Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Lão thợ liệm tài hoa

Truyện Trần Quang Lộc

Trận mưa đầu mùa kết thúc đợt nắng nóng kéo dài, bầu trời trở nên mịn màng như nhung, giậu tường vi trước sân nhà đong đưa vài vạt nắng vàng rộm như cái nắng của mùa thu xứ Bắc!

Chiều thật đẹp. Nằm nhà đọc sách mãi cũng chán, lang thang trên mạng xã hội bắt gặp toàn những vụ việc như cướp, hiếp, chém, dịch bệnh, tham nhũng vào lò…, tôi gấp laptop, buông tiếng thở dài cho hiện tình đất nước!

Trên chiếc xe đạp cà tàng, tôi lang thang suốt đường Xuân Diệu, con đường chạy dọc ven biển miền Trung đẹp nhất của thành phố quê tôi. Đi hết đường Xuân Diệu, tôi quay lại xóm Ga định qua cầu vượt sang bên kia sông Hà Thanh thăm người bạn cũ. Khi đi ngang qua quán cầy tơ 10 món của chị Bảy Béo bỗng có tiếng ai đó gọi tên tôi bằng chất giọng của người đang ngấm hơi men. Tôi quay lại nhìn... Tưởng ai, hóa ra là Bốn Xị, lão thợ liệm nức tiếng tài hoa.

Nghề nào cũng có những niềm vui và nỗi buồn. Thời thuốc tây giả, thuốc kém chất lượng tràn ngập thị trường y - dược trên cả nước, nghề thợ liệm của lão ăn nên làm ra. Ngày nào lão cũng có đám, thậm chí hai ba đám cùng một ngày, buộc lão phải chạy sô như ca sĩ hát đám trên thành phố. Nhờ mặt trái của kinh tế thị trường mà lão có tiền tậu xe máy mới, sửa chữa nhà cửa, dư chút đỉnh gửi về quê giúp mấy đứa cháu ăn học.

Vài năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất thuốc tây giả trong nước bị triệt tiêu, lực lượng hải quan cửa khẩu quyết liệt ngăn chặn thuốc kém chất lượng từ Trung Quốc đưa sang bằng con đường tiểu ngạch, số người chết ngày càng ít đi, nếu có cũng chỉ là những người già, bị tai nạn giao thông, bị côn đồ đâm chém... Vậy là lão Bốn thất nghiệp. Có khi cả tháng lão nằm nhà chèo queo. Thi thoảng lão ra quán cầy tơ nhậu lai rai, hô bài chòi câu khách. Quán cầy tơ của chị Bảy Béo nhờ giọng hô bài chòi với tiếng đàn ngọt như mía lùi của lão mà ngày càng đông khách.

Ngạn ngữ có câu: Cánh cửa này đóng lại là để mở ra một cánh cửa khác cho bạn. Lão Bốn Xị không vợ không con, sống tha phương từ bé, nhưng ông trời lại phú cho lão ngón đàn điêu luyện với giọng hát trầm ấm mượt mà, ngay cả diễn viên chính trong đoàn dân ca cũng khó sánh bằng. Cứ rượu vào lão lại ôm đàn mà hát. Hát để quên đi phận ba chìm bảy nổi của chính đời lão. Mỗi lần nghe lão dạo đàn, cánh đàn bà con gái trong xóm Nhà cháy dù đang bận việc cũng phải ngừng tay chạy đến dỏng tai nghe điệu bài chòi rặt chất giọng Bình Định:

"Thân, trách thân nè, thân seo chớ lận đận nè. Mình, trách mình nè, số phận chớ seo hẻm hiu. Chớ bởi thân tui, tui cực khổ, tui eo nghèo, nên dợ tui nó mới không ở nữa mà nó theo cái nẫu rầu... Tui bi giờ, như con cuốc nó kiu tu qua, nó lẻ đâu mà nó lẻ bạn, ui chúi cha quơi là buồn...".

Chất giọng trời cho kết hợp với tiếng đàn nhuần nhuyễn của lão thường lấy nước mắt của đàn bà con gái xóm Nhà cháy. Chị Báy Béo nổi tiếng chanh chua, nanh nọc nhưng nghe lão hát cũng mủi lòng ngồi thút thít.

Thương vì đức, yêu vì tài. Tuy gần tuổi sáu mươi, lão Bốn được mấy bà nạ dòng, cùng vài cô gái trẻ xóm Nhà cháy thầm yêu trộm nhớ. Lão tuyên bố thẳng thừng: Ai dại dột đến với lão, không sớm thì muộn cũng phải nhảy cầu Nhơn Hội.

Trước khi trở thành dân ngụ cư xóm Nhà cháy, có lần Bốn Xị ra hầu tòa vì bị tố can tội hiếp dâm. Theo lời lão kể:

Hồi ấy, trong làng có cô gái thấy lão đàn ngọt, hát giỏi nên đem lòng si mê, tán tỉnh, nhưng lão một mực từ chối. Vậy nhưng cô gái lại làm đơn tố cáo lão nhiều lần hiếp dâm cô dẫn đến việc cô mang thai. Công an lập tức triệu tập lão về đồn điều tra xét hỏi. Trước mặt điều tra viên, lão một mực bảo rằng mình vô tội, bị vu cáo. Cán bộ điều tra yêu cầu phải đưa ra bằng chứng cụ thể để minh oan. Lão Bốn nói như đinh đóng cột rằng, bằng chứng lão sẽ khai ngay tại tòa án.

Trong phiên xét xử, theo tố cáo của nguyên đơn, công tố viên căn cứ điều này, khoản nọ trong bộ luật hình sự về tội hiếp dâm, đề nghị mức án 10 năm tù giam dành cho lão Bốn. Trước khi nghị án, chánh án hỏi bị cáo có ý kiến gì sau khi nghe mức án đề nghị của công tố viên. Lão Bốn tuyên bố dõng dạc: Tui vô tội! Tui bị vu oan!

Chánh án gợi ý, bị cáo cứ đưa ra bằng chứng thuyết phục để tòa xét xử công minh, đúng người đúng tội. Trước mặt quan tòa và bồi thẩm đoàn (đã bãi bỏ vành móng ngựa) lão Bốn ngang nhiên tụt quần xuống tận gối. Lão nói:

- Tui xin lỗi hội đồng xét xử trước. Thưa quý tòa, súng đạn của tui, tui để lại chiến trường K từ năm 1979, tui làm gì còn vũ khí đâu mà tác chiến.

Căn cứ “vật chứng” cuả lão, tất cả những người tham dự phiên tòa kể cả nguyên đơn, kiểm sát viên ai cũng trợn tròn mắt kinh ngạc. Chánh án giục:

- Thôi, thôi, thôi... Yêu cầu bị cáo kéo quần lên!

Lão kể vậy, tôi cũng chỉ biết nghe vậy, còn chuyện thật giả thì chỉ có lão mới biết.

Tôi quen lão Bốn Xị tại đúng cái quán cầy tơ 10 món này, nhưng từ lúc nào thì không nhớ.

Nể lão Bốn chào mời nồng nhiệt, tôi trở đầu xe dựng vào một góc khuất trước cửa quán, đến chỗ lão đang ngồi. Lão lịch sự đứng lên bắt tay tôi, ấn tôi ngồi xuống chiếc ghế đối diện rồi quay vào bên trong gọi lớn:

- Chị Bảy ơi! Lấy thêm cho tui một dĩa dồi, một tô mẻ và xị bàu đá chính tông. Hôm nay tui đãi chú Lộc.

Quay sang tôi lão khoe:

- Báo cáo chú em, hôm nay tui được hai đám. Cũng may ngày giờ hai đám khác nhau. Giờ xong hết rồi, cứ thoải mái đưa cay.

Lão Bốn rót rượu ra hai chiếc ly con, nâng ly lên cụng vào ly tôi, phát động phong trào:

- Dô chăm phần chăm đi chú. Ba. Hai, một… dô….

Lão ngửa cổ dốc cạn ly rượu nuốt ực, bật ra tiếng “khà” đầy khoái trá. Dộng trôn ly xuống mặt bàn đánh “kạch”, đưa mu bàn tay lau mép, lão mắng yêu:

-Tiên sư cái anh Bàu đá! Vừa đằm, vừa thơm, uống nhiều không đau đầu, không say. Xứng danh quốc tửu….

Sau cơn mưa, gió mùa đông bắc tràn về, tiết trời se se lạnh. Lúc này ngồi trong quán cầy tơ 10 món đánh chén với lão Bốn quả thực là tuyệt cú mèo. Lão Bốn Xị vừa nhặt lá mơ lông, ngổ điếc, ngò tàu, lát chuối hột với riềng tươi, sả thái mỏng cho vào chén, vừa tâm sự:

-Thiệt tình tui không nói nịnh chú em đâu. Trong cái xóm Nhà cháy này chú em là người có tư cách để tui quý trọng. Còn cái đám bầy hầy, tham nhũng vặt như lũ lý trưởng, trương tuần, giá trị của chúng không đáng ba xu.

Lão gắp miếng dồi chó chấm mắm tôm cho vào chén rau đã chuẩn bị sẵn, lùa tất vào mồm nhai nhóp nhép. Nuốt xong thứ hỗn hợp đậm đà hương vị ấy, lão nâng ly rượu cụng vào ly tôi rồi ngửa cổ đánh “tróc” một phát, bật ra tiếng “khà”.

Thực tình mà nói, tôi rất khoái cách nhậu thịt cầy đúng quy trình của lão Bốn. Lão tiếp:

- Nhớ lại trận lụt hồi năm ngoái, bà con xóm Nhà cháy ai cũng thiệt hại nặng nề. Nhưng khi hàng cứu trợ về, bọn chúng cấu kết phân phát hết cho bà con nội ngoại nhà nó. Đến khi bị dân phản ứng, nhắm nuốt không trôi, chúng nôn ra toàn là gạo mọt mốc; chăn mền bốc mùi khăm khẳm; mỳ tôm bột ngọt toàn hàng giả lại quá hạn sử dụng. - Lão lấy muỗng múc nước mẻ chó đưa lên miệng húp đánh “chụt”, tiếp - Năm nay lại sắp vào mùa lũ lụt rồi...

Tôi cắt lời lão:

-Chuyện qua rồi chú Bốn. Họ đã bị kiểm điểm trước quần chúng rồi. Nhắc lại làm gì cho mất tình làng nghĩa xóm.

Lão Bốn nhón tay bốc miếng dồi, lấy lá mơ cuộn tròn chấm mắm tôm cho vào miệng nhai nhóp nhép, nói:

- Ừ, mà thôi, bỏ qua chuyện cũ. Nhưng tui hỏi chú, dưới gầm trời này đã có nơi nào mở trường lớp đào tạo nghề thợ liệm chưa? Vậy mà lâu lâu thằng trưởng phố cứ đến hỏi tui bằng cấp, chứng chỉ hành nghề...

Nghe lão nói, tôi bật cười:

- Tiên sư mấy thằng nhiễu sự!

Lão Bốn ấm ức:

-Hồi còn trong quân đội, có ngày tôi tắm rửa, thay quần áo, xức nước hoa cho gần vài chục lính mình trước khi đưa họ sang thế giới bên kia mà có ai hỏi tui bằng cấp, chứng chỉ hành nghề đâu... Tiên sư bà cố tổ bọn đểu cáng!

Tuy ăn nói bỗ bã, sống nhờ vào nghề thợ liệm, càng có nhiều người chết cuộc sống của lão càng khấm khá, nhưng trong quá trình hành nghề, lão xử sự rất có tình, có lí. Thân nhân người quá cố thuộc thành phần giàu có, lão lấy tiền sòng phẳng; thường thường bậc trung, lão lấy giá phải chăng; thân nhân nghèo, nhất là trẻ con qua đời lão không bao giờ lấy tiền. Lão coi bà con chòm xóm như người thân trong gia đình. Ai gặp khó khăn, hoạn nạn, tùy theo khả năng, lão nhiệt tình giúp đỡ.

Một đận, xóm tôi bị hỏa hoạn. Lửa cháy rần rật sắp lan sang ngôi nhà của chị Hai Dần. Sáng hôm đó, sợ thằng con sáu tuổi sang nhà hàng xóm quậy phá nên chị nhốt nó trong nhà, khóa cửa lại trước khi vào thành phố làm nghề phụ hồ. Lúc ngọn lửa lan sang nhà chị Hai, thằng bé bên trong khóc thét lên. Nhiều thanh niên đứng bên ngoài nhìn vào, tỏ ra bất lực.

Lão Bốn lập tức phá cửa xông vào đám khói mịt mù, bế thằng bé đang ngất xỉu ra ngoài. Lão bị cây xà nhà rơi xuống đập gãy xương bả vai, phải nằm viện bó bột gần nửa tháng. Càng về già, bả vai lão cứ trở trời là đau nhức. Tuy làm cái nghề dưới đáy xã hội, nhưng nhân cách của lão Bốn ăn đứt bọn quan chức vô lương, vô đạo.

Lão Bốn Xị định rót rượu vào ly, tôi ngăn:

- Thôi chú, cháu đủ rồi. Mà chú cũng nên thôi đi.

Lão sửng cồ:

- Chú biểu tui thôi là thôi thế nào? Năm mười lăm tuổi tôi được bạn nhậu phong danh hiệu Bốn Xị. Nhưng chú coi nè – Lão kiểm lại các xị nằm lăn lóc trên mặt bàn, tiếp – Chưa đầy hai xị rưỡi. Chú phải uống với tui một bữa. Chiều nay không say không dìa…

-Thôi chú, cháu vừa đủ rồi. Chú cũng thôi đi. Tuổi chú rượu nhiều không tốt đâu. Chú biết rồi đấy, khỏe như Hai Khỏe cũng vì rượu mà chầu trời sớm.

Tôi nói xong câu, chú Bốn đứng lên vỗ bàn đánh “cạch”, lớn tiếng:

- Ai nói với chú Hai Khỏe chết vì rượu hả?

- Thì bà Hai Khỏe đã nói hôm đám tang mà.

Lão cãi nổi gân cổ:

-Láo! Con mẹ này láo. Chính tui liệm cho đám này mà không biết nguyên nhân gây ra cái chết của Hai Khỏe à?

Từ hôm Hai Khỏe chầu trời đến nay cũng gần giáp tháng. Nhưng nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột cho một quan chức vừa mới về hưu non vẫn còn là ẩn số. Nghe Bốn Xị khơi gợi câu chuyên cũ, tính tò mò của tôi bật dậy. Tôi chủ động vừa nâng ly cụng vào ly lão Bốn, vừa hỏi:

-Tại sao Hai khỏe đang sung sức lại đứt bóng đột ngột vậy chú?

Chú Bốn nâng ly Bàu đá lên ngửa cổ “tróc” một phát, thả ra tiếng “khà” rồi chồm người qua mặt bàn, đưa năm ngón tay như móng vuốt chim ưng bấu mạnh vào vai tôi lắc lắc mấy cái, hỏi khẽ:

-Hỏi thiệt chú em nghe. Hồi giờ chú em đã nghe nói đến chứng thượng mã phong chưa?

Không đợi câu trả lời, lão Bốn giải thích:

- Thượng mã phong là ngoẻo trên bụng đàn bà đang khi lâm trận ấy mà. Khà khà khà…. Mà cũng phải thôi, con vợ của lão Khỏe trẻ đẹp hấp dẫn quá trời luôn, thằng đàn ông nào thấy cũng mê tít...

-Mà sao chú biết ông Hai Khỏe chết vì bị thượng mã phong?

Lão Bốn nói oang oang:

-Thì trong lúc lo hậu sự tui thấy cái của quý của lão...

Tôi cắt ngang lời chú Bốn:

-Chú bớt bớt vô-lim một chút kẻo chị Bảy Béo...

-Sự thật là vậy. Sợ đếch gì. Đến giờ thay quần áo chuẩn bị nhập quan, của quý của Lão Khỏe cứ cứng đơ, dựng đứng như trụ cờ. Trước đây tui cũng có gặp vài trường hợp, nhưng chỉ cần phun ngụm rượu là thằng nhỏ xụi lơ, mềm oặt. Còn thằng này khỏe như chính tên chủ nó. Đổ một xị rượu, xoa nắn đủ cách mà nó vẫn cứ cứng đơ, dựng ngược như khúc củi gộc. Sắp đến giờ nhập quan, tui dùng sợ dây vải buộc chặt thằng bé bự vào bắp đùi. Nhưng mới vừa buông tay nó lại bật lên dựng đứng như cũ. Bó tay. Tui kéo cái quần lên phủ kín rồi bê cái xác của lão đặt ngửa trong quan tài, đậy nắp. Cũng may, trong quá trình làm hậu sự không ai để ý. Hi hi hi…. Vậy là tui đã hoàn thành nhiệm vụ chủ giao.

Vậy là cái chết đột ngột đầy bí ẩn của lão Hai Khỏe đã được giải mã. Tôi hỏi:

-Nghe nói người chết vì thượng mã phong phải đặt xác nằm úp trong quan tài mà chú?

-Nằm úp. Không những nằm úp mà còn khoét một cái lỗ giữa đáy áo quan rồi cho cái của quý lòi ra bên ngoài mới được đưa đi chôn.

-Trường hợp lão Hai bị chôn ngửa thì sao?

Lão nói tỉnh queo:

-Thì con trai của người quá cố cũng chết vì chứng thượng mã phong như cha nó. Cha nào con nấy mà…Ấy là nghe người ta kháo nhau trong lúc trà dư tửu hậu chứ cũng chưa biết đúng sai.

Đến đây, cũng nên dành mấy dòng về lão Hai Khỏe.

Vợ chồng lão Khỏe về định cư tại khu phố này chưa được nửa năm. Nghe nói Hai Khỏe là một quan chức có cỡ trên thành phố. Ở đời, có chức là có quyền lợi. Chức càng lớn, quyền lợi càng khủng. Hai Khỏe có nhiều biệt thự, vi-la trên thành phố. Do bị dính vào mấy vụ lùm xùm đất đai gì đó nên bị cho về vườn trước tuổi nghỉ hưu.

Lão giao tài sản cho các con, vợ chồng đưa nhau về hưởng nhàn trong ngôi biệt thự của một đại gia mạt vận bán lại với giá bèo. Mới gặp vợ chồng lão lần đầu ai cũng tưởng là hai cha con. Vợ lão rất trẻ, trẻ hơn lão đến vài mươi tuổi. Biệt thự của vợ chồng lão luôn kín cổng cao tường, dù liền kế với xóm Nhà cháy. Vợ chồng Hai Khỏe chẳng bao giờ tiếp xúc với đám dân đen xóm Nhà cháy. Ngay cả việc thăm hỏi, động viên thân nhân người qua đời, người gặp cơn hoạn nạn cũng không. Mỗi sáng vợ chồng lão mang vợt chở nhau đến sân tê-nit, chiều đưa nhau ăn đặc sản. Đi du lịch trong nước, ngoài nước của vợ chồng lão như người xóm Nhà cháy đi chợ.

Có lần thoáng thấy vợ chồng Hai Khỏe, lão Bốn chửi đổng:

- Tiên sư bà tổ cô nó. Dân vắt từng giọt mồ hôi nuôi nó, nó lại xem dân như cỏ rác!

Một buổi sáng, chính mắt tôi trông thấy vợ chồng Hai khỏe chơi tê-nít về có ghé quán của chị tôi mua năm quả trứng gà tơ với bao ba số. Buổi trưa cùng ngày, nghe bên biệt thự của Hai Khỏe có tiếng kèn đám ma ai oán, nhịp trống khua dồn. Cả xóm Nhà cháy náo động với hàng loạt câu nghi vấn: Ai chết? Ông Hai hay bà Hai? Tại sao lại chết? Đột quỵ? Té ngã chấn thương sọ não? Mới vừa gặp sáng nay lại vội ra đi như người bị dịch Corona! Khoảng xế chiều mới biết đích xác là ông Hai Khỏe qua đời vì món rượu bổ.

Thời buổi thông tin hiện đại có khác. Ông Khỏe chết lúc gần 9 giờ, xế chiều bạn bè trên thành phố đã có mặt đông đủ. Hỏi về nguyên nhân cái chết đột ngột của chồng, bà Hai thỏ thẻ:

- Sau bữa ăn sáng, như mọi ngày, anh Hai uống thêm vài ly rượu bổ. Rượu xong, anh bảo chóng mặt, đi nằm, vài phút sau là đi luôn, không kịp trăng trối, dặn dò!

Nghĩa tử là nghĩa tận. Mặc dù lúc sống không mặn mòi gì, nhưng bà con xóm Nhà cháy vẫn mang tiền, nhang đèn đến phúng điếu người quá cố. Đưa tang Hai khỏe có vài ba chiếc xế hộp, thêm chiếc xe ca nhưng rất ít người ngồi.

Sau khi được lão Bốn Xị vén tấm màn bí mật về cái chết đột ngột của một quan chức vừa mới hưu non, tôi nghĩ, người như Hai Khỏe chết kiểu nào cũng là sự giải thoát, còn hơn sống bằng sự dối trá, ích kỷ chỉ để sung sướng cho riêng mình. Sống như thế sẽ bị người đời nguyền rủa.

Đời là cõi vô thường không biết đâu mà lần. Cuộc rượu của tôi và Lão Bốn vào buổi chiều hôm đó tại quán chị Bảy Béo là bữa rượu cuối cùng. Rất tiếc, cuộc rượu lần này không được nghe lão hát bài chòi, bài Trách thân, bài hát ruột của lão Bốn.

Chiều ngày hôm sau, lão Bốn vĩnh biệt xóm Nhà cháy về cõi xa xăm!

Chiều chạng vạng. Sau khi tiễn đưa một người dân xóm chài về nơi an nghỉ cuối cùng, lão Bốn Xị thong thả đạp xe men theo bờ sông trở lại nhà. Đến gần đầu cầu Hà Thanh số I, lão Bốn nghe có tiếng người đứng trên bờ kêu cứu thất thanh. Nhìn xuống dòng sông thấy có người đang lặn ngụp giữa dòng nước đặc quánh phù sa. Lão Bốn ném vội chiếc xe đạp, nhảy ùm xuống sông, bơi lại chỗ thằng bé, nắm lấy cổ áo nâng lên cho khỏi bị sặc nước, chân và cánh tay còn lại, lão cố quẫy đạp để chống lại dòng nước dữ.

Lượng sức không thể tự đưa được thằng bé vào bờ, lão lấy sức kêu cứu. Rất may, một chiếc xuồng câu gần đó vung dầm lao về phía lão. Đưa được thằng bé lên lòng xuồng cũng là lúc lão Bốn hoàn toàn kiệt sức. Lão định đưa tay bám lấy thành xuồng, nhưng cánh tay bị đau nhức bám hụt. Lập tức, dòng nước đỏ quạch phù sa từ thượng nguồn cuốn lấy người lão Bốn, đẩy ra cửa biển.

Bất lực trên chiếc xuồng câu mong manh, người chủ xuồng chỉ biết kêu cứu. Dù trời nhá nhem tối, ngư dân hai bên bờ sông vội nhảy xuống ghe, nổ máy xả hết tốc lực lao về phía có mái đầu bạc trắng đang lặn ngụp. Nhưng tất cả đã quá muộn.

Dòng sông Hà đã nhấn chìm lão xuống tận đáy.

Đêm tối mịt, ngư dân bật đèn pin, bủa lưới tìm thi thể lão. Gần nửa đêm, họ ra về trong vô vọng.

Ba ngày sau, một dân chài ở khu I phát hiện xác của lão Bốn còn tươi rói tấp vào chân cầu Hàm Tử.

Đám tang lão Bốn Xị được dân xóm Nhà cháy tổ chức trọng thể.

Hôm đưa lão Bốn ra nghĩa trang, vòng hoa không nhiều nhưng kèn trống, cờ phướng rợp trời. Bà con già trẻ, gái trai xóm Nhà cháy và mấy xóm lân cận đều đến tiễn lão về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn đưa tang dài hàng cây số.

Trong đám đưa tang, nhiều người khóc sụt sùi như đang đưa chính người thân của mình về cõi thiên thu…

T.Q.L