Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Nguyễn Đình Thuần: Sự vật vỡ vụn trong một thế giới hỗn mang

Trịnh Y Thư

Triển lãm cá nhân đầu tiên của HS Nguyễn Đình Thuần ở Việt Nam

Hoạ sĩ Nguyễn Đình Thuần, sinh năm 1948, tại Huế.

Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Nguyễn Đình Thuần làm lao động tự do tại quê nhà một thời gian. Do Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Huế gần nhà nên Nguyễn Đình Thuần quyết định đăng ký dự thi và đã trúng tuyển vào ngành Mỹ thuật cùng 14 thí sinh khác trong tổng số 150 thí sinh dự thi năm ấy. Năm 1974 Nguyễn Đình Thuần nhận bằng tốt nghiệp rồi vào Sài Gòn sinh sống và hoạt động Mỹ thuật, là Hội viên Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996 Nguyễn Đình Thuần qua Mỹ theo lời mời Triển lãm cá nhân của Trung tâm Văn hoá Đông Hawaii – USA, sau đó Nguyễn Đình Thuần đã định cư và tiếp tục hoạt động Mỹ thuật cho đến nay, là thành viên Hội đồng Văn hóa Đông Hawaii – USA.

Trong sự nghiệp Hội hoạ của mình, Nguyễn Đình Thuần đã sớm thành công với việc tham gia nhiều cuộc triển lãm nhóm và triển lãm cá nhân ở Việt Nam, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore; Năm 1973, khi đang còn là sinh viên trong Trường Mỹ thuật, ông đã có tranh tham gia tại cuộc Triển lãm Hội Việt – Mỹ Đà Nẵng.

Tranh của Nguyễn Đình Thuần đã được lưu giữ trong các bộ sưu tập tư nhân ở nhiều nước. Nguyễn Đình Thuần đã có 5 triển lãm cá nhân tại Mỹ nhưng đây là triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tại Việt Nam.

Với việc trưng bày 28 bức tranh sơn dầu được chọn lọc trong những tác phẩm Nguyễn Đình Thuần đã sáng tác ở Mỹ trong nhiều năm qua, đánh giá sự “trở về” ngoạn mục của ông khi bước vào tuổi 75.

Triển lãm diễn ra từ ngày 23 đến hết ngày 30 tháng 7 năm 2023 tại Bình Minh Art Gallery (số 29A Ngô Thời Nhiệm, Quận 3, TP.Hồ Chí Minh).

Nguồn: https://binhminh-artgallery.vn/trien-lam-nguyen-dinh-thuan/

Có lẽ từ rất sớm trong sự nghiệp hội họa của mình, họa sĩ Nguyễn Đình Thuần đã chọn con đường phi biểu hình, bởi ông thấy đó chính là phương tiện thích hợp nhất cho ông biểu đạt cảm xúc từ trái tim và khối óc. Nghệ thuật Nguyễn Đình Thuần có chủ ý tiếp lực khả năng gợi cảm của hội họa hầu biểu hiện những cảm xúc, cảm quan, cảm thức nằm ngoài đường biên của ý thức hằng ngày. Ở chừng mực nào đó, Nguyễn Đình Thuần là họa sĩ nhưng tâm hồn ông lại là một thi sĩ. Ông làm thơ không bằng hai mươi mấy con chữ mà bằng vô lượng màu sắc, đường nét, ánh sáng, và một lược đồ bố cục của riêng ông. Ông không miêu tả sự vật, sự vật được ông thổi bùa phép tiếp nạp cảm xúc, một cảm xúc trữ tình và hình như đều được biểu đạt bằng trực quan, bằng cái nhìn có tính vô ngôn, như một công án Thiền, khó có thể sử dụng văn tự để giải thích hay bình phẩm. Hình thái ngôn ngữ hội họa của Nguyễn Đình Thuần là một hệ thống tín hiệu được hình thành từ thực tại, cách điệu hóa và cùng lúc trừu tượng hóa để trở nên khái quát, nhờ thế nó không còn là “cái cụ thể” nữa và có khả năng chuyển tải một nội dung hàm súc lớn hơn, cô đúc hơn. Trong khi hiện thực có những giới hạn không thể tránh, trừu tượng giúp nghệ sĩ “nhìn thấy” cái gì thị giác khiếm khuyết, cảm nhận cái gì nằm ẩn giấu bên dưới tầng ý thức. Nó là sự khai phóng tâm trí người nghệ sĩ, giúp thăm dò những vùng ẩn mật của hiện tồn, rút tỉa từ cái hữu hạn để nhìn thấu cái vô hạn.

Tương tự như âm nhạc, hội họa trừu tượng không có sức mạnh miêu tả hay biểu hiện thế giới ngoại tại với sự vật hữu quan, nhưng bù vào đó nó có một khả năng thâm hậu biểu đạt cảm xúc nội tại. Tranh Nguyễn Đình Thuần, hiện thực tự nhiên nhường chỗ cho hiện thực trừu tượng, các biểu tượng đời sống cụ thể được biểu hiện dưới một khía cạnh trừu tượng tích cực. Nhờ đó, cảm xúc về cái đẹp là một cảm xúc toàn nguyên, bao quát. Và trong mắt nghệ sĩ sáng tạo Nguyễn Đình Thuần, cái đẹp đó chỉ có thể tìm thấy nơi sự vật dưới dạng tinh tuyền, phổ quát nhất.

Đối với Nguyễn Đình Thuần, tư duy ngôn ngữ hội họa không hơn nhau ở đôi bàn tay khéo léo mà chính là ở tâm hồn nhạy cảm, phong phú của chủ thể. Ông không xử lý sự vật từ góc độ hiện thực, chuẩn xác. Bằng một tâm thế muốn vượt thoát, trong một bề sâu hội họa gần như vô hạn, với một tính khí tự do, phóng khoáng, ông hình dung cái ấn tượng sự vật tạo ra nơi tâm trí rồi phổ lên mặt bố không phải sự vật mà ấn tượng của sự vật. Xem tranh Nguyễn Đình Thuần, người ta có cảm tưởng cái bề mặt hời hợt, sáo rỗng, giống nhau như khuôn đúc của sự vật đã bị ném vào bãi phế thải, để thay thế vào là cảm xúc nội tại được biểu hiện bởi một thế giới muôn hình trạng không ngừng chuyển động trong ống kính vạn hoa được thực hiện bởi một tư duy chín muồi, một tâm hồn khao khát sáng tạo, một con người hoàn toàn đặt niềm xác tín vào sự khai phóng.

Ngôi nhà nghệ thuật nào cũng có nhiều cánh cửa, người xem tranh Nguyễn Đình Thuần chỉ có thể chiêm nghiệm không phải bằng cánh cửa phân tích lý trí mà bằng cánh cửa cảm nhận trực quan, cánh cửa của thần cảm, linh cảm. Một khi đã xác định rạch ròi cánh cửa nào đúng, phá bỏ các quán tính, tháo dỡ các định kiến lỗi thời để nhìn ra các biểu hiện đặc thù trong hình thái ngôn ngữ hội họa của ông, ta sẽ vô cùng sung sướng theo ông mà thong dong bay bổng.

Sinh năm 1948 và tốt nghiệp trường Mỹ thuật Huế năm 1974, Nguyễn Đình Thuần không có mặt khi Hội Họa sĩ Trẻ thành lập năm 1966 với sự tham gia của hầu hết các họa sĩ tài danh lúc bấy giờ. Mặc dù với hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, đây là bước ngoặt lớn định hình cho diện mạo hội họa Việt Nam nói chung vì nó dám đương đầu với vô vàn khó khăn để tiếp nhận những thử thách mới qua Chủ nghĩa Hiện đại. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, không cùng các bậc đàn anh nô nức gầy dựng cao trào có một không hai trong lịch sử hội họa nước nhà đó, Nguyễn Đình Thuần đã sớm nhận thức con đường hội họa ông dấn thân vào phải là con đường mang tên Hiện đại, con đường duy nhất có thể cho ông đặt chân lên tầng siêu-thực-tại, và ông muốn có tiếng nói nơi cõi siêu-thực-tại ấy. Tiếng nói của ông tuy không lồng lộng âm vang nhưng nhờ hướng vào một không gian không có đường biên hay tường thành rào chắn, nó bay xa và có tiếng dội vọng về. Chính cái âm vọng ấy đã khiến tranh Nguyễn Đình Thuần có những điểm độc sáng, riêng biệt. Cảnh giới tranh của ông là một thế giới vụn vỡ, những mô-típ không giữ hình thể nguyên thủy mà vỡ vụn trong một không gian mờ mịt, hỗn mang. Chúng vỡ vụn nhưng không tan biến mà quay về như những nốt nhạc láy rền vang mãi trong tâm tư người xem. Xem tranh Nguyễn Đình Thuần, chúng ta chẳng thể nào xem qua một lần rồi quay lui, mà phải xem đi xem lại nhiều lần, bởi mỗi lần xem, cảm xúc dấy lên trong tâm khảm lần sau không giống lần trước. Mỗi lần xem là một chiêm nghiệm khác nhau, một trải nghiệm khác nhau.

Đừng bao giờ hỏi những đường nét, hình diện khó hiểu trong tranh Nguyễn Đình Thuần nghĩa là gì, có hàm chứa một tư tưởng hay một thực tại gì không! Hỏi như thế là chưa hiểu ông. Kỳ thực, ông không quan tâm lắm về mặt tư tưởng, thậm chí ý tưởng cũng chỉ dành chỗ đứng rất mờ nhạt trong nghệ thuật của ông. Ông vẽ vì cảm xúc, nhưng đó là cảm xúc thẩm mỹ chứ không phải cảm xúc ý niệm. Nó không là gì cả nhưng cũng có thể là tất cả. Hơn nữa, hội họa nói chung là để cảm chứ không phải để hiểu, nói chính xác hơn: cảm bằng tri thức thị giác. Đối với Nguyễn Đình Thuần, sự định hình, định vị trong tranh là không thiết yếu. Ý định dành quyền quyết định cho ý nghĩa. Ý định bảo đó là mây, nó sẽ là mây; ý định bảo đấy là nước, nó sẽ là nước. Trong một thế giới phiếm định, sự vật vỡ vụn, không tồn tại như nó là, mà đều có thể chuyển thể thành bất cứ cái gì bất chợt đọng lại trong tâm tưởng, tùy vào tâm trạng và tâm thế nghệ sĩ lúc đó. Sự bất định không bắt nguồn từ hư vô mà từ cái hỗn mang của vũ trụ. Sự vật không bao giờ bất biến, nó thay đổi hoài hoài, như dòng chảy miên man của cuộc sống hay vòng quay bất tận của vũ trụ. Cái quý giá hôm nay, ngày mai có thể trở thành đồ phế thải, hay ngược lại. Bởi thế, Nguyễn Đình Thuần không đi tìm chân lý, và hiển nhiên ông cũng không tin vào cái phi lý ở thái cực bên kia, có lẽ ông chờ đợi những tín hiệu đến từ cái khả lý thì đúng hơn, những tín hiệu giúp ông đặt niềm tin vào những khả thể mà con người có khả năng dung nạp nhờ vào ngọn nguồn năng lượng sinh động nằm bên dưới tầng ý thức.

clip_image002

Cổng vườn xưa, 65 cm x 65 cm, sơn dầu trên bố, 1992

Không quan tâm miêu tả sự vật hữu quan như nó là, Nguyễn Đình Thuần đặt hết cảm xúc của mình vào tinh thần họa phẩm, do đó, tính biểu cảm trong tranh ông luôn luôn là cao độ, điển hình là bức Cổng vườn xưa vẽ năm 1992. Bức họa được phân bố hài hòa, tinh tế, bố cục không gian cân xứng, chuẩn mực, màu sắc xướng họa nhịp nhàng trong bản giao hưởng nhiều giai điệu và tiết điệu, những vết màu đỏ, vàng chấm phá, nhấn nhá làm điểm vịn, tất cả thỏa mãn tri thức thị giác của người xem tranh. Bố cục ánh sáng tạo nên một vũng sáng ở giữa rồi lan tỏa vào bóng tối xung quanh, tan dần vào gam màu đen xanh làm nền. Ngắm kỹ hơn, bạn có thể nhìn thấy cổng vườn ẩn hiện lờ mờ tại góc dưới bên phải, và ở góc trên bên trái là một con chim (hay con cò, điều đó không quan hệ) đang sải cánh bay vút lên trời cao. Nếu thả cho óc tưởng tượng bay bổng thêm chút nữa, có thể bạn còn thấy những đóa hoa, vài áng mây trắng và những tàn cây rậm rạp phủ kín cái cổng ngôi nhà, mà có lẽ đó chính là hình bóng của quá khứ u hiển hiện về trong tâm tưởng họa sĩ lúc vẽ tranh. Vụt sáng. Vụt tối. Vụt hiện. Vụt biến. Ở bức tranh này, họa sĩ đã sử dụng những biểu tượng hữu quan – những mô-típ cụ thể: cái cổng, con chim, hoa lá – để nói lên cái trừu tượng. Hình thái ngôn ngữ hội họa ở bức tranh là tượng trưng, nhiều ẩn dụ, nó mang nhiều sắc thái thi vị, trữ tình của một bài thơ, và cũng như thi ca, hội họa nơi đây đã vượt qua thế giới hữu hình để đặt chân lên cõi siêu-thực tại.

Có thể nói tính thơ chiếm một phần trọng đại trong hội họa Nguyễn Đình Thuần. Kỳ thực, hội họa và thi ca thường được xem là một. Bởi thế chẳng gì quá đáng nếu tôi bảo Nguyễn Đình Thuần là một thi sĩ. Vài họa phẩm mang nặng dấu ấn thi ca trữ tình của ông tôi có thể liệt kê ra như sau: Vườn địa đàng, Vườn quên lãng, Màu thời gian, Trăng ở quê nhà, Nhật nguyệt, Hoài niệm xanh, v.v. Những nhan đề nghe rất thơ. Họa sĩ chuộng gam màu xanh gợi cảm cho những bức này, xanh tím, xanh dương, xanh lục, xanh xám, xanh da trời, xanh nâu, xanh lam, xanh ngọc bích, xanh ngọc thạch... tùy theo cảm xúc mà sắc độ đậm nhạt khác nhau, và luôn luôn gợi mở một nét buồn hoài vọng.

Nếu bức Cổng vườn xưa có thi sắc tượng trưng, vẫn cho người xem tranh một liên kết nào đó giữa thực tại với tâm lý thị giác trên mặt biểu cảm hình thức, thì bức Thủy tinh vỡ đã phá vỡ cấu trúc đó để đặt cảm xúc toàn nguyên vào hình thái ngôn ngữ trừu tượng. Bố cục ánh sáng vẫn tương tự như bức

Cổng vườn xưa, nghĩa là vũng sáng ở giữa lan tỏa, len lỏi, tìm cách thâm nhập vào bóng mờ xung quanh, nhưng sự tương tự giữa hai bức tranh chấm dứt ngay đó. Trong khi người xem vẫn tìm thấy một vài mô-típ cụ thể trong bức Cổng vườn xưa thì ở bức Thủy tinh vỡ, tất cả còn lại chỉ là màu sắc và đường nét, cả hai đều được sử dụng như phương tiện biểu cảm. Hình thái ngôn ngữ trừu tượng được biểu đạt từ nhiều góc độ với một bút pháp phải nói là “thần sầu.” Mọi dấu vết của hiện thực đã bị xóa sạch! Quán niệm về trừu tượng của Picasso được Nguyễn Đình Thuần đem ra thực hiện một cách triệt để. Tất cả còn lại chỉ là hình và bóng bên trong một cảnh giới màu sắc tinh tuyền. Ở đây màu vàng làm chủ đạo, nhưng chính những biến tấu gần như vô tận, vô hạn của màu vàng, từ vàng tươi cho đến vàng đất, cả một quang phổ vàng, đã khiến cảm xúc khi xem tranh gia tăng bội phần. Màu sắc có sức mạnh trực tiếp chuyển hóa tâm hồn. Vâng, chính họa sĩ trừu tượng bậc thầy Kandinsky đã bảo thế. Phần còn lại là đường nét, những đường nét tung tỏa theo những lực hướng phiếm định tạo nên cảm xúc chủ quan là không có khởi đầu mà cũng không có chung cuộc, vô thủy vô chung, mọi thứ như trôi đi trong cõi hỗn mang phiếm bạc.

Thủy tinh vỡ. Dựa vào nhan đề bức tranh, ta có thể tưởng tượng nghệ sĩ đang muốn diễn tả “Sự vật vỡ vụn trong một thế giới hỗn mang.” Và nếu nghĩ xa thêm chút nữa, ta còn có thể liên tưởng đến cuộc sống phù du, vô thường này, đẹp đẽ (như thủy tinh) nhưng chóng vỡ, chóng tàn. Biết bao cảm nghĩ và cảm xúc cho ta mặc tình, mặc sức tưởng tượng!

Thế nhưng, tôi tuyệt đối không muốn suy diễn bất cứ điều gì về bức tranh, tôi muốn tâm trí mình hoàn toàn trống rỗng để buông thả hết tâm hồn theo con đường trừu tượng với những tìm tòi về cái đẹp trong một bố cục hài hòa (đừng quên vết đỏ be bé cùng vài nét chấm phá nhấn nhá gần trung tâm làm điểm vịn cho bố cục). Và nếu có hình tượng (thủy tinh, cứ cho như vậy đi) thì nó đã được khái quát hóa và cách điệu hóa để chỉ còn thấy chuyển động và nhịp điệu của sự vật nhịp nhàng trong một không-thời-gian miên viễn. Cái đẹp lạ thường như một thứ ánh sáng nội thân lấp lánh từ thiên đỉnh.

Hiện thực cũng hoàn toàn tan biến trong bức Thành phố Nguyễn Đình Thuần vẽ năm 2017 và hoàn tất 2018. Nếu đó là thành phố Huế thơ mộng (không chắc đúng, nhưng chẳng hề chi), nơi ông mở mắt chào đời và lớn lên, thì tất cả người lạ, người quen, sông núi, thành quách, mồ mả, đường sá, nhà cửa, chợ búa, trường học, thuyền bè, chiến tranh, hòa bình, vòng hoa, khăn tang, tình yêu, thù hận, hạnh phúc, thương đau... trong đó đều đã chuyển thể thành bóng, hình và những bóng, hình ấy mặc thị có một khuôn mặt mới, không, một đời sống mới thì đúng hơn, một đời sống không còn đường biên phân cách, không còn những tranh giành phân liệt, không còn dòng sông chia rẽ.

Cảm xúc ở bức Thành phố có vẻ “khốc liệt” hơn, cường độ mạnh hơn bức Thủy tinh vỡ do những khối màu đậm nhạt đan xen, xô đẩy, va chạm nhau bởi những lực hướng năng lượng mãnh liệt như muốn vỡ tung. Nhưng rồi tất cả tan chảy vào một tâm thế nhiêu dung muốn vượt thoát, vượt thoát để mơ tìm về cõi an bình, tĩnh lặng. Về mặt bố cục và gây cảm xúc thì cả hai bức Thủy tinh vỡThành phố đều có hiệu ứng giống nhau mà người xem tranh dễ dàng cảm nhận.

Có không một phong cách hội họa Nguyễn Đình Thuần?

Phong cách nghệ thuật, nếu nhìn từ góc độ hình thức, chỉ giản dị là phương thức biểu đạt nghệ thuật. Song, nó là phương tiện nhưng cũng chính là nghệ thuật sáng tạo, tiêu biểu cho bản sắc sáng tạo của nghệ sĩ. Nhưng đấy là giai đoạn phát triển dựa trên thao tác kỹ năng. Nhìn rộng hơn, phong cách nghệ thuật là sự thể hiện hình thái ngôn ngữ trong biểu hiện ý tưởng có tính đặc thù, định hình bởi thiên tư nghệ sĩ, nó đòi hỏi nghệ sĩ phải có một tâm hồn phong phú. Nói chung, mục đích của nghệ thuật là tìm kiếm cái đẹp. Nhưng cái đẹp lại thường ẩn nấp ở những ngõ ngách khó tìm, càng đẹp càng khó tìm, và nhiệm vụ của nghệ sĩ sáng tạo là khám phá cái đẹp mà người bình thường không nhìn thấy. Nhưng cái đẹp sẽ trở nên không đẹp nếu nghệ sĩ sáng tạo không có một tâm hồn đẹp. Tác phẩm nghệ thuật thường chứa đựng nhiều bí ẩn của cái chung lẫn cái riêng. Nó là thao tác của tư duy, tâm lý, cảm xúc của nghệ sĩ sáng tạo, và tùy vào trình độ, tư chất, năng lực, thế giới quan, nhân sinh quan của nghệ sĩ, tác phẩm bao giờ cũng có nét riêng tư. Nó là biểu hiện tâm hồn của nghệ sĩ sáng tạo. Chúng ta bồi hồi, rung cảm trước một bức tranh không phải vì đường nét, màu sắc hay bố cục từ bức tranh đập vào đôi mắt chúng ta mà vì có cái gì đó truyền cảm xúc từ đôi mắt xuống trái tim. Cảm xúc ấy chính là biểu hiện tâm hồn nghệ sĩ ẩn nấp bên trong ngôi nhà nghệ thuật, và với cảm quan nhạy sắc của người thưởng ngoạn, cánh cửa đi vào ngôi nhà nghệ thuật ấy rộng mở cho phép chúng ta có thể hòa nhập vào tâm hỗn người sáng tạo để biết đâu chúng ta khám phá ra một siêu- thực tại bên trên cái thực tại thường ngày. Phải chăng đấy chính là cứu cánh của hội họa?

Kỳ thực, các nghệ sĩ lớn qua mọi thời đại đều có riêng cho mình cái phong cách đặc trưng này và nó có yếu tính như một dấu ấn khắc họa chân dung nghệ sĩ, cái làm nên nghệ sĩ, cái khiến người nghệ sĩ có một không hai trong thế giới nghệ thuật.

Một trong những lợi ích to tát của Chủ nghĩa Hiện đại là nó đã thúc đẩy sự sáng tạo đến tới hạn và bởi thế nó giúp không ít danh họa tạo nên cái độc sáng, mà khi nhìn vào tranh của họ, ta biết ngay của ai, không cần nhìn tên tác giả. Picasso, Kandinsky, Matisse, Miro, Klee, Munch, Pollock... có ném vào giữa một rừng tranh thì cũng không sao nhầm lẫn được. Điều này cũng đúng với các danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Thái Tuấn, Đinh Cường...

Và lẽ dĩ nhiên Nguyễn Đình Thuần.

We must go on searching”. Chúng ta phải tiếp tục lên đường tìm kiếm. Câu nói của Paul Klee nghe như một châm ngôn. Đúng vậy, thuộc tính bất biến của nghệ thuật là luôn luôn đi tìm cái mới. Chẳng riêng gì hội họa, ở bất cứ bộ môn nghệ thuật nào khác, nghệ sĩ lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cuộc hành trình xuyên vũ trụ không bao giờ đến đích mà mình đang dấn bước. Con đường ấy không có mục đích. Nó cũng chẳng có sứ mệnh, mọi sứ mệnh gán ghép lên nghệ thuật đều dẫn đến nghĩa trang hoặc bãi phế thải ngoài rìa thành phố. Con đường không đưa ta đến chân-thiện-mỹ bởi làm gì có chân-thiện-mỹ trên đời. Nó không màng đến thành công hay thất bại. Và nó nhận thức rất rõ một điều là nếu nó bắt gặp cái gì mới thì sớm muộn cái mới đó cũng sẽ trở nên cũ kỹ và chìm vào quên lãng. Theo tôi, đấy chính là bản chất muôn đời của nghệ thuật. “We must go on searching.”

Trên con đường đó, tôi vẫn thấy bóng dáng Nguyễn Đình Thuần, cô đơn hơn bao giờ, lặng lẽ cất bước đều.

1.

1- Nhớ quê xưa, sơn dầu, 50cm x 40cm

2.

2- Phượng hoàng, sơn dầu, 30cm x 20cm

3.

3-Thành phố, sơn dầu, 80cm x 60cm

4.

4- Thiếu nữ Huế, sơn dầu, 45cm x 45cm

5.

5- Thiền sư, sơn dầu, 120cm x 100cm

6.

6- Thời gian, sơn dầu, 110cm x 100cm

7.

7- Thuyền ra cửa biển, sơn dầu, 50cm x 40cm

8.

8- Bình minh, sơn dầu, 130cm x 130cm

unnamed