Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2023

Hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy bản sắc tôi

Inrasara

1. “Bản sắc” cùng với “truyền thống” là khái niệm được dùng dày đặc, khi nhắc tới văn hóa, thời gian qua. Toàn cầu hóa, thế giới càng phẳng thì con người càng đi tìm bản sắc, như là điều cấp thiết không thể bỏ qua.

Vậy, thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn?

Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Cham? Nó được người Ấn mang tới hay do nghệ sĩ Cham nào đó viễn dương qua Ấn Độ nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã hủy phá nhiều, rất nhiều – “tiếp thu sáng tạo”, như chúng ta dễ dãi nói thế. Trong hành động “phá” này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần “phá” càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.

Như vậy, bản sắc đa phần là cái đang chuyển động hình thành chứ không/ ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, kẻ sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về là dũng cảm, dám và biết “phá” càng dũng cảm trăm lần hơn. Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc (cũ), ta đã tự cách li và cô lập mình với thế giới xung quanh. Để rồi, chẳng nhích lên tới đâu cả!

Bản sắc là cái khác của vùng miền/ dân tộc này so với vùng miền/ dân tộc kia.
Hỏi Cham (hay Việt Nam) có ai đã nêu bật hết các bản sắc kia chưa? Câu trả lời thành thật nhất: chưa! Ta chưa học tập ông bà, chưa học tập các dân tộc trên đất nước Việt Nam thì làm sao nói đến học thế giới?!

Và, tại sao không sáng tạo?

Nếu chỉ khám phá mình như là mình thì đã đủ chưa? Nếu chỉ gom góp để bảo tồn, chúng ta sẽ làm kẻ giữ kho của cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới. Vẫn còn là chưa đủ, khi ta nhìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc như là bất di bất dịch. Vì ngay bản sắc cũng là các sáng tạo trầm tích qua nhiều thế hệ. Có thể nói đấy là tiếp thu và sáng tạo được ông bà ta chia ở thì quá khứ. Thế hệ đến sau sẽ gọi là bản sắc điều ta đang dốc sức sáng tạo hôm nay. Bản sắc không chịu dừng lại ở những gì đã có, không cứ mãi vuốt ve lòng kiêu hãnh qua bảo vật ông bà để lại mà phải dám làm ra sản phẩm mới, có đóng góp mới.

Một khi ta còn giữ được tâm hồn Cham, suy tư Cham thì bất kì làm gì, Cham tính trong ta vẫn biểu hiện. Dù ta lấy vợ Pháp, hát nhạc pop, sáng tác thơ tự do bằng tiếng Việt hay phiêu lãng đến cùng trời cuối đất đi nữa.

Văn chương không chủ ở số lượng. Nếu bạn góp thêm một Akayet Dewa Mưno hay một Ariya Glơng Anak mới thì văn chương Cham chẳng vì thế mà mập lên. Cuộc sáng tạo đòi hỏi bạn phải làm khác, ở hôm nay. Chính cái khác này quyết định sinh phận của văn chương và ngôn ngữ dân tộc ngày mai.

2. Như đã nói, bản sắc là cái KHÁC biệt so với bên cạnh. Văn chương Cham có gì khác biệt? Một nhà dân tộc học nổi tiếng Paul Mus ở tiền bán thế kỉ XX cho văn học Cham có thể chỉ tóm gọn trong 20 trang giấy. Nghĩa là: chẳng có gì đáng nói cả!

Tôi đọc nó năm 15 tuổi, tự ái dân tộc, nên quyết đi tìm. Lúc đó văn học Cham chưa được biết đến, hoàn toàn chìm trong vùng mờ của kí ức cộng đồng. Sau 30 năm tôi đã tìm được, và gọi tên lên. Tất cả thể hiện trong bộ Văn học Cham. Tạm kể bốn thứ:

Sử thi - Akayet Cham có xuất xứ từ/ mang âm hưởng Mã Lai/ Ấn Độ được viết vào thế kỉ XVI-XVIII, là sáng tác thành văn đặc trưng Cham, một hiện tượng không có trong văn học sử Việt Nam. Nữa, Cham sở hữu bốn sử thi nổi tiếng; nhưng khác với các dân tộc anh em ở Tây Nguyên như Êđê hay Bana… sử thi Cham đã được văn bản hóa từ thế kỉ XVI. Sử thi Cham còn khác Ấn Độ ở sự thể mọi chi tiết tập trung vào sự phát triển của câu chuyên, ngoài ra không gì thêm thừa. Càng không có khoảng dừng để kể lể về phong tục tập quán.

Ba Trường ca - Ariya trữ tình nổi tiếng mà nội dung mang chở sự đối kháng quyết liệt giữa Hồi giáo – Bà-la-môn giáo dẫn đến đổ vỡ và cái chết, cũng là một dị biệt khác. Người Việt cũng có truyện thơ, nhưng ở đó không có sự đối kháng mang tính ý thức hệ ở tầm thế giới. Khác là vậy.

Cham có hai trường ca triết lí: Ariya Nau Ikak (Thơ đi buôn) và Jadar (Thằng Chôn) rất độc đáo, có trường ca thế sự, vân vân. Ở đó thấy có mặt nhiều thủ pháp nghệ thuật khá hiện đại.

Về hình thức, Cham có thể ‘ariya’ mà tôi tạm dịch là lục bát Cham. Đây là thể thơ như lục bát Việt, nhưng nó linh hoạt trong cấu trúc hơn, nên khả năng sáng tạo lớn hơn. Đến nay chưa có nghiên cứu nào xác minh dân tộc nào vay mượn dân tộc nào. Chỉ biết rằng ariya - lục bát có đó, làm phong phú nền văn học Cham và Việt xưa và nền văn học đa dân tộc Việt Nam hôm nay. Bởi cấu trúc ngôn ngữ khác nhau (đa âm tiết/ đơn âm tiết là một trong những), nên lối phát triển hai dòng thơ đã có khác biệt nhất định.

Và gì nữa…

3. Sắm vai cụ non để thành tựu về nghiên cứu như thế, đúng “logic hình thức” thì tôi phải yêu thích cái cũ, cái ổn định, dẫn đến đóng thùng đứng giảng đường thành vị giáo sư mô phạm gõ đầu thiên hạ là nguy cơ khó tránh. Nhưng không.
Ngay từ thiếu niên, tôi bị cuốn hút kì lạ bởi những con người trời ơi (hoặc tôi nhìn họ theo hướng trời ơi). Ngày càng bị lôi cuốn. Không thể cưỡng.

Quang Dũng, Trần Dần, Bùi Giáng, Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện, Mai Thảo, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đăng Thường, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Quốc Chánh, Đinh Linh, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Lê Thị Thấm Vân, Nguyễn Viện, Bùi Chát, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Nguyễn Hưng Quốc, Hoàng Ngọc-Tuấn, Lê Anh Hoài, Lê Vĩnh Tài. Và…

Nghĩa là toàn những tay xu hướng phá hủy. Chỉ cần một câu thơ ngẫu nhĩ, một thái độ vu vơ, hay một phát ngôn (bừa bãi) của họ, cũng đủ cho tôi. Chắc chắn, tôi dấn thân vào phê bình qua gợi hứng từ họ, và vì họ.

Mang tinh thần tư tưởng Shiva: Phá hủy là sáng tạo; thêm: yêu mến những nghệ sĩ xu hướng phá hủy, phê bình (của) tôi đi vào cõi phá hủy là bất đắc bất nhiên.
Làm thế nào để triết lí với cây búa? – Nietszche hỏi, sau đó Nietszche nói tiếp (qua lời dịch Phạm Công Thiện): Chính lời lẽ im lặng nhất mới mang tới bão tố.
Nữa, quá trình dài làm cụ non (như biên soạn từ điển, nghiên cứu văn học cổ bị bỏ quên) thêm thái độ điềm tĩnh (hay quá khích đã được kiềm chế, vượt bỏ), thế nên – khác Nietszche –, tôi trì trì với cây búa của mình (xin chớ nhầm với loài búa của một “nhà nào đó”).

Chính xác: đó là Phê bình Khoan cắt bê-tông.

Khoan cắt vào thành trì định kiến thâm căn cố đế, vào quan điểm lỗi thời núp váy nỗi lạc hậu của bộ phận độc giả bị bịt mắt thời gian dài, vào vuốt ve xoa bóp vài thành tích bé con… Tóm: vào cố thủ sau mấy lô-cốt “truyền thống”, “bản sắc” như thứ bình phong che đậy sự giả tạo, nông cạn, hời hợt với đầy ý đồ.
Hành trình từ Phê bình Lập biên bản đến Phê bình (mang tính) khai phóng là những trận “khoan cắt” trì trì đó…

4. Hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy “bản sắc tôi”. Với tư cách con người, tâm hồn tôi đặc keo tinh thần văn chương Cham.

Với tư cách người nghiên cứu, tôi được coi là chuyên gia về văn học Cham.
Với tư cách nghệ sĩ sáng tạo, tôi phải hủy phá cả hai thứ, bằng phương thức tiệm ngộ…

Khi vài bạn văn Việt nhận thấy “thơ Inrasara Việt quá, không tìm đâu ra thấy bản sắc Cham ở đó”. Còn một tác giả Cham trên một đặc san Cham hải ngoại quyết rằng độc giả Cham cảm thấy “khô cằn, xa cách và không rung cảm” với các tập thơ của Inrasara.

Dù người trước phê bình “nói mò”, còn người sau thì “nói giùm”, lạ là họ lại khá đúng.

Bởi hành trình viết của tôi là hành trình phá hủy bản sắc tôi, nghĩa là bản sắc văn chương Cham trong tôi.

Cho dù thơ tôi có đến 80% mang chứa đề tài Cham, thi liệu và tâm cảm Cham, tôi vẫn phải từng bước hủy phá “bản sắc” Cham, bằng thủ pháp nghệ thuật khác nhau, cách nói khác và mới.

Nếu Tháp nắng (1996), Sinh nhật cây xương rồng (1997), Hành hương em (1999) tôi dừng lại ở thủ pháp tiền hiện đại, thì ở Lễ Tẩy trần tháng Tư (2002): tôi dấn vào hiện đại, và một phần hậu hiện đại. Còn Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài Tân hình thức (2006): là thủ pháp hậu hiện đại và tân hình thức. Ở tập này tôi sử dụng “thi pháp đời thường” (chữ của Khế Iêm) để kể toàn chuyện đời thường Cham. Tôi cần phải đi xuống tận cùng tâm hồn Cham lần cuối cùng, để chuẩn bị làm cú NHẢY tối hậu.

Và tôi đã nhảy: Ở nơi ấy [thơ thời cuộc] (2012, tất cả đã đăng trên Tienve.org), tôi không còn liên can đến vấn đề, bối cảnh, đề tài, thi liệu… Cham nữa; còn thủ pháp thì thuần hậu hiện đại.

Cuối rốt, trường ca mới nhất: Sầu ca trên đồi cát Nam Kương (2014), tôi cắt đứt với thủ pháp của phong trào thơ nào bất kì nữa. Tôi cũng không quan tâm việc in hay đăng nó ở đâu. Tôi đã “sự sự vô ngại” với thơ.

Rời bỏ ruộng đồng quen thuộc, ngọn đồi thân thương

dong buồm vào hải đảo mù khơi bất trắc

người thủy thủ già đã không chở về mùa vàng thu hoạch

chỉ thấy bay lả trên cánh buồm khoảng nắng khoan dung

(Hành hương em, 1999)

Sài Gòn, 1-9-2016