Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Sứ đoàn Iwakura

Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu

Tri thức phải được tìm kiếm khắp nơi trên thế giới, để mở rộng và tăng cường quyền lực của đế chế.

Năm điều thề ước 1868 của Hoàng Đế Minh Trị

Không có sự phồn vinh, văn hóa của nhân dân không thể phát triển. Để cho lòng ái quốc tăng trưởng, nó phải phục vụ sự tạo ra của cải. Người ta nói, chúng ta phải bảo vệ đất nước, nhưng ích lợi gì nếu đất nước chỉ là mảnh đất cằn cỗi?

Chính sách quốc gia của Nhật Bản “mở cửa đất nước” không chỉ là một hành động mở cửa đất nước để có quan hệ với nước ngoài. Nhiều quốc gia trên thế giới mở rộng cửa nhưng vẫn tiếp tục thực hành các tập quán man di, và bất lực trong cải cách, cũng như tu chỉnh các tập quán đó để có thể tiến lên trình độ văn minh.

Itō Hirobumi

Thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản Minh Trị

Lời nói đầu.

Lịch sử nước Nhật còn nhiều điều để nói với chúng ta. Chúng ta biết Fukuzawa Yukichi đã dẫn dắt người Nhật về mặt tinh thần đi vào con đường khai sáng và canh tân. Nhưng ông từ chối tham gia chính quyền vì muốn giữ tư thế độc lập của ông như một phát ngôn viên của tư tưởng đổi mới. Vậy ai là những người đã thực hiện cuộc canh tân đó? Họ đã làm gì, nghĩ gì? Dưới đây là một câu chuyện.

Tháng 7 năm 2023 vừa qua, quyển sách về chuyến đi lịch sử của Sứ mệnh Iwakura được ra mắt ở Việt Nam do Cty sách Phương Nam phát hành, dưới tên Sứ đoàn Iwakura. Quyển sách do học giả người Anh Ian Nish (1926-2022) làm chủ biên, một chuyên gia am hiểu lịch sử quan hệ ngoại giao của Nhật Bản, với đóng góp của mười hai học giả khác. Nó có tên The Iwakura Mission in America & Europe. A New Assessment. Nó ra mắt cũng đúng vào lúc Nhật Bản và Việt Nam kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao, 1993-2023.

Sứ đoàn Iwakura mô tả những việc làm của hơn năm mươi quan chức lãnh đạo trẻ tuổi của chính quyền Minh Trị, cộng thêm cũng khoảng sáu mươi sinh viên đang du học ở phương Tây, đi tìm khai sáng ở phương Tây.

Vừa bước ra khỏi chế độ phong kiến của Mạc Phủ, nhưng họ, những người được giáo dục phần lớn theo Khổng giáo, đã có thể dàn dựng một chuyến đi với một tinh thần rất hiện đại. Trước đây, Mạc Phủ cũng có gửi sứ đoàn đi (1862) nhưng mục đích chính của họ là thương thảo lại các hiệp ước thương mại bất lợi cho Nhật Bản, chưa tập trung vào việc học hỏi cho lắm. Chuyến đi đó có Fukuzawa theo làm thông dịch. Họ đã không thành công. Sứ đoàn Iwakura cũng thất bại, nhưng họ đã quan sát tận mắt tấm thảm văn minh khai sáng của phương Tây làm cho họ bá chủ thế giới. Và điểm này, họ đã có một cuộc thu hoạch hết sức to lớn lao làm nền tảng cho đổi mới đất nước. Họ đã tìm được chìa khóa mở cửa bí mật của sức mạnh phương Tây.

Các thành viên của Sứ đoàn hiểu rằng, chỉ có khai sáng và tiến bộ mới là ngôn ngữ để đối thoại với các quốc gia phương Tây, là con đường duy nhất để gia nhập câu lạc bộ của họ một cách nhanh chóng nhất. Họ phải nỗ lực học hỏi và đánh giá phương Tây thật khách quan, nếu họ muốn trở thành một phần của cộng đồng họ. Nhật Bản đã bị cô lập gần ba thế kỷ, cho nên rất ngỡ ngàng trước thế giới phương Tây đã công nghiệp hóa. Thế giới trước mặt họ không phải được tạo ra bằng những nhà văn, nhà thơ, quan lại, hay võ sĩ, mà bằng những kỹ sư, nhà chế tạo, nhà buôn, doanh nhân, không phải bằng chữ nghĩa mà công nghệ, khoa học, giáo dục hiện đại, những đầu máy hơi nước, hệ thống đường sắt, tàu biển, nhà máy, bến cảng, vũ khí hiện đại, và những con đường được thắp sáng bằng gas, những công trình giao thông công cộng hiện đại.

Họ hiểu văn minh khai sáng là dòng chảy chính của thời đại, đã tạo ra sự phồn vinh và quyền lực mà không ai có thể tránh né, hoặc bị khuất phục, hoặc ra sức hòa nhập hoặc để tồn tại. Các vị sứ giả không phải chỉ là những nhà quý tộc, mà còn là những người có tinh thần mạnh mẽ nhất đang háo hức muốn cải tạo quốc gia. Lần này, họ xuất hiện không phải trong những bộ áo quần samurai truyền thống, mà trong những bộ đồ hiện đại của phương Tây.

Họ lên đường với những agenda có thể khác nhau trong đầu các cá nhân, với những ý tưởng lãng mạn, mơ hồ, nhưng sự cọ xác với thực tế ở Hoa Kỳ đã bắt đầu bóc đi những lớp vỏ đó. Ý tưởng về một quốc gia mới của các chính khách khi họ bước lên tàu có thể khác nhau, những sẽ hội tụ lại khi họ đặt chân lại trên nước Nhật.

Đó là chuyến đi thực địa lớn nhất thể hiện quyết tâm của giai cấp lãnh đạo Nhật Bản Minh Trị sâu xác với các mô hình xã hội phương Tây để tìm ra phương cách cải tổ đất nước. Họ không đi để cỡi ngựa xem hoa. Họ muốn có đũ dữ kiện để hình dung một Nhật Bản tương lai như một tổng thể. Thực tế, nếu những nhà lãnh đạo trẻ tuổi Nhật không cảm thấy đủ mạnh, đủ quyết tâm để làm cuộc chấn hưng toàn diện cho đất nước thì chắc họ đã không để công sức gần hai năm trời, 1871-73, để làm một cuộc công du lớn như thế.

Thực tế, một nước Nhật Bản mới đã được thai nghén trong đầu các lãnh đạo trong chuyến công du này. Mặt trời sẽ mọc lần thứ hai trên đất Phù Tang. Trời không sinh ra ai trên ai dưới, như Fukuzawa nói. Chỉ có con người phải sử dụng quyền tự quyết của mình, và phải thức tỉnh để học hỏi những giá trị mới của thời đại để thay đổi cho bằng người. Người Nhật thay đổi từ động cơ bên trong và ý chí, bản lĩnh, dưới tác động của ngoại cảnh. Họ có lòng tự trọng và quyết tâm. Họ muốn chứng minh họ là dân tộc đẵng cấp.

Chuyến đi của đoàn có mang theo một “thư ký” ghi chép nhật ký hành trình, Kume Kunitake, một học giả Khổng giáo. Ông có nhiệm vụ ghi chép hết mọi thứ quan sát, và ý kiến, nhận xét của các thành viên, và của chính ông. Về lại Nhật, ông xuất bản một bộ sách gồm 5 tập cho mọi người tham khảo, hiểu biết phương Tây là gì. Bộ sách đó được đánh giá là bộ sử của văn minh phương Tây công nghiệp hóa thế kỷ 19. Họ là những người được đào tạo theo khổng giáo nhưng đã biết quan sát một cách hết sức tinh vi và khách quan, chính xác, cũng như những đánh giá của họ về từng quốc gia, chỗ mạnh chỗ yếu của họ! Không tưởng nổi Việt Nam có một nhóm người nho học mà lại có năng lực quan sát chính xác, khoa học như thế. Họ đã nhìn thấu suốt bản chất các quốc gia phương Tây ở những nét chính. Điều đó có lẽ lý giải một phần sự thành công sắp tới của họ. Quá hay.

Việt Nam hay quốc gia nào khác chưa có một sự quan sát chính xác như thế đối với phương Tây. Chúng ta cũng chưa có quan sát chính xác đối với một quốc gia như Nhật Bản, hay Hàn Quốc, Đài Loan, hay ngay cả Trung Quốc, để học hỏi. Chưa có. Cụ Phan Châu Trinh ở Nhật chỉ có mấy ngày, chưa đủ đế hiểu hết. Cụ bị choáng ngợp bởi công cuộc cải cách của người Nhật và những thành công xuất sắc của họ, mục kích cả nền văn hóa, và văn minh, của họ được lột xác, không còn giống các quốc gia châu Á khác nữa, tuy là “đồng văn đồng chủng”. Nhìn bề ngoài, họ giống Tây mặc dù vẫn là châu Á. Sự thay đổi mà cụ kêu gọi phải là cả một cuộc đổi mới toàn diện một nền văn minh, từ cơ sở vật chất, thói quen, lối sống, cách ăn mặc đến cách tư duy, áp dụng tri thức phương Tây vào cuộc sống, phương tiện giao thông, tổ chức xã hội, định chế xã hội vv, chứ không phải thay đổi phiến diện nào. Cụ chưa nói hết, và có lẽ cụ cũng chưa hình dung hết. Lúc Cụ qua thăm, Nhật Bản đã đánh thắng quân nhà Thanh, nghiễm nhiên trở thành cường quốc châu Á. Cụ thấy thành quả, nhưng chưa thấy hết những hạt giống đã gieo. Cụ trách người Việt Nam qua đó mà không học được gì, ví như người mà lá phổi bị hư, vào một nơi mà khí trời trong lành sảng khoái mà không hít thở được gì.

Sứ đoàn Iwakura giúp chúng ta hiểu thêm cuộc thay đổi ở Nhật Bản. Ai yêu quý khai sáng Fukuzawa Yukichi thì không thể bỏ qua chuyến đi của Sứ đoàn Iwakura, để thấy bunmei-kaika không chỉ là khẩu hiệu, mà để thấy làm gì để thực hiện nó. Họ không phải chỉ học trên giấy, mà còn thực hành những gì họ học được. Cũng giống như những lời của TS Choi Hyung Sup: Cần làm khoa học, chứ không dừng ở học.

Câu chuyện kể là một “Tây du ký” hiện đại của Nhật Bản để tìm đường cứu nước. Đọc xong Sứ đoàn Iwakura có thể làm thay đổi suy nghĩ của bạn, hay làm cho tư duy bạn phong phú và sâu sắc hơn. Dẫn nhập dưới đây đã được bổ sung so với dẫn nhập được đăng trong sách.

Xin cảm ơn anh chị quan tâm. Chắc chắn còn nhiều điều chưa được “tinh lọc”, và làm hài lòng, vì quỹ thời gian eo hẹp của tôi.

Nguyễn Xuân Xanh

(30/7/2023)