Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2023

Nguyễn Minh Châu hay là một định nghĩa về người viết văn

Vương Trí Nhàn

Có lần, tôi đã được nghe chính Nguyễn Minh Châu kể lại một mẩu chuyện như sau:

Hồi đó là khoảng 1955 - 1956, Nguyễn Minh Châu đang ở một đơn vị chiến đấu, ngồi bàn với anh em về việc chuyển ngành ra ngoài. Có người “mơ” đi học tiếp. Có người tính trở về đi cày. Người tính đến “cắm” ở một công trường nào đó. Phần Nguyễn Minh Châu, trong lúc cao hứng, ông bảo:

- Tôi sẽ viết văn!

Nói xong, với bản tính bẽn lẽn sẵn có, Nguyễn Minh Châu cứ cúi mặt xuống vì ngượng. Ngượng thật, vì khi liếc nhìn phản ứng mọi người chung quanh, thấy không ai tin. Ai cũng nghĩ cái anh chàng Châu này bốc lên nói lấy được, chứ “mặt ấy” sau làm sao mà viết nổi văn!

Không rõ trong đám bạn bè ngồi bàn việc ấy, mọi người sau này sẽ đi làm gì, có đúng với cái nghề mà mình định liệu không. Riêng con người mang tiếng là “bốc”, là cao hứng bàn chuyện viển vông đó, là đã làm đúng cái nghề mà ông ao ước, và có được một địa vị vững chãi trong nghề. Trong tiểu thuyết Mảnh đất tình yêu, Nguyễn Minh Châu có viết một câu đại ý: thật là vinh dự cho những ai đi qua cuộc đời này, như một thứ định nghĩa. Theo chúng tôi, thì sau những năm tháng làm nghề cặm cụi, Nguyễn Minh Châu cũng đã đạt tới cái vinh dự đặc biệt đó. Chính ông là một định nghĩa về người viết văn. Bên cạnh các tác phẩm ông còn để lại cho chúng ta một bản di chúc quan trọng: Hãy phấn đấu hết mình vì lý tưởng nghề nghiệp cao quý.

Sở dĩ có thể nói trong đời sống văn hóa mấy chục năm qua, Nguyễn Minh Châu có một địa vị nghề nghiệp vững chãi, vì lẽ:

- Khối lượng chữ nghĩa ông “sản xuất” ra không đến nỗi nào.

- Mà cái khối lượng không ít ỏi gì ấy (tính trong điều kiện Việt Nam) lại là những trang văn xuôi có chất lượng.

Nói cách khác, ông đã luôn làm việc, luôn luôn đặt ra yêu cầu cao với mình, luôn luôn đối mặt với trang giấy trắng, những mong viết nên được những cuốn sách còn lại mãi với lịch sử văn học.

Vâng, ý niệm về lịch sử văn học là một mối ám ảnh thường xuyên trở đi trở lại trong đầu óc Nguyễn Minh Châu.

Hồi còn công tác ở tạp chí Văn nghệ Quân Đội, tôi nhớ Nguyễn Minh Châu rất quý nhà văn Thanh Tịnh. Không phải Nguyễn Minh Châu không biết những thói xấu của Thanh Tịnh khi về già. Nhưng hình như cứ nghĩ đến những quyển sách mà Thanh Tịnh đã viết như tập truyện ngắn Quê mẹ, là Nguyễn Minh Châu lại thấy thông cảm và thương mến hẳn. Với Nguyễn Minh Châu, Thanh Tịnh là đại diện bằng xương bằng thịt của văn học 30 - 45, một nền văn học mà Nguyễn Minh Châu đã hấp thụ từ nhỏ và thường đối xử với một cảm giác chịu ơn thành thực.

Tôi cũng được biết rằng tuy chỉ mới quen nhau mấy năm gần đây, nhưng Nguyễn Minh Châu và nhà văn Hồ Dzếnh rất quý nhau. Giữa hai người có một mối giao tình lạ lùng, nói với nhau rất ít và hiểu nhau rất nhiều.

Cố nhiên, những sự quyến luyến ấy có cơ sở sâu xa của nó.

Là một người có một cảm quan văn học nhạy bén, giá lớn lên trước Cách mạng, chắc Nguyễn Minh Châu sẽ viết nên những trang sách gợi nhớ tới Quê mẹ của Thanh Tịnh, Chân trời cũ của Hồ Dzếnh, hoặc xa hơn một chút, Gió đầu mùaSợi tóc của Thạch Lam.

Có điều, hoàn cảnh lớn lên của Nguyễn Minh Châu hoàn toàn khác. Cho nên một ngòi bút thiên về trữ tình và vốn rất dịu dàng như vậy đã chuyển hóa thành một ngòi bút ca ngợi cuộc chiến đấu và khắc họa nên những tính cách giàu ý chí nghị lực như trong Dấu chân người lính.

Chỉ sau 1975, khi đã già dặn và từng trải trong nghề, ông mới trở lại với chính mình để viết về cái đời thường đa đoan, phức tạp và cũng đầm ấm nhân tình, như ông hằng mong mỏi.

Ở đây, tôi xin phép không nhắc lại một số phương diện chính trong nội dung tư tưởng các sáng tác của Nguyễn Minh Châu. Để tìm hiểu địa vị nghề nghiệp của ông, tôi muốn lưu ý tới một điểm khác:

Không những luôn luôn trăn trở với đời sống, mà Nguyễn Minh Châu còn luôn suy nghĩ mong tìm ra cách tốt nhất để truyền đạt những niềm tin, những lo âu, những hy vọng và cả… những sợ hãi của mình tới người đọc.

Là một nhà văn chân chính, Nguyễn Minh Châu luôn luôn chăm chút để các sáng tác của mình có chất lượng cao về nghệ thuật. Nhà văn mang nặng tâm huyết với đời sống này cũng là một nhà văn hết sức tha thiết với tiếng mẹ đẻ. Qua các trang sách đã viết, ông thường hiện ra như một tài hoa, biết say sưa đón lấy mọi vẻ đẹp của đời sống con người, luôn luôn nhìn đời bằng con mắt nghệ sĩ đó, đồng thời rất tinh tế về ngôn ngữ văn học, nên thường biết thực hiện những nhiệm vụ chính trị của mình một cách sáng tạo, như một hành động văn hóa.

Sau hết, một điểm quan trọng trong bản di chúc tinh thần của Nguyễn Minh Châu là cách hiểu của ông về nghề văn, một cách hiểu đầy trách nhiệm và gần với sự thật.

Gần như chưa lúc nào, Nguyễn Minh Châu có dịp trình bày đầy đủ điều này trên mặt giấy. Vì đây là một việc khó. Một ngòi bút hời hợt có thể chả cần nghĩ làm gì. Một ngòi bút thực dụng có thể cho rằng đây là chuyện xa lạ với mình, cốt viết ra, có nơi in, sách bán chạy là được, băn khoăn lắm chỉ tổ mệt óc. Nhưng với tư cách một người hết lòng với nghề và một người trung thực, Nguyễn Minh Châu đã luôn luôn phải trăn trở. Ông thường lật đi lật lại các kết luận có sẵn, để tìm ra điều mà ông thấy phải hơn cả, hợp lý hơn cả. Và Nguyễn Minh Châu đã tìm thấy cái cần tìm. Trong khi chưa có điều kiện phác lại cả quá trình tư tưởng ở ông, chúng tôi thấy có thể sơ bộ rút ra từ những điều ông trình bày thấp thoáng đây đó (nhất là trong những dịp trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp) một kết luận rõ ràng:

Với ông, nhà văn là người dùng ngòi bút để chiến đấu cho cái thực, cái đẹp.

Với ông, nhà văn không có nhiệm vụ nào cao quý hơn là diễn tả cho hết những rung động, những khắc khoải của con người trước đời sống và trong khi đối mặt với các vấn đề xã hội, nhà văn phải nắm bắt bằng được, để rồi diễn tả bằng được những bức xúc, những khao khát của nhân dân.

Thời gian mà Nguyễn Minh Châu đến với những tư tưởng trên một cách quyết liệt nhất, cái thời điểm mà trong đó những tư tưởng trên chín lên trong ông đầy đủ nhất chính là những năm sáng tác cuối cùng, khoảng từ 1979 - 80 lại gần đây, mà sự ra đời của các tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê và nhiều di cảo khác là bằng chứng. Nhưng với tư cách là một người quen biết và hằng trò chuyện với Nguyễn Minh Châu từ cuối những năm 60, tôi xin phép được nói ngay từ khi mới chập chững vào nghề, ông đã từng nung nấu những ý tưởng đó. Và những suy nghĩ mà đã được trình bày qua một số bài tiểu luận viết lúc cuối đời, những suy nghĩ đó không phải là một thứ kết luận ngẫu nhiên, càng không phải những lời bốc đồng nói theo, mà là những gì từng đào sâu chôn chặt trong lòng. Với bản tính nhút nhát, ông thường ngần ngại lúng túng khi nhận ra chúng đến với mình. Nhưng với tinh thần dũng cảm của một nhà văn có lương tâm, ông lại sẵn sàng tiếp nhận chúng. Và nếu không có dịp trình bày trước mọi người thì đấy đã là những tư tưởng của ông; dưới sự hướng dẫn của chúng, ông tiếp tục làm nghề một cách hết lòng. Qua những khao khát, mong đợi, hy vọng… mà ông ghi lại trên các trang sổ tay có thể nói rằng Nguyễn Minh Châu đã đến với chúng ta một cách thành tâm, chúng đã trở thành niềm tin sắt đá nơi ông, và không gì có thể lay chuyển được ông nữa.

Tuần tin Thanh Niên, TP. HCM, 1990, s.15 (từ 8 đến 15.4)