Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

“Thiền luận” của D. T. Suzuki

Bộ ba quyển, nguyên tác Essays in Zen Buddhism, bản dịch Việt của Trúc Thiên (quyển Thượng) và Tuệ Sỹ (quyển Trung và quyển Hạ), Khai Tâm ấn hành, tái bản 2023.

Đã lên kệ phát hành tại Nhà sách Khai Tâm và Nhà sách Hương Tích.

Khổ sách: 15,5 x 23 cm

Số trang: 1202.

Bìa mềm: 720.000đ

Bìa cứng: 810.000đ

Thiền luận là bộ sách lừng danh của nhà truyền bá Thiền lừng danh: Suzuki Daisetsu Teitarō. Chữ Daisetsu trong tên ông là do thầy ông – thiền sư Soyen Shaku – đặt, đọc theo Hán Việt là Đại Chuyết (sự vụng về lớn), theo câu đại xảo nhược chuyết (tuyệt khéo mà như vụng về) trong Đạo đức kinh. Là cuốn sách đầu tiên trình bày Thiền cho người đọc phương Tây, Thiền luận của D. T. Suzuki hơn 70 năm qua là tài liệu không thể thiếu cho bất cứ ai muốn hiểu và học Thiền.

Thienluan-3quyen

Tựa tái bản của dịch giả Tuệ Sỹ

Nguyên nhân dịch Việt Thiền luận - quyển Trung (quyển II) như đã được trình bày trong tựa xuất bản lần đầu, nay cũng được in lại trong lần tái bản này.

Bản dịch Việt Thiền luận - quyển Trungquyển Hạ (quyển III) được thực hiện cách đây gần nửa thế kỷ. Trong quãng thời gian dài này, đã có quá nhiều biến đổi xã hội, văn học, tư tưởng đã xảy ra trên thế giới, và cho cả bản thân dịch giả. Vì vậy, việc duyệt lại những điều đã làm trước đây thật cần thiết.

Trước hết, bản dịch cần được duyệt lại cẩn thận trước khi cho ra mắt độc giả, sửa chữa những sai lầm nhất định phải có, và bổ sung những điều còn thiếu sót.

Tất cả chúng ta đều hiểu sâu sắc rằng một tác phẩm đối với một tác giả là đứa con tinh thần. Không ai muốn đứa con mà mình cưu mang xuất hiện trước công chúng với dị dạng, hay khuyết tật. Về phía dịch giả, hiếm có ai tự hào về một bản dịch hoàn chỉnh như ý tác giả mong đợi. Cho nên, mỗi lần tái bản, nếu điều kiện cho phép, dịch giả không thể khinh suất không duyệt lại bản dịch.

Bản dịch Việt khởi sự từ năm 1971. Trong thời gian đó, các phương tiện ấn loát, truyền thông tại Việt Nam đều bị hạn chế. Các fonts chữ Sanskrit không có; chữ Hán phải đúc chì, nhưng vì phần lớn là Hán cổ không phổ cập nên cũng có rất nhiều thiếu sót.

Những khuyết điểm về kỹ thuật tuy có thể không phải là điều làm giảm giá trị nội dung của tác phẩm, nhưng một ấn phẩm tương đối hoàn hảo khả quan về phương diện này vẫn mang đến cho người đọc nhiều cảm hứng thăng hoa.

Điều đáng nói ở đây là nguồn tài liệu tham chiếu trong khi phiên dịch. Độc giả khi đi sâu vào tác phẩm sẽ cảm nhận phong cách ngôn ngữ của Thiền. Ngôn ngữ sống động, đầy tính chất nghịch lý, với những hình tượng và ý tưởng bất ngờ; phiên dịch trực tiếp từ nguồn đã là điều khó, ở đây qua nhiều lớp trung gian tất khó tránh khỏi điều được gọi là “tam sao thất bản”. Ngôn ngữ Hán cổ, ngay dù phiên dịch lại Hoa ngữ hiện đại, khá nhiều trường hợp nghe ra ngây ngô, huống nữa dịch sang tiếng Anh, rồi từ tiếng Anh dịch sang tiếng Việt.

Nhắc lại điều này để thấy rằng trong khi dịch từ Anh sang Việt những Thiền ngữ, Thiền thoại được dẫn trong các tập Thiền luận của Suzuki mà không biết đến xuất xứ của chúng, tức phong cách ngôn ngữ Hán cổ của Thiền gia, bản dịch không chỉ phạm những sai lầm không thể tránh mà còn khiến độc giả hiểu lệch lạc, hay cảm xúc hời hợt, những điều mà tác giả Suzuki muốn giới thiệu. Tất nhiên đây là điều mà không tác giả nào mong đợi ở những bản dịch từ tác phẩm của mình. Cho nên người dịch trong điều kiện khả dĩ không thể khinh suất. Huống nữa, một tác gia, hay nói chí lý, một nhà tư tưởng lớn phương Đông trong thời cận đại, đã gây những ảnh hướng lớn không chỉ trong giới học thuật phương Tây, mà cả trong những lãnh vực văn học, nghệ thuật và triết học; tất nhiên những người tán dương đã nhiều mà những người công kích không phải không có. Đây là lý do khiến dịch giả cần phải cẩn thận duyệt lại bản dịch cách đây gần nửa thế kỷ.

Vì là một tác phẩm về Thiền tông trong bối cảnh tư tưởng Phật giáo Trung Hoa và những nước láng giềng có cùng ảnh hưởng, trong tác phẩm này độc giả sẽ thấy nhiều nhân vật thời danh, những vị khai sang những trào lưu tư tưởng Phật học mà nguồn gốc là từ Kinh điển Phật giáo trong văn hệ Phạn được phiên dịch sang Hán hệ. Mỗi hệ tư tưởng có phong cách diễn đạt riêng biệt sao cho ngôn ngữ của mình chuyển tải những điều ẩn áo từ Kinh Phật. Với nguồn tư liệu phong phú từ kho tang văn hiến Phật giáo đồ sộ trong Hán hệ mà tác giả dẫn và luận, người dịch không thể không tìm lại nguồn gốc để hiểu rõ hơn, những điều mà tiếng Anh, vốn là ngôn ngữ của tư duy toán học và luận lý học hình thức, không thể chuyển tải một cách khúc chiết, cô đọng, để cho độc giả tự cảm nhận và cảm xúc. Những đoạn văn này khi dịch trực tiếp sang tiếng Việt, nhiều khi ngây ngô, nghe buồn cười, như học sinh lớp bảy tập làm luận văn.

Điều khó khăn cho dịch giả là tác giả dẫn dụng thuật ngữ và văn cú qua phiên dịch tiếng Anh mà không ghi rõ xuất xứ, nhiều lắm là chỉ ghi danh tác phẩm được trích. Những tác phẩm này thường có độ dài rất lớn, không thể phớt qua mà dễ dàng tìm thấy từ ngữ hay đoạn văn mong muốn.

Trong hoàn cảnh trước đây, với những phương tiện hạn chế, để tìm lại nguồn chính trong các văn bản nhiều khi là bất khả. Thế nhưng, ngày nay, với những tiến bộ trong kỹ thuật ấn loát, cũng như có khá nhiều phương tiện truyên thông, công cụ để tìm kiếm tương đối dễ dàng hơn trước. Thư tịch tham khảo trước đây trong hoàn cảnh chiến tranh thật là nghèo nàn. Nay với mạng lưới truyền thông mang tính toàn cầu, muốn sưu tầm tư liệu từ trong thư viện các Viện Đại học và các quốc gia, như Thư viện Quốc hội Mỹ chẳng hạn, hoặc trong danh mục phát hành của các nhà xuất bản trên thế giới, như Amazon.com chẳng hạn; điều này không phải quá khó.

Trong điều kiện thuận lợi như vậy, người dịch từ lâu muốn duyệt lại bản dịch của mình, nhưng vì những khó khăn của bản thân dịch giả trong quan hệ xã hội, nên mặc dù chỉ với hai dịch phẩm không phải là nhiều; dù vậy, nếu không được hỗ trợ, nhất là vấn đề nhập liệu văn bản, thì cũng không thể thực hiện điều mong muốn. Vài năm trước đây, có bạn đọc hảo tâm đã nhập liệu văn bản một phần trong Thiền luận dịch Việt quyển Hạ, gồm các luận về Thiền và Bát-nhã. Mới đây, nhà sách Khai Tâm có hảo ý cho nhập liệu văn bản nguyên cả hai quyển Trung và Hạ, tức Thiền luận II và III. Do thuận duyên này, người dịch bắt đầu duyệt lại toàn bộ, sửa chữa những chỗ sai lầm và nhảy sót, bổ túc những khuyết điểm, cắt bớt những đoạn phụ lục do dịch giả thêm vào để tham khảo nay xét ra dư thừa.

Tuy đã cố gắng rất nhiều, nhưng không thể do thế mà hy vọng có một bản dịch trung thực, dù chỉ gần mức trung thực. Điều này có nghĩa là, dịch giả, và cũng như số đông độc giả, mong đợi một bản dịch tương đối hoàn chỉnh hơn ngoài bản dịch này, để có thể hiểu rõ hơn những nguồn tư tưởng phương Đông đã tác động đến phương Tây như thế nào, báo hiệu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử tư duy triết học tôn giáo của nhân loại. Trên hết, là để tìm lại một vài dấu tích các Thánh Triết phương Đông đã đi qua, từ đó đi sâu vào cội nguồn sâu thẳm của tâm linh, nhìn thẳng vào bản thể của chính mình để thấy rõ ý nghĩa và giá trị tồn tại của ta và thế giới quanh ta.

Lời nói sau cùng ở đây, dịch giả chân thành gởi lời tri ân đến các bằng hữu đã hỗ trợ phương tiện, cùng với sự khích lệ của nhiều độc giả.

Cầu mong tất cả, lần theo dấu tích các Thiền sư và các Thánh Triết phương Đông, tìm thấy nguồn hỷ lạc vô biên từ nguồn sống trung thực của chính mình trong mọi sinh hoạt văn hóa và xã hội.

Sơ Hạ, Đinh Dậu, 2017

Tuệ Sỹ