Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Nhạc phẩm TAI BIẾN và chàng nghệ sĩ trên chiếc xe lăn

T.Vấn

clip_image002[1]

1.

Nhạc sĩ Trần Lê Việt, tác giả của bản nhạc tù quen thuộc, được mọi người nhắc đến, nghe lại vào các dịp kỷ niệm 30 tháng 4 hàng năm: Tháng Tư Đen (hay còn được nhớ nhất với cái tên Tháng Tư 29 ngày 31 đêm) trong dịp sinh nhật thứ 72 đã “được” ngồi xe lăn đi chầm chậm về phía cuối đường (đời). Chàng lãng tử với cây đàn nay không còn có thể “lãng tử” được nữa, dù cây đàn vẫn còn đó, vẫn còn là niềm vui của mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây chàng không phải đánh vật với bệnh tật.

Dạo trước, nhân tin nhà văn Huy Phương đang chuẩn bị ra mắt tác phẩm (cuối cùng) “Ga Cuối Đường Tàu” giữa lúc đang chống chỏi với bệnh tật, Trần Lê Việt đã cảm khái viết “dạo này, nhiều Anh Em Bạn Hữu lần lượt ra đi, nhân thấy cuốn sách GA CUỐI ĐƯỜNG TÀU của Nhà Văn Huy Phương, chợt muốn viết vài dòng.

GA CUỐI

Tặng Huy Phương

Thân tặng Oanh Vấn, Yến Phi, Hoà Sự, Ánh Tiến, Vân Chí

Và các Bạn Già của tôi

Rồi cũng đi mà luyến tiếc chi

Hồi còi giục giã phút biệt ly

Tàu đời chuyển bánh về ga cuối

Hành lý mang theo có mấy khi ?

Hành lý mang theo được những gì

Một bàn tay vuốt nhẹ bờ mi

Một làn khói trắng tan trong gió

Một tiếng kinh cầu một tiếng chuông

Để lại cho nhau những tháng ngày

Những hờn những giận những mê say

Khăn áo bây giờ như mộng ảo

Gối chăn thuở ấy tựa mây bay

Để lại cho nhau nỗi ngậm ngùi

Lời thề vàng đá cuộc buồn vui

Nay kẻ lên xe người đứng đợi

Ga đời lẻ bóng lệ đầy vơi

Với Trần Lê Việt, vốn không có “máu” làm thơ, nên những dòng chữ gọi là “bài thơ” này chỉ là nội dung chính cho một bài nhạc mới chuẩn bị ra đời.

Chẳng may, bài nhạc chưa kịp định hình, hay đã định hình rồi nhưng tác giả của nó chưa kịp ghi lại thì một mạch máu trong não chàng nhạc sĩ đã “vội vỡ ra”, khiến chàng phải đi cấp cứu bằng trực thăng và sau đó là nhiều tuần lễ trong viện phục hồi với chân trái và tay trái từ chối không chịu cử động theo mệnh lệnh của chủ nhân.

Từ nay, chiếc xe lăn đã trở thành người bạn gần gũi của Trần Lê Việt, cùng với chiếc keyboard (thay thế cho cây đàn guitar thân thiết bao năm vì tay trái đã không còn khiển dụng được nữa) và tập giấy kẻ nhạc.

(Và bài thơ GA CUỐI đã thành một nhạc phẩm mang tên GA ĐỜI LẺ BÓNG)

2.

Mấy chục năm qua, tôi đã cùng với Trần Lê Việt đồng hành trong mọi hành trình, từ cuộc sống hàng ngày cho đến các hoạt động văn hóa văn nghệ. Khi về hưu, tôi đã quyết định lìa bỏ thành phố hai gia đình chúng tôi cùng sinh sống từ lúc có đứa con đầu lòng cho đến khi chúng đã trưởng thành bay ra khỏi tổ ấm gia đình. Tôi đã bỏ lại sau lưng nhiều thứ ngẫu nhiên đã cột chặt hai chúng tôi vào với nhau kể từ cái ngày định mệnh 30 tháng 4 năm 1975.

Cùng vần T của Họ (Trần, Trương), cùng vần V của Tên (Việt, Vấn), cùng tuổi (72), cùng cấp bậc trong quân đội tính đến ngày cuối của cuộc chiến (Trung úy), cùng chức vụ trong công việc hàng ngày ở đơn vị (Trưởng ban văn nghệ), thế nên, trong suốt thời gian của gần 10 năm trong tù, chúng tôi chia chung với nhau chiếc còng số 8 (nghĩa đen hoàn toàn) rong ruổi hết trại tù này đến trại tù khác từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam. Một lần, trên chuyến xe lửa chuyển tù từ Bắc vào Nam, hai cổ tay hai đứa tôi bị cột chung một chiếc còng sắt, nhưng chúng tôi vẫn xoay sở để Trần Lê Việt đệm đàn bằng chiếc guitar tự chế, còn tôi cất cao giọng ca ốm đói chào mừng miền Nam bằng bài nhạc “Chuyến tàu hoàng hôn” (khi bài hát kết thúc, tôi đổi hai chữ hoàng hôn thành vào nam cho thêm phần kịch tính). Lúc ấy, các cửa sổ toa tàu được lệnh đóng kín để thuốc lá, bánh trái ném vào từ dưới đường không thể đến tay chúng tôi và những bức thư viết sẵn từ đám tù trên tàu không thể ném xuống để nhờ người dân bên ngoài gửi giúp về gia đình. Trong toa lại không một bóng đèn, chỉ thỉnh thoảng có ánh đèn pin của các vệ binh coi tù đi lại kiểm soát. Nhưng tiếng đàn tiếng hát không vì thế mà chững lại. Một tay quản giáo đến chỗ chúng tôi, chỉa đèn pin vào vị trí chiếc còng sắt nối hai cổ tay gầy guộc của hai thằng tù đứa vẫn đang đàn đứa vẫn đang hát, buột miệng: “Bị còng tay thế mà vẫn đàn hát được à?”.

Đến khi ra tù, chúng tôi lại cùng chia nhau những giọt mồ hôi cơm áo hàng ngày giữa một Sài Gòn không còn là Sài Gòn của ngày xưa, không phải là Sài Gòn trong những bản nhạc chàng nhạc sĩ đã nhiều đêm ấp ủ trong tù. Đã một dạo, tôi và Trần Lê Việt cùng đóng vai “Võ Đại Lang Bán Phở” tại một nhà hàng lừng danh trước 1975 (Choeng Nam) nằm trên đường Hai Bà Trưng quãng ngay ở phía sau trụ sở Quốc hội cũ (nay là Nhà hát thành phố). Đây cũng là một điểm hẹn lý tưởng cho các anh em đồng tù (cải tạo) đến gặp nhau ôn lại chuyện cũ hoặc dừng chân nghỉ ngơi sau những giờ phút vật vã với miếng cơm manh áo trên đường phố Sài Gòn.

Và chẳng có gì ngạc nhiên, chúng tôi cùng với nhau làm lại cuộc đời trên cùng một mảnh đất nơi xứ lạ quê người (thành phố Wichita, tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ). Nơi đây, chúng tôi đã sinh con đẻ cái (hai đứa họ Trần, hai đứa họ Trương) chúng đã lớn lên với nhau, trưởng thành với nhau và như hai ông bố của chúng, đã đùm bọc lẫn nhau còn hơn ruột thịt.

3.

Dường như định mệnh đã trói tôi và Trần Lê Việt vào với nhau bằng một sợi dây tuy vô hình mà kỳ diệu lạ lùng. Cùng mang trong tim một dòng máu đam mê nghệ thuật cháy bỏng, cùng sống hết mình với chất “nghệ sĩ” trót mang từ những ngày trai trẻ năm xưa, một lần nữa (cuối cùng chăng?) chúng tôi lại đồng hành với nhau trên trang web văn học T.Vấn & Bạn Hữu. Năm 2007, Trần Lê Việt cho ra mắt tập nhạc đầu tiên sau nhiều năm tháng thai nghén “MƯỜI LĂM TÌNH KHÚC – CHIẾN MÃ CA”. Chẳng phải ai khác, tôi là người viết TỰA và giới thiệu tập nhạc. Một số những bài hát trong tập nhạc này chúng tôi đã từng hát chung từ những ngày còn ở trong tù. Và còn nhiều, còn nhiều những cái chung khác nữa. Trang mạng văn học TV&BH luôn là nơi đầu tiên lần lượt giới thiệu những CDs nhạc của Trần Lê Việt, những TÌNH CA, KẺ LẠ, ĐỜI NHẠT NHÒA… Những bài tù khúc của Trần Lê Việt có mặt đầy đủ trong chuyên mục TÙ KHÚC mà anh em chúng tôi đã cùng với những tác giả tù khúc khác như Nguyễn Tiến Việt, Trọng Minh, họa sĩ Trần Thanh Châu, youtuber Nguyễn Văn Ngoan dồn hết tâm huyết thực hiện. Có thể nói, không có sự tiếp tay ban đầu của người bạn Trần Lê Việt, chưa chắc tôi đã đủ can đảm khởi xướng việc thực hiện công trình này.

4.

clip_image004[1]

Vợ chồng nhạc sĩ Trần Lê Việt

Năm tháng trôi qua. Chúng tôi đã từng có những lần tổ chức sinh nhật chung 120 (60 tuổi), 140 (70 tuổi) với sự có mặt đầy đủ của gia đình con cái mà gần 50 năm trước, khi cùng với nhau hợp thành một tổ lao động hai người đi chặt nứa trong rừng Yên Bái, bị muỗi cắn sưng mặt, cả người trầy xước vì vầu, vì nứa sắc như dao, chúng tôi ngao ngán nhìn nhau mà không thể ngờ sẽ có những ngày như hôm nay.

Bệnh tật, tuổi tác đã buộc một trong hai người bạn hầu như trở thành “tàn phế”. Nhưng, một lần nữa, tôi kinh ngạc nhìn ý chí mạnh mẽ cương quyết không đầu hàng số phận của bạn mình. Kể từ tháng 11 năm 2021 sau cơn stroke bị liệt nửa người bên trái, Trần Lê Việt đã kiên trì tập luyện để vài tháng sau đã có thể tự mình đi lại được, tuy cánh tay trái có vẻ như không thể nào sử dụng lại được nữa.

Và những bản nhạc mới của Trần Lê Việt vẫn cứ lần lượt ra đời, khởi sắc hơn, sâu lắng hơn, dù chàng chỉ có một bàn tay mổ cò trên phím keyboard. Từ hai năm nay, trên trang TV&BH đã bắt đầu xuất hiện những bài nhạc mang tên Trần Lê Việt được trang trọng gởi đến độc giả. Từ THÔI CHIA TAY, ĐƯỜNG VỀ, GA ĐỜI LẺ BÓNG, đến XIN NHƯ CHIẾC BÓNG. Đây là những nỗ lực sáng tạo đáng kinh ngạc của Trần Lê Việt sau cơn bạo bệnh tưởng không chết thì cũng đã thành tàn phế.

Và đến hôm nay là một nhạc phẩm cụ thể nhất, thực nhất, trần trụi nhất: TAI BIẾN.

Khởi đi từ một bài thơ mà Ngọc Phi – một người bạn tù thân thiết năm xưa viết tặng riêng Trần Lê Việt khi nhìn thấy bạn đóng khung những ngày còn lại của mình trong chiếc xe lăn quái ác:

Bài tình buồn

(tâm khúc cho người yêu dấu)

Anh đâu biết, có một ngày đau xót

Là một ngày anh không thể ôm em

Dìu em theo những bước nhảy êm đềm

Nhìn đôi mắt em dịu dàng, đắm đuối

.

Anh đâu biết, có một ngày tăm tối

Như pho tượng ngồi u uẩn, lạnh căm

Không thể nhìn em cúi mặt âm thầm

Đẩy bánh xe lăn cuối đời anh lặng lẽ

.

Anh đâu biết, có một ngày không thể

Đưa bàn tay vuốt lệ mắt em rơi

Ôi! bàn tay sao tê dại rã rời?

Như chiếc lá trong vườn thu thương tiếc

.

Anh đâu biết, rồi một ngày tai biến

Xác thân nằm tàn lụi một đêm trăng

Trong bi thương hồn rất đỗi u trầm

Em yêu dấu! Em còn chăng hạnh phúc?

(tặng Trần Lê Việt)

Ngọc Phi

Tháng /5/2023

Và:

Tưởng đời ta đã cạn khô

Ngờ đâu nước mắt trượng phu rã rời

Đêm nằm bóng tối chơi vơi

Thương em sầu muộn cuối đời héo hon!

Thế là bản nhạc TAI BIẾN ra đời:

Anh đâu ngờ có ngày buồn như hôm nay

Một ngày anh không đứng bên em

Không thể dìu em bước theo điệu nhạc

Và nhìn sâu ánh mắt dịu dàng

.

Anh đâu ngờ có ngày buồn như hôm nay

Pho tượng ngồi u uất đơn côi

Sau chiếc xe lăn em âm thầm lặng lẽ

Cố đưa anh qua con dốc sau cùng

.

Làm sao biết có ngày anh không thể

Đưa bàn tay vuốt lệ mắt em rơi

Ôi bàn tay tê dại rã rời

Như gỗ mục trong vườn thu hoang phế

.

Làm sao biết rồi một ngày tai biến

Là tai ương phủ xuống cuộc đời anh

Là bi thương tan nát hạnh phúc em

Là đôi ta chìm cõi u trầm

.

Cứ ngỡ là mình không còn nước mắt

Nước mắt trượng phu khô cạn lâu rồi

Chợt đêm buồn trong bóng tối chơi vơi

Nghe lệ chảy thương đời em úa tàn

(TAI BIẾN – Trần Lê Việt)

clip_image006[1]

Bản nhạc là những lời yêu thương và biết ơn gởi người vợ đã từng đến với mình từ những ngày thân sơ thất sở của gần 40 năm trước. Và bây giờ, nàng lại một lần nữa tận tụy bên chồng như những ngày xưa tấm mẵng và sau gần 40 năm chia ngọt sẻ bùi.

Để rồi những giọt nước mắt trượng phu đã lặng lẽ đổ ra trong đêm tối chơi vơi, không phải cho thân xác tàn phế của mình, mà là cho người vợ suốt một đời chỉ biết hy sinh cho chồng, cho con, một phụ nữ Việt Nam điển hình dù sống trên xứ người đã 30 năm nay.

Ngay cái tên bài nhạc: TAI BIẾN đã cho thấy óc sáng tạo, sự nhậy bén của Trần Lê Việt trong sáng tác. Về giai điệu, TAI BIẾN là một bước nhẩy vọt so với các sáng tác tiền-xe-lăn của Trần Lê Việt. Con đường âm nhạc Trần Lê Việt hậu-xe-lăn cho thấy một thế giới khác, sâu hơn, nhiều suy tưởng hơn mà cũng nhiều hình tượng hơn – thí dụ như:

Sau chiếc xe lăn em âm thầm lặng lẽ

Cố đưa anh qua con dốc sau cùng

Âm thanh – qua giọng hát ca sĩ và nhạc đệm – như kéo người nghe cùng bước lên trên con dốc, và là con dốc sau cùng của cuộc đời. Hình ảnh thật đẹp, thật lãng mạn, mà cũng thật nhói lòng. Cùng một lúc, TAI BIẾN còn là bản tụng ca người phụ nữ Việt Nam qua hình ảnh người vợ yêu quý của chàng nhạc sĩ.

Chỉ với một bản nhạc ngắn ngủi mà nói được nhiều điều như thế, liệu chúng ta có thể tiếp tục nhìn anh chàng nhạc sĩ già ngồi trên chiếc xe lăn kia là một người tàn phế (disabled) theo nghĩa thông thường hay không?

Một điều thú vị khác không thể không nói tới là sự đồng cảm của một người bạn trẻ mà chúng tôi được quen biết qua những trang tùy bút Đà Lạt rất đẹp của cô xuất hiện trên trang văn học TV&BH. Lần đầu tiên nghe bài nhạc, cô bảo hay nhưng sao buồn thế. Tuy nói thì nói thế, nhưng người bạn trẻ hiểu hơn ai hết xưa nay hiếm có bản nhạc nào hay mà không buồn, một thứ nỗi buồn đã được thăng hoa nhờ bàn tay người nhạc sĩ sắp xếp những nốt nhạc cao thấp vào một khuôn nhạc đặc thù và truyền hơi thở sự sống cho chúng bay lượn giữa khoảng trời xanh giờ chỉ còn trong hoài niệm của người ngồi trên chiếc xe lăn. Và thế là nỗi buồn trong nhạc Trần Lê Việt đã được tâm hồn nghệ sĩ của người bạn trẻ biến thành những hình ảnh rất đẹp, rất người và cũng rất buốt lòng trong Video Clip cùng tên. Nổi bật nhất là những khoảng trời xanh bao la giữa thiên nhiên của rừng núi Đà Lạt như muốn cùng với chàng nhạc sĩ khẳng định rằng, tuy thân xác chúng ta có già nua tàn phế, nhưng đôi cánh của nghệ thuật, của âm nhạc vẫn đủ sức đưa chúng ta bay lượn khắp nơi như những cụm mây trời. Và cùng với tình yêu, với lòng chung thủy sắt son của người bạn đời bước phía sau chiếc xe lăn, chàng nhạc sĩ sẽ đi cùng trời cuối biển, như một minh chứng của TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT.

(Video Clip TAI BIẾN do NTN thực hiện)

5.

clip_image008[1]

Sau TAI BIẾN, sự nghiệp âm nhạc của Trần Lê Việt có thêm được tác phẩm nào mới không, điều ấy còn ở phía trước. Nhưng bây giờ đây, với sự ra đời của TAI BIẾN, vì cái nghiệt ngã của số phận mà nó hiện hữu, chúng tôi muốn được cùng nhau đánh dấu một quãng đời gần 50 năm sát cánh bên nhau, từ những năm tháng chiến tranh cận kề lửa đạn đến những ngày đói rét co ro trong các trại tù khổ sai, từ những lận đận lao đao cơm áo đời thường đến những khoảnh khắc thăng hoa bay bổng trong nghệ thuật, cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn còn may mắn được ngồi bên nhau uống chén rượu cay ngọt của cuộc đời. Tay có run, mắt có mờ, chân có mỏi (hay không thể tự cử động) thì cũng chẳng có hề chi. Chúng tôi đã sống một cuộc đời đáng sống. Và vẫn tha thiết yêu thương trần gian điên dại này. Dù không phải lúc nào chúng tôi cũng được đời đối xử tử tế.

Thí dụ như hôm nay anh bạn tôi đã phải bó mình trên chiếc xe lăn, chờ vợ đẩy cho mình vượt lên con dốc cuối cùng của cuộc đời.

Và chúng tôi biết ơn bức thông điệp tuyệt vời của người bạn trẻ NTN qua hình ảnh mặt trời vẫn rực rỡ phía sau màn mưa trắng trời trắng đất. Dù chỉ còn một ngày để sống, chúng tôi cũng vẫn sẽ nhìn về một ngày của tương lai ấy trong vầng sáng rực rỡ của mặt trời.