỉ trong nước, mà cả ở Hoa Kỳ, Úc châu hỏi về Hồ Đình Nghiêm. Có một số chưa được đọc, chưa từng nghe tên tuổi nhà văn này. Vâng, âu cũng một phần lỗi thuộc về giới thiệu, phê bình, dẫn đến thiệt thòi cho người đọc chăng?

Có thể nói, là một người chịu khó mày mò tìm đọc, song quả thực tôi cũng chỉ tình cờ đọc được vài ba truyện ngắn ở đâu đó của Hồ Đình Nghiêm, khi nghiền ngẫm về các tác giả khác. Do vậy, tôi buộc phải tìm đọc, và viết về ông. Hy vọng sẽ giúp được phần nào cho các bác hiểu hơn về tác giả Hồ Đình Nghiêm, cũng như Văn chương Việt hải ngoại.

Vâng! Hồ Đình Nghiêm sinh năm 1957 tại Huế, và hiện nay đang sống và làm việc tại Montreal, Canada. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế (năm 1978) ông vượt biển. Ngay những ngày đầu ở trại tạm dung, cuộc sống đảo lộn, dẫn đến biến đổi tâm lý cùng cảm hứng bất chợt cho Hồ Đình Nghiêm cầm bút viết về những ước vọng, nỗi đau của con người trước thực trạng xã hội. Và vợ chồng nhà văn Thanh Nam, Túy Hồng chính là bà đỡ cho truyện ngắn đầu tay này của Hồ Đình Nghiêm (trên báo Đất Mới - Hoa Kỳ), cũng như thể đỡ cho một nhà văn ra đời vậy. Và có thể nói, hội họa là sự lựa chọn, song văn thơ đã vận vào cả cuộc đời Hồ Đình Nghiêm. Vì vậy, ông hoàn toàn không có sự chuẩn bị để trở thành nhà văn. Ngoài sáu tập truyện ngắn đã in: Nguyệt Thực (1988), Tờ Mộng Rách Rồi (1991), Vầng Trăng Nội Thành (1997), Mùi Hương Trên Đồi (2005), Kẻ Âm Lịch (2017), Ngoại vực (2018), ta còn thấy, Hồ Đình Nghiêm làm thơ, tùy bút, viết chân dung, cũng như phỏng vấn phê bình. Lãnh vực nào Hồ Đình Nghiêm cũng cho người đọc sự rung cảm sâu sắc. Điều đó nói lên tài năng, vốn kiến thức, cũng như bút lực của ông. Đi sâu vào đọc, ta có thể thấy, hài hước, giễu nhại, cùng với sự liên tưởng, đan xen tình tiết cũ mới là một trong những thủ pháp nghệ thuật làm nên hồn vía trang viết Hồ Đình Nghiêm. Do vậy, ở khuôn khổ bài viết này, tôi đi sâu vào truyện ngắn, tùy bút với tính chân thực qua giọng điệu giễu nhại, dí dỏm Hồ Đình Nghiêm.

*Tư tưởng-tính chân thực qua giọng điệu hài hước

Thành thực mà nói, tôi chỉ mới tìm và đọc được vài ba chục truyện nằm rải rác trong sáu tập truyện ngắn của Hồ Đình Nghiêm. Một cách đọc không có hệ thống, do vậy thật sự khó khăn cho tôi khi viết tùy bút, cảm nhận này. Tuy nhiên, thật may mắn truyện ngắn nào cũng vậy, đều cho tôi thấy cái tư tưởng tự do thấm đẫm trang viết Hồ Đình Nghiêm: “Mẹ mừng cho Mỹ đã thoát ra được cái công việc nọ. Hãy làm một người tự do, một nghề mình tự lựa chọn. Chớ dính dáng tới cái guồng máy kia, hãy đứng bên lề, có vậy con người mình mới thôi bị nhiễm độc, thôi bạo lực, thôi vô cảm, thôi sử dụng ngôn ngữ của loài chim két“. (Sông không trôi ra biển).

Với tư tưởng như vậy, mỗi đoản văn, truyện ngắn Hồ Đình Nghiêm đều đi sâu vào lột tả cái hiện thực xã hội một cách trần trụi. Thủ pháp đưa những câu ngạn ngữ, khẩu ngữ hài hước ngoài xã hội vào trang viết, cho người đọc tiếng cười đau đớn, xót xa, hay mỉa mai, châm biếm, tuy không mới, song sâu sắc, sinh động như Hồ Đình Nghiêm, không phải nhà văn nào cũng làm được: “Sản phụ phải vỡ nước ối thai nhi mới được trồi đầu, muốn vượt cạn êm đẹp ta phải chịu khó bôi trơn, bồi dưỡng từ y công, y tá cho tới các ông bà bác sĩ sản khoa. Theo trình tự từng công đoạn: đếm tiền, đút túi quần, lê chân đi rửa tay, đeo găng cao su, uể oải bày biện dao kéo bông băng lu hủ. Và nạt nộ. Và bắt bẻ: Khóc à? Vậy thì khi làm tình mấy người có khóc không? Đã ăn chơi thì chớ sợ mưa rơi! Dạng chân ra“. (Sông không trôi ra biển).

Khi đọc Khánh Trường, tôi nghĩ đến nhà văn Tưởng Năng Tiến. Và viết về Hồ Đình Nghiêm tôi liên tưởng đến Khánh Trường. Thật vậy, nếu ở truyện ngắn Đêm mưa, Khánh Trường mượn thân phận người lính thất trận ở Sài Gòn vào 30.4.1975 cùng nhà thổ, đĩ điếm để phơi bày bản chất ươn hèn của giới cầm quyền, thì ở Mô Phật, Hồ Đình Nghiêm miêu tả thân phận giới sinh viên trí thức, với những cô gái bán thân, trong giờ phút hấp hối của Đà Nẵng. Có thể nói, Đêm mưa của Khánh Trường và Mô Phật của Hồ Đình Nghiêm, tuy hoàn cảnh, tâm lý, ngôn ngữ diễn ra hoàn toàn khác nhau, nhưng là hai truyện ngắn đều cho tôi chung một cảm xúc. Và với tôi đây là những truyện ngắn hay nhất mà tôi đã được đọc trong thời gian gần đây. Trích đoạn trong truyện ngắn Mô Phật dưới đây, không chỉ cho ta thấy thân phận của con người, mà còn thấy đằng sau đó là cái ung nhọt, dẫn đến miền Nam đang tan rã và sụp đổ, thông qua tài năng sử dụng biện pháp tu từ, với những hình ảnh ẩn dụ miêu tả của Hồ Đình Nghiêm:

“Giường trải chiếu, in lem luốc chữ Phúc nằm chật chội trong vòng tròn. Chữ Phúc bốc mùi, không là mùi của ẩm mục thiếu nắng mốc meo… Hoa trút bỏ áo quần. Tôi quen thuộc với cơ thể ấy, nhưng vùng kín đáo của Hoa là nơi chưa một thằng sinh viên mỹ thuật nào được ngắm nhìn, ngoại trừ tôi, hôm nay… Hoa ôm cứng lấy tôi. Hoa bảo: Hãy yêu Hoa đi. Nắng buổi chiều chiếu rọi xuyên qua bản vẽ làm rách nát từng đường trên cơ thể Hoa. Tôi nằm dát người trên chiếu, nghe tiếng súng nổ và hiểu Đà-nẵng đang cơn hấp hối“.

Nếu ta đã đọc truyện Hộ Khẩu Ở Ngoại Thành của Thảo Trường, thì khi đọc truyện ngắn Một Tay thấy rõ nét hơn cái tính độc đáo, tiêu biểu hơn về tư tưởng, bút pháp của Hồ Đình Nghiêm. Và cái tư tưởng: “Thất bại chưa hẳn đã là thua” đều được lột tả qua hình ảnh, diễn biến tâm lý của những người lính phía bắc (bộ đội) sau cuộc chiến. Không chỉ truyện ngắn Một Tay, mà trang văn nào cũng vậy, dường như Hồ Đình Nghiêm viết bằng cảm xúc bất chợt, chứ ít khi bị chi phối bởi lý trí. Do vậy, có những câu thơ, thành ngữ, đoản văn miên man bất chợt, cứ ngỡ ngòi bút nhà văn đã đi lạc cái tứ, hay ý tưởng ban đầu. Nhưng không, rồi ngòi bút ấy cũng ngoắt về đúng đường rày thiên truyện. Thật vậy, sự giễu nhại, với ngôn ngữ sân khấu, kịch trường gây tiếng cười châm biếm nhẹ nhàng, nhưng cũng thật thâm thúy dưới đây, Hồ Đình Nghiêm chứng minh cho ta thấy rõ những điều đó:

“Chú Bê cười tít mắt: Giá mà nhà nước nầy có mầy làm chủ tịch hội thương phế binh thì những gì chúng nó từng hy sinh nghĩ không uổng phí, nhỉ? Nhất Việt kiều nhì bia ôm ba tiền đô bốn gái làng chơi. Tứ khoái nầy e đã có cải biên, nhuận sắc?(...) Chú ra Hà Nội, tôi vào Sài Gòn, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Có ai ngờ đâu, một ông cựu bộ đội từng cầm súng vào sanh ra tử đánh đuổi bọn đế quốc như chú tôi lại phát ngôn: Mầy về rồi mầy đi xúi tao đâm nhớ mùi Mỹ bám thân ở người mầy. Cả đời cầm súng oanh liệt đi qua cuộc chiến thật chả có gì ấn tượng cho bằng những giây phút thư giãn bên mầy khi mầy cho phép được voi đòi tiên“. (Một Tay)

Có lẽ, nỗi nhớ quê, sự ám ảnh thường trực trong cuộc sống, tâm hồn Hồ Đình Nghiêm: ngày nơi đất khách, hồn đêm quê nhà. Do vậy, dù sự việc nhỏ nhất xảy ra, ông cũng trộn tâm trạng vào đó, rồi đưa vào trang viết của mình. Và Đi hết chuyến tàu Tết là một truyện ngắn, hay một thiên phóng sự, với lời văn nhẹ nhàng, trau chuốt, điển hình như vậy của Hồ Đình Nghiêm. Vẫn biện pháp tu từ, với hình ảnh ẩn dụ, nhà văn mượn thiên nhiên cảnh vật, nói về nỗi đau (cái chết) con người trong một xã hội trật tự, cũng như luân lý đạo đức bị đảo lộn tùng phèo. Vâng, với một xã hội, một thiên đường ảo ảnh, thì đường cùng ngõ cụt chắc chắn con người phải đi tới:

“Thiên nhiên bên ngoài đóng khung, mất tự do những đám mây dật dờ bị khói tàu nhuộm chất độc màu da đen. Chim ở núi bay về, đậu trên giây giăng chùng giữa những cột điện trông như nốt nhạc phơi thầm lặng trên năm dòng kẻ. Thành phố giờ này rất nhiều dây điện. Người đàn bà kể, mắc cửi, tựa đám màn nhện chực trói mỗi số phận con người. Có cô gái dịu hiền xa nhà trọ học chiều về lội nước chật vật nghĩ tới một chén cơm lưng chờ đợi trong căn hộ tập thể. Vì cớ làm sao chuyện thật hoang đường dây điện đứt sà xuống người em, con rắn đương đại quấn cổ cắn vào giấc mơ bình dị đột tử. Từ đời thường xã hội chủ nghĩa em nhắm mắt bước vào vườn địa đàng mê muội muôn đời không có thật“. (Đi hết chuyến tàu Tết)

*Thế sự, xã hội - cùng những truyện ký, tùy bút mang tính triết lý sinh động

Truyện ngắn, văn xuôi Hồ Đình Nghiêm đi vào mọi đề tài, mọi ngóc ngách của cuộc sống. Song có lẽ, thế sự xã hội là những trang viết gây cho tôi (người đọc) nhiều cảm xúc nhất. Có được như vậy, ngoài sự can đảm đứng về lẽ phải, cần lắm lòng nhân đạo, cảm thông của nhà văn. Thật vậy, từ những hình ảnh trong một xã hội (Việt Nam) đầy nhiễu nhương, bỉ ổi bắt gặp ở đâu đó, được Hồ Đình Nghiêm thu nhỏ vào thiên truyện Đi hết chuyến tàu Tết của mình. Và chỉ là những đoạn văn miêu tả, trần thuật, song thân phận con người dưới ngòi bút Hồ Đình Nghiêm hiện lên không bằng loài súc vật:

“Bắt nó. Địt mẹ, chúng ông theo mày lâu rồi. Chớ để nó thoát lần này. Cây đàn guitar nổ khi bị đập vỡ nghe như tiếng pháo chuột đốt lẻ loi. Thằng cụt chân bị đè lưng bằng bốn năm bàn chân mang giày dép đường bệ. Đám đông bu lại thành một vòng tròn khép kín, hiếu kỳ. Chuyện gì vậy? Sao không dưng lại ức hiếp kẻ tàn tật? Bà con cô bác không biết đó thôi. Thằng này chúa phản động, nó biên tập một bài hát toàn vần H nhằm bôi xấu hình ảnh bác Hồ thân thương(…) Mếu máo, giọng run, nước mắt chảy, thằng cụt chân bị lôi đi. Chẳng được cẩn trọng cho lắm, tệ hơn người ta lôi con chó đi trấn nước, về làm thịt ở quán Hương Đồng Quê. Ngay tình, con chó có giá hơn thằng người tàn tật ấy. Ông bạc tóc bình phẩm“. (Đi hết chuyến tàu Tết)

Tôi không rõ, Hồ Đình Nghiêm viết truyện ngắn Án Mạng vào thời gian nào. Nhưng đọc nó, ta có thể thấy tính thời sự đậm nét trên trang văn của ông một cách chân thực. Và cái sự mông muội ấy, làm cho người đọc kinh sợ, song cũng phải bật ra tiếng cười chua chát, bởi giọng văn, lời thoại dân dã hài hước của Hồ Đình Nghiêm. Với đặc điểm này, văn thơ Hồ Đình Nghiêm không gây cảm giác nặng nề cho người đọc, dù đi sâu vào miêu tả, hay phân tích những tình tiết bi đát nhất:

“Hoá ra Trung tá chẳng nắm bắt thời sự? Theo Vietnam net đưa tin bác sĩ Nguyễn Minh Đức, trưởng khoa sản bệnh viện Đức Thọ ở Hà Tĩnh đã kéo đứt cổ trẻ sơ sinh rồi tự tay khâu lại. Sản phụ chính là em gái của đồng chí công an khu vực đang vắng mặt đột xuất. Mộc hỏi: Cái gì? Kéo đứt cổ là sao? Dạ, là chỉ lôi được cái đầu của em bé ra thôi ạ. Thi thể vẫn kẹt cứng đằng sau cửa mình. Thế mới sinh chuyện chứ ạ. Vị Trung tá cằn nhằn: Mẹ nó chứ. Chỉ dùng tay thôi à? Làm cái đéo gì mà mạnh tay thế“ (Án Mạng).

Với truyện ngắn Án Mạng, Hồ Đình Nghiêm không dừng ở mức độ giết người, thú tính hay bọn cường quyền cấu kết với xã hội đen, mà dường như ông muốn khai thác, và gửi đến người đọc cái đằng sau của sự lừa lọc, tranh giành, chém giết lẫn nhau ấy. Và đề tài thế sự xã hội (bóc trần sự thối nát, mục ruỗng ăn sâu từ thượng tầng cho xuống hạ tầng cơ sở này) được khá nhiều nhà văn hải ngoại cũng như trong nước khai thác. Bởi, nó luôn nhận được đồng cảm nơi bạn đọc. Tôi cũng đã đọc nhiều ở truyện ngắn của Trần Kỳ Trung (Hội An), hay của cố nhà văn Phạm Văn Biển (Quảng Ngãi). Mỗi nhà văn đều cho tôi cảm xúc khác nhau. Nhưng giữ nguyên tên tuổi nhân vật, tình tiết, sự kiện và đưa thẳng vào trang văn như Hồ Đình Nghiêm, quả thực nếu người viết không có tài, truyện dễ trở thành tẻ nhạt lắm. Thật vậy, ta hãy đọc lại trích đoạn dưới đây để thấy cái mưu mô, tàn bạo của con người và sự thối nát của xã hội, cũng như từ ngữ, lời văn sinh động của Hồ Đình Nghiêm:

“Tầm mười giờ tối mai tôi cùng con mồi, hắn cũng là công an, đi vào bằng lối này. Sau đó tuỳ cách động binh của đại ca. Tám Tàng nhổ bãi đờm xuống đất: Công an à? Nói anh hai đừng ngầy ngà chớ khử được ông nào tốt ông đó. Mức độ tàn phế? Chất nói, lời gọn, nhai chỉ một chữ: Chết. Tám Tàng quay lưng (…) Hai thứ cần lưu tâm, thứ nhất nạn nhân là công an, thứ hai buộc nó phải chết. Do vậy anh hai nên hiểu giá cả có hơi khác thường, đắt chút đỉnh. Không thành vấn đề. Tôi chẳng có sẵn ngân lượng xứ mình, đại ca chấp nhận thu nhận 700 Đô Mỹ nghen. Sao lại đề ra con số trông chơ vơ ấy? Nhằm giải quyết êm đẹp, tính luôn cả việc không gây ra hậu hoạn, Tám này đóng chốt 1000“. (Án Mạng)

Tôi đã đọc khá nhiều ký sự, tùy bút của nhiều nhà văn trong nước cũng như hải ngoại, nhưng có thể nói, Hồ Đình Nghiêm là một trong số không nhiều nhà văn viết hay ở thể loại này. Có bác cho rằng: viết hay, có cái nhìn tỉ mỉ như vậy, bởi Hồ Đình Nghiêm xuất thân từ họa sĩ. Với tôi, không hẳn là thế. Bởi, cũng có nhiều họa sĩ tên tuổi “phẫu thuật“ bức tranh thiên nhiên rất dở, khi đưa vào trang viết của mình.

Rất may mắn, tôi đã tìm được và đọc một số bài tùy bút, tâm bút của Hồ Đình Nghiêm trên Internet. Tùy bút của ông như những lời tự sự, mang tính triết lý sâu sắc với lời văn rất đẹp. Qua Đời, một tùy bút, (hay một câu chuyện) Hồ Đình Nghiêm đã cô tâm trạng, nỗi buồn đau vào đó, khi ông sang Anh Quốc tiễn đưa người bạn về cõi vĩnh hằng. Và đoan văn sớm mai đầy tâm trạng, rất đẹp dưới đây sẽ cho ta thấy tài năng miêu tả, dưới cái quan sát tỉ mỉ của Hồ Đình Nghiêm:

“Sáng sớm tôi ra đứng ngoài góc vườn. Đêm qua mưa nhỏ lá cây ướt trơn màu lục tối. Trời chưa kịp xanh, nứt rạn vết bẩn từng cụm mây run, tần ngần. Bình minh ở xa đang lặng lẽ tới, tôi chờ tiếng nước sôi đổ xuống phin lọc đầu ngày. Gió đi bên trên cây táo cô độc cắm giữa sân, tiếng chuyển động ngắt quãng của underground hộc tốc vừa rời khỏi trạm Canons Park, luân lưu một dòng chảy réo gọi, mang người ta từ giường ngủ gật gà tới một cánh cửa nhốt đời vào với công việc lao lung. Nhàn cư vi bất thiện nhưng lao động e mãi hoài chẳng hề là vinh quang. Nước mắt bao giờ cũng là trạm chót khi anh đi hết những trạm dừng của phiền muộn, của hư hao, của ngộ nhận, của thứ nỗi niềm khó thốt lời minh giải“. (Qua Đời).

Có thể nói, với tôi Dáng Lụa là truyện ký hay nhất (trong tất cả những trang văn mà tôi đã đọc) của Hồ Đình Nghiêm. Thiên truyện như một bài thơ trong bức tranh thu nhỏ về tình bạn, tình yêu của tác giả (tạm gọi) và cô sinh viên Trường mỹ thuật Huế (trôi theo phận nước) dưới góc nhìn, và ngòi bút miêu tả đầy cảm xúc (thay cho nét vẽ) thật tài năng, sinh động của Hồ Đình Nghiêm:

“Tôi chẳng ngạc nhiên vì con người chị là tổng thể những đường nét dịu mềm, mong manh, dễ thẩm thấu, dễ hoen ướt. Tà áo dài, mái tóc đổ xuống ngang lưng, da trắng, năm ngón búp măng và mãi mãi rụt rè khi nhác trông ra tôi. Khép nép, mắc cỡ như thể suốt đời chưa lần nào phải ngồi ăn trưa trước kẻ lạ mặt. (…) Hương vị đó không thể dồn lên thứ mùi dịu ngọt mà mũi tôi đang hít lấy để phân chất. Nó phát ra từ chân tóc chị? Từ cổ chị? Từ ngực chị? Từ thể hình chị? Tự thân chị là một bức tranh lụa mà dù là danh họa, bạn chẳng thể thêm thắt một nét dư thừa nào cả.“ (Dáng Lụa).

Và ở đó, ta không chỉ thấy tài năng phân tích nội tâm, mà còn thấy sự liên tưởng thật phong phú và độc đáo của Hồ Đình Nghiêm nữa: “Mưa rơi ngoài trời làm bóng tối co lại, màu đêm mềm ra, đầy sũng lạnh… Hai đứa đều mặc áo đi mưa và đã là mưa Huế thì chẳng có vật thể gì có thể can ngăn sự xâm thực thật lì lợm của nó. Mưa ngoài trời và mưa cả trong lòng. Ướt gì thì ướt nhưng phải giữ cho cuốn sách Mỹ Thuật thật khô ráo, đúng không? Sầu Đông nói. Đêm nay chong đèn xem người nớ viết có đặng không.“ (Dáng Lụa).

Có thể nói, Hồ Đình Nghiêm là một nghệ sĩ đa tài. Lãnh vực nào ông cũng để lại dấu ấn thật rõ ràng. Tuy nhiên, văn xuôi, truyện ngắn đã làm nên chân dung thật vạm vỡ và tài hoa Hồ Đình Nghiêm.

Nhìn lại văn học sử, ta có thể thấy, Hồ Đình Nghiêm xuất hiện đúng lúc, và thổi luồng gió mới Văn thơ hải ngoại đang gà gật ở thời điểm đó. Và ông trải qua gần nửa thế kỷ cầm bút, buồn vui cùng Văn học hải ngoại nói riêng, và Văn học Việt Nam nói chung. Do vậy, với bài viết này, tôi chỉ đủ khả năng đi vào một vài khía cạnh đặc điểm, cũng như tài năng của nhà văn Hồ Đình Nghiêm. Và chưa hẳn những điều tôi viết về ông đã đúng và chính xác. Cho nên, cần lắm những nghiên cứu thật sâu, và rộng rãi hơn về nhà văn tài năng này.

Leipzig ngày 11-7-2023

image