Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2023

Hơn 50 năm trước, có một nữ phóng viên

Hà Nhật

Hơn năm mươi năm trước, tờ báo Quảng Bình mỗi tuần chỉ ra mấy kỳ, số phóng viên đã ít, nữ phóng viên hình như chỉ có một người. Và tôi có quen cô ấy, dù chưa được coi là thân thiết. Tên cô ấy là Nguyễn Thị Thanh Xuân.

Còn nhớ cái mùa hè 1972 khủng khiếp ấy trên đất Đồng Hới: Cứ ba tiếng đồng hồ là một đợt bom B52 rải thảm. Cứ mỗi lần nhìn thấy 3 chiếc máy bay lừng lững bay tít trên trời cao từ phía Tây, ấy là cái chết đang chờ rải thảm, mỗi đợt bom đúng 7 giây, đợt này sang đợt khác không khách khí chút nào.

7 giây! Nhưng sao mà dài thế, cứ như vô tận! Cứ sau bảy giây, như phản xạ, tôi lại đưa tay sờ khắp người mình xem có máu me gì không! Không có tí máu nào. Yên trí! Rồi lại 7 giây, 7 giây, cho hết ba lần bảy. Lạ một điều: Giữa trận bom, chỉ thấy khói bụi mù mịt, mà không nghe thấy tiếng bom! Và cũng không hề có cảm giác sợ hãi. Mỗi đợt có ba lần 7. Và mỗi ngày từ sáng sớm đến chiều hôm, có những bốn đợt! Đồng Hới ngày ấy, nếu nhìn từ trên cao, chắc chắn phải giống như trên mặt trăng.

Chân dung

Chân dung nhà báo liệt sỹ Nguyễn Thị Thanh Xuân

Rồi tháng 9, đã đến ngày khai trường. Gần cuối năm 1972, tôi nhận nhiệm vụ dắt một lớp 10 của trường cấp 3 Đồng Hới đi từ Cộn, khi men đường biển, khi leo đèo, vượt núi, qua Ba Trại, qua đèo Lý Hòa, vượt sông Gianh, những chốn được gọi là cửa tử, 3 ngày tròn, đến được một làng quê là xã Quảng Hòa. Ngóng về phía Nam, Đồng Hới đang căng mình chờ những trận bom B52 và những đợt ca-nông từ biển.

Thật ra, suốt ngày cũng chẳng có việc gì làm. Tôi chỉ có một việc rất quan trọng: Giữ cho học trò không trốn về lại Đồng Hới. Rồi một chuyện bất ngờ đến: Một buổi tối, một tốp máy bay B52 rải bom san phẳng cả một làng của xã Quảng Sơn, ngay bên cạnh. Cả ngày hôm sau, theo nhiệm vụ, tôi chỉ làm một việc là nghe ngóng và ổn định tinh thần cho học trò của mình. Đến ngày sau đó, từ sáng sớm, tôi cùng mấy giáo viên trẻ nhận nhiệm vụ đến Quảng Sơn. Ôi, cả một vùng tan tác, có lẽ còn ghê gớm hơn trên sao hỏa! Không còn một mái nhà, tất cả bị chôn vùi dưới lớp đất ngổn ngang cao cả mét!

Ba anh em tôi được giao công việc: Hôm qua, chỗ này đã tìm thấy sáu người, cùng ngồi quanh mâm cơm. Thiếu cậu bé, chắc lúc ấy mới về, đi từ ràn bò (chuồng bò) vô nhà. Các anh cứ tìm cái lối từ ràn bò vô, chắc là có! Chao ôi, đâu là cái ràn bò, đâu là cái lối từ ràn bò vô nhà? Ba anh em cứ cuốc vào lớp đất dày với hy vọng mơ hồ. Bỗng, như có sức cản, tôi bỏ cuốc ra, rồi quỳ xuống, dùng tay bới. Lộ ra bàn chân của em bé khoảng 10 tuổi. Tôi cảm thấy cái chỗ ấy như còn đau. Xót xa quá, tôi nói hơi to: Xin lỗi cháu nhé. Chú vô ý quá. Cháu tha lỗi cho chú! Sau đó, hai bàn tay tôi đã moi tất cả lớp đất dày rồi ôm cháu lên. Cũng tự tay tôi lau rửa, mặc áo mới và đặt cháu lọt thỏm vào chiếc áo quan.

Bàn giao việc này xong, tôi lại tiếp tục với việc khác: Bới đất tìm xem có vật dụng gì của ngôi nhà này. Choáng váng đến muốn ngã quỵ: Tôi tìm thấy một cái ba lô, kiểu bộ đội Trường Sơn. Rồi ngay từ cái túi bên ngoài, một quyển sổ tay hé ra. Trời đất ơi, tôi mới gặp cô ngày hôm trước kia mà! Đau quá! Đau hơn nữa, là vào cái buổi chiều gặp ấy, tôi đã rất ngu muội. Cảm thấy cô có vẻ kiêu kỳ (con gái đẹp thì kiêu kỳ là chuyện thường phải không?), tôi đã nói mấy lời khá cay đắng. Hai đứa chia tay không vui vẻ gì.

Tối đó, ngồi một mình, tôi thấy rất hối hận. Nhất định đến lần gặp lại, tôi phải xin lỗi cô ấy! Phải xin lỗi! Thế mà giờ đây, nhìn thấy chiếc ba lô, tôi chỉ còn một việc có thể làm được là khóc nấc lên, khóc cho cô ấy, cũng là khóc cho sự ngu dại của mình! Có những việc tốt không kịp làm, chẳng bao giờ làm được! Có những điều ngu dại, không kịp sửa, không bao giờ sửa được!

Chiếc ba lô ấy là của Nguyễn Thị Thanh Xuân, phóng viên Báo Quảng Bình! Di hài em đã được tìm thấy từ sớm. Nhưng chiếc ba lô thì chắc em giữ lại để cho tôi nhận biết là em đây. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã nằm lại với mảnh đất này, nằm bên bờ sông Gianh rất đẹp của quê hương em! Hàng năm, ngày giỗ của em là ngày 28 tháng 11 âm lịch. Em sinh năm 1949, mất năm 1972. Em còn trẻ quá, mới 23 tuổi!