Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Câu chuyện nhỏ và cái kết bất khả đoán

Inrasara

Đọc Nguyễn Đức Tùng có cái thú vị. Không phải ở tứ thơ, dù Thơ buổi sáng có nhiều tứ thơ độc đáo; không phải thi ảnh siêu thực, ở đó bất kì trang nào ta cũng lặt ra được bao mới mẻ, với những “Em vẫn vàng lúa mới/ Gặt mãi chưa xong tình đầu/ Cánh diều gieo mềm gốc rạ” nhiều ẩn dụ, mà chính nơi câu chuyện, những câu chuyện nhỏ. Nhỏ, mà ám ảnh lạ.

Người đưa thư

Dựng xe đạp trước nhà

Ngồi uống với dì tôi một tách trà

Rồi vội vã đứng lên

Không biết dì tôi không biết chữ

Trong phong bì là giấy báo tử.

(“Chiến tranh”)

Sự vắng mặt của em đến dần dà

Từng giọt

Không như cà phê

Mà như nước dột từ mái nhà

Anh ngồi ngắm suốt ba năm

Trước khi bắc thang lên sửa lại

(“Sự vắng mặt”)

Nữa, thú vị hơn cả thú vị, đó là ở nhiều bài thơ xảy đến cái kết bất khả đoán. Kết một bài thơ lâu nay luôn được nhà thơ triển khai theo hướng tóm ý, mở rộng hay nâng cao để tỏ bày tình cảm, thái độ. Từ thơ Đường luật sang thơ Mới cho tận thơ hiện đại, ít ra là ở Việt Nam.

Không phải thứ kết mở, bỏ lửng, đóng hay đối lập bất ngờ, Nguyễn Đức Tùng thường xuyên bẻ câu chuyện kể của mình theo hướng khác. Thi sĩ đột ngột tạo khoảng trắng đứt kết nối, xô người đọc lọt qua không gian khác:

Khi anh trở về

Người vợ đã chết

Vết máu khô trên ngực

Trong bụi tre cú rúc liên hồi

Tiếng thứ nhất: anh không nghe

Tiếng thứ hai: anh dừng lại

Tiếng thứ ba: anh lờ mờ nhận ra

Anh đặt thang thuốc bắc lên thềm nhà

Cúi đầu, lùi lại

Rồi nhổ sào

Rời bến.

Hoặc tạo cho người đọc sự liên tưởng khác:

Mỗi khi trời trở gió

Anh lại đau

Ở bắp chân

Không còn ở đó

(“Sau chiến tranh”)

Hay gợi mở một tưởng tượng khác, bất khả đoán. Cái kết rớt ra ngoài mạch truyện như thể một lạc đề, nhưng không:

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

Đó là thứ kĩ thuật dường chưa nhà thơ Việt nào dùng tới, có lẽ. Thú vị là vậy. Riêng khía cạnh đó thôi cũng đủ thấy cái cao tay của Nguyễn Đức Tùng.

Thơ buổi sáng không chỉ có thế, mà còn nhiều điều khác nữa. Bạn đọc hãy tự mình chậm rãi bước vào chân trời mới, lạ ấy, chắc chắn sẽ phát hiện được điều thú vị khác cho riêng mình.

Chakleng, 24-7-2023